Một tác phẩm biên niên sử về
nông nghiệp và nông thôn Việt Nam*
Nguyễn Tử Siêm, GS TS
Nông nghiệp
Cố vấn trưởng quốc tế, Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển
Canada
Cuốn sách này bàn về một chủ đề rất đỗi quen thuộc với tất cả
chúng ta, những người xa hay gần đều có gốc rễ từ nông dân và chịu tác động ít nhiều
qua các bước thăng trầm của nền nông nghiệp. Tác giả PGS TS Vũ Trọng Khải lại
thuộc lớp người trải nghiệm những va đập giữa lý luận và thực tiễn, giữa chiến
lược, chính sách và số phận nông dân suốt nửa thế kỷ qua, có cách nhìn nhiều
chiều và sắc sảo, phản biện quyết liệt và nồng ấm tình cảm, cuốn người đọc cùng
trăn trở trước những “Vấn đề dân cày”[1] mà Qua Ninh và
Vân Đình (Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) đặt ra từ 77 năm về trước mà cho đến
nay vẫn còn bức xúc.
Nhiều đề bài là các câu hỏi: “Sao lại đánh thuế xuất khẩu gạo?”,
“Sao lại vẫn còn đánh thuế xuất khẩu gạo?”, “Sao lại đổi rừng tự nhiên lấy vườn
cao su?”, “Vì sao một chủ trương đúng (QĐ 80/TTg) lại không được cuộc sống chấp
nhận?”, “Làm gì để tăng giá trị hạt gạo và thu nhập của người trồng lúa gạo ở
Việt Nam hiện nay?”,“Có hay không tội danh “lập quĩ trái phép” trong vụ án Nông
trường Sông Hậu?”, …
Tất cả lại bắt nguồn từ câu hỏi bức xúc nhất: Lối tư duy phi
logic, bao giờ hết?
Cuốn sách này khó có thể định loại là chuyên khảo, là giáo trình,
là tùy bút, là tạp văn hay hồi ký? Dù là gì nó cũng có giá trị biên niên, ghi
lại hiện trạng và những bước chuyển đáng nhớ trong các chủ trương nông nghiệp
và xã hội nông thôn nước ta mà các thị dân trẻ sau này khó mà tìm lại. Các học
viên có thể tìm thấy những nội dung rất cơ bản về kinh tế nông nghiệp hay xã
hội học nông thôn trình bày giản dị mà sâu sắc từ một người thầy từng trải.
Người nông dân hay doanh nhân bị oan sai có thể tìm thấy những chứng lý tự bảo
vệ mình trong các bài viết đậm chất “thầy cãi” về quyền sử dụng đất hay tự chủ
kinh doanh với lối tư duy logic mà tác giả kế thừa từ truyền thống gia đình Bộ
trưởng Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Cụ Hồ. Người luật sư có thể tìm thấy cách
lập luận độc đáo, nhà hoạch định chính sách có thể “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Ông viết: “Không chia ra
ba loại tổ chức khoa học để nhà nước quyết định có tài trợ kinh phí nghiên cứu
hay không, như NĐ 115 CP ngày5/9/2005 của Chính phủ. Cần lưu ý là luật pháp chỉ
phân biệt đối xử đối với hành vi, không được phân biệt đối xử với các chủ thể
(tổ chức, cá nhân) thực hiện các hành vi đó”; cái “lưu ý” này thật
là đáng giá.
Như tác giả tự nhận, ông là “chuyên gia bất đắc dĩ về phát triển
nông thôn”, hoàn cảnh buộc phải tự học, mà đã tự học thì phải đào bới tận cùng,
chứ không dễ chấp nhận những giáo điều. Tưởng đâu “nông dân” đã thành khái niệm
kinh điển rồi, mà nghe tác giả bàn tiếp vẫn không thể bỏ qua: “Xét về mặt pháp lý, người nông dân
có toàn quyền tự chủ trong kinh doanh, nhưng xét về mặt kinh tế, họ phải là
những người sản xuất gia công theo đơn hàng của các doanh nghiệp. Nếu không,
người nông dân không thể tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường
cạnh tranh quyết liệt ở qui mô quốc gia cũng như qui mô toàn cầu”.
Với khẳng định này, ông bảo vệ cái lý tồn tại (raison d’être) của những người
mà cả đời ông gắn bó; những ai bị ám ảnh quan hệ “bóc lột-bị bóc lột” hay “chủ-tớ”
chắc cũng khỏi phải phân vân. “Nông
dân phải là người được hưởng lợi trước tiên từ những thành quả của quá trình
phát triển”. Thế nhưng, cái lợi được hưởng đâu phải tự nhiên mà với
điều kiện “chỉ những nông dân sản xuất hàng hóa mới cần và có thể
giữ “chữ tín”trong các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
ở cả “đầu vào” và “đầu ra”
của sản xuất”. Cái tư lợi của nông dân xưa cũng phải gỡ bỏ để hài
hòa với cả cộng đồng bởi “Không được hy sinh lợi ích của bất
kỳ nhóm dân cư nào trong quá trình phát triển nông thôn”.Nghĩ như
vậy mới sòng phẳng, vừa thấu tình vừa đạt lý, chính là cái gốc của phát triển
bền vững.
Từ tư duy biện chứng thì thực tế “xé rào” được nhìn nhận công bằng
hơn: nó cởi trói (do ta tự buộc chứ ai?) cho sự tiến triển bình thường; nhưng
chưa đủ, để phát triển tiếp phải có động lực tiếp, mới hơn, mạnh hơn thế, mà
tác giả gọi là các chính sách “thúc đẩy”, nó khác hoàn toàn với các chính sách
“cởi trói”. Với vai trò thúc đẩy sự phát triển, đạt chất lượng mới cao hơn, nó
phải được hoạch định có căn cứ khoa học và thực tiễn, đòi hỏi nhà hoạch định
chính sách không chỉ có lương tâm và lòng dũng cảm, mà điều quan trọng hơn là
phải có trí tuệ.Bàn về những vấn đề chính trị-kinh tế, khi cần, tác giả cũng
dẫn Tư bản luận của
K.Marx nhưng không gây cảm giác sáo mòn, mà thấy thật xác đáng.
Giữa những trang viết, những con số có phần khô khan, bỗng vang
lên những cái tên nghe thân thương mà nhói lòng. Ấy là Nông trường sông Hậu, là
Trần Ngoc Hoằng – người sĩ quan quân Giải phóng “người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh không thể nào quên”[2] và Ba Sương[3]–người
con gái ông.Hai cha con người nông dân đất phèn “rũ
bùn đứng dậy sáng lòa”[4]
trở thành những anh hùng được cả trong nước và ngoài nước ngưỡng mộ rồi lại bị
dập xuống đến mức tội đồ vì “lập quĩ trái phép”. Chuyện đời mà cứ như tiểu
thuyết, khi Ba Sương bị tuyên án, cả trăm nông dân xin đi ở tù thay nữ Giám đốc
của họ.Đọc bài “Có hay
không có tội danh “lập quĩ trái phép” trong vụ án Nông trường Sông Hậu?”,những
người làm vụ án này chắc phải tự vấn lương tâm vì sự phá nát một mô hình kinh
doanh nông nghiệp có qui mô lớn và đa dạng,tiêu biểu và mai sau chắc con cháu
chúng ta sẽ lục tìm lại hàng ngàn trang viết thời đó để đưa vào văn học nghệ
thuật như một bài học về sự ấu trĩ một thời.
Cuốn sách là một tập hợp các bài viết đa dạng, bởi vậy khó đem các
chuẩn mực ra để bình xét như một công trình khoa học hệ thống và hoàn chỉnh.
Lúc nhàn rỗi ta có thể nhẩn nha đọc chơi để thấy muôn mặt đời thường với những
câu chuyện một thời ấu trĩ, được kể lại tự nhiên mà đậm chất suy tư trí tuệ và
thấm đẫm nhân văn. Tuy tác giả dẫn vào cánh đồng bất tận, vào khu rừng mê cung
của các biến động về chính sách và xã hội nông thôn,…nhưng đi cùng ông khá yên
tâm, không sợ lạc lối, thể nào cũng tìm được đường ra hay ít ra cũng gợi ý phải
nghĩ tiếp hướng nào, nếu ai muốn khám phá với cái tâm trong sáng.
Nhớ có lần 20 năm trước cùng ông đi khảo sát nông nghiệp Trentino,
một tỉnh tự trị ở Bắc nước Ý. Những dãy núi Dolomites thuộc Alps hùng vĩ với
đỉnh Marmolada (3.343 m) tuyết phủ sao mà giống Phanxipan mây mù đến thế. Tổng
Paganella có 5 xã mà chỉ 4.730 người. Trentino rộng 6.000 km2 với
nửa triệu dân mà sản xuất tới một nửa sản lượng táo của Ý và đặc biệt nổi tiếng
thế giới với mật ong, nho tím và rượu vang chất lượng cao.
Đoàn toàn cấp lãnh đạo cả, lần đầu sang cứ thích ở thành phố thơ
mộng Trento mà thưởng ngoạn. Ông thì lại như đắm mình trong không gian dân dã
của vùng núi phát triển mà hoang sơ. Chúng tôi cùng lứa, cùng ngành, cũng thích
chơi bời lắm nhưng trong đầu vẫn cứ day dứt. Thông trồng cả trăm năm mới khai
thác mà họ không mua đứt bán đoạn, sữa được chở bằng xe bán tải giao cho hợp
tác xã, ghi sổ rồi sẽ hưởng lợi tận sản phẩm cuối cùng từ miếng phomát bán trên
máy bay. Khi ở ta nhiều hợp tác xã “chết chưa chôn được” thì bên này hợp tác
xã, liên minh hợp tác xã có cả trăm năm rồi. Khách du lịch không ở khách sạn
sang trọng mà lại trú tại nhà dân (cái từ “homestay” nghe thấy lạ!).
Còn ta, phải làm gì, làm sao, bao giờ Sa Pa ta được thế?
Ngẫm ra cái nghề cả nghĩ lúc nào cũng có việc để làm. Bây giờ đọc những
bài này tôi càng tin rằng dù sách đã in thì ông vẫn tiếp tục trăn trở, tiếp tục
suy ngẫm tìm lối ra. /.
Tháng 1/2015
N. T. S.
Nguồn: Rút từ cuốn sách Phát triển nông nghiệp, nông thôn
Việt Nam hiện nay – những trăn trở và suy ngẫm. Bản gốc do tác giả
Vũ Trọng Khải gửi.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks