Đại Học chăn Trâu




Friday 9 January 2015

Về học viện Khổng Tử

 

Về học viện Khổng Tử

Mũi xung kích của viện Khổng Tử
















Trần Duy Sơn (Danlambao) - Thời gian gần đây TQ mở nhiều Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới, Hàn Quốc, Nhật bản, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada... Giữa tháng 11/2014 hai trường đại học có uy tín tại Mỹ - Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania - đã lần lượt ra tuyên bố ngưng hợp tác và đóng cửa Viện Khổng Tử, cơ quan giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh, Canada, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cũng đưa ra quyết định tương tự. Song, tại Việt Nam, ngày 27/12/2014 TQ lại khai trương văn phòng Học viện Khổng Tử (HVKT) đầu tiên tại Đại học Quốc gia Hà Nội, gây nhiều tranh cãi trên mạng. Tại sao nhiều triết gia lớn của TQ như: Lão tử, Trang tử, Thuyết âm dương ngũ hành ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả đời sống TQ và VN, không mở, lại mở viện Khổng tử, đúng là bái quái trận đồ. Bài viết này nhằm tìm hiểu vấn đề trên.

Tìm hiểu khái quát về Nho Giáo

Có thể nói Khổng Tử (551-479 TCN), người đã hệ thống hóa những tư tưởng trước đây của Chu Công đời nhà Chu thành học thuyết chính trị đạo đức, triết lý gọi là Nho học và người đời xem như một tôn giáo nên gọi là Nho giáo, đã trở thành một trong những hệ tư tưởng chính trị chính thống của Trung Hoa trên 2000 năm. Nội dung của Nho học được Khổng Tử và các học trò của ông sau này: Tăng tử, Tử tư, Mạnh Tử thể hiện trong 9 bộ sách gồm có Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu) và Tứ Thư (Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử). Ngũ kinh và Tứ thư còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc.

Theo Nho học, để quốc gia hưng thịnh việc đầu tiên gia đình là cấu trúc tế bào quan trong nhất xã hội, nhưng để giải quyết gia đình hài hòa con người cần phải tu thân rèn luyện, để thành những người quân tử. "Khi bản thân tu luyện, gia tộc hài hòa. Khi gia tộc hài hòa, đất nước mới được thịnh trị. Khi đất nước được thịnh trị, khắp nơi sẽ thái bình. Từ bậc quân vương cho đến kẻ dân thường trăm họ, tất cả phải coi tu luyện bản thân là điều quan trọng nhất". Quân tử nghĩa nguyên bản của nó người cai trị, người bề trên được Khổng Tử sáng tạo ra, sau này Khổng Tử dùng nó để chỉ chung những người có đạo đức đối nghịch với kẻ tiểu nhân. Khổng Tử đặt chữ “Nhân”, đạo đức con người là quan trọng nhất trong học thuyết của mình, nếu vua quan cai trị đất nước bằng đạo đức thì xã hội sẽ an hòa, do đó để giải quyết mục đích này Khổng Tử đã quy định những khuôn phép chuẩn mực cho mọi sinh hoạt đạo lý con người trong xã hội thông qua Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng và Tứ đức.

Tam Cương: các mối quan hệ: Vua-tôi: Vua thì thưởng phạt công minh, Tôi tớ phải trung thành một dạ.

Cha-con: Cha có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, Con phải hiếu thảo và phụng dưỡng khi cha về già.

Vợ chồng: Chồng phải yêu thương và đối xử công bằng với vợ. Vợ phải chung thủy tuyệt đối với chồng. 

Ngũ Thường: Năm điều đạo đức cơ bản ở đời Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín,

Tam tòng: ba điều người phụ nữ phải theo: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử",

Tứ đức: bốn tính nết tốt của người phụ nữ phải có là: Công - Dung - Ngôn - Hạnh.

Sau khi Tu Thân, người quân tử phải Hành Đạo, phải ra làm quan, làm chính trị. "Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ". Trong đó Nhân Trị là cai trị bằng tình người, là yêu người và coi người như bản thân mình và mỗi người phải làm đúng chức phận của mình, mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó. Gọi là chính danh. 

Triết lý của Khổng Tử ra đời trong giai đoạn chiến tranh, loạn lạc Xuân thu-Chiến quốc, các trường phái tư tưởng lớn của Trung Hoa cũng ra đời vào thời điểm này gồm có: Pháp gia, Đạo giáo (Lão tử), Mặc gia, Danh gia, Âm dương gia. Các nhà sử học Trung Quốc coi giai đoạn nảy nở văn hóa này là "Giai đoạn trăm nhà đua tiếng" (Bách gia chư tử) (551-233 TCN). Có thể mục đích của họ là cùng nhau cải tổ triều đình, mong ổn định xã hội tránh chiến tranh các cứ liên miên, hầu có thể chăm sóc dân chúng tốt hơn. Sau này các Chính quyền Phong kiến thay nhau lợi dụng các triết lý này làm hệ tư tưởng chính trị chính của mỗi giai đoạn trị vì của vương triều làm ảnh hưởng đến dân tộc Trung hoa và các nước chư hầu trong suốt chiều dài lịch sử.

Nho giáo đã ảnh hưởng đến hầu hết các nước phong kiến phương Đông qua quá trình giao thoa và xâm thực. Ở nước ta Nho giáo xuất hiện cùng với sự đô hộ 1000 năm của phong kiến phương Bắc. Nho giáo được coi trọng ở thời kỳ Lý - Trần và phát triển mạnh trở thành độc tôn thời kỳ Tiền Lê.. Dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn, thế kỷ 19, Nho giáo cũng trở lại địa vị độc tôn. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 Nho giáo đã từng bị thực dân Pháp lợi dụng như một thứ công cụ để nô dịch dân tộc Việt. Vì vậy Nho giáo đã ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống và phương thức tư duy của dân tộc Việt.

Theo wikipedia Triết gia Hegel đã từng nhận xét rằng tư tưởng của đạo Khổng thì nghèo nàn, còn Lão Tử mới xứng đáng là người đại diện cho tinh thần phương Đông cổ đại. Không phải không có lý do khi có người coi Lão Tử là "ông tổ triết học của dòng họ Bách Việt". Vậy tại sao TQ lại không mở Học viện Lão Tử xứng tầm với “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình”, mà lại mở Khổng tử gây ra nhiều tranh cãi.

Chúng ta cần phải tìm hiểu thêm tác động của Nho giáo trên nhiều mặt của xã hội như thế nào?

Nhận định về Nho Giáo

Đứng từ góc độ hôm nay, nhìn về Nho giáo, phân tích một số quan điểm của ông để thấy nó đã ảnh hưởng đến tinh thần xã hội lúc đó và hệ tư duy hiện tại như thế nào, để thấy rằng Nho giao có lợi hay hại cho VN?

Theo như tìm hiểu ở trên, nhìn chung Khổng Tử giải quyết tác động các mối quan hệ xã hội dựa trên 2 phạm trù:

1/ Về con người dựa trên đạo đức phân chia 2 mặt của đạo đức thành 2 đối tượng: quân tử và tiểu nhân.

2/ Về xã hội dựa trên thứ bậc, vị trí xã hội: phân chia thành nhiều bậc khác nhau, tuy nhiên sẽ hình thành 2 thành phần chính: vua- quan và thần dân.

Cấu trúc luận của Khổng Tử cũng dễ nhìn thấy là: Con người vẫn là bản thể chính của vũ trụ, con người phải gắn với gia đình và xã hội, do đó gia đình là tế bào chính của xã hội, và một khi con người được rèn luyện, tu thân thành những người hoàn chỉnh (quân tử) thì sẽ tạo ra gia đình hòa thuận. Từ đó theo cấu trúc thứ bậc, từng con người, từng gia đình, từng vị trí nếu biết chấp nhận thứ bậc chính danh của mình, và chấp nhận thứ bậc cao hơn, hoặc rèn luyện để vươn lên bậc cao hơn, theo quy luật dưới lên, tất cả cùng phụng sự cho thứ bậc cao nhất, đó là nhà vua, và ngược lại nhà vua cũng dùng đạo đức để cai trị xuống, thì xã hội sẽ hài hòa và thịnh trị. Cả xã hội thanh bình trong đạo đức, đó là điều Khổng Tử mơ ước. "Vua phải ra vua và tôi phải ra tôi".

Theo tôi, triết lý của Khổng Tử mang nhiều ảo tưởng cả 2 mặt đạo đức và xã hội. Tại sao?

A- Về đạo đức

Khi xét con người trên 2 phương diện đối lập của đạo đức là quân tử và tiểu nhân, Khổng Tử đã đơn giản hóa đa diện tế bào của xã hội thành 2 thành phần đối lập nhau không có điểm chung.

Người quân tử thì chú trọng vào nghĩa, kẻ tiểu nhân chú trọng vào lợi. Tiểu nhân chỉ lo trau chuốt bề ngoài, trọng hư danh, lời lẽ xảo trá. Sở dĩ như vậy vì họ mong dối gạt người. Họ sợ người khác phê phán nên phải tạo cái vỏ bọc đó để che đậy lòng dạ xấu xa. Còn quân tử hiểu giá trị của mình (dù ai không biết, không hiểu mình cũng không sao) nên tự trông cậy vào chính mình. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung... (Luận ngữ)

Làm sao để chúng ta phân biệt rõ ràng rạch ròi con người như vậy? Chắc chắn những công thức này là một giá trị tương đối và rất tương đối. Một người vừa là quân tử, vừa là tiểu nhân tùy theo thời điểm, tùy theo sự việc. Một người vừa là tiểu nhân hôm nay, nhưng qua quá trình tiếp xúc, giáo dục đã trở thành quân tử hôm sau. Một người vừa là quân tử nhưng lại là tiểu nhân so với suy nghĩ và hành động của một quân tử khác. Một người ngoài ánh sáng họ là quân tử, nhưng trong bóng tối họ là tiểu nhân. Một người thích ăn ngon, mặc đẹp nhưng tư tưởng không dối gạt người, vậy họ là quân tử hay tiểu nhân? Một người, là cha trong gia đình, là quân tử dưới mắt mấy đứa con, dưới mắt vợ, hàng xóm, vừa làm quan trong triều đình, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vậy họ là quân tử hay tiểu nhân? Đó là xét trong xã hội ngày xưa còn đơn giản hóa vài thành phần, nếu xét trên xã hội ngày nay, một người vừa là thương gia đang kiếm từng đồng tiền lời trên thương trường, vừa là cha, vừa chia tay vợ, vừa ăn mặc đẹp nơi hội nghị, vừa xề xòa đôi dép xẹp đi siêu thị, vừa là giảng viên thính giảng nơi trung tâm, vừa hẹn họ với 2 bạn gái mới trên facebook nói xạo mình mới 25 tuổi, vừa đáp chuyến máy bay đi làm từ thiện bên Châu Phi, vừa gây gổ với anh hải quan sân bay đang gây khó dễ, vậy họ là quân tử hay tiểu nhân?

Như vậy không thể lấy phạm trù đạo đức, quân tử hay tiểu nhân làm tiêu chuẩn xây dựng xã hội được. Anh đang xây dựng trên một nền tảng quá sức tương đối, không rõ ràng, mong manh. Biết rằng một con người quân tử chắc chắn sẽ không xây dựng được xã hội tốt đẹp, nhưng anh cũng sẽ không thể xây dựng được 1000 con người quân tử khác, bởi vì làm sao để anh xác định được họ là quân tử, bao nhiêu người quân tử giả trong đó? Hơn nữa đâu phải cứ quân tử là phù hợp với nhau trong khi một hành động biết bao là biến thiên của quan điểm! Từ đó ta thấy rằng học thuyết của Khổng Tử vẫn ảo tưởng khi lấy tính năng con người đạo đức để xây dựng xã hội thịnh trị.

Song, trên ý tưởng đó Khổng Tử đã giúp ổn định xã hội, tạo ra 1 lớp người sống có đạo đức, ham học, trọng nhân cách, tạo ra một quy trình giáo dục xã hội tuyệt vời, giúp điều chỉnh hành vi giá trị con người, giúp con người sống có nhân sinh quan tốt đẹp hơn, giúp đạo làm người phát triển, giúp con người có tính người hơn cho nên nó dễ biến thành tôn giáo, một ước mơ, hoài bão mà con người mong đạt được. Do vậy, Nho học đã trở thành Nho giáo.

Phải chăng điều này có thể lý giải tính cách con người phương Đông và cấu trúc xã hội Phong kiến. Phải chăng từ ý tưởng quân tử, tiểu nhân, con người Đông á luôn muốn làm quân tử, trốn tránh tiểu nhân, ai ai cũng phấn đấu thành quân tử, hoặc cảm thấy đạt được giá trị quân tử thì ra vẻ dạy đời, hống hách kiêu căng tự phụ, hoặc ngụy quân tử thì cũng làm ra vẻ ta đây nhưng đầy lươn lẹo xảo quyệt bên trong. Ngoài ánh sáng thì nói chuyên đạo đức thánh hiền, nhưng trong thâm tâm thì đục khoét, tư lợi, hại dân hại nước, phải chăng là đặc điểm của thành phần lãnh đạo TQ và VN. Người phương Đông mưu mô, thâm trầm hơn Phương Tây, thiếu hoạt bát, thiếu năng động, thiếu thực tế và giáo điều hơn phương Tây, phải chăng ảnh hưởng từ những quy định rập khuông về đạo đức của Khổng tử.

B- Về thứ bậc xã hội

Tam Cương quy định mối quan hệ vua - tôi: Vua là tối thượng, mệnh trời, 'quân xử thần tử, thần bất tử bất trung' (vua xử bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung) 'phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu' (cha xử con chết, con không chết là không có hiếu). Một tư tưởng nô dịch hóa con người, phù hợp với giai đoạn đó vì xem vua là Thiên tử, Mệnh trời đã định, cho nên không có con đường nào thay đổi. Theo logic như vậy, con người tuân thủ theo thứ bậc từ dưới lên, làm cho con người cam phận, cam chịu, chấp nhận mặc định thân phận cuộc sống của mình, triệt tiêu mọi ý tưởng phản kháng.

Văn minh phương Đông cho đến đầu thế kỷ 19 vẫn là văn minh nông nghiệp. Từ lưu vực các con sông lớn, tạo ra những đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của phương Đông, từ điều kiện địa lý và tự nhiên thuận lợi, các nhà nước, các nền văn hóa, các làng xã, hình thành, như “văn minh sông Hồng”, “văn minh sông Mã”, “văn minh sông Ấn - sông Hằng, Hoàng hà Dương tử...”, Đây là đặc điểm địa chính trị đặc biệt của văn hóa phương Đông.

Nho giáo ra đời trước Công Nguyên, trong điều kiện như vậy, khi con người chưa biết quả đất tròn hay vuông, khi cuộc sống còn dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm, khi con người còn lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, không dám đối nghịch với thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên, xem thiên nhiên là ý Trời, sùng bái thiên nhiên, tồn tại nhiều loại tín ngưỡng, tin vào thần linh, siêu nhiên, huyền bí, và tinh thần xã hội cũng tùy thuộc vào đó, mềm mỏng, nhẹ nhàng, nặng tình cảm, nhờ cậy nhau trong tính cộng đồng để tồn tại. Lối sống trọng tình cảm ấy, tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, hiền lành, thích an nhàn, hiếu hòa. Kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất, cùng với thiên nhiên, lũ lụt, hạn hán, đê điều, bão táp, mùa vụ, dần dần biến con người nông nghiệp quen thói chịu đựng, chịu cực chịu khổ, và chấp nhận sống “chung với lũ” như một lẽ đương nhiên.

Điều này lý giải tại sao nhiều triết lý ra đời giai đoạn “Bách gia chu tử”, nhưng chỉ có Khổng giáo, Đạo giáo và sau này kết hợp với Phật giáo du nhập từ Ấn độ qua là lưu truyền suốt quá trình lịch sử Đông Á. Pháp gia (lấy luật pháp làm nền tảng) chỉ tồn tại trong giai đoạn Tần Thủy Hoàng suốt 12 năm. Khổng giáo phù hợp với địa chính trị, tôn trọng tự nhiên, xem vua là Thiên tử, ý trời, tin vào số mệnh, lấy đạo đức làm trọng tâm, cho nên bén rễ phát sinh rất nhanh qua các triều đại vua chúa sau này. (Phật giáo chủ trương giải thoát, nên yếu về tính xã hội.)

Với cách giải quyết xã hội theo thứ bậc, lớp trên và lớp dưới, điều này phù hợp, mang lại hài hòa, ổn định để khai phá, ổn định để phát triển. Kinh nghiệm tích lũy là sức mạnh của kiến thức, khoa học kỹ thuật chưa cần lắm, các nho gia chú ý nhiều đến thơ ca, văn chương thi phú, luân lý. Thật là một cuộc sống ấm áp thanh bình.! Giá trị nặng về cảm tính, không dứt khoát đúng sai như KHKT, nên hệ thống thứ bậc trong Nho giáo không tạo ra xung đột trầm trọng trong nhận thức, tư duy, đời sống tinh thần con người, do đó người già, trưởng lão, nho sĩ, văn học cổ điển, giáo điều, được đánh giá cao trong xã hội.

Xã hội tồn tại theo thứ bậc trên dưới, nhiều khía cạnh của xã hội mang quy luật tự nhiên như vợ chồng, con cái, hàng xóm láng giềng, Khổng Tử đã biến nó thành những quy luật tuyệt đối: Tam cương, tam tòng tứ đức, cho nên nó đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất công xã hội, Khổng Tử kêu gọi con người yêu thương nhau trong tình người, giúp đỡ lẫn nhau, ham học hỏi để trở thành người quân tử, thánh hiền, nhưng trong cấu trúc xã hội đạo đức lại mang nghĩa phục tùng, chấp nhận, không mang nghĩa tri thức, dù cha nói sai vẫn là cha, dù vua sa đọa không nghiêm minh vẫn là vua, vợ phải thủ tiết thờ chồng, dù chồng có làm gì đi chăng nữa vẫn là chồng. Đạo đức của con người luôn gắn kết với xã hội, đó là đạo đức nghĩa vụ và trách nhiệm. Một con người quân tử có nhân lễ, có trí để nhận biết đúng sai, biết cách sử sự đúng mực, biết vũ trụ vạn vật, nhưng ngược lại phải chấp nhận là kẻ nô bộc cho nhà vua mới 9 tuổi, chấp nhận dâng hiến con gái mình cho quan lại tham lam hống hách... Một người cha trong gia đình phải thương yêu vợ con, vợ phải phục tùng, hầu hạ chồng, con phải nghe lời cha mẹ, nhưng người cha cũng phải nghe lời ông nội bà ngoại, hiếu thảo với bên vợ, bên cậu bên bác, cha cũng phải nghe lời anh rể, nghe lời bác trưởng lão hàng xóm, phải phục tùng chính quyền tuyệt đối, phải quỳ dưới cấp của trưởng thôn, trưởng xã, còn phải sẵn sàng tuân theo chiếu chỉ. Kết quả là con người trở thành nô lệ cho chính vị trí xã hội của mình, phải thụ động trung hòa để cân bằng các mối quan hệ chằng chịt trên và không biết bao nhiêu bất công mâu thuẫn xảy ra trong mối quan hệ phức tạp này.

Hệ thống thứ bậc cứng nhắt có thể tạo ra nhiều bất công xã hội, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra một hệ thống cầm quyền trung thành với nhà Vua, sống ở tầng lớp trên của xã hội, sở hữu nhiều ruộng đất, nhà cửa, hưởng nhiều bổng lộc của chính quyền, và hình thành nên chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế vững mạnh.

Gia đình tạo ra gia trưởng, chính quyền tạo ra cường hào ác bá, nhưng những mâu thuẫn này nằm trong phạm trù bản chất chịu đựng được của người dân sống trong nền văn minh nông nghiệp, 'sống chung với bạo quyền', hơn nữa, giáo dục của Nho giáo đề cao ý nghĩa sự phục tùng, đã thụ động hóa, đã nô lệ hóa con người, cho nên nó cũng dễ dàng được giải quyết bởi hệ thống quân chủ chuyên chế tập quyền vững mạnh ở trên. Dù xã hội có mâu thuẫn vẫn ổn định... Triết lý Khổng tử phục vụ cho chính quyền, đã bị chính quyền lợi dung, không phải mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Điều này giải thích tại sao các chế độ Phong kiến phương Đông trên 2000 năm, nhiều bất công, kinh tế nông nghiệp lại hình thành trước và kéo dài hơn Phong kiến Tây phương, đến tận thế kỷ thứ 19.

Ngược lại, tuy cách phân chia này tạo được cơ chế ổn định xã hội ở tầng lớp dưới, nhưng không có cơ chế giải quyết xã hội ở tầng lớp trên và thêm nữa không có cơ chế phát triển xã hội. Vì sao?

Khi lớp dưới bất ổn thì lớp trên giải quyết, cứ như vậy tăng dần lên, xã hội ổn định, nhưng thử hỏi khi quân tử bất ổn thì xã hội giải quyết ra sao? Không thể nói rằng quân tử không có bất ổn? Đó là ảo tưởng! Cơ chế nào để giải quyết mối bất ổn ở tầng lớp Quan- Quân- Quan lại cao cấp nhất? Chính điều này đã tạo ra những mâu thuẫn chính trị nguy hiểm, ngấm ngầm nhất, tạo ra những thâm cung bí sử mà chúng ta đã nghe rất nhiều ở xã hội Phong kiến. Đệ giết huynh, huynh giết đệ, hoạn quan giết tể tướng, thê thiếp giết hoàng hậu, dòng họ họ Lưu giết gia đình dòng họ Lữ, tranh giành quyền lực bên trong hoàng tộc, tru di tam tộc, v.v... để soán đoạt ngôi vua giành quyền cai trị, tranh giành con cái, tranh giành đất đai, tranh giành địa vị. Không có cơ chế giải quyết ở cấp cao nhất đó là đặc điểm các học thuyết chính tri phương Đông. Cuối cùng vấn đề phụ thuộc nhà vua, Thiên tử trị vì anh minh cao nhất. Nếu nhà vua minh chính, có thể gọi là ổn định tạm thời đám quan thần đang bất ổn bên dưới, ngược lại luôn âm ỉ một sự bất an, hổn loạn..

Phải chăng điều này có thể lý giải tính cách con người phương Đông và cấu trúc xã hội Phong kiến, tranh giành quyền lực liên miên, đấu đá nội bộ, thủ tiêu đối thủ, bên mạnh tàn sát bên yếu chứ không rộng lượng tha thứ hay thỏa thuận chia sẻ lợi hại như phương Tây. Chính quyền là của giai cấp thống trị chứ không phải của dân. Cờ tay ai nấy phất. Đề cao quan hệ họ hàng bà con huyết thống, mối quan hệ bà con chằng chịt, lấy vợ là lấy cả dòng họ...

Tóm lại, Nho giáo phù hợp với 3 điều kiện của xã hội Phong kiến, cho nên nó dễ dàng trở thành hệ tư tưởng chính trị chính để cai trị:

1/ Điều kiện địa lý tự nhiên, nền kinh tế sản xuất nông nghiệp.

2/ Người dân chuộng an bình, sống cộng đồng, nương tựa nhau để vượt qua thiên tai, hạn hán mất mùa, chuộng đạo đức hơn luật pháp.

3/ Vua được chấp nhận Thiên tử mặc định, tuy con người trở thành nô lệ cho xã hội, có nhiều bất công, nhưng hình thành một tầng lớp quan lại phục tùng tuyệt đối, tạo ra một nền quân chủ tập quyền chuyên chế vững mạnh.

Chủ nghĩa CSVN hiện tại không khác gì chủ nghĩa Phong kiến ngày xưa. Chính quyền là của giai cấp cai trị, người dân là bị trị. Đảng viên là quý tộc, quần chúng là tiểu nhân. Học thuyết Marx- Lenin cũng không có cơ chế giải quyết mâu thuẫn nội bộ ở cấp vĩ mô. Giai cấp vô sản sẽ lật đổ giai cấp tư sản hình thành nên xã hội CS không còn giai cấp, nhưng ông cũng không lý giải được cơ chế nào để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh giữa vô sản với vô sản, sau khi giai cấp vô sản thành công hoặc khi xã hội không còn giai cấp. Nếu nói rằng không còn giai cấp xã hội sẽ không còn mâu thuẫn, đó là ảo tưởng giống như Nho giáo giữa các quân tử không có mâu thuẫn.

Như vậy dân chủ tập trung phải chăng là cơ chế vô chính phủ, đấu đá nội bộ, tranh chức tranh quyền, thủ đoạn, lợi ích phe nhóm, đục khoét quốc gia, chém giết lẫn nhau. Bởi vì không có cơ chế giải quyết thượng tần. Tình hình xã hội chính quyền VN và TQ phản ảnh đúng hiện trạng đó.

Kết luận

Qua những phân tích ở trên, tôi đặt lại câu hỏi. Vậy tại sao TQ cho phát triển các HVKT?

1/ Phải chăng mục đích phát triển, giao lưu văn hóa? Đương nhiên hình thức sẽ là vậy, một sức mạnh mềm, nhưng tại sao không lấy tên là Trung tâm văn hóa Trung hoa, như Trung tâm văn hóa Nhật, Pháp, hoặc Viện Trang Tử, v.v... Dễ dàng nhìn thấy rằng, từ “Khổng Tử” là mục đích chính, để gợi lên tư tưởng của Khổng tử.

2/ Đương nhiên TQ biết rằng thế giới ngày nay không còn là nền văn minh nông nghiệp để phục hồi lại chế độ Phong kiến hay phục hồi lại toàn bộ Khổng giáo như ngày xưa, “quân tử hay tiểu nhân”, vậy cái TQ cần chỉ còn lại là phục hồi tính thứ bậc trong triết lý nho giáo, vua-tôi, cha con, vợ chồng.

3/ Một nền quân chủ tập quyền chuyên chế, hay dân chủ tập trung không khác nhau, TQ đã có rồi, TQ đang cần tìm kiếm sự phục tùng từ dân chúng, sự phục tùng chính danh.

TQ cường quốc đang “trỗi dậy hòa bình” không dại gì để nổ ra cuộc chiến tranh giữa 2 cường quốc đang lên và hiện hữu, như lịch sử đã từng xảy ra, vì vậy TQ muốn thực hiện chiến lược vương triều và chư hầu như ngày xưa, trong đó TQ là bá chủ thiên hạ khu vực Châu Á, để tránh các xung đột trực diện với Mỹ trên chính trường quốc tế. Gần đây TQ kêu gọi Châu Á là của người Châu Á, mở lại con đường tơ lụa hướng về phía Tây, và con đường tơ lụa trên biển hướng về phía Nam, mở ngân hàng đầu tư phát triển Á- Âu là một trong những mục đích bành trướng địa chính trị đó của Bắc Kinh.

Vì vậy HVKT là một trong những chiêu thức trao đổi văn hóa trong toàn bộ chiến lược vương triều này. Đầu độc lớp trẻ các nước lận cận dần dần bằng tư tưởng thụ động, phục tùng chấp nhận thông qua vẻ đẹp của nhân lễ nghĩa trí tín. Nếu người dân chấp nhận phục tùng chính quyền sở tại, thì TQ cũng dễ dàng bóp chết chính quyền quốc gia của nước đó. Nếu người dân xem Khổng Tử là thánh nhân, thì họ cũng xem TQ là đại Hán. Không phải không có Khổng Tử thì không có nhân lễ nghĩa trí tín, vậy chắc châu Âu, châu Mỹ hư hỏng hết, trong khi nền giáo dục Mỹ, Anh quốc được xếp số 1 thế giới. Tác động của nó không phải là 1 hay 2 năm mà 5-10 năm sau sẽ thấy rõ. Nếu so sánh giữa film hành động Mỹ, fast food, cowboy... thì HVKT đúng là chính trị mị dân.

Tam cương: “vua xử thần tử, thần bất tử bất trung”, là sức mạnh vô địch của Khổng Tử, cũng là ước mơ của các chế độ độc tài, vừa là châu báu của chế độ dân chủ tập trung đầy xảo trá.

Sài Gòn, 8/1/2015




No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts