Văn chương
phản kháng, viết từ Bắc Hàn
Từ Thức
Lần đầu tiên, một cuốn sách mô tả và tố cáo xã hội Bắc Hàn, do một
tác giả hiện sống tại chỗ, tới tay độc giả Tây Phương. Tác phẩm La
Dénonciation (Báo Cáo) (1) của Bandi là một tập truyện ngắn tường
thuật đời sống gian nan, đầy tai hoạ, bất trắc của người dân trong một chế độ
độc tài tàn bạo nhất thế giới, một vùng đất đóng kín trong đó lãnh chúa họ Kim
có toàn quyền sinh sát.
Những năm vừa qua, nhờ Internet và du lịch, sách viết về xã hội
Việt Nam, Trung Hoa, Cuba, đã được xuất bản nhiều ở nước ngoài, nhưng đây là lần
đầu một nhà xuất bản Pháp, Philippe Pickier ở Paris, dịch và ấn hành một tác
phẩm Bắc Hàn. Trước đây, một tập truyện Bắc Hàn, Des
Amis (Những Người Bạn) đã đưọc nhà xuất bản Acte Sud dịch và ấn
hành, nhưng tác giả là một nhà văn “chính thức” của chế độ. Sau bản tiếng Pháp,
những bản dịch ra chữ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật tác phẩm của Bandi sẽ được in
ở nhiều nước khác. Nhà xuất bản cho hay cuốn sách đã được một người bạn của tác
giả giấu trong một mớ sách tuyên truyền, mang tới Nam Hàn và xuất bản ở Hán Thành
từ 2014. Gia đình đã tỵ nạn ở Nam Hàn nhưng tác giả, khoảng 60 tuổi, không ai
biết mặt, là một thành viên của Hội Nhà văn nhà nước, viết dưới bút hiệu Bandi
(Con Đom Đóm) vẫn sống ở Bắc Hàn.
La Dénonciation là một tuyển tập gồm 7 truyện ngắn, mô tả xã hội Bắc Hàn những
năm 90 thời Kim Il Sung (2), cha đẻ của chế độ quái dị Bắc Hàn, ông nội của
Lãnh Tụ Kính yêu hiện thời, Kim Jong Un. Đó là một xã hội đói khát, hãi hùng,
mạng người treo đầu sợi chỉ, trong đó con người vờ vịt, rình mò, tố cáo, hành
hạ nhau để được sống như con vật, một xã hội trong đó thở khí trời cũng là một
ân huệ của lãnh tụ.
Cả nước đóng kịch
Xã hội Bắc Hàn là một xã hội đẳng cấp. Trên cùng là lãnh tụ được
toàn dân sùng bái, dưới là cán bộ lớn, cán bộ nhỏ có quyền sinh sát, dưới nữa
là dân đen, chia ra làm hai loại, những người được coi là trung thành với chế
độ và những người bị coi là kẻ thù của cách mạng, như bị bệnh hủi, không ai dám
lai vãng. Nhưng ngay cả những người được coi là trung thành, tai họa vẫn có thể
giáng xuống bất cứ giờ nào, vì những lý do rất kỳ quái.
Truyện ngắn La Ville des Spectres (Thành phố của ma quỉ) nói
về tai họa của Kyeong-hui trong tuần lễ Quốc khánh. Cả thành phố “tự nguyện”
tập họp ở công trường Kim Il Sung để bày tỏ lòng nhiệt thành trong việc chuẩn
bị đại lễ vinh danh công đức trời biển của lãnh tụ kính yêu. Mặc dù gió bão,
Kyeong-hui vác cả thằng con trai hai tuổi đang bệnh đi biểu tình, không biết
rằng tai họa sắp giáng xuống gia đình mình. Công an phường báo cáo: Mỗi
ngày từ 6 giờ chiều tới sáng hôm sau, giờ mọi người đi làm, cửa sổ nhà số 3,
lầu 5, dãy 5 đều che kín màn cửa xanh, dày. Tôi thấy chuyện khả nghi. Chắc đây
là mật hiệu ra dấu cho gián điệp. Được gọi lên làm việc,
Kyeong-hui, một công dân gương mẫu, vui cười giải thích với cán bộ khu phố đó
là một chuyện rất trẻ con. Con trai anh ta có cái tật rất sợ cái hình Karl Marx
khổng lồ treo bên kia đường. Để thằng nhỏ ngủ yên, anh ta kéo màn, che cửa sổ. Cán
bộ chất vấn tại sao che cả cửa sổ tường bên kia. Kyeong-hui nói bởi vì phía bên
kia cũng có chân dung của Kim Chủ tịch. Và nói thêm, dí dỏm: Cán
bộ hẳn biết câu tục ngữ: một đứa nhỏ sợ con rùa, sợ cả cái vung đậy nồi.
Đêm hôm sau, hai vợ chồng anh ta và đứa bị công an đến, tống lên mộ chiếc xe,
đưa đi biệt tích trước con mắt hãi hùng của dân hai bên đường. Ngoài tội gián
điệp, anh ta còn bị kết án không biết giáo dục con cái để nó kính yêu lãnh tụ,
tội chế diễu chân dung bác Marx, và một cái tội khủng khiếp: ví Kim Chủ tịch
với cái vung nồi.
Trong Si
près, si loin (Xa, gần), anh thợ mỏ Myeong-cheol
xin xỏ, lạy van đủ cách vẫn không xin được giấy phép về thăm mẹ hấp hối trên
giường bệnh (di chuyển từ khu này sang khu khác phải có giấy phép). Thương mẹ,
anh ta làm ẩu, trèo lên xe lửa đi thăm mẹ. Bị kiểm soát, bắt giam, hành hạ 20
ngày; khi được thả, mò về nhà, vợ không nhận ra người đàn ông già sụm, tiều tụy
trước mặt là người chồng 30 tuổi.
Người ta, nhất là người Tây Phương, vẫn ngỡ ngàng trước cảnh người
dân vật vã, than khóc khi được tin lãnh tụ Bắc Hàn qua đời, như dân Nga trước
cái chết của đồ tể Staline. Truyện La Scène (Màn Kịch) mô
tả không khí xã hội những ngày dân Hàn để tang Kim lãnh tụ. Trong buổi họp
phường khóm, công an phường cảnh cáo: “Ngay
trong hàng ngũ cán bộ cũng có những tên đáng bắn bỏ (vì không bày
tỏ đủ lòng thương tiếc Đại lãnh tụ kính yêu)…
Chúng ta phải khuyến cáo cán bộ cảnh giác hơn nữa: hàng ngàn con mắt, hàng ngàn
lỗ tai, hàng ngàn nắm tay vũ bão phải tích cực canh chừng hơn nữa, phải như vậy
mới bảo đảm sẽ không có tên nào dám lầm lỗi”. Mọi người thi đua tới
bàn thờ tưởng niệm lãnh tụ. Người ta biết công an đứng ghi tên từng người. “Dân chúng tới than khóc ít nhất một
lần mỗi ngày. Dần dần trở thành một thông lệ được mọi người tuân theo, và con
số những người tới sáng, trưa, chiều, tối càng ngày càng đông”. Cả nước vật vã khóc,
kể cả những người bị chế độ hành hạ thân tàn ma dại. Tác giả viết mỗi người đóng
một vai kịch, sống trong da thịt vai kịch (se
glisser dans la peau du personnage) đến nỗi trở thành nhân vật,
những giọt nước mắt trào ra, tự nhiên. Mỗi người mang tới bàn thờ lãnh tụ một
bông hoa. Hậu quả là hoa trong vườn, trong công viên bị hái sạch, thiên hạ, kể
cả học sinh nhỏ tuổi phải leo lên núi kiếm hoa, nhiều người rơi xuống hang núi
chết, nhiều người bị rắn độc cắn bỏ mạng. Cán bộ phường: “Các
người tưởng rằng như vậy là đủ trung thành à? Tưởng rằng hái tất cả hoa trong
thành phố để kính dâng hương hồn Đại Lãnh Tụ, tưởng rằng leo lên núi hái hoa có
thể rớt xuống hang hay bị rắn độc cắn là đủ à? …Trong giai đoạn bi thảm
này, dù chúng ta có than khóc đến chết, vẫn không đủ để bày tỏ nỗi đau buồn đã mất
người cha chung của dân tộc.”
Một Soljenitsyne Bắc Hàn?
Tập truyện của Bandi được giới thiệu trong Hội chợ Sách (Salon du Livre)
tại Paris, tháng Ba, 2016. Salon du Livre được tổ chức mỗi năm một lần để các
nhà xuất bản, các tác giả gặp gỡ độc giả, ký tặng sách và trao đổi, thảo luận
với người đọc. Chủ đề năm nay của Salon là văn chương Đại Hàn. Tác phẩm của
Bandi là cuốn sách duy nhất của Bắc Hàn bên cạnh con số đông đảo, cả lượng lẫn
phẩm của văn chương Nam Hàn.
Người ta đón nhận Bandi như thế nào? Một điều đáng ngạc nhiên là
cuốn sách, in từ 2014 ở Hán Thành, gây ít tiếng vang và ít người đọc. Phải giải
thích thế nào về sự thờ ơ đó? Phải chăng người Nam Hàn không muốn nhìn vết
thương nhức nhối của dân tộc mình?
Ở hải ngoại, hai thái độ tương phản. Những người khen, coi Bandi
là một Soljenitsyne Bắc Hàn. Pierre Rigoulot, người viết tựa cuốn sách, cho rằng
giống như Soljenitsyne đã tố cáo xã hội giả dối và địa ngục goulag, Bandi đã tố
cáo xã hội Bắc Hàn cũng xây dựng xã hội trên sự giả dối và tàn bạo. Bandi không
thể làm như Soljenitsyne, nếu không sẽ mất mạng: chỉ trích công khai nhà cầm
quyền và đòi chấm dứt kiểm duyệt, nhưng Bandi đã cho thế giới thấy bộ mặt thực
của Bắc Hàn. Lim Yeong-hee, dịch giả cuốn sách, ca ngợi nghệ thuật của Bandi,
nhấn mạnh cái nhìn quan sát đôi khi châm biếm của tác giả.
Cộng đồng người Bắc Hàn ở New York còn hăng hơn nữa: Họ vận động
trao giải Nobel văn chương cho tác giả Báo
Cáo.
Những người chê cuốn sách của Bandi cũng không ít, đa số là trí
thức thiên tả ở Pháp, những người trước kia đã chỉ trích Soljenitsyne, cho tác
giả Archipel du Goulag
đã bôi nhọ xã hội chủ nghĩa, và không ngần ngại quả quyết Soljenitsyne không
phải là một nhà văn lớn. Có người nghi ngờ Bandi chỉ là một người Nam Hàn, viết
cuốn sách vì lý do chính trị, vì nhà xuất bản in cuốn sách, Cho Gap-je ở Hán
Thành, nổi tiếng là một cơ sở xuất bản chống Cộng cực đoan. Nhưng một nhà biên
khảo chuyên môn về Bắc Hàn, ông B.R Mayer, cho rằng lối hành văn vụng về, ngôn
ngữ trong Báo Cáo đúng là ngôn ngữ
người Bắc Hàn, không thể là tác phẩm của một người miền Nam bắt chước giọng
miền Bắc. Lim Yeong-hee quả quyết Bandi có thực, vẫn sống ở Bắc Hàn, vẫn tiếp
tục viết và đã tiếp xúc với một tổ chức về nhân quyền.
Người đọc có thể nghĩ gì về cuốn sách? Thứ nhất, những chi tiết
viết trong sách phải là người trong cuộc. Cũng như một người Việt sống ở miền Nam
trước 75, dù óc tưởng tượng phong phú tới đâu, cũng không thể viết về những
cuộc đấu tố ghê rợn ở miền Bắc. Những chế độ độc tài, từ Phát xít Đức tới Cộng
Sản, đã vượt khỏi cái ranh giới của sự tàn nhẫn, man rợ. Thực tế đã qua mặt trí
tưởng tượng của con người. Thứ hai, so sánh Bandi với Soljenitsyne là một
chuyện quá đáng. Tác phẩm của nhà văn Nga, từ Archipel du Goulag tới Le
Pavillon des Cancéreux,
Le Premier Cercle, Une
Journée d’Ivan Denissovitch là một tác phẩm đồ sộ cuả một nhà văn
lớn. Bandi chỉ là tác giả một tập truyện ngắn, viết một cách rất vụng về, đôi
khi lôi thôi, với những lời kể lể dài dòng, những câu bình phẩm không cần thiết
chỉ làm trang sách nặng nề thêm. Một lối viết văn cổ điển của một người không
được tiếp xúc với những trào lưu văn hóa mới bên ngoài, khác hẳn văn phong hoàn
toàn mới, khởi sắc, rất cá nhân, rất độc đáo của những nhà văn Nam Hàn được dịch
và trình bày tại Salon du Livre. Soljenitsyne cũng sống trong một xã hội đóng
kín, nhưng ông thuộc truyền thống những văn hào Nga, tầm cỡ Dostoïevski,
Tolstoï, Gogol, Gorki, Tourgeniev… Đó không phải là bối cảnh văn hóa Bắc Hàn.
Bandi bên cạnh các tác giả Nam Hàn, cũng quê mùa như những cuốn phim ngây ngô
của Bắc Hàn bên cạnh phim ảnh Nam Hàn, tiến bộ vượt bực, không thua gì điện ảnh
Tây Phương.
Mở một dấu ngoặc: mỗi năm Salon du Livre giới thiệu một quốc gia. Chưa
bao giờ người ta thấy một lực lượng những nhà xuất bản, nhà văn hùng hậu như
phái đoàn Nam Hàn. Tại hội chợ sách cũng như tại bất cứ cuộc họp mặt văn hóa
quốc tế nào, Nam Hàn cũng tham dự tích cực, không mặc cảm, chứng tỏ một dân tộc
ý thức được vai trò quyết định của văn hoá trong vận mạng, tương lai của một
dân tộc.
So sánh Bandi với Soljenitsyne, một văn hào và một trong những
nhân vật lịch sử quan trọng nhất của thế kỷ 20, người đã làm rung chuyển chế độ
Cộng sản, là một điều quá lố. Nhưng có một điểm khiến độc giả của Bandi nghĩ tới
tác giả của Quần Đảo Địa
Ngục: với Soljenitsyne, cũng như với Bandi, dù trong hỏa ngục, cái
chất người vẫn còn. Soljenitsyne được người ta nhắc tới như một nhân chứng can
đảm đã tố cáo tội ác, đã đưa tới sự sụp đổ của Cộng sản Nga, nhưng tác phẩm của
ông trước hết là một suy nghĩ về bản chất con người, một trường ca về cái thấp
hèn cũng như cái cao cả của con người.
Trong tác phẩm của Soljenitsyne, dù trong địa ngục, bên cạnh những
phản trắc, những tra tấn dã man, những đói rách, trong bối cảnh con người bị
đối xử như con vật, cư xử với nhau như con vật vì bản năng sống còn, vẫn có
những người giữ được nhân tính. Trong truyện của Bandi, cả nước đóng kịch để
sống, đạp lên nhau để tranh cướp một mẩu bánh mì, vẫn còn những người tình
nghĩa. Chế độ dùng mọi phương tiện để biến con người thành một con vật vô tri
giác, vô tình cảm, chỉ biết tôn thờ lãnh tụ, vẫn còn một thanh niên bất chấp
hiểm nguy, leo lên xe lửa về thăm mẹ hấp hối, vẫn còn những người đàn bà ăn
thức ăn của chó để dành cơm cho chồng, cho con, vẫn còn những người chồng giả
vờ no để nhường mẩu bánh mì vừa giành giựt mang về cho vợ, vẫn còn những cặp
trai gái yêu nhau, nắm tay nhau đi đường trong những ngày đại tang lãnh tụ, mặc
dù đó là một tội nặng có thể mất mạng. Một chế độ tàn bạo tới đâu cũng không
thể tiêu diệt hoàn toàn nhân tính. Bên cạnh cái hèn hạ, tha hóa luôn luôn vẫn
còn cái cao cả của con người. Đó là một bài học quý báu, một nguồn lạc quan,
một tia hy vọng khi đọc Soljenitsyne, cũng như Bandi. Nhất là độc giả Việt Nam,
những người tuyệt vọng thấy xã hội, đất nước mình đã và đang bị đẩy vào một
tình trạng sa đọa, tưởng như không còn nhân tính.
Báo Cáo không
phải là một tác phẩm lớn, Bandi không có tầm cỡ một Soljenitsyne, nhưng tác giả
Bắc Hàn là một nhân chứng hiếm hoi của một xã hội đóng kín, một người cầm bút
trung thực, can đảm. Một con chim én không làm được mùa Xuân, nhưng một con đom
đóm đủ mang lại một chút ánh sáng
Paris, tháng Ba 2016
T. T.
(1) Tựa cuốn sách, La
Dénonciation, đáng lẽ phải dịch là “TỐ CÁO”, ở đây tạm dịch là Báo
Cáo, vì người ta hay dùng chữ “đi báo cáo công an”.
(2) Những tên người, địa danh trong bài này viết theo lối Pháp.
Tác giả gửi BVN.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks