Đại Học chăn Trâu




Wednesday, 2 March 2016

Con người tự do là đích đến của giáo dục


Con người tự do là đích đến của giáo dục

Văn Hùng - Kiều KhảiNông nghiệp Việt Nam
09:16' CH - Thứ năm, 18/02/2016

Đây là quan điểm của TS Giáp Văn Dương khi ông đề cập đến việc đất nước ta đang thiếu đi một triết lý giáo dục...
Quan điểm này được TS Giáp Văn Dương đưa ra khi ông có điều kiện trải nghiệm ở một số môi trường giáo dục tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Anh, Singapore, Hàn Quốc, Áo, Nhật Bản…

TS Giáp Văn Dương (trái) cho rằng, khi đã chọn đào tạo con người công cụ làm triết lý thì không có cách nào làm cho giáo dục tốt lên được

Thi giỏi nhưng làm việc yếu
Bằng sự trải nghiệm của mình, ông nhận định như thế nào về điểm khác biệt giữa nền giáo dục ở Việt Nam và các nước mà ông có cơ hội tìm hiểu, đặc biệt là chuyện thi cử?
Tôi đã trải nghiệm một số nền giáo dục khác nhau. Á, Âu đều có. Rồi cũng nhận ra rằng, Á vẫn là Á mà Âu vẫn là Âu, khác nhau một trời một vực. Chẳng hạn, Hàn Quốc vẫn còn nặng nề về thi cử. Gần như 100% học sinh đều tham gia luyện thi tối ngày để vào trường tốt.

Đến mùa thi đại học, các bà các mẹ lũ lượt vào chùa cầu may cho con cái đỗ đạt. Về mức độ thì còn nặng nề hơn cả ở Việt Nam, vì ở một nền kinh tế cạnh tranh như thế, và do truyền thống Nho giáo còn ảnh hưởng mạnh mẽ, không học đại học đồng nghĩa với một tương lai ảm đảm.

Singapore cũng vậy. Nhưng Singapore nói tiếng Anh nên thoáng hơn trong việc tiếp thu các tư tưởng và phương pháp giáo dục của Tây, đề cao tính thực dụng và sáng tạo. Truyền thống học để thi của Nho giáo vẫn ảnh hưởng mạnh lên hệ thống giáo dục Singapore, vì cộng đồng người Hoa vẫn chiếm đa số.
Thi cử là một phương tiện để đánh giá hiệu quả giáo dục, đã trở thành mục tiêu trong các nền giáo dục châu Á. Nhưng ở bên kia bán cầu thì rất khác. Như Áo hoặc Anh, nơi tôi học và làm việc, thì học hành thi cử rất nhàn.
Giáo dục có cả một truyền thống tư tưởng và triết lý bắt nguồn từ triết học, lại được sự hậu thuẫn của khoa học, và chạy trên nền tảng xã hội dân chủ, nên rất khoa học và hiệu quả. Đó thực sự là một phương tiện để phát triển con người, chứ không phải là đày đọa con người. Thi cử trong các nền giáo dục này chỉ là một trong nhiều phương tiện để đánh giá chất lượng dạy và học, chứ không phải là mục tiêu của giáo dục.
Nói cách khác, họ hiểu rất rõ học để phát triển con người. Vậy phải chăng thi chỉ là phương tiện đánh giá học và dạy có tốt không thôi, thưa ông?
Thi cử là công cụ để đánh giá chất lượng của việc dạy và học. Ở đây phải nói rõ thêm một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng mà chúng ta hay nhầm lẫn: Thi cử là công cụ để đánh giá chất lượng dạy và học theo những nội dung và mục tiêu được soạn sẵn, chứ thi cử không phải là dùng để đánh giá con người. Những gì được học chỉ là một phần nhỏ, nhưng xu hướng hiện nay đang sử dụng thi cử như là công cụ duy nhất để đánh giá con người. Đó là điều vừa vô lý, vừa đáng lo ngại.

Nhìn vào nội dung các kỳ thi là những người làm giáo dục dày dạn có thể nhìn thấy được hình dáng của những thế hệ sắp tới, hình dung được phần nào tương lai của đất nước. Thi cử nếu chỉ chú trọng vào học thuộc thì chắc chắn sẽ tạo ra một đất nước gia công, vì cả hai đều không cần sáng tạo, mà chỉ cần tuân thủ, bảo sao làm vậy.

Nếu nói về thành tích thi cử với các loại huy chương quốc tế thì Việt Nam đã gặt hái được khá nhiều. Nhưng tìm một bằng sáng chế có ứng dụng hay một thành tích khoa học để đời thì lại quá khó. Điều đó cho thấy, cách học để thi không tạo ra người giỏi. Mà bản thân khái niệm người giỏi cũng phải xem xét lại. Quan điểm của ông về điều này?

Người giỏi hiện giờ được coi là người học giỏi, mà cụ thể hơn là thi giỏi. Nhưng người giỏi thực sự phải là người làm giỏi. Chỉ tiếc rằng những người làm giáo dục chẳng mấy khi quan tâm đến chuyện này, nên tạo ra những lớp người thi rất giỏi mà kỹ năng làm việc rất yếu. Tôi muốn nói đến sự thiếu hụt về kỹ năng mềm của sinh viên Việt Nam, nhất là kỹ năng làm việc nhóm của các em rất yếu. Mặt khác, ngoại ngữ và kỹ năng độc lập đối thoại, tự chủ để hội nhập của các em cũng còn non lắm.
Muốn gỡ nút tắc này, thì không còn cách nào khác là phải trở lại với câu hỏi cơ bản nhất: Học để làm gì?
Vậy theo ông, học để làm gì?
Học để trở thành con người tự do chứ còn để làm gì nữa (cười).
Theo UNESCO học để biết, để làm, để khẳng định bản thân và để chung sống với người khác. Nhận định này chính xác. Nhưng tôi cho rằng, học để trở thành con người tự do sẽ đi vào bản chất sâu xa nhất của giáo dục, và vì nó chạm được đến bản chất của tồn-tại-người, với tất cả tính nhân văn, quyền năng và trách nhiệm mà nó phải gánh chịu.
17-49-03_ts-gip-vn-duong-trong-mot-chuong-trinh-truyen-hinh-cung-voi-dbqh-duong-trung-quoc-v-nh-bo-t-bich-lon
TS Giáp Văn Dương trong một chương trình truyền hình cùng với ĐBQH Dương Trung Quốc và nhà báo Tạ Bích Loan
Tôi cho rằng, khi làm giáo dục thì phải trả lời bằng được ba câu hỏi: Học để làm gì, Học cái gì và Học thế nào? 

Trong ba câu hỏi này thì theo tôi, “Học để làm gì?” là quan trọng nhất. Trả lời được câu hỏi này, hoặc ở mức thấp hơn là định hướng được câu trả lời cho câu hỏi này, thì hai câu hỏi kia sẽ tự động được trả lời. Vì thế, học để làm gì chính là con đường ngắn nhất để đi thẳng vào triết lý giáo dục của hệ thống, và sau đó là của mỗi cá nhân.

Ở Việt Nam, tôi đã có khảo sát với số lượng hàng trăm học sinh và sinh viên, trong đó có nhiều em sắp ra trường, vậy mà khi hỏi học để làm gì, các em vẫn không biết trả lời ra sao. Đa số các em thậm chí còn chưa bao giờ đặt ra câu hỏi này cho mình.

Hầu hết chỉ học như một sự lập trình sẵn, đến ngày đến tháng thì đi học, học hết lớp nhỏ thì lên lớp lớn, hết phổ thông thì thi đại học, mà không hề bận tâm đến mục đích của những việc đó. Trong lúc vô tâm đó thì các kỳ thi xuất hiện đều đặn và khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc phán xét. Thế là có một mục tiêu: Học để thi. Thi gì học nấy. Không thi không học. Thi xong thì quên luôn!

Không tin bạn cứ thử trò chuyện với các sinh viên, những người sắp bước vào đời thì sẽ thấy ngay: Phần lớn là chưa thi thì chưa học. Trong học kỳ thì léng phéng, gà gật chơi bời. Chỉ đến khi thi thì mới tìm mọi cách để nhồi nhét chống đối cho xong. Dần dần ăn vào máu của người Việt rồi trở thành bản tính của số đông.
Ở những nền giáo dục tiên tiến thì giáo dục đào tạo con người nào là rất rõ ràng. Nhà nước hoạch định một chiến lược giáo dục rất cụ thể cho việc đào tạo con người mà họ hướng tới, và giải thích rõ ràng và thuyết phục cho toàn dân là tại sao lại như vậy. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa bao giờ một phát biểu tường minh về con người mà chúng ta muốn hướng tới, tức chưa bao giờ phát biểu tường minh về triết lý giáo dục của hệ thống mà chúng ta đang vận hành, dẫn đến bế tắc về triết lý giáo dục.

Vì chưa rõ, hay phát biểu chưa được tường minh về triết lý giáo dục cho nên thiết kế nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy bị rối, không có linh hồn rõ ràng, và quan trọng hơn là không thuyết phục được toàn dân tin theo nên phải áp đặt từ trên xuống. Chừng nào chưa giải quyết được câu chuyện triết lý giáo dục này thì chừng đó giáo dục còn bế tắc.
Cần con người công cụ hay con người sáng tạo?
Ông có hình dung được triết lý giáo dục của Việt Nam không?

Đó là đào tạo con người công cụ. Chúng ta đào tạo con người chỉ để phục vụ một kế hoạch đã định sẵn, một thiết kế định sẵn, một ý chí định sẵn, mà không đào tạo ra những con người biết vượt qua những cái định sẵn đó để tạo ra sự phát triển. Đây là cách giáo dục phục vụ cho nền kinh tế quan liêu bao cấp tập trung.

Trong thời chiến và trong thời bao cấp, nền giáo dục này có thể phát huy được ít nhiều hiệu quả với tư cách là phục vụ trực tiếp những mục tiêu ngắn hạn. Nhưng về dài hạn thì cũng giống như nền kinh tế quan liêu bao cấp tập trung, nó không có sức sống vì không trân trọng con người với tư cách là con người tự do và không phát huy được mọi khả năng của con người.
Vì lẽ đó, về đại thể thì giáo dục vẫn còn dẫm chân tại chỗ của những năm 80 thế kỷ trước, trong khi kinh tế đã từ bỏ mô hình quan liêu bao cấp tập trung để chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần.
Chính triết lý đào tạo con người công cụ này, dù được thừa nhận chính thức hay không, đã chi phối toàn bộ nội dung chương trình và cách thức làm giáo dục ở Việt Nam. Chỉ khi nào vượt qua, bằng cách tạo ra một triết lý mới, nhân văn và tiến bộ, và phát biểu triết lý đó một cách tường minh cho toàn dân biết, và sử dụng nó như kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục thì khi đó giáo dục mới có bước phát triển mới.
Nói như vậy thì Việt Nam cần một triết lý giáo dục như thế nào để thực sự nhân văn và tiến bộ?
Chỉ có con người tự do mới đủ năng động và sáng tạo để làm chủ thực tế và kiến tạo phát triển. Vì lẽ đó, con người tự do là đích đến của giáo dục.
Lý do ư? Thì như tôi đã nói, triết lý đó sáng rõ và đủ lớn để bao trùm và định hướng mọi hoạt động của giáo dục, và đủ sức để thuyết phục toàn dân hưởng ứng, vì đâu có ai là người không muốn có tự do, ai là người thích làm công cụ cho người khác? Và quan trọng hơn, nó rất nhân văn, nó làm cho con người ta trở thành người đúng nghĩa, cho phép người ta phát huy hết mọi khả năng của mình theo cách sáng tạo nhất, để từ đó sống đời sống có ý nghĩa và trách nhiệm.

Chỉ với những con người như thế, chúng ta mới phát triển được, trong một thế giới nhiều cạnh tranh và biến động.
TS Giáp Văn Dương sinh năm 1976 (quê ở Lạng Giang, Bắc Giang), tốt nghiệp kỹ sư ngành Hoá dầu đại học Bách khoa Hà Nội năm 1999, thạc sĩ ngành Công nghệ hoá học Đại học quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) năm 2002, tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật Đại học Công nghệ Vienna (Áo) năm 2006. Ông từng làm việc tại Đại học Liverpool (Anh) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là khi đã hội nhập toàn cầu, thì cái gì không thay đổi sẽ trở thành lạc hậu và bị đào thải. Nếu không sáng tạo để làm chủ, anh sẽ trở thành kẻ làm thuê cho người khác. Sự thật là chúng ta đang làm thuê cho người khác ngay trên đất nước mình. Vì mình được đào tạo để trở thành công cụ chứ không phải là người làm chủ. Sự thật hiển nhiên đó cần phải được thừa nhận để đưa vào cải cách giáo dục.

Trái với việc đào tạo con người công cụ làm cho người ta mệt mỏi và suy thoái, một khi triết lý đào tạo con người tự do được thừa nhận và triển khai rộng rãi, nó sẽ tạo ra sức sống mới cho toàn hệ thống giáo dục, và sau đó là toàn xã hội. Nó nói rõ cho mọi người biết, với tư cách là con người tự do thì cuộc đời của anh diễn ra thế nào là lựa chọn của anh, trong tự do và suy xét, chứ không phải là sự áp đặt từ trên xuống.
Vì thế anh không có lý do gì để oán trách và đổ lỗi. Trở thành con người tự do, anh là chủ nhân của số phận mình, của đất nước mình. Anh không còn lý do gì để bám víu, vì thế anh trưởng thành thực sự, và tìm được ý nghĩa thực sự của đời sống.
Mở đường cho tự do học thuật
Qua nghiên cứu chương trình đào tạo của Việt Nam, ông nhận định như thế nào về nội dung chương trình của ta hiện nay?
Chương trình giáo dục hiện thời của Việt Nam đang được xây dựng trên cách tiếp cận lấy “học cái gì?” là chủ đạo. Vì thế hiện chỉ có một bộ sách giáo khoa được dùng thống nhất trong cả nước, chương trình và phương pháp được kiểm soát chặt chẽ từ trên xuống. Đây là kết quả hiển nhiên của triết lý đào tạo con người công cụ.
17-49-03_ts-gip-vn-duong-cho-rng-khi-d-chon-do-to-con-nguoi-cong-cu-lm-triet-ly-thi-khong-co-cch-no-lm-cho-gio-duc-tot-len-duoc
Theo TS Giáp Văn Dương, không thể đầu tư cho hạ tầng cứng là cầu cống, đường sá mà lại bỏ qua hạ tầng tri thức và hạ tầng con người trong khi bắt họ phải tự chủ

Nhưng điều này sẽ dẫn đến một kết quả hiển nhiên khác, là con người do hệ thống giáo dục đào tạo ra chỉ biết “học thuộc”, tức bảo gì làm nấy, nên chỉ có thể làm thuê chứ ít khả năng sáng tạo để làm chủ. Nếu giáo dục không thay đổi thì việc Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công và bị kẹt không vượt lên được có sự đóng góp rất lớn của giáo dục.
Giờ thì giáo dục chỉ còn học và thi. Học ngày học đêm, chỉ để thi. Thi xong là quên hết. Thầy lao đầu vào dạy, trò lao đầu vào học, mà không cần biết dạy để làm gì và học để làm gì. Tất nhiên phải trừ những người dạy để kiếm cơm ra (cười).
Về nội dung chương trình đào tạo bậc đại học của mình thì hiện nay quá lạc hậu. Cứ thử làm một khảo sát bỏ túi mà xem, phần lớn giáo trình của các ngành công nghệ vẫn là giáo trình được biên soạn bởi những thầy cô đi học ở Liên Xô (cũ) về. Thậm chí nếu các thầy cô đó đã nghỉ hưu thì giáo trình đó vẫn sử dụng, vì dùng thế quen rồi, và vì các thầy cô tuy nghỉ nhưng vẫn còn ảnh hưởng…

Kết quả là về mặt kiến thức, sinh viên của chúng ta đi chậm hơn so với thế giới hàng chục năm. Chưa kể, trong mấy chục năm qua, chưa có một cuộc cải cách giáo dục nào ở bậc đại học. Tất cả các cuộc cải cách giáo dục đều dừng ở bậc phổ thông. Duy nhất chỉ có một lần thành lập trường đại học đại cương giữa những năm 1990, nhưng đã thất bại. Còn việc dạy theo tín chỉ đã triển khai trên diện rộng, nhưng về bản chất cũng không khác gì học theo niên chế ngày xưa, vì có quá ít nội dung để sinh viên lựa chọn.

Giáo dục phổ thông 12 lớp, một lớp chỉ có hơn chục đầu sách, kiến thức truyền thống, nên dễ làm. Vì thế nên cải cách giáo dục chỉ tập trung ở bậc phổ thông này. Còn giáo dục đại học quá rộng lớn, lại thay đổi liên tục vì phải cập nhật kiến thức để cho sinh viên ra trường đi làm được.

Cùng một môn nhưng năm nay thầy dạy bằng giáo trình này, năm sau thầy lại dạy bằng giáo trình khác cập nhật hơn, vì thế khó làm, nên cải cách giáo dục bậc đại học bị bỏ qua trong suốt mấy chục năm qua. Không làm được, nhưng cơ quan quản lý lại muốn kiểm soát về nội dung chương trình, không ủng hộ tự do học thuật nên không mở đường cho việc sử dụng giáo trình của nước ngoài, nên chương trình đại học về cơ bản là giậm chân tại chỗ.

Từ đó đặt ra những điều gì đáng lo ngại cho nền giáo dục nước nhà, thưa ông?
Điều tôi lo ngại nhất là chúng ta không có tự do học thuật ở bậc đại học, và tự do học đường ở bậc phổ thông. Đã không có tự do học thuật và tự do học đường thì tất cả sẽ chỉ là công cụ. Trò là công cụ đã đành, nhưng thầy cũng là công cụ, hiệu trưởng cũng vậy…
Sau đó là nội dung chương trình bậc đại học của phần lớn các ngành quá mức lạc hậu. Nhiều ngành vẫn sử dụng giáo trình từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, tức của thế hệ các thầy cô từ ngày đó biên soạn hoặc biên dịch cóp nhặt. Vậy thì làm sao cử nhân, kỹ sư của ta có chất lượng, có thể tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh được?
Nhưng việc sử dụng giáo trình của nước ngoài không được khuyến khích, vì xung đột lợi ích với cả nhà quản lý và bản thân giảng viên, khi giáo trình cóp nhặt do mình viết ra vẫn được chấp nhận và lại được tính điểm để phong học hàm, còn sử dụng giáo trình của nước ngoài thì vừa mệt lại vừa “nguy hiểm”. Tình trạng này có lẽ còn kéo dài, nếu không có sự thay đổi rốt ráo từ phía Bộ GD-ĐT.
Và cuối cùng, nhưng lại đáng ngại nhất, là sự giả dối thể hiện dưới nhiều hình thức đã trở thành phổ biến trong mọi nhà trường, và rộng hơn là cả xã hội. Bệnh thành tích chỉ là một phần nhỏ của sự giả dối này mà đã tàn phá ghê như vậy, thì kết hợp với các hình thức khác sức tàn phá còn lớn đến mức nào? Lớn đến mức không ai là con người thật, tất cả thành hàng giả hết. Những người thật còn sót lại, nếu có sẽ bị dồn vào chân tường, và im lặng!

Nếu bỏ áp đặt để mở đường cho tự do học thuật, tự chủ đại học, ông có nghĩ rằng, đây sẽ là luồng khí mới cho bước khởi đầu phát triển giáo dục nước nhà?
Đây là con đường duy nhất để phát triển giáo dục. Không còn cách nào khác. Muốn tạo ra những con người tự do đầy sức sống, đầy sức sáng tạo thì phải có tự do học thuật và tự chủ đại học. Nhưng phải lưu ý, tự chủ đại học không phải là các trường tự lo tài chính, nhà nước không có trách nhiệm gì như cách hiểu hiện giờ.

Tự chủ đại học phải được hiểu là tự chủ về nhân sự, tự chủ về nội dung chương trình. Coi tự chủ đại học là tự chủ tài chính thì nguy hiểm và vô trách nhiệm với giáo dục. Tất nhiên là đang nói với các trường công. Còn trường tư thì là câu chuyện khác, đó là câu chuyện của thị trường.

Trong góc nhìn này, Nhà nước phải coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đó chính là đầu tư cho loại hạ tầng quan trọng nhất, hạ tầng tri thức và hạ tầng con người. Cho nên, không thể đầu tư cho hạ tầng cứng là cầu cống, đường sá mà lại bỏ qua hạ tầng tri thức và hạ tầng con người trong khi bắt họ phải tự chủ.

Trân trọng cảm ơn ông!
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts