Lịch sử lá Cờ Vàng
Trần Gia
Phụng (Danlambao) - Chiều Thứ Ba 27-3-2018, tại Hội đồng Thành phố Toronto,
100% nghị viên hiện diện (38/38) đã bỏ phiếu chấp thuận đề nghị thượng kỳ Cờ
Vàng Ba Sọc Đỏ tại Kỳ đài quảng trường Nathan Phillips ở City Hall Toronto ngày
Thứ Bảy 28-4-2018 nhân dịp Tưởng niệm Quốc hận 30-04 từ năm nay.
Đề nghị nầy do
Thị trưởng John Tory cùng nghị viên Chin Lee đưa ra, đáp ứng nguyện vọng của
đại đa số người Việt tỵ nạn cộng sản chẳng những ở Toronto, mà cả trên toàn
Canada và trên toàn thế giới, vì lá cờ nầy là di sản tinh thần thiêng liêng và
là biểu tượng của người Việt tỵ nạn cộng sản hải ngoại sau năm 1975.
Xin kính mời quý vị đồng hương tham dự đông đảo LỄ CHÀO CỜ VIỆT
NAM CỘNG HÒA tại CITY HALL Toronto trong lễ Tưởng niệm Quốc hận vào lúc 12 giờ
trưa ngày THỨ BẢY 28-4-2018. Nhân dịp nầy, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại nguồn
gốc lá cờ Việt Nam Cộng Hòa tức CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ.
*
Xin bắt đầu từ
năm 1945 là cột mốc quan trọng xoay chiều lịch sử Việt Nam. Vào năm nầy, trên
thế giới, thế chiến thứ hai đi vào tàn cuộc. Đức thất bại ở Âu Châu và đầu hàng
vào tháng 5-1945, trong khi Nhật vẫn còn chiến đấu ở Á Châu.
Riêng tại Việt
Nam, Nhật Bản mở cuộc hành quân Meigo ngày 9-3-1945, đảo chánh Pháp tại Đông
Dương.. Nhật tuyên bố trao trảo độc lập lại cho Việt Nam. Vua Bảo Đại (trị vì
1925-1945) công bố bản TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ngày 11-3-1945. Nhà vua mời học giả Trần
Trọng Kim lập chính phủ. Chính phủ Trần Trọng Kim chính thức ra mắt ngày 17-4-1945,
gồm các bộ theo lối Tây phương, nhưng đặc biệt không có bộ Binh, hay bộ Quốc
phòng hay bộ An ninh.
Một trong những
việc làm đầu tiên của chính phủ Trần Trọng Kim là chọn quốc kỳ Việt Nam nền
vàng ba sọc đỏ theo hình quẻ “ly”, một trong tám quẻ của bát quái. Quẻ “ly” gồm
ba sọc song song, trong đó hai sọc ngoài (ở hai bên) là hai sọc thẳng, còn sọc
ở giữa cách khoảng với nhau.
Sau khi Hoa Kỳ
thả hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima (6-8-1945) và Nagasaki (9-8-1945), Nhật
Bản đầu hàng ngày 14-8-1945. Quân đội Nhật tại Đông Dương phải hạ khí giới và
rút vào trong các đồn bót của mình để chờ quân đội Đồng minh đến giải
giới.
Trong khi đó,
chính phủ Trần Trọng Kim không có bộ Binh hay bộ Quốc phòng để giữ gìn trật tự
an ninh. Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh (VM), lúc đó gồm khoảng 5,000 đảng
viên, (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris Éditions
du Seuil, 1952, tr. 182) liền lợi dụng cơ hội thuận tiện, nổi lên cướp chính
quyền ở Hà Nội và đánh điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
Vua Bảo Đại được
đại sứ Nhật ở Huế hứa giúp đỡ, dùng lực lượng Nhật còn lại ở Đông Dương, để dẹp
tan VM, nhưng lo ngại nội chiến xảy ra, người ngoài sẽ lợi dụng, nên nhà vua
không chấp nhận đề nghị của đại sứ Nhật, mà đồng ý thoái vị ngày 25-8-1945.
Lúc đó vua Bảo
Đại cũng như đa số dân chúng Việt Nam chưa biết Hồ Chí Minh là cộng sản, và nếu
có biết, cũng chưa hiểu bản chất của đảng Cộng Sản. Hồ Chí Minh ra mắt chính phủ
Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, gồm đa số là đảng viên cộng
sản. Chính phủ nầy chọn Cờ đỏ sao vàng là cờ của mặt trận Việt Minh làm quốc
kỳ.
Khi nắm được
quyền lực, Hồ Chí Minh, Mặt trận VM và đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) gia tăng
việc khủng bố, giết hại, thủ tiêu hàng trăm ngàn người không đồng chính kiến ở
tất cả các cấp, từ trung ương xuống tới địa phương, làng xã trên toàn cõi Việt
Nam. Làm như thế, Việt Minh gọi là giết tiềm lực, nghĩa là giết tất cả những
thành phần có tiềm năng gây nguy hiểm cho Việt Minh về sau.
Trong khi đó, thi
hành tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945, Trung Hoa và Anh dẫn quân vào giải
giới quân đội Nhật ở Đông Dương. Trung Hoa (lúc đó do Quốc Dân Đảng cầm quyền)
giải giới ở phía bắc vĩ tuyến 16 và Anh giải giới ở nam vĩ tuyến 16 (ngang Tam
Kỳ, Quảng Nam).
Khi quân Trung
Hoa vào Việt Nam, các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam
Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) lâu nay ở Trung Hoa, cũng về theo. Tại miền
Nam, khi quân Anh đến Sài Gòn, quân Pháp cũng đi theo, tái chiếm miền Nam và
kiếm cách tiến quân ra Bắc.
Lúc đó, Hồ Chí
Minh và VM rất bối rối, vì phải đối phó với nhiều thế lực cùng một lúc: Quân
Pháp, quân Trung Hoa (Quốc Dân Đảng), Việt Quốc, Việt Cách. Hồ Chí Minh nhượng
bộ, tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11-11-1945 (thực tế là lui
vào hoạt động bí mật), thành lập chính phủ Liên hiệp ngày 1-1-1946, tổ chức
tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam ngày 6-1-1946, tức giả vờ hòa giải hòa hợp
nhằm yên lòng những đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc.
Mặt khác, để rảnh
tay đối phó với tất cả những thành phần đối lập không cộng sản ở trong nước, Hồ
Chí Minh và VM liền ký thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 với Pháp, chính thức hợp
thức hóa sự hiện diện quân đội Pháp ở Việt Nam.
Không thể để bị
tiêu diệt mãi, vì nhu cầu sinh tồn, những người theo khuynh hướng chính trị dân
tộc không cộng sản quy tụ chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, và chẳng đặng đừng tạm
thời liên kết với Pháp chống lại VM cộng sản. Năm 1948, đại diện ba miền đất
nước cùng về Sài Gòn thành lập Chính phủ Lâm thời Trung ương Việt Nam ngày
23-5-1948 do ông Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Chính phủ chính thức ra mắt
ngày 1-6-1948.
Khi đó có năm mẩu
cờ được đề nghị để chọn làm quốc kỳ, gồm có ba lá cờ do uỷ ban đại diện ba miền
Bắc, Trung và Nam phần đưa ra, và hai lá cờ do đại diện Phật giáo Hòa Hảo và
đạo Cao Đài đề nghị. Cuối cùng lá cờ do đại diện miền Nam đề nghị được chấp
thuận vì có ý nghĩa nhất, lại đơn giản, không phức tạp.
Ngày 2-6-1948,
thủ tướng Xuân công bố lá quốc kỳ mới hình chữ nhật, chiều ngang bằng hai phần
ba chiều dài, nền vàng giống như cờ của Trần Trọng Kim, nhưng thay vì quẻ ly,
nay đổi lại ba sọc đỏ bằng nhau và cách đều nhau chạy dài theo chiều ngang của
lá cờ.
Ý nghĩa thứ nhất
là ba sọc ngang của lá cờ tượng trưng cho sự thống nhất ba miền lãnh thổ Bắc,
Trung, và Nam phần của đất nước, trên nền vàng tượng trưng nền tảng của quốc
gia Việt Nam. Nếu lá cờ năm 1945 của Trần Trọng Kim thừa tiếp lá cờ long tinh
có từ thời vua Khải Định (trị vì 1916-1925), thì lá cờ hình thành năm 1948 lại
thừa tiếp truyền thống lá cờ của Trần Trọng Kim, về hình thức, màu sắc, và cả
về lý tưởng chính trị, đó là lý tưởng quốc gia, đối nghịch hẳn với cờ đỏ sao
vàng của Hồ Chí Minh.
Ý nghĩa thứ hai,
lá cờ nầy tượng trưng cho khuynh hướng chính trị mới lúc đó (1948) ở khắp Bắc,
Trung và Nam Việt Nam. Đó là khuynh hướng chính trị dân tộc độc lập, chống lại
sự đô hộ của Pháp, nhưng ở thế chẳng đặng đừng phải liên kết với Pháp, để chống
Việt Minh cộng sản. Việt Minh cộng sản nguy hiểm trực tiếp hơn là thực dân
Pháp. Khuynh hướng nầy càng rõ nét khi cựu hoàng Bảo Đại ký hiệp định Élysée
ngày 8-3-1949 với tổng thống Pháp là Vincent Auriol, thành lập chính thể Quốc
Gia Việt Nam do ông làm quốc trưởng. Hiệp định Élysée chính thức giải kết hiệp
ước bảo hộ năm 1884 và trao trả độc lập lại cho Việt Nam.
Ý nghĩa thứ ba là
tính tự do dân chủ của chính thể mà lá cờ tượng trưng. Ngay từ đầu, chính phủ
Nguyễn Văn Xuân đã trưng cầu ý dân về hình thức lá cờ. Khi đó có năm mẩu cờ
được đề nghị để chọn làm quốc kỳ (đã viết ở trên). Sau đó, đại diện dân chúng
tự do chọn lựa một trong các mẩu vẽ, chứ không phải là lấy lá cờ của một tập
đoàn thiểu số rồi áp đặt trên ý dân như cờ đỏ của cộng sản. Cuối cùng lá cờ do
đại diện miền Nam đề nghị được chấp thuận vì có ý nghĩa nhất, lại không phức
tạp.
Vận mệnh của CỜ
VÀNG BA SỌC ĐỎ thăng trầm theo vận mệnh của đất nước. Sau chính phủ Lâm thời
Trung ương Việt Nam do ông Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, chính phủ Quốc Gia
Việt Nam tiếp tục chọn lá Cờ vàng Ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Lá Cờ vàng tung bay
trên toàn lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam, từ Nam Quan xuống tới Ca Mau.
Khi Ngô Đình Diệm
về nước chấp chánh ngày 7-7-1954, nước Việt Nam bị chia hai do hiệp định Genève
ngày 20-7-1954. Thủ tướng Ngô Đình Diệm ổn định tình hình miền Nam Việt Nam, tổ
chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, thiết lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa do ông
làm tổng thống..
Quốc hội lập hiến
được bầu ngày 4-3-1956. Trong khi xây dựng hiến pháp, quốc hội cũng đã bàn
chuyện tuyển chọn quốc kỳ và quốc ca, nhưng chưa có mẫu vẽ quốc kỳ mới nào ưng
ý hơn, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội ra quyết nghị hoãn bàn, và vẫn giữ quốc kỳ
như cũ. (Đoàn Thêm, 1945-1964 Việc từng ngày, California: Xuân Thu tái bản
không đề năm, tr. 200.)
Sau đó Quốc hội
mở cuộc thi vẽ quốc kỳ mới trên toàn miền Nam. Có tất cả 350 mẩu cờ và 50 bài
nhạc được đề nghị. Ngày 17-10-1956, Quốc hội lập hiến một lần nữa ra tuyên bố
không chọn được mẩu quốc kỳ và bài hát nào hay đẹp và ý nghĩa hơn, nên
quyết định giữ nguyên màu cờ và quốc ca cũ làm biểu tượng quốc gia. (Đoàn Thêm,
sđd. tr. 203.)
Như thế, LÁ CỜ
VÀNG BA SỌC ĐỎ đã được chọn lựa qua nhiều đề nghị, nhiều thảo luận, nhiều ý
kiến, nhiều thử thách, chứng tỏ lá cờ nầy mang đầy đủ ý nghĩa nhất để tượng
trưng cho chế độ tự do dân chủ trên quê hương của chúng ta.
Năm 1975, sau khi
cộng sản tạm thời cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa, nhiều người bỏ nước ra
đi. Những người may mắn đến được bế bờ tự do, xây dựng cuộc sống mới. Họ
mang theo trong tim mình toàn bộ hình ảnh quê hương, gia đình, bạn bè, và đặc
biệt hình ảnh tượng trưng cho chế độ dân chủ tự do, dù chế độ đó chưa được hoàn
thiện: đó là LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ của Quốc Gia Việt Nam, rồi sau đó của Việt
Nam Cộng Hòa.
Khi ra nước
ngoài, người Việt tiếp tục giữ gìn biểu tượng thiêng liêng của tổ quốc. Trong
tất cả các buổi sinh hoạt đều có lễ chào cờ địa phương và chào Cờ vàng Ba sọc
đỏ. Từ đó Cờ vàng Ba sọc đỏ trở thành biểu tượng của người Việt tỵ nạn cộng sản
ở hải ngoại. Rõ nét nhất là mỗi lần sinh hoạt cộng đồng hay hội họp ở đâu, Ban
tổ chức chỉ cần treo một lá cờ VÀNG BA SỌC ĐỎ là người Việt biết địa điểm và tìm
đến tham dự.
Cộng đồng người
Việt dần dần lớn mạnh và tạo thành một thế lực cử tri quan trọng. Nhiều tiểu
bang, nhiều thành phố ở Hoa Kỳ chính thức thừa nhận LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ là
BIỂU TƯỢNG CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỘNG SẢN.
Hiện nay, ở hải
ngoại, lá cờ của nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ được treo tại các tòa đại sứ và
các tòa lãnh sự của cộng sản mà thôi. Ở bên ngoài các cơ sở ngoại giao cộng
sản, hoàn toàn không có bóng dáng lá cờ cộng sản.
Trong khi đó, CỜ
VÀNG BA SỌC ĐỎ, tuy tạm thời không còn chính phủ, lại tung bay rợp trời ở khắp
nơi trên thế giới, vòng quanh quả đất. Dầu phải bôn ba khắp bốn phương trời và
không bị ai thúc đẩy hay bắt buộc, đâu đâu người Việt Nam ở hải ngoại cũng tự
động giương cao LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ. Hành động tự động đồng bộ của người Việt
khắp trên thế giới chứng tỏ LÁ CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ là lá cờ của lòng người, sáng
ngời CHÍNH NGHĨA, đời đời bất diệt.
Xin kính mời đồng
hương Toronto và vùng phụ cần đến tham dự đông đảo lễ chào cờ Việt Nam Cộng Hòa
vào lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy 28-4-2018 tại CITY HALL Toronto trong buổi Tưởng
niệm Quốc hận năm nay.
(Toronto, 11-4-2018)
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks