Đại Học chăn Trâu




Wednesday 22 March 2017

HỒN LỠ SA VÀO ĐÔI MẮT EM


....Sau khi nghe xong bản nhạc, bạn hãy nghĩ đến những nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975.
Sau đó, bạn hãy tự hỏi, ‘’Liệu có nhạc sĩ hay thi sĩ nào sống trong chế độ cộng sản tại Việt Nam có thể viết được câu nào hay như những câu trong nhạc miền Nam trước năm 75 ?’’

 

HỒN LỠ SA VÀO ĐÔI MẮT EM

VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’

Cao Đắc Tuấn
Image result for HỒN LỠ SA VÀO ĐÔI MẮT EM


Tóm lược: Câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ trong bản nhạc Về Đâu Mái Tóc Người Thương là một trong những câu ca hay nhất, phản ảnh nền văn hóa nhân bản của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 vì ý tưởng sâu sắc và cách dùng chữ tinh tế. Lối diễn tả tha thiết chân thành này có được là vì sức sáng tạo trong nền văn hóa miền Nam trước năm 1975 được nuôi dưỡng và phát huy trong xã hội tự do của miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Câu này thực ra chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn câu nhạc hay, đầy ý nghĩa, trong những bản nhạc tại miền Nam trước năm 1975 mà người cộng sản cho là ủy mị, yếu đuối, và ru ngủ. Tuy nhiên, sự sống lại và thịnh hành hiện nay của âm nhạc miền Nam trước năm 1975 cho thấy sức mạnh bền bỉ của tình người qua những câu ca tha thiết chân thành và cách dùng tiếng Việt sâu sắc nhẹ nhàng.
***

Đa số người Việt ưa chuộng âm nhạc đều biết ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ là câu đầu của bản nhạc Về đâu mái tóc người thương do Nhạc Sĩ Hoài Linh viết vào năm 1964 Theo tôi nghĩ, bản nhạc Về đâu mái tóc người thương là một trong những bài nhạc tình hay nhất trong giòng nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975. Chắc chắn sẽ có nhiều người không đồng ý; nhưng mỗi người thưởng thức thi ca và văn chương khác nhau, và sự đánh giá thi ca và văn chương rất chủ quan. Do đó, tôi không muốn tranh cãi về sự đánh giá đó. Trong bài này, tôi chỉ muốn trình bày lý do tại sao tôi cho rằng câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ là một trong những câu tiếng Việt hay nhất trong thi ca Việt Nam và chuyện đó có được là nhờ xã hội tự do của miền Nam trước năm 1975. Tôi sẽ không thảo luận về khía cách âm nhạc mà sẽ chỉ chú trọng vào tính chất văn chương của câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em.’’

Âm nhạc miền Nam trước năm 1975 là cả một kho tàng quý báu của văn hóa miền Nam, đại diện một nền văn hóa nhân bản, đầy tình cảm con người, của cả dân tộc Việt Nam. Tôi chọn câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ trong bài này là một thí dụ để chứng minh nền văn hóa miền Nam trước năm 1975 là một nền văn hóa dồi dào, đẹp đẽ, đạo đức, phù hợp với bản chất dân tộc Việt. Ngoài ra, tôi cũng muốn chứng minh tiếng Việt là một tiếng phong phú, nhẹ nhàng, súc tích, và có sức diễn tả tình cảm mãnh liệt.
Tôi đã viết một chút về chính tả và ngữ pháp tiếng Việt (Cao-Đắc 2014, 451-487). Ngoài sự trình bày ý kiến về chính tả (thí dụ như diễn hành/ “diễu hành”, dòng/ “giòng”, sử dụng/ “xử dụng”, phản ảnh/ “phản ánh”) và từ ngữ Hán Việt, tôi có bày tỏ nỗi lo âu là liệu người Việt, nhất là giới trẻ hiện nay, dưới sự tràn ngập của những từ ngữ kỳ lạ, đặc biệt Hán Việt, đang được dùng rộng rãi tại Việt Nam, còn nhớ, hoặc biết cách diễn tả ý tưởng với từ ngữ đơn sơ nhưng có tác dụng mãnh liệt. Bài này cho một thí dụ về cách dùng chữ tuyệt diệu trong tiếng Việt qua lời một câu trong một bài hát của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975.
Trước hết hãy phân tách ý nghĩa của câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ trong nội dung bài nhạc Về đâu mái tóc người thương. Nguyên văn lời bản nhạc như sau:
Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối

Đời lắm phong trần tay trắng tay
Trời đông ngại gió lùa vai gầy
Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm yêu
Thì thôi mơ ước chi nhiều

Bên nhau sao tình xa vạn lý cách biệt mấy sơn khê
Ngày đi mắt em xanh biển sâu, mắt tôi rưng rưng sầu
Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu

Đường phố muôn màu sao thiếu em
Về đâu làn tóc xõa bên rèm
Lầu vắng không người song khép kín
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe lá rơi bên thềm

Bài hát là lời tâm sự của một chàng trai về mối tình của anh. Đó là chuyện tình giữa một chàng trai nghèo (Đời lắm phong trần tay trắng tay) và một cô gái kín cổng cao tường (Lầu kín, Gác cao). Mối tình đó là mối tình câm một chiều, nghĩa là chàng trai chỉ yêu thầm trộm nhớ cô gái (Thầm ước nhưng nào đâu dám nói), và chưa bao giờ tỏ tình với nàng mà chỉ biết nhìn nàng xõa tóc bên màn cửa (Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm) trên gác cao (Gác cao ngăn niềm yêu). Sau đó nàng lên xe hoa về nhà chồng (Lặng nghe tiếng pháo tiễn ai qua cầu), và chàng trai chỉ còn biết khóc (mắt tôi rưng rưng sầu) và nhớ nàng (Nhớ em tôi gọi tên) qua mái tóc xõa bên rèm cửa sổ (Về đâu làn tóc xõa bên rèm).

Câu chuyện chỉ có vậy thôi, khó mà được gọi là chuyện tình éo le phức tạp. Nhiều người còn gọi bài nhạc là nhạc sến. Nhưng bài hát này, như rất nhiều bài hát miền Nam trong 1954-1975 khác, rất được ưa thích không những vì lời nhạc tuyệt diệu, mà còn âm thanh trầm bổng, giai điệu du dương, nhất là khi được phụ họa với tiếng đàn bầu não nuột, tiếng đàn tranh rả rích, hoặc giọng hát truyền cảm của người ca sĩ được yêu thích nào đó.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, ta cũng nên biết chút đỉnh về tác giả bài hát, Nhạc Sĩ Hoài Linh. Nhạc Sĩ Hoài Linh (đừng lẫn lộn với nghệ sĩ Hoài Linh thường đóng vai hài trong các vở kịch) tên thật là Lê Văn Linh, sinh năm 1925 tại miền Bắc Việt Nam và mất năm 1995 tại Sài Gòn. 

Không rõ ông vào Nam năm nào, nhưng ông từng phục vụ dưới chính thể Việt Nam Cộng Hỏa trong đoàn văn nghệ Vì Dân (thuộc Nha Cảnh Sát Quốc Gia) với cấp bậc Trung Úy (Wikipedia 2014). Ngoài bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương, ông là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như Sầu Tím Thiệp Hồng, Căn Nhà Màu Tím, Hai Đứa Giận Nhau, Nhịp Cầu Tri Âm, Lá Thư Trần Thế…Ông có tài đặt lời ca rất hay, văn hoa, có vần có điệu. Theo Wikipedia (2014), ‘’mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Hoài Linh thích sử dụng từ Hán Việt.’’ Ông viết lời nhạc hay đến độ ‘’nhiều nhạc sĩ đã nhờ ông viết lời nhạc của mình như Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Tấn An, Song Ngọc, Mạnh Phát, Văn Phụng, Nguyễn Hiền…’’ (Wikipedia 2014).

Hoài Linh không phải là nhạc sĩ được ưa chuộng nhất trong giòng nhạc vàng. Thực ra, ông không nổi tiếng hơn những nhạc sĩ khác như Phạm Duy, Trúc Phương, Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Hoàng Thi Thơ. Nhiều người còn không biết ông là ai. Ngay cả nghệ sĩ hài Hoài Linh cũng không biết là anh lấy tên của ông. Chỉ sau này có người nói, anh mới tìm tòi và biết đến ông. Nhưng câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ là một trong những câu hát hay nhất diễn tả tình cảm nhẹ nhàng và sâu sắc bằng từ ngữ đơn sơ trong sáng.
Ý nghĩa và cách dùng chữ trong câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’
Câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ có ý nghĩa trực tiếp là hồn của chàng trai rơi vào đôi mắt cô gái. Sau đây, tôi sẽ phân tách ý nghĩa của câu và cách dùng chữ trong câu này.
Khi nói đến ‘’đôi mắt’’ và ‘’hồn,’’ ai cũng sẽ liên tưởng đến câu ngạn ngữ Anh ‘’Con mắt là cửa sổ linh hồn.’’ Nguồn gốc của câu này được cho là đến từ Kinh Thánh, Matthew 6:22-23. Ngoài ra, người Pháp nói, ‘’Les yeux sont le miroir de l’âme’’ (The eyes are the mirror of the soul – Đôi mắt là gương của linh hồn). 

Dù là cửa sổ hay gương, cả hai đều có cùng nghĩa là con mắt phản ảnh cái sâu xa bên trong của một người.

Đôi mắt của người con gái trong bài hát, do đó, phản ảnh tâm hồn cô ấy. Vậy thì tại sao Hoài Linh lại viết hồn của anh ta rơi vào đôi mắt cô ? Hoài Linh có nghĩ đến cái ví von con mắt là cửa sổ linh hồn khi ông viết câu đó không ? Theo tôi nghĩ, câu trả lời là không. Cái diễn tả đơn giản và chính xác nhất là đôi mắt của cô gái quá đẹp nên đã hớp hồn chàng trai. Người Việt dùng chữ ‘’hớp hồn’’ để diễn tả sự mê mẩn, ngẩn ngơ đến độ như người không còn hồn vía. Cái mê mẩn, ngẩn ngơ đó thường do bởi một sắc đẹp quyến rũ, một hình ảnh thôi miên, hoặc một giọng nói thu hút. Một trong những nét đẹp quyến rũ của người con gái là đôi mắt. Đôi mắt của thiếu nữ đã là đề tài của biết bao nhiêu bài thơ và lời nhạc (Xem, thí dụ như, Vương 2003). Do đó chuyện chàng trai bị mê hoặc bởi đôi mắt cô gái không lấy gì là lạ. Nhưng cách Hoài Linh diễn tả nỗi mê mẩn đôi mắt đó thật là tuyệt vời, như sẽ được trình bày sau đây.

Trong cả bài, Hoài Linh chỉ nhắc đến hai khía cạnh về nhan sắc của nàng: Đôi mắt và mái tóc. Với câu mở đầu, Hoài Linh cho thấy chính đôi mắt cô gái đã khiến chàng trai mê mệt. Sau này, khi cô ta đi lấy chồng, cũng chính đôi mắt cô đã khiến chàng đau khổ vì ‘’mắt em xanh biển sâu’’ nói lên nỗi hạnh phúc, mơ mộng, trong khi mắt chàng ‘’rưng rưng sầu.’’

Một câu hỏi là chàng trai mê cô ta vì đôi mắt hay vì mái tóc ? Nếu dựa vào nhan đề của bản nhạc (Về đâu mái tóc người thương), có người sẽ nghĩ rằng chàng si mê mái tóc của cô hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ chàng si mê đôi mắt cô ta hơn. Câu đầu đã khẳng định chuyện đó một cách rõ ràng. Lý do Hoài Linh dùng ‘’mái tóc’’ trong nhan đề không phải là hàm ý rằng chàng yêu mái tóc cô hơn đôi mắt cô, mà vì mái tóc là hình ảnh chàng ghi nhận được nhiều nhất qua những lần nhìn nàng xõa tóc bên song cửa sổ trên gác cao. Cái hình ảnh đó trở nên quen thuộc với chàng khiến chàng ngẩn ngơ khi không còn thấy nàng xõa tóc bên song cửa sổ nữa vì song cửa sổ đã bị khép kín, và tự hỏi làn tóc xõa bên rèm đó nay đi về đâu. Chính cái nhớ nhung mái tóc diễn tả tâm trạng của chàng và đó là lý do Hoài Linh dùng mái tóc trong nhan đề của bản nhạc. Chàng trai yêu đôi mắt cô gái qua câu mở đầu rất mạnh mẽ và sâu sắc, nhưng lại nhớ mái tóc của cô khi cô gái đi lấy chồng. Trong tình yêu, cái bạn yêu không nhất thiết là cái bạn nhớ. Hoài Linh hiểu rõ chuyện đó hơn ai hết thẩy.

Quan trọng hơn, Hoài Linh diễn tả mối tình chàng trai qua đôi mắt cô gái một cách tinh tế và sâu sắc, bằng cách dùng thể chủ động và tác nhân chủ động là hồn chàng trai (thay vì đôi mắt cô gái): Hồn chàng trai sa vào mắt cô gái. Dùng thể chủ động (active voice) thay vì thụ động (passive voice) và dùng tác động hậu quả sa vào cho thấy chính chàng trai là người chịu trách nhiệm cho chuyện bị hớp hồn.
Có hai cách để diễn tả việc đôi mắt cô gái hớp hồn chàng trai:
(1) Đôi mắt nàng thu hút hồn chàng trai.
(2) Hồn chàng trai rơi vào đôi mắt nàng.

Có hai tác động: Tác động nguyên nhân là tác động tạo ra một phản ứng từ đối tượng và tác động hậu quả là tác động do bởi phản ứng với tác động nguyên nhân. Thu hút là tác động nguyên nhân tạo ra hậu quả là phản ứng rơi vào. Câu (1) dùng tác động nguyên nhân và tác nhân là đôi mắt cô gái Câu (2) dùng tác động hậu quả và tác nhân là hồn chàng trai.
Tuy hai câu (1) và (2) diễn tả cùng một cảnh tượng, cách dùng thể và dùng chữ của mỗi câu có ý tưởng và hàm ý khác nhau. Câu (1) hàm ý đổ lỗi cho đôi mắt của cô gái. Câu (2) hàm ý chàng trai là người chịu trách nhiệm cho việc si mê nàng. Bằng cách dùng thể chủ động và tác nhân chủ động là hồn chàng trai với tác động hậu quả diễn tả qua câu (2), Hoài Linh diễn tả cái tình cảm ‘’anh hùng’’ và cao thượng trong tình yêu một cách tế nhị và sâu sắc tuyệt vời. Chàng trai không trách đôi mắt cô gái quá đẹp đã hớp hồn anh, mà anh tự nhận là chính hồn anh đã rơi vào đôi mắt cô gái. Cái tinh tế đó là bản chất của người Việt. Người Việt, khi diễn tả một hành động về một đối tượng đáng kính đáng yêu, không bao giờ nói hay viết một cách thẳng thắn vì không muốn xúc phạm đến đối tượng đáng kính đáng yêu đó.

Nếu cái tính chất cao thượng và sâu sắc của hồn chàng trai rơi vào đôi mắt cô gái được diễn tả một cách tinh tế như trên, cách dùng từ ngữ của Hoài Linh còn cho thấy ông lột trần được sức diễn tả kỳ diệu của tiếng Việt.

Từ lỡ trong câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ được dùng một cách tuyệt diệu. Hoài Linh đã biến một từ rất là đơn giản thành một từ có sức diễn tả thâm thúy và tinh vi. Trong câu này, lỡ là trạng từ, hàm ý một hành động đáng tiếc, thiếu cẩn thận. Thí dụ, ‘’Tôi lỡ làm đổ ly nước,’’ ‘’Cô ta lỡ mua cái áo đắt tiền đó.’’ Đi với sa vào, lỡ hàm ý chuyện hồn chàng trai rơi vào đôi mắt cô gái là chuyện đáng tiếc, không nên làm (nhưng đã làm rồi). Tại sao đó là chuyện đáng tiếc ? Chàng trai biết là mình không nên yêu nàng vì đó là một mối tình vô vọng khi anh nghèo khó, tay trắng tay, trong khi nàng là con gái nhà giàu, kín cổng cao tường. Anh biết là anh không nên ‘’mơ ước chi nhiều’’ nhưng anh không thể kềm được, vì anh đã lỡ yêu nàng rồi. Anh tự trách mình. Bằng cách dùng từ lỡ, Hoài Linh thể hiện hai ý tưởng. Thứ nhất, chuyện hồn anh sa vào đôi mắt nàng là chuyện không toan tính hoăc chuyện không nên làm. Thứ nhì, chàng trai nhận trách nhiệm trong lỗi lầm đó, và tự trách mình.

Về hình thức, Hoài Linh thể hiện cách dùng tiếng Việt một cách tuyệt vời. Từ lỡ hàm ý một ý thức về một hành động. Dùng với hồn, lỡ nhân cách hóa cái linh hồn, và cho linh hồn là một thực thể có ý thức. Thay vì viết ‘’Tôi lỡ để hồn tôi sa vào đôi mắt em,’’ ông viết ‘’Hồn tôi lỡ sa vào đôi mắt em’’ như thể hồn là một thực thể có ý thức, hoặc hồn có một trí tuệ có khả năng điều khiển hành động. Ngoài ra, từ lỡ mang ý nghĩa nhẹ nhàng và dè dặt. Một từ tương tự là trót, cũng có nghĩa là làm một chuyện sai lầm. Trót và lỡ đều là vần trắc, do đó cả hai đều có thể có cùng vần điệu cho bài hát; nhưng trót có ý nặng hơn và hàm ý sự sai lầm đó là dại dột (trót dại), điên rồ, hoặc vô đạo đức (tay trót nhúng chàm). Chàng trai không nghĩ là chuyện hồn anh sa vào mắt cô gái là chuyện dại dột hoặc điên rồ, mà chỉ là chuyện lẽ ra không nên làm thì tốt hơn.

Nếu Hoài Linh dùng từ lỡ một cách tuyệt diệu, ông còn dùng từ sa vào như là một đũa thần linh hoạt đem đến mầu sắc rực rỡ cho toàn câu.

Cũng như lỡ, sa vào rất là đơn giản. Không cầu kỳ, không trau chuốt, và rất là Việt Nam. Một cách đơn giản, sa vào có nghĩa là rơi vào; nhưng sa có một ý nghĩa sâu sắc hơn rơi. Sa có hàm ý tiêu cực, không tốt, tai họa, không may hoặc may mắn một cách không chân chính, không ngờ, có thể do bởi một cái bẫy, một cám dỗ, một sự bất cẩn, hoặc một tai ương nào đó. Có nhiều thành ngữ dùng sa với ý nghĩa tiêu cực như chuột sa chĩnh gạo, bút sa gà chết, chim sa cá lặn, gió táp mưa sa, sa cơ lỡ vận. Sa vào còn ngụ ý vướng víu, không thoát ra được như con ruồi sa vào vũng mật ngọt. Động tác sa còn tạo ra hình ảnh rơi thẳng, nhanh, và không có gì cản trở được (chim sa cá lặn), hoặc với một cường độ mãnh liệt (gió táp mưa sa).
Trong câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em,’’ sa vào vẽ ra một hình ảnh sống động của hồn chàng trai rơi vào đôi mắt cô gái đột ngột một cách không cưỡng lại được, và hồn anh ta giẫy giụa trong vũng lầy níu kéo của đôi mắt cô gái. Một khía cạnh quan trọng của sa vào trong nội dung câu này là sa vào, khác với lỡ, không có hàm ý tự trách mình. Ngược lại, sa vào hàm ý đổ lỗi cho cái cạm bẫy của đôi mắt cô gái. Đôi mắt đẹp của cô gái như bãi mật ngọt, lưới nhện giăng là bẫy để hớp hồn chàng trai. Sự đổ lỗi rất là tế nhị và sâu sắc, như một lời trách móc nhẹ nhàng: ‘’Tại em đẹp quá nên tôi mới yêu em.’’

Hai từ lỡ và sa được đặt sát bên cạnh nhau. Cả hai có ý nghĩa tương tự (hành động sai lầm) nhưng một thì tự trách mình và một thì trách đối tượng. Ý nghĩa trách móc rất là tinh tế nhẹ nhàng và có tác dụng đối nghịch nhau, như thể bào chữa cho nhau; nghĩa là tuy mỗi người chịu trách nhiệm trong chuyện này nhưng khi xem xét toàn bộ, cả hai đều không có lỗi gì cả. So sánh câu đó với câu ‘’Hồn đã rơi vào đôi mắt em,’’ ta thấy ngay sức mạnh của hai từ lỡ và sa vào như thế nào.

Toàn bộ câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ gói ghém những ý nghĩa tinh tế, sâu sắc, đầy tình cảm, và nhẹ nhàng. Đọc lên câu đó, ai cũng có thể hiểu được tâm trạng và tình cảm của chàng trai dành cho cô gái. Tình yêu của chàng không nồng nàn, vũ bão, cuồng nhiệt, vị kỷ, mà thanh khiết, cao thượng, lãng mạn, nhẹ nhàng, và dè dặt.

Đọc tới đây, chắc nhiều độc giả cho rằng tôi phân tách câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ quá đáng, và Hoài Linh chắc là không suy nghĩ kỹ lưỡng như vậy đâu. Đúng, tôi đồng ý. Tôi không tin là Hoài Linh phải suy nghĩ hàng giờ hoặc hàng ngày khi viết câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em.’’ Thực ra, vì câu đó quá hay, tôi tin rằng Hoài Linh nghĩ ra câu đó trong chớp nhoáng, có thể khi ông đang gẩy đàn tìm lời. Những gì tự phát, không chuẩn bị, không cân nhắc kỹ lưỡng, thường là những gì trung thực, phản ảnh tâm trạng và nỗi lòng người viết. Và những gì trung thực, phản ảnh tâm trạng con người là những gì hay nhất.

Hoài Linh quả là một thiên tài trong âm nhạc, tạo dựng một bài hát có âm điệu da diết và lời lẽ tinh tế. Thêm vào đó, tiếng Việt, với những từ ngữ kỳ diệu như lỡ, sa vào, đã giúp ông viết được những lởi nhạc mê hồn. Điểm đặc biệt trong bài là Hoài Linh chỉ dùng ba từ Hán Việt: Phong trần, vạn lý, và sơn khê. Trái với lời đồn, hầu như tất cả những bản nhạc của Hoài Linh dùng rất it từ ngữ Hán Việt. Ngược lại, theo tôi nghĩ, ông dùng tiếng Việt đơn giản, it màu mè trau chuốt. Có những câu rất mộc mạc nhưng tha thiết (Hậu Giang tôi cũng kiếm/ Miền Trung tôi cũng tìm trong Nhịp Cầu Tri Âm), đơn giản nhưng sâu sắc (Trẻ thơ yên tâm sách đèn trong Lá Thư Trần Thế), trẻ con nhưng nồng nàn (Nắm tay hết giận hết hờn trong Hai Đứa Giận Nhau).

Lối diễn tả thiết tha chân thành tự phát trong thi ca được tạo ra từ một xã hội tự do
Ngoài chuyện những bài hát viết trong miền Nam năm 1954-1975, còn gọi là nhạc vàng, có âm điệu trữ tình, nhẹ nhàng, du dương, những lời nhạc cũng rất là thiết tha, chân thành, và đầy tình cảm, dùng tiếng Việt trong sáng, đơn sơ, phong phú. (Tôi sẽ không đi sâu vào sự khác biệt giữa ‘’ âm nhạc/ tình khúc miền Nam 1954-1975’’ và ‘’nhạc vàng’’ nhưng trong bài này, tôi dùng hai biểu hiện đó như nhau) Như đã trình bày ở trên, Hoài Linh không phải là nhạc sĩ nổi tiếng nhất. Câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ đương nhiên không phải là câu hay nhất trong âm nhạc miền Nam năm 1954-1975. Còn có cả ngàn, vạn câu hay như vậy. Tôi không thể viết hết ra được. Nhưng hãy lắng nghe những câu sau đây:
– Và se tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi trong Ngày Đó Chúng Mình – Phạm Duy
– Sóng vỗ về ru giấc quê hương/Nhưng quê hương chưa ngủ trong Biển Mặn – Trần Thiện Thanh
– Mơ thấy một ngày con níu chân cha trong Trộm Nhìn Nhau – Trầm Tử Thiêng
– Ngày nao súng phải thẹn thùng trong Đa Tạ – Anh Việt Thu
– Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ trong Tình Xa – Trịnh Công Sơn
– Cỏ may đan dấu chân tròn trong Bông Cỏ May – Trúc Phương
– Tóc buông giữ vẹn lời thề trong Xa Vắng – Y Vân
– Lòng tuôn đong đầy trang giấy trong Phút Đầu Tiên – Hoàng Thi Thơ
– Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết trong Áo lụa Hà Đông – Ngô Thụy Miên
– Cho em môi hôn vội vàng trong Tình Khúc Cho Em – Lê Uyên Phương
– Tình yêu là những ngôi sao bay vèo trong đêm trong Tình Là Sợi Tơ – Anh Bằng
– Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi trong Một Mai Giã Từ Vũ Khí – Trịnh Lâm Ngân (Nhật Ngân).

Giống như câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em,’’ các câu hát trên rất là đơn sơ nhưng thiết tha, chân thành, và có mãnh lực rung động tình cảm. Cách dùng chữ rất tinh tế và sâu sắc. Vi những câu đó quá đơn giản, quá chân thành, và thể hiện tình cảm con người một cách chân thật tự nhiên không màu mè, tôi tin rằng những nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975 không nghiền ngẫm từ điển, hoặc tốn hàng ngày hàng giờ cố tìm lời ca, mà chỉ viết những câu đó một cách tự phát.

Đa số nhạc sĩ, văn sĩ, hoặc thi sĩ thường có cái hứng ‘’tự phát’’ như vậy. Nhưng không phải ai cũng có thể ghi nhận được, hoặc có được cái hứng ‘’tự phát’’ phản ảnh trung thực tâm trạng mình. Để làm được chuyện đó, người viết nhạc, văn, thơ phải được sống trong một môi trường xã hội khuyến khích tự do và sáng tạo. Chính cái môi trường sinh hoạt cho phép tự do tư tưởng giúp người viết nhạc, văn, thơ tích tụ và phát huy được những ý tưởng tuyệt diệu và biết cách diễn tả các ý tưởng đó một cách hữu hiệu.

Môi trường sinh hoạt đó hiện hữu trong miền Nam trước năm 1975. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa, tuy còn chập chững trong những bước chân đầu tiên của nền dân chủ, là một chính thể dựa vào nguyên tắc căn bản của tự do. Xã hội miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa là một xã hội tự do. Người miền Nam ưa chuộng hòa bình và tự do. Người miền Bắc cũng vậy, nhưng cộng sản miền Bắc đem học thuyết ngoại bang đô hộ dân miền Bắc và chà đạp tinh thần tự do cố hữu của dân Việt, qua những quái trạng như vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm. 

Dưới sự kiểm soát tư tưởng và chính sách tẩy não và nhồi sọ, người dân miền Bắc không có tự do để tích tụ và phát huy những ý tưởng chân thành của con người Mọi chuyện đều phải hướng về đảng cộng sản, cuộc chiến tranh, hoặc tôn thờ Hồ chí Minh. ‘’Ở miền Bắc, mọi thông tin mà quần chúng biết được qua bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào đều bị gạn lọc qua một thể thức kiểm tra được chính quyền, và sau cùng là đảng cộng sản, kiểm soát chặt chẽ; trong miền Nam, mặc dù kiểm duyệt hiện hữu, những quan điểm rất khác biệt về các vấn đề xã hội, kinh tế, quân sự, và ngay cả chính trị luôn luôn được biểu lộ với sự tự do rộng rãi hơn không thể so sánh được’’ (Jamieson 1995, 290). Chính ‘’sự tự do rộng rãi hơn không thể so sánh được’’ đã nuôi dưỡng và phát huy sức sáng tạo mãnh liệt về phương diện văn chương và thi ca, nhất là âm nhạc, tại miền Nam trước năm 1975.

Mối liên hệ giữa tự do và sáng tạo được hiểu rõ trên nhiều khía cạnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng tuyên bố (2010), ‘’Không có tự do, sự sáng tạo không thể nào nẩy nở.’’ Trong âm nhạc, tự do và sáng tạo luôn luôn đi đôi với nhau. Johnson-Laird, khi nghiên cứu mối liên hệ này, nhận xét (1988, 207), ‘’Tự do lựa chọn xảy ra hay nhất trong những hoạt động sáng tạo.’’ Trong giáo dục, không có tự do, khó mà có được sáng tạo: ‘’Tự do là điều kiện cần thiết cho sáng tạo’’ (Erez 2004, 134). Chế độ cộng sản tại miền Bắc Việt Nam hạn chế tự do trong nhiều lãnh vực, nhất là về văn học. Ngược lại, miền Nam trước năm 1975 hưởng tự do gần như là không hạn chế trong lãnh vực văn học, thi ca, và âm nhạc; và do đó đã giúp cho sự phát huy cực thịnh của nền âm nhạc tuyệt diệu sống mãi trong lòng người dân Việt.

Giả sử một người có khả năng như Hoài Linh sống dưới chế độ cộng sản cố viết một câu tương tự như câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em.’’ Có thể ông ta vẫn có được ý tưởng, nhưng ông ta sẽ phải đắn đo suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi viết ra lời nhạc. Ông ta sẽ phải nghĩ đến câu đó sẽ có hậu quả gì, chính quyền có cho phép ông ta xuất bản bài hát không. Ông ta sẽ phải sửa đổi lời nhạc cho thích hợp với ý thích của chính quyền. Hai câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em/ Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm’’ có thể sẽ biến thành hai câu lãng nhách như ‘’Lòng vẫn u hoài thương Bác yêu/ Càng thương càng nhớ càng yêu nhiều.’’ Chuyện tình câm của chàng trai nghèo với cô gái xõa tóc bên rèm cửa sổ có thể sẽ biến thành chuyện chàng trai ‘’dũng cảm, hy sinh tính mạng cho nổ lựu đạn giết quân Ngụy theo lời dậy dỗ của Bác Hồ’’.

Âm nhạc miền Nam trước năm 1975 có ‘’đồi trụy, ủy mị, yếu đuối, và ru ngủ’’ hay không ?

Nói đến văn hóa mà không nói đến cái bối cảnh chính trị là một sự thiếu sót. Văn hóa và chính trị hầu như không thể tách rời được (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2014). Nói đến âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 mà không đề cập đến bối cảnh chính trị là một sự thiếu sót to tát. Tại sao ? Vì âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 đã bị khai tử khi cộng sản chiếm đóng miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, bị chính quyền cộng sản coi là ‘’phản động, ủy mị, đồi trụy, và ru ngủ.’’ Tuy bị cấm đoán, người dân cả khắp ba miền Nam, Trung, Bắc vẫn thích nghe nhạc vàng Sau hơn mười năm cấm đoán, cuối cùng cộng sản phải chịu thua và dần dần cho phổ biến lại một số bản nhạc của miền Nam trước năm 1975. Nhưng tiếc thay, cho dù các bài hát của miền Nam được sống lại sau một thời gian câm nín, sự hồi sinh của âm nhạc miền Nam không thể giúp phát huy nền âm nhạc Việt Nam vì cái môi trường sinh sống của nền âm nhạc đó không còn nữa. Chế độ cộng sản đã hủy hoại tính chất nhân bản của văn hóa và làm suy đồi khả năng sáng tạo của người Việt.

Nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 thể hiện bản chất dân tộc Việt Nam một cách tuyệt vời: Hiền hòa, ưa chuộng hòa bình, đơn sơ, nhún nhường, biết kính trọng, cao thượng, vị tha, chân thật, mộc mạc, bình dân, lãng mạn, và tình tứ. Trong hoàn cảnh chiến tranh trong giai đoạn 1954-1975, âm nhạc miền Nam vẫn có tình thương, kêu gọi hòa bình, ghi nhận những hãi hùng của cuộc chiến, và những mối tình ngây thơ của tuổi học trò hoặc với người lính đang xả thân trong lằn tên mũi đạn. Tuy cũng có vài bài nói đến giết giặc thù, những bài này không chửi rủa phe cộng sản, hoặc kích động chém giết. mà chỉ ghi nhận thực tế của chiến tranh.

Ngược lại, âm nhạc miền Bắc, còn gọi là nhạc đỏ, đượm màu sắc kích động chiến tranh, tuyên truyền, hoặc ca ngợi Hồ chí Minh. Rất it bài chỉ nói về tình yêu trai gái đơn sơ hoặc ước vọng hòa bình. Người cộng sản tự hào là âm nhạc họ ‘’hào hùng, mạnh mẽ, phát huy tinh thần dân tộc chống Mỹ diệt Ngụy’’, và coi âm nhạc miền Nam là ‘’đồi trụy, ủy mị, yếu đuối, ru ngủ tinh thần chiến đấu’’. Sự đánh giá trị này về âm nhạc miền Nam trước 1975 hoàn toàn sai lầm.

Nếu âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 là ủy mị, yếu đuối, ru ngủ, và đồi trụy, thì tại sao bây giờ những bài hát đó được phổ biến khắp nơi trên Việt Nam và hầu như ai cũng ưa chuộng ? Người cộng sản sẽ trả lời rằng trong thời bình, thì những bài đó không ủy mị, yếu đuối, ru ngủ, và đồi trụy; nhưng trong thời chiến thì chúng là như vậy. Câu trả lời đó sai lầm vì nhiều lý do.

Thứ nhất, tính chất ủy mị, yếu đuối, ru ngủ không có thời gian tính và không gian tính. Âm nhạc, giống như thơ văn, phản ảnh con người. Tính chất của âm nhạc, do đó, phản ảnh bản chất con người. Chiến tranh có thể thay đổi sự biểu lộ bản chất con người, nhưng không thay đổi bản chất con người.

Thứ nhì, có chắc là âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 là ‘’ủy mị, yếu đuối, hoặc ru ngủ’’ ngay cả trong thời chiến tranh ? Tôi tin sự thật là ngược lại. Âm nhạc miền Nam 1954-1975 phản ảnh trung thực tâm trạng, cuộc sống, ước vọng, và bản chất người miền Nam lúc bấy giờ; và cái gì trung thực đều mạnh mẽ, bền bỉ, và vững chãi. 

Đó là lý do tại sao mặc dù đã bị khai tử và cấm đoán hơn mười năm, âm nhạc miền Nam 1954-1975 vẫn sống lại và còn được phát huy mạnh mẽ hơn xưa, và được cả dân ba miền ưa chuộng. Ai dám nói rằng các câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em, Mơ thấy một ngày con níu chân cha, Tóc buông giữ vẹn lời thề là ‘’ủy mị ? yếu đuối ? hay ru ngủ’’ ? Ca ngợi tình yêu là ‘’đồi trụy’’ ? Mơ ước chiến tranh chấm dứt để trả súng đạn, sạch nợ sông núi là ‘’ủy mị ? đồi trụy’’ ?

Thứ ba, trong một cuộc mâu thuẫn, một phe không thể áp đặt cái suy nghĩ chủ quan của họ lên phe kia Trong chiến tranh Việt Nam, phe cộng sản chủ trương phải giết kẻ đối đầu để giành chiến thắng. Nhưng người miền Nam không nghĩ như vậy. Trong khi phe cộng sản điên cuồng tấn công miền Nam, người miền Nam chỉ biết giữ thế thủ và tự vệ, hoặc bảo vệ người thân và dân vô tội. Đặt trường hợp bạn đang sống an vui trong nhà, một người anh em trong gia đình đi xa từ đâu về đánh đập con cái bạn, xúi giục chúng chém giết lẫn nhau, và kết tội bạn là kẻ phục tòng một ông nhà giàu nào đó. 

Bạn có coi đó là cuộc chiến để giành chiến thắng hay không ? Phản ứng bạn đương nhiên là tự vệ, bảo tồn gia đình và vợ con; nhưng bạn có muốn hô hào con cái bạn giết người anh em đó không ? Có thể bạn sẽ hô hào con cái bạn chống trả người anh em đó, nhưng bạn sẽ cố tránh không đào sâu mối hận thù bằng những lời chửi rủa hoặc chém giết. Ngược lại, bạn sẽ cố gắng hàn gắn vết thương và thảm khốc của chiến tranh qua những lời thương yêu, và khuyên nhủ người anh em bạn buông súng ‘’về bên bếp hồng tay cầm tay.’’ Đó là cái bản chất nhân bản của dân tộc Việt. Cái bản chất nhân bản thể hiện một phần qua nền âm nhạc chứa chan tình cảm và yêu thương của miền Nam 1954-1975 mà phe cộng sản gọi là ‘’ủy mị, yếu đuối, và ru ngủ’’.

Kết luận
Trong bài này, tôi chỉ dùng câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ trong bài Về đâu mái tóc người Thương của Hoài Linh để đưa ra nhận xét rằng lời nhạ̣c trong đa số những bản nhạ̣c của miền Nam 1954-1975 phản ảnh bản chất nhân bản của dân Việt, với lời đơn sơ diễn tả tình con người thắm thiết. Tôi có thể viết cả ngàn bài tương tự, mỗi bài cho một câu trong một bản nhạ̣c của miền Nam; nhưng chuyện đó là chuyện thừa thải. Ai cũng có thể làm được chuyện đó. Bạn thử làm đi. Hãy nhắm mắt lại, và nghe những bài hát của miền Nam trước ngày 30 tháng 4, 1975. Bạn hãy để hồn bay bổng theo điệu nhạc du dương, tiếng đàn réo rắt, và giọng ca truyền cảm của người ca sĩ bạn yêu thích.

Bạn sẽ thấy muôn hình vạn trạng của bản chất dân tộc Việt như những bức tranh đầy màu sắc, những nét phác họa đơn sơ, những đường kẻ tỉ mỉ, những sắc thái tinh tế, và những nét chấm phá tuyệt vời. Bạn sẽ chóng mặt và hoảng kinh khi nghe những biểu hiện đơn sơ nhưng mạnh mẽ của con níu chân cha, giam em vào lòng, súng phải thẹn thùng, đong đầy trang giấy, môi hôn vội vàng, lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá, vì thương những người không tình yêu, trăng ngà lả lơi, có con chim sâu chỉ lối, vừa đi đã mỏi, thành phố ngả nghiêng, hiu hắt cơn sầu.

Sau khi nghe xong bản nhạc, bạn hãy nghĩ đến những nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975

Sau đó, bạn hãy tự hỏi, ‘’Liệu có nhạc sĩ hay thi sĩ nào sống trong chế độ cộng sản tại Việt Nam có thể viết được câu nào hay như những câu trong nhạc miền Nam trước năm 75 ?’’

Cao Đắc Tuấn
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts