Đại Học chăn Trâu




Thursday 11 February 2016

TRĂM NĂM XUÂN DIỆU




TRĂM NĂM XUÂN DIỆU

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thi hào Xuân Diệu

(2/2/1916 – 2/2/2016)
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Xuân Diệu (1963)
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Từ thuở ấu thơ, trong căn phòng đầy sách cùng hương hoàng lan của Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội hay dưới chân núi đá tai mèo Sài Sơn nơi tôi tạm xa gia đình để tránh bom khi không quân Mỹ đánh ra miền Bắc, tôi đã được người bác ruột, người cha nuôi ấy của tôi dạy thuộc lòng Truyện Kiều được mở đầu như thế.
Vậy mà ngày 2/2/2016 này, con người đã nhập môn cho tôi lẽ đời tinh kết trong khối kim cương tiếng Việt ấy của Nguyễn Du tròn “trăm năm”, cho dù đã là “thể phách” 30 năm có lẻ.

Xuân Diệu sinh ngày 2/2/1916 tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là kết quả của cuộc tình giữa ông “Tú Kép” Ngô Xuân Thọ, quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, dạy học tại Collège (trường trung học) Quy Nhơn, Bình Định và bà Nguyễn Thị Hiệp, con gái một nhà làm nước mắm khá giả vạn Gò Bồi. Xuân Diệu vẫn nói với mọi người: “Má tôi bảo tôi sinh ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn”.

Có thể đóng khung cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Diệu trong một chữ “TÌNH” viết hoa. Học đòi người xưa và với góc độ chủ quan của đứa con duy nhất của ông, tôi chiết chữ “TÌNH” của Xuân Diệu thành Tình Văn chương, Tình Bạn tri âm với Huy Cận và Tình Cha Con, Tình Ông Cháu.

Tình Văn chương
Xuân Diệu sinh ra là để làm thơ, bình văn.

Trong hồi ức của mình được Huy Cận cha tôi chép lại trong “Hồi ký Song Đôi”, Xuân Diệu cho biết: “Thầy Đoàn Nồng dạy ở Quốc học (Trường trung học Khải Định, Huế – CHHV) có mời tôi đến nói chuyện với học sinh ở trường. Trong khi thầy giới thiệu tôi thì thầy có nhắc đến một điều mà chính tôi cũng quên: “Xuân Diệu có một cái xúc cảm rất là khác, rất là lạ.

 Có một chiều hoàng hôn xuống, sao bắt đầu mọc, thầy trò đang đi chơi ở núi Phương Mai, thầy có hỏi học sinh tại sao sao lại mọc đông dần, nó như ẩn như hiện, như thế có thể so sánh với gì nhỉ. Có một người học trò bảo: “Tôi có cảm tưởng như đít nồi rang ấy, vì nồi rang rang xong đít còn nóng, đặt úp xuống thì có những chấm đỏ li ti hiện lên như sao mọc trên trời đầu hôm”. Người học trò ấy là Xuân Diệu, và lúc đó thầy đã bảo “Anh học trò này có một cái năng khiếu lạ”.

Vẫn Xuân Diệu cho ta biết thêm về “học trò có năng khiếu lạ” ấy:
Hãy biết rằng anh lúc ở trường
Rất tồi toán pháp, khá văn chương.
Chàng trai đi học nghe chim giảng
Không thuộc bài đâu, ấy sự thường.
Văn học Việt Nam đã chẳng phải đợi lâu, năm 1936, vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường “người thơ” Xuân Diệu đã xuất hiện trước công chúng một cách đầy chinh phục với thi phẩm “Với bàn tay ấy” đăng trên tuần báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn.
Với bàn tay ấy
Với bàn tay ấy ở trong tay,
Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày,
Một tối trăng cao gieo mộng tưởng
Vào lòng gió nhẹ thẩn thơ bay.
Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy.
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy.
Những lời huyền bí toả lên trăng,
Những ý bao la rủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
Bóng chiều đi vụt: bỗng đêm nay
Tôi lại đa mang hận tháng ngày
Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi
Dấu bàn tay ấy ở trên tay.

Trong một thư gửi Xuân Diệu năm 1936, Thế Lữ, vị thủ lĩnh đầy quyền uy của Thơ Mới lúc đó đang phụ trách mục Thơ của báo Ngày Nay, đã không tiếc lời khen ngợi: “Lúc nào nghĩ đến anh, hay nói đến anh trước mặt bạn hữu tôi đều thấy vui vẻ sung sướng như nghĩ đến, nói đến một thứ tài trong trẻo và có hy vọng rất nhiều. Nhiều lần tôi đọc thơ anh cho người khác nghe để giảng dẫn cho họ thấy những tình cảm rất tươi thắm mà chưa nhà thi sĩ Việt Nam nào phô diễn ra được. Tôi tin ở tài anh lắm và lúc nào cũng mong được đọc thơ anh gởi ra”. 

Thế nên không có gì là lạ khi trên số Tết 1937 của báo Ngày Nay Thế Lữ có bài viết giới thiệu “thứ tài trong trẻo và có hy vọng rất nhiều” ấy một cách vô cùng trang trọng: Một nhà thơ mới: Xuân Diệu. Rồi trong Tựa cho Thơ Thơ, tập thơ đầu tiên của Xuân Diệu do Nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn ấn hành năm 1938, vị thủ lĩnh Thơ Mới ấy lại giới thiệu Xuân Diệu với những lời lẽ ngập tràn ánh sáng: “Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như một tấm lòng sẵn ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp dưới chân, những hương sắc nẩy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. Thơ Thơ là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây, chúng ta đã có Xuân Diệu”.

Hoài Thanh, trong “Thi nhân Việt Nam”, cũng không kém cạnh khi tung hô Xuân Diệu: Nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới!
Gửi Hương Cho Gió, tập thơ thứ hai của Xuân Diệu do Nhà xuất bản Thời đại ấn hành tháng 5/1945, 7 năm sau Thơ Thơ, chính là cú hạ “đo ván” lối thơ cũ đặc trưng bởi niêm luật khắt khe và điển cố văn học Trung Hoa cổ. Vậy là với Xuân Diệu, Thơ Mới đã khẳng định “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” (Xuân Diệu) để đĩnh đạc bước lên bục Vinh quang, mở ra cả “một thời đại trong Thi ca” (Hoài Thanh) của nước Việt.

Kể từ “Với bàn tay ấy” xuất hiện trước nhân gian vào năm 1936 cho đến khi ông mất, Xuân Diệu đã là chủ nhân của một gia tài văn chương đồ sộ gồm 15 tập thơ với khoảng ba trăm rưởi bài trong đó Thơ Thơ và Gửi Hương Cho Gió phải nói là “toàn bích”, 30 tập văn xuôi, tiểu luận phê bình, thơ dịch. Đó là không kể hàng trăm bài thơ của ông còn nằm trong Di Cảo.

Xuân Diệu và con nuôi Cù Huy Hà Vũ tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội (1979)

Bác Diệu tôi thường bảo: “Vũ ơi, bác là người có tài. Trong bụng bác còn nhiều văn lắm, phải moi ra cho hết thì bác mới có thể chết được. Bác phải viết để mà chết”. 

Thế nhưng điều mà Xuân Diệu lo sợ nhất lại không phải là không kịp nhả hết tơ chữ “để mà chết” mà là sợ công chúng không còn cảm xúc trước văn chương. Vẫn trong hồi ức đã nêu, Xuân Diệu kinh hoàng thổ lộ: “Vừa rồi tôi đến nói chuyện thơ ở trường Hoàn Kiếm (trường trung học ở Hà Nội – CHHV), chị hiệu phó nói với tôi: “Bây giờ học sinh trường tôi nó không vui và nó cũng không buồn nữa”. Cái đó thật là nguy, cái gì đã làm khô cạn tình cảm của các cháu, tiêu diệt nội tâm, của các cháu?”

Tưởng như “một câu hỏi lớn không lời đáp” chỉ có ở “mặt chau” của tượng gỗ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” trong tuyệt tác cùng tên của Huy Cận sáng tác vào năm 60 của thế kỷ 20 thì thắc mắc đầy phẫn nộ trên đây của Xuân Diệu khi thế giới đã bước vào nửa cuối của thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, không lẽ vẫn là “một câu hỏi lớn không lời đáp”?!

Tình Bạn tri âm với Huy Cận
Tựu trường năm 1936, Xuân Diệu và Huy Cận gặp nhau lần đầu tiên ở trường “tú tài” Khải Định, Huế (Trường Quốc học – CHHV) khi Xuân Diệu vào học năm thứ ba và Huy Cận vào học năm thứ nhất. Huy Cận nhớ lại: “Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và “đồng thanh tương ứng”, kết bạn với nhau gần như tức khắc”. Vậy là với Xuân Diệu và Huy Cận, tình văn chương và tình bạn đã nhập thành một, còn nói theo thời thượng, là “hai trong một”. Cũng cần phải nói rằng tình văn chương không chỉ sản sinh tình bằng hữu giữa hai thi nhân mà còn là ngọn hải đăng cho tình bạn giờ đã thành bất hủ ấy.

Thực vậy, lẽ đời là khi thành bạn của nhau rồi thì người ta thường hay nể nang, thậm chí “đánh bóng” bạn mình quá mức trong mắt người đời, bất luận có thể phản tác dụng, gây những phiền toái không đáng có cho chính người mình trân quý. Chính vì rất hiểu “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau” như lời cổ nhân, vả lại muốn bạn mình “hữu xạ tự nhiên hương” nên Xuân Diệu đã có cách xử sự hoàn toàn khác.

Số là giáp Tết năm 1938, sau khi nhận được bài thơ Chiều Xưa của Huy Cận từ Huế gửi, Xuân Diệu, khi đó đã là thành viên Tự Lực Văn Đoàn nổi tiếng và đang làm việc cho chính tuần báo Ngày Nay của văn đoàn, đã gửi bài thơ ấy đến tòa báo tại 80 Quán Thánh, Hà Nội bằng đường bưu điện thay vì cầm đến gặp thẳng Nhất Linh (tên thật là Nguyễn Tường Tam), chủ soái văn đoàn đồng thời là giám đốc tòa báo, hay Thế Lữ, người phụ trách mục Thơ của báo với đôi lời giới thiệu với tư cách “người nhà” để bài thơ đầu tiên gửi đăng báo ấy của bạn mình chắc chắn được đăng. Cái gì phải đến sẽ đến, Chiều Xưa đã được Ngày Nay đăng cùng một khung với thi phẩm Cảm Xúc của Xuân Diệu trong trong số Tết năm 1938 và tất nhiên, không một ai trong Tự lực Văn Đoàn cũng như tòa báo biết được tình thân thiết giữa hai ông. 

Chỉ đến khi ấy Xuân Diệu mới điện Huy Cận ra Hà Nội để ông chính thức trình “làng” Tự Lực tại trụ sở báo Ngày Nay. Mới giáp mặt chàng trai quán sông La, Nhất Linh khen ngay: “Bài Chiều Xưa của anh hay lắm, rất cổ mà lại rất mới” rồi đọc một hơi bài thơ ấy trước sự ngỡ ngàng của tác giả và nói rằng Huy Cận cứ gửi thơ ra là Ngày Nay sẽ đăng. Còn Thế Lữ thì trách Xuân Diệu sao không đưa bài thơ ấy trực tiếp cho ông mà lại vòng vèo thế. Xuân Diệu thành thật: “Là vì tôi muốn xem giá trị thực của bài thơ thế nào chứ tự tôi đưa đến e mất khách quan”.

Cái tình Huy – Xuân ấy còn được cảm nhận rất rõ trong thư của Khái Hưng gửi Xuân Diệu ngay sau khi thi sĩ khăn gói vào Mỹ Tho làm tham tá nhà Đoan (đọc theo tiếng Pháp “Douanne”, nghĩa là quan thuế – CHHV) vì “Cơm áo không đùa với khách thơ”: “Anh đi Nam, chúng tôi thấy thiếu anh quá. Nói thực đấy, không khách sáo đâu. Nhất những hôm hội họp ở nhà anh Tam (Nhất Linh – CHHV) ai cũng bảo: “Thiếu có Xuân Diệu”. Nhưng có người tiếp luôn: “Đã có Huy Cận ăn hộ cả hai người”. Huy Cận, ai cũng coi như một nửa của linh hồn anh”.

Xuân Diệu và vợ chồng Huy Cận – Xuân Như trong chiến khu kháng Pháp tại Việt Bắc Và cũng chẳng có gì là lạ khi Xuân Diệu giành lấy việc chăm sóc gia đình của “nửa linh hồn” mình khi Huy Cận vào chiến khu kháng Pháp. Cha tôi bồi hồi: “Diệu về thăm quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh), về thăm gia đình tôi ở xã Ân Phú. 

Anh rất bí mật nói với mẹ tôi: “Anh Cận hoạt động cách mạng rồi bà ạ. Nếu cách mạng thành công thì không nói làm gì; nếu có điều gì chẳng may, thì con sẽ thay anh Cận cùng bà lo việc gia đình”. Mẹ tôi ứa nước mắt và anh Diệu đã giúp mẹ tôi một số tiền để trả nợ”.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, tháng 10 năm 1954 Xuân Diệu và bố Huy Cận và mẹ Xuân Như tôi được Chính phủ bố trí ở tại 24 phố Cột Cờ (nay là Đường Điện Biên Phủ), Hà Nội. Trong phòng Xuân Diệu có một cái ghế xếp. Mỗi khi đau đầu do viết văn nhiều quá, ông lại gỡ cặp kính hai tròng mà ngả người trên đó. Còn bố tôi, thường cứ 3, 4 giờ sáng là dậy để làm thơ và cứ được bài thơ nào là ông lại đi xuống phòng bác tôi để nhờ góp ý. Những lúc ấy, bác Diệu tôi biến cái ghế xếp thành ghế “khảo thí”. 

Còn bố tôi lẳng lặng lấy một chiếc ghế tựa đặt phía sau cái ghế xếp để ngồi đọc bài thơ vừa “ra lò”. Xuân Diệu mắt nhắm nghiền, im nghe. Chốc chốc ông lại bình, lại sửa, giọng sang sảng mà mắt vẫn nhắm. Được cái bố tôi không bao giờ “cãi”, cứ lẳng lặng chữa thơ theo ý Xuân Diệu. Xong, ông đọc lại cho Xuân Diệu thẩm định một lần nữa và cứ thế cho đến câu thơ cuối. 

Mà cũng phải thôi, Huy Cận không “cãi” Xuân Diệu không chỉ vì ông trọng nể người bạn tri âm của ông mà chính là vì Xuân Diệu là bậc thầy trong phê bình Thi Ca nước Việt. 

Thực vậy, chỉ các tập tiểu luận về các nhà thơ cổ điển Việt Nam (Ba thi hào dân tộc (1959), Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961), Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966, Thơ Trần Tế Xương (1970), Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982) cũng đã đủ đưa Xuân Diệu đăng quang ngôi “Ông Hoàng Bình thơ” bên cạnh “Ông Hoàng Thơ tình”, “Hoàng tử Thi ca” mà ông đã được người đời tấn phong trước đó. Trong bài thơ “Ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ”, Huy Cận đã không dấu diếm vai trò “khảo thí” ấy của Xuân Diệu.

Ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ

Đêm đêm trên gác đèn chong,
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay.
Dưới nhà bút chẳng rời tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ,
Bạn từ lúc tuổi còn tơ,
Hai ta hạt chín chung mùa trái trong.
Ánh đèn trên gác, dưới phòng,
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời.
Sáng ra gõ cửa: “Diệu ơi,
Nghe dùm thơ viết đêm rồi xem sao”.
Diệu còn ngái ngủ: “Đọc mau!
Nghe rồi, xem lại, từng câu mới tường”.
Dưới nhà trên gác thông thương
Dòng thơ không dứt giữa luồng tháng, năm…
Thế nhưng, bởi lẽ tạo hóa dòng thơ tưởng chừng thông thương không dứt ấy giữa hai thi nhân “bàn Nhất Thơ Mới” (chữ của Hoài Thanh) cũng đã phải dừng khi trái tim Xuân Diệu ngừng đập ở tuổi 69. Bố tôi nhớ lại cái thời khắc nghiệt ngã ấy: “Ngày Diệu mất, lúc 7 giờ 40 phút ở Hà nội thì đúng lúc ấy ở Dakar (Sénégal) là 12g40’ trưa, tôi bị xuất huyết nặng. Thần giao cách cảm: nhân điện của Diệu truyền thông cho tôi giây phút ấy. Ngày 19-12-1985, về đến Paris được Sứ quán ta báo tin Diệu mất, tôi sửng sốt, bàng hoàng, máu vẫn chảy vì xuất huyết nặng ở mũi. Tôi và con tôi (cháu Vũ) trong cơn đau đớn, cố trấn tĩnh để đi đổi vé máy bay về cho kịp đám tang, nhưng ngày 23 tôi về thì đã chôn Diệu ngày 21 rồi. Từ Paris tôi đánh 10 bức điện về Hà nội đề nghị chờ tôi về hãy chôn bạn tôi, nhưng không kịp”.
Khi hay tin Xuân Diệu mất thì tôi khóc òa như một đứa trẻ, còn Huy Cận cố kìm nước mắt để rồi khóc tiễn biệt “một nửa linh hồn” của ông bằng Thơ, bằng chính cái đã dẫn nhập ông với Xuân Diệu.
Diệu ơi Diệu đã về yên tịnh
Diệu ơi Diệu đã về yên tịnh
Cận hãy còn đây trăm xốn xang
Cận mới về thăm quê Nghệ – Tĩnh
Gặp tuần trăng sang ngẩn ngơ trăng.
Cận ra Thanh Hóa nằm bên biển
Biển lại dồn sao không phút ngưng
Diệu đã đi xa về tới bến
Cận đang biển động long lừng dâng.
“Hồi ký Song Đôi” đang viết dở
Hai chương tuổi nhỏ chép xong rồi.
Đời ta trang khép, còn trang mở
Cận viết đầy trang tay mới xuôi.
Biển lớn băng qua ấy biển đời
Biển vào vũ trụ ánh sao mời
Diệu dò thế giới bên kia trước
Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi.
Huy Cận đã sống lâu hơn Xuân Diệu đúng 20 năm: ông mất ngày 19/2/2005. Chắc hẳn cha tôi thanh thản lắm vì “Hồi ký Song Đôi” gồm 2 tập đã trọn vẹn ra mắt bạn đọc trước khi ông vĩnh viễn “xuôi tay”.
Tình Cha Con, tình Ông Cháu
Xuân Diệu – Huy Cận và vợ chồng Cù Huy Hà Vũ – Nguyễn Thị Dương Hà trong ngày cưới tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội (23/1/1983)
Mới một tháng tuổi tôi đã được Xuân Diệu nuôi làm con với sự đồng thuận tuyệt đối của bố mẹ tôi. Không chỉ bằng bình sữa, miếng cơm, ông nuôi tôi bằng cả hồn dân tộc. Chợt thấy mình bé lại, nằm gọn trong lòng Xuân Diệu mà thiu thiu trong điệu ví dặm “Phụ tử tình thâm” trĩu buồn của vùng quê Nghệ Tĩnh.
Phụ tử tình thâm
Công thầy rồi nghĩa mẹ
Đừng có tiếng tăm chi nặng lời
Đừng cả tiếng dài hơi
Nói mẹ cha sao nên
Mà cãi mẹ thầy sao phải…
Ơ… rồi một mai bách tuế ra cây úa lá vàng
Lá rụng cội đại ngàn
Con tìm mô được nựa
Mà con muốn tìm mô được nựa…
Từ ví dặm ông chuyển sang “Dạ cổ hoài lang” của miền Tây Nam Bộ trĩu buồn không kém.
Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau
Đường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…
Rồi vẫn bản cải lương ấy, ông lại dùng ký âm cổ nhạc để đưa tiếp tôi vào giấc ngủ.
Hò lìu xang xê cống
Líu cống líu cống xê xang
Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò…
Rồi ca Huế, ca Trù, ngâm sa mạc nữa… Điều đặc biệt là khi Xuân Diệu ca dân ca miền nào thì ông ca đúng giọng miền ấy. Sau này, khi tôi đã khôn lớn, bác Diệu tôi kể rằng hồi học ở Collège (trường trung học – CHHV) Quy Nhơn, ông gần như thành một anh đào hát của toàn trường. Bọn bạn học khi nào đói âm nhạc cứ gọi Xuân Diệu đến hát, thích dân ca miền nào thì ông hát dân ca miền ấy. Thành thử từ tấm bé, với Xuân Diệu, tôi đã thụ hưởng một cách đầy đủ “dân ca ba miền”, cả Bắc, cả Trung, cả Nam nước Việt. Bất luận thế nào, “chú cu Vũ” chắc chắn là khán giả nhỏ tuổi nhất của “tài tử” Xuân Diệu.
Xuân Diệu yêu thương tôi, luôn di dưỡng tâm hồn tôi, chăm chút cho tôi có thể nói đến từng miếng ăn… nhưng tất cả những điều này không có nghĩa ông thỏa hiệp với những khuyết điểm của con mình, như bỏ bê làm bài tập… Thực vậy, bên cạnh những bài tập của nhà trường, tôi còn phải làm những bài tập cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp mà Xuân Diệu giao nên khi tôi không hoàn thành thì ông giận lắm, đến mức dùng cả “nắm đấm” để uốn nắn tôi. Sau này tôi mới hiểu rằng khi thực hiện “nền giáo dục bằng nắm đấm” đối với tôi thì Xuân Diệu không đi ngoài nguyên lý “Yêu cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho ngào”của tiền nhân, cụ thể là của ông ngoại tôi. Mẹ tôi kể: “Con cái trong nhà, trừ mẹ là con gái, mà lơi là việc học là bị cụ Tú Thọ đánh roi dữ lắm”.
Không nghi ngờ gì nữa, chính nhờ sự giáo dục nghiêm khắc ấy của người cha nuôi của tôi mà sau này tôi nên người, tốt nghiệp đại học với vị trí Thủ khoa, được Bộ Ngoại giao tuyển vào làm việc. Xuân Diệu mừng lắm. Khi tôi yêu Dương Hà bạn học thuở đại học, Xuân Diệu hết lòng ủng hộ. Ông bèn làm một lễ đính hôn nho nhỏ để chúng tôi có thể sống cùng nhau ngay trong căn nhà của ông. Đầu năm 1983 tôi và Dương Hà thành hôn, Xuân Diệu nói: “Đạo làm người lấy Đức, Hiếu làm đầu. Vì vậy bác Diệu muốn đứa con đầu lòng của các cháu có tên là Đức. Nếu sau này các cháu có đứa con thứ hai thì đặt tên cho nó là Hiếu”. Đến 8/12 năm đó thì con trai đầu lòng của chúng tôi là Cù Huy Xuân Đức ra đời (đúng 5 năm sau, vào 23 – 12 – 1988, chúng tôi có thêm một cháu trai, Cù Huy Xuân Hiếu). Xuân Diệu càng mừng vì từ nay gia đình nhỏ của ông ấm thêm bởi sự có mặt của một thành viên nữa.
Cuối năm 1984, từ Bộ Ngoại giao tôi sang Pháp học. Thế là Xuân Diệu thay cả phần tôi mà cưng chiều Xuân Đức. Trong thư ngày 5/3/1985 gửi Huy Cận, ông viết: “Diệu đọc thư Vũ, xem ảnh Vũ, rất mừng Vũ tiến bộ và đang phát huy để thay thế Diệu vì gia đình Diệu chỉ có vợ chồng Hà Vũ và cháu Đức, Đức nó rất dễ thương, Diệu đi xa chỉ nhớ nó”.
Rồi trong thư gửi tôi ngày 25/3/1985, Xuân Diệu viết: “Vũ của bác Diệu. Bác tuổi Bính Thìn, nếu tính cả tuổi mụ, thế là 70, bác sinh tháng Chạp ta, nên thực chất là 69. Bác thấy yếu đi nhiều, dễ đau lắm; tuy nhiên khi viết xong bài văn rồi thì văn lại hay và sâu hơn trước kia. Thấy Vũ thành người trưởng thành, bác rất mừng, Vũ sẽ có kích thước của trí tuệ để tự phát huy đóng góp tốt đẹp cho xã hội, đồng thời có thể gánh vác cửa nhà thay cho bố Cận và bác Diệu. Thằng cu Đức rất đáng yêu. Hễ nó thấy bác Diệu, là nó khóc và đòi bồng… Nó rất dễ thương, cười rất được lòng mọi người. Nhưng ông Diệu vì vậy cũng mất thì giờ viết văn, tuy thế có vậy ông mới nghỉ dãn óc… Vũ thương yêu của bác Diệu. Người già cứ nghĩ đến con cháu, nó là tương lai của mình. Bác nghĩ tới Vũ nhiều lắm, và càng thương Vũ thì càng thương cu Đức”.
Xuân Diệu bế cháu nội Cù Huy Xuân Đức (1984)
Xuân Diệu ôi! Dẫu đứa con duy nhất của ông, Cù Huy Hà Vũ, đang tạm thời xa nhà đặng “đóng góp tốt đẹp cho xã hội” như ông hằng mong muốn thì vẫn còn đó Cù Huy Xuân Đức, đứa cháu nội mà ông yêu thương hơn cả bản thân mình, đang phấn đấu hết mình để “gánh vác cửa nhà” thay cho bố cháu, cũng tức là thay cho ông Cận và ông Diệu đấy!
Kết
Xuân Diệu từ văn đến đời, từ đời đến văn, thật đa diện, đa hướng. Cả trong nước lẫn ngoài nước đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông nên đưa ra một đúc kết về Xuân Diệu thỏa ý của muôn người là hoàn toàn không dễ. Chi bằng hãy lấy Xuân Diệu để tạm đúc kết Xuân Diệu.
Không Đề
Tôi nhận cái này đã từ lâu
Bây giờ nó tới, dẫu hơi mau
Đã không tránh khỏi thì tôi tiếp
Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu.
Ai có thích gì đi mãi mãi
Vô trong cái cõi chăng mô tê
Một khi cập bến vào vô tận
Thì đến vô biên chẳng trở về
Tuy vậy, tôi đã sống hết mình
Suốt đời không một phút coi khinh.
Tôi coi trọng nhất khi làm việc
Họa có thua khi sống với tình
Cái quả cam này đà vắt hết
Hiến cho non nước, hiến đời thân.
Tuy không biết đến bao giờ kiệt,
Nhưng dẫu sao thì cũng phải dừng.
Xin hãy cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư.
Trong hơi thở cuối dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư.
Xuân Diệu (Di cảo)
Đó cũng là nguyên tắc sống “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” do chính Xuân Diệu đưa ra khi Việt Nam còn đắm chìm trong đêm trường nô lệ, là hãy sống có ý nghĩa, hãy biến cuộc đời mình thành bó đuốc lớn để xua tan bóng tối, soi đường cho đồng loại đi tới hừng Đông.
Chicago, Hoa Kỳ 2/2/2016
C.H.H.V.
Tác giả gửi BVN


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts