Đại Học chăn Trâu




Saturday, 30 May 2015

Tướng công an và “quyền im lặng”


Tướng công an và “quyền im lặng”

Quang Chung
Thứ Tư,  27/5/2015, 21:11 (GMT+7)
Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè
Một bài viết về "quyền im lặng" trên báo Tuổi Trẻ TPHCM (ảnh minh họa)
(TBKTSG Online) - Là đại biểu Quốc hội nhưng vì sao các tướng công an lại không muốn đưa quy định về “quyền im lặng”, một quyền rất cần thiết cho người dân, vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)?
Chiều nay, 27-5-2015, Quốc hội họp nhóm tại các tổ để thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Một trong những vấn đề được các đại hiểu Quốc hội quan tâm, thảo luận đó là “quyền im lặng”  - người bị bắt, trước khi thẩm phải được cho biết rằng người ấy có quyền giữ im lặng, và bất cứ điều gì người ấy nói sẽ được dùng để chống lại người ấy ở tòa án.
Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu đương là tướng công an cho thấy họ không muốn đưa quy định về “quyền im lặng” vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TPHCM, cho rằng lời khai vẫn là một chứng cứ, quy định bị can, bị cáo không khai (được quyền im lặng) “là máy móc, bắt chước nước ngoài”.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, nói: “Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không chúng ta sẽ bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”.
Theo ông Hiếu dự luật quy định, “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” là “chưa chuẩn lắm”. Vì, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội sẽ làm khó cho hoạt động điều tra.
Giám đốc Công an Thanh Hóa, Thiếu tướng Trịnh Xuyên cho rằng, người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến và hành vi của mình, có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng phải có trách nhiệm nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.
“Nêu ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được. Trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta hiện nay thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật”, tướng Xuyên nói.
Dù vậy, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hiện nay rất nhiều nước coi “quyền im lặng” là một quyền cơ bản của con người. Vì “quyền im lặng” được sử dụng sẽ không còn ai phải tố giác bản thân mình (bảo vệ nhân phẩm con người), cũng như không còn chuyện ép cung…  Do đó, ông Nghĩa đề nghị đưa “quyền im lặng” vào luật, nêu không đưa vào là “hạ thấp quyền người dân Việt Nam xuống”.
Thực ra, “quyền im lặng” nếu được sử dụng sẽ giúp người dân có được một vị thế công bằng với cơ quan điều tra. Vì một điều ai cũng phải thừa nhận là việc chứng minh hành vi phạm tội là nhiệm vụ của cơ quan điều tra chứ không thể là nhiệm vụ của người phạm tội.
Điều đó cho thấy việc các tướng công an không muốn có quy định về “quyền im lặng” trong luật có lẽ họ sợ công việc của cơ quan điều tra (công an) sẽ phải làm nhiều hơn, cực hơn, khó khăn hơn… cho dù nếu có “quyền im lặng” quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo hơn, án oan sai sẽ ít hơn.
Nhưng thiết nghĩ, các vị tướng công an cũng nên nhìn lại: họ là đại biểu Quốc hội, vậy họ đại diện cho ai, cho cử tri, đa số người dân hay cho ngành công an?

Tôi ủng hộ quyền im lặng

Hoàng Xuân Chủ Nhật,  12/10/2014, 12:17 (GMT+7) Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè
Ảnh minh họa: báo Tuổi Trẻ TPHCM
(TBKTSG Online) - Tôi ủng hộ quyền im lặng của nghi can khi họ bị bắt cho đến khi có mặt luật sư bào chữa cho họ.
Không chỉ vì ở Việt Nam hiện nay hầu hết người dân vẫn rất e ngại khi đụng đến pháp luật. Do thiếu hiểu biết, do hệ thống pháp luật quá rắc rối và do thực tế thi hành pháp luật ở nước ta cũng đa đoan không kém cho nên "đáo tụng đình" lẽ ra là giải pháp nên được sử dụng nhất khi có tranh chấp thì ngược lại, nhiều người coi đó là việc bất đắc dĩ, chỉ nhắc tới khi đã cùng đường. Lý do khác tôi muốn đề cập là từ phía những cán bộ điều tra. Theo tôi, việc cho nghi can được quyền im lặng cho đến khi có luật sư cũng sẽ giúp ích cho bên điều tra, đồng thời trả lại sự công bằng trong nhìn nhận hoạt động nghề nghiệp của họ.
Thật đau lòng khi ngày càng thường xuyên xuất hiện những lời châm chọc hài hước kiểu "bị can sơ ý chết trong đồn công an". Tôi có nhiều năm làm việc trong tờ báo chuyên về pháp luật, nó giúp tôi quan sát từ nhiều góc độ và các mối quan hệ cá nhân đa dạng với nhiều người làm việc trong ngành. Từ góc độ người dân, tôi phẫn nộ khi đọc các tin tức về nhục hình bị can. Từ nhiệm vụ người làm báo, cùng với những nhà chuyên môn, chúng tôi cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất những giải pháp khả thi nhất có thể để hạn chế và chấm dứt nó. Nhưng tôi cũng có những người bạn thân đang làm công an, và tôi đau đớn cùng bạn mình khi các anh bị hung thủ đâm bằng đủ thứ hung khí, bị chích kim tiêm có máu nhiễm HIV, bị cười cợt thách thức và thất bại sau hàng tháng trời đeo bám thủ phạm.
Một trong số họ đã qua đời từ khá lâu. Khi chúng tôi đến thăm, anh đã bị HIV đến giai đoạn nào tôi không biết, nhưng có lẽ là gần cuối. Da anh sạm lại, chỗ đen chỗ xám, toàn thân nổi đầy những nốt sần ri rỉ máu và mủ, thoảng mùi tanh. Ruồi nhặng vo ve xung quanh bất cứ chỗ nào anh ngồi. Anh là cảnh sát hình sự. Bị một tên cướp trong công viên đâm kim tiêm có máu vào người. Từng bị ba bốn lần nhưng đều xét nghiệm âm tính. Lần này thì...
Vợ anh đạp xe ra đón chúng tôi từ đầu hẻm. Nhỏ nhắn, cân đối, linh hoạt và rạng rỡ, đôi mắt sáng và miệng cười đầy đặn phúc hậu, chị khiến tôi mến ngay từ khi mới gặp. Ngôi nhà anh chị đang ở do cha mẹ anh để lại, ngày xưa cao rộng, giờ càng trống huơ trống hoác, vật trang trí chỉ là mấy tấm hình cưới phóng lớn, hình một nhóc tì con trai kháu khỉnh và vài bức liễn gỗ quý nhắc nhở đã từng có thời vàng son. "Thằng nhỏ đâu?" - tôi hỏi. Chị vẫn cười: "Nội đón về nuôi rồi. Cuối tuần mới dắt về đây chơi chút đỡ nhớ". Trời ơi, hóa ra chị cũng đã đặt một chân bên kia cửa tử, chị cũng đã lây từ anh khi cơn bệnh đang còn ngấm ngầm. Ơn trời phật, cháu bé mới bốn tuổi vẫn khỏe mạnh.
Khoảng năm tháng sau, chúng tôi choáng váng nhận được tin chị qua đời. Không tin được vì chị trông còn khỏe mạnh hơn anh. Lý do: chị không phải chiến sĩ trong ngành nên không được cấp thuốc đặc trị. Sau khi báo chí lên tiếng một thời gian, việc này mới được thay đổi. Nhưng không còn kịp nữa.
Anh còn sống sau chị ít lâu rồi cũng ra đi. Vừa ba mươi mấy tuổi. Trẻ, tử tế và hiền lành.
Ngay khi viết những dòng này, lòng tôi lại quặn lại. Tôi nhớ hồi ấy bên hông ngôi nhà của họ trồng mấy chậu hoa, những bông nho nhỏ màu đỏ thắm lắt lay trong gió rất đẹp. Tôi xin chị hạt giống về trồng trong hành lang nhà mình, nhưng hoa chưa tàn mà cả hai người họ đều đã mất. Đó là một nỗi đau tôi chưa bao giờ nguôi được.
Tôi nghĩ thành thật rằng không có ai chỉ trong một lúc biến thành kẻ ác. Những con quái vật ham thích đánh đập đồng loại chắc cũng có, nhưng cũng như bất cứ cái gì cực đoan, chúng rất ít. Người công an lại có khá nhiều ràng buộc về kỷ luật ngành, vậy tại sao có thể diễn ra những trò nhục hình khiến người ta kinh sợ?
Tôi nghĩ vì công an trước hết cũng là người, họ cũng có những phẫn hận, những căm tức và cả sự bất lực trong công việc. Trong một môi trường thường xuyên bị áp lực cao độ, nếu không được kiểm soát tốt, nó dễ bùng lên thành những phản ứng quá khích và sai đường.
Việc có mặt luật sư của nghi can ngay từ đầu quá trình bắt giữ điều tra, do vậy, là đối trọng cần thiết để tái lập môi trường cân bằng về tâm lý cho cả hai bên: điều tra viên và nghi phạm, đồng thời là sự cảnh cáo thường trực với những hành vi lạm quyền. Muốn vậy, những thủ tục rắc rối hiện tại phải được giải tỏa.
Tương tự, quyền của nghi can được im lặng cho đến khi có luật sư của mình sẽ khiến điều tra viên buộc phải vận dụng trí tuệ và các biện pháp hợp pháp để phá án chứ không phải là dùi cui và quyền lực. Đó là một thứ quyền giản dị, nhưng là quyền của con người.

 

Việt Nam: Quyền nói và quyền im

Nguyễn HùngBBC Tiếng Việt
·         29 tháng 5 2015
Ông Nhất nói ông muốn dấn thân để kêu gọi những người khác 'hãy lên tiếng'
Tuần này trong khi các tướng công an Việt Nam lên báo vì muốn tước quyền im lặng của bị can thì nhân vật có thể coi là 'tướng blogger', ông Trương Duy Nhất, mãn hạn tù.
Lý do ông Nhất bị tù hai năm một phần cũng lại vì ông không chịu im lặng như rất nhiều người khác.
Trả lời phỏng vấn Hồng Nga của BBC một ngày sau khi được tự do, bloggerTrương Duy Nhất nói:
"Có một điều tra viên trực tiếp lấy cung tôi, họ có làm công tác tư tưởng... Họ bảo 'Nói thật, theo cách anh viết, theo cách anh nói thì ai cũng biết cả.
"Nhưng mà nói làm gì anh, anh thấy có được gì không?'
"Tôi chỉ mặt ngay, tôi bảo: 'Ai cũng biết mà không dám nói, tôi mà là bộ trưởng công an tôi sa thải anh ngay."
Ông Nhất cũng nói các quan chức cao cấp nhất mà ông quen biết cũng đã im lặng vì quyền lợi của họ và bỏ mặc ông chịu cảnh tù đày.
Blogger vừa được tự do cho rằng nếu họ nói có thể bản án của ông sẽ không khác đi nhưng nó sẽ góp phần thúc đẩy "tự do dân chủ" và "văn minh" ở Việt Nam.

Quyền im...

Quyền im lặng và quyền được nói có lẽ là hai quyền quan trọng nhất của con người nói chung.
Nhiều chính quyền muốn giới hạn quyền nói khi người dân đang tự do trong khi lại muốn tước đi quyền im lặng khi họ bị xiềng xích.
Chính tại Anh, quê hương của cả quyền im lặng và quyền tự do ngôn luận, chính phủ của Đảng Bảo thủ đang muốn bỏ Luật Nhân quyền nhưng có vẻ sẽ khó được Nghị viện ủng hộ.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại phiên khai mạc Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 ở Hà Nội hồi tháng 10/2011Ông Trần Đại Quang nói Bộ Công an xử lý hơn một triệu bị can trong giai đoạn 2004-2015
Trong bài viết hôm 29/5, luật sư Thái Bảo Anh nói quyền im lặng quan trọng vì các bị can ở vào thế một mình phải đối phó với cả một cơ quan điều tra với "nhân lực, phương tiện, các thông tin được thu thập, kiến thức chuyên môn, thậm chí là cả khả năng sử dụng bạo lực".
Luật sư này cũng đưa ra ví dụ về chuyện "trích dẫn một câu nói không đầy đủ, tách rời hoàn toàn khỏi ngữ cảnh nói có thể khiến câu bị trích có nghĩa ngược hoàn toàn với nguyên bản" và nói thêm:
"Cách thức này đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống từ chính trị, ngoại giao, báo chí, đến mạng xã hội chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi điều tra hình sự."
"...Trong tất cả các cách để bảo vệ mình, im lặng tới khi có sự tham gia của luật sư là cách thức bảo vệ đơn giản nhất và có thể áp dụng cho mọi người, mọi tầng lớp dân trí, ở mọi nơi, với mọi cơ sở hạ tầng đang có.
"Do đó, theo quan điểm của tôi, càng ở các nước điều kiện hạ tầng và dân trí còn nhiều bất cập như Việt Nam thì quyền im lặng lại càng cần thiết vì nó là công cụ bảo vệ dễ được áp dụng nhất cho mọi người.
"Và thực tế đã chứng minh là quyền này được các quốc gia khác bắt đầu áp dụng từ thế kỷ 16 với điều kiện kinh tế và dân trí thấp hơn Việt Nam hiện nay rất nhiều."
Ông Thái Bảo Anh cũng nói thêm về khả năng quyền im lặng có thể bảo vệ người vô tội:

"Chúng ta biết rằng một người phạm tội thì chỉ có một, nhưng những người bị tình nghi và điều tra sẽ rất nhiều. Sau khi điều tra hết những nghi can đó, chúng ta có 50% khả năng tìm ra một ai đó chịu trách nhiệm.
"Nhưng không có gì là chắc chắn rằng người chịu trách nhiệm đúng là người thực sự đã gây tội ác. Như vậy, số người vô tội cần được bảo vệ trong một vụ điều tra hình sự lớn hơn nhiều so với kẻ phạm tội phải bị bắt."
Trên thực tế Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời nói hôm 27/5: "Từ khi có Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 733.339 vụ án hình sự với trên 1,1 triệu bị can."
Báo Việt Nam cũng đã nêu những trường hợp bị buộc phải khai để đưa bản thân vào án chung thân hay tử hình như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn mà tòa án đã phải xin lỗi và vụ ông Hồ Duy Hải vốn khiến Chủ tịch Trương Tấn Sang phải vào cuộc.
Các tướng công an trong khi đó nói quyền im lặng sẽ gây khó khăn cho công việc của họ.
Thượng Tướng Đặng Văn Hiếu được dẫn lời nói: "...[Q]uy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, làm khó khăn cho hoạt động điều tra.
"Tôi đề nghị quy định lại là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội."

...và quyền nói

Trong những vụ án như của ông Nguyễn Thanh Chấn và Hồ Duy Hải, dù họ không có quyền im lặng, quyền được nói của những người tự do đã khiến họ được xem xét một cách công bằng hơn.
Nhìn rộng ra khỏi khuôn khổ của Việt Nam, nhìn chung người ta khó đánh giá hết được tầm quan trọng của quyền im lặng trước bộ máy công quyền muốn buộc tội và quyền nói để phản đối chính bộ máy đó cho tới khi mình trở thành nạn nhân.
Hiến pháp Hoa Kỳ cấm Quốc hội ra luật ngăn cả tự do ngôn luận
Bằng chứng là khi ủy viên bộ chính trị đầy quyền lực một thời của Trung Quốc Bạc Hy Lại bị đưa ra xét xử, hầu như không ai dám lên tiếng đứng về phía nhân vật này cho dù khi đương chức chắc chắn ông có vô số người ủng hộ.
Ở Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác, sửa đổi đầu tiên đối với Hiến pháp của Hoa Kỳ đã quy định:
"Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình."
Trở lại với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên phản đối bản án hai năm mà chính quyền Hà Nội dành cho ông Trương Duy Nhất khi tòa kết án hồi năm 2014.
Họ cũng liên tục đề nghị Việt Nam hủy bỏ các điều luật hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân trong đó có điều 258 về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" mà ông Nhất bị kết tội.

Đối với ông Nhất, ông nói ông quyết định thách thức pháp luật của Việt Nam để gửi ra thông điệp "hãy lên tiếng" cho nhiều người Việt Nam khác.
Không chính phủ nào thích bị thách thức nhưng cũng không chính phủ nào chịu thay đổi nếu không bị thách thức.
Giữa tuần này tôi đi ngang qua một cuộc biểu tình của hàng trăm người tại quảng trường chính ở London nhằm phản đối các cắt giảm chi tiêu ngân sách của Đảng Bảo thủ.
Một trong những người biểu tình mang theo biểu ngữ có câu trích dẫn của Mahatma Gandhi đại ý nói mỗi người dân có nghĩa vụ đạo đức phải lên tiếng trước những chính sách bất công.
Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và chuyện bảo vệ quyền của những người biểu tình nói những gì họ muốn nói và tôn trọng quyền im lặng của họ nếu không may họ bị bắt là chuyện mà nhiều nước trông đợi Việt Nam sẽ làm.

 


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts