Đại Học chăn Trâu




Friday 17 November 2017

Nhật-Hoa Tái Ngộ Vì sao Nhật Bản mới sẽ trở thành cường quốc Đông Á?

Xuan Nguyen
Nhật-Hoa Tái Ngộ
Vì sao Nhật Bản mới sẽ trở thành cường quốc Đông Á?

(Thời Sự Ngày Mai của Kim Nhung Show trên đài SBTN, phát hình tối Thứ Ba 14 Tháng 11).
KN: Kim Nhung xin kính chào quý KTG trong tiết mục Thời Sự Ngày Mai của Kim Nhung Show trên đài truyền hình SBTN với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về các chủ đề vượt qua thời sự hầu chúng ta cùng hiểu được những gì có thể xảy ra ngày mai. Kim Nhung xin kính chào tái ngộ ông Nghĩa.

KN 1: Thưa quý KTG, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang kết thúc chuyến công du năm nước Á Châu và gặp nhiều lãnh tụ của thế giới tại hai thượng đỉnh quốc tế ở Việt Nam và Philippines. Trong chuyến đi, người ta nhận thấy lãnh tụ Bắc Kinh là Tập Cận Bình ra sức o bế vuốt ve ông Trump, nhưng giao tình giữa Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới là khía cạnh nổi bật. Từ đó người ta càng chú ý đến mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Trung Cộng và Nhật Bản, hai nền kinh tế có sản lượng hạng nhì và hạng ba của thế giới sau nước Mỹ. Vì vậy, kỳ này Kim Nhung mới đề nghị kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trình bày cho chúng ta bối cảnh của cuộc tranh đua giữa hai nước giàu mạnh nhất Á Châu. Thưa ông Nghĩa, khi Tập Cận Bình vẽ ra viễn ảnh cường thịnh của Trung Cộng như một siêu cường có thể vượt mặt Hoa Kỳ trong vài thập niên tới thì nước Nhật nghĩ gì sau khi đã khuất phục và xâm chiếm Trung Quốc trong thế kỷ 20?
NXN 1: - Thời sự Tháng 10 cho thấy hai lãnh tụ Nhật và Tầu là Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa đạt chiến thắng chính trị rất lớn ở nhà và cả hai đang ra sức cải cách ở bên trong để giải quyết nhiều khó khăn nội bộ nhưng với mục tiêu lâu dài là tạo ra sức mạnh trên trường quốc tế. Vì vậy, sự tranh đua giữa hai nước láng giềng đã từng là cừu thù mới là điều mà chúng ta nên theo dõi. Kỳ này, chúng ta sẽ tập trung vào việc đó mà không quên vai trò của nước Mỹ ở bên này Thái Bình Dương. Quả thật là Hoa Kỳ trông cậy vào sức mạnh của nước Nhật như đồng minh chiến lược gắn bó nhất của mình từ sau Thế chiến II, nhưng liệu Nhật Bản có thể nào quật khởi sau hơn hai chục năm chìm đắm trong những khó khăn kinh tế của mình hay không? Chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội tìm hiểu về chuyện này như một bối cảnh của sự tranh đua Nhật-Hoa với ảnh hưởng rất lớn tới tình hình an ninh Đông Á.

KN 2: Kỳ này, Kim Nhung xin ông khởi đầu về bối cảnh ấy và trước hết đối chiếu sức mạnh của hai quốc gia này.
NXN 2: - Thế giới thường chú ý tới sự quật khởi đáng ngại của Trung Quốc sau hơn trăm năm lụn bại và coi thường Nhật Bản sau hai chục năm khủng hoảng nên chúng ta rất nên nhìn lại sự tình một cách lạnh lùng tỉnh táo. Bị choáng ngợp vì một số thành tựu kinh tế của Trung Cộng sau hơn 30 năm cải cách vừa qua, người ta quên Nhật cũng chỉ mất vài chục năm để từ bước canh tân thời Minh Trị Thiên Hoàng sau khi bị Hoa Kỳ uy hiếp lên tới vị trí đại cường đã đánh bại Trung Quốc rồi Đế quốc Nga trong các trận hải chiến năm 1894 và 1905. Ngày nay chính là sự quật khởi ấy của Nhật Bản đang làm lãnh đạo Bắc Kinh mơ ước một bước nhảy vọt tương tự để trở thành bá chủ Á Châu và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. Nhưng điều ấy cũng hàm ý việc khuất phục Nhật Bản và trở thành động lực làm Thủ tướng Shinzo Abe phải cấp tốc cải cách và tu chỉnh hiến pháp để có sức mạnh quân sự tương xứng với bài toán an ninh và tồn vong của xứ sở. Cho nên thời sự ngày mai chính là sự tranh đua và tái kiến giữa hai cường quốc này.

KN 3: Thưa ông, nói đến việc đối chiếu sức mạnh của hai nước, ta có thể mở đầu về nước Tầu. Sự thật thì Trung Cộng mạnh yếu ra sao?
NXN 3: - Truyền thông khá nông cạn của Tây phương, nhất là của Hoa Kỳ, cứ gây ấn tượng về một nước Tầu sẽ lừng lững đi lên để thách đố nước Mỹ. Sự thật thì Trung Cộng vẫn còn là một nước nghèo, và đấy là mối lo của Tập Cận Bình khi ông ta hứa hẹn kiến tạo một quốc gia sung túc trong vài thập niên tới. Thực tế, như chính họ Tập cũng công nhận, quốc gia này có quá nhiều dị biệt bên trong, với bốn khu vực không cân đối về lợi tức, dân số và diện tích. Thế giới chỉ thấy khu vực giàu mạnh nhất là các tỉnh miền Đông, ở vùng duyên hải gồm có chín tỉnh hay thành phố, có sản lượng hơn phân nửa của toàn quốc. Người ta quên rằng các tỉnh ở bên trong và khu vực rộng lớn ở miền Tây, mỗi nơi sản xuất ra chừng 20% sản lượng toàn quốc và ba tỉnh vùng Đông-Bắc là đất Mãn Châu cũ thì cung cấp được 8% sản lượng. Khi nhìn vào địa dư, với diện tích bát ngát tới 10 triệu cây số vuông, sự khác biệt quá lớn này là một vấn đề chính trị và là bài toán ưu tiên của Tập Cận Bình khiến ông tập trung quyền lực vào trong tay mình để giải quyết, nếu không xong thì nước Tầu lại có loạn như đã từng bị trong quá khứ.

KN 4: Trong khi ấy, thưa quý KTG, như ông Nghĩa tiên đoán từ lâu, đà tăng trưởng sản xuất của Trung Cộng hết là 10% mà dân số Trung Cộng vẫn còn chừng 400 triệu người sống trong sự bần cùng. Chính sự khác biệt về lợi tức ấy mới khiến Tập Cận Bình nói tới những mâu thuẫn cơ bản của thời đại mới khi đọc bài báo cáo chính trị khai mạc Đại hội đảng của Khóa 19 vào ngày 18 tháng trước. Thưa ông Nghĩa đấy có là nhược điểm của xứ này hay chăng?
NXN 4: - Trung Quốc có dân số lớn nhất địa cầu trên một lãnh thổ rộng lớn nên là một cường quốc có thể huy động một đạo quân đông đảo nhất. Đấy là sức mạnh được thiên hạ nói tới. Nhưng mặt trái là xứ này cần một lực lượng trị an lớn nhất thế giới, có cấp số còn cao hơn quân đội. Lực lượng trị an đó, nôm na là cảnh sát, là gánh nặng cho ngân sách quốc gia và nay đang phải canh chừng sự bất mãn và động loạn vì những khác biệt quá lớn về lợi tức ở từng địa phương. Người ta ít nhìn ra mâu thuẫn ấy mà chỉ nói đến sự bành trướng của lực lượng hải quân và sự hung hăng của họ ngoài Đông Hải.

KN: Sau phần thông tin thương mại, Kim Nhung xin được trở lại để nhìn qua phía Nhật Bản trong cuộc tranh đua với Trung Cộng, xin quý vị đừng rời máy.

Thông tin Thương mại.

KN: Xin cảm tạ sự theo dõi của quý KTG. Trong phần đầu, chúng ta đã tìm hiểu về thế ganh đua giữa Trung Cộng và Nhật Bản với một số chi tiết về những nhược điểm bên trong của xứ Trung Cộng. Qua phần hai, ta sẽ nói về nước Nhật.

KN 5: Thưa ông Nghĩa, trong phần đầu, ông nói về những khác biệt kinh tế của bốn khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc trong khung cảnh thật ra còn nghèo với gần 400 triệu người sống dưới mức bần cùng. Nếu cũng nhìn từ bối cảnh địa dư thì Nhật Bản là một nước quần đảo thay vì một cường quốc đại lục như nước Tầu, mà cũng có bốn đảo lớn, họ có những khác biệt về sản lượng và lợi tức hay không?
NXN 5: - Dĩ nhiên là có khác biệt về sản lượng của bốn khu vực, là đảo Hongshu hay Bản Châu, Hokaido hay Bắc Hải Đạo, Kyushu hay Cửu Châu và Shikoku hay Từ Quốc. Nhưng khác biệt về lợi tức thì không trầm trọng như Trung Cộng. Đấy là điều dễ hiểu cho một xứ chỉ có hơn 140 triệu người so với Trung Cộng có dân số gấp 10. Thứ nữa, nói chung mức sống người dân thì giàu hơn Trung Quốc gấp bội. Thứ ba, họ có tình liên đới hợp quần và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn chung của quốc gia chứ không vì nạn suy trầm từ 1991 mà bỏ xứ ra đi hoặc tầu tán tài sản ra ngoài. Nhược điểm của Nhật nằm ở chỗ khác.
- Lãnh thổ xứ này thiếu tài nguyên mà chỉ là những quần đảo có đầy núi lửa lại thường bị thiên tai như động đất và sóng thần tàn phá. Đặc tính ấy khiến người dân có tâm lý bi hùng, hãnh diện là một dân tộc anh hùng hơn nhiều dân tộc khác, nhưng cũng là một bài toán kinh tế. Bài toán trở thành vấn đề sinh tồn vì người Nhật sống trên hải đảo và không có đất lùi. Nhưng cũng vì vậy mà họ nhìn vào Trung Quốc khác hẳn cái nhìn của Hoa Kỳ. Đấy là vùng đất họ từng xâm chiếm để kiếm ăn và nay đang lo ngại sẽ bị bao vây và tấn công khi nước Tầu nổi dậy.

KN 6: Ông nói đến khó khăn kinh tế từ năm 1991, liệu nước Nhật có hy vọng hồi phục hay không dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe?
NXN 6: - Tôi cho là lãnh đạo Bắc Kinh cũng theo dõi rất sát chuyện này vì đang có vấn đề tương tự. Kinh tế Nhật bị nạn bong bóng đầu cơ và lâm khủng hoảng từ năm 1991 khi bóng bể và cho tới nay vẫn chưa phục hồi. Đắc cử từ cuối năm 2012, gần cùng lúc với khi Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư sau Đại hội 18, Thủ tướng Shinzo Abe cố cải cách với kế hoạch được gọi là “Abenomics” qua ba mũi tên, thứ nhất là ráo riết bơm tiền, thứ hai là kích thích tiêu thụ nhờ ngân sách và thuế vụ và mũi tên thứ ba, quan trọng nhất và khó thực hiện nhất là cải cách cơ cấu, kể cả luật lệ lao động, thuế khóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Sau khi đại thắng vào tháng 10 vừa rồi, ông Abe sẽ đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu là điều chúng ta đang chứng kiến.

KN 7: Ông Nghĩa vừa nhắc đến một sự trùng hợp là Tập Cận Bình lên lãnh đạo gần như cùng lúc ông Shinzo Abe lên làm Thủ tướng vào cuối năm 2012. Từ khi lãnh đạo Trung Cộng, Tập Cận Bình phát triển ảnh hưởng ra ngoài để vừa tranh thủ đồng minh bằng tiền bạc hay lợi ích kinh tế vừa bành trướng về quân sự. Thưa ông, còn Thủ tướng Nhật thì sao?
NXN 7: - Ta đừng quên rằng ông Shinzo Abe làm Thủ tướng trong có một năm rồi từ chức năm 2007. Khi trở lại và vừa đắc cử cuối năm 2012, ông đã trước tiên thăm Việt Nam và lặng lẽ bành trướng ảnh hưởng kinh tế qua nhiều nước khác. Nhờ biện pháp bơm tiền với lãi suất thấp và còn tụt xuống số âm, và chính sách kích thích tiêu thụ và giảm tiết kiệm, với kết quả là các doanh nghiệp có mức lời rất lớn, Nhật Bản dư thừa tư bản. Chính quyền Abe khuyến khích việc đầu tư ra ngoài để vừa tranh thủ thị trường Âu Mỹ vừa chiêu nạp các đồng minh ngay tại Đông Á. Khác với các kế hoạch kinh tế tài chánh của Bắc Kinh như Con Đường Tơ Lụa hay Ngân đàng Đầu tư Hạ tầng nhuốm mùi an ninh và chính trị, kế hoạch của Nhật không mang tính chất đe dọa. Nhật còn có ba mũi giáp công là đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp, viện trợ chính thức gọi là ODA và một định chế tài chánh quốc tế là Ngân hàng Phát triển Á châu ADB có trụ sở tại Manila của xứ Phi Luật Tân, xưa nay vẫn có Chủ tịch là người Nhật. Thế giới chỉ nói tới nạn suy trầm kinh tế Nhật mà không thấy rằng Nhật Bản đã tung tiền ra ngoài và xây dựng một mạng lưới liên kết nhờ quyền lợi kinh tế.

KN 8: Thế còn về mặt an ninh, thưa ông Nghĩa, Nhật Bản đã làm những gì trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh?
NXN 8: - Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 với sự sụp đổ của Liên Xô, Nhật Bản có thấy Hoa Kỳ đổi lập trường về an ninh nên không thể trông cậy vào sự bảo vệ của nước Mỹ như trước. Ngay sau đó là sự lớn mạnh của Trung Cộng với tham vọng quân sự không che giấu, vì vậy, nước Nhật ý thức được nhu cầu tự vệ. Lên lãnh đạo sau nhiều tranh chấp gay gắt với Trung Cộng tại vùng quần đảo Senkaku, Thủ tướng Shinzo Abe vận động Quốc hội suy diễn lại điều 9 của bản Hiến pháp do Hoa Kỳ soạn thảo năm 1946 để tăng cường thẩm quyền can thiệp của Lực lượng Tự vệ. Bản Hiếp pháp thực tế giải giới nước Nhật, nhưng Bắc Kinh lại khiến Nhật Bản lặng lẽ tái võ trang. Từ đầu năm nay, ông Abe còn chính thức hủy bỏ một nguyên tắc là hạn chế ngân sách quốc phòng ở mức 1% của Tổng sản lượng. Nghĩa là Nhật Bản sẽ tăng chi về quốc phòng.
- Vì nền kinh tế quá lệ thuộc vào việc buôn bán với bên ngoài qua vùng biển Đông Nam Á, Nhật sẽ xây dựng lại sức mạnh hải quân truyền thống của mình. Với trình độ kỹ thuật rất cao nước Nhật sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc quân sự trong khu vực. Việc Bắc Hàn khiêu khích và hăm dọa càng khiến Hoa Kỳ phải yểm trợ nước Nhật trong nỗ lực đó. Nhưng, vào một kỳ sau ta sẽ tìm hiểu thêm một nhược điểm của Nhật là nạn lão hóa dân số và nguy hiểm hơn vậy, là nạn sa sút dân số khiến dân số Nhật từ 142 triệu ngày nay có thể chỉ còn 90 triệu trong 40 năm tới. Khi đó, ta sẽ xem Nhật Bản sáng tạo như thế nào để vẫn giữ được sự hùng mạnh.

KN: Kim Nhung cứ tiếc là thời lượng có hạn khi câu chuyện tới hồi hấp dẫn thì lại phải chấm dứt! Xin đành hẹn kỳ sau vậy. Kim Nhung và kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa xin chào tạm biệt quý vị và sẽ tái ngộ vào tuần tới.
____
Tranh mộc bản về chiến thắng Nhật Bản năm 1894-1895; khi nhà Mãn Thanh quỳ lạy...
Image may contain: one or more people and people on stage






Hiệp ước TPP sau Thượng đỉnh APEC

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2017-11-14

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) lắng nghe Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) phát biểu trong cuộc họp báo về TPP bên lề Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng hôm 11/11/2017
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) lắng nghe Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) phát biểu trong cuộc họp báo về TPP bên lề Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng hôm 11/11/2017
AFP
Hiệp ước TPP sau Thượng đỉnh APEC

Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Trong Thượng đỉnh vừa qua của Diễn đàn Hợp tác Á châu Thái Bình Dương gọi tắt là APEC  tại thành phố Đà Nẵng, người ta đã hy vọng là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được 11 quốc gia còn lại thông qua sau khi Hoa Kỳ rút lui từ đầu năm nay. Nhưng vào phút cuối, các nước lại gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này…

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương từ đầu năm nay, 11 quốc gia còn lại vẫn xúc tiến việc đàm phán để hoàn tất. Thượng đỉnh tuần qua của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương gọi là APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng là cơ hội cho 11 nước hoàn tất Hiệp ước này nhưng họ lại gặp những trở ngại bất ngờ và cuối cùng thì Hiệp ước TPP được cải danh mà chưa rõ bao giờ mới thành hình. Theo dõi những biến chuyển đó, ông rút tỉa được những bài học gì cho thính giả của chúng ta?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin đi từ bối cảnh chung rồi mới tập trung vào cốt lõi thì mình mới có hy vọng nhìn ra sự thể. Khởi đầu thì có bốn nước nhỏ trên vành cung Á Châu Thái Bình Dương muốn lập ra một khuôn khổ giao thương với tối đa tự do và tối thiểu hạn chế về thuế suất và hạn ngạch. Từ năm 2008, là gần 10 năm trước, Hoa Kỳ thấy sáng kiến này là hay và xin tham gia khiến nhiều nước khác cũng muốn nhập cuộc vì kinh tế Mỹ có sức tiêu thụ cao nhất. Vì vậy, có 12 quốc gia xúc tiến việc đàm phán với nhau để hoàn thành Hiệp ước TPP vào năm 2015. Sau hai chục vòng thương thuyết của các chuyên gia thuộc 12 nước, văn kiện cơ bản của Hiệp ước TPP được Quốc hội Hoa Kỳ cứu xét để phê chuẩn theo lời yêu cầu của Tổng thống Barack Obama, là người mất cả năm đắn đo do dự vào năm 2009 trước khi thúc đẩy việc đàm phán. Nào ngờ, đảng Dân Chủ và một số dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa thấy ra nhiều điểm bất lợi trong Hiệp ước và từ chối việc phê chuẩn vào năm ngoái, là một năm có cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ. Các ứng cử viên của cuộc tranh cử cũng thấy như vậy, kể cả bà Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ là người đã nhiệt liệt cổ võ cho Hiệp ước khi còn là Ngoại trưởng. Kết cục thì Hoa Kỳ bác bỏ Hiệp ước và Tổng thống tân cử là ông Donald Trump hợp thức hóa sự việc khi chính thức ký văn kiện triệt thoái vào ngày 21 Tháng Giêng năm nay. Vấn đề chính nằm trong những cam kết quá chi tiết của Hiệp ước làm từng nước thành viên sẽ phải sửa đổi lại khuôn khổ luật lệ quốc gia để chấp hành. Vấn đề không là ông Donald Trump.
Vấn đề chính nằm trong những cam kết quá chi tiết của Hiệp ước làm từng nước thành viên sẽ phải sửa đổi lại khuôn khổ luật lệ quốc gia để chấp hành.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ rút lui thì 11 nước còn lại vẫn cố xúc tiến Hiệp ước này nhưng vì sao họ lại gặp trở ngại vào khúc cuối ở tại Đà Nẵng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngược với quan điểm của đám đông, tôi cho rằng chính Tổng thống Hoa Kỳ lại gián tiếp đưa ra giải đáp lời cho câu hỏi đó. Tại Thượng đỉnh với các doanh gia của Diễn đàn APEC, như trước đó tại Bắc Kinh, ông Trump nói đại để rằng quốc gia nào cũng có nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ quyền lợi tối thượng của mình, chứ không nên tin vào những cam kết quốc tế. Khái niệm quốc gia đối nghịch với quốc tế là một khía cạnh đáng chú ý.
- Vì vậy, bên lề Thượng đỉnh APEC, trong khi Nhật Bản và Úc cố thúc đẩy các quốc gia còn lại hoàn tất Hiệp ước TPP thì Thủ tướng Canada lại do dự và gây ra biến chuyển nhức tim gần như mỗi nửa ngày. Lý do là nội tình quốc gia của Canada có những chống đối, thí dụ như từ các tỉnh Toronto hay Quebec, ngược với quan điểm của chính quyền trung ương tại thủ đô Ottawa. Họ chống vì quyền lợi của địa phương liên hệ tới nông sản hay sản phẩm gốc sữa từ nay phải cạnh tranh với sản phẩm của New Zealand, hay vì những sản phẩm và dịch vụ liên hệ tới văn hóa và giải trí. Canada còn viện dẫn những ràng buộc ngoại thương với xứ Mexico trong khuôn khổ của một Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ gọi là NAFTA.

Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, quả nhiên là trong các ngày mùng chín, mùng 10 và 11, người ta đã nhức tim theo dõi những biến chuyển của Hiệp ước TPP bên lề Thượng đỉnh APEC mà có lúc dư luận coi là sẽ tiêu vong vì ngoài Canada, nhiều nước cũng nêu ra vấn đề khác. Thưa ông, kết cuộc thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đúng là hôm mùng chín, Thủ tướng Canada viện cớ nghị trình công tác mà không tham dự buổi họp để ký kết Hiệp ước TPP giữa 11 quốc gia còn lại và Tổng trưởng Kinh tế của Canada xúc tiến việc đàm phán lại để đòi một số thay đổi. Các nước khác cũng thế, họ nhân cơ hội yêu cầu một số thay đổi trong hai ngày sau đó. Tức là khung sườn quốc tế được thỏa thuận sau bảy năm đàm phán giữa 12 nước lại bị những yêu cầu quốc gia phá vỡ. Hiệp ước TPP không yểu tử tại Đà Nẵng mà được hồi sinh sau khi cải danh và cải sửa nội dung. Nó có tên mới là Hiệp ước Toàn diện và Tiến bộ giữa các Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, ghi tắt theo Anh ngữ là CPTPP.
- Về cụ thể thì có 20 điều khoản trong văn kiện hoàn thành năm 2015 bị hoãn áp dụng, kể cả những quy định liên quan tới các sản phẩm gốc sinh hóa, các thiết bị y tế, thông tin viễn liên và nhất là đầu tư. Mấy chi tiết lắt nhắt ấy cho thấy là các chuyên gia đàm phán một Hiệp ước quốc tế đã muốn chi phối quá nhiều và gây phản ứng dội ngược trong nhiều quốc gia. Còn lại có bốn điều khoản khác chưa được các nước thông qua trước khi Hiệp ước CPTPP thành hình.

Nguyên Lam: Quả thật là vấn đề rắc rối hơn người ta nghĩ lúc ban đầu và nó lại chẳng liên hệ gì đến quan điểm của Hoa Kỳ. Thưa ông, bốn điều khỏan chưa được thông qua là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo dõi sự kiện từ đầu, chúng ta có thể thấy ba nước chậm tiến nhất của nhóm 12 quốc gia sẽ có lợi nhất nhờ khuôn khổ giao thương giữa 12 nước. Đó là Việt Nam, Malaysia và Tiểu vương quốc Brunei. Nhưng muốn được hưởng lợi như vậy thì họ phải cải tổ cơ chế một cách toàn diện. Bây giờ, khi thấy Hiệp ước TPP gặp trở ngại, ba nước này tìm cách trì hoãn cải cách, đó là ba trong bốn điều khoản chưa được thông qua. Điều khoản thứ tư còn bế tắc thì liên hệ tới Canada vì họ muốn bảo vệ các khu vực văn hóa và giải trí như phim ảnh, truyền hình và ấn loát.
- Riêng tôi thì chú ý đến trường hợp của Việt Nam. Dù có Hoa Kỳ hay không, Việt Nam vẫn có lợi khi gia nhập Hiệp ước Đối tác này vì lý do kinh tế lẫn chính trị. Lý do kinh tế là sẽ có thị trường khác để giảm thiểu sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Lý do chính trị là sẽ cải cách cơ chế cho người dân, công nhân và doanh nghiệp thoát khỏi sự khống chế của đảng, nhà nước và cải thiện từ môi sinh tới điều kiện lao động. Nhưng vì những trục trặc giữa 11 nước còn lại, Hà Nội lại trì hoãn và đẩy lui việc cải cách đó. Các nước kia đều thấy chuyện đáng tiếc này.
Dù có Hoa Kỳ hay không, Việt Nam vẫn có lợi khi gia nhập Hiệp ước Đối tác này vì lý do kinh tế lẫn chính trị.
Nguyên Lam: Ngay từ đầu, ông đã trích dẫn lời phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ là quốc gia nào cũng phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của mình. Trong hồ sơ TPP hay CPTPP theo tên gọi mới, ta thấy Canada bất ngờ gây khó cho 10 nước vì yêu cầu bảo vệ quyền lợi quốc gia qua sức ép trong nội bộ. Nhưng, khi lợi dụng cơ hội này, phía Việt Nam lại đòi trì hoãn việc cải cách thì điều ấy có lợi cho ai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đây mới là điều đáng suy ngẫm. Sau khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Hiệp ước TPP và muốn có những đàm phán song phương là tay đôi giữa hai nước với nhau thì Việt Nam cần chuẩn bị cho khung cảnh mới để phần nào giảm thiểu sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc. Dù Hiệp ước TPP có điểm bất toàn và đòi hỏi quá chi ly làm Hoa Kỳ triệt thoái thì trên đại thể, những yêu cầu cải cách đó cũng có lợi cho người dân. Chúng ta quay trở lại với định nghĩa của quyền lợi quốc gia, đó là quyền lợi của dân tộc. Các quốc gia như Canada, Mexico hoặc New Zealand mà nêu vấn đề về Hiệp ước này là vì quyền lợi của người dân. Vì vậy, Hiệp ước này không tiêu vong mà đang được cải tiến theo yêu cầu thực tế của các nước.
- Nhân cơ hội đó, phía Việt Nam lại gài vào những yêu cầu không để bảo vệ quyền lợi của người dân mà để duy trì ách thống trị của lãnh đạo thì ưu tiên không là quyền lợi của dân tộc. Kết cuộc thì Việt Nam vẫn là một nước lạc hậu và để lỡ một cơ hội cải cách.

Nguyên Lam: Trở lại với Hiệp ước TPP giữa 11 nước, ông kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến khái niệm hay phạm trù “động lượng”, “momentum”, nôm na là cái trớn. Các thành viên còn lại của Hiệp ước TPP cần cái trớn để hoàn tất càng sớm càng hay. Nếu tiếp tục cãi cọ về những tiểu tiết thì Hiệp ước này tan vỡ. Kẻ thắng cuộc sẽ là Trung Quốc, một quốc gia gian manh giương cờ tự do mậu dịch mà vẫn bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi của họ. Chuyện chính ở đây là quyền lợi của ai? Các nước dân chủ ưa tranh luận và đổi ý, chính là vì quyền lợi của người dân. Các nước độc tài thì chỉ nhìn vào quyền lợi của tầng lớp thống trị. Việt Nam đang để lỡ một cơ hội và tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.


__._,_.___

Posted by: hungthe

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts