Đại Học chăn Trâu




Tuesday 6 October 2015

Liệu văn học Việt có thể 'vươn ra thế giới'?



Sujet : BBC: Liệu văn học Việt có thể 'vươn ra thế giới'? Đầu thu tại Pháp: 3 cuộc gẵp gở về tương lai văn học Việt trên thế giới tại Paris, Bordeaux và Limoges : Pháp hổ trợ tích cực nhất nhưng khả năng vươn ra thế giới của văn học Việt còn nhiều gian truân.

Liệu văn học Việt có thể 'vươn ra thế giới'?

  • 4 tháng 10 2015
Từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2015 tại Pháp diễn ra chuỗi sự kiện liên quan tới giới thiệu, dịch thuật, phê bình và gặp gỡ nhà văn, dịch giả văn học Việt Nam ở các thành phố Paris, Bordeaux và Limoges.

Nhân dịp này, BBC có cuộc trao đổi với PGS. TS. Đoàn Cầm Thi, nhà nghiên cứu từ Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) của Pháp. Câu hỏi đầu tiên dành cho nhà phê bình và dịch giả là vì sao lại có chuỗi sự kiện này?
Đoàn Cầm Thi: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt-Mỹ, truyền thông Pháp đã tổ chức nhiều sự kiện gợi lại cuộc chiến đã từng rung chuyển thế giới.
Đương nhiên, phần lớn đó là cái nhìn của những người làm sử với mục đích tìm hiểu quá khứ. Riêng về văn học, chúng tôi đề nghị một tinh thần hướng về tương lai, qua con mắt của các tác giả Việt đương đại.
Bốn mươi năm sau chiến tranh, ‘liệu văn học Việt Nam có thể vượt qua lãnh thổ hình chữ S để vươn ra thế giới hay không?’ đó là câu hỏi của chúng tôi. Vì vậy, một trong những hoạt động đáng chú ý là bàn tròn : “Các nhà văn Việt thế kỷ 21” tại Festival Các cộng đồng Pháp ngữ, tại thành phố Limoges.
Tiện thể, cũng xin nói thêm là nhờ có sự phối hợp giữa Hội Liên-Việt và tòa thị chính thành phố Bordeaux, mà các nhà văn Việt được mời đã có một buổi đối thoại với công chúng vô cùng lý thú là các giáo viên và học sinh trung học tại Bordeaux.
Vô cùng khiêm tốn
BBC: Thưa bà, văn học Việt Nam, nhất là văn học đương đại, được nhìn nhận như thế nào ở Pháp? Đâu là điểm hấp dẫn và đáng quan tâm nhất của văn học Việt Nam hiện nay?
Đoàn Cầm Thi:Văn học Việt được dịch khá nhiều tại Pháp, từ "Truyền kỳ mạn lục","Chinh Phụ Ngâm", "Truyện Kiều" đến "Thầy Lazaro Phiền", "Tố Tâm", "Số Đỏ", "Chí Phèo", "Dế mèn phiêu lưu ký"...
Theo thống kê của Unesco, Pháp là nước dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhất, hơn cả Mỹ, Nga, Đức. Trong giai đoạn 1980-2009, có khoảng 130 cuốn sách văn học Việt Nam được dịch sang Pháp văn, trong khi con số này trong Anh văn là 83, Nga văn là 42, Đức văn là 27. Điều đó chứng tỏ tinh thần cởi mở và hòa đồng của dân tộc Pháp.
Hiện nay, có 3 tủ sách văn học Việt Nam. Đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trên thực tế, hai tủ sách của NXB L’Aube và NXB Philippe Picquier, được thành lập những năm 1992-1994, đã từng in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi Mới, hiện nay hầu như không hoạt động nữa. Riêng tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại » của NXB Riveneuve còn rất trẻ và đang tỏ ta sung sức. Thành lập cuối 2012, Tủ Sách đã in được 13 đầu sách, với ý thức giới thiệu các gương mặt của văn học Việt Nam hôm nay với những đề tài và thử nghiệm mới.
Tác giả Đỗ Kh., nhà văn Phan Hồn Nhiên, dịch giả Đoàn Cầm Thi và tác giả Phong Điệp tại một tọa đàm (từ trái sang).
Như vậy, có thể nói văn học Việt bắt đầu được quan tâm ở Pháp. Tuy nhiên, tất cả chỉ là tương đối, vì giữa 3.000 tiểu thuyết được in hàng năm tại đây, thì những cuốn sách Việt chỉ tạo được một sự có mặt vô cùng khiêm tốn. Và đương nhiên, ngoài những dịp kỷ niệm như Năm Pháp-Việt (2014) hay như năm nay, 40 năm kết thúc chiến tranh, văn học Việt khó có thể gây được sự chú ý của dân chúng Pháp.
BBC:Lần này, theo chúng tôi được biết có ba tác giả văn học Việt Nam từ trong nước và hải ngoại được mời tham gia chuỗi sự kiện, họ đại diện thế nào cho văn học Việt Nam hiện nay?
Đoàn Cầm Thi: Đó là Phong Điệp đến từ Hà Nội, Phan Hồn Nhiên từ Sài Gòn và Đỗ Khiêm từ Little Sài Gòn. Họ không được mời với tư cách là “đại diện” cho văn học Việt Nam, mà vì tác phẩm của họ bắt đầu được biết tới tại Pháp : Phong Điệp với “Delete” và “Blogger”, Phan Hồn Nhiên với “Ngựa thép”, còn Đỗ Khiêm với ba tiểu thuyết viết trực tiếp bằng tiếng Pháp - “Khmer Bolero”, “Saigon Samedi” và “La praxis du Docteur Yov”.

Không gì mới mẻ

BBC: Có một quan điểm trên thế giới cho rằng văn học, nghệ thuật là ‘phản kháng’, ở Việt Nam hiện tại có ai là đại diện rõ nhất cho khuynh hướng quan điểm văn học này, kể cả văn học mạng, và nếu có, thì liệu tác phẩm của họ có nên được giới thiệu ra thế giới không?

Đoàn Cầm Thi: Theo tôi, nên phân biệt “phản kháng” trong chính trị và “phản kháng” trong văn học.
Có những người trong chính trị thì “phản kháng”, còn trong văn học thì lại không có tìm kiếm gì mới mẻ.
Hiếm hoi, sau Trần Dần, văn học Việt Nam gần đây có một tiếng nói quyết liệt, đó là nhóm Mở Miệng mà chính tôi đã từng dịch và giới thiệu tại Pháp.
BBC: Giới thiệu văn học VN ra nước ngoài, về số lượng, chất lượng, việc dịch thuật, phê bình, giới thiệu, đặc biệt là văn học đương đại và hiện nay, đã đáp ứng tới đâu nhu cầu, kỳ vọng của các giới quan tâm? Tác phẩm dịch thuật, giới thiệu đã tiêu biểu chưa, cần bổ sung gì không như về trào lưu, khuôn mặt?
Đoàn Cầm Thi: Đương nhiên, với việc xuất bản vẫn còn "nhỏ giọt" như thế thì văn học Việt vẫn chưa thể nào được giới thiệu một cách thỏa đáng ở nước ngoài.
Và như vậy, vô hình chung văn hóa Việt vẫn là một hình hài mờ mịt dưới con mắt của cộng đồng thế giới.
Để chuyển ngữ, phải có dịch giả.

Nhưng thực tế cho thấy hiện nay, những người có khả năng diễn đạt văn chương Việt trong các ngôn ngữ khác hiếm như nước trên sa mạc.

Danh thiếp văn hóa

BBC:Cuối cùng, với tư cách dịch giả và người sáng lập tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại Pháp, dịch thuật giữ vai trò gì trong giao lưu văn học Việt – Pháp hiện nay, theo bà?
Đoàn Cầm Thi: Như tôi đã nói ở trên, dịch thuật – đặc biệt việc dịch sang hai ngôn ngữ chính là Anh văn và Pháp văn – giữ một vài trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa văn chương của một quốc gia hòa nhập vào "Nền cộng hòa văn chương thế giới" (la république mondiale des lettres), theo cách nói của Pascale Casanova, một chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực này.
Pascale Casanova ví dịch giả như một "nhân viên chứng khoán" có khả năng biến văn chương, một thứ hàng hóa văn hóa, sang một thứ hàng hóa đặc biệt. Cụ thể, khi được dịch sang một ngôn ngữ "mạnh" (Pháp văn và Anh Văn), tác phẩm văn học nghiễm nhiên được tham gia vào "thị trường chứng khoán thế giới", được định giá, định lượng, từ đó có cơ hội được dịch ra các ngôn ngữ khác và dần dần chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, ngay cả các tiếng như Trung Quốc, Ả rập, Hindi, Nhật, cũng không được coi là ngôn ngữ “thống trị” trong lĩnh vực văn chương, dù rằng rất nhiều tác phẩm có giá trị được viết trong các ngôn ngữ này, chưa kể một đội ngũ hàng trăm triệu các nhà văn và độc giả trong các nước sử dụng chúng. Đây là lý do giải thích vị trí thứ yếu đó: quá ít các tác phẩm Trung Quốc, Ả rập, Hindi, Nhật,... được biết đến bên ngoài lãnh thổ của họ.

Nếu như bất cứ ở đâu trên thế giới, ta cũng tìm được những độc giả yêu “Hamlet” và “Những người khốn khổ”, thì khó có thể kể tên một tác phẩm văn học Trung Quốc, Nhật, Ả rập, Hindi, có được ánh hào quang đó.
Cũng theo nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, tiếng Pháp gần như là ngọai ngữ duy nhất của những người làm xuất bản tại Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác.
Điều đó có nghĩa là, được dịch sang Pháp văn có thể coi là một thứ “danh thiếp” vô cùng thuận lợi cho một tác phẩm văn học nước ngoài nếu nó muốn xâm nhập thị trường quốc tế.
Thực tế chứng minh rằng nhiều nhà văn lớn như Cao Hành Kiện, Ismail Kadaré hay Milan Kundera được thế giới biết đến nhờ các bản dịch tiếng Pháp của họ. Các tác giả Việt như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương cũng thường được dịch sang tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha v.v... từ bản dịch Pháp văn...
Tiến sỹ Đoàn Cầm Thi là Phó Giáo sư, Trưởng ban Việt học tại Khoa Đông Nam Á và Thái bình dương, Học Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông (Inalco), đồng thời là sáng lập viên của Tủ sách 'Văn học Việt Nam đương đại' tại Nhà xuất bản Riveneuves ở Paris, Pháp.

Chia sẻ tin này Về mục Chia sẻ

WhatsApp

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts