Đại Học chăn Trâu




Thursday 19 April 2018

Viết từ Saigon: xin lỗi!


 Chừng nào người ta không có thói quen nói xin lỗi, trẻ con không được chú trọng dạy dỗ mà chỉ học xin lỗi qua loa ở nhà trường để lớn lên, trong gia đình, ngoài xã hội, không thể mở miệng nói xin lỗi, thì với mức độ dân trí thể hiện ở một điều nhỏ nhoi như vậy, VN khó mà tiến lên đâu nổi.
 
Viết từ Saigon: xin lỗi!
SGCN


Một số người xa xứ lâu năm, khi về quê nhà nhận xét ở ngoại quốc, “Sorry” và “Thank you” được dùng liên tục. Còn người Việt khi mắc lỗi, nhận được món quà hay thụ hưởng một chuyện gì, cũng ít khi nói “xin lỗi” hay “cám ơn”.
Thực ra, người mình không hẳn vô tình hay vô ý đến như thế, mà có lẽ do tính hướng nội của người Á đông ít biểu lộ ra ngoài trong khi người Tây phương hướng ngoại hơn, thẳng thắn biểu lộ ý nghĩ, cảm xúc và họ cũng than phiền trong giao thiệp, dân Á Đông hay nói vòng vo đợi người khác đoán ý mà ít khi đi thẳng ngay vào vấn đề.
Điều đó do nền văn hóa khác nhau. Vào các ngày lễ hội, Tây phương thường đổ xô ra đường phố, khiêu vũ, tụ tập đông vui. Ngược lại ngày Tết Nguyên Đán của VN, mọi người tụ tập ở trong nhà tận hưởng không khí thiêng liêng trầm lắng trong lúc khách du lịch thấy chán ngắt vì ngoài đường phố vắng vẻ, khó tìm được quán ăn, các cửa hàng mở…
Người Việt vốn ít nói xin lỗi. Có nhiều cách thể hiện sự xin lỗi hơn là mở miệng rối rít nói ngay chữ xin lỗi. Nhoẻn miệng cười thẹn ra chiều biết lỗi rồi, nói một câu gì đó hứa hẹn sửa sang lỗi lầm bằng hành động cụ thể nhưng không nói xin lỗi… Xem chừng câu này nặng phần màu mè quá, mà hầu hết người mình thấy xa lạ, không quen nói những câu xã giao như vậy.

Văn hóa Tây phương thâm nhập mạnh mẽ khiến câu xin lỗi hiện nay trở thành quen thuộc, cần thiết trong các mối giao tiếp hàng ngày. Đến lúc này, người ta đã ý thức hễ gây lỗi thì cần thiết phải xin lỗi. Thế nhưng, do nhiều lý do, mặc cảm tự ti chẳng hạn… Nếu xin lỗi thì ‘quê’ lắm, mất mặt lắm, hóa ra mình có lỗi, tự thừa nhận mình có khiếm khuyết chăng nên lướt qua, chẳng việc gì phải xin lỗi.
Sự kín đáo Á Đông dần dần không còn mang ý nghĩa thâ trầm nữa. Trong cuộc sống đói khó triền miên, người ta cố gắng lẩn tránh, không muốn nhận lỗi. Bởi vì trong rất nhiều trường họp, nhận lỗi đồng nghĩa với bồi thường. Mà bồi thường thì túi tiền không đủ. Vậy nên cứ lấp liếm thoát thân là tốt hơn cả.

Tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ, chiếc xe ngừng đúng vạch, thình lình bị một xe tông vào phía sau. Ngoảnh lại, tên đằng sau nhe răng cười phân bua:
-Tại cái thắng không ăn.
À, lỗi do cái thắng chứ không phải người chủ không chịu mang xe đi sửa. Trẻ con hư nghịch ngợm là do lỗi của đứa con nít cứng đầu chứ không phải do cha mẹ thiếu hướng dẫn, dạy bảo…
Nếu mọi thứ đều được bảo hiểm đầy đủ thì khi có rủi ro xảy ra, một bên có thể thẳng thắn xin lỗi, bên kia chấp nhận lời xin lỗi và mọi thiệt hại vật chất được công ty bảo hiểm giải quyết thỏa đáng. Hoặc nếu ai nấy dư tiền trong túi thì cũng sẵn sàng xin lỗi nhằm bày tỏ thiện chí giải quyết vấn đề và chứng tỏ tư cách ứng xử văn minh.

Còn như không có những bảo đảm kiểu đó, thì chẳng tội gì xin lỗi, tên bị hại lại nhân cơ hội lấn lướt vòi vĩnh, khó dễ đủ điều thì nguy.
Vì thế nhiều vụ va chạm nhỏ xe cộ trên đường, ít ai buông một lời xin lỗi mà hai bên đều hầm hầm nhìn nhau, đỏ mặt tía tai… chửi thề trước tiên cái đã, chửi nhau không xong thì kéo nhau vào lề đường thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Bởi vì ngoài chuyện bồi thường thiệt hại thì những việc đụng độ còn có nghĩa xâm phạm danh dự mà không thể giải quyết chỉ bằng một câu xin lỗi sơ sài.

Không xin lỗi thì chứng tỏ trình độ văn hóa kém nhưng câu xin lỗi buột ra mau chóng quá lại mang vẻ kém “thành khẩn” chăng, có vẻ muốn mau chóng xí xóa một lỗi lầm ngang “trọng tội” chăng. Vì thế một câu xin lỗi quá nhanh nhảu lại đôi khi khó dễ dàng được bỏ qua mọi chuyện được.
Không quen nghe câu “xin lỗi” khơi khơi, bị coi là không có giá trị gì trong thực tế nên gần đây một vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra. Vào buổi tối trời mưa, ba xe gắn máy với năm thanh niên va quẹt nhau rồi sinh ra cãi vã. Dù một người do vội đi thăm con nhỏ nằm trong bệnh viện đã lên tiếng “xin lỗi” nhưng đối phương vẫn không nhận “xin lỗi” mà rút thắt lưng quất ào ào. Tức khí, bên bị quất vào mặt đã giơ con dao mới mua ra và kết quả ba người gục ngã…

Miền đồng bằng còn thế nói gì đến miền núi cao. Một đoàn từ thiện gồm những người cùng buôn bán trong một ngôi chợ mang năm trăm phần quà gồm gạo, cá khô… lên phát cho dân vùng Tây nguyên. Do sơ suất nên quà đã hết mà vẫn có ba người còn cầm phiếu trong tay. Mặc dù ban tổ chức hết lời xin lỗi và xin gửi lại mỗi người năm trăm ngàn bằng giá trị của một phần quà nhưng ba người nọ trả lời cương quyết:
-Tao không nhận xin lỗi, tao không nhận tiền. Chúng mày ăn lương chỉ để làm cái việc này. Phải đền cho tao phần quà.

Thế đấy, muốn xin lỗi đâu phải dễ. Việc xin lỗi chứng tỏ mình có lỗi càng chỉ gây thêm rắc rối. Muốn cư xử với nhau một cách lịch sự cũng khó khăn lắm chứ chẳng chơi. Cho nên chắc ăn hơn hết, trước khi xin lỗi cần phải dò xét người đối diện thế nào rồi mới lựa lời mà xin lỗi!
Người Việt cũng có thói quen người lớn không xin lỗi người nhỏ, cấp trên không xin lỗi cấp dưới. Con cái có lỗi phải xin lỗi cha mẹ nhưng phụ huynh có lỗi thì lờ đi, cấp dưới có lỗi phải xin lỗi cấp trên nơm nớp sợ trách phạt. Đến lúc cấp trên có lỗi thì đó không phải là… lỗi! Cùng lắm cười xòa tức là ta biết lỗi rồi. Do đó bị coi là chuyện lạ xảy ra khi TPHCM xin lỗi nữ du khách Ai Cập bị cướp, một cảnh sát gửi lời xin lỗi cô gái về hành động nhổ nước bọt hoặc bộ trưởng phải xin lỗi vì phát ngôn “đa số thực phẩm an toàn mà người dân không biết” trong khi trong thực tế, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi hiển nhiên đến mức báo động.
Quả lạ thật! Xin lỗi như vậy là chuyện hiếm lắm.
Dù sao sau khi tấm tắc ca ngợi vì những lời xin lỗi rất mực lạ lùng, hiếm hoi ấy thì người ta thắc mắc có những hành động chấn chỉnh sửa sai không. Hay cứ mau mắn xin lỗi để xoa dịu tình hình để sau đó thì… hết chuyện! Tức là mọi chuyện vẫn như cũ không gì thay đổi ngoài lời xin lỗi vuốt ve cho mọi chuyện lẹ lẹ chìm xuồng. Xin lỗi để nhận lỗi rồi thiện ý sửa sai hay xin lỗi cho qua chuyện thì còn tùy trường hợp. Trong trường hợp trên, lời xin lỗi đã bị lạm dụng nặng nề.
Tưởng chừng người Việt đã làm quen với lời xin lỗi và sẽ dùng nó như một sự thể hiện phẩm chất cá nhân. Tuy nhiên không phải, khi đã ý thức về việc cần phải dùng lời xin lỗi thì người ta đâm ra lại hà tiện dùng nó.. Trong xã hội, việc xin lỗi lại có chiều hướng giảm đi. Thật khó khăn khi phải thốt ra câu xin lỗi.. Trẻ em lúc nhỏ được dạy xin lỗi khi gây phiền toái cho người khác nhưng lớn lên, thói quen này mất dần. Chắc vì chung quanh chẳng mấy ai nói nên lời xin lỗi cất lên lắm khi nghe ngượng nghịu, nghe chẳng thật chút nào!
Mặt khác, một diễn viên hài VN, trong vụ án “ấu dâm” phạm ở Mỹ, khi về nước đã không xin lỗi bàn dân, lại còn có thái độ hiu hiu vì nghe theo lời bà luật sư giải thích nếu “xin lỗi” nghĩa là mình… có lỗi! Dù anh chàng này bị kết án 18 tháng và đã thụ án 50% thời gian vì tội lạm dụng tình dục thiếu niên 16 tuổi.
Vậy người không bao giờ nói câu “xin lỗi” nghĩa là không bao giờ mắc lỗi!
Chiếc xe taxi chạy vào sân trường tiểu học ở Hà Nội đụng gãy chân một em học sinh. Cô hiệu trưởng và hiệu phó ngồi trên xe lúc ấy đã lấp liếm lỗi bằng mọi cách: đổ lỗi em học sinh chơi tự ngã, phát phiếu điều tra khảo sát để chạy tội, kêu oan… buộc phụ huynh em học sinh mất mấy tháng trời vất vả đi thu thập chứng cứ, báo chí vào cuộc, dư luật bất bình… Nếu cô hiệu trưởng xin lỗi ngay từ đầu thì mọi việc đã không bị đẩy đi quá xa như thế. Cái giá của một lời xin lỗi quá đắt khi hiệu trưởng đã cố tránh né nó.

Một người có hành động sai trái sẽ không “xin lỗi” nghiêm túc và dứt khoát mà lo bao che lỗi lầm rồi sau đó che không nổi mới tìm mọi cách năn nỉ, dọa dẫm…, dùng tình cảm để thay lời muốn nói là “xin lỗi”.
Hiệu trưởng trong vụ trên chỉ bị mất mặt, mất chức nhưng lời xin lỗi có thể còn dẫn tới những hậu quả nặng nề hơn.
Bực tức vì người đàn ông va trúng mình trong quán karaoke ven Sài Gòn nhưng không xin lỗi, một thanh niên hai mươi hai tuổi đã đuổi theo hỏi tội bằng cách rút dao đâm nạn nhân tử vong. Người đàn ông nọ là trụ cột nuôi một gia đình vợ và các con nghèo. Thanh niên gây án quá trẻ và gia đình cũng quá nghèo. Tất cả chỉ vì một lời xin lỗi không được thốt ra. Chắc người đàn ông nghĩ chỉ một va nhẹ thì đâu cần tới xin lỗi làm gì to chuyện quá. Nhưng bi kịch nhanh chóng ập xuống hai gia đình.
Thông thường một bên cho rằng lỗi nhẹ đâu cần tới lời xin lỗi mang tính trịnh trọng, còn bên kia lỗi không nặng lắm, bực mình một chút thôi bỏ qua. Thế nhưng cuộc sống quá căng thẳng trong thành phố nhiều cạnh tranh, người ta trở nên ngày càng nóng nảy, thô lỗ. Lời xin lỗi không đưa ra kịp thời là xảy chuyện ngay.

Một chữ đơn giản thế mà sao khó nói quá. Hay là phải thực sự đưa vào chương trình học bắt buộc từ mẫu giáo, tiểu học trở lên dạy về xin lỗi, hay là mở lớp dạy xin lỗi như vô số các lớp dạy  sống mở ra khắp nơi cho thanh thiếu niên.
Chừng nào người ta không có thói quen nói xin lỗi, trẻ con không được chú trọng dạy dỗ mà chỉ học xin lỗi qua loa ở nhà trường để lớn lên, trong gia đình, ngoài xã hội, không thể mở miệng nói xin lỗi, thì với mức độ dân trí thể hiện ở một điều nhỏ nhoi như vậy, VN khó mà tiến lên đâu nổi.
SGCN

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts