SINH HOẠT KIỂU HUẾ
Trần Đức Anh Sơn
1. Tôi có quen một phụ
nữ Huế, là chủ nhân một ngôi nhà vườn nổi tiếng ở đất thần kinh. Mỗi khi có dịp
tiếp chuyện bà, tôi luôn bị cuốn hút bởi sự lịch lãm, nét quý phái tỏa ra từ
thần thái của bà. Khi xuất hiện trước người khác, bà luôn chăm chút bản thân
từng ly, từng tí, từ trang phục, kiểu tóc đến cử chỉ, ngôn từ. Cứ ngỡ, sự đài
các, nét sang trọng kia do bà tạo ra là cốt để xứng hợp với vị thế hiện tại của
bà. Nhưng không phải vậy! Nhiều người quen biết bà cho tôi hay: kể cả những lúc
khốn khó nhất thì phong thái của bà cũng kiêu sa, đài các như mặc định. Sau ngày
hòa bình, cả Huế đều lam lũ mưu sinh. Gia cảnh của bà cũng sa sút: bà phải ăn
cơm độn, mặc áo cũ; phải cuốc xới mảnh vườn trong phủ đệ, vốn chỉ trồng hoa và
cây kiểng, để trồng các loại rau quả góp thêm cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng mỗi
khi bước chân ra khỏi tòa phủ đệ thâm nghiêm ấy, bà đều ngồi xe xích lô, mặc
những chiếc áo dài không một nếp nhăn, khoác chiếc phu-la mệnh phụ màu trắng.
Người ta nói rằng bà nhất mực gìn giữ một phong cách sống riêng, mà họ gọi là kiểu Huế, cho dẫu vật đổi sao
dời.
Chân dung người phụ nữ
sống theo “kiểu Huế” trong ngôi nhà rường nổi tiếng của bà. Ảnh: Trần Đức Anh
Sơn
Tôi cũng có quen một
ông thầy người Huế, là giảng viên đại học hồi hưu. Thầy sống nhàn nhã và
thong dong trong một ngôi nhà rường xưa ở gần chợ Cống. Thông thạo Hán văn,
rành rọt Pháp văn, lưu loát Nhật ngữ và Đức ngữ, am tường “thiên kinh, vạn
quyển”, nhưng thầy không “cao đàm khoát luận” bao giờ. Mỗi sáng, thầy tự pha
trà trong chiếc độc ẩm màu gan gà hiệu đề Thế Đức;
tự thưởng trà trong chiếc chén “mắt trâu – lật đật” vẽ tích Tô Vũ mục
dương ký kiểu đời vua Tự Đức. Đoạn, thầy dịch thơ haiku, nghiền ngẫm Osho
và tiếp dưỡng cho bản thân bằng hai bữa cơm chay mỗi ngày. Với vốn ngoại ngữ
tinh thông và tri thức am tường, lẽ ra, thầy phải là giảng viên thỉnh giảng “đắt
sô” cho các trường đại học ở Huế như các vị giáo chức hồi hưu khác vẫn làm.
Nhưng thầy lại chọn cho mình một lối sống thanh khiết, bình dị. Nhiều người am
hiểu cũng nói với tôi: “Thầy sống theo kiểu Huế”!
Trong ngôi nhà này có
một ông thầy Huế, rất lãng tử và cũng rất Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
2. Cách đây hơn hai
chục năm, tôi theo một người bạn về thăm quê của anh ở ven phá Tam Giang. Ngôi
làng nhỏ như một ốc đảo lọt thỏm trong cồn cát trắng đến nao lòng, phía đông là
biển xanh bao bọc, phía tây là vùng đầm phá mênh mông ôm ấp. Làng ở sát biển
nhưng dân làng chủ yếu sống về nghề nông và nghề nấu rượu. Sống trong vùng cát
nóng bỏng nên mọi thứ cây trồng: từ các loại hoa màu như: thuốc lá, khoai lang,
đậu phụng, thậm chí cả lúa, cho đến các loại cây một như bạch đàn, dương liễu…
cũng đều phải được tưới nước hàng ngày. Từ ba giờ sáng, người làng đã ra đồng,
mỗi người một đôi thùng trên vai, gánh nước từ các giếng khơi đào trong lòng
cát để tưới cây. Đến khi mặt trời lên đến ngọn tre thì mỗi người cũng đã gánh
được hơn trăm đôi nước tưới.
Lần đó, bạn mời tôi về
nhà ăn kỵ. Nhà bạn nghèo nhưng mâm
cỗ cúng hôm đó rất tươm tất, ước chừng 10 món khác nhau. Tất cả được bày biện
tinh tươm trong những chiếc tô, dĩa, chén làm bằng sứ trắng vẽ lam, mà người
Huế vẫn gọi là đồ kiểu.
Tôi hỏi nhỏ anh bạn: “Những thứ này mượn ở mô
rứa?”. Bạn nói: “Đồ gia bảo, chỉ khi kỵ giỗ
hay tết nhứt mới đem ra dùng”. Tôi lại hỏi: “Nghe nói đồ xưa được giá
lắm, sao nhà anh không bán bớt để có tiền lo việc khác? Còn cúng giỗ thì mình
dùng chén dĩa đời nay cũng được”. Bạn
tôi mắng: “Tầm
bậy. Đã là đồ gia bảo thì có chết đói cũng không được bán. Nhà mình vay mượn để
lo kỵ bữa ni. Đến
mùa thu hoạch sẽ trả nợ, dứt khoát không bán đồ gia bảo”. Trong lễ
cúng, tôi thấy cha của bạn dâng rượu cúng đến ba lần, bèn thắc mắc: “Sao phải dâng rượu cúng đến
ba lần, thường thì chỉ dâng một lần rượu khi vào lễ và một lần trà khi kết thúc
thôi chứ?”. Lễ xong, cha của bạn giải thích: “Trong lễ cúng của người Huế
mình, phải dâng đủ ba tuần rượu, gọi là là sơ hiến lễ
(dâng rượu lần đầu), á
hiến lễ (dâng rượu lần hai) và
chung hiến lễ (dâng rượu lần cuối). Sau
cùng mới hiến trà (dâng trà)”. Tôi vẫn
cố: “Nhưng
mà mình cúng ở nhà chứ có cúng đình, cúng họ mô mà phải nhiêu khê như rứa. Cỗ
bàn e nguội cả”. Ông mắng tôi: “Không được, cúng mô cũng là
cúng, phải đúng bài bản. Xưa bày nay làm, không giản lược được mô”.
Mâm cỗ cúng tất niên
của một gia đình người Huế. Ảnh: Internet.
Sau này ra trường, tôi
vào làm việc ở quần thể di tích cố đô Huế. Thi thoảng, tôi được mời dự khán các
cuộc lễ, kỵ do Nguyễn Phước tộc tổ chức trong Triệu Miếu hay Thế Miếu. Mỗi khi
nghe vị chấp lệnh hô: “hành sơ hiến lễ”, “hành á hiến lễ”, “hành
chung hiến lễ”, “hiến trà”…, tôi lại chợt nhớ
hình ảnh người cha của anh bạn năm xưa, áo dài khăn đóng, thành kính dâng ba
tuần rượu và một tuần trà lên bàn thờ tiên tổ. Rồi thầm nghĩ: “Đó cũng là một kiểu Huế”.
3. Trong Bảo tàng Cổ
vật Cung đình Huế có hai bộ uống rượu rất đặc sắc. Một bộ làm
bằng bạc, chạm trổ tinh xảo,
công phu, niên đại vào đời Tự Đức (1848 – 1883). Bộ
kia làm bằng ngà voi, kiểu dáng cầu kỳ, chế tác vào đời Đồng Khánh
(1885 – 1888). Sử sách triều Nguyễn cho biết: hàng năm, triều đình cấp tiền cho
quan binh các tỉnh tìm mua gạo nếp và gạo tám tốt từ các địa phương, giao cho
Quang Lộc Tự, tùy chất lượng từng hạng rượu thành phẩm cần tiến, mà cấp phát
cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên nấu rượu tiến cung. Loại
rượu ngon nhất được nhập vào Quang Lộc Tự, đến ngày khai niên, được chiết vào
những chiếc bình làm bằng bạc, để dâng cúng ở các miếu thờ tiên đế trong Hoàng
Thành. Bộ bình và chén rượu bằng bạc niên đại Tự Đức đề cập trên đây là một
trong những bộ đồ dâng rượu cúng trong các miếu mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình
Huế còn giữ được. Ngoài rượu gạo, triều đình còn trưng nạp và sử dụng nhiều
loại rượu khác phục vụ sở thích và bồi bổ sức khỏe cho các vị vua quan, trong
đó có rượu dâu từ tỉnh Quảng Bình. Rượu dâu được tiến nạp vào cung để phục vụ
lễ tế hưởng. Sau lễ, số rượu dâu còn lại được nhập vào kho trong hoàng cung để
vua dùng quanh năm và để ban thưởng cho những người có công. Vua Đồng Khánh (1885 –
1889) không chỉ ban thưởng rượu dâu, mà còn sai Sở Nội Tạo chế tác một bộ bình
và chén làm bằng ngà voi, trên thân khắc bốn chữ Hán: Đồng Khánh sắc tứ, đặt trong một
chiếc giá hình lồng đèn sơn son thếp vàng, để ban thưởng cho một trọng thần. Bộ
đồ uống rượu này thật tiện lợi cho những chuyến du ngoạn: mỗi khi đi đâu, chỉ
cần rót rượu đầy bình, treo chén vào các lá cửa của chiếc lồng đèn rồi đóng
lại, giao cho gia nhân thủ giữ. Lúc cần thưởng rượu, chỉ kéo cần gạt phía dưới
lồng đèn, những cánh cửa mở ra, mang chén ngà đến cho tửu khách chiết tửu. Quả
là thú vị vô cùng.
Bộ đồ uống rượu kiểu
cách của vua Đồng Khánh. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Huế là xứ sở của các
loại bánh, mứt. Vì thế, trong cung luôn sẵn có những quả hộp đựng mứt làm bằng
sứ ký kiểu hay bằng pháp lam. Trong điện Long An có
bày một
bộ khay đựng mứt do Pháp lam tượng cục của triều Nguyễn làm vào đời
vua Thiệu Trị (1841 – 1847). Đó là bộ khay gồm 9 ngăn, đặt trong chiếc hộp
gỗ sơn son vẽ rồng. Mỗi ngăn dùng đựng một món mứt, và mứt gừng là thứ không
bao giờ vắng trong quả mứt Tết của người Huế, dù ở trong cung hay ngoài thôn
dã. Ngoài ra, còn có bộ khay pháp lam khác, không phải để đựng mứt mà dùng để
ăn món gỏi. Tôi nhớ lần ở Seoul cách nay 10 năm, cô bạn Kang Soyoung mời tôi đi
ăn món kuyolp’an,
là món gỏi gồm 9 thứ khác nhau (chữ ku tiếng
Hàn nghĩa là số 9). Người Hàn bày món này trong bộ khay sứ có 9 ngăn. Chính
giữa là ngăn đựng những lát củ cải cắt mỏng. Các ngăn xung quanh gồm: lòng
trắng trứng, lòng đỏ trứng gà, nấm hương, thịt bò xào với mè, cà rốt, dưa leo,
ớt xanh xào với tôm bóc vỏ và củ cải trắng. Tất cả đều được thái chỉ và dọn
riêng mỗi thứ một ngăn. Khi ăn, thực khách gắp mỗi thứ một tí, bỏ vào trong lát
củ cải cắt mỏng như tờ giấy, cuốn lại, rồi chấm với xì dầu và dầu mè có trộn
sẵn muối tiêu. Ngon tuyệt trần. Kang Soyoung giải thích: “Món này ngày xưa người Triều Tiên chỉ được
thưởng thức trong dịp Tết hoặc trong các dịp lễ trọng vì chế biến rất cầu kỳ và
tốn kém. Bộ khay dùng để đựng món ăn này làm bằng ch’onghua paekch’a, là loại
đồ sứ trắng vẽ men lam Hồi cao cấp, nên cũng rất đắt tiền”. Tôi bảo
với Soyoung: “Ở Huế của tôi cũng có món ăn tương tự như món kuyolp’an
của người Triều Tiên, gọi là món gỏi thập cẩm. Thức ăn cũng đựng trong những
chiếc khay nhiều ngăn làm bằng sứ hay bằng pháp lam, tất cả đặt trong một chiếc
hộp sơn mài vẽ rồng phượng rất đẹp. Món ấy, người Huế cũng chỉ dùng trong các
dịp trọng đại”. Soyoung
cười: “Vậy thì văn
hóa ẩm thực của người Triều Tiên và người Huế cũng có nét tương đồng đấy nhỉ?”. Hình như
là thế.
Bộ khay dùng để ăn món
gỏi thập cẩm của người Huế. Sưu tập Trần Đình Sơn. Ảnh: Đào Hoa Nữ.
Người Huế
sống, ăn, mặc và ứng xử theo một kiểu thức riêng. Ai không hiểu sẽ cho là người
Huế cầu kỳ, kiểu cách. Còn ai hiểu người Huế, biết về văn hóa Huế, sẽ nói: “Kiểu Huế là
rứa. Có chi mà thắc mắc”.
T.Đ.A.S.
__._,_.___
Posted
by: <vneagle_1
No comments:
Post a Comment
Thanks