Đại Học chăn Trâu




Saturday, 12 December 2015

Việt Nam : Nông dân rất cần thông tin dự báo thời tiết chính xác


Việt Nam : Nông dân rất cần thông tin dự báo thời tiết chính xác

mediaMột cảnh thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (DR)
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường, làm sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên bấp bênh. Vấn đề làm thế nào để dự báo thời tiết chính xác và đưa được các thông tin đến với người làm nông đang là một mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà khoa học, người hoạt động xã hội tại Việt Nam.
Bên lề thượng đỉnh khí hậu toàn cầu ở Paris, RFI tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với bà Vũ Minh Hải, Trưởng nhóm biến đổi khí hậu của một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam: 
Bà Vũ Minh Hải 11/12/2015 Nghe
Bà Vũ Minh Hải : Nói về hệ thống truyền thông của Việt Nam qua mạng lưới chính thức, thì các thông tin về dự báo thời tiết, hay cảnh báo thiên tai, cũng khá là nhiều rồi. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến dự báo khí tượng nông nghiệp vẫn còn đang thiếu rất nhiều. Một điều quan trọng nữa là thông tin truyền qua hệ thống truyền thông đại chúng là cũng có, nhưng liệu nó có đến được với người dân hay không, và liệu người ta có hiểu về thông tin đấy hay không ? Và cái quan trọng bậc nhất là họ có chuyển tải được những thông tin đó hay không ? Đó là những cái đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khả năng Nhà nước có thể cung cấp được các thông tin đó không ?
Cho tới bây giờ mới có một số dự án thí điểm, chưa ở mức rộng rãi, khắp nơi. Có những dự án hợp tác trực tiếp với trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, để xây dựng một số bản tin về khí tượng nông nghiệp. Thế nhưng những bản tin đó phải được làm cụ thể hóa (để áp dụng cho một khu vực tương đương cấp huyện). Đây là hoạt động mới được thí điểm ở quy mô rất nhỏ.
Điều quan trọng là bây giờ ngành khí tượng thủy văn có thể đưa ra được các bản tin cụ thể hóa cho các khu vực khác nhau. Và quan trọng hơn là sự tham gia của các ban, ngành khác, ví dụ như bên nông nghiệp phải đưa ra được các khuyến cáo cho người dân là người dân phải làm gì, để tránh tác hại, hoặc để có lợi từ thay đổi đó.
Về thông tin, đối với một số người dân, cũng phải có cơ quan nào chuyển tải được thông tin đó. Vì các cơ quan nhà nước không thể đưa thông tin đến tận người dân được, mà là phải qua hệ thống của các tổ chức xã hội, ví dụ như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, hay Hội Chữ thập đỏ, là những tổ chức có chân rết ở tận địa phương.
Chị nói có các thí điểm, vậy các thí điểm ấy đã có kết quả cụ thể chưa ?
Những thí điểm ban đầu đã có. Ví dụ như dự án của tổ chức Care ở Thanh Hóa. Oxfam cũng có thí điểm ở một huyện ở Quảng Trị. Theo báo cáo ban đầu của người dan, họ thấy thông tin đến khá kịp thời, và họ có thể tránh được. Ví dụ như những dịp có mưa, nếu họ biết trước được tầm 10 ngày, họ có thể thu hoạch sớm hơn một chút, như với rau chẳng hạn. Hoặc với những dự báo dài hạn hơn, ví dụ như họ có thể biết là trong thời gian đó, đáng ra trồng lúa, nhưng vì năm nay không có mưa nhiều, không có nước, nên họ sẽ không trồng lúa nữa, mà sẽ chuyển sang trồng ngô chẳng hạn.
Hiện nay chính phủ Việt Nam liệu đã sẵn sàng tiếp thu và có động thái gì để áp dụng những biện pháp kiểu như vậy một cách phổ biến ?
Oxfam hiện đang có một dự án để xây dựng một dự án để làm sao có thể kết nối được giữa trung tâm dự báo khí tượng thủy văn với bên phòng chống thiên tai, bên khuyến nông, bên Hội Phụ nữ. Cũng rất hy vọng trong thời gian tới dự án đó sẽ nhận được hỗ trợ.
Thời gian tới là khi nào ?
Bên Oxfam đang đợi nhà tài trợ. Có lẽ hy vọng đến đầu sang năm, nếu như có được thông tin như vậy, sẽ rất là mừng, nếu không sẽ phải tìm nhà tài trợ khác.
Phạm vi ứng dụng của dự án này ?
Dự án mà Oxfam xây dựng có mối liên hệ từ trung ương đến cấp địa phương. Tuy nhiên, ở cấp trung ương, Oxfam rất muốn sẽ tạo ra được cơ cấu để các cơ quan hợp tác với nhau. Dự kiến thí điểm một tỉnh ở miền Trung và một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Sau đây là nhận định của Giáo sư Võ Tòng Xuân (Cần Thơ) về vấn đề dự báo thời tiết với nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long, khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước :
Giáo sư Võ Tòng Xuân (Cần Thơ) 11/12/2015 Nghe
« Khí hậu với dòng nước sông Cửu Long mình thực sự có biến đổi. Tôi cho là có rất nhiều lý do. Con người là chính : từ bên Tàu, qua bên Lào... Một là do đắp đập, hai là do phá rừng. Thêm vào đó là thiên tai do El Nino. Những cái này tổng hợp lại làm cho khí hậu mình rất khó để đoán cho chính xác.
Thông thường, ở đồng bằng Cửu Long, mình chỉ căn cứ trên nước sông và nước mưa, ông bà mình thường căn cứ trên mặt trăng. Nhưng bây giờ, mình có thủy lợi, nên chủ động được, tuy chưa phải 100%. Cần thì đem máy ra bơm. Nếu dự báo, mình phải dự báo trước mấy tháng, để người ta chuẩn bị, chứ còn dự báo theo hàng ngày, thì trước sự đã rồi, lúa đã trồng rồi, hoặc bắp đã trồng rồi.
Ở đây, theo bà Lan – người chuyên dự báo khí tượng trên truyền hình -, vụ đông xuân tới đây, tức vụ từ tháng 12 đến tháng 3 có thể là nước khó khăn, thì bà con nên liệu chừng sử dụng cái giống ngắn ngày để làm. Giống thì có thể có, nhưng vấn đề là nhiều khi khách hàng lại chọn mua loại lúa khác.
Thường thường dự báo của bà Lan được phát trong chương trình nông nghiệp. Chương trình này được nông dân nghe nhiều lắm. Buổi sáng phát từ 5 giờ đến 5 giờ 30.
Phải nói là kỹ thuật dự báo thời tiết của mình bây giờ cũng tương đối là hiện đại hơn. Máy móc của mình cũng tốt, mình cũng nối với các đài khí tượng của quốc tế để mình khai thác. Cho nên tương đối chính xác hơn ngày xưa ».
Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ – cho biết thêm :
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Cần Thơ) 11/12/2015 Nghe
« Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây quan tâm đến vấn đề thời tiết nhiều hơn so với ngày xưa. Vì họ ngày càng thấy rằng thời tiết ảnh hưởng rất rõ đến sản xuất và sinh hoạt của họ. Chúng tôi có làm một cuộc điều tra tại khu vực thành phố Cần Thơ. Trong khoảng 200 người dân, đa số cho rằng truyền hình là nguồn mà họ thu thập thông tin nhiều nhất. Trên 90%. Có thể nói vai trò của truyền hình rất lớn.
Mình có nhiều cách để hỗ trợ người nông dân. Ví dụ như sắp sửa đi vào một vụ mùa nào đó, mình nên thông báo cho người nông dân biết xu thế là năm nay mưa nhiều, hay ít, hay lũ hạn như thế nào. Trước vụ, mình nên cho họ biết xu thế. Rồi trong những giai đoạn sinh trưởng khác nhau, người nông dân họ cũng biết, để họ chuẩn bị làm trong những ngày tới.
Thực ra mấy ông nông dân, họ cũng nhạy lắm. Nghe các thông tin của cả khu vực như vậy, rồi bản thân họ nhìn mây, nhìn trời, coi con nước, họ đoán những ngày tới. Chúng tôi đã làm một thử nghiệm cũng rất thú vị. Chúng tôi phát hiện thấy là, hiện nay hầu như tất cả người nông dân đều có điện thoại di động. Chúng tôi mới thử kết hợp với công ty làm điện thoại di động, (để) có những số mà người nông dân khi cảm thấy cần biết thời tiết, họ bấm vào. Trên máy sẽ hiện ra các chỉ số độ ẩm, nhiệt độ, mây, mưa… Khoảng vài tiếng đồng họ, máy sẽ cập nhật lại một lần ».
Dự báo thời tiết tại các khu vực hẹp cho các nhu cầu chuyên biệt, như sản xuất nông nghiệp, hay dự báo xu thế khí tượng theo mùa hay, hay theo năm là một lĩnh vực còn rất mới mẻ tại Việt Nam, nhưng không chỉ với Việt Nam. Vẫn bên lề Thượng đỉnh khí hậu Paris COP21, ông Ghislain Dubois (Marseille), một chuyên gia về biến đổi khí hậu, chia sẻ một số kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực này.
Kể từ 4 năm nay, công ty của ông Ghislain Dubois tham gia cùng với 25 đối tác Châu Âu, trong đó có nhiều cơ sở khí tượng quốc gia, vào một chương trình thực nghiệm dự đoán xu thế khí tượng theo mùa (dự án EUPORIAS, 2012-2016). Các sản phẩm ban đầu của thực nghiệm này được nhiều hãng bảo hiểm rất quan tâm, trong đó có các hãng bảo hiểm cho người làm nông nghiệp.
Đây là một loại hình bảo hiểm lấy mức độ chính xác của dự báo xu thế khí tượng làm cơ sở thanh toán (assurance indicielle). Trong trường hợp các số liệu dự đoán vượt quá mức quy định trong hợp đồng, người làm nông sẽ nhận được tiền bồi thường nhanh chóng hơn rất nhiều so với các hợp đồng bảo hiểm thiệt hại sản phẩm thông thường.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts