Người Việt có học nhiều cũng khó đoạt giải Nobel
Cao Huy Huân
Hôm qua mới xem vài ba bài báo, thấy phản ánh học sinh lớp 12 đang
háo hức trước kỳ thi đại học sắp tới vì đây là lần đầu các em làm “chuột bạch”
với mô hình thi “2-trong-1” đầy tranh cãi. Tôi chẳng biết báo chí phản ánh đúng
bao nhiêu %, và những tấm ảnh các em học sinh 12 đang cười toe toét có phải
đúng là hình các em đang vui vì… sắp thi phương pháp mới.
Nhưng bản thân tôi,
vốn cũng là thế hệ trải qua đủ tất cả các kỳ thi với muôn vàn cảm xúc: vui khi
qua, buồn khi vướng, và sợ hãi khi phải đối mặt. Vài đứa cháu của tôi dù mới
bước sang tuổi lớp 1, lớp 2 cũng đã phải thức khuya dậy sớm học bài, làm bài
cần cù chăm chỉ một cách khuôn phép nếu muốn có chút thành tích và được xướng
tên trước cột cờ để nhận những phần thưởng cuối năm.
Vậy nên khi thấy báo chí
bảo “các em hào hứng trước mô hình thi mới”, tôi chắc mẫm một từ “dối!”. Chẳng
em nào, ở cái tuổi ăn được ngủ được, lại vui trước những kỳ thi với óc não căng
như dây đàn tại Việt Nam. Có chăng thì cũng chỉ một vài em bị nhồi nhét đáng
thương đến mức trở thành “mọt sách”.
Phải thừa nhận người Việt học nhiều thật, “nhiều” cả về nghĩa đen
lẫn nghĩa bóng. Còn nhớ ngày tôi học lớp hai, lớp ba (tức 7-8 tuổi), tất cả
bảng cửu chương phải thuộc lòng vanh vách, ngay cả khi trong đầu tôi chưa hề có
một ý niệm nào về câu hỏi “tại sao tôi phải học bảng cửu chương”.
Tôi và những
đứa bạn cùng trang lứa chỉ biết học vì “thầy cô yêu cầu học”, nếu không muốn
nhận quả trứng gà tròn trĩnh (điểm 0) hay khá hơn là một con ngỗng quay (điểm
2) ở các buổi kiểm tra miệng bất thình lình. Thậm chí nếu ăn quá nhiều “trứng
gà” hay “ngỗng quay”, chúng tôi sẽ phải chuyển đổi thành “roi, vọt” và nằm úp
lên bàn để nhỏ lớp trưởng được cô chủ nhiệm ủy quyền đánh thật mạnh vào mông.
Rồi những ngày mệt nhoài vì phải vác chiếc cặp nặng trịch toàn là
sách và tập. Có môn đến hai, ba quyển sách các loại, chưa tính thêm tập viết lý
thuyết lẫn bài tập về nhà. Bản thân chúng tôi đúng nghĩa “cần lao” và miệt mài
nuốt cho hết mớ chữ nghĩa mà đôi khi đi vào cả giấc mơ chưa tròn tuổi của mình.
Và khi học-học nữa-học mãi vẫn chưa hết mớ kiến thức thầy cô cố nhồi nhét vào
đầu, chúng tôi bắt đầu tìm đến thánh thần và sự ma mị.
Nào là ra nghĩa địa bứt
“lá thuộc bài” kẹp vào từng trang vở; nào là đi bắt xăm, bắt quả, bói bài… đủ
các kiểu các thể loại, chỉ mong có thể an tâm ngủ ngon để sớm tinh mơ còn đủ
sức mò dậy, tạt từng gáo nước lạnh buốt vào mặt để trấn tỉnh và tiếp tục học
vội học vàng vài ba dòng mong sao “trúng tủ” trước khi chạy ù đến trường thi
với bộ đồ xộc xệch chưa kịp ủi tinh tươm.
Thời phổ thông trung học là những tháng ngày kinh khủng nhất khi
cùng lúc phải ngốn ngấu nghiến hơn chục môn học mà mãi khi tốt nghiệp đại học,
tôi cũng chẳng biết thời ấy chúng tôi phải học những môn ấy để làm gì. Chúng
tôi phải ngồi hàng giờ để học những bài tập hóa tìm chất trong lọ “mất nhãn”;
trong khi thực tế tại bất kỳ nơi nào, các lọ mất nhãn đều bị bỏ đi vì tính chất
an toàn. Chúng tôi được học vài tháng ròng và vật vã vì con lắc đơn; trong khi
thế giới hiện nay gần như chẳng nơi nào còn ứng dụng.
Chúng tôi miệt mài học từ
vựng, viết câu, ngữ pháp ngoại ngữ trong suốt 7 năm trời, và rồi mọi thứ vẫn
zero khi một câu sinh ngữ bẻ đôi không đứa nào nghe được, càng không nói được
rõ ràng; trong khi trẻ con bản xứ thì được học ngược lại hoàn toàn: phải tập
nghe, học nói, rồi đọc, và cuối cùng mới tới giai đoạn viết. Đó là chưa kể các
hệ phương trình, bài tích phân, lượng giác… toàn trên trời, có khi thầy tôi –
một người cần mẫn và chịu khó – đứng trầm ngâm cả giờ để rồi hẹn lớp bài giải
hôm sau. Mãi về sau mới biết, nhiều thứ chúng tôi học từ phổ thông chính là bài
học mà các bạn Tây được tiếp cận khi vào đại học.
Đó là lý do tôi không bao giờ ngạc nhiên khi nghe ở bảng xếp hạn
toán học và khoa học, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu. Những em học sinh Việt
Nam được trau dồi không phải phương pháp mà là kiến thức (mênh mông và vô hạn);
được yêu cầu học chứ không phải tò mò tìm hiểu; phải ngước lên (bục giảng) tiếp
thu và xem mọi thứ thầy cô nói ra đều là chân lý, chứ không phải “nhìn xuống”
(bảng đen) nơi thầy cô truyền thụ niềm đam mê, cảm hứng với một vài gợi ý căn
bản để các em tự sức phát huy khả năng như ở phương Tây. Ngay từ tư thế ngồi
học các em đã bị rơi vào thế yếu, thế thụ động, thế chịu đựng và chấp nhận
những thứ mà thầy cô tự cho là chân lý và yêu cầu các em phải làm theo.
Với các em “gà chọi”, vốn có khả năng nhớ tốt và phản ứng nhanh,
các em được đào tạo trở thành “gà chọi” chuyện nghiệp trong các cuộc đấu toán
học, khoa học trong nước và quốc tế. Môi trường “luyện thi” khắc nghiệt được
tung ra; các em phải học để đấu tranh vì điểm, vì sĩ diện gia đình và trường
lớp; vì thứ mà người ta bảo rằng là màu cờ sắc áo; là danh dự… vốn là những thứ
quá sức với các em, và chẳng bao giờ các em nắm bắt được hết. Để rồi các em lao
vào học điên cuồng cho dù trong đầu mình chẳng có một ý niệm nào về tương lai
và niềm đam mê thực sự bùng cháy của bản thân.
Sự tôi rèn một cách “phát xít” và máy móc khiến đa phần học sinh
đều rơi vào thế bí. Em nào không có khả năng nhồi nhét kiến thức thì bị thầy cô
và bạn bè khinh khi, hoặc giảm sự quan tâm và ưu tiên; trong khi các em có năng
lực cũng chỉ biết làm toán, làm toán và làm toán.
Thế giới luôn vận động và mọi
thứ ngoài kia liên tục thay đổi. “Sách vở là thứ được đúc kết từ thực tế, nhưng
không bao giờ bắt kịp được mọi thứ đang diễn ra”. Nhưng với cách giáo dục nặng
về sách vở và hạn chế tính thực tiễn, bản chất sáng tạo và sự đột phá về tư duy
của học sinh đã bị “bẽ gãy”, thậm chí là hủy hoại nghiêm trọng. Nhiều chuyên
gia sư phạm hàng đầu thế giới đã không hề tỏ ra nao núng khi bảng xếp hạng
thành tích toán học và khoa học của học sinh dưới 15 tuổi ở Việt Nam cao hơn
nhiều so với họ.
Trái lại, họ chỉ ra rằng chương trình dạy khắc nghiệt chính là
“liều thuốc độc” khiến Việt Nam tuy hạng cao nhưng chẳng có một giải thưởng
Nobel khoa học nào. Ngoại trừ giải thưởng toán học danh giá của GS Ngô Bảo
Châu, vốn chẳng phải hưởng thụ toàn diện giáo dục Việt Nam, thì đến nay các
giải thưởng mang tính tầm cỡ thế giới có sức ảnh hưởng đến nhân loại vẫn chỉ là
những niềm mơ ước xa xỉ với một quốc gia 90 triệu dân có truyền thống hiếu học.
Hãy nhìn cái cách mà trẻ em phương tây được đến các viện bảo tàng
để học lịch sử; vào rừng để học môi trường; ra đường để học giao thông; xuống
sông học về thủy lợi; ra chợ học về bán buôn… để thấy rằng với giáo dục, triết
lý quan trọng bậc nhất chính là phương pháp chứ không phải kiến thức, nhất là
khi trong thời đại toàn cầu hóa Internet, kiến thức chỉ là những cái click
chuột chưa đầy một giây. Trẻ em Việt được dạy cách giải bài toán A; trong khi
phương Tây dạy học trò cách giải dạng toán A.
Việt Nam dạy trẻ “món hàng này
giá bao nhiêu?”, trong khi phương Tây dạy chúng cách xác định “giá trị” của mọi
thứ trên đời, để chúng biết đâu là cái cốt lõi của bất kỳ một món hàng nào mà
chúng thấy. Phương Tây không bao giờ bỏ trẻ em gặp khó khăn trong chuyện học,
trong khi chúng ta chỉ tập trung bồi dưỡng có định hướng từ trên xuống, mà vô
hình chung là tạo áp lực cho các em học sinh vốn có tiềm năng.
Để rồi kết quả
là khi người ta liên tục cho ra đời nhiều ý tưởng và các bằng sáng chế, thì người
Việt vẫn chỉ cặm cụi làm người thợ làm công; đã vậy còn mắc chứng ganh tỵ nhau
khi thấy người khác lao động có chút thành quả. Suy cho cùng cũng xuất phát từ
nền giáo dục trọng thành tích, danh dự, sĩ diện và tên tuổi vốn chẳng thể nuôi
được những cái đầu có khả năng bứt phá phi thường.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks