Đại Học chăn Trâu




Monday, 7 September 2015

Sinh viên hai lần bị đuổi học vì 'không có lý tưởng Cộng Sản'


Sinh viên hai lần bị đuổi học vì 'không có lý tưởng Cộng Sản'

Việt Hùng/Người Việt
06.09.2015, HÀ NỘI (NV) - Sinh viên Phạm Lê Vương Các, sinh năm 1986, vừa cho biết anh bị trường đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội mời gặp ở văn phòng hôm 1 tháng 9 sau tuần đầu tiên nhập học


Phạm Lê Vương Các (phải) cùng 3 nhà hoạt động (từ trái sang) là Nguyễn Quang A,
Amy Vy Hạnh và Trịnh Hữu Long trước trụ sở Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2014
trong chiến dịch vận động UPR. (Hình: Nhân vật cung cấp)
Trả lời báo Người Việt vào tối ngày 4 tháng 9 năm 2015, anh Các cho biết “Đây là lần thứ hai tôi bị trường Đại HỌC đề nghị thôi học vì cùng một lý do. Lần trước, năm 2013, tôi đã học đến năm cuối trường đại học Luật TP.HCM tôi đã phải bỏ học do sức ép khá nặng nề và chưa có bản lĩnh vững vàng như bây giờ”.
'Không cùng lý tưởng'
Kể về sự việc mới nhất, anh Vương Các cho biết, “Sáng ngày 1 tháng 9, tôi đến trường đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội theo lời mời của một thầy mà tối qua bảo là ‘hướng dẫn tôi bổ túc hồ sơ.’”
Khi đến nơi, người thầy này dẫn tôi đến phòng của thầy Hà Đức Trụ - phó hiệu trưởng, kiêm trưởng khoa liên thông của trường.”
Tại đây, thầy đã hỏi tôi rằng, “Em có biết cô Y bên Cục An Ninh không?” Tôi trả lời rằng biết vì tôi đã làm việc với cô Y mấy lần.
Rồi thầy cho biết, bên Tổng Cục An Ninh có báo cáo về trường hợp của tôi rồi thầy nói thẳng thừng, “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học.”
“Tôi khá bất ngờ về câu nói này, vì không thể nghĩ được nó lại xuất phát từ một người thầy phó hiệu trưởng, khuyên sinh viên của mình như vậy. Thế nhưng tôi liền phản kháng là tôi sẽ không rút hồ sơ nghỉ học, vì tôi chẳng làm gì sai trái cả?”
Thầy bắt đầu hơi lớn tiếng và đi thẳng vào vấn đề, “Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do Dân Chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng Sản. Trường này do những người Cộng Sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị Cộng Sản này.”
Tôi cũng lớn tiếng trả lời, “Khi dự tuyển vào trường này em không thấy chỗ nào giới thiệu trường này là do những người Cộng Sản lập ra, mà trường này là trường Dân Lập. Em cũng không quan tâm và không cần biết trường này do Cộng Sản hay Tư Bản lập ra.”
“Và em cũng nói cho thầy biết, chức năng cao cả của giáo dục không phải là để đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị. Mà là đào tạo ra những con người tự do trước chế độ chính trị.”
Sẽ đấu tranh đến cùng
Trả lời câu hỏi: “Anh có muốn tiếp tục học ở trường này nữa không?”
Vương Các nói: “Mặc dầu không còn yêu thích ngôi trường này, nhưng tôi vẫn sẽ đi học.”
Bởi giờ đây, đối với tôi chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để chứng minh rằng: Bất kỳ một lực lượng chính trị nào cũng không có khả năng xâm phạm và tước đoạt đến quyền được học tập, được giáo dục của chính tôi.
Tôi sẽ kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nó. Chúng ta hãy nhớ rằng, giáo dục đại học cũng chỉ là một nơi cung cấp dịch vụ. Tôi không đi xin, mà tôi đã phải trả một khoản tiền không hề nhỏ là 15 triệu/1 năm để được học ở trường này, và tôi có quyền đòi hỏi sự tôn trọng trong tư tưởng và chất lượng khoa học từ nhà trường.
Anh Các cũng không quên nói với các giáo viên, “Gia nhập đảng phái chính trị là quyền của thầy cô, nhưng đừng dùng sự giảng dạy và nghiên cứu để lồng ghép tuyên truyền cho đường lối, chính sách của đảng phái mình và kêu gọi học trò tuân theo.”
Chức năng của thầy cô không phải là đi tuyên truyền cho đảng phái chính trị mà là hướng dẫn học trò chạm tới mọi ngóc ngách của tri thức nhân loại và giải quyết các nan đề từ cuộc sống đang đặt ra.
“Tuyên truyền, bản thân của nó cũng là một hình thức của nhồi sọ để mọi người nghe theo, điều này là phi khoa học và phi giáo dục. Để thụ hưởng quyền tự do học thuật, trong đó có việc tự do nghiên cứu và tự do giảng dạy luôn phải đòi hỏi quyền tự trị của các tổ chức giáo dục đại học,” anh Các nói.


Phạm Lê Vương Các và bà Elenore Kanter - phó đại sứ, trưởng Ban Chính Trị
và Thương Mại của Thụy Điển tại Việt Nam! (Hình: Nhân vật cung cấp)

Anh Phạm Lê Vương Các là một nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Anh đã có mặt ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genever - Thụy Sĩ vào tháng 6 năm 2014 để phát biểu về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Từ khi về nước vào tháng 8 năm 2014 cho đến nay, anh Các liên tục có những hoạt động phổ biến cho người dân hiểu về “cơ chế kiểm định nhân quyền của Liên Hợp Quốc (UPR).” Chính điều này đã khiến anh trở thành cái gai trong mắt chính quyền CSVN.

Việt Nam: Buôn người, cưỡng ép làm nô lệ, vẫn còn phổ biến

06.09.2015, QUẢNG NAM (NV) - Ba đứa trẻ thuộc sắc tộc Xê Đăng, trốn khỏi một trại gỗ, vừa được giải thoát khỏi một cuộc săn người và đưa về tạm trú ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam.



Ba đứa trẻ thuộc sắc tộc Xê Đăng đang tạm trú tại Trung Tâm Công Tác
Xã Hội tỉnh Quảng Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo tờ Tuổi Trẻ, cách nay hơn một tháng, Hồ Văn Đôi - 13 tuổi, Hồ Văn Điếu - 14 tuổi, Hồ Văn Bâng - 15 tuổi, cùng ngụ tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã đi theo một phụ nữ chưa xác định được lai lịch, đến huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vì bà ta hứa sẽ giới thiệu cho cả ba đi làm, với mức lương là ba triệu đồng/tháng/người. Đôi, Điếu, Bâng đã được giao cho ông Đoàn Văn Phước, chủ một trại gỗ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam...
Khi cả ba thắc mắc vì làm việc quần quật hơn một tháng mà không được trả lương thì ông Phước dọa “đập chết.” Biết bị gạt, cả ba đứa trẻ bỏ trốn, còn ông Phước cho người đi tìm, bắt chúng quay lại. Hôm 4 tháng 9, người của ông Phước tìm được ba đứa trẻ lúc chúng đi đến xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức. May mắn là dân địa phương kịp gọi điện thoại báo cho công an xã nên cả ba đứa trẻ được giải cứu rồi được chuyển cho Trung Tâm Công Tác Xã Hội tỉnh Quảng Nam. Nơi này đang thu xếp để đưa ba đứa trẻ về với gia đình.
Sự kiện vừa kể cho thấy, tại Việt Nam, buôn người và cưỡng ép làm nô lệ vẫn còn là vấn nạn vừa phổ biến, vừa nghiêm trọng.
Năm 2013, Walk Free - một tổ chức chuyên tranh đấu cho nhân quyền, công bố “Chỉ số tình trạng nô lệ 2013.” Theo đó, xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 64/162 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ. Nếu xét riêng khu vực Châu Á, Việt Nam xếp thứ 9. Còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.
Con số nô lệ tại Việt Nam được Walk Free ước đoán nằm trong khoảng từ 240,000 đến 260,000. Walk Free nhận định, tình trạng người Việt bị cưỡng ép lao động phổ biến cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam.
Trước đây, chuyện lừa gạt, cưỡng ép làm việc và dùng nhiều biện pháp khác nhau để cầm giữ người lao động, cột chặt họ với giới chủ chỉ xảy ra với những người Việt đi làm thuê ở ngoại quốc và những người Việt là nạn nhân của nạn buôn người ra ngoại quốc. Tuy nhiên trong thập niên vừa qua, thảm trạng tồi tệ này đã trở thành phổ biến trên khắp Việt Nam.
Chẳng hạn năm 2010, 121 người dân tộc Bh'noong ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, được Xí Nghiệp Nguyên Liệu Giấy Đắk Lắk “tuyển dụng” làm công nhân trồng rừng. Sau sáu tháng làm việc quần quật như nô lệ nhưng không có ai được trả đồng nào, chưa kể do ăn ở kham khổ, lao lực, một người đã thiệt mạng, tất cả đã bỏ việc... Do bị công chúng chỉ trích kịch liệt, mãi tới giữa năm 2013, chính quyền Việt Nam mới chịu can thiệp, 120 nạn nhân mới được Xí Nghiệp Nguyên Liệu Giấy Đắk Lắk “hứa trả lương.” Gia đình người thiệt mạng thì được hứa sẽ nhận khoản hỗ trợ là 20 triệu đồng!
Khoảng tháng 10 năm 2013, nhiều tờ báo ở Việt Nam đưa tin, hàng trăm người thiểu số, cư ngụ tại nhiều khu vực khác nhau ở Tây Nguyên đã bị gạt, bị buộc làm việc như nô lệ ở Lâm Đồng và cuối cùng, thân nhân phải trả tiền chuộc họ về.
Tháng 4 năm ngoái, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về thảm trạng của 75 phu đào vàng làm việc cho Công Ty Phước Minh ở Quảng Nam. Những phu đào vàng này bị đánh đập, buộc làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi, kể cả khi đau bệnh còn Công Ty Phước Minh chỉ hứa trả lương chứ không đưa tiền. Tuyệt vọng vì bị lừa gạt, bị đối xử như nô lệ, họ cùng đào thoát và dự tính sẽ đi bộ, vượt qua quãng đường dài khoảng 600 cây số để về sinh quán là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên đến thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam thì tất cả kiệt sức và chuyện 75 con người xếp thành một hàng dài, quần áo tả tơi, lả đi vì đói khát và cả vì phải cuốc bộ hàng trăm cây số mới được chú ý.
Walk Free không phải là tổ chức đầu tiên cảnh báo về tình trạng nô lệ tại Việt Nam. Hồi tháng 8 năm 2013, BBC từng đăng một phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam. Thông qua Quỹ Trẻ Em Blue Dragon, bà Brown đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ được Blue Dragon giải cứu. Đa số là con em người thiểu số sống tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bị dụ dỗ vào Sài Gòn rồi bị cầm giữ, bị buộc phải làm việc trong các xưởng may, bị ép ăn xin, thậm chí bán dâm.
Theo bà Brown, 25% số trẻ em mà Blue Dragon giải cứu hồi năm 2012 là những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong các xưởng may ở Sài Gòn. Những “xưởng may” này thường rất chật hẹp và vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ở của hàng chục đứa trẻ. Chủ xưởng chỉ cho các em vào nhà tắm 8 phút một ngày. Tám phút đó dành cho cả việc đánh răng, tắm rửa và đi vệ sinh.
Nói cách khác, sau khi trở thành nổi tiếng vì là một trong những cái nôi của tệ buôn người, nổi tiếng vì phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị biến thành hàng hóa để bán đi Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, Việt Nam tiếp tục nổi tiếng vì người Việt bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam.
Ông Florian Forster, trưởng Văn Phòng Di Trú Quốc Tế (IOM) tại Việt Nam, từng nói với bà Brown: Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người tại Việt Nam chỉ mới được chính thức thừa nhận từ năm 2011.
Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) từng xác nhận: Hầu hết các vụ buôn người tại Việt Nam không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính. (G.Đ)


No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts