Đại Học chăn Trâu




Wednesday, 16 December 2015

Khôi Phục Niềm Tin Khôi Phục Đạo Làm Người


---------- Thư đã chuyển tiếp ----------
Từ: Vt Tran <
Ngày: 16:39 Ngày 05 tháng 12 năm 2015
Chủ đề: Khôi Phục Niềm Tin Khôi Phục Đạo Làm Người
Đến: Vt Tran <

Khôi Phục Niềm Tin Khôi Phục Đạo Làm Người

Posted By: LS. Nguyễn Hữu Thốngon: December 04, 2015

VTT ZMAR18 Mandala 10
Song song với việc phát huy 10 tình cảm tự nhiên trong Đạo Làm Người như tình gia đình, tình thầy trò, tình bạn bè, tình lối xóm, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu nhân loại, yêu thiên nhiên và yêu chim muông súc vật, chúng ta phát huy 5 lý tưởng truyền thống của dân tộc như tinh thần đại đồng, tinh thần nhân bản, tinh thần dân chủ, tinh thần hiếu hòa và tinh thần bao dung. Mục đích để khôi phục Niềm Tin và khôi phục Đạo Làm Người.

A. PHÁT HUY NHỮNG LÝ TƯỞNG TRUYỀN THỒNG CỦA DÂN TỘC
Đạo ở gần sao tìm nơi xa? (Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn)
Việc giản dị, sao tìm chỗ khó? (Sự tại dị nhi cầu chư nan)
Chỉ những kẻ đau khổ hoạn nạn, những cô thần nghiệt tử lúc nào cũng lao tâm khổ trí mới thấu tình đạt lý (Độc cô thân nghiệt tử cố đạt)
Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga tại Lữ Thuận, cụ Sào Nam Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du để cầu ngoại viện và học hỏi tại chỗ sự phú cường của Nhât Bản, một quốc gia đồng văn với Việt Nam. Lấy tri hành hợp nhất của nho gia Vương Dương Minh làm chủ thuyết, từ thế kỷ trước, Minh Trị Thiên Hoàng đã canh tân Nhật Bản theo biểu hiệu “nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày ngày đổi mới, càng ngày càng thêm mới).

Trong 20 năm hoạt động tại hải ngoại cụ Phan kết giao với một số nhân sĩ và nho sĩ như Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn. Năm 1925 cụ bị Pháp bắt giam tại Thượng Hải rồi bị an trí hành chánh tại Huế. Trong thời gian quản thúc cụ biên soạn cuốn Khổng Học Đăng, kêu gọi quốc dân noi gương người Nhật đổi mới xứ sở bằng tân học (khoa học kỹ thuật) đồng thời bảo tồn các giá trị tinh thần trong đạo học cổ truyền.

Theo Phan Sào Nam cựu học không phải là hủ lậu mà tân học cũng không phải là phù hoa. Xây dựng một quốc gia cũng giống như xây dựng một căn nhà. Phải lấy đạo học làm nền móng và khoa học kỹ thuật làm kiến trúc. Không có nền móng không xây được nhà. Không có kiến trúc không cất được nhà. Đạo học và khoa học chẳng những không tương phản mà tương thành.
Phan tiên sinh nhắn nhủ các sinh viên hậu bối: “Học cũ là nền tảng mà học mới là tài liệu, hai bên vẫn có thể giúp nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Tác giả viết sách này là muốn điều hòa học cũ và học mới. Những ai chưa đọc sách này mà đã có thành kiến, hoặc bài bác học cũ hoặc công kích học mới thì xin chớ đọc. Ai đọc sách này phải lập chí và tự nhủ rằng: “Thánh hiền là ta, ta là thánh hiền, ta chỉ là hậu tiến của cổ nhân mà thôi”.

Mới đây Thủ Tướng Lý Quang Diệu cũng chủ trương phục hồi nho học. Trước khi là chủ tịch Hội Nho Học Thế Giới, ông đã từng hành nghề luật sư tại Luân Đôn, gia nhập Đảng Lao Động Anh từ hồi còn đi học, tổ chức Đảng Nhân Dân Hành Động Tân Gia Ba để giành độc lập cho đất nước và lãnh đạo quốc gia trong ba thập niên. Về mặt chính trị ông theo chủ nghĩa dân chủ xã hội (democratic socialism), tôn trọng tự do, công lý và công bằng bác ái. Trong đời sống tinh thần ông xuất sử như một nho gia giữ lễ nghĩa trung tín trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Tân Gia Ba ngày nay là một con rồng kinh tế tại Đông Nam Á. Lợi tức bình quân mỗi đầu người cao thứ nhì chỉ sau Nhật Bản. (Ba con rồng khác tại Thái Bình Dương là Đài Loan, Đại Hàn và Hồng Kông đều theo tinh thần Nho Giáo).

Từ một hòn đảo nhỏ bé với trên 2 triệu dân, Tân Gia Ba đã trở thành một quốc gia tân tiến với dân giàu, nước thịnh và xã hội văn minh. Văn hóa giáo dục phát triển, kỷ cương luật pháp nghiêm minh. Với giới lãnh đạo liêm khiết, nạn tham nhũng không thể lộng hành. Tàng trữ và phổ biến ma túy có thể bị phạt tử hình. Thiếu niên du đãng có thể bị phạt giam và đánh bằng roi. Khi từ nhiệm Lý Quang Diệu nhường quyền lãnh đạo cho một người hiền năng mà không trao cho con trai quyền thừa kế chính trị. Ông đã áp dụng quan niệm Thiên Hạ Vi Công.
Việt Nam ngày nay đang qua cơn sốt phát triển. Với nền kinh tế thị trường giả mạo mặt trái của nó đã phát hiện những tệ đoan trầm trọng như tham lam ích kỷ, xa hoa phóng đãng của những kẻ bất tài vô hạnh nắm giữ chính quyền. Muốn đem lại quân bình cho xã hội, hạnh phúc cho con người, hơn bao giờ hết Việt Nam phải biết phục hồi những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc như tinh thần đại đồng, tinh thần nhân bản, tinh thần dân chủ, tinh thần hiếu hòa và tinh thần bao dung.

Đó là những nền móng tinh thần để dựng nước.

I. TINH THẦN ĐẠI ĐỒNG (Thiên Hạ là của chung)
Muốn thi hành Đại Đạo phải coi thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền năng, giảng điều tín nghĩa, dạy điều hòa thuận. Cho nên người dân không chỉ thân riêng cha mẹ mình, không chỉ thương riêng con mình. Cho người già có chỗ nương thân trọn đời, người trai tráng có việc làm và trẻ thơ được dưỡng dục đến trưởng thành. Chăm sóc người góa phụ, trẻ mồ côi, kẻ tàn phế. Thanh niên có chức phận, phụ nữ có gia đình. Tài sản không hoang phí ngoài ruộng đất mà hà tất phải tàng trữ làm của riêng tư? Tài lực do thân mình làm ra mà hà tất chỉ để phục vụ quyền lợi riêng mình? Vì vậy mưu mô quỷ quyệt không thi thố được, trộm cướp phi pháp không lộng hành được. Từ đó cửa ngõ không cần đóng kín. Đó là đời Đại Đồng.
Các quốc gia dân chủ Tây Phương đã thiết lập chế độ an sinh xã hội để nuôi dưỡng người già, trẻ thơ, người tàn phế, người thất nghiệp. Tại Hoa Kỳ ngày nay người già có chỗ nương thân trọn đời, trẻ thơ được dưỡng dục đến trưởng thành, kẻ tàn phế, người thất nghiệp được hưởng trợ cấp. Vậy mà nạn trôm cướp, bạo hành, sát nhân, ma túy, du đãng vẫn lộng hành. Con người có cơm ăn áo mặc nhưng vẫn thiếu an vui lạc phúc. Lý do là vì nhà nước quá chú trọng về kinh tế mà xao lãng Đạo Lý, đặt quyền lợi trước Lễ Nghĩa.
Các nhà thức giả kỳ vọng rằng qua thiên niên kỷ tới đây, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên Đại Đồng khi Khoa Học Tây Phương phối hợp với Đạo Học Đông Phương. Khu vực Á Châu Thái Bình Dương sẽ là nơi thực thi nền tổng hợp Đông Tây đem lại Thái Hòa cho nhân loại.

II. TINH THẦN NHÂN BẢN (Giá trị con người trong vũ trụ)
“Lửa và nước có khí mà không có sinh. Cây cỏ có sinh mà không có biết. Chim muông có biết mà không có nghĩa. Con người có khí, có sinh, có biết lại có nghĩa nên được coi là quý nhất trong thiên hạ” (Tuân Tử)
“Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của thần linh, là cái khí tinh túy của ngũ hành” (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Nhờ có tinh thần linh diệu và khí chất tinh túy, con người có giá trị tôn quý trong vũ trụ, được sánh ngang với trời đất, trong ba ngôi tam tài Thiên, Địa, Nhân.
Trời sinh ra người, phú cho người tính sáng suốt, thì đạo làm người phải cố gắng theo Đạo Trời mà tiến đến chí thiện, chí mỹ. Tính sáng suốt ấy được gọi là minh đức hay lương tri, tức là khiếu tri giác, mẫn tiệp giúp con người hiểu được tinh thần và chân lý của vạn vật.
Trong hàng ngàn năm chung sống trong xã hội con ngưới ý thức được sự cần thiết của đạo hợp quần:
“Người ta sức không bằng con trâu, chạy không bằng con ngựa, thế mà con trâu con ngựa phải phục vụ con người là vì sao? Là vì con người biết hợp quần.
Lấy gì mà hợp quần? – Lấy định phận.
Định phận thì làm thế nào mà có nhân? – Lấy nghĩa để giữ nhân.
Lấy nghĩa mà định trên dưới thì hòa, hòa thì hợp, hợp thì tăng sức mạnh, tăng sức mạnh thì thắng muôn vật (Tuân Tử)
Nhờ có hợp quần và lương tri con người được làm chủ thiên nhiên.

III. TINH THẦN DÂN CHỦ (Dân vi quý, Quân vi khinh)
Người ta sinh hoạt ở đời không thể không quần tụ. Quần tụ mà không định phận trên dưới thì tranh đoạt nhau. Tranh đoạt nhau thì loạn, loạn thì khốn cùng.
Cho nên định phận là cái lợi lớn của thiên hạ mà đấng nhân quân (cầm quyền) là cái then chốt để cai quản phận trên dưới. Đã có nhân quần, phải có nhân quân để giữ trật tự xã hội. Quân giả là cái nguồn của dân, nguồn trong thì nước trong, nguồn đục thì nước đục. Thi nhân với thiên hạ thì ai cũng thương. Thi nghĩa với thiên hạ thì ai cũng quý. Thiên hạ trọng kẻ nhân quân thì bậc nhân quân cũng phải coi thiên hạ là của chung. Nếu chỉ biết thủ lợi riêng mà làm điều bạo ngược thì trái với thiên đạo. Trời sinh ra dân không phải vì vua. Trời lập ra vua là bởi vì dân. Khi vua tàn bạo người dân có quyền phế bỏ. Giết vua tàn bạo cũng như giết kẻ độc phu (tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu). Lấy nhân nghĩa mà trị thì thiên hạ yên, lấy tàn bạo mà trị thì thiên hạ nguy. Quân là thuyền, dân là Nước, Nước chở thuyền nhưng nước lại đánh đắm thuyền (Tuân Tử). Trong Đức lý Dân Chủ Đông Phương có câu “Nếu Dân không tín nhiệm chính quyền thì chính quyền phải sụp đổ (Dân vô tín bất lập).

Ngòai ra còn có câu “Vua coi Dân như tay chân thì Dân coi Vua như long dạ. Vua coi Dân như trâu ngựa thì Dân coi Vua như người dưng. Vua coi Dân nhu cỏ rác thì Dân coi Vua như giặc thù. Người làm hại nhân là tặc. Người làm hại nghĩa là tàn. Tàn tặc là kẻ không ra gì! Ta chỉ nghe nói giết tên Trụ, chứ không nghe nói giết vua vậy” (Mạnh Tử).
Một số tôn giáo chủ trương vua là con trời (thiên tử) thay Trời trị Dân, vua muốn làm điều gì là Trời muốn điều ấy. Nho giáo trái lại quan niệm Trời với Người đồng một thể, hễ Dân muốn điều gì thì Trời muốn điều đó. Muốn biết Thiên Ý cứ xem ở Dân Tâm:

Trời bao giờ cũng thương dân, dân muốn điều gì trời cũng chiều theo (dân chi sở dục, thiên tất tòng chi. Trời trông thấy cũng vì dân trông thấy, Trời nghe thấy cũng vì dân nghe thấy. Trời sáng suốt là vì dân sáng suốt.Trời minh định thiện ác là vì dân minh định thiện ác. Trên Trời dưới Dân thông đạt với nhau… Trời không thân riêng với ai, chỉ giúp người có đức. Mệnh Trời không trao mãi cho ai, thiện thì được, bất thiện thì mất. Thuận đạo Trời thì còn, Trái đạo Trời thì mất” (thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong) (Mạnh Tử)
Trời với Dân tương quan mật thiết với nhau, do đó trong thiên hạ dân quý hơn cả, vì có dân mới có nước, có nước mới có vua. Dân là gốc nên phải lấy Dân làm quý, Vua làm khinh: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, Quân vi khinh” (Mạnh Tử) Lấy dân làm trọng, Nhà Nước là thứ yếu và coi nhẹ chính quyền.
Đó là đức lý dân chủ truyền thống đông phương

Dân vi quý đưa ra những chủ trương đường lối thực tiễn để mưu cầu hạnh phúc cho dân, tạo bình đẳng cơ hội cho dân trau giồi giáo dục kỹ thuật để tự lực mưu sinh, phát huy văn hóa đạo đức để nâng cao nhân phẩm, gây cho dân ý thức về nghĩa vụ và quyền lợi để tự làm chủ lấy mình (tự do) và làm chủ xã hội (dân chủ).
Theo quan niệm Xã Tắc Thứ Chi, nhà nước là công cụ để điều hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các tầng lớp dân chúng. Do đó không thiết lập chế độ tư bản nhà nước, đế quốc nhà nước để tước đoạt tự do tài sản nhân quyền của dân. Không tổ chức công an mật vụ để trấn áp dân. Không xây dựng quân đội hùng mạnh để đi gây hấn và xâm lấn các quốc gia hiếu hòa lân bang.
Do quan niệm Quân Vi Khinh nhân dân có quyền truất phế các chính quyền chuyên chế bất lực hay tham nhũng. Nếu gặp phải hôn quân bạo chúa, nhân dân có quyền đứng lên dùng võ trang tiêu diệt kẻ tham quyền cố vị đàn áp dân lành.

Trong chế độ Dân Chủ Pháp Trị, nhân dân có quyền thay đổi chính quyền trong vòng ôn hòa hợp pháp bằng cách xử dụng lá phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng.
Nhắc lại chủ trương Dân Vi Quý của Nho Giáo chúng ta mới ý thức câu “Đạo ở gần sao tìm nơi xa? Việc giản dị, sao tìm chỗ khó?” (Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn. Sự tại dị, nhi cầu chư nan).
Chỉ những kẻ đau khổ hoạn nạn, những cô thần nghiệt tử lúc nào cũng lao tâm khổ trí mới thấu tình đạt lý. (Độc cô thần nghiệt tử cố đạt) (Mạnh Tử)

IV. TINH THẦN HIẾU HÒA (Thiện chiến giả phục thượng hình)
Thời Chiến Quốc các nước chủ trương kinh doanh thủ lợi, bắt dân đi lao động khổ sai để khai phá rừng hoang làm giàu cho vua chúa.Có phương tiện trong tay vua chúa tuyển mộ quân lính, mua sắm võ khí để tranh quyền cướp nước gây nên chinh chiến tàn sát dân lành.
“Đời nay người thờ vua nói rằng: Ta vì vua mà khai phá ruộng đất, làm đầy kho tàng, họ tự nhận là lương thần, đời xưa coi họ là dân tặc. Vua không theo đạo nhân mà giúp cho giàu có là giúp cho tên Kiệt vậy. Đời xưa làm cửa ải để chống tàn bạo (ngoại xâm). Đời nay làm cửa ải để đàn áp bóc lột dân làm điều tàn bạo.
“Có người nói: Ta giỏi bầy trận, Ta giỏi chinh chiến, như thế là đại tội. Đi giúp vua không làm điều nhân chính mà làm điều cường chiến. Chiến tranh giành đất xác người đầy đồng; tấn công vây thành xác người đầy thành, thế là đem đất ăn thịt người, tội ấy đem xử tử còn chưa hết tội! Kẻ thiện chiến phải tội đại hình! (Thiện chiến giả phục thượng hình). Kẻ bắt dân đi lao công khai phá rừng hoang làm giàu cho vua chúa phải chịu tội thứ” (Mạnh Tử)
Ngày nay những kẻ cầm quân coi binh sĩ như cỏ rác, đẩy một lúc hàng vạn người vào chỗ chết trong chiến thuật biển người (Thảo thảo chi binh của Mao Trạch Đông) không biết phải phạt vào tội gì.
Đó là gây đại tội “giải thây trăm họ làm công một người” (Nguyễn Du)

V. TINH THẦN BAO DUNG (Thiên hạ Đồng Quy Nhi Thù Đồ)
Khác với miền Tây Á nơi những cuộc chiến tranh tôn giáo vẫn diễn ra từ ngàn năm nay, tại miền Đông Á, với truyền thống bao dung về tín ngưỡng, các đạo Công Giáo, Phât, Khổng, Lão đã đồng thời phát triển trong hàng chục thế kỷ. Đó là tinh thần tứ giáo đồng tôn.
Theo các nho sĩ thiên lý tuy biến hóa trên trăm đường ngàn lối nhưng rút cục chỉ thuộc về một lối mà thôi. “Thiên hạ lo gì, nghĩ gì? Thiên hạ rồi đây sẽ quy về một mối dầu theo những con đường khác nhau”. (Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ). Vì trăm lo chẳng qua chỉ hướng về một mục đích đem lại tự do, thanh bình, an vui và hạnh phúc cho toàn thể loài người (nhất trí nhi bách lự).
Đạo theo nho học rộng như trời đất, che chở muôn loài, chuyển vần bốn mùa, sáng rõ như mặt trời, mặt trăng. Vạn vật cùng hóa dục mà không tương khắc, các tôn giáo cùng hành đạo mà không tương phản. (Trung Dung)
Không chủ trương độc tôn, các nho gia không bài bác các tín ngưỡng khác. Vì công kích các tôn giáo khác chỉ có hại cho đạo mà thôi (Luận Ngữ)

B. TÍN NGHĨA VÀ QUYỀN MƯU
Trong việc lập quốc nho gia dựa vào trào lưu đương thời mà chia thành 3 lối: “Lấy nghĩa mà lập là theo vương đạo; lấy tín mà lập là theo bá đạo; lấy mưu mô quỷ quyệt mà lập là vong quốc.” (nghĩa lập nhi vương, tín lập nhi bá, quyền mưu lập nhi vong)
“Hô hào cả nước làm giàu mà không vụ nghĩa, thủ tín, chỉ cốt vụ lợi. Trong thì gạt dân để cầu lợi nhỏ, ngoài thì dối các nước bạn để tìm lợi lớn. Trong thì không lo phẩm chất tài hóa của mình mà chỉ muốn tài hóa của người. Người trên gạt người dưới, người dưới dối người trên gây nên chia rẽ. Các địch quốc sẽ khinh thường mình, và các nước bạn sẽ nghi ngờ mình. Dùng mãi mưu mô quỷ quyệt sẽ đưa đất nước tới nguy biến. Đó là con đường vong quốc. Lý do là vì không dùng tín nghĩa mà chỉ dùng quyền mưu vậy.” (Tuân Tử)
Dùng quyền mưu có thể cướp được chính quyền nhưng không thể xây dựng được một quốc gia tiên tiến với dân giàu nước mạnh và xã hội văn minh.

(Trên Đây Là Bẩy Điều Bình Giải Với Ông Tập Cận Bình Theo Đạo Lý Truyền Thống Dân Chủ Đông Phương Nhằm Xây Dựng Chế Độ Dân Chủ Pháp Trị Trong Kỷ Nguyên Hậu Cộng Sản).
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
ỦY BAN LUẬT GIA VIỆT NAM BẢO VỆ DÂN QUYỀN

--
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "Đài Đáp Lời Sông Núi" group.

For more options, visit https://groups.google.com/d/optout.


__._,_.___

Posted by: Phu Van 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts