Đại Học chăn Trâu




Saturday 17 January 2015

'CSVN đối mặt với chiến tranh thông tin' vì tự do, dân chủ cho Việt Nam


'CSVN đối mặt với chiến tranh thông tin' vì tự do, dân chủ cho Việt Nam
  • 9 giờ trước

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông được báo chí Việt Nam dẫn lời nói “do đặc thù của Internet và các trang mạng xã hội nên các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng để tấn công vào nước ta bằng nhiều chiêu bài khác nhau,” trong một chương trình phát trên VTV1.

Chương trình bàn luận giữa phóng viên của VTV với Thứ trưởng Trương Minh Tuấn và ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về cách đối phó với ‘thông tin nguy hại’.
Vietnamnet tường thuật hôm 15/01 về phát biểu của ông Trương Minh Tuấn, rằng có hàng trăm trang mạng dùng máy chủ ở nước ngoài để “xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Thứ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam cũng so sánh ‘tội phạm không gian ảo’ với loại tội phạm ‘tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân’ ở Anh Quốc.

Có đoạn ông được dẫn lời so sánh chiến thuật tuyên truyền của các trang mạng này với chiến thuật của Hitler.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng thì cho rằng Việt Nam đang đối mặt với chiến tranh thông tin truyền thông.
“Nguy hại ở chỗ, thông tin lan truyền nhanh được nhân với tốc độ khủng khiếp càng khiến thông tin được bổ sung nhanh chóng. Chỉ cần thông tin được truyền qua Facebook, điện thoại di dộng, thông tin được nhân lên hàng triệu bản. Do đó phải nhận biết để chống thế lực phản động chống phá hệ thống đất nước suy yếu, mất sự ủng hộ của nhân dân.”

Ông Trương Minh Tuấn cũng khuyên người dân phải “cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin,” và nhắc nhở truyền thông Việt Nam cũng phải tấn công những thông tin xấu.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết một bộ luật về tiếp cận thông tin đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, và chính quyền phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống để tránh thông tin sai lệch được lan truyền.


Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng an ninh Việt Nam đủ sức tìm ra những trang mạng ở nước ngoài

Vào tuần này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy nhiên, nói với các quan chức rằng mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu và không thể ngăn cấm.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ có phát biểu công nhận vai trò của các mạng xã hội, mà những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Ông thủ tướng được dẫn lời yêu cầu văn phòng phải làm sao để tổ chức, định hướng thông tin trên mạng xã hội một cách nhanh chóng và chính xác.

Hiện nay hơn 30 triệu người ở Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Tấn Dũng, đó là "nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm".

Trong khi đó, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC hôm 11/01/2015 từ Sài Gòn rằng trang 'Chân dung Quyền lực' có thể nói là trang gây rối nội bộ.

Ông Thuận nói rằng dĩ nhiên trong trang 'Chân dung Quyền lực' cũng đưa ra nhiều nguồn tin mà có người đã nói đến, như ông Lê Đăng Doanh đã nói, là độ chính xác rất cao.
Theo Luật sư, nếu 'quyết tâm' thì giới chức sẽ có thừa khả năng để xác định ai là người 'đứng sau' trang này và 'khởi tổ vụ án'.

Luật sư Thuận cho rằng các cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam 'có năng lực' và ông cho rằng nếu phối hợp với các cơ quan điều tra quốc tế như Interpol, thì khả năng tìm ra manh mối các trang mạng 'gây rối nội bộ' như trên có thể 'thực hiện được'.

"Cho nên tạm gọi là các tổ chức mà âm mưu lật đổ, thì tất cả những tổ chức âm mưu lật đổ từ nước ngoài về họ làm ra hết, không có tổ chức nào tồn tại mà xâm nhập được vào Việt Nam đâu."
Điểm đáng chú ý là có khá nhiều trang mạng mang tên lãnh đạo và các ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam đưa nhiều thông tin "nhạy cảm" nhưng đa số những trang này không bị chặn tường lửa tại Việt Nam.



Chân dung Quyền lực và bước ngoặt của truyền thông

Kami
2015-01-16

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
cdql-622.jpg
Hình chụp trang mạng Chân Dung Quyền Lực.
Screen capture


Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị TW10 là Ban Chấp hành TW đã tiến hành thảo luận về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong đó nhấn mạnh, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước cần phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.

Thực ra đây chẳng phải là vấn đề mới ở Việt nam, mà ngay từ lúc Đảng CSVN giành được quyền lãnh đạo đất nước thì họ đã giữ độc quyền trong lĩnh vực thông tin, mọi hoạt động trong lĩnh vực truyền thông  đều nằm dưới sự kiểm duyệt và lãnh đạo của Đảng. Đó chính là lý do vì sao người ta nói hệ thống truyền thông của Đảng với hơn 800 báo in, báo điện tử, TV, đài phát thanh... đều có chung một Tổng Biên tập, đó là Ban Tuyên giáo TW.

Tuy vậy, càng ngày báo chí và truyền thông nhà nước ngày càng mất lòng tin của người dân bởi cách làm chủ yếu mang tính định hướng, tuyên truyền có lợi cho một phía và nhiều khi bất chấp cả sự thật. Và đến nay, khi các mạng xã hội trở thành nguồn cung cấp các thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau thì truyền thông của Đảng đã tỏ ra bất lực.

Từ câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh...

Các thông tin về ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính TW từ trang blog Chân dung Quyền lực đầy bí ẩn gần đây là một dẫn chứng cho thấy hệ thống truyền thông của Đảng đã bị vô hiệu hóa, thậm chí bất lực trong việc giải trình thông tin để định hướng dư luận.
Cho đến hôm nay, sau nhiều ngày ông Nguyễn Bá Thanh đã trở về Việt nam thì mọi thông tin của báo chí nhà nước về vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh đã không thuyết phục nổi dư luận để cho dân chúng tin vì đã thiếu bằng chứng thuyết phục. Thậm chí hầu hết báo chí nhà nước do không có nguồn tin, nhưng không muốn đứng ngoài cuộc nên họ cũng buộc phải dựa vào nguồn tin "xấu" từ blog Chân dung Quyền lực.

Bằng chứng là tại cuộc họp báo để thông tin về tình hình sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh, khi trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ "Căn cứ nào để Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ khẳng định ông Bá Thanh không bị đầu độc?", thì ông Nguyễn Thế Kỷ-Phó Ban Tuyên giáo TƯ vặn lại rằng: "Vậy căn cứ nào nói bị đầu độc? Trên mạng có nhiều thông tin xấu độc, chia rẽ nội bộ, tung tin. Phải sàng lọc thông tin, không thể nghe bất kỳ thông tin nào trên mạng. Hoàn toàn không có chuyện đó."

Trong một mớ bòng bong những thông tin kiểu trêu ngươi của truyền thông nhà nước cung cấp như: ông Nguyễn Bá Thanh vẫy tay chào bà con ra đón, ông còn nói với mọi người rằng "Tau vẫn khỏe, có chi đâu?" và kể cả tin ông Bá Thanh tỉnh táo, đi chậm được trong phòng và ăn hết một tô cháo v.v... Tuy vậy, không hề có bất kỳ một hình ảnh nào làm chứng nên không có giá trị thuyết phục người dân, lập tức dư luận nghi ngờ và cho rằng ông Bá Thanh trở về Đà nẵng trong cái hòm thiếc mà người ta nhìn thấy trong ảnh chụp trên chuyến máy bay chuyên dụng dành riêng cho ông?

 Và cho đến ngày hôm nay, cũng vẫn chưa có một hình ảnh nào kể từ ngày ông Nguyễn Bá Thanh trở về Đà nẵng (9.1) được nhà nước công bố để khẳng định tình trạng sức khỏe hiện tại của ông.

Sau vụ việc này trang CDQL đã ghi điểm và giành được sự thu hút theo dõi của số đông, điều đặc biệt là chứng họ có nguồn tin rất chính xác.

... đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị

Việc Hội nghị TW10 tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư được truyền thông nhà nước và kể cả một số nhà bình luận coi là một bước tiến, một sự thay đổi dân chủ trong Đảng CSVN. Tuy vậy, ít người biết rằng đây là một việc làm có tính toán nằm trong âm mưu hạ uy tín Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của một bộ phận lãnh đạo cao cấp trong Đảng, đứng đầu là ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng. 

Còn nhớ trong tháng 6 năm 2014, trong lần tiếp xúc cử trị Hà nội khi nói về việc bỏ phiếu tín nhiệm cho các lãnh đạo cao cấp trong Đảng, Tổng BT Nguyễn Phú Trọng đã nhấm mạnh: "Đảng lãnh đạo không chỉ bó gọn trong công việc của Đảng. Đảng lãnh đạo đất nước thì mỗi việc làm của Đảng đều tác động đến đất nước, những nhân sự được Đảng phân công phải chịu trách nhiệm trước Đảng chứ không thể đổ lỗi chung chung. Việc lấy phiếu tín nhiệm các bán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng là bước tiếp theo của việc thực hiện Nghị quyết TW4, Đảng cần công khai kết quả phiếu tín nhiệm cho toàn dân biết.".

Đến nay, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 20 thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã kết thúc tròn một tuần. Tuy vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này vẫn còn là một ẩn số cho dù dư luận hết sức quan tâm, vì đây là một đòi hỏi chính đáng và cần thiết. Dù rằng truyền thông nhà nước cố tình lờ đi hay cố tình bỏ quên vấn đề này, nhưng sau Hội nghị TW10 trong quán cafe, ngoài chợ kể cả trên xe bus người ta vẫn truyền nhau những thông tin rò rỉ từ các Ủy viên TW Đảng tiết lộ cho người thân. Theo tin đồn đó thì người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữ vị trí số 1, bỏ xa Tổng BT Nguyễn Phú Trọng ở hạng thứ 8.

Sau cùng trang CDQL cũng đã công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10 rất chi tiết và cụ thể và kết quả này cho thấy cũng không khác mấy với sự đồn đại trước đó. Đó là thì người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiếm vị trí số 1, với số phiếu tín nhiệm cao là 152/197. Bỏ xa Tổng BT Nguyễn Phú Trọng ở hạng thứ 8, với số phiếu tín nhiệm cao là 135/197. Được biết kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đã làm cho ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong phe nhóm của ông hết sức thất vọng, vì âm mưu nhằm hạ uy tín Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị phá sản, điều mà dư luận cho rằng "gậy ông lại đập lưng ông".

Điều cơ bản rút ra trong vấn đề này cho thấy, đã đến lúc không có vùng cấm trong vấn đề thông tin và Đảng không còn có khả năng bưng bịt hay dấu nhẹm thông tin như trước. Song điều quan trọng nhất là ranh giới của các nguồn tin đã bị phá vỡ, đó là điều cho thấy vì sao các thông tin thuộc loại tuyệt mật vẫn bị trang CDQL bạch hóa. Nếu không có sự tiếp tay của các cán bộ cao cấp giữ cương vị chủ chốt nhất trong Đảng.
Một lần nữa, trang CDQL lại ghi điểm.

Mạng xã hội đã xóa biên giới thông tin

Trong thời đại thông tin bùng nổ với mạng internet toàn cầu, thời đại của một thế giới phẳng thì dần dần người ta cũng thấy truyền thông nhà nước đã và đang đánh mất vai trò độc quyền. Đặc biệt là vai trò của các mạng xã hội như twitter, facebook... giúp người ta chia sẻ các thông tin nóng một cách nhanh chóng và tiện lợi. 

Với sự xuất hiện của mạng xã hội đã xóa tan làn ranh giữa truyền thông nhà nước (với những tên gọi như chính thống, lề Đảng, lề phải...) với truyền thông tự do (với những tên gọi như phi chính thống, lề trái). Trên mạng xã hội, tất cả các thông tin đó được người ta chia sẻ, phổ biến cho nhau những tin tức hay, xác thực xen kẽ lẫn nhau bất kể nguồn tin. Đây có lẽ là lý do chính khiến nhà nước đến lúc này không có khả năng kiểm soát, chi phối hay kể cả việc định hướng thông tin.

Cũng bởi với ưu thế do tin tức được cập nhật nhanh chóng hơn, tin tức truyền tải trung thực và chính xác hơn nên hệ thống truyền thông phi chính thống đã lấn át, chiếm tỷ trọng người sử dụng rất lớn. Thậm chí có khả năng dẫn dắt cả hệ thống truyền thông khổng lồ của nhà nước. Song quan trọng hơn cả là do truyền thông của Đảng vẫn duy trì lối tuyên truyền thiếu minh bạch, bưng bít và đưa những thông tin không có khả năng kiểm chứng, hay mang tính thuyết phục như hiện tại thì truyền thông nhà nước vẫn sẽ tiếp tục nhận phần thất bại như từ trước đến nay, và ngày càng làm mất lòng tin của dân chúng.

Không phải ngẫu nhiên mà mới nhất Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã buộc phải lên tiếng và cho rằng: "Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính  xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay"

Kết

Ở Việt nam, với số người sử dụng internet lên đến hàng chục triệu và có không dưới 30 triệu người đã và đang sử dụng các mạng xã hội để liên kết, chia sẻ và tim kiếm thông tin. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với hệ thống truyền thông mang tính định hướng nhà nước và họ đã đứng trước nguy cơ đánh mất sự độc quyền về thông tin.

Có một câu thành ngữ "Mọi câu hỏi đều có câu trả lời", trong lĩnh vực thông tin cũng vây, người dân có quyền đòi hỏi nhà nước phải cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Song một khi nhà nước cố ý độc quyền, bưng bít hoặc thông tin sai lạc vì mục đích chính trị và không có câu trả lời thì buộc dân chúng phải tìm đển các nguồn thông tin khác có đầy rẫy trên mạng xã hội và thậm chí họ sẵn sàng tin vào các tin đồn để lấp khoảng trống thông tin mà họ quan tâm còn thiếu hụt.

Trách nhiệm này thuộc về chúng ta, những người làm báo tự do.
Ngày 16 tháng 01 năm 2015
© Kami
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.



No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts