Đại Học chăn Trâu




Friday 22 November 2019

MỘT LỜI CHỨNG trước khi lật qua một trang sử thảm khốc của dân tộc !



MỘT LỜI CHỨNG trước khi lật qua một trang sử thảm khốc của dân tộc !

Tuy là kinh đô của Việt Nam từ lúc Vua Gia Long thống nhất đất nước cho đến ngày cộng sản Việt minh cướp chính quyền tháng 8, 1945, Huế không lớn lắm và dân cũng không đông nên từ thành phần trung lưu trở lên, gần như ai cũng biết ai dù không quen.

Tôi biết ông Võ Đình Cường và anh Trác «điên» mà thỉnh thoảng tôi gặp, đi một mình, trên đường phố, không để ý đến ai, không gây gỗ ai.

Hai hôm sau vụ nổ ở đài Phát Thanh Huế, tôi rời Sài Gòn về Huế và từ phi trường Phú Bài đến thẳng Phú Cam nơi ông Ngô Đình Cẩn cư trú để hỏi cho rõ sự việc đã xẩy ra. Ông rất bối rối, tỏ ý muốn giải quyết gấp nội vụ và nhờ tôi đến thẳng chùa Từ Đàm tiếp xúc với hai Thượng Tọa Trí Quang và Đôn Hậu để tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt cho ông hay.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối, tôi gặp TT Trí Quang sau khi gặp TT Đôn Hậu. Cả hai TT đều có mặt lúc ấy ở chùa Từ Đàm, mỗi TT trong một phòng riêng. TT Đôn Hậu trình bày sự việc đã xẩy ra và trao cho tôi một bản văn gọi là 5 nguyện vọng của Phật Giáo và thỉnh cầu tôi trình bày với Tổng Thống Diệm cứu xét chấp thuận để sớm giải quyết mọi chuyện.

TT Trí Quang thì khác. Ông tiếp tôi và khi đưa tôi ra xe, TT nói với tôi : «Bác ơi, chế độ này cho nó sập cho rồi». Tuy tôi trẻ hơn TT nhưng các nhà sư hay dùng từ «bác» để gọi người khách cùng độ tuổi. Tôi hết sức bất ngờ trước lời nói hoàn toàn chính trị này.

Tôi trở lại cho ông Cẩn hay kết quả cuộc tiếp xúc và ông yêu cầu tôi vào gặp Tổng Thống gấp và gắng trình bày mọi chuyện đặng sớm có một giải pháp và tin cho ông biết ngay quyết định của Tổng Thống.

Hôm sau, tôi vào Sài Gòn và từ phi trường đến thẳng Dinh Gia Long xin gặp Tổng Thống. Tôi nhớ hôm ấy là một ngày cuối tuần. Tổng Thống vừa đi kinh lý đâu về với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ông Thụ đang còn trong phòng sĩ quan tùy viên. Tôi được mời vào gặp Tổng Thống liền trong lúc đại úy Bằng, một cận vệ đang giúp gài nút ở nách áo dài trắng của Tổng Thống. Tôi liền trình bày cuộc tiếp xúc của tôi với hai Thượng Tọa và 5 nguyện vọng của Phật Giáo do TT Đôn Hậu nhờ tôi đệ trình Tổng Thống. Sau khi tôi trình bày ý kiến của tôi về các nguyện vọng này, Tổng Thống bằng lòng ngay và lộ vẻ vui hẳn. Tôi hỏi tiếp có được phép gọi về Huế để thi hành quyết định của Tổng Thống. Ông bảo tôi chờ hỏi ý kiến của ông Cố vấn (Ngô Đình Nhu). Ông Cố vấn góp ý kiến với Tổng Thống về một vấn đề quan trọng là thường và hợp lý. Tôi chờ đợi.


2

Khoảng hơn tuần sau, vào một buổi trưa, ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi văn Lương điện thoại cho tôi lúc tôi đang ở Sài Gòn làm việc tại Quốc Hội, nói ông Cố vấn cho tôi biết rằng không thể nói chuyện với họ được nữa, chắc vì tình hình đã biến chuyển sôi động ở nhiều nơi.

Được tôi thông báo, ông Cẩn rất buồn và bày tỏ sự lo âu sâu xa như một linh cảm đen tối về chuyện gì có thể xẩy đến. Cũng như Tổng thống Diệm, ông Cẩn đối xử ân cần đối với Phật Giáo. Riêng đối với Thượng Tọa Trí Quang, ông Cẩn có những giao dịch lịch sự và tử tế. Các trường tư thục Bồ Đề phát triển ở nhiều tỉnh, không hạn chế. Trong Chính Phủ và các tướng lãnh, tỷ lệ người Công giáo không đến 30%. Ngay tại Huế, hai chức vụ lớn nhất là Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần VN và Tỉnh Trưởng kiêm Thị Trưởng Thành phố Huế trong suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa không vị nào là người Công Giáo: ĐBCP Hồ Đắc Khương, Nguyễn Xuân Khương, Tỉnh, Thị Trưởng Hà Thúc Luyện, Nguyễn văn Đẳng.

Còn bảo rằng người theo đạo Phật chống lại Tổng Thống Diệm, ngay tại Huế, nơi có nhiều tín hữu Phật giáo, cũng là sai nốt. Đại đa số những Phật tử rất sáng suốt. Họ chỉ bất bằng vậy thôi về chuyện gần ngày lễ Phật đản, có lệnh cấm treo một cờ Phật giáo mà thôi trước nhà vì từ trước cờ tôn giáo phải treo cùng cờ quốc gia trong các dịp lễ tôn giáo. Nhưng sự bất bằng ấy đã bị khai thác lợi dụng để trở thành một vụ kỳ thị Phật giáo. Về vụ nổ trước Đài Phát Thanh Huế, cần phải được điều tra để truy tố thủ phạm vì thiếu bằng chứng hiển nhiên và thủ phạm có thể thuộc về một tổ chức chống Chính Phủ Diệm như Cộng sản hay Tình báo Mỹ đang lúc một thế lực lớn của chính trường Mỹ đang muốn lật đổ Tổng Thống Diệm. hay một tổ chức thứ ba chống Tổng Thống Diệm lợi dụng hai tổ chức trên.

Sau vụ đảo chính 1963, Thượng Tọa Trí Quang còn lãnh đạo các cuộc chống đối mang tính cách chính trị hoàn toàn, không một liên hệ nào với Phật giáo, sách động quần chúng Phật giáo mang cả bàn thờ Phật ra đường ở Huế, mưu đồ cùng một số quân nhân tách Vùng I Chiến thuật ra khỏi nước VNCH !

Không có một tội danh nào lớn hơn tội vừa kể, đương trường phạm pháp hay là quả tang (flagrant délit – in flagrante delicto) trong hình luật quốc gia, bất cứ nước nào.

Tiếp theo vụ sát hại TT Diệm và bào đệ Cố vấn Ngô Đình Nhu do lệnh của Dương

3

Văn Minh và đồng bọn phản loạn, Tướng Nguyễn Khánh đã ra lệnh giết ông Ngô Đình Cẩn và ông Phan Quang Đông. Y đã ra lệnh cho Đại tá Nguyễn văn Mầu, nguyên giám đốc nha Quân Pháp được y phong cho làm Bộ Trưởng Tư Pháp, soạn một cái gọi là sắc luật đặt ra một số tội danh mà y cho là đúng với các tội mà y muốn gán ép cho ông Ngô Đình Cẩn. Sắc luật còn quy định không có kháng án, chống án và xử xong là thi hành ngay. Tệ hại hơn nữa là sắc luật này được áp dụng cho những việc xẩy ra trước khi nó được ban hành. Trong luật pháp cả thế giới ngày nay luật pháp chỉ áp dụng cho các tội vi phạm sau khi luật được ban hành. Sự hồi tố nghĩa là áp dụng cho những tội phạm trước khi luật ra đời bị tuyệt đối cấm chỉ.

Với sắc luật phi pháp trắng trợn này và những sĩ quan do y chọn làm thẩm phán, cái gọi là Tòa án đặc biệt này đã kết án tử hình ông Ngô Đình Cẩn.

Cũng với thủ tục tố tụng hình sự phi pháp này, ông Phan Quang Đông, nhân viên của Phủ Tổng Thống đặc trách điều hành liên lạc với các điệp viên của VNCH hoạt động ở Bắc Việt bên kia vĩ tuyến 17, đặt cơ sở tại Huế, không dính dáng gì đến các cơ quan chính quyền ở Huế, bị kết án tử hình và xử bắn ngay tại sân vận động Huế. Thiếu phụ trẻ, hiền thê của ông Đông, đang mang thai, đến lạy lục xin tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Vùng I chiến thuật ở Huế tha cho chồng nhưng Thi từ chối vì không dám làm trái ý TT Trí Quang, người trong bóng tối quyết định mọi việc ở trong vùng lúc bấy giờ.

Hai vụ xử án này là những hành động man rợ hiếm hoi trong lịch sử của nền tư pháp cận đại của thế giới.

Trách nhiệm trực tiếp là Nguyễn Khánh nên ngay sau lễ giổ Tổng Thống Diệm năm 2003 tại San Jose mà Khánh lì lợm vác mặt tới dự và vái lạy trước di ảnh Tổng Thống, tôi được bạn Ngô Đình Chương, người tổ chức buổi lễ, mời Khánh và tôi về nhà anh nói chuyện. Tôi chất vấn Khánh về hai vụ án nói trên. Y chối quanh một cách lúng túng, hèn hạ. Tối hôm ấy, cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, không biết được ai thuật lại – có lẽ mấy người theo Khánh có mặt trong buổi nói chuyện – điện thoại cười bảo tôi «hồi chiều, anh quạt tướng Khánh dữ lắm há».

Tôi còn nhớ trong buổi lễ, ngoài Thủ Tướng Cẩn, còn có hai thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và Búi Đình Đạm. Chúng tôi xúc động ôm nhau. Hai vị tướng này không tham gia vụ đảo chính mà còn bị khó dễ sau đấy. Phần tôi, bị bọn phản loạn bắt giử tại Tổng Nha cảnh sát quốc gia cho đến tháng hai 1965. Mới được trả tự do khoảng hơn tháng, tôi lại được «mời vào ở Tổng Nha CSQG» hai tuần vì lý do sợ tôi tham

4

gia đảo chính, chỉnh lý xẩy ra khá nhiều trong thời kỳ hỗn loạn này.

Qua bốn cuộc tiếp xúc trực tiếp của tôi với Tổng Thống Diệm, ông Ngô Đình Cẩn, TT Đôn Hậu và TT trí Quang, tôi nhận thấy rõ ràng :

-Tổng Thống Diệm và ông Cẩn mong muốn giải quyết lanh chóng, công bằng và tốt đẹp ngay từ những ngày đầu tiên sau khi nội vụ xẩy ra tại Huế. Chính phủ và Quốc Hội Đệ Nhất VNCH không có một ý tưởng hay hành động nào kỳ thị Phật giáo.

-TT Trí Quang bày tỏ rõ ràng mưu đồ chính trị, khuynh đảo quốc gia.

Nhạc phụ tôi một Phật tử thuần thành lúc sinh tiền có lần nói với nhà tôi : «TT Trí Quang giỏi thuyết pháp nhưng rất kiêu ngạo, giống như con chim hạt nhìn xuống hồ nước chỉ thấy có mình !». Có lẽ vì vậy, ông Thượng Tọa ôm mộng làm Thái Thượng Hoàng chăng!

Sau vụ đảo chính 1963 và biến động Miền Trung do TT Trí Quang lãnh đạo, Huế không còn «đẹp và thơ» nữa. Trong bầu khí Cố Đô như phảng phất một sự nghi kị, thiếu thiện cảm giữa một phần đông dân Huế cho đến Tết Mậu Thân 1968, khi bộ đội cộng sản tràn vào Huế thì nhiều tên tranh đấu hăng hái trong vụ biến động Miền Trung hai năm trước xuất đầu lộ diện chỉ điểm cho bọn chúng sát hại đồng bào trên năm ngàn người vô tội như chúng ta đã biết.

Những giọt nước mắt đổ xuống trong tang lễ của nhà Sư Thích Trí Quang tuy chân thật nhưng chỉ là sự than khóc một người thân vĩnh biệt của một thiểu số ít ỏi tín đồ trong lúc hơn nửa triệu đồng bào tỉnh Thừa Thiên - Huế uất hận, âm thầm, kín đáo, không bao giờ quên được những ai đã gây tang thương cho họ và chờ đợi ngày sẽ đến, Cố Đô được giải thoát, tự do, trở lại đẹp và thơ, êm đềm bên giòng Hương Giang xanh biếc, lặng lờ trôi.

Paris, ngày 23 tháng 11, 2019

LS Lê Trọng Quát
Cựu giáo sư trường Quốc Học, Huế

Thủ Tướng Chính Phủ Pháp Định VNCH

__._,_.___

Tuesday 19 November 2019

VŨ LINH - DĐTC - BÀI 99: NHỮNG VÕ SĨ DÂN CHỦ


VŨ LINH - DĐTC - BÀI 99: NHỮNG VÕ SĨ DÂN CHỦ

Saturday, November 16, 2019

Cuối cùng thì Hạ Viện cũng đã chính thức biểu quyết mở cuộc điều tra đàn hặc TT Trump, sau khi cái cầy đã kéo con trâu đi hơn cả tháng. Phe DC cũng kiếm được đủ phiếu để cho cả Hạ Viện biểu quyết, dù đã có hai dân biểu DC ‘đào ngũ’, biểu quyết chống điều tra đàn hặc cùng với tất cả các dân biểu CH.

Biểu quyết bây giờ với hai dân biểu Dân Chủ ‘bỏ đảng’ dù sao cũng đỡ mất mặt hơn biểu quyết một tháng trước đây với cả hai chục dân biểu có thể biểu quyết chống.

Câu chuyện chỉ mới bắt đầu.

Trên nguyên tắc, Hạ Viện chỉ mới biểu quyết mở cuộc điều tra xem có đủ yếu tố đàn hặc không, nhưng trên thực tế, ai cũng biết Hạ Viện đã phóng lao, không thể không theo lao, nghĩa là Hạ Viện sẽ tìm mọi cách đàn hặc TT Trump, tuy chưa biết khi nào và dựa trên tội gì. Nếu tìm không ra tội cụ thể, hay tìm không đủ túc số dân biểu thì sẽ kéo dài cuộc điều tra liên miên lai rai, có thể cho đến ngày bầu cử tháng 11 năm tới luôn, chứ khó có chuyện ra tuyên cáo TT Trump vô tội, chấm dứt điều tra và không có đàn hặc.

Như đã viết trên DĐTC này, ai cũng hiểu phe DC không đủ túc số để truất phế TT Trump, nhưng vẫn muốn đàn hặc, và có nhiều triển vọng có đủ phiếu tại Hạ Viện để đàn hặc TT Trump thật. Do đó, ai cũng hiểu đàn hặc chỉ là một công cụ chính trị bầu cử của đảng DC, với hy vọng sẽ lật đổ được TT Trump nếu không được ngay bây giờ thì trong kỳ bầu tổng thống năm tới.

Tin mới xì ra là ông Mark Zaid, luật sư của ông thổi còi, tháng Giêng năm 2017, khi tân tổng thống đắc cử Donald Trump vừa tuyên thệ chưa kịp hạ tay xuống, đã tuýt tứ tung thông báo “tiến trình đảo chánh –coup- đã bắt đầu, và bước đầu tiên sẽ là đàn hặc”. Anh Zaid này cũng viết “Tôi tiên đoán CNN sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc TT Trump không thể làm hết một nhiệm kỳ” [Câu đố vui: đố quý vị CNN có đăng tin này hay không?]. Ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức phe ta đã chuẩn bị đàn hặc, một lần nữa chứng tỏ những ‘tội’ đang bị Hạ Viện khai thác hiển nhiên chỉ là những cái cớ sau khi cái cớ thông đồng với Nga bị lọt xuống mương.

Trong năm tới, đảng DC sẽ tập trung mọi nỗ lực vào việc này, thay vì cố gắng vận động cho ứng cử viên của mình, vì hiểu rõ tất cả các ứng cử viên hiện hữu đều quá yếu, trong khi họ hoặc là không có chương trình gì có vẻ hấp dẫn, hoặc nếu có, thì cũng chỉ là những chương trình thiên tả hoang tưởng, đa số dân Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận, nên không đủ khả năng hạ TT Trump. Cần dao to búa lớn hơn nhiều mới có hy vọng chiếm lại Tòa Bạch Ốc. Và khám phá ra cái dao to búa lớn đó chính là chiêu đàn hặc.

Từ trái ô. Adam Schiff, bà Nancy Pelosi, và ông Jerrold Nadler


Trận đấu đàn hặc hiện đang được trao cho 3 đại cao thủ của đảng DC là các dân biểu Nancy Pelosi, Adam Schiff, và Jerrold Nadler. Đúng ra là có cả võ sĩ dân biểu Elijah Cummings nữa, nhưng ông này đã ra đi bất đắc kỳ tử. Chưa rõ ai sẽ được chỉ định thay thế ông.

Bài này sẽ ‘giới thiệu’ ba võ sĩ đó của đảng DC.

DÂN BIỂU NANCY PELOSI

Bà Nancy Pelosi năm nay 79 tuổi, là dân biểu liên bang khu vực 12 của Cali, bao gồm phần lớn cả thành phố San Francisco, là khu vực thành đồng kiên trì của khối cấp tiến trong đảng DC, bỏ phiếu cho đảng DC liên tục từ sau thế chiến thứ hai, và cử tri CH chưa có tới 10%. Bà là dân gốc Ý, với tên là Nancy D’Alesandro. Pelosi là tên ông chồng.

Xuất thân từ một gia đình theo đảng DC lâu năm, với ông bố và ông anh đều là cựu thị trưởng Baltimore. Bà theo học trường bình thường, không nổi tiếng, và có bằng cử nhân chính trị học, bà không thuộc loại đại trí thức nhưng có đầu óc thực tiễn. Bà bắt đầu tham gia chính trị trong đảng DC của tiểu bang Cali khi 36 tuổi.

Bà thuộc hạng triệu phú. Theo nghiên cứu của tổ chức Center for Responsive Politics, gia tài của bà là khoảng gần 60 triệu năm 2009, vọt lên 100 triệu năm 2014, bây giờ khoảng 150 triệu. Phần lớn trên danh nghĩa là các đầu tư địa ốc, và vườn rượu nho của hai ông bà tại Cali.

Bà Pelosi hiện nay là chủ tịch Hạ Viện do khối đa số DC bầu sau khi đảng này chiếm đa số trong cuộc bầu cuối năm 2018. Trước đây, bà cũng từng là chủ tịch Hạ Viện trong thời gian đảng DC nắm đa số 2007-2011. Phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Trong tư thế này, bà là người đứng hàng thứ nhì sau phó tổng thống để thay thế tổng thống nếu tổng thống có chuyện gì.

Bà đắc cử dân biểu liên bang năm 1987, cách đây 32 năm. Trên thực tế, bà là người đã thực sự lãnh đạo khối DC trong Hạ Viện từ năm 2003 khi đảng CH nắm đa số tại Hạ Viện dưới thời TT Bush con, và trong tư thế lãnh đạo một trong hai chính đảng Mỹ, bà là người có uy quyền gần như ngang hàng với tổng thống của đảng CH.

Bà Pelosi là người trong suốt lịch sử cận đại, đã dính dáng đến tất cả các quyết định lớn trong chính trị Mỹ từ thời TT Reagan.

Bà Pelosi dĩ nhiên đã là một trong những tiếng nói cấp tiến nặng nhất. Bà được tổ chức cấp tiến cực đoan American Civil Liberty Union –ACLU- chấm điểm 92% những biểu quyết của bà đã theo đúng chủ trương cấp tiến. Dưới thời các TT Bush con và Obama, khi bà ở đỉnh cao của quyền lực, bà đã nổi tiếng qua 2 vụ lớn:

-     chống việc đàn hặc TT Bush con bị các đồng chí DC của bà tố là đã lừa thiên hạ với chuyện vũ khí giết người tập thể tại Iraq [khi đó, phe DC cũng cố tìm đủ lý do để đàn hặc TT Bush con];

-     giúp TT Obama thông qua Obamacare tại Hạ Viện, trong khi TT Obama sợ thất bại, muốn sửa Obamacare cho nhẹ hơn, bớt cấp tiến hơn.

Tất cả các chuyên gia đều nhìn nhận bà Pelosi có khả năng lãnh đạo rất cao, ‘quản trị’ một khối trên dưới 200 dân biểu DC từ hơn 15 năm qua không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bà gần đây đã có phần bị lung lay bởi sự nổi dậy của cánh cực tả trẻ trong đảng DC, với nhóm ‘Tứ Quái Chiêu’ Ocasio-Cortez, Omar, Tlaib và Pressley.

Dưới thời TT Bush con, bà đã cầm cự, chống đến cùng việc đàn hặc TT Bush con, nhưng bây giờ, sau cả năm cầm cự, cuối cùng bà đã phải chịu thua, chấp nhận mở cuộc điều tra để đàn hặc TT Trump. Không phải bà Pelosi thương ông Bush con hay ông Trump gì, nhưng bà luôn luôn cân nhắc, thấy đàn hặc là con dao hai lưỡi, hạ gục tổng thống hay không thì không biết nhưng có thể tự hại chính đảng mình. Bà đã nhìn thấy rất rõ trường hợp phe CH hung hãn đàn hặc TT Clinton để rồi dân Mỹ ùn ùn ủng hộ TT Clinton vì nghĩ ông đã là nạn nhân chính trị của phe đối lập CH.

Con trai bà Pelosi, ông Paul Pelosi trước đây từng là thành viên Hội Đồng Quản Trị công ty dầu khí Viscoil hoạt động tại Cali. Công ty này sau đó bị giải tán rồi được thành lập lại, sát nhập với một công ty Mỹ khác có trụ sở tại Singapore, rồi chuyển qua hoạt động tại Ukraine. Tuy nhiên, có tin ông Paul Pelosi đã không còn hoạt động với Viscoil mới nữa, nên không rõ ông con bà Pelosi có dính dáng gì đến các doanh vụ tại Ukraine như con cụ Biden hay không.

DÂN BIỂU ADAM SCHIFF

Ông dân biểu nổi tiếng và nhiều uy quyền nhất trong Hạ Viện Mỹ hiện nay chính là ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, tức là người đang khuấy động cuộc điều tra đàn hặc TT Trump.

Trên nguyên tắc, bà Nancy Pelosi phải là người quyền uy nhất trong danh nghĩa chủ tịch Hạ Viện, và cũng trên nguyên tắc, hiện đang có tới 6 ủy ban của Hạ Viện đang được huy động để điều tra đàn hặc TT Trump, và ông Schiff chỉ là một trong 6 chủ tịch thôi, nhưng trên thực tế, người chủ động chính là ông Schiff.

Đúng ra thì Ủy Ban Tư Pháp của ông Jerrold Nadler phải là ủy ban phụ trách việc đàn hặc này, nhưng theo tin báo chí, Ủy Ban Tư Pháp đã vi phạm quá nhiều sai lầm trong vụ công tố Mueller điều tra vụ TT Trump thông đồng với Nga, nên bà Pelosi với tư cách chủ tịch Hạ Viện đã trao trách nhiệm đàn hặc cho Ủy Ban Tình Báo của ông Schiff, là người nổi tiếng diều hâu và thâm hơn.

Ông Adam Schiff sanh năm 1960, năm nay 59 tuổi, là dân biểu khu vực 28 của Cali, bao gồm khu vực phiá bắc Los Angeles, với các vùng Pasadena, Glendale, Burbank, San Gabriel,... Ông đã là dân biểu liên bang từ 10 năm nay. Trước đó, ông là nghị sĩ tiểu bang của Cali trong 4 năm.

Sanh tại Massachusetts, ông là một luật gia tốt nghiệp Harvard và Stanford, là hai đại học nổi tiếng của Mỹ. Một loại ‘siêu trí thức’ hơn xa bà Pelosi.

Ông làm công tố liên bang tại Los Angeles trước khi tham gia chính trị, tranh cử chức nghị sĩ tiểu bang Cali, rồi dân biểu liên bang năm 2000.

Sanh ra tại tiểu bang cấp tiến nhất nước thời đó, theo học tại hai đại học cũng cấp tiến hạng nhất, rồi vào nghề tại tiểu bang cấp tiến nhất hiện nay, bảo sao ông Schiff không là một trong những dân biểu liên bang cấp tiến nhất và chống TT Trump mạnh bạo nhất.

Trong thời gian làm dân biểu liên bang, ông bắt đầu tạo tên tuổi khi tham gia vào Ủy Ban Đặc Nhiệm điều tra vụ khủng bố giết chết đại sứ Mỹ tại Libya, trong tỉnh Benghazi, dưới thời bà ngoại trưởng Hillary Clinton. Cuộc điều tra đi đến kết luận là các quan chức bộ Ngoại Giao của bà Hillary đã vi phạm rất nhiều sai lầm và sơ xuất, đưa đến việc bộ Ngoại Giao sửa đổi hàng loạt thủ tục an ninh, nhưng “không ai cố tình vi phạm tội gì”, nên toàn bộ câu chuyện bị xù, không ai bị truy tố tội gì hết. Trong luật thường có cố sát và ngộ sát. Trong chính trị, cố sát mới là tội, ngộ sát vô tội ngoại trừ thủ phạm là dân CH thì đường nào cũng là tội hết.

Bà ngoại trưởng Hillary có cái tài đặc biệt là cả đời bị dính líu vào không biết bao nhiêu xì-căng-đan lớn nhỏ, bị điều tra đủ kiểu, nhưng cuối cùng đều thoát nạn hết, kể cả vụ điều tra về emails riêng do cựu giám đốc FBI James Comey chủ trì. Trong vụ này, ông Comey cũng phán bà vi phạm một vạn lẻ ba tội, nhưng lại quyết định không truy tố gì hết. Đây là xì-căng-đan cuối cùng bà dính dáng vào trước khi bà bị thất cử trong cuộc bầu tổng thống năm 2016.

Trở lại với ông Schiff, ông này là dân biểu gây rất nhiều tranh cãi vì chống TT Trump và phe CH một cách cực đoan nhất. Thậm chí đã bị bắt quả tang nói láo liên tục để xuyên tạc.

Câu chuyện điển hình nhất, trong suốt thời gian công tố Mueller điều tra vụ ông Trump ‘thông đồng’ với Nga, ông Schiff trong tư cách thành viên Ủy Ban Tình Báo, đã liên tục khoe ông đã được công tố Mueller chia sẻ rất nhiều tài liệu mật là bằng chứng cụ thể không thể chối cãi là ông Trump đã thông đồng với Nga. Cuối cùng thì công tố Mueller chấm dứt điều tra và xác nhận chẳng có một bằng chứng nào về việc ông Trump thông đồng với Nga hết. Ông Schiff cũng nổi tiếng là chuyện gia ‘xuyên tạc, bóp méo’, thậm chí sẵn sàng tung fake news hay xì tin mật cho truyền thông để đánh TT Trump.

Mới đây nhất, khi có tin bị xì ra là có người đã ‘thổi còi’ về vụ TT Trump nói chuyện điện thoại với TT Zelensky của Ukraine, thì ông Schiff đã mau mắn ra trước Ủy Ban Tình Báo đọc nguyên văn một đoạn của cái mà ông nói là điện đàm giữa TT Trump và TT Ukraine, xác nhận TT Trump đã dùng lời lẽ thô bạo trắng trợn hăm dọa TT Ukraine phải mở lại cuộc điều tra về cha con cụ Biden. Khi đó, ông nghĩ TT Trump sẽ không dám công khai hóa cuộc điện đàm nên ông có quyền tha hồ phịa. Sau đó, TT Trump công khai hóa cuộc nói chuyện đó, hoàn toàn không như ông Schiff đã báo cáo trước Ủy Ban. Ông Schiff bối rối giải thích là ông chỉ muốn ‘miả mai’ -sarcasm. Lại bị chỉ trích là đã mang chuyện có thể đưa đến đàn hặc một tổng thống ra làm chuyện nói chơi trước Hạ Viện, mà lại không nói rõ ngay từ đầu là nói chơi. Việc làm này đã khiến một dân biểu CH đưa đơn lên Hạ Viện chính thức khiếu nại ông Schiff đã vi phạm nguyên tắc đạo đức của Hạ Viện –House code of ethics- nhưng dĩ nhiên chẳng đi đến đâu vì phe DC nắm đa số kiểm soát Hạ Viện nên đã bảo vệ ông Schiff.

Trong vụ điều tra đàn hặc hiện nay, ngoài tổng thanh tra bộ Tư Pháp, ông Schiff là người duy nhất biết được danh tánh của ông thổi còi, nhưng ông đã nhất quyết bảo mật tin này, không cho TT Trump hay các thành viên của ủy ban Tình Báo biết ông thổi còi là ai. Cho đến nay, danh tánh ông này vẫn chưa ai biết chính xác là ai, tuy đã có nhiều tin đoán mò.

Tai hại hơn cho ông Schiff là báo New York Times đã khui ra chuyện ông thổi còi trước khi gửi báo cáo thổi còi cho tổng thanh tra, đã thảo luận với ông Schiff về báo cáo, thậm chí ông Schiff có thể đã giúp ông thổi còi thảo một phần báo cáo luôn. Ông Schiff đã cải chính, cho biết ông thổi còi chỉ “tham khảo ông Schiff về thủ tục nộp báo cáo thổi còi cho quốc hội” thôi. Cho dù đây là sự thật, chỉ là tham khảo về thủ tục thôi, thì nội vụ câu chuyện cũng tanh òm vì cả ông Schiff lẫn ông thổi còi đều đã giấu nhẹm sự ‘thông đồng’ này, không ghi trong báo cáo cũng như ông Schiff đã không cho các đồng nghiệp trong Hạ Viện biết  cho đến khi báo NYT xì ra.

Hạ Viện mới đây đã biểu quyết cho mở cuộc điều tra đàn hặc TT Trump. ‘Luật’ mới cũng liệt kê ra chi tiết về thủ tục điều trần. Mới đọc thì thấy có vẻ công bằng, như phe thiểu số CH cũng có quyền gọi nhân chứng ra điều trần, cũng có đầy đủ quyền chất vấn,...  Nhưng coi lại cho kỹ thì thấy tất cả những ‘quyền’ đó đều tùy thuộc chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Adam Schiff vì thủ tục mới cũng cho phép ông Schiff phủ quyết, bác bỏ tất cả.

Ngay sau cuộc biểu quyết, phe CH đã đánh tiếng ngay là họ sẽ dùng một ủy ban khác để gọi chính ông Schiff ra điều trần để giải thích tại sao có điều trần kín cũng như ông Schiff đã biết được gì qua những cuộc điều trần kín đã qua đó. Chỉ là CH tháu cáy, tố để xem phe DC phản ứng ra sao, chứ thực tế không thực hiện được khi phe DC còn kiểm soát tất cả các ủy ban của Hạ Viện và tự cho quyền chấp nhận hay bác việc phe CH gọi người ra điều trần.

Phe CH cũng đánh tiếng có thể lôi cha con cụ Biden ra điều trần, nhưng cũng như câu chuyện trên, sẽ không xẩy ra vì ông Schiff sẽ không chấp nhận.

Trong vụ đàn hặc này, đối thủ nguy hiểm nhất cho TT Trump chính là ông Schiff vì chẳng những ông là người quyền thế nhất, chống Trump mạnh nhất, mà còn vì lý do ông này cũng là người nham hiểm nhất, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn mà không run tay.

Gần đây, trước áp lực của công luận, ông Schiff và bà Pelosi đã phải đồng ý công khai hóa cuộc điều trần, và công bố biên bản các điều trần kín trước đây. Nhưng ông Schiff đã chơi mánh, trong hai tuần đầu, chỉ công bố những biên bản bất lợi cho TT Trump.

Trang mạng The Federalist cũng khui ra chuyện ông Schiff thay đổi quan điểm trắng trợn nhất. Khi vụ thổi còi mới bùng nổ, ông Schiff viết thư cho giám đốc Tình Báo Quốc Gia Joseph Maguire yêu cầu nhưng thực ra là hăm dọa ông này phải đưa ông thổi còi ra trước Hạ Viện để bị điều trần. Sau khi báo phe ta New York Times khui ra chuyện ông Schiff đã biết về báo cáo và ‘làm việc’ chung với ông thổi còi, thì ông Schiff đã lật ngược quan điểm 180 độ, bây giờ lo ‘bảo vệ’ ông thổi còi, không công bố tên của ông ta, cũng không cho ông ta ra điều trần nữa vì sợ ông này sẽ khai huỵch tẹt hết sự dính líu của ông Schiff trong báo cáo thổi còi.

DÂN BIỂU JERROLD NADLER

Dân Biểu Jerrold Nadler là chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện.

Sanh năm 1947, ông Nadler năm nay 72 tuổi. Cũng là một dân biểu kỳ cựu, đã vào Hạ Viện liên bang từ năm 1992, cách đây 28 năm. Ông là dân biểu liên bang đại diện cho khu vực 10 của tiểu bang New York, là khu vực trung tâm của thành phố New York, bao gồm khu phố Wall Street, Manhattan, và Central Park.

Ông Nadler, dân Do Thái giáo, là luật sư tốt nghiệp Đại Học Columbia rất nổi tiếng, sau đó đậu bằng tiến sĩ luật tại Đại Học Fordham. Ông tham gia chính trị năm 1976 khi đắc cử dân biểu tiểu bang New York.

Dưới thời TT Bush con, ông Nadler nổi tiếng là người chống TT Bush mạnh nhất, hung hăng đòi đàn hặc TT Bush con vì tội TT Bush “nói láo khi tố Saddam Hussein có vũ khí giết người tập thể”, nhưng bị bà Pelosi cản. Trong khi trước đó, ông đã là một trong những dân biểu chống việc đàn hặc TT Clinton mạnh nhất. Qua hai sự kiện trên, ông Nadler đã chứng tỏ tính phe phái gần như vô điều kiện. Do đó, không có gì lạ khi bây giờ ông tích cực truy lùng TT Trump hăng say nhất. 

Ông Nadler cho rằng báo cáo của công tố Mueller về vụ TT Trump thông đồng với Nga đã có đầy đủ mọi yếu tố để kết tội TT Trump thông đồng với Nga thật và đủ để đàn hặc và truất phế TT Trump. Tuy nhiên kết luận này của ông Nadler không được ai chú ý và rơi vào lãng quên, cho đến khi vụ điện đàm giữa TT Trump và TT Ukraine bùng nổ thì ông Nadler, lại lớn tiếng là bây giờ thì tội của TT Trump đã quá rõ.

Ông Nadler được xếp hạng là một trong 5 dân biểu cấp tiến cực đoan nhất Hạ Viện, trước khi có sự xuất hiện của nhóm quá khích Tứ Quái Chiêu Ocasio-Cortez, Omar, Ilhan và Pressley.

Trong vụ đàn hặc hiện nay, ủy ban Tư Pháp của ông Nadler là một trong 6 ủy ban được bà Pelosi trao cho trách nhiệm lật đổ TT Trump, nhưng ông không đóng vai trò chủ chốt, chỉ phụ giúp ông Schiff với những ‘góp ý’ dưới khiá cạnh luật pháp. Một phần là vì lý do sức khỏe sau khi ông Nadler bất ngờ bị xỉu và phải chở vô nhà thương khẩn cấp tháng Năm vừa qua, một phần vì đã phạm nhiều sai lầm trong vụ điều tra TT Trump thông đồng với Putin như vừa nêu trên.

Bộ ba Schiff, Nadler, Cummings với bà Pelosi làm người ta nhớ đến chuyện kiếm hiệp Pháp D’Artagnan và ba ‘kiếm sĩ’ (D’Artagnan and the Three Musketeers). Chỉ khác bây giờ là ba kiếm sĩ không phải chuyên múa kiếm bảo vệ vua, mà là chuyên đi... kiếm tội lật đổ vua



VŨ LINH - DĐTC - TIN TỨC NOV. 16, 2019

CẬP NHẬT ĐÀN HẶC

Tuần qua, đàn hặc TT Trump bước qua giai đoạn mới: điều trần công khai. Bình mới rượu cũ, vẫn là phiên tòa cuội một chiều.
Vài ngày điều trần công khai đã cho thiên hạ thấy vài chuyện quái lạ nhất:

1- Chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Adam Schiff từ chối không cho phe CH đòi anh thổi còi và anh Hunter Biden, con cụ Biden, ra trước Hạ Viện điều trần. Trong biểu quyết của Hạ Viện chính thức mở cuộc đàn hặc, phe DC lớn lối ghi rõ ràng phe thiểu số CH có toàn quyền đòi bất cứ ai ra điều trần, cho có vẻ công bằng. Nhưng yêu cầu này lại hoàn toàn tùy thuộc chủ tịch ủy ban chấp nhận hay không, và dĩ nhiên là ông này bác ngay, chỉ chấp nhận cho người ‘phe ta’ điều trần nêu những điểm bất lợi cho TT Trump thôi.

Thế mới nói khi một phiên tòa chỉ gọi những nhân chứng ‘phe ta’ ra công kích TT Trump trong khi cấm chỉ nhân chứng ‘phe địch’ ra bào chữa cho ông Trump thì nghe hao hao giống các vụ đấu tố trí phú địa hào của VC năm xưa, chỉ lôi bần cố nông ra tố địa chủ mà địa chủ cấm cãi và cũng cấm không ai được bênh.

2- Tất cả những điều trần đều toàn là tin đồn. Không có một người nào trực tiếp gặp TT Trump hay chính tai nghe/nhận/đọc chỉ thị trực tiếp từ TT Trump.
Một dân biểu DC, Mike Quigley của Chicago, ý thức rõ toàn là ‘tin đồn’ nên vội thanh minh thanh nga rất lạ lùng là “trên thực tế, tin đồn có thể có giá trị luận tội mạnh hơn là bằng chứng cụ thể”. Chỉ cần có tin đồn là thành thủ phạm rồi. Công lý của đảng DC tân thời.

Thượng nghị sĩ CH Lindsey Graham tuyên bố ngay nếu ông thổi còi không ra điều trần trước Hạ Viện hay Thượng Viện thì coi như việc biểu quyết truất phế TT Trump đã chết trong trứng nước tại Thượng Viện. Vui nhất là ông Schiff đã bất ngờ trả lời ông không biết ông thổi còi là ai trong khi cũng chính ông Schiff đã nhìn nhận anh thổi còi đã ‘tham khảo ý kiến’ ông trước khi gửi báo cáo thổi còi cho tổng thanh tra Tình Báo. Ai tin ông Schiff xin giơ tay!

Tin mới: một dân biểu CH, ông Dan Bishop đã công khai nêu tên anh Eric Ciamarella là anh thổi còi. Tên anh này đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa bao giờ được xác nhận một cách chính thức. Anh này là cựu nhân viên CIA được biệt phái qua làm việc tại Tòa Bạch Ốc một thời gian ngắn. Điểm đáng chú ý là anh này là một loại ‘hoạt động viên’ –activist- của đảng DC rất thân cận với cụ Biden và bà Pelosi. Hiển nhiên là một thành viên tích cực của Nhà Nước Ngầm chống Trump.

Tổng Thanh Tra Tình Báo cũng đã nhận được một ‘khiếu nại’ là anh thổi còi đã vi phạm luật khi tìm cách gây quỹ cho chính mình qua một trương mục ‘GoFundMe’, trên nguyên tắc để giúp anh có tiền trả luật sư bảo vệ anh ta. Theo luật, anh này còn đang là công chức, không có quyền đi gây quỹ riêng kiểu này. Cho đến nay, anh ta đã nhận được hơn 200.000 đô. Cố tình khui tin phịa để kiếm tiền sao? Cũng là một ý kiến hay.
Chuyện đáng bàn cho vui: đảng DC mở đầu cuộc điều tra vì tội ‘quid pro quo’ của TT Trump, tức là tội đổi chác. Báo Washington Post viết bài kêu gọi DC bỏ cái tội đó đi vì đó là tiếng La-Tinh, hầu hết dân Mỹ không hiểu nên không trách TT Trump, nên thay thế bằng một tội danh tiếng Anh cho dân hiểu. Thế là bây giờ, không còn ai nói đến ‘quid pro quo’ nữa. Bà Pelosi bây giờ gọi là tống tiền –extortion- hay hối lộ -bribery-, đổi viện trợ lấy điều tra cụ Biden, là chuyện có lợi cho cá nhân TT Trump.

Có thể dễ hiểu hơn thật, nhưng vấn đề là dân Mỹ nghe extortion hay bribery là nghĩ ngay đến chuyện tiền bạc hối lộ mà ở đây TT Trump chẳng nhận được một xu nào. Khiến dân Mỹ rối trí thêm thôi. Đúng là đảng DC đang loay hoay trong ngõ cụt!

Tin giờ chót: TT Trump giải mật cuộc điện đàm đầu tiên của ông với TT Zelensky của Ukraine. Trong đó, có đoạn ông nói rõ ràng sẽ vui mừng được gặp TT Zelensky tại Tòa Bạch Ốc. Chẳng có ai nói gì về điều kiện nào hết. Điều này đi ngược lại tố giác của các ‘nhân chứng’ phe DC đã đưa ra trước Hạ Viện, khi họ nói “họ nghe tin đồn TT Trump chỉ chịu gặp TT Zelensky nếu ông này mở lại cuộc  điều tra về cha con cụ Biden”. Lại một fake news bị lòi ra.

CHUYÊN GIA BÌNH LUÂN VỀ ĐÀN HẶC

Vì kẻ này ngu si, chưa một ngày học luật không kể luật lái xe, nên không dám lạm bàn, chỉ xin trích lại vài ý kiến của các chuyên gia luật thứ thiệt, không phải là kỹ sư, tiến sĩ hay bác sĩ chuyên chữa cảm cúm mù tịt về luật hay chính trị nhưng vẫn thích bàn chuyện luật và chính trị.

Chuyên gia luật Jonathan Tobin, chủ bút The Jewish News Syndicate, nhận định muốn công bằng và chính danh, cha con cụ Biden phải bị gọi ra điều trần. Sẽ thật là một chuyện vô lý nếu không muốn nói là mờ ám khi đầu mối của việc truy tố TT Trump là việc ông đòi điều tra cha con cụ Biden, mà bây giờ lôi TT Trump ra đàn hặc mà lại không cho thiên hạ biết nguyên nhân từ đâu xẩy ra vụ lộn xộn này, tại sao TT Trump đòi điều tra cụ Biden, đòi hỏi của Trump có chính danh không hay chỉ có lợi cá nhân như phe DC tố giác?

Công tố Kenneth Starr, người đã truy tố TT Clinton trong vụ cô Monica, nhận định điều trần của ông Bill Taylor tuyệt đối vô giá trị trên phương diện pháp lý vì chỉ toàn là nghe qua nghe lại, và quan điểm cá nhân, không có gì cụ thể hết. Ông Starr cho biết đàn hặc lần này khác xa hai lần đàn hặc các TT Nixon và Clinton vì trong hai trường hợp này, đã có những dữ kiện cụ thể như cuốn băng của TT Nixon, những tố cáo của chính luật sư cố vấn của Nixon, ông John Dean, hay cái áo đầm của cô Monica trong trường hợp TT Clinton.

Trong một bài bình luận dài trên tập san TIME, công tố Robert Ray (người kế nhiệm công tố Kenneth Starr) đã phê bình cuộc đàn hặc TT Trump hiện nay cũng hoàn toàn không có một căn bản pháp lý chính danh nào hết. Theo ông Ray, cho đến nay, Hạ Viện đã lôi ra điều trần 3 người gọi là nhân chứng cột trụ -star witnesses- nhưng cả 3 chưa ai đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào là TT Trump đã vi phạm bất cứ luật gì. Cả 3 đều chỉ đưa ra quan điểm của họ chứ không phải dữ kiện, đặc biệt là vụ đổi chác quân viện, khi số tiền đó đã được giải ngân trọn vẹn dù Ukraine không mở lại cuộc điều tra về cha con cụ Biden, trong khi chính phủ Ukraine [tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine] khẳng định đã chẳng có áp lực hay đổi chác gì, như vậy, đâu là đổi chác, đâu là tội? Nếu nói về quan điểm thì Hạ Viện có thể lôi 65 triệu người không bầu cho TT Trump ra làm nhân chứng chống Trump.

Cựu công tố Jeffrey Toobin, chuyên gia luật của CNN nói rõ dữ kiện thật -factual statement- là chuyện chỉ là những tin đồn mà không có gì là bằng chứng cụ thể hết, và tất cả những nhân chứng đã điều trần, chưa một người nào đã gặp, nói chuyện với TT Trump.

Báo The American Spectator đã có một bài dài rất đáng lưu ý của nhà báo Donald Elliot. Theo ông Elliot, TT Trump đang bị truy tố vì muốn đổi chác vì tư lợi: viện trợ quân sự cho Ukraine đổi lấy việc điều tra cụ Biden là đối thủ chính trị trong cuộc bầu cử. Ông Elliot nhận định chính PTT Biden cũng đã làm chuyện này, mà còn tệ hơn và lộ liễu hơn TT Trump nhiều khi cụ với tư cách phó tổng thống đã bay qua tận Ukraine, công khai bắt Ukraine phải sa thải Chánh Công Tố đang điều tra con của cụ, nếu không Mỹ sẽ không cho Ukraine vay một tỷ đô [xin nhắc lại, đây là chuyện chính miệng PTT Biden khoe, không phải VL phịa đâu]. Việc làm của PTT cũng là lạm dụng tư cách phó tổng thống –để bảo vệ nồi cơm của ông con. Cũng là chuyện đổi chác vì tư lợi. Ông con cụ Biden được Burisma mời làm thành viên Hội Đồng Quản Trị trả 83,333 đô mỗi tháng trong 46 tháng [theo tài liệu chính phủ Ukraine mới chính thức công bố] mà chẳng ai biết anh ta làm gì. Như vậy tại sao việc làm của PTT Biden thì ô-kê mà việc làm của TT Trump –nếu có- thì lại phải đàn hặc?

Theo ông Elliott, muốn công bằng thì cũng phải đàn hặc cụ Biden luôn. Dĩ nhiên là cụ Biden đã không còn là PTT rồi, nhưng nếu đàn hặc và bị kết tội thì cụ Biden sẽ bị cấm không được giữ một trách nhiệm quan trọng nào nữa, nghĩa là sẽ không được ra tranh cử tổng thống nữa, hay nếu đã được bầu rồi thì Thượng Viện sẽ biểu quyết truất phế hay không.

Một bà không phải chuyên gia mà là dân biểu DC nhí, Ocasio–Cortez đã nói thẳng thừng “đàn hặc cần thiết để cản không cho TT Trump tái đắc cử năm tới”. Sự thật đến từ miệng trẻ con?

MỘT KỊCH BẢN LẠ

Báo Washington Post dưới cây bút Hugh Hewitt đã đưa ra một kịch bản độc đáo, theo đó Thượng Viện có thể chấm dứt tấn tuồng đàn hặc cuội của Hạ Viện rất dễ đàng và hoàn toàn chính danh.

Theo thủ tục của Thượng Viện, trong trường hợp Hạ Viện biểu quyết đàn hặc TT Trump, Thượng Viện sẽ phải có phiên xử để lấy quyết định truất phế TT Trump hay không. Tuy nhiên, vẫn theo thủ tục của Thượng Viện, trước khi có phiên xử này, Thượng Viện phải biểu quyết có thảo luận về vấn đề này hay không. Khi TT Clinton bị đàn hặc, Thượng Viện đã nhất loạt biểu quyết 100% có phiên xử, không ai phản đối, để rồi sau đó TT Clinton không bị truất phế vì không đủ túc số 67 phiếu.

Bây giờ trước khi ’xử án’ TT Trump, Thượng Viện cũng phải lấy biểu quyết để mở phiên xử. Vấn đề là chỉ cần một thượng nghị sĩ (Lindsey Graham?) phản đối là sẽ kích động lên thủ tục gọi là ‘filibuster’, tức là câu giờ, kéo dài tranh luận vô hạn định cho đến khi có ít nhất 60 thượng nghị sĩ biểu quyết chấm dứt tranh luận thì mới đi đến biểu quyết. Phe DC hiện nay chỉ có 47 phiếu, nghĩa là sẽ cần 13 nghị sĩ CH bỏ đảng mới chấm dứt việc câu giờ được. Thực tế, phe chống TT Trump sẽ rất khó có thể có đủ túc số 60 phiếu này, nghĩa là sẽ không chấm dứt cuộc tranh luận được và phiên họp sẽ chết trong trứng nước tại Thượng Viện.

Lãnh tụ phe đa số CH tại Thượng Viện cũng có thể áp dụng chiêu võ của cựu lãnh tụ DC tại Thượng Viện, Harry Reid, hủy bỏ thủ tục filibuster, ra quyết định chỉ cần 51 phiếu là đủ để biểu quyết không mở phiên xử. Hiện nay đảng CH có 53 phiếu, dư phiếu, nhưng nếu có 3 thượng nghị sỉ ‘bỏ đảng’ (Mitt Romney, Lisa Murkowsky và Susan Collins?) thì phe CH sẽ chỉ còn 50 phiếu. Trong trường hợp này PTT Pence sẽ cấp lá phiếu thứ 51 để xù toàn bộ vụ đàn hặc cuội.

Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế chính trị là nếu làm vậy, phe CH sẽ bị đả kích mạnh, trong khi cứ đường đường có phiên xử rồi không đủ phiếu để truất phế nghe chính danh hơn.

Lãnh tụ khối đa số CH tại Thượng Viện cũng đã cho biết nếu Thượng Viện có phiên xử thì tất cả các thượng nghị sĩ phải có mặt để tham gia các cuộc thảo luận và biểu quyết, kể cả các vị đang tranh cử tổng thống cũng phải chấm dứt việc vận động, có thể sẽ kéo dài cả vài tháng. Nếu không thì ông sẽ cho biểu quyết không có phiên tòa.

Không rõ phán quyết này có đúng thủ tục và thi hành được không. Nếu được thì các ứng cử viên tổng thống như Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Kamala Harris, Cory Booker, sẽ phiền to. Hoặc là phải bỏ vận động, hay sẽ không có phiên tòa, hay có phiên tòa thì cũng không đủ túc số truất phế. Đường nào phe DC binh cũng lủng!

Nghĩ cho cùng, đàn hặc TT Trump là một chuyện thật quái lạ. Cả 3 bên, TT Trump, CH và DC đều biết đàn hặc sẽ chẳng thể nào bứng TT Trump được, mà quái lạ thay, cả ba bên đều muốn đàn hặc. TT Trump thì nghĩ đàn hặc sẽ khích động cử tri của mình hăng hái đi bầu cho mình. Phe CH muốn cho thiên hạ thấy tính phe đảng thô bạo của DC đồng thời lái dư luận ra khỏi các ứng cử viên tổng thống của đảng DC. Và phe DC cũng muốn đàn hặc để tiếp tục tấn công TT Trump giúp các ứng cử viên quá yếu của họ.

CẬP NHẬT BẦU CỬ

Chính trường Mỹ tiếp tục bị chi phối hoàn toàn bởi vụ đàn hặc cuội, trong khi tin tức về cuộc tranh cử tổng thống bị lu mờ hẳn.
Dường như là triệu chứng khá rõ là đảng DC đã ‘bỏ cuộc’, chấp nhận chịu thua TT Trump trong vụ bầu bán này, nên chuyển sách lược qua việc hạ TT Trump bằng đàn hặc.

Sự yếu kếm của các ứng cử viên DC hiện nay đã đưa đến vài sự kiện đáng nói:

-     Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York đã đánh tiếng ông sẽ ra tranh cử;
-     Ông Deval Patrick, cựu thống đốc Massachusetts cũng muốn ra tranh cử;
-     TT Obama đã giữ im lặng, không ủng hộ hay chống bất cứ ứng cử viên nào, kể cả cụ phó của ông trước đây;
-     Bà Hillary ‘than phiền’ đang bị áp lực nặng nề phải ra tranh cử để cứu đảng DC.

Phân tách những sự kiện trên, các chuyên gia cho rằng khuynh hướng đại đa số ôn hòa trong đảng DC đang lo sự thành công của cụ bà xã nghĩa Warren, trong khi họ nhìn thấy rõ cụ Biden đã bất lực không cản được bà Warren, càng ngày càng bị bà này lấn lướt. Do đó, họ đang thúc tỷ phú Bloomberg ra thay thế cụ Biden. Mặt khác đảng DC cũng nhận thấy dường như khối cử tri lớn và trung kiên nhất của đảng DC, khối dân da đen, đã một mặt không chấp nhận các cụ Sanders, Warren mà cũng chống thị trưởng Buttigieg (là người đã từng cách chức một cảnh sát trưởng da đen trong một vụ xung đột trắng đen tại tỉnh của ông trước đây) trong khi không hồ hởi lắm với cụ Biden, do đó muốn thúc ông Patrick là người da đen ra tranh cử.

Dù sao thì tin về các ông Bloomberg và Patrick và bà Hillary vẫn chưa đâu vào đâu (khi bài này được viết), chỉ mới là loại bong bóng thăm dò phản ứng của dư luận.

Việc TT Obama im lặng không lên tiếng hậu thuẫn cụ Biden mang rất nhiều ý nghĩa. Có thể là TT Obama không tin ông Biden sẽ chiến thắng nên không muốn mất uy tín ủng hộ một người sẽ thất bại. Trong khi đó, ông cũng không muốn ủng hộ hai cụ xã nghĩa Sanders và Warren vì họ thiên tả quá xa.

Theo các quan sát viên, chuyện đáng ngạc nhiên nhất là trong thời gian qua, những vụ lùm xùm về Ukraine và đàn hặc dường như chẳng có một ly ảnh hưởng gì đến tỷ lệ hậu thuẫn của TT Trump hết.

Trong khi đó, những thăm dò mới nhất cho thấy ‘chị ‘ Buttigieg đã nhẩy lên hàng đầu tại Iowa, trong khi bà Kamala Harris tuột xuống dưới 1% tại New Hampshire.

Về phiá CH, cựu thống đốc và dân biểu Mark Sanford đã rút lui không chạy đua cùng TT Trump nữa. Nhắc lại, buổi ‘lễ’ ra mắt của ông Sanford chỉ có đúng một nhà báo và anh phụ tá quay phim tham dự, không có tới một người nào khác. Còn lại hai ông Bill Weld và Joe Walsh mà chẳng ai nghe hay biết hai ông này đang làm gì.

----------------------------------------

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tăng 6% sau hai cuộc luận tội
Minh Thiện | ĐKN 17/11/2019
Theo báo cáo của Rasmusen, một tổ chức chuyên theo dõi và phân tích các chỉ số liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ thì tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump đã tăng 6% sau hai cuộc luận tội của Đảng Dân chủ
Theo như Rasmussen, thì có 50% cử tri được khảo sát thể hiện thái độ ủng hộ Tổng thống Trump, tăng khoảng 6% chỉ sau ba ngày của cuộc luận tội, từ thứ 3, ngày 12/11 đến thứ 6, ngày 15/11. Dựa theo báo cáo thì các mức tăng bắt đầu từ mức 44% vào thứ 3, đến 46%, 48% vào  thứ 4 và thứ 5, trước khi dừng lại ở mức 50% vào ngày thứ 6, sau buổi luận tội lần thứ 2 của Đảng Dân chủ.
Theo đó, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump bắt đầu tăng kể từ khi các nhân chứng của Đảng Dân chủ là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại Giao về các vấn đề châu Âu, George Kent, cùng với Đại sứ Mỹ tại Ukraine, William Taylor xuất hiện trong phiền điều trần thứ nhất, vào ngày 13/11. Sau đó, tỷ lệ tiếp tục tăng khi cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, Marie Yovannovitch làm chứng tại Ủy ban Tình báo vào ngày 15/11.
Tỷ lệ này được cho là cao hơn tỷ lệ ủng hộ của cựu Tổng thống Barack Obama khi vào thời kỳ đỉnh cao của ông vào những năm đầu của nhiệm kỳ thứ nhất, khi đó ông chỉ đạt được 49%.





 

__._,_.___

Posted by: Thanh Nguyen 

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts