Đại Học chăn Trâu




Monday, 4 June 2018

THIÊN CHÚA VÀ DÂN ISRAEL

 
Để tiếp theo bài QUỐC GIA ISRAEL MỪNG SINH NHẬT 70 TUỔI, xin kính gửi quí vị bài viết THIÊN CHÚA VÀ DÂN TỘC ISRAEL
NTC

THIÊN CHÚA VÀ DÂN ISRAEL
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

     Sự hiện diện 70 năm trời của quốc gia Do Thái ngày nay ở Trung Đông là một phần của lịch sử tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho dân Do Thái. Nó cũng là một phần của chương trình cứu độ của Thiên Chúa và cuối cùng toàn thể nhân loại cũng sẽ được cứu rỗi.

     Sự hình thành một quốc gia Israel mới và sự tốn tại của nó đã 70 năm nay cho thấy Thiên Chúa và Kinh Thánh là những vấn đề rất đáng tin cậy. Quốc gia Israel này đang là điểm nóng ở Trung Đông mà tất cả thế giới đang nhìn vào. Dân tộc này, nguyên thủy là dân Do Thái với 6.5 triệu người sống tai đây là quê hương họ và nhiều hơn nữa đang sống trên khắp thế giới mà phần lớn là ở Hoa Kỳ. Quốc gia và dân Do Thái là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa để ý đến họ và hiển nhiên là có hồng ân Thiên Chúa ban.

     Bạn có bao giờ thắc mắc là Thiên Chúa đã thực sự săn sóc và quan phòng nhân loại không? Trước những đau khổ và tội ác đang lan tràn trên thế giới, bạn có bao giờ thực sự tin tưởng vào những giảng huấn trong Kinh Thánh về một Thiên Chúa công bằng, đầy lòng khoan dung, nhân ái và quyền lực vô song không?

     Đây là những vấn nạn thành thực của những người thiện tâm muốn tin tưởng vào Kinh Thánh và trông cậy nơi Thiên Chúa. Nhìn thế giới qua lịch sử của nó chúng ta dù có tỉnh táo cũng phải hồ nghi. Có những người đọc Kinh Thánh và thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại làm thế này mà tôi đọc lại thấy khác.

     Chúng ta thử cùng nhau coi xem tình yêu Thiên Chúa ban cho dân Israel như thế nào.

HIỂU BIẾT THẾ GIỚI QUA HẬU TRƯỜNG LỊCH SỬ CỦA ISRAEL

     Chúa Giesu Kito đã nói với dân chúng thời của Người là “phải nhận xét thời đại”(Luke 12:56). Người nói họ có thể nhìn lên trời, thấy mây kéo lên ở phía Tây thì hãy nói “Mưa đến nơi rồi”. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”(c.54-55). Nhưng cùng dân tộc đó lại bối rối không phân biệt rõ ràng Người đó là ai và họ không thể thi hành sứ diệp của Tin Mừng mà Người đã chỉ dạy.

     Còn bạn thì sao?

     Bạn có thể nhận xét thời đại của bạn, của chúng ta liên hệ đến lời tiên tri trong Kinh Thánh không? Bạn có thể nhận xét thế giới ngày nay với tất cả những biến cố đang xẩy ra rất phù hợp với cuộc sống của chúng ta không? Bạn có hiểu tại sao thế giới ngày nay hình như đang vượt ra khỏi vòng kiểm soát và vị thế của nó khiến chúng ta không còn nhận ra được vì những thay đổi luân lý, đạo đức, văn hóa và xã hội?

     Bạn có thể và cần phải hiểu những biến cố đang và sẽ xẩy ra trên thế giới hiện nay. Bởi vì niềm tin của bạn vào Thiên Chúa cũng như sự hiểu biết của bạn về Thiên Chúa tùy thuộc vào những nhận xét của bạn về thời đại này. Coi tin tức thế giới và đọc lịch sử bạn sẽ rõ.

      Quốc gia Israel này ở Trung Đông tuy nhỏ bé nhưng lại đang giữ một vai trò khá quan trọng trên thế giới. Quốc gia non trẻ này nay đã được 70 tuổi và do David Ben-Gurion là thủ lãnh Thông Tấn Do Thái tuyên bố ngày 14-5-1948 tiếp theo nghị quyết của LHQ ngày 29-11-1947 với 181 phiếu chia Palestine thành 2 quốc gia Do Thái và Ả Rập.

     Trong khoảng thời gian 70 năm, Do Thái đã phải chiến đấu, vật lộn với những quốc gia Ả Rập láng giềng qua nhiều trận chiến sinh tử. Sự sống còn của Israel đã liên tục bị đe dọa bởi những toán khủng bố Hồi Giáo là loại kẻ thù rất  tàn ác. Đồng thời LHQ cũng kết án vì chuyện này chuyện nọ bằng những nghị quyết phản đối luật lệ và hành động của Israel. Do Thái sống trong khung cảnh một láng giềng đầy khó khăn và nguy hiểm buộc họ phải luôn luôn cảnh thức tự vệ để sống còn.

     Tuy nhiên, dù 70 năm sống trong môi trường đầy thù nghịch, Israel vẫn phát triển không ngừng trở thành một xã hội huy hoàng và thịnh vượng. Dân tộc Israel có một đời sống rất tích cực, góp phần nâng cao cuộc sống con người trên thế giới về nhiều phương diện như kỹ thuật, y học, giáo dục, khoa học và nhân đạo. Vậy tại sao Israel lại phải chiến đấu chống lại loại kẻ thù lúc nào cũng nguy hiểm? Tại sao họ phải tự vệ trước tòa án quốc tế? Tại sao họ luôn luôn bị chống đối và ghét bỏ?

     Để hiểu rõ cái nghịch lý giữa thù nghịch và ân phúc ở chung quanh dân Israel, chúng ta nên đọc Kinh Thánh để biết câu chuyện một Israel nguyên thủy. Chỉ nhờ Kinh Thánh chúng ta mới thấy được chủ đích của Thiên Chúa đối với dân Israel, với sự hiện hữu của quốc gia Israel, cả trong thế giới cổ đại và thế giới ngày nay.

GIAO ƯỚC TÌNH THƯƠNG GIỮA THIÊN CHÚA VÀ DÂN ISRAEL

     Quốc gia cổ đại của Israel được thành lập do con cháu của 12 người con của ông Jacob, chính ông Jacob và con của ông Isaac. Ông này là con ông Abraham tức tổ phụ của mọi dân tộc có niềm tin đi tìm Thiên Chúa là đấng Tạo Dựng. Ngày nay quốc gia Israel được thành lập với 12 người con là 12 chi họ, trong đó có cả Jacob. Cuộc đời của ông được nói tới trong sách Sáng Thế (Genesis), có liên quan đến tất cả mọi yếu tố của câu chuyên này –phản bội, thù hận, con cái do nhiều vợ chính và nàng hầu, rải rác đây đó, tốt xấu có đủ cả.

     Vì mục đích này, câu chuyện đã kể lại việc ông Jacob đánh vật suốt đêm với một người (chỉ có thể là Thiên Chúa) và người này thì rất quan trọng. Sáng sớm hôm sau Thiên Chúa cho ông một tên mới là Israel, có nghĩa là “kẻ thắng thế Thiên Chúa” hay “hoàng tử của Thiên Chúa”. Tên này được đặt cho một quốc gia được thành lập do 12 người con. Người này (Israel)  đã lập nghiệp sống ở Ai Cập cùng với con cái và gia đình sau khi chạy để tránh nạn đói. Năm tháng trôi qua, con cháu của Abraham, Isaac và Jacob đã ra khỏi Ai Cập thoát cảnh nô lệ dưới sự hướng dẫn của ông Mai Sen (Moses) bằng một cuộc xuất hành (Exodus) vĩ đại.

    Thiên Chúa nhớ lại lời hứa của Người với ông Abraham, lời hứa là con cháu Abraham sẽ là những kẻ xa lạ và nô lệ trong miền đất không phải của họ. Cảnh nô lệ đó kéo dài nhiều thế hệ chi đến khi Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi cảnh tù ngục và mang họ về đất Chúa đã hứa với tổ tiên họ. Miền đất này ngày nay là Israel.

     Khi Thiên Chúa làm giao ước với Abraham, Isaac và Jacob liên quan đến đất đai, thì Người cũng thực hiện lời  hứa với con cháu chắt của họ, con của Israel đang sinh sống và lớn lên ở quốc gia Israel này. Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người với kỳ hạn mà cả hai phía đều đồng ý, chính là trọng điểm của câu chuyện quốc gia Israel ngày nay.

     Đây không phải là chuyện cổ tích ở thời đại hoang sơ. Cũng không phải là chuyện thần thoại do những bộ lạc sơ khai lạc loài đi lang thang đây đó lạc vào miền đất này rồi chế ra câu chuyện anh hùng ca này để hợp thức hóa sự hiện diện của mình. Thiên Chúa đã chọn họ làm dân của Người. Ước mong của Người là cho họ mọi cơ hội để tạo hòa bình và thành công, cho phép họ phát triển và thịnh vượng. Israel đã trở thành một quốc gia mẫu mực cho mọi quốc gia để cùng nhau tranh đua đi theo đường lối của Thiên Chúa, chứng tỏ luật của Người và phán xét của Người có thể mang lại một nền văn hóa đầy ơn phúc, hòa bình và thịnh vượng.

     Chúa đã nói trong sách Đệ Nhị Luật, đoạn 7: “Vì anh em là dân thánh của Chúa,  Thiên Chúa của anh em; Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em là dân của Người, một kho tàng đặc biệt trên hết muôn dân ở trên mặt đất này (c.6). Dân Israel đã có một cơ hội tuyệt vời có Chúa ở trong. Họ được ban cho một phần đất đặc biệt để phụng sự Thiên Chúa với tư cách là con dân đặc biệt của Chúa.

     Cũng nên coi ẩn ý của Thiên Chúa khi Chúa chọn họ: “Chúa đã chọn anh em vì lòng thương mến không phải vì anh em có số đông, mà ngược lại anh em ít người nhất. Chúa chọn anh em vì Chúa thương và  Chúa giữ lời hứa với tổ phụ anh em. Chúa giải thoát  anh em khỏi tay bạo lực, và cứu anh em khỏi cảnh tù đày nô lệ” (C 7-8).

     Thiên Chúa đã yêu mến quốc gia Israel với một tình yêu thiêng liêng. Tình yêu này là trọng điểm của câu chuyện Israel. Thiên Chúa đã hứa với Abraham là gia đình ông sẽ lớn mạnh thành một quốc gia và được di hưởng lời hứa ấy qua nhiều thế hệ, vượt qua hôm nay và đến tận thế giới văn minh. Thiên Chúa đã nói:

     “Anh em phải biết rằng Chúa, Thiên Chúa của anh em, Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa trung thành, đấng giữ giao ước và tình thương đến muôn đời với những ai biết vâng lời Người và giữ các giới luật của Người (c.9).

     Thiên Chúa trung thành, bởi vì Người giữ lời hứa đến muôn ngàn thế hệ. Đây là chìa khóa để hiểu tại sao quốc gia Israel  hiện nay nằm ngay tại chính điểm địa lý của quốc gia Israel cổ xưa. Quốc gia của người Do Thái là tiếp nối của một dân tộc mà Thiên Chúa đã cùng với họ chấp nhận giao ước từ rất lâu về trước.

     Cũng có nhiều giao ước khác liên hệ đến tình liên đới ấy, gồm cả giao ước với Abraham từ trước. Giao ước của Thiên Chúa với dân Israel ở Núi Sinai, trong đó họ đồng ý là dân Thiên Chúa và chấp nhận thời hạn vâng giữ luật Chúa, cũng là giao ước hôn phối mà Thiên Chúa là phu quân (Jeremiah 31:32). Thiên Chúa cũng làm một giao ước khác với dân Israel trước khi họ đi vào đất Canaan, liên quan đến đất đai và dân số, rồi khi không vâng lời Chúa thì bị phá hủy và đuổi đi. Nhưng sau vì ăn năn thống hối thì lại được Chúa cho trở lại (Deuteronomy 29-30).

     Đây là điều chúng ta không thấy trong những sách lịch sử của chúng ta. Nhưng giao ước đặc biệt này và những lời hứa và lời tiên tri Thiên Chúa nói liên quan đến dân Chúa và đất hứa lại chính là trọng tâm để hiểu biết sự quan trọng của quốc gia Israel ngày nay sau 70 năm sống còn với những bất đồng cả bên trong lẫn bên ngoài Jerusalem, thủ đô của Israel.

CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU VÀ NHỮNG SAI LẠC CẦN PHẢI CHỈNH LẠI

     Một đoạn kinh thánh dưới đây cho thấy tình yêu vô bờ của Thiên Chúa và cuộc khổ nạn mà Người đã phải chịu cho dân Israel. Tình yêu này bắt đầu từ cả ngàn năm trước và còn tiếp tục cho đến ngày nay. Câu chuyện tình yêu chúng ta thấy ở đây là giữa Thiên Chúa và một dân tộc đặc biệt cuối cùng đã lan rộng đến tất cả mọi dân tộc trên toàn thế giới. Đây là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa luôn trung thành và giữ tất cả mọi lời Chúa đã hứa với loài người.

     Chuyện kể này thấy trong sách Ezekiel chương 16. Thiên Chúa đã nói trước về Jerusalem qua lời ngôn sứ: “Vào ngày nhà ngươi sinh ra, cái giây rốn của ngươi chẳng ai cắt, ngươi cũng không được ai tắm rửa…,cũng chẳng được quấn trong khăn vải. Chẳng ai đưa mắt thương tình ngươi, nhưng ném ngươi ra ngoài đồng trống….(c. 3-5).

     Hồi xa xưa, Abraham, Isaac và Jacob đã đi lang thang đây đó không có nơi nào là nhà nhất định. Khi vợ Abraham là Sarah chết, ông đã chôn xác vợ trên mảnh đất của người hàng xóm. Jacob mang gia đình đến Ai Cập để kiếm miếng ăn. Con cháu ông phải làm nô lệ, nung bùn đất làm gạch cho vua Pharaoh. Chẳng một ai coi sóc, ngoại trừ Thiên Chúa vẫn ghé mắt canh chừng con cháu của Israel.

     Bấy giờ Thiên Chúa phán: “Khi ta bước qua cạnh ngươi, ta thấy ngươi phải vật lộn khốn khổ bằng mồ hôi nước mắt, ta đã nói với ngươi…”Hãy ráng sống”…Ta đã khích lệ ngươi, săn sóc ngươi như vun trồng cây ngoài đồng; và ngươi đã lớn lên, trưởng thành, trở nên sinh tươi đẹp đẽ” (c.6-7). “Nhưng” sau này Thiên Chúa đã nói, “ngươi bị trần truồng và khốn khổ, mảnh mai yếu đuối vô cùng” (c.7…)

     Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập và mang họ vào miền đất đã hứa với Abraham, Isaac và Jacob. Sau nhiều năm qua đi như một liên bang nhỏ bé với nhiều chi họ, quốc gia non trẻ ấy lớn lên thành một vương quốc hùng mạnh với những quân vương tài hùng là David và Solomon. Vương quốc Israel đã trở nên hùng mạnh trội vượt có thể ngăn chặn sự lấn chiếm và thống trị của Ai Cập, Assyria và Media.

     Thiên Chúa đã biến đổi Israel như sau: “Ta săn sóc ngươi, mặc áo cho ngươi và che
chở ngươi. Ta đã hứa với ngươi ta yêu thương ngươi và ký giao ước hôn phối với ngươi.…Ta khoác lên ngươi áo choàng đẹp đẽ và quí giá, đeo cho ngươi vàng bạc ngọc ngà châu báu, hột soàn…nhẫn quí, khuyên tai đặc biệt…Ngươi trở thành lộng lẫy huy hoàng phi thường…,danh tiếng vang lừng khắp thế giới” (c. 8-14).

     Nhưng những cái đó không được lâu bền. Israel đã không sống với giao ước, không tuân giữ lề luật Thiên Chúa. Họ theo dân ngoại, từ bỏ Thiên Chúa là nguồn mạch thực sự cuối cùng của giàu sang phú quí, của an ninh bền vững giữa mọi quốc gia dân tộc.

     Thiên Chúa gọi hành vi đó là ngoại tình, vô luân, bất trung, bất tín, đĩ điếm đã phá bỏ giao ước hôn nhân.

     Thiên Chúa nhấn mạnh: “Nhưng ngươi bắt đầu tin tưởng vào vẻ đẹp của ngươi. Ngươi dùng nó để phản bội ta. Ngươi hành động như đĩ điếm với bất cứ ai đến với ngươi Ngươi trao thân gửi phận cho họ như điếm giữa đường” (c. 15).

     Thiên Chúa còn nói: chúng lấy tất cả áo quần đẹp đẽ và thức ăn ngon bổ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng -như giàu sang, phú quí, quyền uy- để thờ lạy ngẫu tượng, những thần ngoại nhảm nhí: “Ngươi hành động như một con điếm với các thần giả!”(c. 19).

     Cô dâu bất trung Israel quá đỗi hư hỏng đến độ người ta thì trả tiền cho đĩ để đánh đổi xác thịt, còn ngươi lại cho tình nhân tiền bạc và mọi thứ chúng ưa thích. Ngươi đã hành động ngược đời. (c.31-34).

     Đây là một hình ảnh đi từ đẹp đến xấu từ tốt lành đến ghê tởm, cho thấy Thiên Chúa cảm nghĩ rất thâm thúy về một quốc gia mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên từ số không để thuộc về Chúa. Quốc gia này là mẫu mực cho những quốc gia khác. Câu chuyện nước Israel vẫn chưa kết thúc hoàn toan. Thiên Chúa sẽ để những quốc gia hùng mạnh khác như Assyria và Babylone đánh phá chống lại dân Người để hủy bỏ và quét sạch chúng ra khỏi lãnh thổ!

     Tuy nhiên, dù bất trung, thờ ma quỉ, thờ ngẫu tượng và cuối cùng là xụp đổ hoàn toàn, Thiên Chúa vẫn còn hy vọng vì Người còn thương yêu những ai biết tuân giữ lời hứa.

     Thiên Chúa cũng đã nói với dân Israel: “Ta sẽ nhớ mãi giao ước mà ta đã hứa với ngươi khi ngươi còn non trẻ và ta sẽ làm một giao ước mới muôn đời với ngươi”(c 60). Bấy giờ Israel được tha thứ và thay đổi thái độ: “ Người sẽ phải hổ thẹn vì những tội ác ngươi đã làm mà không thể nói nên lời được. Nhưng ta sẽ làm cho ngươi trở nên trong trắng và ngươi sẽ không bao giờ bị xáu hổ nữa!” (c. 63).

     Câu nói cuối cùng của giao ước mới muôn đời này với dân Israel vẫn chưa xẩy ra. Giáo Hội của Thiên Chúa -như một Israel tinh thần- là một điềm báo trước nằm trong tình liên đới mới này. Nó sẽ không xẩy ra hoàn toàn cho đến khi Chúa Giesu Kito trở lại trần gian và thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa đời đời. Lúc đó tất cả Israel sẽ được trở lại với giao ước tình liên đới này, và mọi con dân Israel từ khắp nơi trên thế giới sẽ trở về cùng một miền đất quê hương. Lúc đó, với Chúa Giesu Kito là Vua các Vua, Chúa các Chúa trên khắp mặt đất, tất cả mọi quốc gia sẽ được hướng dẫn để trở thành một phần của giao ước liên đới giữaThiên Chúa và Israel.

PHÂN BIỆT GIỮA ISRAEL VÀ JEWS /  DO THÁI

     Để biết thế nào là Israel và thế nào là Jews/Do Thái, ta thử  nhìn lại lịch sử của Israel cổ đại. Quốc gia Do Thái thời cổ đại có tên là Israel nhưng thực tế lại chỉ là một phần nhỏ của toàn thể dân tộc Israel mà tổ tiên họ thủa xưa đã sinh sống trên phần đất mà các tiên tri đã nói trong Kinh Thánh.

      Trong Kinh Thánh, khi nói đến quốc gia Israel là nói về 12 chi họ Israel đã ra khỏi Ai Cập dưới sự lãnh đạo của ông Mai Sen (Moses) trong câu chuyện xuất hành (Exodus). 12 chi họ này là do từ 12 người con của tổ phụ Jacob mà Thiên Chúa đã đổi tên thành Israel.

     Nhưng một trong những người con này đã được đặt tên là Judah. Con cháu của ông này gọi là Judahites. Chữ Judahites sau này đọc ngắn lại thành Jews. Vua David thuộc chi họ Judah đã cai trị 12 chi họ này và tiếp theo là hoàng tử Solomon lên kế vị làm vua.

     Nhưng sau Solomon, quốc gia này tách ra làm hai: vương quốc Israel chiếm cứ phương Bắc, có 10 chi họ và vương quốc Judah chiếm phương Nam, gồm chi họ Judah, Benjamin và một phần lớn chi họ Levi cũng như một số chi họ khác cuối cùng đã đi theo di chuyển xuống phương Nam. Tất cả dân ở vương quốc phương Nam đều được gọi là Judahites hay Jews tức Do Thái.

     Do Thái nghĩa là gì? Dân chúng Judah chỉ là một phần của quốc gia rộng lớn Israel.  Do đó về phương diện nhân chủng hoc, không cần phải là Do Thái để là dân Israel!

     Nhưng làm sao dân Do Thái lại nổi bật phi thường như vậy? Tại sao người ta lại nghĩ  dân Israel ngày nay là dân Do Thái? Đây là câu hỏi rất hay. Kinh Thánh sẽ trả lời cho chúng ta.

     Vương quốc Israel ở phương Bắc đã tồn tại được khoảng 200 năm sau khi vua Solomon băng hà trước khi bị rơi vào cảnh tù tội bởi đế quốc Assyria. Dân Israel bị đuổi ra khỏi nước, buộc phải lưu đầy tứ tán nhiều nơi mà lịch sử nói là 10 chi họ Israel đã bị thất lạc. Nhưng thực sự thì họ không bị thất lạc dù phần lớn họ đã quên mất cả nguồn gốc của mình.

     Thiên Chúa đã nói là họ bị tung đi giữa mọi quốc gia như những hạt giống được sàng gạn mà không một hạt nhỏ bé nào rơi trên mặt đất (Amos 9:9). Thực vậy, so sánh những lời tiên tri với lịch sử, chúng ta có thể xác định được căn tính của những quốc gia do con cháu các chi họ Israel ở Phương Bắc ngày nay.

     Vương quốc Judah ở phương Nam sống sót lâu hơn nhưng cuối cùng cũng bị sụp đổ, rơi vào tay đế quốc Babylon. Phần lớn dân Do Thái lúc bấy giờ bị bắt mang đi Babylon. 70 năm sau, sau khi Persia (tức Ba Tư / Iran ngày nay) xâm chiếm Babylon, thì một nhóm dân Do Thái -để ứng nghiệm lời tiên tri Zeremiah- đã cùng với một số nhỏ sau đó cũng đi theo, trở về Jerusalem và xây dựng lại thị trấn Jerusalem và lập đền thờ ở đó.

     Một phần quốc gia Do Thái được phục hưng lúc đó đã hiện diện tại Jerusalem với một nền văn hóa đặc thù cho đến thời Chúa Giesu và Giáo Hôi sơ khai với Tân Ước, khi đế quốc Roma/La Mã thống trị miền đất này.

      Rồi chừng 40 năm sau khi chối bỏ chúa Giesu thì quốc gia Do Thái xụp đổ vào năm 70 sau cn dưới tay người La Mã. Người La Mã đã phá hủy Jerusalem và đền thờ sau cuộc nổi loạn khởi nghĩa của dân Do Thái. Rồi lại một cuộc nổi loạn nữa cũng bị quân La Mã đè bẹp năm 135. Nhiều người Do Thái sau đó lại bị người La Mã xua đuổi, phân tán rải rác khắp thế giới đã hợp cùng dân Do Thái  lưu lạc / Diaspora có từ thời kỳ Babylon. Con cháu nhóm Do Thái lưu lạc này năm 1948 đã thành lập được quốc gia Israel ngày nay.

     Sự hiện diện của quốc gia Israel tân thời này rất cần thiết để cho một số lời tiên tri nói về thời tận cùng được ứng nghiệm và cũng để bảo đảm với loài người là Thiên Chúa rất  trung thành với lời hứa tình yêu của Người. Vì Thiên Chúa vẫn còn giữ lời hứa với dân Người, nên chúng ta có thể tin cậy chắc chắn vào lời hứa của Người với mọi quốc gia và dân tộc trến khắp thế giới. Israel là chìa khóa chính, là đại diện và tiêu biểu cho việc này.

     Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham, Isaac và Jacob có hai ý nghĩa thiêng liêng và vật chất. Những lời hứa này sẽ ảnh hưởng trên mọi quốc gia, gồm cả chúng ta, anh và tôi.

     Để hiểu sự hiện hữu của quốc gia Israel ngày nay thì phải hiểu rõ Thiên Chúa và những lời tiên tri của Người theo từng thời gian. Sự chống đối Israel một cách liên tục của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia ghét cay ghét đắng, là bằng cớ rõ ràng là họ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tâm tư loài người. Nhưng hồng ân Thiên Chúa và tình yêu thương bền vững của Người đã lướt thắng những hiện tượng này. Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã hứa với tất cả mọi người những lời hứa thiêng liêng. Bình an, phục hồi và đời sống vĩnh cửu là hy vọng cho tất cả mọi quốc gia!

THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ TỪ BỎ DÂN NGƯỜI….   

     Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolo đã kể câu chuyện về Israel cổ với những thăng trầm và phục hồi. Dân Israel đã có những liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Họ có cơ hội để tạo dựng một quốc gia dựa vào luật Thiên Chúa và sư vinh quang của Người. Thiên Chúa đã hứa đặc biệt với dân Israel, tách rời họ khỏi mọi quốc gia, hứa bảo vệ họ và cho họ được phồn vinh thịnh vương. Tất cả những ân phúc vật chất mà Thiên Chúa đã hứa thì chỉ là thứ yếu đối với ân phúc thiêng liêng có được nơi chúa Giesu Kito là con cháu trực tiếp của giòng họ vua David.

     Nhưng Israel cổ đã thất bại. Như chúng ta thấy, họ chia rẽ, tách rời nhau và thờ ngẫu tượng, phá luật ngày Sabbath, bất kính và bất tuân lời Chúa để rồi bị cầm tù và lưu đầy. Đa số dân Israel, trừ dân Do Thái, đã quên không còn nhớ nguồn gốc của mình. Còn dân Do Thái thì đã không làm những điều đáng lẽ họ phải làm.

     Nhưng thánh Phaolo ước mong và nguyện cầu cho dân Israel được cứu rỗi (Romans 10:1). Dù họ không vâng theo Tin Mừng (c.16), nhưng họ không chối bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn như thánh Phaolo nói rõ ở chương 11 thư gửi tín hữu Roma. Thiên Chúa đã không từ bỏ họ. Qua thánh Phaolo, Thiên Chúa cho biết dân Israel còn chút vết tích sót lại nơi những quốc gia ngày nay, và nhờ hồng ân Thiên Chúa họ sẽ được tụ họp lại.

     Nhưng đây là sự thật rất kinh ngạc mà ít ai biết: Dân Israel đã chối bỏ việc làm của Thiên Chúa vì vinh quang và mục đích của Người! Tất cả mọi dân tộc khác trên khắp thế giới mà Kinh Thánh gọi là dân ngoại, có thể có cùng một dây liên hệ này với Thiên Chúa dựa trên lời hứa vĩnh viễn của Người. Vào thời Thiên Chúa, tất cả mọi người đều có cơ hội để biết Người. Vì Thiên Chúa không chỉ yêu thương dân Israel mà tất cả mọi người trên thế giới, bởi vì họ mà Thiên Chúa đã để con một Người phải chịu chết (John 3:16).

     Thánh Phaolo đã nói dân Israel sẽ mù lòa cho đến khi toàn thể dân ngoại trở lại. Trong một bản viết rất hào phóng, thánh Phaolo đã linh hứng thấy tất cả 12 chi họ dân Israel và toàn thể thế giới đều có cơ hội được cứu rỗi. Mọi quốc gia sẽ có cơ hội để nhận đầy đủ lời hứa của Thiên Chúa, cả về thiêng liêng lẫn vật chất.

     Trong thư gửi tín hữu Roma (Romans 11:1-2), thánh Phaolo đã đặt câu hỏi: “Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người?” Rồi ngài trả lời: “Chắc chắn là không, vì tôi cũng là dân Israel, thuộc dòng dõi Abraham, chi họ Benjamin. Thiên Chúa không ruồng bỏ dân Người mà Người đã biết từ trước.” Thiên Chúa đã dùng dân Israel như  Phaolo đã dùng để làm nền móng cho Giáo Hội Kito giáo, vì chúa Giesu cũng là người Do Thái!

     Phaolo tiếp tục cắt nghĩa: Bởi vì những kẻ không tin thì sẽ dễ sa ngã phạm tội; thân xác người Israel đã bị tách lìa khỏi phần thiêng liêng của dân Israel, tức dân có giao ước với Thiên Chúa, nhưng cuối cùng tất cả đều nối kết thành một Israel biết ăn năn thống hối, như là dân ngoại.

     Phaolo nói vì thân xác dân Israel đã sa ngã chia rẽ nhau trong thời gian này nên ơn cứu chuộc được ban cho tất cả mọi người. Do dó dân ngoại có một chỗ đứng trong nước Israel tinh thần thực sự ngày nay (c.11-15). Tuy nhiên ông còn cắt nghĩa là Thiên Chúa vẫn không ngừng để mắt đến con cháu và quốc gia họ. Nhờ ân sủng Thiên Chúa, quốc gia họ sẽ được dùng làm mẫu cho những quốc gia nào muốn noi theo. Điều này sẽ xẩy ra khi triều đại Chúa Kito đến trần gian. Bấy giờ tất cả mọi người, mọi dân tộc đều có cơ hội được cứu rỗi, Israel sẽ dùng quyền lực mạnh mẽ để “hòa giải với thế giới” (c.15). Tất cả các chi họ Israel sẽ thống nhất. Không phải chỉ một mình Do Thái.

     Lúc đó loài người sẽ tìm về với Thiên Chúa. Thực vậy, “trong những ngày đó, mười người thuộc mọi ngôn ngữ trong những dân tộc sẽ níu tay áo người Do Thái và nói: ‘hãy cho chúng tôi đi theo các ông, vì chúng tôi nghe nói Thiên Chúa ở với các ông’”(Zechariah 8:23). Tất cả mọi quốc gia sẽ về Jerusalem và học hỏi đường lối của Thiên Chúa. Jerusalem, thủ đô của quốc gia Israel ngày nay, một ngày kia, sẽ trở thành  thủ đô của toàn thế giới dưới quyền Thiên Chúa (Zeremiah 3:17).

     Vậy Israel quả thực là quan trọng. Không chỉ quốc gia Do Thái ở Trung Đông ngày nay mà tất cả các chi họ đều quan trọng đối với Thiên Chúa. Và tất cả các quốc gia trên thế giới đều quan trọng đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên họ phải trở thành một phần của Israel để được cứu rỗi và sống đời vĩnh cửu trong gia đình, quốc gia và vương quốc Thiên Chúa.

     Trong một linh hứng đột phá cuối cùng, thánh Phaolo đã kêu lên: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người ai dò cho thấu! Đường lối của Người ai theo cho kịp!” (Romans 11:33).

ĐÔI LỜI KẾT

     Hiểu được căn cước, nguồn gốc và bổn phận của Israel là chìa khóa để hiểu thế giới ngày nay và con đường lịch sử đi tới Vương Quốc Thiên Chúa. Hiểu biết Israel là nắm giữ được lời hứa vững bền về ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Bởi vì Thiên Chúa trung thành với tình yêu mà Người đã hứa với dân Israel thì Người cũng sẽ trung thành với lời hứa của Người qua chúa Giesu Kito với tất cả mọi người, mọi dân tộc trên mặt dất này, gồm cả chúng ta, anh và tôi…Tất cả chúng ta đều được thông phần cứu chuộc nhờ giao ước của Người. Câu chuyện tình vĩ đại này liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả nhân loại. Đó là Tin Mừng Phúc Âm!

     Sau cùng, tôi xin nhắc lại, hiểu Israel là hiểu Thiên Chúa và những lời tiên tri của Người theo thời gian. Sự hiện diện của quốc gia Israel, dù gặp nhiều gian nan trở ngại, vẫn là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa điều khiển số phận của mọi quốc gia. Nó là bằng chứng Thiên Chúa vẫn đưa mắt nhìn lịch sử, hướng dẫn thế giới và loài người đi đến mục đích cuối cùng của Người. Thiên Chúa quan phòng tất cả mọi quốc gia. Quốc gia Israel là một bằng chứng sống động!

     Thế giới nói chung sẽ còn tiếp tục âm mưu, chống đối, phá hoại Israel và dân Do Thái. Nhưng Israel/Do Thái vẫn sống còn và hoàn thành mục đích của họ mà Thiên Chúa đã ban truyền.

     Sự hiện hữu của quốc gia Israel ngày nay là cần thiết để cho lời tiên tri của Chúa được ứng nghiệm và để bảo đảm cho sự trung thành vững bền của Người đối với loài người.

     Hãy nhớ như vậy mỗi khi đọc và nghe những tin tức hàng đầu xẩy ra ở  Trung Đông.


Fleming Island, Florida
June 3, 2018
NTC 
           
__._,_.___

Posted by: fxavvy

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts