Văn chương
trước mỗi tình thế
Viên Linh
“Sản phẩm của tưởng tượng,” đó là mệnh đề thường thấy trên đầu những cuốn tiểu thuyết của một giai đoạn đã qua, là giai đoạn tiền chiến. Nói một cách giản dị thì những cuốn có ghi dòng chữ ấy trên đầu sách thường là những cuốn truyện ở ngoài thời thế, những cuốn truyện không dùng đến cả thời thế làm bối cảnh, những cuốn truyện được coi là không liên hệ gì đến sự thực ngoài đời. Và dĩ nhiên là với thời thế.
Năm 1954, văn chương miền Nam đổi khác, thời thế vào văn chương, văn chương muốn đóng một vai trò tích cực hơn, với Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ một phía; phía khác Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, và phía khác nữa Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ. Sự khác biệt về bút pháp nơi những nhà văn này rất lớn, song họ có một cái chung, ấy là chung một ý thức hệ được phát biểu trong tác phẩm.
Tác phẩm thấp thoáng bóng dáng những nhân vật muốn làm lịch sử, thao thức trong lòng lịch sử. Trước đó ở miền Nam, người ta không đưa văn chương vào con đường ấy. Sau năm 1954 xuất hiện ở miền Nam những Nguyễn Hoạt qua tác phẩm “Tỵ Bái,” Đỗ Thúc Vịnh qua cuốn “Những Người Đang Tới,” Đinh Hùng với chương trình “Tao Đàn.”
Những nhà văn nhà thơ này cổ võ mãnh liệt ý thức đề kháng hầu tạo dựng ở miền Nam một đời sống trong truyền thống văn hóa cũ, không mang tinh thần khai phá, chẳng hạn như nhóm Văn Nghệ. Dưới một tấm tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, dùng làm bìa báo Xuân tờ Tự Do (sau là Văn Nghệ Tự Do) có ghi một câu có thể dùng để tóm tắt quan điểm của nhóm này “chúng ta đi mang theo quê hương.”
Với những ảnh hưởng như thế, văn chương miền Nam thay đổi hẳn, cho tới những năm cuối thập niên sáu mươi, chữ nghĩa được xét lại vai trò trong một cuộc bút chiến bất thành, để chỉ còn là những cuộc đả kích một chiều, không tiếng vọng lại, bởi sự thấp thoáng những bóng dáng cuồng tín phía sau.
Dù sao vấn đề đã được đặt ra, đó là vấn đề dấn thân hay viễn mơ. Văn chương dấn thân hay văn chương viễn mơ. Chữ dấn thân ở đây mang một ý nghĩa cụ thể, phê bình chế độ.. Vấn đề không đi đến đâu mặc dù có một số nhà văn có những điểm đồng ý với những người kêu gọi dấn thân. Họ đồng ý mà không tham gia vì cổ võ đằng sau nhóm kêu gọi dấn thân này thuộc vài tố chức đồng phục mà đa số là khuynh tả.
Khoảng năm 1957, tôi làm hai câu thơ: “Ở đây sầu đã tan tành/ Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi” mà Dương Nghiễm Mậu trích dẫn trong cuốn truyện dài đặc sắc nhất với bối cảnh thời thế của Mậu là cuốn “Đêm Tóc Rối..” Tôi nghĩ đến một hình ảnh dân tộc trong sự phân ly. Nghĩ đến bạn bè, những người 20 tuổi chúng tôi lúc đó, một nhóm nhỏ đã từng viết với nhau, vẽ với nhau, làm với nhau trong và ngoài khuôn viên trường Chu Văn An ở Hà Nội, trong có Mậu, Ngô Mạnh Thu, Trường Giang nay không biết ở đâu.
Hai mươi năm sau, một tình thế mới lẽ ra phải được bắt đầu. Trước hết, có những người lên tiếng và có những người im lặng trước một biến cố, trước một việc quan trọng. Nghĩa là có những thái độ khác nhau trước biến cố ấy, trước việc ấy. Trong thời thế, năm 1973 là một năm có biến cố với hiệp định Paris, một trong những hiệp định có tên gọi rất dài dòng là hiệp định ngưng bắn và vãn hồi hòa bình ở Việt Nam.
Trước biến cố này, một chân trời mở ra trong tầm mắt, dù hoài nghi hay lạc quan. Diễn tiến sau đó cho thấy, dù thế nào thì hai cách đó, hay có một cách nào khác, văn chương miền Nam không hề chuyển động trong hai năm đó. Nó chẳng hoài nghi hơn nữa mà cũng không lạc quan thêm bao nhiêu.
Có một kinh nghiệm là kinh nghiệm nghe ngóng. Có một lý thuyết là lý thuyết khoảng cách. Văn chương nghe ngóng và tác phẩm khoảng cách. Ký sự lấn lướt sáng tác, bởi vì ký sự không cần khoảng cách, người viết ký sự không cần lùi xa các biến cố để chiêm nghiệm nó như người làm thơ, viết văn.
Rõ ràng là một tình thế mới lẽ ra phải được bắt đầu, vậy mà đã không có cái lẽ ra ấy.
Và lẽ ra là một giai đoạn phải đóng lại, đó là giai đoạn 20 năm, 1954-1973. Đầu đằng kia là hiệp định Genève và đầu đằng này là hiệp định Paris, hai thủ phủ Âu Châu đóng đinh căng kéo một Việt Nam xung đột. Đó là giai đoạn tiếp theo sau giai đoạn 1932-1945, và giai đoạn 1945-1954, những giai đoạn tạm thời được hạn định bởi các biến cố quân sự, và những thỏa ước chính trị. Xét như thế, năm 1973 phải là một giai đoạn mới, một tình thế mới mở đầu, dù cho những màu đỏ và đen đậm nét ở chân trời, trong tầm mắt và ngay trong tầm sống.
Viên Linh
__._,_.___
Posted
by: "Patrick Willay" <
No comments:
Post a Comment
Thanks