Đại Học chăn Trâu




Saturday, 24 January 2015

Lẽ Ra Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Ta Đã Có Dân Chủ - Tự Do Rồi


Phạm Cao Dương - Nhân dịp đầu năm Ất Mùi - 2015, một chút lịch sử gửi tuổi trẻ Việt Nam: Lẽ Ra Ngay Từ Năm 1945 Dân Tộc Ta Đã Có Dân Chủ - Tự Do Rồi

Thứ Năm, ngày 22 tháng 1 năm 2015

Tại sao Hoa Kỳ không giúp VNCH trong trận chiến Hoàng Sa?

Tại sao Hoa Kỳ không giúp VNCH trong trận chiến Hoàng Sa?



image





Preview by Yahoo




Hoàng Ðế Bảo Ðại
Do sự phức tạp của thời thế và sự nóng nảy muốn giành độc lập nhất thời của chính người Việt, lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đã không những không biến chuyển như mọi người  mong muốn mà còn đầy rẫy những ngộ nhận, từ đó oan khuất cần phải được giải toả và làm sáng tỏ. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn mà một cá nhân khó có thể làm nổi. Tuy nhiên, tuy gọi là khó nhưng những người quan tâm và hiểu biết ít nhiều vẫn phải làm để sau này sẽ có người tiếp tục và điều chỉnh. Vì là một khoa học, sử học luôn luôn tiến bộ. Những gì gọi là đúng ngày hôm nay có thể sẽ cần phải được ít ra là điều chỉnh và bổ khuyết ngày mai, không có gì gọi là chân lý vĩnh cửu trong môn học này. Người học sử không thể chủ quan nhất định điều mình nói, viết ra hay được học mãi mãi là đúng, là chân lý bất di bất dịch.

Trong bài này cũng như một số bài trước, người viết xin gửi tới các bạn đọc, đặc biệt là các nhà tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ, một vài nhận định về những gì Hoàng Đế Bảo Đại và vị thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập là nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim cùng với các bộ trưởng của ông, đã làm,  trong một thời gian ngắn ngủi hơn ba tháng của năm 1945, từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 6 tháng 8 năm 1945, để xây dựng một chính thể dân chủ lâu dài cho đất nước và ban hành các quyền tự do cho người dân từ cách nay ngót 70 năm bằng những đạo luật không phải là không  tiến bộ. Đây là một việc làm mà 70 năm sau với ít nhất ba thế hệ đã qua đi một cách uổng phí, với hàng triệu sinh mạng đã bị hi sinh cùng với máu và nước mắt của người dân lành vô tội, người ta vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.

Bốn bước tiến đã được Vua Bảo Đại thực hiện trong thời gian này gồm có:
Thứ nhất:  Ban hành dụ “Dân vi Quý”
Thứ hai:  Đích thân tham khảo ý kiến của các quan lại, các thân hào, nhân sĩ có uy tín để thành lập một chính phủ mới

Thứ ba:  Thành lập các hội đồng chuyên môn để mọi người có thể tham gia việc soạn thảo hiến pháp và các sinh hoạt quan trọng của quốc gia
Thứ tư:  Ban hành các đạo dụ liên quan đến các quyền tự do cơ bản của người dân
Sau đây là những chi tiết liên hệ tới bốn bước tiến kể trên:

Khẩu hiệu “Dân Vi Quý” của Hoàng Đế Bảo Đại
Đây là khẩu hiệu của vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn mà ai đã từng học sử Việt Nam đều biết và cũng là bước tiến đầu tiên của vị hoàng đế này trên đường thực hiện chế độ dân chủ của ông.  Khẩu hiệu này được trích dẫn từ sách Mạnh Tử, một trongTứ Thư của các Nhà Nho ta thời xưa[1], nguyên văn là “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” có nghĩa là “Dân là quý, sau đó là xã tắc, vua là nhẹ”, được nhà vua chính thức đưa ra trong Dụ Số 1, mở đầu cho một giai đoạn mới trong triều đại của ông.  Dụ này được ban hành ngày 17 tháng 3 dương lịch năm 1945, nguyên văn như sau:

Dương Lịch ngày 17 tháng 3 năm 1945
Nước Nhật muốn hoàn toàn thực hiện chương trình sây nền thịnh vượng chung ở Đại-Đông-Á đã giải phóng cho nước Nam ta, và Trẫm tuyên bố Việt Nam độc lập rồi.
Nay Trẫm có trách nhiệm đối với lịch sử và thần dân, nên tự cầm lấy quyền để bảo vệ lấy quyền lợi cho Tổ-quốc và giáng dụ rằng

1)      Chế độ chính trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu “DÂN VI QUÍ’
2)      Trong chính giới sẽ chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng Quốc gia cho xứng đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Đại-Nhật-Bản trong công cuộc kiến thiết Đại-Đông-Á.

3)      Trẫm sẽ tái định và tuyên bố các cơ quan chính trị để ban hành những phương pháp hợp với nguyện vọng của Quốc dân.

           Nhận định về đạo dụ này, Nguyễn Tường Phượng trong bài “Một Đạo Dụ, Một Chế Độ” đăng trên Tri Tân Tạp Chí số ra ngày 20 tháng 4 năm 1945, trên trang đầu, đã viết như sau:
           “Ba điều ban bố trên đáng ghi vào lịch sử xứ này, thật là trên thuận lòng giời, dưới đẹp lòng dân, quốc dân rất trông mong ở sự thi hành triệt để khác nào như đói mong ăn và khát mong uống vậy.
           “Nếu một khi nhà nước dùng được người tài, đức vẹn hai ra gánh vác, đảm đương những trọng trách, lại thêm vào đấy cái chính sách thân dân, thể tất đến dân nguyện thời nền tảng quốc gia xứ này có thể phục hưng.

           “Được như vậy, đạo dụ ngày 17 tháng ba đáng ghi vào trang đầu lịch sử của nước Việt-Nam độc lập.”

           Còn Luật Sư Bùi Tường Chiểu, trong bài “Đạo Dụ Số 1 Của Đức Bảo Đại Hoàng Đế” đăng trên Thanh Nghị, số 107, “Số Đặc-San Chính Trị”, ra ngày 5 tháng Năm 1945, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của đạo dụ này. Ngay những dòng mở đầu ông viết:

           “Đạo dụ trên đối với chế độ chính trị nước ta sau này có một tính cách quan trọng đặc biệt mà ta có thể nói rằng đạo dụ này đã nêu lên một cách tóm tắt những quả quyết rõ ràng những nguyên tắc kiến thiết chính thể nước Việt-Nam sau này.”

rồi nhấn mạnh hơn đến ba chữ Dân Vi Quý, ông phân tích:
           “Nay đạo Dụ số 1 đã nêu lên khẩu hiệu Dân vi quí có nghĩa là đức Bảo-Đại đã hủy bỏ cái lý thuyết cũ mà đến nay hầu hết các nước văn minh đã cho là không hợp thời. Đã lấy dân làm trọng, đã lấy quyền lợi dân để trên tất cả thì vua tất chỉ là một cơ quan tối cao trong nước điều khiển những cơ quan chính trị khác để phụng vụ quốc gia, tìm những phương pháp hợp với nguyện vọng của cả quốc dân mà thi hành.  Như thế là trong nền chính trị đức Bảo-Đại Hoàng-Đế đã định đặt quốc dân ta đi vào một con đường mới.”

           Cuối cùng đi xa hơn nữa, vị luật gia này còn nói tới hiến pháp. Ông viết:
           “Xong chúng ta có thể căn cứ vào điều thứ 3 của bản Dụ mà nói rằng đức Bảo-Đại sẽ tuyên bố các cơ quan chính trị mới mà trong câu cơ quan ấy sẽ có một cơ quan có quyền lập pháp. Muốn tổ chức một cách phân minh các cơ quan hành chính, lập pháp và tư pháp, tất nhiên phải có một đạo hiến-luật để ấn định rõ ràng những quyền hành của các cơ quan chính trị.”
           Đúng như vậy, Hoàng Đế Bảo Đại sau đó đã từng bước tiến hành những biện pháp mang tính cách dân chủ để xây dựng một thể chế mới với sự đóng góp của nhiều người thay vì của một thiểu số quan lại trong triều. Sau đây là những nét chính của những nỗ lực này.

Đặt nền tảng cho việc xây dựng chế độ mới và sửa soạn cho những công trình tái dựng đất nước lâu dài (sửa lại chính thể và toàn bộ guồng máy chính quyền)

Đây là bước tiến thứ hai trong tiến trình xây dựng chế độ dân chủ bằng cách tạo dịp cho người dân mà đại diện là các nhân sĩ, trí thức và chuyên viên các ngành được tham gia việc nước, đồng thời thực hiện khẩu hiệu Dân Vi Quý của Hoàng Đế Bảo Đại.  Bước đầu tiên là việc Vua Bảo Đại tham khảo ý kiến các quan lại, trí thức nhằm thành lập chính phủ đầu tiên cho nước Việt Nam độc lập thay thế cho Nội Các Phạm Quỳnh đã từ chức.  Với bước tiến thứ hai, vào khoảng từ trung tuần tháng sáu đến thượng tuần tháng bảy, vừa nhằm chiêu dụ nhân tài, vừa nhằm tạo cơ hội cho người dân được góp phần vào việc đặt nền tảng và thiết lập các cơ chế căn bản cho mọi phạm vi sinh hoạt lâu dài của đất nước, bốn hội đồng đã được thành lập qua ba đạo dụ và một đạo sắc. Bốn hội đồng này gồm có:

Hội Đồng Dự Thảo Hiến Pháp, do Phan Anh làm Thuyết Trình Viên gồm có các ông Phan Anh, Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hoè, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Huy Lai, Đặng Thái Mai, Vương Quang Nhường, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Sâm, Nhượng Tống, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Thinh và Nguyễn Trác (Dụ số 60 ngày 7 tháng 7 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 7 tháng 7 năm 1945).

Hội Đồng Cải Cách cai Trị, Tư Pháp và Hành Chính, do Vũ Văn Hiền làm Thuyết Trình Viên, gồm có các ông Vũ Văn Hiền, Trần Văn Ân, Trần Văn Chương, Phạm Khắc Hoè, Lê Quang Hộ, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoát, Trần Văn Lý, Trần Đình Nam, Nguyễn Khắc Niêm, Đặng Như Nhơn, Dương Tấn Tài, Nguyễn Hữu Tảo, Trịnh Đình Thảo và Phan Kế Toại (Dụ số 70 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 9 tháng 7 năm 1945).

Hội Đồng Cải Cách Giáo dục, do Hoàng Xuân Hãn làm Thuyết Trình Viên, gồm có Bà Hoàng Thị Nga, các ông Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân, Nguyên Văn Chi, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thành Giung, Ngụy Như Kontum, Bùi Kỷ, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Quang Oánh, Ưng Quả, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Thắng, Nguyễn Văn Thích, Hoàng Đạo Thúy và Nguyễn Xiển (Dụ số 71 ngày 30 tháng 6 năm 1945. Dụ này được đăng trong Việt Nam Tân Báo số ra ngày 10 tháng 7 năm 1945).

Hội Đồng Thanh Niên. Hội Đồng này gồm có
Chủ Tịch: Hoàng Đạo Thúy
Phó Chủ Tịch: Trần Duy Hưng, Bắc Chi Bộ
Phó Chủ Tịch: Tạ Quang Bửu, Nam Chi Bộ

Cố Vấn Bắc Chi Bộ:  Bà Nguyễn Thị Thục Viên, các ông Nguyễn Xiển, Phạm Thành Vinh, Vũ Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Xuân Phương, Trần Văn Quý, Phan Huy Quát, Ngụy Như Kon-tum, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Tường Bách.

Cố Vấn Nam Chi Bộ: Bà Nguyễn Đình Chi, các ông Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Tôn Quang  Phiệt, Kha Vạng Cân, Nguyễn Tư Vinh, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Kinh Chi và Thái Can (Sắc số 65 ngày 15 tháng 6 năm 1945)[2]

Khi đọc danh sách các hội viên được đề nghị tham gia các hội đồng kể trên để trình lên Hoàng Đế Bảo Đại phê duyệt, Phạm Khắc Hoè tỏ ý thắc mắc là có tên những người ông “chưa từng thấy bao giờ” nên đã hỏi Trần Trọng Kim và được Trần Trọng Kim cho biết là các danh sách này “đã được toàn thể Nội các và nhất là các ông bộ trưởng thuyết trình viên đồng ý cả rồi, tuy chưa hỏi được ý kiến của tất cả những người hữu quan, song chắc họ vui lòng nhận cả, vì lúc này ai mà chẳng sẵn sàng ra thờ vua giúp nước” và nói thêm “Vậy ông chịu khó xin Hoàng Đế phê chuẩn đi cho kịp thời, đừng nên hỏi đi hỏi lại nữa.”  Kết quả, theo lời Phạm Khắc Hoè, là“chỉ mấy phút sau, bốn dự thảo của nội các trở thành ba đạo dụ và một đạo sắc chính thức.”[3]  

Những lời đối thoại này cho ta thấy tính cách hữu hiệu và làm việc chạy theo thời gian của Trần Trọng Kim và nội các của ông dù đó mới chỉ là ban hành được những đạo dụ hay đạo sắc để làm nền tảng pháp lý cho những bước kế tiếp trong tương lai.  Nó cũng nói lên tính cách hữu hiệu của chế độ quân chủ chuyên chế và sự tin tưởng của Hoàng Đế Bảo Đại vào vị thủ tướng và nội các đương thời, vì bình thường những quyết định liên hệ đến thể chế và những cơ chế tương lai trong một quốc gia  dân chủ bình thường không thể nào có thể thực hiện được trong vòng trên dưới hai tháng tính từ ngày Nội Các Trần Trọng Kim họp phiên họp đầu tiên, ngày 8 tháng 5, đến ngày 10 tháng 7,  ngày đạo dụ cuối cùng trong bốn đạo sắc dụ này được đệ trình, rồi được vị nguyên thủ quốc gia phê chuẩn trong có“mấy phút sau”.  Một thời gian kỷ lục.  

Cũng nên để ý là các vị bộ trưởng được Trần Trọng Kim nói đến ở đây là Bộ Trưởng Thanh Niên Phan Anh, Bộ Trưởng Tài Chánh Vũ Văn Hiền và Bộ trưởng Giáo Dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn.  

Cả ba, ngoài bằng cấp chuyên môn, đều là những chuyên viên hàng đầu của Việt Nam thời đó.   Họ là những người từ lâu đã tìm hiểu, nghiên cứu và viết những những bài tham khảo bàn về những lãnh vực riêng của mình và là những cây bút nòng cốt của tờ Thanh Nghị, một thứ “think tank” của chính phủ đương thời.   Đây cũng là dịp để họ thi thố tài năng và thực thi hoài bão mà từ lâu họ đã từng thai nghén.  Cũng nên nhớ là thành ngữ  “thờ vua giúp nước” cho đến thời điểm này vẫn chưa trở thành lạc hậu. Thế nhưng họ vẫn bị Phạm Khắc Hoè cản trở và mỉa mai. (Chú thích)

“Tuần lễ của các Tự Do”
Đây là sự ban hành một số những đạo dụ ấn định những nguyên tắc liên hệ đến các quyền tự do căn bản của người dân.  Ba đạo dụ sau đây đã được báo Thanh Nghị số 117, ra ngày 21 tháng Bảy năm 1945[4] ghi nhận theo thứ tự thời gian gồm có:

1.     Dụ số 73, ngày 26 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 5 tháng 7 dương lịch năm 1945 về tự do lập nghiệp đoàn.

2.     Dụ số 78, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do lập hội.
3.     Dụ số 79, ngày 1 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 20 tức ngày 9 tháng 7 năm 1945 về tự do hội họp.
Cả ba đạo dụ này đã được ban hành trong một thời gian ngắn là thượng tuần tháng bảy năm 1945 và Thanh Nghị đã gọi tuần  lễ này là “Tuần của các Tự Do.”

Về chi tiết, báo Thanh Nghị tóm tắt như sau:

Tự do lập hội: Từ nay phàm người công dân Việt Nam ai nấy đều có quyền lập những hội có mục đích chính trị, văn hóa, tôn giáo hay xã hội, ngoài những hội có mục đích kiếm lợi.   Chỉ cần mục đích của hội không trái với pháp luật, luân lý hoặc là có hại đến nền duy nhất và sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.  Nhưng cần phải báo trước với nhà chức trách ít nhất là 30 ngày trước khi hoạt động
Muốn phân biệt các hội do đạo Dụ số 78 với các hội có mục đích kiếm lợi phải xét xem các hội viên có chia lãi cho nhau hay không?  

 Nếu chia lãi thì tất phải theo những luật lệ hiện hành về các hội buôn.

Nhiều người hội họp với nhau nhiều lần cũng lại không họp thành một hội vì không có điều lệ để hội viên theo.   Cho nên trong tờ khai phải đính theo cả bản điều lệ của hội mình định sáng lập.

Hội có thể tự giải tán (theo điều lệ hay theo ý muốn toàn thể hội viên) hay bị toà án giải tán, nếu mục đích trái với pháp luật, luân lý, hại tới quốc gia, nếu không khai báo cho đúng thể lệ (chưa kể những sự trừng phạt về tội hình những người có trách nhiệm).  Tài sản của hội khi đó sẽ phân phát theo điều lệ của hội, theo quyết định của đại hội đồng của hội hay theo lệnh của toà.

Có hai thứ hội: hội thường và hội được Hội Đồng Nội Các công nhận là một hội có ích lợi chung.   Hội thường có quyền tố tụng, thu nhập tiền đóng góp của hội viên, có quyền mua, quyền sở hữu và quản lý nhà hội quán, quản trị những bất động sản mà bộ Nội Vụ và Tài Chính cho phép mua.  Còn hội được chính quyền công nhận là có ích lợi chung thì ngoài những quyền này còn có quyền được nhận những tặng dữ.

Tự do hội họp: Người dân được quyền tự do hội họp nhưng Dụ số 72 phân biệt hai thứ hội họp là hội họp trong tư gia có tính cách gia đình hay lễ nghi và các hội họp ở những nơi công cộng.

Đối với các hội họp trong gia đình hay lễ nghi hay những hội họp của các hội tư nhóm họp trong tư gia với số người tham dự không quá 30 người, người triệu tập không cần phải khai báo. Các cuộc hội họp khác cũng được tự do nhưng phải khai báo với nhà chức trách.  Tất cả các cuộc hội họp ở các nơi công cộng như họp ở ngoài đượng phố, trong các công viên hay các thị xã đều phải xin phép trước. Giờ họp không được quá 12 giờ đêm trừ khi có phép riêng. Ngoài ra một nhân viên hành chánh hay tư pháp cũng có quyền tới dự.

Tự do lập nghiệp đoàn: Việc lập nghiệp đoàn cũng được coi như quyền tự do của người dân với những quy luật được ấn định trong Dụ số 73, theo đó, để tránh không cho những hội kiếm lợi giả danh làm nghiệp đoàn với mục tiêu trốn thuế, các nghiệp đoàn bị cấm không được chia lời cho các đoàn viên và khi giải tán thì của cải không được đem chia cho các đoàn viên.  Đồng thời để bảo vệ những người trong nghề, dụ này cấm không cho nghiệp đoàn cưỡng ép những người này  phải gia nhập hay bắt đoàn viên phải ở lại trong nghiệp đoàn vĩnh viễn nhưng ngược lại cho phép nghiệp đoàn được từ chối không nhận một người làm đoàn viên theo điều lệ của mình.  Mặt khác, nghiệp đoàn có tư cách pháp nhân trong việc bảo vệ các quyền lợi của mình, có quyền sở hữu các động sản hay bất động sản nếu xin phép, có quyền liên kết với nhau để thành lập các liên đoàn và về phía chính quyền, chính quyền có quyền cử nguời kiểm soát việc quản lý tài chánh của nghiệp đoàn hay liên đoàn.  Cuối cùng vì nghiệp đoàn là một tổ chức có thể dùng để tranh đấu nên người sáng lập bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam và phải ở trong nghề ít nhất một năm.
Vì ba đạo luật kể trên đã được ban hành trong thượng tuần tháng 7 năm 1945 nên tác giả của bài báo gợi ý gọi tuần lễ này là “Tuần Lễ Của Các Tự Do”.  Mặt khác nếu người ta theo dõi những cuộc hội họp của người dân ở cả hai miền Trung và Bắc đã diễn ra liên tiếp từ ngày 10 tháng 3, sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, đặc biệt là ở Huế và Hà Nội với hàng vạn người tham dự một cách tự do, thoải mái, thì sự ban hành các đạo dụ này “đã làm hợp pháp một tình trạng riêng của các tỉnh ở Bắc Bộ Việt Nam vì từ  sau ngày 9 tháng 3 các hội, các đoàn mọc lên như nấm, các cuộc hội họp công khai tự do vô cùng”.[5]
Kết Luận
Tất cả các công trình lớn lao kể trên đã được Hoàng Đế Bảo Đại, Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và trong một thời gian kỷ lục chưa tới ba tháng ngắn ngủi kể từ ngày 8 tháng 5 khi chính phủ này được trình diện đến ngày 6 tháng 8 năm 1945 khi chính phủ này từ chức và được Hoàng Đế Bảo Đại cho phép, ngắn hơn nữa nếu tính đến ngày 9 tháng 7, ngày các Dụ số 78 về Tự Do Lập Hội và số 79 về Tự Do Hội Họp được nhà vua chấp nhận. Đây là một phần của một cuộc cải cách rộng lớn hơn bao trùm mọi phạm vi sinh hoạt đương thời, gọi theo Sử Gia Na Uy Stein Tonnesson là “từ trên xuống”, còn gọi theo Vũ Ngự Chiêu thì đó là một cuộc cách mạng cũng từ trên xuống: “cách mạng từ trên xuống”. Cả hai sử gia này đều có lý vì tính cách nhanh chóng ít ai có thể ngờ của nó. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao nó có thể xảy ra được trong một chế độ quân chủ chuyên chế đã từng tồn tại cả ngàn năm như vậy? 

Có ba sự kiện người ta có thể nghĩ tới để trả lời câu hỏi này. Đó là ý muốn của người cầm đầu hay đúng hơn vị nguyên thủ quốc gia, ước vọng và khả năng của những người lãnh nhiệm vụ thực hiện cuộc cải cách theo ý muốn của vị nguyên thủ quốc gia ấy và cuối cùng là sự đón nhận của dư luận đương thời. Cả ba sự kiện này Đế QuốcViệt Nam ở thời điểm đương thời đều có đủ. Từ Vua Bảo Đại đến Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng đều là những người được huấn luyện đầy đủ, có kiến thức và nhất là có thực tâm, tha thiết với nền độc lập và sự tiến bộ của nước nhà.  

Điều đáng tiếc là biến cố 19 tháng 8 đã xảy ra, Việt Minh cướp chính quyền và tất cả đều đã bị dẹp bỏ, điển hình là ngày 22 tháng 9 năm 1945, 20 ngày sau khi tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ các nghiệp đoàn trong toàn cõi Việt Nam[6] và Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký NghịĐịnh ngày 14 tháng 9 giải tán Hội Khai Trí Tiến Đức trong khi cùng ngày lại ký một nghị định khác “cấp năng lực pháp luật”[7] cho hội “Văn Hoá Cứu Quốc Việt Nam” (Việt Minh)[8].  Cuối cùng thì sau 70 năm, cho đến tận ngày hôm nay khi bài này được viết, bất chấp mọi sự hy sinh, gian khổ, máu và nước mắt của hàng triệu đồng bào,Tự Do và Dân Chủ, Công Bằng và Bác Ái vẫn nguyên vẹn chỉ là niềm mơ ước hầu như còn lâu mới đạt được của người dân Việt.

Phạm Cao Dương
Viết để tưởng niệm các học giả Trần Trọng Kim,
Hoàng Xuân Hãn, những người đã góp phần xây
dựng nền giáo dục mới cho nước Việt Nam độc lập
và một thế hệ trí thức mới đã đứng ra làm việc nước


Lê Diễn Đức - Thảm hoạ của độc đoán, chuyên quyền

Thứ Sáu, ngày 23 tháng 1 năm 2015


viết từ Ba Lan

Một "Quan Làm Báo" khác
Giống như trang "Quan Làm Báo", trang "Chân Dung Quyền Lực", ra đời vào giữa tháng 12 năm 2014, đã gây tiếng vang trong dư luận.

"Quan Làm Báo" xuất hiện vào lúc các hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) chuẩn bị nhóm họp lần thứ 6, thứ 7, khi xảy ra cuộc tranh giành ảnh hưởng, hay đúng hơn, cuộc xung đột giữa Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang với Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí cho khả năng loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng khỏi ghế Thủ tướng.

Nếu như "Chân Dung Quyền Lực" được "Nikkei Asian Review", một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất Nhật Bản đưa tin, thì "Quan Làm báo" vào thời gian ấy cũng được nhiều tờ báo nước ngoài nói đến.

Về cuộc xung đột giữa Sang-Trọng và Dũng, tờ "Bangok Post" ngày 15 tháng 10, 2012 viết:

"Dẫn đầu cuộc tấn công vào ông Dũng không ai khác là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã rọi ánh sáng vào những vụ bê bối xung quanh thủ tướng và chính phủ của ông. Nền kinh tế chậm chạp, lạm phát, tham nhũng và khủng hoảng ngân hàng trong những tuần gần đây đã được xem là tất cả các tiêu cực đối với ông Dũng".

Cũng tháng 10/2012, trong bài "Úm bà la, chúng ta tha chúng mình", lấy ý "We forgive us" của tờ "The Economist" tôi đã viết:

"Đặt cược quá cao, có lúc một ăn tới một trăm, nên bị cháy túi, "Quan Làm Báo" suốt hai tuần Hội nghị Trung ương 6 họp kín, đã không mò ra được thông tin nào khả tín. Những cơn gió từ các dữ kiện bê bối mà "Quan Làm Báo" trong gần nửa năm nỗ lực tạo nên, dường như đã thổi vào nhà hoang. Sau cuộc chơi, ta nhìn thấy một "Quan Làm Báo" khác, có vẻ đã thấm mệt, chất liệu thông tin gây sốc kém hẳn!"

"Ngay sau cơn sóng gió, hình ảnh Nguyễn Tấn Dũng đi duyệt binh oai vệ bên cạnh Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, một yếu nhân được "Quan Làm Báo" đặt ở phía Sang-Trọng, có thể chưa hẳn nói lên hết sức mạnh của ông Dũng trong thế chân kiềng kinh tế-an ninh-quân đội, nhưng là một tín hiệu thách thức cho bất cứ ai muốn làm suy chuyển chiếc ghế Thủ tướng của ông ta và cho cuộc mặc cả tiếp theo. Cứ xem sự hỉ hả, có phần lấc cấc của bà Hồ Thu Hồng, người được dư luận cho là thân cận với tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, cựu cố vấn của Nguyễn Tấn Dũng, thì thấy.

"The One-man -show" kịch tính của Hội nghị Trung ương 6, được kết thúc bằng "The Day After Show" hoành tráng!

Ông Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ run lên như sắp bật khóc khi nói về những sai lầm của đảng trong báo cáo tổng kết. Dấu hiệu bất lực kết thúc cuộc chiến Sang-Trọng và Dũng với giải pháp thoả hiệp "chúng ta tha chúng mình"!

Với đà chiến thắng, tới hội nghị Trung ương 7, Nguyễn Tấn Dũng đã làm chủ tình hình, gần như "mua đứt" gần 200 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, mà đa phần là các bộ trưởng, thứ trưởng trong nội các và lãnh đạo các tỉnh được ông bổ nhiệm và phân bổ lợi ích. Ý đồ đưa Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban nội Chính vào Bộ Chính Trị của Nguyễn Phú Trọng bị chặn đứng bằng việc Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu thêm các nhân vật khác để bỏ phiếu. Và hai người nằm ngoài ý muốn của Nguyễn Phú Trọng là Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lọt vào Bộ Chính Trị.

Từ hội nghị Trung ương 7 đến hội nghị Trung ương 10 là thời gian khá dài ông Dũng củng cố vị trí, chấn chỉnh một số chính sách.

Mặc dầu bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam ảm đạm với nợ công tăng nhanh, nợ xấu chồng chất và tình trạng phá sản của các doanh nghiệp tư nhân, mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 cao hơn so với dự kiến, 5,9% (5,42 % năm 2013) đã làm cho ông Dũng có thể mạnh miệng hơn.

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ xuất khuẩt của khu vực vốn nước ngoài FDI (chiếm khoảng 66-69% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng Samsung đã xấp xỉ 30 tỷ USD). Xuất khẩu của khu vực FDI, xuất khẩu qua Mỹ (xấp xỉ 26 tỷ USD) và nguồn kiều hối trên 12-14 tỷ USD (2014) đã làm cân bằng tổng cán cân xuất nhập khẩu thương mại, nhưng trong thực tế nhập siêu từ Trung Quốc tới 24 tỷ USD (bằng15% GDP).

Ủng hộ ông Dũng?
Nếu như "Chân Dung Quyền Lực" tiết lộ kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong hội nghị Trung ương 10 là đúng (và có khả năng như thế) thì rõ ràng ông Dũng đã đạt được một bước vững chắc trong việc nắm trọn quyền lực

"Chân Dung Quyền Lực" nhận xét về ông Dũng như sau:
"Về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông là người đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất (với 152 phiếu tín nhiệm cao, đạt 77%), điều này phản ánh đúng thực tế, thời gian qua ông đã khẳng định bản lĩnh với các quyết sách làm ổn định kinh tế và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không chỉ Trung ương mà dư luận trong quần chúng nhân dân cũng thể hiện rõ điều này".

Từ nhận xét trên đây, "Chân Dung Quyền Lực" dường như lộ rõ chân tướng là một trang web của nhóm lợi ích ủng hộ ông Dũng.

Đầu năm 2016 sẽ có đại hội 12 của ĐCSVN, cũng là lúc phân định các chức vụ lãnh đạo của đảng và nhà nước. Ở tuổi 65 ông Dũng không thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo nhà nước hay chính phủ nữa. Khả năng ông sẽ làm Tổng Bí thư là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại và ông đang phát quang con đường này để nắm vị trí cao nhất của đảng cầm quyền.

Nguyễn Phú Trọng trong hội nghị 10 nói về việc thay đổi thể chế nhưng không thay đổi chế độ, có nghĩa rằng, cơ cấu quyền lực Tổng Bí thư -Chủ tịch nước-Chủ tịch Quốc hội-Thủ tướng, tức cơ cấu "Vua Tập Thể", có thể bị thay đổi.

Tuy nhiên, theo tôi, khả năng giống mô hình Trung Quốc, Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ tịch nước khó xảy ra, vì ĐCSVN chưa muốn trao trọn quyền lực vào một người.

Về Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể yên tâm với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, dường như là một ứng viên nặng ký nhất với số phiếu tín nhiệm cao đứng thứ ba.

Cho nên không bỗng dưng mà "Chân Dung Quyền Lực" tấn công vào Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, những người có khả năng cạnh tranh các chức vụ Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng không hợp với ý ông Dũng.

Sống trong văn hoá sợ hãi và nô lệ, tư duy há miệng chờ sung mong dân chủ tới, nên không ít người Việt hy vọng nếu quyền lực tập trung vào Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam sẽ có những thay đổi lớn, sẽ thoát Trung, xích gần với Mỹ hơn. Cũng có người cho rằng, giải pháp Nguyễn Tấn Dũng là sự lựa chọn bất khả kháng giữa cái xấu và cái xấu hơn.

Ngay đến Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông, trong bài "Những bất ngờ trên đường chọn lãnh đạo kế vị" cũng viết:

"Tuy có người nghi vấn sự thành thật của ông, ông vẫn là chính khách hùng biện nhất của Việt Nam và là tác giả của kế hoạch có chủ trương tự do nhất cho sự phát triển của Việt Nam, đó là bài phát biểu Năm Mới 2014 của ông. Ông nhiều lần tuyên bố rằng “dân chủ là tương lai”, không nao núng trước những trò gây hấn hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, và dường như rất thoải mái với ý tưởng bang giao mật thiết với Mỹ".

Những tuyên bố nghe có vẻ hùng hồn của ông Dũng về chủ quyền Hoàng Sa thực ra là những câu mị dân nhằm trấn an dư luận, vô thuởng vô phạt trong quan hệ với Bắc Kinh. Người ta có câu "vừa ăn cướp vừa la làng" là vậy!

Ai chủ trương cho Trung Quốc thuê 300 ngàn héc-ta rừng đầu nguồn? Chính sách nào để hơn 90% tổng thầu EPC các dự án đầu tư quan trọng nhất lọt vào tay Trung Quốc? Ai cho Trung Quốc thuê Vũng Áng 70 năm với đặc khu Formasa? Ai chủ trương cho Trung Quốc thuê đèo Hải Vân? Ai để Trung Quốc khai thác Bauxite Tây Nguyên và hơn 60% các mỏ tài nguyên phía Bắc? Chính sách nào để hàng hoá Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ, hàng chục ngàn nguời Trung Quốc sang Việt Nam lao động bất hợp pháp khắp ba miền, v.v...

Tất cả những điều nói trên là bằng chứng rõ ràng nhất của hành động đẩy nền kinh tế VIệt Nam vào lệ thuộc Trung Quốc, an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ bị đe doạ; là sự tiếp tay cho cuộc xâm thực mềm của Bắc Kinh.

Không ai khác, đây là chính sách, chủ trương của ĐCSVN mà ông Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp thực hiện trong vai trò Thủ tướng.

Khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tập hợp gần 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới quyền điều hành trực tiếp của mình. Chính sách sai lầm, đầu tư vô tội vạ, bắt chước mô hình Cheabol của Hàn quốc của ông đã đẩy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào tình cảnh thua lỗ khủng khiếp (đến nay hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi hơn 200 ngàn tỷ đồng).

Mới 2014 của ông tuyên bố “dân chủ là tương lai”, nhưng đồng thời cũng lệnh cho Bộ Công an kiên quyết không để hình thành lực lượng đối lập và bắt giam các bloggers "Anh Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh, "Người Lót Gạch" Lê Hồng Ngọc, và "Quê Choa" Nguyễn Quang Lập.

Nếu nói về độ giả dối và trơ trẽn chẳng ai bằng ông ta. Ông ta đã từng công bố sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng vào năm 2006. Tình trạng tham nhũng hiện giờ ra sao?

Cài cắm các con trai vào các chức vụ công quyền, con gái vào các dự án đầu tư từ Nam ra Bắc, đặc biệt ở đảo Phú Quốc, chứng tỏ ông là một người rất hám danh lợi, chăm sóc cho lợi ích của gia tộc. Chuyên quyền như V. Putin của nước Nga cũng không cho con cái dính líu vào chuyện làm ăn và chính trị.

Quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng hiện nay bao trùm nhưng vẫn còn vướng rào cản của cơ cấu "Vua Tập Thể". Nếu tiếng nói quyết định nằm hết về phía ông ta, thì đây là thảm hoạ cho dân tộc. Đất nước sẽ đắm chìm trong một chế độ độc tài, độc đoán và chuyên quyền hơn cả chế độ "Vua Tập Thể" hiện nay.
Vì vậy, chọn Nguyễn Tấn Dũng không phải là giải pháp ít xấu hơn mà là giải pháp tồi tệ hơn!
© Lê Diễn Đức, viết từ Ba Lan

Âu Dương Thệ - Làm thế nào để đất nước thoát khỏi màn đêm toàn trị, tiến vào rạng đông dân chủ?

Thứ Sáu, ngày 23 tháng 1 năm 2015


Mặc dầu Hội nghị Trung ương (HNTU) 10 đã phải hoãn 2-3 tháng, mãi tới đầu tháng 1.2015 mới họp được, khiến cho trong năm 2014 chỉ có một HNTU, như vậy là vi phạm cả Điều lệ đảng qui định mỗi năm tổ chức 2 HNTU. Tuy nhiên Hội nghị này vẫn không thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất trong việc lập ra một đề án nhân sự cấp cao nhất cho Đại hội (ĐH) 12 được sự đồng ý của đa số. Chính vì thế từ trong diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng tới Thông báo của Hội nghị này đều không dám nói tới kết quả bỏ phiếu tín nhiệm và việc đề cử bổ túc giới thiệu nhân sự vào các chức vị trong Bộ chính trị và Ban bí thư cho khóa tới. Mặc dù ông Trọng đã từng tuyên bố kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được công bố trước dư luận!

Lí do chính của việc không dám công khai hai việc trên là vì không đạt được một đồng thuận cả trong Bộ chính trị lẫn Trung ương đảng. Họ sợ nếu công bố kết quả hai việc trên ra thì như vạch áo cho người xem lưng, dư luận của nhân dân về họ sẽ càng xấu hơn. Nhưng chính việc cố tình bưng bít các quyết định quan trọng trong đảng chỉ chứng minh rõ ràng thêm, giữa một vài người có quyền lực cao nhất đã không còn coi nhau là đồng chí nữa, mà đã coi nhau là kẻ thù. Vì thế Trung ương đảng đã chia rẽ thành những bè phái đứng sau những người này đánh phá lẫn nhau và giành giựt ghế trong Đại hội 12. 

Thậm chí họ đã và đang phỉ báng và bôi xấu nhau công khai trên một số mạng điện tử do họ giật dây, hoặc lợi dụng các tờ điện tử Cộng sản, Chính phủ, Công an, Quân đội nhân dân…để tìm cách lôi kéo bè đảng và chống phá lẫn nhau. Những hành động này cho thấy, sự tham quyền và tham tiền của những người cầm đầu toàn trị đang biến ĐCS  thành như một con bệnh đã rơi vào thời kì bất trị! Sự tranh giành quyền-tiền rất trắng trợn diễn ra trên lưng nhân dân và trước nguy cơ xâm lấn của Bắc kinh!

Thực ra tình hình rất xấu của HNTU 10 chỉ xác minh thêm, đây là một đỉnh cao mới trong quá trình suy đồi ngày càng trầm trọng của chế độ toàn trị từ sau 1975.

Xét bối cảnh của đất nước ta hiện nay thì bên cạnh những tệ trạng xã hội càng gia tăng, các nguy cơ lệ thuộc phương Bắc có nguồn gốc căn bản từ chế độ toàn trị, cũng đang hé mở các triển vọng mới ngày thêm tỏa sáng trong tiến trình ý thức, tham gia và nỗ lực tổ chức cùng vận động của anh em dân chủ ở trong nước. Đất nước đang từ màn đêm chuyển sang rạng đông, hi vọng đang chuyển thành hiện thực!

Chính vì vậy trong dịp đầu năm - trong tinh thần dân chủ và với ý nguyện chung mong muốn cho nhân dân và đất nước sớm mở sang trang sử của một nước VIỆT NAM MỚI …- tôi muốn trao đổi một số nhận định và ý kiến về tình hình đất nước và các bước cần có để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ trước mắt và lâu dài.
I.  Mục tiêu cuối cùng và mục tiêu trước mắt của chúng ta

Chúng ta cùng theo đuổi mục tiêu chung rất quan trọng là chuyển đổi VN từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ dân chủ đa nguyên bằng phương pháp đấu tranh phi bạo lực. Vì chúng ta đều thấy rất rõ là, chế độ toàn trị kéo dài thêm một ngày, thêm một năm là đất nước và nhân dân thêm một ngày, thêm một năm tụt hậu, bất công, tham nhũng, đàn áp và nay còn rơi vào nguy cơ lệ thuộc Bắc kinh!

Trên 60 năm qua, kể từ khi họ độc quyền ở miền Bắc rồi mở rộng ra cả nước, nhân dân ta các giới –từ nông dân, công nhân, chuyên viên, văn nghệ sĩ tới trí thức… đã hi sinh rất nhiều chưa từng có trong lịch sử dân tộc; nhiều thế hệ đã hi vọng và đặt niềm tin vào họ, nhưng ngày càng thất vọng. Nhờ một số chiến thắng họ đã vội quên nhân dân, trở thành kiêu binh coi đất nước là tài sản riêng và nhân dân như nô lệ. Trên 60 năm họ đã dựng lên một chế độ tàn bạo, thối nát và bóc lột hơn cả thời thực dân Pháp và tồi tệ hơn cả những chế độ phong kiến vào những giai đoạn tồi tệ nhất!

Vì thế chế độ toàn trị không còn đủ tư cách và tính chính đáng đứng thêm hay kéo dài thêm nữa! Phải chấm dứt nó càng sớm càng tốt. Đó không chỉ là nguyện vọng của đa số nhân dân, mà nay cả nhiều đảng viên cũng đã ý thức được điều này. Vì thế cuộc tranh đấu phi bạo lực của những người dân chủ theo mục tiêu này chỉ là thực hiện ý nguyện chính đáng của nhân dân và theo tiếng gọi lương tâm trong sáng của mỗi người trong chúng ta!

Sự nghiệp giải thể độc tài, thiết lập dân chủ đa nguyên không phải là chuyện không tưởng. Chúng ta đã chứng kiến sự tan vỡ của Liên xô và các nước CS Đông Âu trước đây ¼ thế kỉ. Điều này hiện nay cũng đang trở thành khả năng có thực ở VN, một việc đang ở trong tầm tay của dân tộc ta.
Giai đoạn suy đồi không còn thể cứu vãn của chế độ toàn trị ở VN có thể thấy rất rõ trong tiến trình diễn ra liên tục từ 1975 trở về đây. Một cách tổng lược có thể thấy sự biến đổi theo hướng ngày càng đi xuống của chế độ này qua các giai đoạn:

1975- 79: Hào quang chiến thắng đã bao trùm tất cả: Đa số nhân dân nể và sợ. Thời kì họ tự hào „ra ngõ gặp anh hùng!“

1979-86: Gẫy đổ quan hệ Hà nội- Bắc kinh và cô lập với phương Tây qua 2 cuộc chiến tàn khốc ở biên giới phía Bắc và sa lầy ở Kampuchia dẫn tới nạn đói khủng khiếp. Nó chứng minh mô hình phát triển theo quốc doanh trong công nghiệp và hợp tác xã trong nông nghiệp thất bại toàn diện. Chính sự thất bại của chế độ toàn trị trong các lãnh vực kinh tế, nội trị và mặt trận ngoại giao khiến cho sự nể trọng của người dân giảm mạnh, các giới chuyên viên, trí thức và văn nghệ sĩ đòi „cởi trói“.

Từ cuối thập niên 80: Liên xô và Đông Âu sụp đổ. Ý thức hệ Marx-Lenin và mô hình XHCN sơ cứng cũng tan vỡ theo. Những người cầm đầu chế độ toàn trị phải quì gối cúi đầu tại Thành đô, Trung quốc, để cứu đảng. Còn trong đối nội thì chỉ „đổi mới“ giả hiệu một số mặt để kéo dài chế độ đàn áp và bóc lột.

Từ những năm đầu của Thế kỉ 21 những người cầm đầu chế độ toàn trị đã dùng đảng và chính quyền làm bình phong để giữ ghế, chia phần, tham nhũng. Họ đang chia bè, kết nhóm lợi ích vị kỉ chống phá lẫn nhau rất quỉ quyệt và tàn bạo, tự lộ rõ bản chất vô tư cách, tha hóa đạo đức và trốn trách nhiệm.
II.                Mục tiêu, công thức của „đổi mới“ và hậu quả của nó đối với chế độ toàn trị
Giữ độc quyền cho đảng, tăng cường bộ máy công an mật vụ để làm lá chắn bảo vệ chế độ; trong kinh tế, thương mại và ngoại giao bắt buộc phải mở cửa nhưng ở chừng mực trong vòng kiểm soát. Trong đó lãnh vực then chốt là „Kinh tế thị trường định hướng XHCN“ với hệ thống các tập đoàn và tổng công ti nhà nước là nền tảng nhằm tạo phương tiện tiền bạc để nuôi bộ máy công an và cán bộ giúp đảng giữ độc quyền tiếp tục.

Kết quả của mô hình giữ vững chế độ độc đảng = công an trị + hệ thống kinh tế nhà nước làm chủ đạo sau gần 30 năm đang dẫn tới: Các cán bộ có chức quyền ở trung ương và địa phương lợi dụng sự độc quyền để xà xẻo những tài khoản khổng lồ trong các công trình xây dựng do các nguồn tài trợ ODA; biến các Tập đoàn và Tổng công ti nhà nước thành sân sau của họ, gia đình và vây cánh bòn rút tài sản công, lũng đoạn các hội đồng quản trị … bằng cách cho các thân tín đảm nhiệm các chức vụ then chốt. 

Dẫn tới tình trạng nhiều quan đỏ nay trở thành triệu phú (USD) do làm giầu bất chính rất nhanh, giống như sự thành hình của giới làm giầu bất chính mới Oligarch bên Nga hiện nay đang dùng tiền của để mua bán quyền lực và lũng đoạn chính trị, như chúng ta đều thấy. Trong khi đó nợ công gia tăng nhanh và cao trở thành gánh nặng cho toàn dân ta. Sau gần 30 năm „đổi mới“ nhưng kinh tế VN vẫn chỉ là làm gia công, xuất cảng nguyên liệu thô sơ và nhập siêu từ Trung quốc càng gia tăng, năng suất lao động chỉ bằng 1/16 của Singapore!

Đặc điểm rất quan trọng là trong thời gian gần 30 năm đổi mới này các người cầm đầu đều thuộc loại cá mè một lứa, không có ai trội và có uy tín nổi bật như các giai đoạn trước đó, nên dẫn tới tình trạng „sứ quân“ trong Bộ chính trị và Trung ương đảng. Nay một vài nhân vật có quyền lực đang dùng quyền và tiền bạc tích lũy được để tạo vây cánh, chống phá và thanh toán lẫn nhau. Dẫn tới tình trạng nhiều đảng trong một đảng!

Vì vậy những người cầm đầu chế độ càng mất uy tín, nhân dân coi thường họ; trí thức, chuyên viên không phục họ. Sự bất kính chuyển mạnh sang phê bình và chống đối công khai đang trở thành hướng phát triển chính trong các năm gần đây. Vì thế sự nhập cuộc chống lãnh đạo của đảng viên ngày càng nhiều là một bước tất yếu.

Từ ra ngõ gặp anh hùng thời thập niên 70, nay -40 năm sau- trở thành ra ngõ đụng quan tham và công an!
III. Thế và lực của những người dân chủ

Những năm đầu sau 1975 hầu như ở số không. Nhưng khi những mô hình xây dựng xã hội và kinh tế theo XHCN dẫn tới thất bại thì bắt đầu có những tiếng nói phản biện rời rạc của một số chuyên viên, trí thức và văn nghệ sĩ từ giữa thập niên 80. Tiếp đó, khi Đông Âu và Liên xô sụp đổ thì một số đảng viên cấp tiến đã nhận thấy toàn bộ mô hình Marx-Lenin không chỉ trong kinh tế mà cả trong chính trị đã trở nên bất cập, sai lầm, lỗi thời, không còn thích hợp nữa. Nên ngay trong đảng đã có tiếng nói đòi đổi mới phải đi bằng cả hai chân kinh tế lẫn chính trị. Khi ấy cả trong Bộ chính trị lẫn Trung ương đảng đã có người hưởng ứng, nhưng còn yếu thế.

Nhưng do những hậu quả của đổi mới một chân đã dẫn tới tham nhũng, bất công càng chồng chất và lộ liễu trong toàn bộ máy đảng và chính quyền và những cuộc đàn áp nhân dân càng tàn bạo thì bắt đầu hình thành các cuộc phản đối của quần chúng mang tính bộc phát chưa được tổ chức. Từ khi Bắc kinh đưa ra những đòi hỏi ngang ngược trên biển Đông và mở rộng xâm lấn trắng trợn trên các đảo do sự ươn hèn của nhóm cầm đầu Hà nội thì lòng dân bắt đầu chuyển hướng rõ rệt. 

Các cuộc biểu tình của thanh niên, chuyên viên, trí thức đã ra công khai; nhiều tuyên bố, kiến nghị nêu thẳng các vấn nạn của đất nước đã được cả hàng ngàn người kí tên ủng hộ, trong đó có nhiều đảng viên tên tuổi. Các mạng điện tử độc lập đã giúp thông tin nhanh, mở ra sự tham gia đông đảo và tích cực của nhiều giới. Nhiều Blogger thuộc nhiều giới khác nhau hoạt động ở ngay trong nước, bất kể những cuộc đàn áp và giam cầm. Các báo điện tử lề dân đảm nhiệm vai trò thông tin độc lập của một xã hội dân sự đang làm tệ liệt cả hệ thống to lớn của các báo và đài lề đảng!

Từ hai-ba năm trở lại đây đã và đang hình thành công khai các tổ chức dân sự từ báo chí, văn học, chính trị đến tôn giáo ở ngay trong nước, anh chị em đã tự tin và không biết sợ. Số người trẻ và phụ nữ tích cực nhập cuộc ngày càng đông. Tùy việc và tùy thời gian họ đã có tiếng nói chung đối với những vấn đề nóng bỏng của đất nước, như cuộc vận động chống việc giả vờ sửa đổi Hiến pháp 2013, tuyên bố chung về vụ giàn khoan HD 981, Thư của nhiều đảng viên kêu gọi dân chủ hóa trong đảng, Thư kêu gọi trả tự do cho những Blogger và các người dân chủ bị bắt giữ trái phép, các cuộc họp và hội thảo với đại diện các sứ quán Mĩ và EU tại VN về đàn áp nhân quyền, đàn áp báo chí…

Như vậy rõ ràng là, tiếng nói dân chủ từ 1975 tới nay đã từ không đến có, từ vài cá nhân rời rạc tới thành các tổ chức trong nhiều lãnh vực, ngày càng được sự tin cậy của nhân dân và sự ủng hộ quốc tế. Tiếng nói của họ đang dội mạnh vào ngay trong nội bộ đảng cầm quyền, gây hoang mang, phân hóa giữa một số người có quyền lực, tạo ra phong trào „tự diễn biến, tự chuyển biến“ ngay trong hàng ngũ chế độ toàn trị.
IV.   Sách lược chống bạo quyền của người dân chủ
Tuy chế độ toàn trị đang lún sâu vào khủng hoảng, uy tín không còn, lực đang phân hóa và trong nhóm chóp bu đang kình chống nhau kịch liệt, nhưng xét về tương quan lực lượng thì hiện thời họ vẫn còn nắm thượng phong. Tuy họ đang mất dần sự kiểm soát quần chúng và cả trong đảng, nhưng họ vẫn còn nắm được các bộ phận kìm kẹp là công an và bộ đội. Tuy nhiên đây chỉ là tạm thời. Vì kinh nghiệm ở cựu Liên xô và Đông Âu đã cho thấy, khi tình thế thay đổi lớn thì các lực lượng này sẽ bị vô hiệu hóa hoặc phải đổi chiều đứng về phía nhân dân.

Phía dân chủ cần khai thác sách lược phân hóa, chia để trị thật khôn ngoan và kiên tâm, nhất là cần tập trung tấn công và cô lập những người đầu não của chế độ  toàn trị. Nhưng không nên nuôi ảo tưởng là, mình là „Phật“ có thể cải hóa được các tên đồ tể chính trị, hay ngờ ngệch nghĩ rằng „đuổi Trọng, dụng Dũng“. Cách này không khác đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau! Các bài viết hay những việc làm theo chiều hướng đó sẽ chỉ làm cho những người dân chủ thật lòng xa lánh, nghi ngại và cuối cùng cánh của Dũng sẽ lợi dụng, phỗng tay trên thành quả tranh đấu của nhân dân!

Tích cực kêu gọi, khuyến khích các đảng viên tiến bộ và biết tự trọng hãy quyết chí hoạt động và đấu tranh tại chỗ, ngay trong đảng, cho các mục tiêu dân chủ…Việc làm này phải kiên trì, thông minh, không nhất thiết họ phải công khai đi với chúng ta. Khi có những điều kiện thuận lợi họ nên nắm chủ động được cơ quan, cô lập những phần tử cực đoan, tham nhũng thối nát…Sách lược hiệp đồng trong đánh ra ngoài đánh vào giữa các đảng viên tiến bộ và những tổ chức dân chủ cần được thực hiện kiên trì và thông minh.

Cần suy nghĩ để mở ra hướng đi thích hợp, cùng với các nguyên tắc và điều kiện căn bản cho khả năng hình thành một Liên Minh Những Người Dân chủ VN với sự tập hợp của các thành phần nhân dân, chuẩn bị việc thành lập một chính quyền mới sau khi chấm dứt chế độ toàn trị, với sự tham gia của các tổ chức và nhân sĩ dân chủ, kể cả thành phần các đảng viên tiến bộ tích cực để thiết lập một NƯỚC VIỆT NAM MỚI theo dân chủ đa nguyên…

V.                Xây dựng lực lượng dân chủ

Điều có tính cơ bản trong đấu tranh chính trị là, các lực lượng dân chủ phải từng bước nắm chủ động về đường lối, tổ chức, nhân sự và vận động. Trong các biến động chính trị ở VN và thế giới đã chứng minh là, nếu các lực lượng dân chủ không được tổ chức chặt chẽ … thì các nhóm cực đoan dùng bạo lực (từ cực hữu tới cực tả) sẽ lợi dụng những khoảng trống chính trị khi cuộc biến động xẩy ra để chiếm độc quyền và thanh toán đối lập. 

Ở VN điển hình như „Cách mạng Mùa Thu 1945“. Khi ấy nhiều đảng không CS tuy mạnh hơn, nhưng thiếu tổ chức, không biết liên kết và thiếu kinh nghiệm chính trị nên đã để nhóm CS của HCM lèo lái các cuộc biểu tình của quần chúng thành các cuộc biểu dương sức mạnh của họ! Các biến động ở Ai cập từ 2011 tới nay cũng tương tự: Quần chúng rất bất bình với chế độ quân phiệt khi ấy, nhưng phía dân chủ không có tổ chức và không có người lãnh đạo, nên một tổ chức cực đoan Hồi giáo đã phỗng tay trên thành quả tranh đấu. Nhưng chỉ hai năm sau chế độ quân phiệt đã cướp lại quyền và Ai cập vẫn ngụp lặn trong độc tài!

Trong điều kiện hiện nay ở trong nước chưa thể có những đoàn thể lớn, phải tạm thời chia nhỏ và dùng nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Nhưng vẫn phải đặt tầm quan trọng trong liên lạc, phối hợp và yểm trợ lẫn nhau…từ những việc nhỏ tiến lên những việc lớn. Những người dân chủ đa nguyên cần nhận định rõ, khước từ bạo lực thì phải biết tập hợp quần chúng rộng lớn làm vũ khí đấu tranh. Khi điều kiện thuận lợi thì có thể mở các cuộc „xé rào“ với sự tham gia nhiệt tình của nhân dân nhiều giới. Như vậy phải biết đặt ưu tiên, tập hợp tất các lực lượng dân chủ -kể cả các đảng viên tiến bộ- để tranh đấu cương quyết dứt khoát chấm dứt chế độ độc tài độc đảng!

VI.             Chương trình hành động 2015 và thời gian tới

Nắm vững tình hình đối phương: Muốn chủ động và không để bất ngờ thì phải nắm sát, biết chính xác tình hình nội bộ chế độ toàn trị, từ những việc nhỏ đến việc lớn…để nắm được những động tĩnh và tính toán của các phe, của từng nhân vật chính, từ đó có những kế hoạch hành động chính xác, nhanh, gọn, thích hợp và hiệu quả. Chúng ta nhớ, vào giai đoạn 1943-45 nhóm Trường Chinh nhận cả thông tin của các gia nhân người Việt làm cho các quan lại thực dân Pháp ở Hà nội nên đã biết được bọn quan Pháp đang rơi vào hoang mang lúng túng, nên họ đã chuẩn bị các kế hoạch cần thiết để cướp chính quyền vào Thu 1945 tương đối nhanh, gọn nhất.

Tình hình Trung quốc: Có thể nói Bắc kinh là điểm tựa cuối cùng cho chế độ toàn trị ở VN. Cho nên Bắc kinh nhức đầu thì Hà nội sổ mũi. Chính sách thanh toán nội bộ ở cấp cao của Tập Cận Bình diễn ra rất nhanh và dồn dập. Điều này dưới chế độ toàn trị và những đặc thù về văn hóa-chính trị của Trung quốc có thể dẫn tới một số khả năng, trong đó có khả năng phục thù bắn hậu chống lại họ Tập, dẫn tới thanh trừng nội bộ và rối loạn từ trong đảng tới chính quyền và quân đội Trung quốc. Trước đây Mao đã giương ngọn cờ „Cách mạng văn hóa“ nhưng chỉ nhằm thanh toán đối thủ của ông ở ngay trong Bộ chính trị. Phong trào thanh lọc nội bộ của Mao đã làm tê liệt chế độ cả hàng chục năm. Nay họ Tập giương cờ „chống tham nhũng“, „giệt cả hổ lẫn ruồi“ liệu có khác thủ đoạn của Mao không?

Cho nên những người dân chủ VN cần tỉnh táo không để bất ngờ, theo dõi sát tình hình Trung quốc và phản ứng của những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN để chuẩn bị các sách lược cần thiết có lợi nhất nhằm chấm dứt chế độ toàn trị thần phục Bắc kinh ở VN.

Mĩ và EU: Ở vị trí của một siêu cường quốc, nên Mĩ ý thức rõ vai trò rất quan trọng cả trong an ninh lẫn thương mại của đường giao thông hàng hải quốc tế xuyên qua biển Đông. Mĩ cũng thấy vị thế địa lí chính trị rất quan trọng của VN trong chiến lược an ninh ở biển Đông  như cái yết hầu trong việc kiềm chế chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng của Bắc kinh.

Mặc dầu kinh tế Mĩ đang phục hồi mạnh, nhưng trong Thông điệp Liên bang đầu năm, ngày 21.1. 2015,  TT Obama  đã xác định sách lược đối ngoại và an ninh của Hoa kì là không hành động đơn phương, nhưng sẽ kết hợp sức mạnh siêu cường của Mĩ với các đồng minh và thân hữu ở Âu-, Phi- và Á châu để ngăn chặn hữu hiệu các chủ trương khủng bố, phiêu lưu và „những nước lớn không được phép bắt nạt các nước nhỏ.“

Mức độ dấn thân của sách lược quay trục sang Thái bình dương và biển Đông của Mĩ như thế nào còn tùy thuộc thái độ của nhà cầm quyền Hà nội với Bắc kinh có rõ ràng và dứt khoát hay không, có thấy các hành động bành trướng của Bắc kinh là cực kì nguy hiểm hay vẫn coi Bắc kinh là „Bạn“ và gân cổ ca „16 chữ vàng“ cùng „bốn tốt“!!!. Chuyện của mình mà không biết tự cứu thì người ngoài không dại gì còng lưng ra cõng !!! Ngoài ra việc quay trục sang Thái bình dương cũng còn tùy mức độ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và tình hình Trung đông có trong vòng kiểm soát không. Cộng đồng người Việt ở Mĩ có thể tạo những áp lực trong các mùa bầu cử để chính giới Mĩ ủng hộ các cuộc vận động dân chủ ở VN. EU có thể ủng hộ về ngoại giao, nhân quyền và kinh tế hỗ trợ tích cực kế hoạch của Mĩ đối với VN và biển Đông.

Đại hội 12 đầu 2016 và các ngày lễ tròn trong 2015:
Đại hội 12 của ĐCSVN sẽ được tổ chức vào quí 1/2016 và diễn ra trong giai đoạn suy đồi rất mạnh với những tranh chấp phe nhóm rất tàn bạo của chế độ toàn trị trong cả nội trị, kinh tế lẫn ngoại giao. Những người cầm đầu mới chắc chắn cũng không thể làm thay đổi được tình hình, cũng vẫn cá mè một lứa như „tứ trụ“ hiện nay và có chiều hướng còn xấu hơn nữa. Vì thế cuộc chạy đua giành giựt ghế đang diễn ra rất khốc liệt với mọi phương tiện và thủ đoạn tàn bạo và tồi tệ giữa các „đồng chí“. 

Trong năm 2015 là năm tròn của một số kỉ niệm quan trọng cả cho chế độ toàn trị lẫn người dân chủ: 40 năm sau 30.4.75, 70 năm cướp chính quyền của CSVN (2.9.45-2.9.2015), 85 năm ĐCSVN ra đời (3.2.1930-3.2.2015), 65 năm bang giao Việt-Trung  (18.1.1950-18.1.2015), 20 năm bang giao Việt-Mĩ (12.7.95-12.7.2015)…

Mục tiêu 2015 của phía dân chủ: Cương quyết đẩy mạnh thêm cuộc vận động dân chủ để tạo ra những hoàn cảnh mới thuận lợi cho phía dân chủ. Nếu điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi thì cần biết khai thác theo thế „xé rào“ để đưa cuộc vận động dân chủ vững mạnh và tiến nhanh hơn.

Các hoạt động:

ĐH 12: Đòi dân chủ hóa nội bộ đảng bằng:
Các Đại hội đảng bộ tỉnh-thành phố chuẩn bị cử đại biểu dự ĐH 12 và bầu ban chấp hành mới ở địa phương phải do các đảng bộ địa phương toàn quyền phụ trách, chấm dứt sự chỉ thị và ra lệnh của Bộ chính trị về các quyết định nhân sự của địa phương và việc cử đại biểu tham dự ĐH 12.

Chức Tổng bí thư : Phải có ít nhất 3 ứng cử viên (UCV), các UCV được công khai trình bày mục tiêu, đường lối và chương trình hoạt động của mình. Nếu không có UCV nào đạt đa số quá bán thì 2 UCV có số phiếu cao nhất tranh cử chung kết, UCV nào có trên 50% phiếu đồng ý sẽ trúng cử TBT. Bầu cử, kiểm phiếu và tuyên bố kết quả công khai trước ĐH.

Mỗi UCV vào Bộ chính trị phải được sự giới thiệu của ít nhất 1/3 đại biểu tham dự ĐH…

Kỉ niệm 30.4.2015: Ngày Hòa giải dân tộc. Tổ chức tập thể cả Nam-Bắc thăm viếng các nghĩa trang binh sĩ và thường dân hai miền đã hi sinh trong cuộc nội chiến. Các tôn giáo tổ chức các lễ cầu siêu. Tổ chức các cuộc gặp gỡ chung giữa các thương binh, gia đình tử sĩ cả hai miền. Không viết bài trên báo, đài ca tụng bên này, đả phá bên kia liên quan tới cuộc nội chiến.

Kỉ niệm 19.1, 17.2….: Tổ chức thăm viếng các nghĩa trang, thương binh, gia đình tử sĩ đã hi sinh trong các cuộc chiến chống xâm lược của Trung quốc ở biên giới phía Bắc 2. 1979, trận hải chiến chiếm Hoàng sa 1.1974 và trận hải chiến Gạc-ma đầu 3.1988…Mở Hội thảo Quốc tế ở trong nước về biển Đông. Tùy theo tình hình có thể tổ chức biều tình chống xâm lược của Bắc kinh và sự ươn hèn của Hà nội, đòi kiện Trung quốc công khai trước các tòa án quốc tế về vi phạm chủ quyển trên biển Đông của VN và các nước Asean…

Những hoạt động đặc biệt: Nếu xẩy ra những cuộc đàn áp, khủng bố và giam giữ nhiều người dân chủ thì cùng nhau lên tiếng kêu gọi Mĩ, EU, LHQ…không cấp chiếu khán xuất ngoại và khóa trương mục ngân hàng ở nước ngoài của những người phụ trách công tác an ninh trong Bộ chính trị và Chính phủ, một số tướng lãnh Công an đã nổi tiếng đàn áp những người dân chủ và nhân dân.

Nếu nhiều báo chí lề dân bị đàn áp và báo chí lề đảng bị bịt miệng thì đồng loạt lên tiếng yêu cầu Mĩ, EU, LHQ… không cấp chiếu khán xuất ngoại và khóa trương mục ngân hàng ở nước ngoài của một số nhân vật trong Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ thông tin tuyên truyền đã cấm báo chí mạng và bẻ cong ngòi bút các nhà báo lề đảng.

Khi xẩy ra những hành động xâm lấn mới của Bắc kinh hay khi có những biến động lớn ở Trung quốc cần kết hợp các hoạt động báo chí, biểu tình, vận động dư luận quốc tế áp lực với chế độ toàn trị CSVN trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ.

Tùy theo tình hình có thể mở các cuộc vận động cả trong nước lẫn quốc tế đòi trả tự do cho từng người dân chủ hay cho tất cả những người khác chính kiến đã bị bắt giam. Kết hợp đòi hỏi những sự tham gia mới của VN vào các quan hệ kinh tế với phương Tây và nhân quyền (như TPP và Hội đồng Nhân quyền LHQ…) với những cải thiện kinh tế, lao động, luật pháp và nhân quyền theo hướng tự đo, dân chủ, chống bất công và bóc lột và công nhận các tổ chức của một xã hội dân sự. Những sự thỏa thuận này phải mang tính cách công khai và được kiểm nhận quốc tế.

Sự suy đồi của chế độ toàn trị đang chuyển sang mức độ ngày càng xấu hơn, với sự nghi kị và đối nghịch giữa các phe nhóm ở trung ương càng gia tăng, và sự kình chống kể cả thanh toán lẫn nhau giữa một vài người trong Bộ chính trị. Đây là những điều kiện có thể bộc phát mở ra những cuộc „xé rào“ theo thế chẻ tre cả trong nhân dân lẫn trong nội bộ đảng.

Các tổ chức và những người dân chủ cần chủ động và tỉnh táo, khi thời cơ mở ra thì chuyển thế đấu tranh bằng cách xé rào của phong trào quần chúng để mở rộng lực lượng. Từ đó mở ra thế và lực mới mạnh hơn làm đà mở ra những cuộc vận động mới để quyết đưa cuộc tranh đấu theo đúng hướng, giải quyết nhanh, gọn, chấm dứt chế độ toàn trị độc tài thối nát, để thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên của một nước Việt Nam Mới!

Những ngày đầu 2015

Âu Dương Thệ

Việt Nam ‘Không Thay Đổi Chế Độ Chính Trị’ mác xít lê nin nít


Published on January 14, 2015   ·   2 Comments

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vừa gợi ý như vậy trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 12/1.
NGUYENPHUTRONG-XHCN
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng “đổi mới chính trị [ở Việt Nam] không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng, nhà nước mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”.

Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng phản ánh sự bảo thủ về quan điểm của ông đối với tương lai chính trị của Việt Nam…

Tiến sỹ Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, tại Đại học Thành thị Hong Kong.
Về phát biểu của ông Trọng, Tiến sỹ Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam, tại Đại học Thành thị Hong Kong, nhận định với VOA Việt Ngữ bằng tiếng Việt:

“Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng phản ánh sự bảo thủ về quan điểm của ông đối với tương lai chính trị của Việt Nam. Vấn đề không phải chủ yếu là có chế độ như thế nào mà vấn đề là chất lượng của lãnh đạo chính trị của Việt Nam phải được xem là vấn đề quan trọng nhất. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam đang muốn nghe những ý tưởng về nội dung và bản chất của nền chính trị Việt Nam trong thời gian tới, thay vì chỉ tuyên bố về việc không thay đổi chế độ”.

Hội nghị kéo dài một tuần với sự tham gia của nhiều nhân vật cao cấp trong đảng nhằm thảo luận các bước chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12, dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau.
Theo báo chí trong nước, hội nghị đã “cho ý kiến về việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” cũng như “giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.

Việc đảng cộng sản Việt Nam chưa sẵn sàng công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một hạn chế. Và nếu đảng cộng sản Việt Nam thực sự muốn nâng cao lòng tin của dân thì họ phải phấn đấu để làm cho quá trình này hết sức minh bạch. Tiến sỹ Jonathan London.
Ngoài ra, hội nghị cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, nhưng cho tới ngày bế mạc, kết quả của việc lấy phiếu này không được công bố, dẫn tới nhiều đồn đoán trên các trang mạng xã hội.

Tiến sỹ Jonathan London cho rằng việc làm này cần phải minh bạch:
“Việc Bộ Chính trị Việt Nam có một quá trình lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá sự hài lòng đối với việc lãnh đạo đảng cũng có thể được xem là một phát triển hứa hẹn cho nền chính trị của Việt Nam nếu ý nghĩa của quá trình này là cố gắng nâng cao hiệu quả của lãnh đạo chính trị Việt Nam. Việc đảng cộng sản Việt Nam chưa sẵn sàng công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một hạn chế. Và nếu đảng cộng sản Việt Nam thực sự muốn nâng cao lòng tin của dân thì họ phải phấn đấu để làm cho quá trình này hết sức minh bạch”.

Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng nhiều người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, “đều muốn Việt Nam hướng tới một chế độ chính trị minh bạch hơn”.

Ngoài các tuyên bố mang tính chung chung của các quan chức Đảng, ít có các thông tin chi tiết về hội nghị trên.

VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện một số nhà báo độc lập cũng như các nhà quan sát tình hình chính trị ở trong nước, nhưng đa phần đều từ chối trả lời phỏng vấn vì “không có đủ thông tin để đưa ra bình luận”.

Theo VOA Việt Ngữ




14 hrs ·
Nguyễn Thanh Phượng, Con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa thi đậu quốc tịch Mỹ. Lại thêm 1 khúc ruột ngàn dặm mới từ giã thiên đường CS..
Nguyễn Thanh Phượng, Con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa thi đậu quốc tịch Mỹ.  Lại thêm 1 khúc ruột ngàn dặm mới từ giã thiên đường CS..
Like ·  · Share


No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts