Đại Học chăn Trâu




Saturday, 9 April 2016

Bốn mươi năm Cuộc chiến & Văn học Miền Nam trong ngành nghiên cứu của Hoa Kỳ



Bn mươi năm Cuc chiến & Văn hc Min Nam
trong ngành nghiên cu ca Hoa Kỳ
Nguyn Tà Cúc


Văn học Miền Nam cũng như Việt Nam Cộng hòa [1954-1975] không còn tồn tại từ 40 năm. nay. Riêng tại Hoa Kỳ, những công trình nghiên cứu và sáng tác từ thơ văn đến phim ảnh của người Hoa Kỳ vẫn tăng đều một cách rất đáng khích lệ. 

Nhưng số lượng trong trường hợp này không đồng nghĩa với phẩm chất. 20 năm sau cuốn Understanding Vietnam, Neil L.. Jamieson, được xuất bản vào năm 1993, dù muốn lịch sự thế nào, hình như chúng ta chưa thấy một sự tiến bộ đáng kể từ phía các học giả Hoa Kỳ riêng về lãnh vực nghiên cứu Văn học Miền Nam. Tuy có những nhận định hay phán xét dĩ nhiên chủ quan và những tin tức đôi khi không chính xác nhưng đây là một cuốn sách mà tác giả Jamieson am hiểu tiếng Việt đủ để bảo đảm giá trị trên dưới 30 trang phiên dịch thơ văn và lời nhạc của tác gia thuộc Văn học Miền Nam sang Anh ngữ

Ngược lại, sự bùng nổ của ngành xuất bản sách báo tiếng Việt trong mấy thập niên qua sau các đợt di tản của người Việt ra hải ngoại vẫn không thấy ảnh hưởng mấy vào sự nghiên cứu của các tác gia Hoa Kỳ trên lãnh vực này. K. W. Taylor, một sử gia danh tiếng chuyên về Việt Nam, xác nhận phần nào lý do của sự yếu kém ấy từ gần một thập niên trước qua một câu ngắn trong cuộc đối thoại với sử gia Robert Buzzanco. Lý do ấy rất giản dị: nhiều sử gia hay tác giả Hoa Kỳ chuyên về Việt Nam, cho dù trong lãnh vực chiến tranh hay văn học nghệ thuật, không hề biết tiếng Việt, nghĩa là ngôn ngữ cần thiết liên hệ tới sự khảo cứu, một điều không thể và không bao giờ được chấp nhận ở những ngành tương tự như Hoa Kỳ học, Nhật bản học vv... : 

"Trường hợp các sử gia Hoa Kỳ-- những người nghĩ rằng họ có thẩm quyền viết về Chiến tranh Việt Nam mà khỏi cần tới khả năng sử dụng tiếng Việt để đọc được tài liệu gốc-- khiến người ta có thể thấy một sự kinh ngạc xuất phát từ sự thể đó; thế mà ngành nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam tại xứ này lại đang được thịnh đạt phần lớn trên phương thức ấy..." (1)

Theo người viết, sự yếu kém này bắt nguồn từ hai lý do chính, ngoài lý do ngôn ngữ. Thứ nhất, tại Hoa Kỳ, các ngành nghiên cứu về Việt Nam từ lịch sử đến văn học, vẫn còn trong tình trạng phôi thai. Bốn mươi năm chỉ mới đủ sửa soạn được một thế hệ mới tương đối có đủ trang bị về kiến thức cũng như tài năng để tiến xa hơn. Thứ hai, vì quá sức muốn bênh vực cho chủ trương bênh /hay chống Cộng sản Việt Nam, một số tác gia Hoa Kỳ đã đi cùng một lối mòn nhầm lẫn: chỉ chú ý đến những cái sai của đối phương mà không đủ công tâm để xét đến cái sai của đối tượng mà họ muốn bênh vực. Ngoài ra, tinh thần thiếu cẩn trọng nhưng quá thừa tự tin của một số sử gia và tác giả Hoa Kỳ đã cho phép họ nghĩ rằng sẽ không có tác giả hay nghiên cứu gia người Việt nào có khả năng ngôn ngữ hay sưu tập đủ tài liệu nhắm thách đố họ ngay trong môi trường đại học hay thông tin khi họ đương làm bá chủ hay ít nhất cũng đang giữ những vị trí đầy lợi thế. Mà nếu có đủ hai điều kiện ấy (ngôn ngữ và tài liệu) một tác gia hay sử gia Việt Nam cũng chưa chắc lọt được vào hai môi trường này để đối thoại với họ một cách hiệu quả nếu không tốt nghiệp từ một trường đại học bản xứ [nghĩa là tại Hoa Kỳ] với một địa vị vững vàng đủ trong thế giới khoa bảng để theo dõi và phản ứng.

Như thế, lịch sử 40 năm ngắn ngủi của người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ cũng cho chúng ta thấy một tình trạng tương tự trong công đồng người Việt: thế hệ di tản đầu tiên chỉ đủ thời gian để sống sót, nuôi dưỡng thế hệ thứ hai sinh trưởng tại đây rồi nếu có khả năng, giúp đỡ gia đình thân hữu còn kẹt lại Việt Nam, nói chi tới đi học hay chọn một ngành như văn học nghệ thuật; một ngành đòi hỏi sự đầu tư cả về tài chính lẫn thời gian mà nhu cầu cấp bách của gánh nặng gia đình không cho phép thỏa mãn thứ xa xỉ phẩm đó. Bởi thế, sự phải đứng ngoài lề những sinh hoạt đại học, cũng đồng nghĩa với các công trình nghiên cứu về ngay chính tập thể họ, là sự đương nhiên. Đằng khác, cũng có một vài giáo sư đại học xuất thân từ Miền Nam nhưng thay vì giới hạn tầm hiểu biết vào kiến thức nghề nghiệp thì lại vươn đến những công trình liên quan đến những lĩnh vực không phải là sở trường. Đây cũng là một sự kiện đáng gây nên kinh ngạc [mượn lời W. K. Taylor]. Cuốn Vietnamese Literature: An Anthology [Hợp tuyển Văn chương Việt Nam, San Diego State xuất bản tại California, 1998] do giáo sư Nguyễn Đình Hòa biên soạn là một thí dụ điển hình. 

Ông tốt nghiệp cử nhân, cao học và tiến sĩ tại Hoa Kỳ, từng giữ chức Khoa trưởng Phân khoa Văn Khoa, Đại học Sài gòn khi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Khi trở lại Hoa Kỳ vào năm 1966, sau 8 năm giảng dậy tại Sài gòn và Đà Lạt, ông được bổ nhiệm làm tùy viên văn hóa cho tòa Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Washington D.C., đồng thời được Viện trưởng Đại học Southern Illinois University bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Việt Nam học vào năm 1969. Nhưng văn chương Việt Nam chắc chắn không thuộc sở học của Nguyễn Đình Hòa. Trong cuốn hợp tuyển thượng dẫn, phần "Văn chương cổ điển -Thế kỷ thứ 18" chỉ có 3 tác gia: Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều và Hồ Xuân Hương. Có lẽ lấy cớ Đoàn Thị Điểm không phải dịch giả Chinh phụ ngâm khúc, ông nhắc đến Đoàn Thị Điểm trong phần giới thiệu Đặng Trần Côn nhưng để loại một trong những tác gia lớn nhất ra khỏi văn sử Việt Nam. Điều đó có nghĩa là kiến thức của ông về Đoàn Thị Điểm chỉ giới hạn vào một bản dịch. Trong khi đó, bà được chú ý đến chính vì một phần bà là tác giả nữ vào thời hiếm hoi phụ nữ cầm bút ấy: bà có thể không là dịch giả của MỘT tác phẩm nhưng bà đã là một tác gia của NHIỀU tác phẩm mà giá trị không chối cãi được, kể cả giá trị đi trước xã hội bà đang sống trong một thời đại mà hai chữ nữ quyền chưa xuất hiện. Cái sai lầm đau đớn cho thấy sự thiếu kiến thức của Nguyễn Đình Hòa chính là ngay chỗ này. Khi đã sai lầm như thế thì không khó tưởng tượng cả cuốn hợp tuyển ấy chỉ là một vệt đau thương trong một thời kỳ loạn lạc của chúng ta.

Nếu muốn dễ nhận xét hơn, hãy xem danh sách các tác gia được chọn trong phần "Văn chương Hiện đại-Thế Kỷ XX": Phan Chu Trinh, Phan Kế Bính Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Tuân, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Tương Phố, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Trần Tiêu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Hữu Loan, Quang Dũng, Thanh Tịnh, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Đỗ Thúc Vịnh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Hồng.

Phần "Văn chương Việt Nam Hải ngoại", nếu chỉ nói đến Thơ và để cho dễ thảo luận, Nguyễn Đình Hòa cũng không giới thiệu ba nhà thơ lớn nhất Miền Nam đều hoạt động từ 1975 hay ngay sau khi sang Hoa Kỳ là nơi Nguyễn Đình Hòa cư ngụ từ 1975: Thanh Tâm Tuyền [Thơ ở đâu xa, 1990], Viên Linh [Thủy Mộ Quan, 1982] và Tô Thùy Yên [Thơ Tuyển, 1995]. Ngoài những bài trong Thơ ở đâu xa, Thanh Tâm Tuyền còn những bài rải rác đăng trên các tạp chí văn học lúc bấy giờ như "Chú lái sách", Tạp chí Văn, hay 4 câu thơ về hiện tượng "vượt biên", đăng trên tờ Văn Học số 56, tháng 10. 1990:

Cúi trông cố lý mây vô xứ
Ngầu trắng u mông táp mạn thuyền
Ngút ngọn triều dâng vách sụt lở 
Bọt xóa thiên thanh dấp sóng quên [Vượt biên, Thanh Tâm Tuyền]

Nói một cách giản dị và chính xác hơn: Nguyễn Đình Hòa không hề đọc thơ văn Miền Nam [cứ đọc thư mục sách mà ông đã dùng để tham khảo thì biết ngay] hay Hải ngoại nhưng khinh xuất đến nỗi không tận tâm nghiên cứu trong khi thư viện của các đại học Cornell, Yale và Harvard vv...tràn ngập tác phẩm của nhà văn Miền Nam. 

Ngoài ra, Văn Học Miền Nam còn phải chịu một sự bất công nữa: sau này, vài đại học (như University of Massachussetts) cũng có mở hẳn những chương trình nghiên cứu dài hạn nhưng chủ đích của ban tổ chức đã quá rõ nên một lần nữa, giới văn nghệ sĩ Miền Nam di tản lại vắng mặt. 

Đọc đến đây, câu hỏi đặt ra là liệu sau bốn mươi năm, có phải dòng sông nghiên cứu về Văn học Miền Nam tại Hoa Kỳ và trong nước vẫn tiếp tục chẩy theo hướng cũ không, một hướng vắng sự tham dự của người Việt di tản và cũng vắng người trong nước? Câu trả lời là không. Sau 40 năm, thời thế đã thay đổi một cách bất ngờ và sự thay đổi ấy đã được chứng tỏ bằng những chứng cớ cụ thể tuy sự nghiên cứu có liên quan đến Văn học Miền Nam qua vài tác phẩm bằng Anh ngữ của người bản xứ tại Hoa Kỳ lại là một bước lùi, nhưng là một bước lùi không đáng tiếc vì những tác phẩm đó trở nên một thứ báo động cần thiết. Dù việc nghiên cứu Văn học Miền Nam tại xứ này khó khăn và trắc trở như thế nào, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn trong vài chục năm nữa. 

K. W. Taylor quả không ngoa, mà cũng nên cho ông cái công đầu, khi dám nói thẳng vào nhược điểm của một số sử gia và cả tác gia Hoa Kỳ, rằng họ không biết tiếng Việt mà dấn thân vào một lãnh vực cần đến ngôn ngữ này. Nhược điểm ấy khiến họ càng phải trông cậy vào người thông dịch, đấy mức độ sai lầm đến một kết quả bi thảm hơn. Dĩ nhiên nếu một tác gia thiếu khả năng về tiếng Việt, lập luận của họ dễ dàng phản ảnh sự thiếu khả năng ấy. Trong phần dưới đây, tôi sẽ trình bày 3 trường hợp tiêu biểu của sự thiếu khả năng tiếng Việt để cho thấy đa phần những tranh luận hay khiếm khuyết gây ra bởi một tác phẩm do tác gia Hoa Kỳ viết về Việt Nam đều có thể giảm thiểu hay ít nhất, được phân tích trên cùng một căn bản cốt yếu và ưu tiên hàng đầu [ngôn ngữ Việt] để từ đó, đưa ra những kết luận tương đối khả tín hơn khi tranh luận. 

Sau khi phân tích 3 trường hợp đó, tôi sẽ cố gắng trình bày về về tình trạng nghiên cứu Văn học Miền Nam tại đây qua một số tác phẩm của người Hoa Kỳ chú trọng tới riêng vấn đề này. Dĩ nhiên, nói như thế chỉ có nghĩa là một sự nhận định rất tổng quát và không thể nào đầy đủ được. Nhưng ý định của tôi rất rõ ràng: tôi muốn xem chân dung Văn học Miền Nam [trong bối cảnh cuộc chiến Việt Nam] tại hải ngoại --vào thời gian chúng ta không có mặt tại đây rồi sau đó, tại thời điểm này, 40 năm sau khi cuộc chiến kết thúc--xuất hiện ra sao. Chân dung ấy, được rực rỡ hơn qua những lần mưa gió tơi bời, khiến chúng ta có quyền kỳ vọng vào một ngày mai xán lạn lúc "tinh di đẩu chuyển" mà bắt đầu ra khỏi quãng đêm tối mờ mịt. Hay chân dung ấy như chân dung Tây Thi bị Mao Diên Thọ chấm vào một nét khiến đưa nàng vào lãnh cung? Rồi ngoài nơi chúng ta đã định cư vĩnh viễn, nhìn lại quê hương cũ, chân dung ấy có gì thay đổi, cũng so với 40 năm về trước? 

Sau hết, chúng ta có hay đã chọn thái độ hoặc phản ứng nào trước những tác phẩm hay /và những hoạt động tạo nên chân dung đó; bởi vì, suy cho cùng, chân dung Văn học Miền Nam cũng là của chính chúng ta đấy thôi.

I-Chiến tranh Việt Nam & Văn học Miền Nam và Hoa Kỳ

1-Chiến tranh Việt Nam: Trường hợp Trần Văn Dĩnh và Gareth Porter'

Trần Văn Dĩnh [1923-2011], tu nghiệp tại Hoa Kỳ vào những năm cuối thập niên 50, nguyên là một nhân viên ngoại giao thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông bỏ hẳn Miền Nam vào những năm đầu của thập niên 60 bằng cách rời nhiệm sở, chạy theo nhóm trí thức phản chiến người Hoa Kỳ vận động rất bền bỉ và miệt mài chống lại chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Sở trường của ông là phỉ báng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long (2), Trần Văn Dĩnh có một tiểu sử khá rực rỡ:

"Ông là một nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, và nhà giáo được nhiều người tại Mỹ biết đến và mến phục. Sau một thời gian làm trong ngành ngoại giao và phục vụ ở Thái Lan và Miến Điện, [...] Tháng 10 năm 1960 ông được cử làm Tổng Giám Đốc Thông Tin (hàng bộ trưởng) [...]Năm 1961 ông được cử sang Hoa Thịnh Đốn làm đại diện dưới quyền của Đại sứ Trần Văn Chương, [...] Sau khi ông Trần Văn Chương từ chức năm 1963 vì biến cố Phật giáo tại miền Nam, ông Trần Văn Dĩnh được cử làm quyền đại sứ [...] Cuối năm 1963 ông Dĩnh đã từ chức đại sứ và bắt đầu viết văn, viết báo và dạy học. [...]

Nhiều người biết đến ông Dĩnh vì hàng trăm bài lớn nhỏ ông đã đăng trên các tờ báo và tập san như : The New York Timesthe Christian Science Monitor, the New Republic, the Progressive, the Washingtonian, the Christian Century…. Ông rất hãnh diện khi được tờ National Geographic cử về Việt Nam (năm 1988-89) để viết về Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Ngoài những bài báo ông cũng đã xuất bản hai cuốn sách giáo khoa rất có giá trị : Independence, Liberation, Revolution: An Approach to the Understanding of the Third World (1986) và Communication and Diplomacy in a Changing World (1988). Hai cuốn sách nầy ông viết khi còn làm giáo sư về “chính trị quốc tế và thông tin” (International Politics and Communications) tại Temple University, thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Năm 1984 ông về hưu non, nhưng tiếp tục làm giáo sư danh dự (professor emeritus) cho đến năm 1990."

Trần Văn Dĩnh-- người hoạt động tận lực nhắm quảng bá, bênh vực cho thuyết Cộng sản cũng như người Cộng sản Miền Bắc như đã nói trên-- đã được giới phản chiến Hoa Kỳ trưng dụng vào đạo quân văn hóa và thương mại của họ để đưa phong trào này tới các giảng đường đại học và diễn đàn đủ loại từ báo chí tới các cuộc họp đại chúng quy tụ giới lãnh đạo nhiều ngành khác nhau. Trần Văn Dĩnh không từ bỏ cơ hội nào để xỉ mạ và phỉ báng quân đội, dân chúng Miền Nam và nhất là chính phủ Miền Nam.

Ngày nay, kiến thức, sở học và cả thái độ chính trị của Trần Văn Dĩnh chứng tỏ ông đã quá lỗi thời, không chỉ so với thế giới mà còn ngay cả với người Việt. CuốnIndependence, Liberation, Revolution: An Approach to the Understanding of the Third World (1986), một cuốn đầy những khẩu hiệu nhàm chán đổ hết phần lỗi lên Hoa Kỳ, có thể dùng để biểu hiện sự hoang tưởng của tác giả về lý do gây ra cuộc thoát thân đẫm máu của dân Miền Nam sau 1975 cũng như tinh thần thân Trung quốc đến kỳ quặc của Trần Văn Dĩnh, nhất là cuốn sách này được xuất bản 7 năm sau cuộc huyết chiến khốc liệt giữa 2 quốc gia vào năm 1979. Ông hy vọng rằng sự tái lập bang giao với Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam giảm dần nỗi lệ thuộc vào Nga Xô và, bởi thế, sẽ làm Việt Nam xích lại gần Trung quốc hơn, tốt đẹp cho một mặt trận liên đới nhắm đối phó với Hoa Kỳ tại Á châu [Trần Văn Dĩnh, sđd, trang 106]. Bởi thế, tên tuổi ông đã rơi vào một thứ quá khứ khổ ải gây ra bởi những nhầm lẫn của những người như chính ông. Nhưng cách đây mấy mươi năm, vào cao trào của phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ, Trần Văn Dĩnh tham dự một cách rất tích cực quả như Ngô Vĩnh Long đã viết như trên.

Một trong những lần tham dự này đã đưa đến kết quả cay đắng và có lẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh dự nghề nghiệp, thành tích chính trị cũng như con đường tiến thân sau này của Trần Văn Dĩnh: ông bị Hoàng Văn Chí tố cáo đã đạo văn dịch Truyện Kiều từ cuốn Kim Vân Kiều của Lê Xuân Thủy (3). Tai hại hơn, ông còn bị Daniel E. Teodoru phanh phui quá khứ phụng sự cho người Nhật (4) khi họ sang chiếm đóng Việt Nam. Daniel Teodoru lúc ấy hiện là một sinh viên Tiến sĩ ngành Sinh lý học, nhưng có chí nguyện nghiên cứu nhắm cảnh tỉnh về mối họa của chủ thuyết và chính thể Cộng sản. Ngày 5 tháng giêng, 1973, Teodoru ra điều trần trước quốc hội trong một phiên nhóm của Tiểu ban Điều tra Hành chính của Đạo luật An ninh Nội bộ và Luật lệ an ninh nội bộ thuộc Ban Tư Pháp Thượng viện Hoa Kỳ [Hearing before the Subcommittee to Investigate the Administration of the Internal Security Act and Other Internal Security Laws of the Committee on the Judiciary United States Senate, Ninety -Third Congress] về đề tài "Phí tổn nhân loại phải trả cho Chủ nghĩa Cộng sản". 

Ông cực lực bênh vực Hoàng Văn Chí, tâm điểm của cuộc tấn công từ D. Gareth Porter [sau này sẽ xuất hiện với tên Gareth Porter], tác giả cuốn The Myth of the BloodbathNorth Vietnam's Land Reform Reconsider [Huyền thoại về một cuộc Tắm máu: Xét lại cuộc Cải cách Ruộng đất tại Bắc Việt]. Dưới hình thức một "Interim Report"/ "Bản báo cáo Nhất thời" dài 59 trang. Bản báo cáo này không những được đại học Cornell xuất bản trong một dự án nghiên cứu về Đông nam Á mà còn được cổ võ trên tờ nội san sinh viên vào tháng 9, 1972. Một năm sau, vào tháng 9. 1973, một bản ngắn hơn được phổ biến trên tờ Bulletin of Concerned Asian Scholar [trang 2-15].

Porter, lúc ấy nguyên là một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Cornell, cáo buộc Hoàng Văn Chí đã soạn cuốn From Collonism to Communism: A Case History of North Vietnam [Từ Thực dân đến Cộng sản: Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam, Mạc Địch dịch] để, không những đã dịch sai, mà còn cố tình ngụy chứng từ những tài liệu của tướng Võ Nguyên Giáp tới diễn văn của luật sư Nguyễn Mạnh Tường hầu gán nhiều tội ác cho chính phủ Cộng sản Miền Bắc, kể cả ngụy tạo một con số lớn không tưởng về số địa chủ bị hành quyết. Hoàng Văn Chí, có thể là người Việt duy nhất được biết đến lúc bấy giờ do viết mấy cuốn sách bằng Anh ngữ và Việt ngữ về thủ đoạn chính trị và tội ác của người Cộng sản qua thành tích đàn áp văn nghệ sĩ [Trăm hoa đua nở trên đất Bắc] và cuộc cải cách ruộng đất này. 

Ngoài "Bản báo cáo Nhất thời" đó do Đại học Cornell xuất bản, nghĩa là làm bằng cho giá trị của nó, Porter còn được tờ nột san của đại học này hỗ trợ. Nếu được đọc bài viết cũng có tên "Bloodbath Myth" [Huyền thoại về một cuộc Tắm máu] do ban chủ biên của nội san The Cornell Daily Sun viết và cho đăng ngay trang đầu khi giới thiệu công trình khảo cứu của Porter thì đây là một cuộc vận động quy mô, nhân danh sự thật, xuất phát từ đại học Cornell không những để trình bày những khám phá của Porter về cuộc Cải cách ruộng đất tại Bắc Việt mà còn nhắm hạ uy tín Hòang Văn Chí bằng một thứ ngôn ngữ vô căn cứ liên quan đến cuốn From Colonianism to Communism của ông (5):





Hoàng Văn Chí - Thủ bút


-"[...] Sự thể xẩy ra rằng, từ năm 1955, Chí, một người địa chủ Bắc việt giầu có, đã phục vụ cho những cơ quan tuyên truyền của [Nam]Việt Nam và Hoa Kỳ, từ Bộ Thông Tin Sài gòn tới Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ dành cho "Sự phát triển quốc tế". Thế nên kết quả của loại "học thức" này không đáng ngạc nhiên là mấy..." [The Cornell Daily Sun, Bộ 89, Số 15, Ngày 19 tháng 9. 1972, Bản điện tử của Bộ 89, Số 15, Ngày 19 tháng 9. 1972, Bản điện tử thuộc "Cơ quan Lưu trữ Keith R. Johnson 56" 
_http://cdsun.library.cornell.edu/cgi-bin/cornell?a=d&d=CDS19720919.1.4&e=--------20--1-----all----#] 

Để chống lại cuộc vận động đó, Daniel Teodoru đã xin ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 5, tháng giêng, 1973. Buổi điều trần của Teodoru, qua cuộc tường thuật được ghi lại trong báo cáo của Quốc hội, ngoài phần của ông dài 40 trang, còn có thêm cuộc phỏng vấn Hoàng Văn Chí vào ngày 20 tháng chạp 1972, xếp vào "Phụ lục III" dài 15 trang . Hoàng Văn Chí-- trong cuộc phỏng vấn dưới hình thức một lá thư phúc đáp cho Teodoru đề ngày 20 tháng chạp, 1972-- không những đã bác bỏ sự tố cáo của Porter về các hoạt động chính trị của ông, còn đã chỉ đích danh Trần Văn Dĩnh đã giúp Porter "đọc bài diễn văn của Tướng Giáp" vì, Porter, theo Hoàng Văn Chí, không rành đọc hay viết tiếng Việt. Hoàng Văn Chí có nghi ngờ như thế vì tên Trần Văn Dĩnh xuất hiện trong ghi chú số 39, trang 34,The Myth of the Bloodbath




The Myth of the Bloodbath.


Tai hại thay, cũng theo Hoàng Văn Chí, Trần Văn Dĩnh đã chứng tỏ, qua một bài báo có tên "Astounding Captured Document Reveals Mind of Enemy" ["Tinh thần của kẻ thù được phát giác qua một một tài liệu (đầy) kinh ngạc (vừa) bị tịch thu], đăng trên tờ The Washingtonian xuất bản vào tháng 4 năm 1968, thì không những Trần Văn Dĩnh không có kiến thức tối thiểu về từ ngữ Hán-Việt mà còn phạm tội đạo văn bằng cách đã lồng vào bài của mình "nguyên văn 43 câu trong Kim Vân Kiều đã được Lê Xuân Thủy dịch sang Anh ngữ". Thật ra, Trần Văn Dĩnh còn gian xảo hơn thế nữa: có khi ông chữa đi một vài chữ trong một câu hay một đoạn, nhưng kết quả vẫn là lấy hầu hết của Lê Xuân Thủy và vẫn mang tội đạo văn.






(Lê Xuân Thủy)







(The Washingtonian ảnh bìa)

Trong bài thượng dẫn, Trần Văn Dĩnh sử dụng Truyện Kiều để đặt giả thuyết rằng nếu chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ-- từ tổng thống Johnson cho tới Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cùng tất cả nhân viên dân sự và quân sự Mỹ đang phục vụ tại Việt Nam--mà chịu tìm đọc [và hiểu được] Truyện Kiều thì họ sẽ tránh được nhiều lỗi lầm nghiêm trọng kể cả những lỗi lầm chết người [trang 45, sđd].

Ngoài những lỗi lầm sơ đẳng như giải nghĩa chữ "trọc phú" là "bald wealthy; having nothing in his head and his heart", Trần Văn Dĩnh quả phạm tội đạo văn khi người đọc có dịp so sánh với cuốn Kim Vân Kiều do Lê Xuân Thủy dịch sang Anh ngữ. Đây là mấy đoạn điển hình:

What she had eaten to be so burly and so heavy [TVD, trang 47, đảo ngược một chữ từ "had she eaten" sang "she had eaten"-LXT, trang 140]

May wild geese carry to you an ensless flow of letter. [TVD, trang 43-LXT, trang 142]

Isn't it worthier than this hazardous life of a barge in the middle of a strong current/Afraid of any assault of winds and fearful of the least shock of wave . [TVD, trang 68 , thay chữ "frighten" của LXT bằng chữ "fearful"- LXT, trang 342]

Kieu mournfully lookes at the seaport plunged into the twilight,/Far off, someone's sail seemed to be dancing vaguely on smooth waters/The gloomy foaming billows/Appeared before her eyes as if covered with drifting flowers bound for unknown horizon [TVD, trang 68, thay chữ "dim light of dusk" của LXT bằng chữ " twilight " và "wave" bằng "waters")-LXT, trang 154]

Vì đạo văn của Lê Xuân Thủy nên Trần Văn Dĩnh cũng rập khuôn một lỗi trong một đoạn khác. Đó là chữ "dừng" hay "rừng" trong câu "Ở đây tai vách mạch rừng".
Here in this strange house all the wall have ears like small spring in the forest [TVD, trang 70]

"Rừng" [hay "dừng"] ở đây không có nghĩa là "forest" mà là "cái vách làm bằng phên" theo Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo. Trần Văn Dĩnh còn nhầm lẫn một cách cực kỳ khôi hài: tưởng rằng những chú thích ở cuối trang để giải nghĩa điển tích của Lê Xuân Thủy là của ...chính Nguyễn Du! Thế nên, ông nhiệt liệt ca ngợi "nhà nho" Nguyễn Du đã có can đảm miêu tả rất chi tiết những " bẩy chữ", những "tám nghề" trong "nghề chơi cũng lắm công phu" này! 

Sau khi đã chứng minh được Trần Văn Dĩnh phạm tội đạo văn-- nghĩa là thiếu liêm khiết trí thức và nếu như thế thì rất khó có tư cách gì phê phán được ai--một vấn đề quan trọng hơn cần đưa ra công luận: ông đã nhân danh một tác phẩm trác tuyệt của Việt Nam để mạt sát người dân Miền Nam, nhất là người lính Miền Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh phụ nữ mà ông đưa ra trước thế giới là hình ảnh những cô gái bán bar ở Sài gòn, hình ảnh mà những tác gia khuynh tả vẫn sử dụng để hạ giá chính nghĩa chống Cộng sản của Miền Nam. Duy có điều chính trí tưởng tượng quá dồi dào của ông về "những nàng Kiều tân thời và bé nhỏ, đang khao khát một Kim Trọng qua hình ảnh xa xôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài Bắc..." đã vô tình khiến ngưởi đọc liên tưởng đến loại tuyên truyền lộ liễu có một thời nhan nhản tại Miền Bắc. Sau đây là một số đoạn tiêu biểu cho sự mạ lỵ Miền Nam trong bài thượng dẫn (6):

"[...]Người lính Miền Nam, dù cũng là người Việt, lại không chiến đấu can đảm được [bằng người lính Miền Bắc]; họ đứng ngoài dòng lịch sử của đất nước. Họ kết hợp với ngoại nhân, những kẻ đã chia cắt Việt Nam. Họ cảm thấy, trên một phương diện nào đó, họ không còn là một người Việt Nam thuần túy nữa [...] Khi tuôn tiền bạc vào Việt Nam, Hoa Kỳ tạo nên một giới quan quyền và tướng lãnh tham nhũng; khi những người Mỹ to lớn và mập mạp đi giữa những người Việt Nam ốm yếu và mảnh mai trong thành phố hay ngoài thôn quê, họ tạo nên một cảm giác bất mãn và nghi ngại. Quả là không nghi ngờ gì nữa, trong vòng hàng ngàn cô gái bán bar tại Sài gòn, có những cô tự coi mình là những nàng Kiều tân thời và bé nhỏ, đang khao khát một Kim Trọng qua hình ảnh xa xôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài Bắc, hay đúng hơn, qua người cán bộ Việt Cộng đang khích động ở thành phố. Vì lý do đó mà một số cô gái bán bar đã đóng góp rộng rãi vào ngân quỹ của Việt Cộng [...] Thái độ coi thường lính tráng cũng như những người có vóc dáng to lớn [ám chỉ người Hoa Kỳ-Chú thích của Nguyễn Tà Cúc] có thể thấy được qua hình ảnh Từ Hải, kẻ nổi loạn, trong truyện Kim Vân Kiều [...] 

Mặc dù một mét cũ của Trung Hoa và Việt Nam chỉ tương đương với một phần ba của một mét ngày nay, Nguyễn Du rõ ràng đã phóng đại kích thước về vóc dáng của Từ Hải. Thúy Kiều không yêu Từ Hải, nàng chỉ dùng hắn. Đối với nàng, Từ Hải là một kẻ vũ phu[một người đàn ông dùng tới sức mạnh, một kẻ vô lễ] và không phải là một người có học như Kim Trọng. [...] Khi Hoa Kỳ nói về một miền Nam độc lập, họ đã xúc phạm sâu xa đến giấc mơ Thống Nhất, của "unity", của giấc mơ Kim Trọng...."[Trần Văn Dĩnh, sđd] 

Tóm lại, đó là một thí dụ tuyệt hảo về sự thiếu sở học, không liêm khiết trí thức cộng thêm khả năng Hán-Việt dưới mức trung bình của một giáo sư đại học người Việt nhưng có bài đăng trên các tạp chí văn học, giảng dậy cũng như có sách giảng dậy về chính trị thế giới và Việt Nam tại đại học Hoa Kỳ. Điều đáng nói nữa là thái độ không lịch sự gần như phi văn hóa của Trần Văn Dĩnh khi lập đi lập lại hình ảnh không đẹp về hình dung người Mỹ [the big and fat Americans]. Tinh thần kỳ thị này rồi ra sẽ được thấy ở một tác giả Miền Nam khác và sẽ được phân tích sau vì không phải ngẫu nhiên mà sự kỳ thị ấy tiếp tục tồn tại sau nửa thế kỷ một cách công khai và ngang nhiên.

Người ta không biết chắc được Trần Văn Dĩnh có giúp Porter đọc các tài liệu tiếng Việt hay không nhưng chính việc đạo văn mới khiến cả Trần Văn Dĩnh lẫn Porter trở tay không kịp. Dù Porter cũng ra Quốc hội điều trần ngày 27.7.1973, gần bảy tháng sau, để phản bác Teoduru một cách gay gắt và tái cáo buộc Hoàng Văn Chí một cách nặng nề, ông hoàn toàn không đề cập đến vấn đề Trần Văn Dĩnh hay bị cáo buộc thiếu khả năng Việt ngữ của mình. Porter có lối tấn công rất nguy hiểm là lợi dụng những sơ hở và mâu thuẫn của những bản tin hay tin tức mà ông nói là từ phía chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, [nhưng phải công nhận rằng ông có quyền đặt vấn đề nếu có sự sơ hở và mâu thuẫn đó], cộng vào những mẩu tin không chính xác kèm với vấn đề nêu ra như cuốn From Collonism to Communism là do cơ quan CIA tài trợ vv... nên rất dễ thuyết phục những người không có cơ hội kiểm chứng các tài liệu. 

Nhưng vấn đề mà tôi chú tâm nữa, ngoài vấn đề Trần Văn Dĩnh, là lời kết án của Ban Chủ biên, Đại học Cornell và sự cáo buộc của Porter với Hoàng Văn Chí. Theo sự cáo buộc này, Hoàng Văn Chí nhận tiền của cả CCF và USIA [The United States Information Agency] để viết và xuất bản cuốn From Colonianism to Communism. Tổ chức CCF [Congress for Cultural Freedom] thành lập năm 1955, là một tổ chức chống Cộng sản sau này bị đưa ra ánh sáng vì đã có sự tham dự và tài trợ từ cơ quan tình báo CIA [Central Intelligence Agency]. 

Trong giới nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản, From Colonianism to Communism là cuốn sách duy nhất lúc bấy giờ của một người Việt Nam viết bằng tiếng Anh nhắm báo động về thảm họa Cộng sản tại Việt Nam. Một trong những thảm họa điển hình là cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất tại Miền Bắc với hậu quả phá hủy hầu như hoàn toàn nền tảng luân lý đạo đức xây dựng bao lâu đời khiến hàng trăm ngàn người gục xuống khuất phục trong hoảng loạn và tận cùng nhục nhã để người Cộng sản dễ bề thống trị. Như thế, nếu cáo buộc Hoàng Văn Chí viết và phổ biến From Colonianism to Communism chưa chắc vì sự thật mà vì nhận tiền do chính phủ Việt Nam Cộng hòa và cơ quan tình báo CIA bảo trợ như Porter đã làm thì cũng đồng nghĩa với việc cho người Cộng sản quyền gian lận, quyền qua mặt cả thế giới về tội ác của họ.

Câu trả lời là không, Hoàng Văn Chí không nhận tiền của CIA để viết From Colonianism to Communism. Ông giải thích rất đầy đủ khi trả lời Teodoru rằng "Praja Socialist Party" [một xã hội đảng] và "Bhoodan (land distribution) Movement" [một phong trào về điền địa] tại Ấn độ đã yêu cầu ông viết cuốn sách này khi ông làm Phó Lãnh sự tại Tòa Lãnh sứ Việt Nam tại Tân Đề-li, Ấn độ. Ông bắt đầu viết vào năm 1955. Khi rời Ấn độ và dọn sang Pháp trong tình cảnh khốn khó, ông phải tìm tài trợ để viết nốt cuốn sách. Đó là lúc ông được nhận 2.000 mĩ kim từ cơ quan Congress for Cultural Freedom. Ngay lúc đó, không ai biết tổ chức này là do CIA nhúng tay vào cả. 

Vả lại, ông đâu phải là người duy nhất nhận tài trợ từ CCF, từ văn nghệ sĩ cho tới ngay cả các nhà văn chống chiến tranh Việt Nam bây giờ vv đều đã được nhận mà không hề biết xuất xứ của nguồn tài trợ đó. Tôi trích một phần câu trả lời của ông để chúng ta thấy ông đã tranh đấu chống Cộng sản như thế nào rồi lại phải tiếp tục chống trả những nghi vấn đặt ra về cuộc đời hoạt động chống Pháp và cáo buộc làm một thứ chống -Cộng-vì-tiền ra sao trong một hoàn cảnh rất cô đơn tại hải ngoại (7). 

Nhưng bằng chứng mạnh mẽ nhất, xác định Hoàng Văn Chí không phạm những điều mà Porter tố cáo, lại không đến từ chính Hoàng Văn Chí mà đến từ Nhà Xuất bản Frederic A. Preager, nơi xuất bản cuốn này lần thứ ba vào năm 1964 tại Hoa Kỳ. Khi ra điều trần trước Quốc hội, Porter có nhắc đến một lá thư gửi cho Nhà Nhà Xuất bản Frederic A. Preager mà chưa được trả lời. Ông xin và được phép cho kèm các lá thư liên hệ tới cuốn sách này vào bản báo cáo ghi lại cuộc điều trần của ông. Nhờ đó, chính Porter lại là người giải oan cho Hoàng Văn Chí! 

Trong lá thư đề ngày 19, tháng 7, 1973, Porter, có phần ngạo mạn, tái yêu cầu Preager cho biết xuất xứ về sự liên hệ giữa nhà xuất bản và Hoàng Văn Chí kèm theo lời đe dọa rằng nếu họ tiếp tục không trả lời, Porter sẽ yêu cầu "Tiểu ban Điều tra Hành chính của Đạo luật An ninh Nội bộ và Luật lệ an ninh nội bộ thuộc Ban Tư Pháp Thượng viện Hoa Kỳ" đưa trát tòa bắt buộc nhà xuất bản này cho biết sự thật. Còn nếu, quả thực rằng, From Colonianism to Communism -A Case History of Vietnam được ấn hành là do sự gợi ý của cơ quan CIA, thì Porter đề nghị nhà xuất bản này cứ nói ngay như thế còn hơn để "chuyện bé xé ra to" (!) 

Nhà xuất bản Praeger trả lời còn ngạo mạn hơn nhiều. Thứ nhất, đưa lý do "một chuyên viên về vấn đề Việt Nam" [tước vị mà Porter tự phong cho mình] thì không đủ chính đáng để họ phải cho biết về những hoạt động thương mại của họ. Chính ra, một sự yêu cầu thích hợp từ Tiểu ban Điều tra ấy mới là phải lẽ. Nhưng họ vẫn cho Porter biết hai điều. Thứ nhất, Praeger ký hợp đồng với Hoàng Văn Chí vào ngày 21 tháng 6, 1962. Ngày 23, tháng 4, 1964, From Colonianism to Communism-A Case History of Vietnam được xuất bản. Thứ hai, chính nhà xuất bản Preager ký hợp đồng bán 1.000 cuốn sách nói trên cho cơ quan USIA. Cũng theo hợp đồng này, cơ quan USIA được phép phiên dịch và ấn hành bằng các ngôn ngữ khác, miễn là phải theo ý của Praeger tùy theo trường hợp của từng quốc gia. 

Trường hợp Trần Văn Dĩnh và Gareth Porter cũng cho thấy, cách đây gần nửa thế kỷ tại ngoại quốc, người Việt và người Mỹ chống Cộng sản đã có thời hoạt động chung trong môi trường văn hóa để tỷ thí với một hệ thống thiên tả hùng hậu. Teodoru và Hoàng Văn Chí đã buộc cả Porter và Trần Văn Dĩnh phải im lặng về vấn đề đạo văn để vô hình chung công nhận sự thiếu khả năng về tiếng Việt của cả hai là yếu tố quyết định cuộc tỷ thí này. Sau cái án đạo văn, nếu không lầm, Trần Văn Dĩnh không còn tham dự các sinh hoạt văn học nghệ thuật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Thịnh Đốn. Phần Gareth Porter, hình như ông cũng không bao giờ nhắc tới Trần Văn Dĩnh nữa. 

Nhưng lấy công tâm mà nói, Gareth Porter là người chân thành. Nếu ông có phát biểu điều gì, là vì ông tin tưởng rồi diễn dịch bằng những tài liệu mà ông có. Tuy bênh vực người Cộng sản Việt Nam trước 1975, ông trình bày rất thành thực một bộ mặt của xã hội Việt Nam sau 1975 với những bất toàn của nó. Năm 1993, Đại học Cornell cho xuất bản cuốn VietnamThe Politics of Bureaucratic Socialism [Việt Nam: Hệ thống Chính trị của một Chủ nghĩa Xã hội Quan Liêu]. Trong cuốn này, Porter viết rất đầy đủ về hệ thống chính trị của guồng máy Cộng sản kể cả những vi phạm nhân quyền từ đàn áp tôn giáo đến việc cấm xuất bản sách của 56 nhà văn Miền Nam [trang 165, sđd]. 

Ông trích dẫn tin tức này từ một cuốn sách do P.J. Honey biên tập. P.J. Honey chính là người viết lời tựa cho cuốn From Colonianism to Communism-A Case History of Vietnam do Praeger xuất bản. Ông cũng nhắc đến một sự kiện vào tháng 2, 1988, các tù nhân bị bắt từ 1975 mới được phóng thích gần hết. Tuy vậy, những nhà tranh đấu cho nhân quyền tin rằng vẫn còn hàng ngàn người vẫn còn bị giam giữ trong các trại cải tạo [trang 175]. Ông cũng lặng lẽ đổi số "địa chủ" bị giết trong cuộc Cải cách Ruộng đất từ "800 tới 2.500" [The Myth of the Bloodbath, trang 55] tới "vài ngàn người" ["and several thousand landlords were executed", sđd, trang 58]. Lặng lẽ hơn nữa, ông chỉ cho độc giả đọc cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc để biết thêm về vụ Nhân Văn-Giai phẩm mà không ghi rõ tên tác giả: chính là Hoàng Văn Chí vv... 

Tựu chung, trường hợp này cho thấy sự thiếu khả năng về tiếng Việt và kém tinh nhậy hay thiếu hụt trong vấn đề tài liệu (8) cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định cho hai cuốn sách chuyên về Văn học Miền Nam được xuất bản sau đó mà tác giả của chúng cũng thuộc giới giáo sư đại học: cuốn Vo Phien and the Sadness of Exile, John C Schafer, xuất bản năm 2006, và Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968, do Olga Dror dịch ra Anh ngữ, xuất bản năm 2014 từ cuốn Giải khăn sô cho Huế. Cuốn Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968 còn cần phân tích hơn nữa vì, cũng như cuộc Cải cách ruộng đất, việc thảm sát tại Huế còn là một vấn đề chính trị mà cho tới nay người Cộng sản vẫn không nhận trách nhiệm về tội ác này. 

Điều tình cờ là gần nửa thế kỷ sau khi Trần Văn Dĩnh và D. Gareth Porter [của Cornell] đặt vấn đề với Hoàng Văn Chí tại Cornell, cái gì xẩy ra tại Cornell?

Ngày 27 tháng 10, 2015, một buổi trình bày về cuốn sách này được tổ chức tại đại học Cornell trong chương trình "Voice on Vietnam" với sự hiện diện của tác giả Nhã Ca và dịch giả Olga Dror. Mở đầu chương trình, một người lên giới thiệu, có nói một câu nguyên văn như sau:

-"[...] Nhã Ca is an author and journalist who played a prominent role in South Vietnam's burgeoning literary and print media scene, which flourished at times despite persistent government censorship and interference. Like many South Vietnamese ournalists, she suffered the unfortunate experience of being imprisoned by both the South Vietnamese and Communist governments..."/Nhã Ca là một tác giả và một ký giả đã đóng một vai trò nổi bật trong khung cảnh bột phát của nền văn học và in ấn đang phát triển của miền Nam Việt Nam lúc ấy bất chấp sự kiểm duyệt trường kỳ và sự can thiệp của chính phủ. Cũng như nhiều ký giả Miền Nam khác, bà đã phải cam chịu cái kinh nghiệm không may là bị cầm tù bởi cả chính quyền Miền Nam và Cộng sản..."

Like many South Vietnamese journalists, she suffered the unfortunate experience of being imprisoned by both the South Vietnamese and Communist governments? Có thật Nhã Ca bị cái không-may--mắn là bị chính quyền Miền Nam giam vào tù? Lúc nào? Tòa án nào? Giam ở đâu? Chịu giam bao lâu? Người nổi tiếng nhất từng bị giam là Vũ Hạnh, một cán bộ Cộng sản thế mà còn ầm ỹ được Văn Bút Việt Nam tranh đấu cho được thả ra. Nhà văn Ngô Thế Vinh bị truy tố nhưng được luật sư bênh vực và Tòa xử trắng án. 

Có lẽ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới có "kinh nghiệm không may mắn" bị Nhã Ca tuyên bố với một tờ báo ngoại quốc [tờ The New York Times] là "Tôi là người trung lập...cả hai bên đều hung hiểm như nhau" trước 1975! Đầu năm 1975, chỉ chưa đầy 3 tháng trước khi Miền Nam mất, Linh mục Thanh Lãng vẫn còn có thể đứng giữa Sài gòn mà trả lời Tạp Chí Nhả Văn [do Nguyên Sa và Trần Dạ Từ, Nguyễn Mai tổ chức] nguyên văn như sau:

-"Tết năm nay, đối với Trung tâm Văn bút Việt Nam là một cái tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn , một chốn ly thân, trong thân phận vong thân. " [Thanh Lãng, số Mùa Xuân, tháng 2. 1975, trang 115]

Trả lời như thế mà Thanh Lãng không bị tống vào ...nhà tù thật thì cũng phải phục cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa [chứ không phải phục Thanh Lãng dám đại ngôn quá sức!] Chỉ một thời gian ngắn sau khi Sài gòn mất, bao nhiêu người đã ...vong mạng trong tù Cộng sản? Và tin tức ở đâu để chứng minh rằng nhiều ký giả ở Miền Nam cũng bị bắt như Miền Bắc? Với một câu phát biểu thượng dẫn, người phát biểu đã xóa đi hàng chục ngàn ngày tù hay hơn nữa của các văn nghệ sĩ Việt Nam bị người Cộng sản cầm tù, đã nhắm mắt trước những cái chết của văn nghệ sĩ và bao nhiêu người Việt khác từng tranh đấu cho tự do, nghĩa là đã đồng hóa một chính phủ độc tài -Cộng sản với một chính phủ tự do-Miền Nam mà ngày nay không có lý do gì để lầm lẫn một cách hết sức thản nhiên như vậy. 

Thú thật, tôi nghe lời giới thiệu này với cả hình ảnh nhà văn Nhã Ca và diễn giả Olga Dror hiện diện mà sửng sốt. Có lẽ nào, từ đâu mà những tin tức hoàn toàn không có thật này tới tay người giới thiệu ngày hôm đó để ông ta có thể rất tự tin phát biểu trước một đám đông như thế? Trong một chương trình được tổ chức tại một đại học từng danh tiếng về các nghiên cứu về Việt Nam? Có lẽ nào chúng ta, người Việt tỵ nạn, hoạt động ròng rã gần nửa thề kỷ nay mà vẫn không thể thay đổi gì hết? Lời giới thiệu này khiến tôi nhớ đến đoạn cuối thư trả lời của Hoàng Văn Chí. Ông chua chát nhận xét rằng:

-"But one small difference disturbs me very much: While in North Vietnam, false charges were made by illeterate peasants in front of largely illiterate audiences, charges of the same qualitative nature are now coming out from the printing press of a famous institution of higher learning in the United States: Cornell University. This I find surprising, to say the least./ Nhưng có một sự khác biệt nhỏ lại làm tôi phiền lòng hết sức: trong khi tại Bắc Việt, những lời vu cáo được phát biểu từ những nông dân thất học trước một cử tọa phần đông cũng thất học, [đàng này] những sự cáo buộc với một thứ giá trị tương tự lại xuất phát từ nhà xuất bản thuộc một đại học danh tiếng của Hoa Kỳ: Đại học Cornell. Cái đó làm tôi ngạc nhiên, ấy là tôi chỉ nói ít thôi đấy." 

Lần này, tôi tin là phải có một lý do nào đó khiến người giới thiệu nói một câu như vậy. Bởi thế, cách hay nhất là tìm hiểu xem trước tiên, những loại tin tức ấy từ đâu đến; rồi sau đó, chính chúng ta đã làm những gì để góp phần nghiên cứu về Văn học Miền Nam để tự vệ. 

----------------------
Kỳ sau:
2-Văn học Miền Nam qua Vo Phien and the Sadness of ExileJohn C Schafer và Mourning Headband for Hue: An Account of the Battle for Hue, Vietnam 1968, Olga Dror
A- Trường hợp John Schafer
B-Trường hợp Olga Dror

-----------------------
Chú Thích:

(1) "[...] One might find it a source of wonderment that American historians think they can write with authority about the Vietnam War without being able to use the Vietnamese language to read source materials, but Vietnam War studies in this country have prospered largely in this mode..." [K. W. Taylor, Phản bác Robert Buzzanco, tác giả bài "Fear and (SelfLoathing in Lubbock: How I Learned to Quit Worrying and Love Vietnam and Iraq"- Counterpunch, April 16/17, 2005, nhắm phê phán quan điểm của Taylor về chiến tranh Việt Nam. 

Bài phản bác này đăng trên Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, Numbers 1-2, trang 436–452. _http://vi.uh.edu/pages/buzzmat/Forum,%20K.W.%20Taylor.pdf]
Cả K. W. Taylor lẫn Robert Buzzanco đều là những học giả chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam nhưng trên hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Riêng K. W. Taylor còn nổi tiếng là một trong những sử gia ngoại quốc hàng đầu về lịch sử Việt Nam. Sau nữa, ông thuộc về trường phái "Xét lại" sự tham dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh Việt Nam mới đây. Trường phái này chủ trương sự tham chiến ấy là cần thiết, trái với sự giảng dậy và truyền bá xưa nay rằng Hoa Kỳ đã nhầm lẫn khi giúp Việt Nam Cộng hòa chống lại khối Cộng sản.

(2) Giáo sư Ngô Vình Long hiện giảng dậy tại Đại học University of Maine, Miền Đông và cũng là tác gia của một số sách nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam nhưBefore the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French [1973] và Vietnamese Women in Society and Revolution: The French Colonial Period [1974] Ông nguyên là một sinh viên Miền Nam du học và tốt nghiệp Tiến sĩ tại Hoa Kỳ về ngành "Lịch sử Miền Đông Á và Ngôn ngữ Miền Viễn Đông Á châu"(1978) nhưng sau gia nhập phong trào thiên tả chống lại việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam và thiên về Bắc Việt.

(3) Lê Xuân Thủy vẫn được coi là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Bản dịch có tên là Kim Vân Kiều được Khai Trí xuất bản lần đầu năm 1963, tái bản lần thứ hai năm 1968. Bản dịch của ông có chỗ đặc biệt là ông dịch ra văn xuôi, khác hẳn với các bản tiếng Anh vẫn giữ kiến trúc của thơ như The tale of Kiều, Huỳnh Sanh Thông [Bản song ngữ, 1983-Bản Anh ngữ, 1973] hay Kiều, Poetic English Version, Hoài Văn Tử [1996, Texas]. Khi Trần Văn Dĩnh đạo những câu văn xuôi của Lê Xuân Thủy, ông ta chỉ cắt thành từng câu riêng biệt và xuống dòng mà thôi. Thí dụ như, theo Lê Xuân Thủy:

-If I surrender to the imperial court, as a submissive and bewildered rebel, what will become of my fate? Over there, they are all tied up with with one another by their robes and skirts ! Crawling in and getting out with one's head down! Ah! it's not worth-while being a duke or a marquis! [LXT, trang 340, sđd]
thì Trần Văn Dĩnh sửa đi vài chữ và biến thành "thơ" của mình như sau:

-If I tie up myself and surrender to the imperial court 
as a submissive and bewildered rebel, what will become of my fate? 
Over there, they are bound to one another by their robes and skirts !
Crawling in and getting out with their head bend down! 
Is it then worthwhile to be a duke or a marquis! [TVD, trang 48, sđd]

(4) Nguồn tin Trần Văn Dĩnh từng làm cho Nhật mà Teoduru nhắc đến khi ra điều trần được xác định bằng Chính Đạo và rõ ràng hơn, qua hồi ký của Trung tá Trần Đỗ Cung. Trong các tiểu sử, kể cả tiểu sử do chính Trần Văn Dĩnh viết, thí dụ như bản dài 1 trang rưỡi khi viết lời giới thiệu cho cuốn Hồ Xuân Hương của John Balaban, cũng không thấy nhắc đến chi tiết làm cho Nhật này. Nhưng Hoàng Văn Chí đã biết.

-Theo Chính Đạo:

"Ðích thân Tổng thống Diệm, theo Trần Văn Dĩnh–một cựu thông ngôn tại Tòa lãnh sự Nhật ở Huế, có liên hệ với Diệm từ năm 1942, và xử lý thường vụ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Oat-shinh-tân từ ngày 22/8/1963, đang trên đường qua India nhận nhiệm sở mới–cũng định tìm cách tiếp xúc một cán bộ cao cấp của Hà Nội ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963..." [Chính Đạo, “PHIẾN CỘNG” TRONG DINH GIA LONG (The Communist Rebels in the Gia Long Palace), Diễn đàn trên mạng Hợp Lưu, Tháng Mười Một 2013 _http://hopluu.net/a2099/phien-cong-trong-dinh-gia-long-the-communist-rebels-in-the-gia-long-palace]

-Theo Trần Đỗ Cung thì Trần Văn Dĩnh hợp tác với Hiến binh Nhật "Kempetai" vào khoảng 1939-1940:
-"[...] Chúng tôi biết Dĩnh làm thông ngôn cho Kempetai. Anh ta đội mũ lưỡi trai mềm quân đội Nhật và khoe chúng tôi chiếc kiếm samurai sáng loáng..." [Trần Đỗ Cung, Tâm thư một dân Việt nhập cư Mỹ quốc.] 

Hay

"[...] Tôi học Tú Tài Toán ở Trường Quốc Học Khải Ðịnh. Tôi nhập học vào tháng Chín 1939 sau khi đậu bằng Cao Tiểu ở Collège de Thanh Hóa. Năm đầu 1-S có 40 học sinh, 33 nam và 7 nữ. Các học sinh nam đều mặc áo dài thâm, chân đi guốc chỉ trừ có ba người mặc quần Tây trắng và sơ mi cụt tay trắng. Ðó là Hoàng Kim Nha, Nguyễn Châu Phùng và Trần Văn Dĩnh về sau làm thông ngôn cho Kempetai Nhật và trở thành Bộ Trưởng Thông Tin đầu tiên của chính phủ Ngô Ðình Diệm..." [HỒI ỨC HÀ NỘI 1945 CỦA TRẦN ĐỖ CUNG, _http://viteuu.blogspot.com/2013/03/hoi-uc-ha-noi-1945-cua-tran-o-cung.html] 

5) " It so happens that Chi. a former wealthy North Vietnamese landowner, has since 1955 been in the employ of Vietnamese and American propaganda organs, from Saigon's Ministry of Information to the U.S. Information Agency to the Agency for "International Development". The results of this kind of subsidized "scholarship" should hardly be surprising." [The Cornell Daily Sun]

(6) "[...] The South Vietnamese soldier, although Vietnamese, is not fighting as well, he is outside the stream of Vietnamese history, he is associated with the foreigners who divided Vietnam. He is feeling, in a way, less Vietnamese [...] When the United States pours money into Vietnam, creating in the process hordes of corrupted officials and generals, when the big and fat Americans walk among the frail and slender Vietnamese in the cities and in the countryside, they create a feeling of resentment, and suspicion. There are, no doubt, among the thousands of Vietnamese bar girls in Saigon, those who think of themselves as modern, mini-Thuy Kieu, longing for Kim Trong, who may be the distant image of President Ho Chi Minh in the North, or, more likely, the Viet Cong agitation cadre in the town. Some bar girls contribute generously to the “Viet Cong” funds for that reason [...] The disdain for soldiers, as well as for physically big persons, can be seen in the description of Tu Hai, the rebel in Kim Van Kieu. He was “an imposing man with a tiger mustache [ Vietnamese, especially old people, grow beards, not mustaches], a swallow jaw [very strong], a pair of eyebrows like silkworms; he was five decimeters broad-shouldered and ten meters high.” Although the old Chinese and Vietnamese meter is about one-third of the modern one, it is obvious that Nguyen Du purposedly exaggerated Tu Hai’s physical stature. Thuy Kieu did not love him; she used him. To her she was a vu phu (a man who uses force, a rude man) and he was not the scholar Kim Trong was [...] When the United States talks about an independent South Vietnam it deeply hurts the Vietnamese dream of Thong Nhat, of unity, the Kim Trong dream. ..[Trần Văn Dĩnh, sđd]

(7) Trích từ Phụ Lục III: Thư Hoàng văn Chí trả lời Daniel E. Teodoru, trang 47-48, sđd

" (a) Connection with the CIA:
"[...] 1) I started writing my book “From Colonialism to Communism" when I was in India in 1959. In chapter I, I talk much about India because, living at that time in India, I had the Indian audience in mind, 2) It was not the CIA, but leaders of the Praja Socialist Party and the Bhoodan (land distribution) Movement in India who asked me to write the book; being interested themselves in land reform, they wanted to learn about the various methods, used in other countries. Proof of this: In the Indian edition of my book—which appeared prior to the Pall Mall edition, in London, and the Praeger, edition in New York—I wrote the following dedication: “To my friends in the Bhoodan Movement and the Praja Socialist Party” 3) Since I could not complete the book beforer abandoned my post in New Delhi and landed almost penniless in Paris, I had to look around for a grant and finally got one from the Congress for Cultural Freedom. The grant, which amounted to less than US$2,000 barely kept me alive for more than one year to complete my manuscript. I was not the only person who received financial support, from that international organization, hundreds of men of arts and letters around the world also did, and among them were many Americans who are now well-known for their anti-war writings. 4) It should be recalled that, in 1960 nobody was aware of the fact that the CCF in Paris had received some funds from the CIA in the US, since this was only disclosed in 1967, i.e. 7 years later. 5) There was only one Vietnamese who is publicly known to have received funds direct from the CIA-known as OSS during World War II—and that man was Ho Chi Minh, Needless to say, during some thirty years of his life he continuously received money from another secret organization—the Comintern. Which one is better than the other?The CIA or the Comintern? And is it more morat to spread Communism than to objectively describe how Communism actually is?

"(b) My connection with the Diem government.—After I came to Saigon in April 1955, I obtained a job at the Ministry of Information. I was appointed chief of the Cultural Bureau, in charges of briefing foreign visitors on Vietnamese history and culture. However, the creation of that bureau, was not approved by the Vietnamese Civil Service Commission, with the result that. I could not be paid. After 8, months, working without pay, I had to quit to look for some other means of living. I would like to add that the Ministry of Informiation in South Vietnam like its counterpart in any other country might be: in charge of propaganda, but never-deals with intelligence which is the responsibility of other specialized services,

"(c) Connection with Saigon USIA.--When Mr. Porter came to my office he asked me if I had any connection with USIS in Saigon. I had never been employed by USIS or had any direct connection with them. However, I also told him, that when I completed my translation of the autobiography of Benjamin Franklin in 1956; USIS, on learning of the existence of the translation, had arranged for its publication by a Saigon publishing house, For this I received a very modest reimbursement from the publishing house--something under $100. May be Mr. Porter did not clearly understand what I said; or else, in bad faith, he deliberately twisted what I had told him into the story that I had worked as a translator for USIS in Saigon, thereby implying that I was a paid agent of “American imperialism.” In reply to this third accusation by Mr. Porter I simply challenge him to produce any document attesting that I was on the USIS payroll during the whole period I was in Saigon. Besides, how could I? I just came out from North Vietnam and would not have been "cleared" to work for any U.S. agency if I ever applied..." [Hoàng Văn Chí, sđd]

(8) 
Vấn đề tài liệu về Văn Học Miền Nam là một vấn đề lớn sẽ được phân tích vào bài tới. Ngay tại đây, tôi có thể nói rằng một tài liệu lắm khi là yếu tố duy nhất quyết định có nên theo đuổi một đề tài nào đó hay chăng. Nếu không có tờ tạp chí Washingtonian số tháng 4, 1968 [phát hành ngay sau tết Mậu Thân], tôi không thể viết bài này để hỗ trợ cho sự chứng minh rằng khả năng thông thạo Việt ngữ là điều kiện tối cần cho việc nghiên cứu Văn học hay Chiến tranh Việt Nam. Ngày 3 tháng 2, 2016, nhân tình cờ đọc một đoạn thư trao đổi giữa ông chủ bút-43-năm Jack Limpert và ông chủ bút-đã -đăng-một bài -đạo- văn Mark Baldwin, tôi viết thư cho ông Limpert xin bản sao của bài Trần Văn Dĩnh. Ông không có nhưng nội ngày hôm sau báo cho tôi biết đã nhờ được tòa soạn tạp chí Washingtonian sao cho tôi một bản đầy đủ có cả hình bìa minh họa và một trang "Lời Tòa soạn" giới thiệu bên trong. Chỉ một tuần sau tôi đã nhận được. Sự giúp đỡ rất chuyên nghiệp của ông Limbert cũng sẽ cho thấy, trong ngành nghiên cứu, một tác gia có thể từ chối trả lời những vấn đề liên quan đến họ nhưng hầu như luôn luôn sẽ có tài liệu nói thay cho họ, kể cả những tài liệu tưởng đâu sẽ không bao giờ tìm được.


NGUYỄN TÀ CÚC
Nguồn : Tạp chí văn học KHỞI HÀNH, số 229-230, Tháng 22-3 năm 2016.






(Tác phẩm của Nguyễn Tà Cúc và Tạp chí Khởi Hành)

***













































__._,_.___

Posted by: Lucky Ride

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts