Đại Học chăn Trâu




Tuesday, 22 September 2015

“ Ý niệm đại học ” : Linh hồn của giáo dục cấp cao


“ Ý niệm đại học ” : Linh hồn của giáo dục cấp cao

 

Bùi Văn Nam Sơn

  

Sau tháng 5.1945, sự sụp đổ của chế độ toàn trị quốc xã để lại một nước Đức nói riêng, Tây Âu nói chung, trong cảnh “tan hoang bờ cõi”. Cơ sở vật chất tan nát dưới bom đạn chiến tranh. Thảm họa nhân đạo cũng vô tiền khoáng hậu. Cấp bách, đáng lo hơn nữa là sự suy sụp của đời sống khoa học và đại học, vốn là “vũ khí bí mật” và niềm tự hào đã đưa nước Đức lên ngôi quán quân về khoa học suốt thế kỷ 19, nhờ thừa hưởng di sản của mô hình đại học Humboldt, được thành lập từ 1810. Chính sách chính trị hóa và công cụ hóa khoa học và đại học của chế độ quốc xã đã đánh đúng vào trái tim và đầu não của quốc gia. Hơn thế, đã hủy diệt giá trị cốt lõi nhất của nền văn minh Tây phương hiện đại : tinh thần khách quan và dân chủ trong khoa học. 

Hàng loạt giáo sư và nhà khoa học đầu đàn, vì lý do chủng tộc hay chính trị, bị cho nghỉ hưu sớm, cấm giảng dạy và công bố khoa học, bị giết hại hoặc lưu vong. Nước Đức mất hơn một phần ba lực lượng khoa học khi chiến tranh kết thúc. Karl Jaspers, bị cấm giảng dạy (vì có vợ gốc Do Thái), đột nhiên đứng trước trọng trách lịch sử: khôi phục lại đại học cổ kính và lừng danh Heidelberg, qua đó góp phần hồi sinh đại học Tây Âu nói chung. Lần hiếm hoi ta được chứng kiến: những tư tưởng triết học của một triết gia “hiện sinh” nổi tiếng có dịp đi vào cuộc sống, được thử thách (và thành công !) trong thực tế ! Trải bao nước chảy qua cầu, nền đại học ngày nay không thể quên công lao và đóng góp có ý nghĩa lịch sử ấy của Karl Jaspers !

humboldt
Tác giả Bùi Văn Nam Sơn
Ảnh chụp tại Trường đại học Humboldt, Berlin (©TVC)

“ Ý NIỆM ĐẠI HỌC ”


Jaspers đã sơ thảo những ý tưởng cốt lõi về đại học từ 1923, viết lại và bổ sung những ý tưởng mới trước tình hình nghiêm trọng và cấp bách, lấy nhan đề cũ : Ý niệm Đại học (Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch, Ban Tu thư ĐH Hoa Sen, 2013). Việc Jaspers dùng lại nhan đề cũ từ hơn hai mươi năm trước cho thấy ông đã ôm ấp và không thay đổi nội dung cơ bản. Đó là: đại học, muốn xứng danh là đại học, phải được một “Ý niệm” dẫn đạo như ngôi sao Bắc đẩu. Không ai có ảo tưởng, một ngày nào đó, sẽ “đến được” ngôi sao ấy, nhưng không có nó, ta sẽ lầm lũi và lầm lạc trong đêm tối mịt mùng. “Ý niệm”, như chân trời vươn tới, như lý tưởng vẫy gọi, vốn là một trong những thuật ngữ đắc ý nhất và quý báu nhất của nhà đại khai minh: triết gia Immanuel Kant !

“ LÒNG HIẾU TRI NGUYÊN THUỶ ”


Con người ai cũng ham hiểu biết. Trong đời sống hàng ngày, ta cần và muốn biết nhiều thứ để có thể đạt được những mục đích nhất định. Chị đi học tiếng Anh, anh đi học vi tính... để dễ tìm việc. Nhưng, đạt được mục đích rồi thì thôi, chuyển sang nhu cầu hiểu biết mới. “ Lòng hiếu tri nguyên thủy ” thì khác ! Nó thể hiện trong việc đi tìm chân lý trong đại học. Nơi đây, thầy và trò gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ một đam mê bất tận, một khát vọng không bao giờ thỏa mãn là luôn vươn tới trong nhận thức, dù biết rằng không có chỗ dừng lại và không thể dừng lại. “ Ý niệm đại học ” chính là sự nuôi dưỡng lòng hiếu tri nguyên thủy khôn nguôi ấy. Không có nó soi đường, đại học sẽ sa đọa thành... trường phổ thông cấp 4 hay cơ sở khổng lồ chỉ biết cung cấp nhân lực cho nền kinh tế và bộ máy cai trị. Tinh thần đại học, như thế, ngay từ bản tính và từ đầu, không thể tương thích với mọi chính sách công cụ hóa dù về chính trị hay kinh tế.

BA NHÂN TỐ CỦA “ Ý NIỆM ĐẠI HỌC ”


Xét như là định chế, “ Ý niệm ” hay “ lòng hiếu tri nguyên thủy ” trong đại học thể hiện qua ba nhân tố :

-   sự thống nhất luôn mới mẻ của các ngành khoa học. Vì “ đại học là nơi thực hiện năng lực hiếu tri nguyên thủy ” trong phạm vi rộng lớn nhất, do đó, dù phân ngành và chuyên môn hóa đến đâu, các phân khoa phải có mối dây liên hệ nội tại, đảm bảo tính nhất quán và hữu cơ của một toàn bộ, truyền sức sống cho nhau như từ một cơ thể. Nếu không thế, đại học sẽ thoái hóa thành “ cửa hàng bách hóa ” phục vụ theo ý thích của “ khách hàng ” như một loại “ dịch vụ kiến thức ” đơn thuần, “ mua ” rồi, “ xài ” rồi thì thôi ! Vì thế, nghiên cứu khoa học là lý do tồn tại của đại học, song hành với công việc giảng dạy. Không có nghiên cứu “ bất tận ”, lòng hiếu tri chỉ là nhất thời.

-   định chế đại học, xét cho cùng, chỉ là điều kiện vật chất cho việc phát huy nhân cách của những con người sống và làm việc trong đó. Đinh chế “ được đánh giá tùy vào việc nó có đào tạo nên những nhân cách tốt đẹp nhất hay không và liệu nó có khả năng đảm bảo những điều kiện tinh thần cho việc nghiên cứu, truyền thông và giảng dạy ”.

-   về mối quan hệ giữa đại học và nhà nước, Jaspers nhận ra sự tương hỗ luôn căng bức : đại học vừa thuộc nhà nước, vừa tự trị, không mang tính nhà nước. Thành hay bại là ở chỗ xây dựng được cơ chế hợp tác bền vững, ổn định và tôn trọng lẫn nhau.

NHIỆM VỤ TỐI CAO CỦA ĐẠI HỌC : ĐÀO LUYỆN ĐỜI SỐNG TINH THẦN


Nghiên cứu và giảng dạy cần kết hợp với tiến trình đào luyện con người. Cái sau mới là thành tựu quý báu nhất và là nhiệm vụ tối cao của đại học. “ Giáo dục đại học là tiến trình đào luyện sự tự do đầy thực chất, mà cụ thể là tham gia vào đời sống tinh thần đang diễn ra ở đó ”. Sự đào luyện ấy chủ yếu diễn ra trong tinh thần Socrates. Hoạt động khoa học mang những con người có lòng hiếu tri nguyên thủy lại với nhau, tạo nên một cộng đồng, một nền “ cộng hòa những học giả ”, trong đó chỉ có luận cứ là được xem trọng chứ không phải quyền lực hay quyền uy.

Trong lời giới thiệu in ở đầu tác phẩm này (“ Ý niệm đại học, như một giá trị cốt lõi ”), chúng tôi đi đến kết luận : “ Đến với công trình tâm huyết này của Jaspers, ta chỉ có thể trân trọng “lòng tin triết học” của ông rằng : đại học hiểu như sự thống nhất của các ngành khoa học không chỉ là một Ý niệm phát triển từ triết học, dựa trên một tiến trình lịch sử đã qua, mà còn là một Ý niệm sẽ điều hướng diễn trình trong tương lai. (...) Ý niệm, theo đúng nghĩa, không phải là mộtsáng kiếnchủ quan, mà là kết quả của lao động trí tuệ, vì thế, không thể tìm thấy nó một cách dễ dàng trong thực tế. Nhưng, không một cơ quan, tổ chức hay xã hội nào có thể trường tồn mà không tìm ra và bảo vệ những giá trị cốt lõi. Hiểu theo nghĩa ấy, biết đâu Ý niệm có khi mạnh hơn thực tại, vì nó định hình thực tại ”.

Bùi Văn Nam Sơn


Bài này đã gửi đăng trên Người Đô Thị (27.8.15) và Văn Hoá Nghệ An (2.9.15)


image





Tinh thn đi hc, như thế, ngay t bn tính và t đu, không th tương thích vi mi chính sách công c hóa dù v...
Aperçu par Yahoo

Chuyện xảy ra tại Hà Nội ngày 1.9.2015, cùng lúc Công an giữ ông Nguyễn Quang A ở sân bay Nội Bài (từ 9 giờ sáng đến quá nửa đêm).

“ Em hãy rút hồ sơ và
nghỉ học ở trường này đi ”


Phạm Lê Vương Các


Các bạn có tin đó là câu nói của một thầy Chủ nhiệm Khoa “khuyên” sinh viên của mình sau khi nhập học được 1 tuần không ?
Còn đối với tôi câu nói này đã trở nên rất đỗi quen thuộc vì tôi đã được nghe nó nhiều lần khi học ở Đại học Luật TP.HCM. Và lần này tôi lại được nghe ở Trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội – nơi tôi đang theo học chuyên ngành Luật kinh tế.
Nhưng khác với lần trước, lần này tôi nghe lại cụm từ “ em hãy nghỉ học ở trường này đi ” một cách hết sức thô thiển từ một người Thầy, buộc tôi phải viết lại những gì đã xảy ra vào buổi sáng ngày hôm qua.

Vào sáng ngày 1/9, tôi đến trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội theo lời mời của một thầy mà tối qua bảo là “ hướng dẫn tôi bổ túc hồ sơ ”.
Khi đến nơi, người thầy này dẫn tôi đến phòng của thầy Chủ nhiệm khoa để làm việc. Khi vào phòng, Thầy đang ký giấy tờ cho một số người, tôi ngồi đợi một chút và quan sát trên bàn thấy một bản “ Báo cáo ” của Tổng Cục an ninh có đề tên Phạm Lê Vương Các được in đậm ngay trên tiêu đề.
Khi công việc ký tá đã xong, trong phòng chỉ còn lại tôi và 2 người Thầy (một Thầy dẫn tôi đến, với một Thầy Chủ nhiệm Khoa), và câu chuyện giữa tôi và Thầy Chủ nhiệm Khoa bắt đầu.

Thầy hỏi : “ Em có biết cô Y bên Cục An ninh không ? ” Tôi trả lời rằng biết vì tôi đã làm việc với cô Y mấy lần.
Rồi Thầy cho biết, bên Tổng Cục an ninh có báo cáo về trường hợp của tôi rồi Thầy nói thẳng thừng : “ Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học ”.
Tôi choáng váng mặt mày, tim đập thình thịch, 2 hàm răng bắt đầu run lên và va vào nhau, lỗ tai bắt đầu nóng lên… Tôi im lặng nhìn đăm chiêu ra ngoài cánh cửa, phải mất 2 đến 3 phút sau tôi mới lấy lại bình tĩnh và hỏi : “ Thầy cho em biết lý do?
Thầy nói : “ Trường này đào tạo đa ngành, nên đào tạo ngành Luật không tốt bằng mấy trường khác đào tạo chuyên về Luật. Em nên kiếm những trường chuyên về Luật, học ở đó thì sẽ tốt cho em hơn ”.
Tôi thở dài... sau một lúc im lặng suy nghĩ tôi đã trả lời rằng : “ Em sẽ không rút hồ sơ và sẽ tiếp tục học ở trường này. Vì em đã nhập học được một tuần rồi, nên không thể thay đổi lựa chọn được nữa, vì đã quá muộn.”
Thầy trả lời lại là chưa muộn đâu, bây giờ vẫn còn có thể được, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Thầy bắt đầu hơi lớn tiếng và đi thẳng vào vấn đề : “ Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng sản. Trường này do những người Cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị Cộng Sản này.”
Tôi cũng lớn tiếng trả lời : “ Khi dự tuyển vào trường này em không thấy chỗ nào giới thiệu trường này là do những người Cộng Sản lập ra, mà trường này là trường Dân lập. Em cũng không quan tâm và không cần biết trường này do Cộng Sản hay Tư Bản lập ra.. Và em cũng nói cho thầy biết, chức năng cao cả của giáo dục không phải là để đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị. Mà là đào tạo ra những con người tự do trước chế độ chính trị.”
Thầy : “ Nếu không đào tạo ra những con người của chế độ chính trị thì cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị. Giáo dục của Anh, Pháp, Mỹ cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị của nó, và giáo dục cũng Việt Nam cũng vậy ”.
Tôi : “ Giáo dục của họ sinh viên được tự do lựa chọn tư tưởng. Còn các trường đại học ở Việt Nam thì không. Vì các trường đại học của họ được tự trị mà thế lực chính trị không thể can thiệp được, ít nhất về mặt tự do nghiên cứu, học thuật. Còn ở Việt Nam thì không. Thầy xem tất cả trường đại học nào ở Việt Nam mà không có chi bộ Đảng Cộng Sản trong đó không, cho dù đó là trường Dân lập ? Và điều đó có cần thiết không ?
Thầy trả lời là cần thiết, và còn cho biết, không chỉ trong các trường đại học có chi bộ Đảng mà còn có cả An ninh để quản lý và theo dõi sinh viên nữa, nên không phù hợp cho tôi theo học trường này.

Một lúc sau Thầy nhẹ giọng : “ Tôi biết em đi học Luật để làm gì. Dù An ninh không ép nhà trường phải cho em thôi học vì nhà trường cũng có sự độc lập riêng. Nhưng An ninh đã thông báo về trường, thì nhà trường phải…”.
Tôi hỏi lại : “ Giả sử an ninh gây sức ép để trường buộc em thôi học thì nhà trường căn cứ vào đâu để ra quyết định buộc em thôi học ?
Không đợi Thầy trả lời, tôi nói tiếp : “ Em nói cho Thầy biết, nhà trường chỉ có thể buộc em thôi học khi em có những hành vi vi phạm phạm luật qua một bản án xét xử của Tòa án. Cơ quan An ninh không có chức năng xét xử mà họ chỉ là cơ quan điều tra. Họ điều tra và báo cáo như thế nào là việc của họ, nhà trường đừng để họ làm thay công việc của Tòa án và xem họ như là Tòa án ”.
….
Cảm thấy thuyết phục tôi không được, Thầy có thổ lộ là trước khi làm việc với tôi, cô Y bên Cục an ninh cũng có nói với Thầy là không thể thuyết phục được tôi trong vấn đề này đâu, vì “ nó là lý tưởng nên rất khó tác động để thay đổi ”.
Không biết đây có phải là lý do để Thầy đánh phủ đầu tôi bằng những câu nói cứng rắn ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên để tìm kiếm hy vọng ?
Khi thuyết phục tôi nghỉ học không được, Thầy chuyển sang đề tài trong khâu tuyển sinh, không biết có phải nhằm mục đích để “dọa” tôi hay không, ngẫm lại thật buồn... cười.
Thầy nói như vầy :
Em học Cao đẳng ngành Quản Trị Nhân sự à. Như vậy là không đúng quy định (học trái ngành) để được học liên thông lên ngành Luật kinh tế ở trường này
Tôi : “ Khi nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường này, em đã đọc kỹ thông báo là sinh viên học Cao đẳng không đúng chuyên ngành luật vẫn được phép thi liên thông học lên đại học ngành Luật Kinh tế. Và em đã nộp hồ sơ, trải qua kỳ thi do trường tổ chức, và khi trúng tuyển em đã làm thủ tục nhập học thì không có vấn đề gì.”
Thầy : “ Thông báo đó em đọc ở đâu?
Tôi : “ Em đọc trên trang website của trường.
Thầy : “ Việc tuyển sinh ngành này là do tôi ký, không lẽ tôi không biết. Không có thông báo nào như thế cả.”
Tôi : “ Có máy tính kia. Thầy hãy mở ra và lên đó đọc ”.
Nhưng Thầy vẫn khăng khăng khẳng định là không có thông báo đó và nói bằng Cao đẳng của tôi học liên thông lên đại học ngành Luật kinh tế là không đúng.
Tôi tiếp lời : “ Ở lớp em có hai mươi mấy bạn. Chỉ 1 hoặc 2 người là học cao đẳng luật. Còn lại tất cả đều không có bằng cấp gì liên quan tới luật.”
Thầy bảo : “ Nếu vậy thì tôi sẽ xem xét lại tất cả hồ sơ, và nếu cần thiết thì tôi sẽ đề xuất lên trên giải tán luôn lớp đó.”
Thiệt tình. Lúc đó bỗng dưng tôi có suy nghĩ con người tôi nguy hiểm đến cỡ đó sao. Thật chẳng thể nào hiểu nổi.
Tôi nhận thức được nhà trường không hoan nghênh tôi là điều dễ nhận ra, nhưng bất chấp phải trái, đúng sai, lộng ngôn kiểu này thì tôi đành chào thua.
Tôi bảo : “ Em sẽ không tranh cãi với Thầy ở điểm này nữa. Có vấn đề gì khúc mắc, muốn đuổi học, muốn giải tán lớp, đó là việc của Thầy thì Thầy cứ làm. Nhưng làm gì thì cũng phải Quyết định bằng văn bản đàng hoàng. Để tụi em còn có căn cứ để xem xét có nên đi khiếu kiện hay là sẽ chấp hành.”

Buổi làm việc chỉ diễn ra khoảng 20 phút, vì Thầy bận đi họp. Trước khi kết thúc tôi nói rõ thông điệp của mình : “ Em đã trưởng thành, thì em hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không để liên đới tới ai. Em trúng tuyển và đóng tiền vào đây là để học và tìm kiếm tri thức. Nhà trường có nội quy, khi tới trường thì em sẽ tôn trọng và chấp hành nó. Còn khi em bước chân ra khỏi cổng trường thì chúng ta không liên quan đến nhau. Tốt nhất là nhà trường không nên can thiệp vào những hoạt động bên ngoài của em, vì nhà trường có muốn can thiệp thì cũng không được đâu. Nếu ngoài kia em có hành vi vi phạm pháp luật thì pháp luật sẽ xử lý em chứ không phải đi xử lý nhà trường.
Tốt nhất là chúng ta hãy nên giữ cho nhau thì sẽ tốt hơn cho cả 2 bên, cho nhà trường và cho cả phía em ”, tôi nói.
Và thế là, câu chuyện thầy trò của chúng tôi khép lại với hình ảnh, mạnh ai xách cặp người đó bước ra khỏi cửa, mà không có cái bắt tay và lời chào tạm biệt.
Ra đến sân trường, chợt tôi nhớ lại lời Thầy nói, nào là ông Trọng đi gặp ông Obama, dù họ khác biệt về ý thức hệ và quan điểm chính trị nhưng họ vẫn có thể ngồi lại đối thoại với nhau và tôn trọng nhau. Thế thì tại sao chúng ta-là mối quan hệ thầy trò lại không thể đối thoại với nhau một cách tôn trọng nhau hơn, thưa Thầy?
Có phải chính vì Thầy có suy nghĩ “ giáo dục là để đào tạo ra con người để phục vụ cho chế độ chính trị ”, đã làm cho Thầy coi trọng “ sinh mệnh chính trị ” của mình hơn là nhân cách của nhà giáo phải không?
Tôi sẽ không phán xét về Thầy, tôi dành câu trả lời cho cộng đồng và dư luận phán xét, và cho cả chính Thầy.
Nhưng tôi bị tổn thương sâu sắc vì sự xúc phạm bởi chính người Thầy và nhà trường, nơi mà tôi sẽ phải gắn bó trong một thời gian dài.
Lòng khoan dung là tối cần thiết để tránh kéo dài xung đột, và để tạo ra một môi trường giáo dục và một xã hội nhân bản hơn, nên tôi sẽ “ gìn giữ cho nhau ” bằng cách không nêu tên của Thầy lên đây.
Nếu trong thời gian tới, Thầy Chủ nhiệm khoa và nhà trường còn tiếp tục những hành vi tương tự, tôi cam kết với Thầy và trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội rằng : Tôi sẽ kiên quyết đấu tranh để bảo vệ cho Quyền được học tập và giáo dục của mình.
Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể đứng trước cổng trường căng băng rôn phản đối nhà trường bất chấp đạo đức và pháp lý ép buộc sinh viên nghỉ học vì lý do chính trị.
Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể đứng trước cổng trụ sở của Bộ Giáo Dục căng băng rôn đòi Quyền tự trị cho các trường đại học ở Việt Nam.
Và bất kỳ lúc nào, tôi cũng có thể gửi đơn khiếu tố sự việc này cho “ Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền Giáo dục ”, để đưa vấn đề này ra trước cộng đồng quốc tế.
….
Dù khi ra về Thầy có nói rằng, tôi là đối tượng có khả năng tranh luận được với Thầy nên Thầy sẽ còn gặp lại để tranh luận tiếp. Nhưng tôi thấy, giữa tôi và Thầy không thể tiếp tục tranh luận hoặc đối thoại được nữa khi Thầy còn gặp tôi với mục đích để “ khuyên ” hoặc “ ép ” tôi ra khỏi cái trường này, chứ không nhằm mục đích kiến tạo ra các giá trị tri thức và tư tưởng mới trong tranh luận.
Ba của tôi khi biết chuyện này liền nhắn tin nói với tôi rằng : “ Cá nhân con nên quên chuyện vào trường học XHCN đi. Bởi họ chỉ muốn những người như con cầm cuốc đào đất mà không được cầm bút. Đã biết chúng xài luật rừng mà đi học luật nữa làm gì. Hãy thu xếp về nhà sớm lúc nào đỡ tốn kém cho mình lúc ấy. Con nghe Ba một lần này đi, có nhiều con đường học tập khác dành cho con.”
Theo các bạn, tôi có nên nghe lời ba của tôi không? Trường này có còn xứng đáng để cho tôi tiếp tục theo đuổi việc học ở đây?
Câu trả lời của tôi là: tôi sẽ tiếp tục đi học tại ngôi trường này dù tôi không còn yêu nó.
Đi học tại ngôi trường này, giờ đây, đối với tôi chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để chứng minh rằng: bất kỳ một lực lượng chính trị nào cũng không có khả năng xâm phạm và tước đoạt đến Quyền được học tập, được giáo dục của chính tôi.
Tôi sẽ kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nó.
Chúng ta hãy nhớ rằng, giáo dục Đại học cũng chỉ là một nơi cung cấp dịch vụ. Tôi không đi xin, mà tôi đã phải trả một khoản tiền không hề nhỏ là 15 triệu/năm để được học ở trường này, và tôi có quyền đòi hỏi sự tôn trọng trong tư tưởng và chất lượng khoa học từ nhà trường.

Phạm Lê Vương Các

2.9.2015

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts