Đại Học chăn Trâu




Friday, 10 June 2016

Dư luận về vị trí của Ông Bob Kerrey tại Đại học Fulbright Việt Nam


Dư luận về vị trí của Ông Bob Kerrey tại Đại học Fulbright Việt Nam

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-06-09
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
bob-kerry-622B.jpg
Ông Bob Kerrey phát biểu trong Lễ nhận quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5/2016 tại TPHCM.
Photo courtesy of Zing
00:00/00:00
Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Vai trò chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright tại Việt Nam của Ông Bob Kerrey tiếp tục là đề tài bình luận giữa những ý kiến ủng hộ và phía phản đối. Gia Minh ghi nhận quan điểm của một số người từng tham chiến trước đây cũng như sống ở miền bắc xã hội chủ nghĩa về tranh cãi đó.

Khép lại quá khứ

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, được mạng báo Trí Thức Trẻ phỏng vấn về vụ việc chủ tịch Hội đồng Tín Thác Đại học Fulbright Việt Nam của Ông Bob Kerrey. Một cựu chiến binh từng chỉ huy một đơn vị Thủy Bộ Không Phối hợp - SEAL của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Đầu năm 1969, đơn vị của ông này tiến hành một cuộc tập kích vào ấp Thạnh Phong ở Bến Tre khi có tin lãnh đạo cấp cao của Việt Cộng về họp cùng bí thư chi bộ địa phương. Hậu quả có 24 người bị giết chết, trong đó có 14 phụ nữ, trẻ em và một cụ già.
Trong trả lời phỏng vấn của mạng Trí Thức Trẻ Ông Phạm Văn Trà nhắc lại chủ trương của Việt Nam là ‘khép lại quá khứ, hướng đến tương lại’, cho rằng đó là một chủ trương đúng đắn.
Đang có (chủ trương) khép lại quá khứ thì đừng nhắc lại gì cả. Hơn nữa trước khi trong chiến tranh ông ấy có những chuyện như thế nhưng nay ông quay lại giúp xây dựng cho đất nước Việt Nam thì ý nghĩa hay hơn, chứ có sao!
-Đại tá Bùi Văn Bồng
Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đưa ra quan điểm về chủ trương vừa nêu nhất là trong bối cảnh đang có tranh luận về vụ việc Ông Bob Kerrey:
“Đang có (chủ trương) khép lại quá khứ thì đừng nhắc lại gì cả. Hơn nữa trước khi trong chiến tranh ông ấy có những chuyện như thế nhưng nay ông quay lại giúp xây dựng cho đất nước Việt Nam thì ý nghĩa hay hơn, chứ có sao! Chất nhân đạo, nhân văn chi phối, thể hiện sống có hậu.
Trong mối quan hệ mới ‘khép lại quí khứ’ thì đừng nhắc lại tội ác của người này, người kia nữa. Vấn đề bây giờ người ta góp phần xây dựng cho một Việt Nam đổi mới và người ta đưa tri thức, nâng cao trình độ dân trí cho nước Việt thì đừng phân biệt người này, người kia; miễn là họ có tấm lòng giúp cho Việt Nam có hiệu quả.”
Một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, Ông Trần Bang, từ Sài Gòn cũng đưa ra ý kiến về việc Việt Nam và Hoa Kỳ cần khép lại quá khứ chiến tranh và hướng đến hợp tác xây dựng, phát triển cho Việt Nam.
“Tôi ‘bênh vực’ việc hướng đến tương lai, hướng thiện. Tôi cho rằng ngày xưa Ông Bob Kerrey tham gia chiến tranh thì cũng như bất cứ vị sĩ quan nào cũng phải thực hiện các mệnh lệnh chính trị.
bob-kerry-400.jpg
Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5/2016 tại TPHCM. Photo courtesy of fetp.edu.vn
Ngay như Ông Obama khi sang Việt Nam và phát biểu vào ngày 24 tháng 5 vứa rồi, nói rõ hai nước Việt Nam và Mỹ lúc đó trở thành thù địch bởi vì chủ nghĩa cộng sản và chiến tranh lạnh. Hai thứ này gây ra chiến tranh và ông ta tham gia chiến tranh nên gây ra tội ác và cũng đã sám hối. Ông ấy đã sám hối và không cần ai bênh vực, bào chữa cho ông về những điều đã xảy ra trong quá khứ.
Còn trong quá khức Việt Nam có nhiều vụ thảm sát do hai bên thực hiện. Ví dụ như vụ Mậu Thân ở Huế, rồi như trước năm 1975 hai bên pháo kích thì bên cộng sản cũng pháo kích vào dân; nhưng những người làm điều đó thì dấu mặt không nhận lỗi, đó mới là điều đáng chê trách!
Suốt từ năm 90 cho đến nay ông ta vận động cho học bổng Fulbright mà nhiều nhà chính trị, chính khách của Việt Nam được thụ hưởng học bổng này.”

Ngược với chủ trương

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, từ Đà Lạt, cho rằng những ý kiến phản đối việc chọn Ông Bob Kerrey là chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam là không phù hợp với chủ trương mà chính quyền và cả đảng cộng sản Việt Nam đề ra trong quan hệ Việt- Mỹ:
“Theo tôi thì bà Tôn Nữ Thị Ninh máy móc quá và chống lại quan điểm của đảng bà. Bởi vì kẻ thù nhất trên phương diện vĩ mô, người ta bỏ rồi. Trước đây đảng này (đảng cộng sản) chống Mỹ nhưng nay Mỹ samg hợp tác toàn diện, mỗi ngày một phát triển rồi.
Điều nguy hiểm là đối với Trung Quốc sau chiến tranh biên giới, đảng này viết trong tài liệu Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp - 1 ngàn năm đô hộ và trong thời cộng sản; thế mà bây giờ lại thân chưa từng có!
-TS Hà Sĩ Phu
Điều nguy hiểm là đối với Trung Quốc sau chiến tranh biên giới, đảng này viết trong tài liệu Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp - 1 ngàn năm đô hộ và trong thời cộng sản; thế mà bây giờ lại thân chưa từng có!
Bà Tôn Nữ Thị Ninh thành kiến với một người từng tham gia chiến tranh Việt Nam trước đây như thế là bà ta còn bảo hoàng hơn cả vua. Bà ta quên rằng chính ông ta có lời xin lỗi vì từng tham gia một cuộc chiến không có ý nghĩa.
Điều tốt nhất là bây giờ ông ta làm điều ích lợi cho dân trí, cho văn hóa Việt Nam. Phải dựa vào hoạt động trực tiếp của ông ta. Khi nào ông ta trực tiếp làm mà có vấn đề gì thì bà hãy nói.
Đảng này (đảng cộng sản) trên quan điểm công khai đã sửa rồi, sửa nhiều hơn bà rồi sao bà còn Mao-ít quá vậy!”
Đại tá Bùi Văn Bồng thì cho rằng chủ nghĩa lý lịch không thể nào còn được tồn tại trong thời đại hiện nay:
“Chủ nghĩa lý lịch chỉ có cộng sản hay dùng; nhưng quan điểm của tôi là con người hành động, làm việc mới như thế nào; chứ còn truy lại quá khức thế này, thế nọ thì mất hay, đâm ra thành sự nhỏ nhen.
Tầm nhìn mới phải trên cơ sở động cơ, ý nghĩa việc làm cho mặt khoa học, nhân văn, xã hội như thế nào!”

Phản đối

Nhà văn Nguyên Ngọc đưa ra ý kiến của ông sau khi có phản đối về chức chủ tịch Hội đồng Tín thác của  Đại học Fulbright Việt Nam của Ông Bob Kerrey. Nhà văn tự vấn trước đây bản thân ông và những đồng đội khác là lính Việt Cộng từng ‘nấp’ trong người dân để họ có thể cùng chết mà trong đó có cả những bà mẹ và em bé.
Một cựu chiến binh và hiện nay là nhà báo độc lập sống tại Nha Trang, Ông Võ Văn Tạo, có một bức thư ngỏ gửi đến người phản đối mạnh mẽ nhất là bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh Châu Âu. Ông Võ Văn Tạo mong bà này đọc những ý kiến ủng hộ việc để Ông Bob Kerrey đảm nhận chức vụ chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam nhằm có được quan điểm khách quan hơn.

Vài lời về việc bổ nhiệm Ông Bob Kerrey tại Đại học Fulbright Việt Nam

TS Nguyễn Đăng Hưng
2016-06-09
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
bob-kerry-622.jpg
Ông Bob Kerrey (thứ hai từ phải sang) tại Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5/2016 ở TPHCM.
Photo courtesy of fetp.edu.vn
Hôm nay Bob Kerrey nói rõ là sẽ không từ chức chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Tôi cho là ông có lý và ban chủ trương Đại học Fulbright đã có lý khi bổ nhiệm ông ngồi vào chiếc ghế có tính biểu tượng này.

Vì lợi ích của sinh viên

Nói về sự ra đời của trường này trong bài phát biểu trước hơn 2.000 người tại Hà Nội, tổng thống Mỹ barack Obama đã ghi nhận:
“Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi thật hào hứng trước việc mùa thu tới, trường đại học Fulbright University Việt Nam sẽ khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh – đây là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam – tại đây nhà trường sẽ được hoàn toàn tự do học thuật và sẽ cấp học bổng cho những ai cần”.
Ta phải hiểu đây là một trường tư thục do người Mỹ đầu tư 100%, được xây dựng tại Việt Nam theo phong cách giáo dục Mỹ, trong đó tự do học thuật là kim chỉ nam cho hoạt động, tính cách phi lợi nhuận (chỉ vì lợi ích của sinh viên) là cơ sở của sự phát triển.
Mọi phát biểu phản đối nhân sự của trường từ bên ngoài là vi phạm nguyên tắc tự do học thuật, là sự can dự không cần thiết vào việc tổ chức học thuật của ban chủ trương, nhất là trong giai đoạn “trứng nước” hiện nay.
Đã từ lâu chính quyền Việt Nam, người Việt Nam đã đặt lòng tin vào giáo dục Hoa Kỳ. Hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam đã được gửi sang Mỹ du học. Hiệu quả và chất lượng của nền giáo dục Mỹ là điều toàn thế giới công nhận.
Đã từ lâu chính quyền Việt Nam, người Việt Nam đã nhìn nhận là nền giào dục Việt Nam đang bị những cơn bệnh trầm kha khó chữa và những cơ sở giáo dục đến từ Âu, Mỹ, Nhật, Úc sẽ là những làn gió mới tốt lành, những gương soi, thúc đẩy sự thay đổi thật sự trong một tương lai không xa.
Ông Bob Kerrey là một chính khách có uy tín cao tại Mỹ, nhóm của ông gồm các cựu sỹ quan Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam như Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cựu Đại sứ Pete Peterson, Giám đốc Chương trình VN của Đại học Harvard Thomas Vallely sẽ là những nhân tố không thể thiếu cho việc vận động tài chính lâu dài và bền vững cho FUV.
Về chuyên môn, ông Bob Kerrey đã có những kinh nghiệm dày dạn về quản lý nhất là tổ chức hình thành đại học hiện đại tại New York (New School) và San Francisco (quỹ Minerva).
FUV còn là biểu tượng của nhận thức mới trong bang giao Mỹ Việt được khẳng định sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyển Phú Trọng năm ngoái và Tổng Thống Obama tháng 5 vừa qua.
Tôi hoàn toàn đồng ý với phát biểu của Bí Thư Thành Ủy TP HCM Đinh La Thăng: “Dự án Đại học Fulbright Việt Nam là một bằng chứng cụ thể và có tính biểu tượng cao cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ đang quyết tâm “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

FUV là bước đầu cụ thể của hợp tác toàn diện Mỹ-Việt

Sự thành công của bước đi đầu là cần thiết cho việc củng cố những bước đi dài hơn, cao hơn, có ý nghĩa bao quát hơn như hiệp ước kinh tế TPP, hợp tác quân sự…
bob-kerry-622B.jpg
Ông Bob Kerrey phát biểu trong Lễ nhận quyết định thành lập Đại học Fullbright Việt Nam ngày 25/5/2016 tại TPHCM.
Hợp tác chiến lược và toàn diện với Hoa Kỳ chính là quốc sách khẩn thiết và cấp bách để bảo vệ lợi ích trước mắt của Việt Nam, duy trì toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải. Chỉ có các cường quốc như Mỹ, Nhật, Châu Âu mới có khả năng bảo vệ tự do giao thông ở biển Đông Nam Á, duy trì hòa bình, ổn định chống lại manh tâm bá quyền xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền của các dân tộc Đông Nam Á đặc biệt tuyến đầu Việt Nam.
Xin nhắc lại đây điều tôi đã từng viết về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Mỹ:
“Lợi ích của Việt Nam ở biển Đông Nam Á là sự sống còn của dân tộc, lợi ích của Mỹ ở đây là duy trì thông thương, thương mại các vùng biển quốc tế, là sự tôn trọng luật pháp quốc tế, là việc duy trì trật tự thế giới hình thành sau thế chiến thứ hai: Luật lãnh thổ, lãnh hải, luật biển, quyền con người, quyền tự do dân chủ…”
Chiến tranh đã để lại những đau thương mất mát khôn cùng cho cả hai phía. Ký ức chiến tranh, ngay cả những ký ức hãi hùng nhất đã vào những trang sử Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta không thể nào quên được những gì đã xảy ra. Bên thắng cuộc trong chiến tranh đang “loay hoay” tìm đường đi trong công cuộc mưu cầu tự do hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Bên không thắng được trong chiến tranh nóng đã chiến thắng trong chiến tranh lạnh và nay vững vàng trở thành vật cản hữu hiệu chống lại thế lực bành trướng đang vi phạm luật pháp quốc tế, mưu đồ đế quốc mới với tham vọng thay đổi địa chính trị, chiếm đất, chiếm biển, với hành động có thể hung tàn hơn cả Đức quốc xã trong những năm 30-40 của thế kỷ trước.
Nói cho cùng dù thất bại hay chiến thắng trong cuộc chiến 1960-1975 thì cuối cùng chỉ có người dân của hai đất nước là khổ nhất.
Cái khó là thắng được chính mình, thắng được lòng hận thù, chân thành sám hối để cùng nhau bắt tay xây dựng tương lai hòa bình, thịnh vượng đích thực đàng hoàng và bền vững.
Cái khó, cách làm ngoại giao dân sự hữu hiệu là tăng cường sự gắn bó bằng hữu giữa hai bên, không làm nản lòng những người có thiện chí. Lớp người này vẫn còn là thiểu số tại Mỹ cũng như tại Việt Nam.
Hãy chờ 10, 20 năm nữa, hãy chờ những thành quả cụ thể của FUV, hãy chờ xem những thế hệ sinh viên tốt nghiệp và thành đạt trong xã hội Việt Nam xuất phát từ FUV.
Phản biện, góp ý là quyền của mọi người, đặc biệt của người trí thức, nhưng góp ý cái gì và lúc nào với nội dung nói lên sự công tâm, lòng thiết tha cho tiền đồ dân tộc là rất cần thiết.
Chuyến viếng thăm của Tổng Thống Barack Obama tháng Năm vửa qua đã chỉ rõ lòng dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đang hướng về đâu.
Tôi đồng ý với nhận định của nhà văn hóa Nguyên Ngọc:
“Bob Kerrey là tội phạm, điều ấy ông đã đau đớn nhận, nhưng ông cũng là nạn nhân. Nạn nhân bi thảm của cái “chiến thuật” nghe rất hay ho kia. Bob Kerrey nhận ra mâu thuẫn chết người ở chiến thuật ấy, nhưng không dùng nó để bào chữa cho mình. Điều đó là vĩ đại. FUV có được một người đứng đầu như vậy là tuyệt đẹp. Và tôi cho lựa chọn của FUV là thật nhân văn.”
Tại sao phải lo lắng việc trong tương lai khi có ngày, ngay tại sảnh trường đại học danh giá FUV, sẽ có một bức tượng của ngài Bob Kerrey, vị Chủ tịch Hội Đồng Quản trị sáng lập trường, với dòng giải thích:
“Nguyên là một sỹ quan quân đội Mỹ đã tích cực tham gia một cuộc chiến tàn khốc tại Việt Nam, đã chịu trách nhiệm về việc sát hại 20 người dân Việt Nam nhưng sau đó đã chân thành sám hối, cật lực vận động thành lập và điều hành trường để có ngày hôm nay”.
Còn tấm gương sám hối tích cực có tính lịch sử nào sinh động hơn?
Chúc ngài Bob Kerrey thành công tại Việt Nam!
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư danh dự trường Đại học Liège, Bỉ
Cố vấn cao cấp của Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
Sài Gòn ngày 7/6/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts