Đại Học chăn Trâu




Tuesday 28 March 2017

Học làm thợ viết


 

Học làm thợ viết

Trịnh Bình An

Khi còn học trong trường, có lần một giáo sư của tôi bảo, “Trường lớp nước ta chỉ dạy làm thày, không dạy làm thợ.” Câu nói ấy tôi không quên nổi vì sau 25 năm làm việc trên xứ Mỹ, tôi vẫn chỉ là một người thợ – họa viên nói cho lịch sự, thợ vẽ là đúng nhứt.
Bây giờ, đã trên tám năm viết lách, tôi tự cho mình là “thợ viết” với cái nghĩa đúng nhất của một người thợ, đó là làm ra một sản phẩm, và sản phẩm ấy không tệ đến mức bị người ta vừa thấy đã quăng ngay vào sọt rác.
Làm thợ gì cũng phải học huống hồ thợ viết. Theo tôi, một thợ viết có 3 điều đầu tiên cần học: học viết rõ ràng, học viết đi rồi viết lại, và, học viết thường xuyên.
Học viết rõ ràng
Viết là diễn tả ý tưởng cho người đọc hiểu, nếu người đọc không hiểu mình muốn nói gì thì dù có ý tưởng hay cách mấy cũng vô dụng. Danh họa tranh châm biếm Chóe – Nguyễn Hải Chí từng nói: “Ta vẽ người nào giống người đó thì khỏi phải ghi tên người. Vẽ phụng khác với gà thì khỏi phải ghi gà hay phụng.” Nhận xét ấy cho thấy Chóe rất để ý tới việc truyền đạt ý tưởng thật rõ ràng tới người xem tranh.
Theo tôi, một câu văn rõ ràng cần 3 điều: văn phạm, chữ dùng, và ý tưởng.
Có ít nhất ba tác giả, theo tôi, đạt được điều ấy, đó là Nguyễn Mạnh Tường, Mặc Đỗ và Minh Võ. Tôi rất thích giọng văn của Võ Phiến, nhưng văn ông tuy đọc nghe hấp dẫn, nhưng người mới học viết không nên bắt chước vì văn phạm không chuẩn dù những chữ ông xử dụng thì chính xác đến bất ngờ.
Ý tưởng là điều rất quan trọng cho sự rõ ràng. Người viết nếu không thật sự hiểu điều mình muốn viết sẽ không thể trình bày rõ ràng. Có nhiều lần, sau khi viết một thôi một hồi, đọc lại, tôi mới giựt mình tự hỏi, “Ủa, mình đang viết cái gì vậy cà?” Chính mình còn không biết mình viết cái gì thì ai biết đây. Khi đó tôi ngưng lại, suy nghĩ thêm rồi mới viết tiếp .
Học viết đi rồi viết lại
Nghề vẽ kỹ thuật (họa viên xây dựng) đã giúp tôi rất nhiều cho việc rèn luyện điều này. Một bản vẽ không bao giờ làm một hai lần là xong, thường phải vẽ đi vẽ lại gần chục lần mới được chấp thuận.
Mỗi lần tính làm biếng nổi lên, tôi lại nhớ tới danh họa người Nga – Ilya Repin – và bức tranh “Reply of the Zaporozhian Cossacks”.
Bức tranh nặng sắc đỏ là bức vẽ “nháp”. Đối với chúng ta, có lẽ vẽ được như thế là đạt lắm rồi? Nhưng với nhà danh họa thì không. Ông đã vẽ lại!
Tranh sơn dầu “Reply of the Zaporozhian Cossacks to Sultan Mehmed IV of the Ottoman Empire” hay “Cossacks of Saporog Are Drafting a Manifesto” của hoạ sĩ Ilya Repin tại Kharkiv Art Museum (hình trên) và State Russian Museum, Saint Petersburg (hình dưới).
Trong bức họa “Người Zaporozhe viết thư cho sultan Thổ Nhĩ Kỳ” nhân vật đội mũ trắng, mặc áo đỏ, đang cười ha hả, (mép phải bức tranh) đã được làm nhỏ lại, và đặt bên cạnh là một một người áo choàng trắng, đứng quay lưng .
Khoảng trắng to của áo choàng thu hút mắt ta ngay lập tức, nhưng từ đó mắt sẽ chuyển qua bên cạnh, tới người đứng cười, tới người đang cầm lông ngỗng viết chữ, và rồi lần lượt tới từng người trong tranh. Để cuối cùng ta nhận ra các nhân vật được phối trí hết sức cân đối nhưng rất sống động.
Nếu với bản nháp ta còn thấy đám người ấy toát ra cái vẻ man dại rờn rợn, thì với bản thật ta thấy họ là những con người phóng khoáng, đáng yêu, và chỉ muốn nhảy vào trong tranh để cùng đọc thư, đùa giỡn, rồi phá lên cười sảng khoái .
Một người tài năng và chuyên nghiệp như Ilya Repin còn phải làm thế, nói gì tới kẻ đang học nghề.
Một số nghề có thể gây trở ngại cho thói quen “viết đi-viết lại”, ví dụ như nghề nha sĩ, hẳn đâu ai muốn răng mình bị làm đi rồi làm lại phải không? Tuy nhiên, sự chính xác của nghề y sẽ giúp tác giả có nghề chính là thày thuốc sẽ cẩn thận ngay từ khi bắt đầu đặt bút xuống
Có lần tôi viết xong, gởi đi. Ông chủ bút tờ báo “đá” ngay lại với lời phê bình “Lý luận như… bố chó xồm!” Ý muốn nói lý luận củ chuối, không hợp lý. Buồn năm phút, nhưng cũng buồn cười nữa. Tôi đọc lại, thấy… “chuối” thật, thế là phải viết lại.
Ít khi tôi “mần một lần là xong”, thường viết đi viết lại không dưới ba lần (như bài này).
Học viết thường xuyên
Ông bà mình từng nói: “Trăm hay không bằng tay quen”, tôi thấy câu này đúng boong!
Có lần đi thăm nhà máy làm gạch men, tôi thấy một nữ công nhân đang lựa gạch. Cô thoăn thoắt xoay mớ gạch để chọn viên gạch mẻ lôi ra. Tay cô lướt nhanh trên những viên gạch thật nhẹ nhàng, thật chính xác, thật đẹp. Cô chăm chú vào công việc, không biết có người lén ngắm nhìn và giữ mãi hình ảnh đôi tay như múa của cô.
Học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng khuyên nên tập thói quen mỗi ngày viết một cái gì đó chứ đừng đợi tới khi có hứng mới viết. Có viết mới có cái để đọc lại và để sửa. Có viết ra mới có lúc để… hết hồn: “Ồ, hổng dè mình có lúc (khờ khạo / thông minh / ngu si / ngây thơ / láu cá) như dzầy sao ta!”
Những họa sĩ, kiến trúc sư thường mang theo mình một cuốn tập ký họa – sketch book. Mỗi khi thấy cảnh vật ngộ nghĩ hay nảy sinh ý tưởng lạ kỳ là họ ghi lại ngay vào cuốn sketch book. Những phác thảo ấy chính là tài liệu để tham khảo cho những sáng tác sau này.
Có lần tới tiệm sách, tôi thấy một sản phẩm thú vị, dạng như một cuốn tập giấy trắng, nhưng ở mỗi trang có những dòng gợi ý, đại khái như: Hãy tả cái cây bạn nhìn thấy trên đường hôm nay / Hãy ghi lại cảm nghĩ về buổi họp hôm nay / Hãy viết lại đoạn đối thoại với người bạn hôm nay/ v.v. Cuốn tập “Hôm Nay” thiệt ngộ, gần như “bài tập làm văn” nhưng ngắn gọn theo kiểu “văn chớp”, không cần đầu–thân–kết, thích hợp cho cuộc sống vội vã ngày nay.
Nói cho ngon chứ tôi cũng thường viết theo hứng. Mỗi lần ngồi trước keyboard tôi thường tự hỏi: “Đề tài nào mình đang hứng nhất đây?” Nhưng đã là thợ thì không được quá phụ thuộc vào cảm hứng, phải làm việc thường xuyên và làm việc có phương pháp. Nếu tôi không cố gắng tập thói quen này thì sẽ chẳng bao giờ thành “thợ rành nghề” nổi.
Dĩ nhiên, làm được thợ viết không chỉ có 3 điều trên là đủ, nhưng tôi cứ bắt đầu bằng ba điều này trước đã.
Có một câu hỏi thế này: “Làm sao để ăn hết một con voi?” – Trả lời: “Chỉ có một cách duy nhất: Phải ăn từng miếng một.” Nên với câu hỏi: “Làm sao để thành một bài viết?” – Câu trả lời theo tôi: “Phải suy nghĩ, viết và sửa chữa từng chữ một.”
Thợ viết, như bất kỳ người thợ nào, làm việc để tạo ra một sản phẩm hữu dụng. Nếu bạn cho rằng bài viết này ít nhiều có ích thì tôi xin cám ơn bạn, vì như thế tôi có thể tự cho mình đã thành người thợ viết.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts