Đại Học chăn Trâu




Saturday, 27 April 2019

Hàng ngàn “cánh diều” khổng lồ 9000 năm tuổi rải rác khắp Trung Đông.

 

Subject:  ĐIỂM TIN DIỄN ĐÀN 25-04-2019.




ĐIỂM TIN DIỄN ĐÀN 25-04-2019

MỤC LỤC

1.        Hàng ngàn “cánh diều” khổng lồ 9000 năm tuổi rải rác khắp Trung Đông
2.        Tại sao vân tay chúng ta không trùng nhau?
3.        Để tang cho sách
4.        Hình Ảnh Đừng Quên!!!: NGÀY XƯA TA RA ĐI ....
5.        ĐẢO PULAU BIDONG
6.        Algérie dậy sóng / Cách mạng thành công nhanh chóng. Việt Nam hãy noi theo .
7.        Bốn mươi bốn năm sau: Cửu Long cạn nguồn, biển Đông cạn kiệt
8.        Ai cũng biết 2 USD là đồng tiền may mắn, nhưng bạn thật sự đã hiểu lý do vì sao chưa?
9.        Cách xâm lăng mới của Trung Cộng? Thôn tính Châu Âu
10.     TUYỂN TẬP THÁNG TƯ ĐEN-BLACK APRIL
11.     Mối tình lãng mạn của Tổng thống Hàn Quốc
12.     SUICIDE MISSION ---- Republic of VN Navy NGUYEN VAN KIET
14.     MỘT LẦN SỐNG CHẾT ...
15.     30 câu nói bất hủ về chủ nghĩa cộng sản.
16.     HÃY QUÉT SẠCH BỌN CẨU TĂNG RA KHỎI CHỐN THIỀN MÔN
17.     THU PHÍ NGƯỜI NUÔI BỆNH: MỘT KIỂU TẬN THU TÀN NHẪN
18.     Thực trạng Hội đoàn Hải ngoại
19.     MƯỜI NĂM TRƯỚC, MƯỜI NĂM SAU BIẾN CỐ BA MƯƠI THÁNG TƯ
20.     Tình yêu sau kết hôn
21.     KHI MỘT QUỐC GIA MANG ƠN KẺ XÂM LƯỢC 

Hàng ngàn “cánh diều” khổng lồ 9000 năm tuổi rải rác khắp Trung Đông.



            Vào cuối năm 2017, có khoảng 400 kiến ​​trúc bằng đá trải dài, một số có kích thước bằng vài sân bóng đá, đã được phát hiện ở khu vực không sinh vật sống tại Ả Rập Saudi. Nơi đây có tên Harrat Khaybar, một trong các khu vực đồng núi lửa nằm rải rác trên Bán đảo Ả Rập.
            Việc xác định những kiến trúc gọi là “những cánh cổng” này, một số trong số đó có thể lên đến 9.000 năm tuổi, đã tạo ra sự phủ sóng lớn trên truyền thông. Theo tờ New York Times: “Google Earth đã mở khóa cánh cổng cho những bí ẩn cổ xưa trên khắp thế giới“; với những cấu trúc được phát hiện gần đây, phần lớn được xác định qua hình ảnh vệ tinh, cho ta ví dụ mới nhất về sức mạnh của Khảo cổ học từ trên cao.
            Tuy nhiên, những cánh cổng này chỉ là một chương của một câu chuyện dài, liên quan đến động vật hoang dã, biến đổi khí hậu, núi lửa phun trào, và một nhóm người chưa rõ danh tính. Michael Petraglia, Giáo sư về Tiền sử và Tiến hoá của loài người tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck khẳng định “những cấu trúc như thế này xuất hiện trên khắp Trung Đông”. 
            Đây là không phải là kiến trúc cổ xưa đáng chú ý duy nhất trong khu vực. Còn có những cấu trúc đá khổng lồ khác, có kích thước tương đương với các đường kẻ Nazca nổi tiếng ở dãy Andes, được gọi là “những cánh diều”.
Khu vực Harrat Khaybar nhìn từ phi hành đoàn Expedition 16 trên Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 3 năm 2008.
Khu vực Harrat Khaybar nhìn từ Phi hành đoàn Expedition 16 trên Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 3 năm 2008.

            Từ các cuộc khảo sát trên không, hình ảnh vệ tinh và báo cáo của những nhà Nghiên cứu trên mặt đất, chúng ta được biết rằng có hàng ngàn “cánh diều” trên khắp bán đảo Ả Rập, và thậm chí xa tận Kazakhstan và Uzbekistan. Theo thời gian, người ta dần khám phá ra nguồn gốc của ‘’những cánh diều’’ tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử của loài người cổ đại, nhưng vẫn còn ba câu hỏi lớn cần được giải đáp: Chúng được dùng để làm gì, niên đại chính xác là bao nhiêu năm, và ai đã xây dựng chúng?
            Mặc dù những công trình này đã từng được nhắc đến bởi những người vẫn sống trong khu vực, nhưng một trong những ghi chép chính thức đầu tiên được biết đến là của Trung úy Percy Maitland từ Không quân Hoàng gia Anh, người đã tình cờ nhìn thấy chúng vài năm sau khi kết thúc Thế Chiến I.
            Đến những năm 1920, Anh và Pháp ký một thoả thuận chia phần Trung Đông. Trong giai đoạn này, lực lượng Không quân Hoàng Gia vẫn liên tục bay giữa Baghdad và Cairo để đo đạc, lập bản đồ khu vực và đưa thư.
            Trong một báo cáo giám sát trên không từ năm 1927, Maitland mô tả khi nhìn thấy những bức tường đá: chúng xếp theo những hàng dài, hoặc toả ra rải rác, vài chỗ có dạng hình tròn, cách khoảng 120 dặm về phía Đông của Biển Chết, trong các cánh đồng dung nham cũ. Người Bedu, một nhóm người Ả Rập du mục, đã gọi chúng là “Công trình của những người Cổ Đại”.
            Trung uý Maitland nói rằng: “Những kiến trúc này rất phức tạp và khó hiểu”. Theo ông người Ả Rập cho rằng: Chúng có từ thời kỳ tiền Hồi giáo và “mang dáng dấp của thời Cổ đại”. Không quân Hoàng Gia đã gọi kiến trúc này là “những cánh diều”vì khi nhìn từ trên cao, cấu trúc khổng lồ trông như những cánh diều.
Nhóm Globalkites làm việc tại một cánh diều.
                                                Nhóm Globalkites làm việc tại một “cánh diều”.

            Theo thời gian, các nhà Khảo cổ học bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu các kiến trúc bí ẩn này. Rõ ràng là chúng có đủ hình dạng và kích cỡ, và thường được tìm thấy với các đồ tạo tác, hình ảnh gia súc được khắc trên đá đến các công cụ bằng đá. Trong số chúng có các ụ đá hình tháp, giống như nơi chôn cất người chết. Giáo sư Petraglia đã giải thích rằng cần rất nhiều thời gian và công sức để tạo nên những kiến trúc này, khẳng định “chúng có giá trị vô cùng to lớn”, và những cánh diều này “mang đến cho bạn cảm giác chúng là công trình của một tập hợp người”.
            Rémy Crassard, một nhà Khảo cổ học tại Trung tâm Khảo cổ học và Khoa học xã hội Pháp ở Kuwait, giải thích rằng: Vào những năm 1990, người ta ước tính chỉ tồn tại vài trăm “cánh diều”. Bây giờ, chúng ta biết rằng con số đó đã lên đến 6.000, rải rác từ Ả Rập Saudi đến Bán đảo Sinai. Điều này không chỉ nhờ vào các cuộc khảo sát từ vệ tinh, mà cả các sáng kiến ​​như dự án Globalkites, với Crassard là người lãnh đạo, nghiên cứu các kiến trúc này bằng hình ảnh từ vệ tinh và tiếp cận thực địa.
            Việc nghiên cứu cho thấy những công trình này tập trung dày đặc ở Syria và Jordan, khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ (là vùng đất có hình dạng giống lưỡi liềm,hiện nay gồm Iraq, Kuwait, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine, Cyprus, Ai Cập, Đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Iran) đất đai ẩm ướt màu mỡ và thực vật dày đặc nơi mà nền nông nghiệp, và văn minh sơ khởi của nhân loại phát triển rực rỡ. Mật độ của những cánh diều giảm dần khi vào Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, qua khu vực Trung Á, các nhà Khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu về sự thay đổi này.
            Niên đại của những kiến trúc này vẫn còn là một bí ẩn, nhưng đã có những manh mối hứa hẹn nhờ vào hoạt động của núi lửa. Ông Károly Németh, Phó Giáo sư Địa chất tại Đại học Massey của New Zealand, giải thích rằng: Các hoạt động địa chất tạo ra các vết nứt, và thúc đẩy hoạt động của nhiều núi lửa tại khu vực Trung Đông, tạo ra nhiều cánh đồng dung nham, nơi xuất hiện những cánh diều.
Một cánh diều nhìn từ trên cao.
                                                Một “cánh diều” nhìn từ trên cao.

            Ngày nay, nhìn từ không gian, các cánh đồng dung nham giống như bề mặt Sao Hoả. Bề mặt lồi lõm với những ngọn đồi hình thành do núi lửa phun, chóp nón núi lửa, hồ dung nham và miệng núi lửa. Thành phần địa hóa học khác nhau, đã làm cho các khu vực này nơi thì có màu đen và nơi khác thì gần như màu trắng.
            Một số cánh đồng dung nham núi lửa có từ 30 triệu năm trước, rất lâu trước khi loài người xuất hiện lần đầu tiên. Ngược lại, ở khu vực Harrat Khaybar bí ẩn, dung nham vẫn chảy cho đến tận 1.000 năm trước. Bằng chứng Khảo cổ học cho thấy con người sống cùng với những vụ phun trào sau này, một số dòng dung nham được tìm thấy bên trên các công trình này. Điều đó chứng tỏ chúng ta có thể xác định được niên đại của một trong số chúng.
Chóp nón núi lửa và dòng dung nham.
                                                Chóp nón núi lửa và dòng dung nham.

            Dựa vào manh mối này, Crassard và các đồng nghiệp của ông đang tìm hiểu sâu hơn với hy vọng tìm ra niên đại chính xác. Họ đã đào xung quanh một trong một số miệng hố được tìm thấy trong những kiến trúc này, và phát hiện ra rất nhiều xác động vật.
            Sử dụng nhiều phương pháp xác định niên đại, họ phát hiện ra rằng một số “cánh diều” ở Jordan có từ thời kỳ đồ đá mới, có thể sớm nhất là 9.000 năm trước.Chúng có niên đại lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta mong đợi, Crassard giải thích. Ông nói thêm rằng “những cánh diều” càng xa khu vực Lưỡi liềm Màu mỡ thì có niên đại thấp hơn.
Địa hình núi lửa bị bào mòn theo thời gian bởi gió và mưa.
                        Địa hình núi lửa bị bào mòn theo thời gian bởi gió và mưa.

            Những gì còn sót lại trong hố có thể nói cho ta biết tác dụng của những cánh diều. Tại Ả Rập, nhóm Crassard đã tìm thấy hài cốt linh dương gazen, ở Armenia có hài cốt của lừa và dê; còn ở Kazakhstan và Uzbekistan họ đã tìm thấy hài cốt của linh dương saiga. Họ nghi ngờ rằng những công trình này đã được các thợ săn xây dựng để săn bắt nhốt bầy thú, và khi chúng bị mắc kẹt trong những cái hố đó, chúng không thể thoát ra được và bị giết chết.
            Ý tưởng này đã được đưa ra trước đây bởi các nhà Nghiên cứu khác, dựa trên các bằng chứng khảo cổ khác. Ví dụ, các kiến trúc này tại Jordan dường như được xây theo hướng nhằm ngăn cản sự di cư của động vật sang Syria. Ngoài ra, nhà thám hiểm John Burckhardt người chứng kiến một cuộc đi săn linh dương ở Syria đã viết trong một cuốn sách năm 1831; hàng trăm người thợ săn đuổi linh dương chạy vào trong các công trình này. Cũng có thể đây là nơi để nhốt gia súc giống như chúng ta nuôi chúng trong các trang trại ngày nay.
            Tuy nhiên, Giáo sư Petraglia cũng lưu ý rằng: Không phải tất cả các kiến trúc này có hình dạng giống nhau, một số có hình dáng giống như những cánh diều, như một số khác lại có hình dạng khá khác biệt. Crassard cũng có lưu ý tương tự, nhóm Globalkites của ông đã sử dụng các mô hình thống kê và toán học để lập biểu đồ những điểm giống và khác nhau của những công trình này. Thay đổi khí hậu có thể là nguyên nhân của sự khác nhau về hình dáng và kích thước của những công trình này.
            Giáo sư Petraglia là thành viên của dự án Palaeodeserts, dự án nghiên cứu về sự thay đổi môi trường ở sa mạc Ả Rập trong một triệu năm. Ông giải thích rằng: Từ 10.000 đến 6.000 năm trước, con người sống trong thời kỳ đầu của thế Holocene, khu vực này đã từng có nhiều ốc đảo. Nó ẩm ướt hơn, là thời điểm được đánh dấu bởi lượng mưa nhiều hơn, nhiều hồ nước,  và theo Giáo sư Petraglia là “có cả mạng lưới sông ngòi trên khắc Ả Rập“. Thực vật xuất hiện khắp khu vực, nông nghiệp và chăn nuôi gia súc phát triển.. “Đây là một môi trường giàu tài nguyên“, ông nói thêm.
Mục đích xây dựng các công trình này có thể đã thay đổi theo thời gian khi con người phải thích nghi với môi trường thay đổi.
Mục đích xây dựng các công trình này có thể đã thay đổi theo thời gian khi con người phải thích nghi với môi trường thay đổi.

            Hugo Murcia, một nhà Địa chất tại Đại học Caldas ở Colombia, lưu ý rằng: Các mảnh vụn núi lửa bị bỏ lại ở đây cho thấy rõ ràng macma tương tác với nước. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy có những dòng sông từng chảy qua đây. Giáo sư Petraglia nói thêm: “Bạn có thể tưởng tượng những ngọn núi lửa này tươi đẹp như thế nào trong thời kỳ ẩm ướt, với những dòng sông và các loài động thực vật xung quanh chúng“.
            Đáng kể hơn, công trình khảo cổ trước đây đã tiết lộ rằng: “Những cánh diều” này có niên đại ít nhất là bằng thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn ẩm ướt này sang giai đoạn siêu khô cằn đương đại. Điều đó cũng cho thấy rằng: Mục đích xây dựng các công trình này có thể đã thay đổi theo thời gian khi con người phải thích nghi với môi trường thay đổi, nhưng hiện tại, nó rất khó để nói rõ hơn về nó.
            Tuy nhiên, phát hiện này cũng không giúp chúng ta trong việc tìm ra ai là những người đầu tiên xây dựng những cánh diều. Chúng ta nghĩ rằng con người biến mất khi khu vực này bị sa-mạc-hoá – đây là một sai lầm lớn, Petraglia nhấn mạnh việc con người vẫn sinh sống tại sa mạc Ả Rập,  tuy nhiên danh tính của “Những Người Cổ Đại” mà Maitland từng đề cập vẫn còn là điều bí ẩn.
            Các ống dung nham, hang động ngầm được hình thành bởi dòng dung nham, có mặt khắp khu vực và Petraglia gợi ý rằng: Có thể tìm thấy hài cốt của con người trong một trong số chúng. Những ngôi mộ tiềm năng này sẽ được Petraglia và các đồng nghiệp khai quật lần đầu tiên vào đầu năm 2019, có thể làm sáng tỏ những khoảng trống về Khảo cổ học tại nơi đây.
            Khi được hỏi những người nào có mặt cùng với “những cánh diều” có niên đại lâu đời nhất, Crassard cho rằng: Có lẽ họ là những người du mục, họ đã đến những vùng đất ngày càng khô cằn này khi con mồi của động vật di cư qua khu vực. Ngoài ra, những thợ săn cũng có thể đã sống ở đó. “Chúng tôi thật sự chưa có manh mối nào rõ ràng“, ông nói thêm.
            Các “cổng” có lẽ thậm chí còn xuất hiện trước “những cánh diều”: Mặc dù chúng vẫn tách biệt với nhau, nhưng có ít nhất một trường hợp một cánh diều chồng khít lên cổng. Giống như “những cánh diều”, các “cổng” được nhìn thấy rõ ràng từ không gian; ban đầu chúng được phát hiện bởi Đội Sa mạc, một nhóm các nhà Khảo cổ nghiệp dư Saudi, thông qua hình ảnh vệ tinh.
Một cánh diều nhìn từ trên cao, ảnh được chụp từ một khinh khí cầu gắn camera
Một “cánh diều” nhìn từ trên cao, ảnh được chụp từ một khinh khí cầu gắn camera.

            Sau đó, công việc này được tiếp nối bởi David Kennedy, Giáo sư Khảo cổ học tại Đại học Tây Úc, người đã viết trong bài báo tháng 11 năm 2017 rằng: Những cánh cổng này được tìm thấy trên các cánh đồng dung nham hoang vắng, không có con người và động thực vật sinh sống.
            Huw Groucutt, một Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Trường Khảo cổ học của Đại học Oxford,đã miêu tả các cổng là “rất thú vị và kỳ lạ”. Ông nói rằng ông không thể thấy bất kỳ mục đích rõ ràng về mục đích xây dựng chúng, có thể chúng là nơi diễn ra các hoạt động nghi lễ của một số loại, nhưng cuối cùng ông ấy nói thêm: “Không ai biết chúng dùng cho mục đích gì”.
            Cách duy nhất để nghiên cứu những cánh “cổng” và “diều” là tiến hành nghiên cứu thực địa và có hệ thống hơn toàn bộ chúng. “Khu vực này là một trong những địa điểm khảo cổ, núi lửa và văn hóa tuyệt vời nhất trên thế giới”, Németh nói, “Nó vẫn chưa được được nghiên cứu nhiều”.
            Giáo sư Petraglia cho biết: Có những bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu về “những cánh diều” đã được thực hiện trong vài thập kỷ qua, nhưng so với hàng trăm nỗ lực nghiên cứu khảo cổ đang diễn ra ở Châu Âu mỗi ngày, thì các công tác thực hiện tại Ả Rập là chưa đáng kể. “Các phương tiện truyền thông có thể muốn gọi các cấu trúc này là điều bí ẩn, nhưng điều đó chỉ vì các nhà Khảo cổ học đã chưa thực hiện công việc của họ“, ông nói thêm.



     Tại sao vân tay chúng ta không trùng nhau?



            Dấu vân tay rất chi tiết, gần như độc đáo, khó thay đổi và bền bỉ trong suốt cuộc đời của một cá nhân. Chúng như những dấu ấn lâu dài của bản sắc con người.
            Trên thực tế, không có ai trên thế giới – quá khứ, hiện tại, tương lai, có dấu vân tay trùng với bất kỳ ai trong số các bạn. Để hiểu tại sao, trước tiên chúng ta cần biết cách vân tay hình thành.
            Ngay từ khi thai nhi phát triển, lớp đệm mô tế bào (velar pads) phát triển dưới da trên mỗi ngón tay. Cho dù lớp đệm này nhỏ hay lớn, lệch sang một bên hoặc phát triển không đều nó xác định mô hình chính của vân tay: vân xoáy, vân móc, vân cung. Bởi vì kích thước và hướng của những lớp đệm một phần là do di chuyển nên nhiều họ hàng của bạn, các cặp song sinh cùng trứng sẽ có kiểu giống nhau, do đó ADN không phải là nguyên nhân duy nhất tạo nên sự độc nhất của vân tay.
Trung bình một người có khoảng 50 điểm giao nhau giữa các đường vân trên mỗi ngón tay.
            Trung bình một người có khoảng 50 điểm giao nhau giữa các đường vân trên mỗi ngón tay.

            Thay vào đó, nó xuất phát từ sự phát triển một cách bất định của vân tay. Trên mỗi lớp đệm da đều có nhiều lớp tế bào, tất cả đều phát triển theo tỷ lệ khác nhau, và khi lớp bên trong phát triển, lớp giữa oằn xuống, làm cho các đường vân hình thành ở phía trên.
            Các đường vân đầu tiên hình thành song song trên ba phần căng nhất trên một ngón tay đang phát triển gần móng tay, gần nếp nhăn ở đốt đầu tiên và trên miếng đệm da.
            Khi các đường vân phát triển, đôi khi chúng đan vào nhau, tạo thành một mối hoặc phân tách nhau ra. Vị trí chính xác các điểm giao nhau của các đường vân trên ngón tay dù là dừng lại hay tiếp tục phân nhánh được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau như là: cách các dây thần kinh và mao mạch phát triển dưới da, thay đổi áp suất nước ối trong bụng mẹ, kể cả trọng lực tác dụng lên ngón tay đang quay lên hay hướng xuống.
            Và bởi vì sự phát triển bất định, không thể đoán trước được của các đường vân tạo nên những mối cụt hay rẽ nhánh một cách ngẫu nhiên, thậm chí hai bào thai lớn lên trong dạ con cũng có sự khác nhau.
            Trung bình một người có khoảng 50 điểm giao nhau giữa các đường vân trên mỗi ngón tay. Ngay cả khi bạn đơn giản hóa mọi thứ hết mức  – bỏ qua vị trí của chúng, và chỉ coi những điểm mối cụt hay rẽ nhánh này như những đồng xu sấp ngửa sẽ có hơn một triệu triệu khả năng sẽ xảy ra tạo nên sự khác biệt cho dấu vân tay.
            Để hiểu được số khả năng đó lớn như thế nào, ta ước chừng có 80 tỷ dấu vân tay trên thế giới, mỗi cái được đại diện bởi một chấm đen. Một triệu triệu lớn hơn 10.000 lần. Và hay nhớ rằng, đây là một sự đơn giản hóa bởi vì số lượng vân tay khác nhau có thể được hình thành sẽ lớn hơn nhiều khi bạn cân nhắc các vị trí tương đối của những điểm này.
            Vì vậy, vân tay ngón tay cái trái và những ngón tay khác của tôi hay tất cả dấu vân tay của bạn đều tuyệt đẹp về mặt toán học, để đảm bảo chúng là những vòng xoáy duy nhất trên thế giới.



                     Để tang cho sách..

Khuất Đẩu.



          Bà tôi thường than thở, hết một nửa cơ nghiệp của nhà này đã tan tành theo sách. Một nửa cơ nghiệp nói cho to, cho xứng với nỗi đau tiếc của của bà, chứ thực ra chỉ vài trăm cuốn sách của ông tôi thôi. Có điều, đó không phải là những quyển sách bèo nhèo giấy rơm thô kệch, đang tràn ngập trong các hiệu sách, trong trường học, và trong thư viện.
          Chưa nói tới nội dung, chỉ mới lật qua vài trang mờ nhoẹt vàng đục với những con chữ ốm o đói khát như những người bị sốt rét rừng là đã thấy chán lắm rồi.

          Sách của ông tôi, bạn chỉ ngắm không thôi cũng đã thấy thích. Những cuốn tự điển của Pháp, của Việt, Thư pháp của Trung Hoa, những sách thuốc, sách khoa học, những bộ tiểu thuyết của các Nhà văn danh tiếng, những sách học làm người, những sách triết… đứng sát bên nhau phơi cái gáy mạ vàng như cả một đội Ngự lâm quân thông thái và oai vệ. Trang nghiêm nhưng không lạnh lẽo, bọn họ là thầy là bạn của ông tôi. Và vì vậy, bạn cũng như tôi chỉ được phép đứng nhìn mà thôi.
          Ông tôi là một người mê sách (cũng lại là cách nói vừa tấm tức vừa giận hờn của bà) mê hơn cả vợ con. Nếu bảo rằng “thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, thì ông tôi tuy đã già nhưng lại có đến những mấy trăm người đẹp như các Vua chúa ngày xưa, nên bà tôi “ghen” cũng phải.
          Ông mê sách như người mê đồ cổ. Nghe ở đâu có sách quý là ông tìm tới dù có phải tốn kém tàu xe,  và phải bỏ ra cả một món tiền lớn để “rước” người có nhan sắc như ngọc đó về, ông cũng dám chơi một phen cho thỏa chí. Như cuốn Tự vị của Paulus Của, nghe đâu như là ấn bản đầu tiên của một ông cụ nào đó bắc bực làm cao đến tận giời, ông tôi đã phải lặn lội vào tận xứ Thủ Dầu Một xa lắc xa lơ để mua cho bằng được. Công cuộc mua quyển sách đó, chẳng những khiến ông mất đến mấy chỉ vàng, mà còn ốm một trận thừa sống thiếu chết. 

          Cuốn sách cũ đến nỗi như đã ngàn năm tuổi. Còn hơn một người chơi đồ cổ, ông tôi lại phải tốn thêm một món tiền, và nhất là tốn rất nhiều thì giờ để nài nĩ và kiên nhẫn ngồi chờ anh thợ đóng sách đóng lại giùm. Lúc này quyển sách đối với ông như một con bệnh thập tử nhất sinh và anh thợ đóng sách cứ như một Bác sĩ. Khi anh thợ tháo bung sách ra, ông đau nhói như thể gan ruột của mình cũng bị lôi ra như thế. Ông hồi hộp theo dõi từng mũi chỉ khâu, nín thở xem anh ta cắt xén, làm bìa. Cho đến khi sách được làm mới một cách khỏe mạnh, xinh đẹp, ông ôm quyển sách trước ngực như một người mẹ ôm đứa con bé bỏng vừa được Bác sĩ cứu sống. Ông hết lời cảm ơn anh ta, đưa cho anh một tờ tiền lớn, và hào phóng không nhận tiền thối lại. Đem quyển sách về nhà, ông lại mất cả buổi ngồi ngắm đến nỗi quên cả bữa cơm khiến bà tôi phải giục.
          Đó là với những sách cũ quý hiếm. Còn sách mới, ông lại “phá của” một cách không giống ai. Sách nào ông cũng phải mua đến những hai quyển, một để đọc và cho mượn, một để nguyên không đụng tới. Những quyển sách để nguyên ấy nằm im trong tủ kính, mỗi lần mở ra là thơm nồng mùi giấy mới và mực in. Đối với ông, đó là một mùi thơm huyền hoặc đầy quyến rủ và mê đắm, như những người nghiện nghe thấy mùi thuốc phiện. Chẳng những chỉ mùi thơm trinh nguyên không thôi, quyển sách vẫn còn trinh trắng khi hãy còn những lề chưa rọc.
          Học cách người xưa, không để của cải cho con cháu mà để sách, nên giá như có phải vì thế mà tiêu hết cả cơ nghiệp, ông tôi cũng không tiếc. Chỉ có một điều khiến ông băn khoăn, ấy là trong đám con cháu thực sự chưa có một người nào đủ để ông tin tưởng. Gạt hết những đứa chỉ biết có nhà to xe đẹp, những đứa chỉ biết vung tiền trong các cuộc ăn chơi, suốt một đời chưa đụng tới một quyển sách nào, những đứa mà ông bảo là trong đầu toàn chứa những thứ vớ vẩn, nếu không muốn nói là hôi thối ấy, còn lại chỉ vài đứa có để mắt tới sách, nhưng với một thái độ hờ hững, một đôi khi thô bỉ xúc phạm đến sách.
          Ông ghét nhứt ai đó đọc sách mà miệng cứ nhai nhồm nhoàm, vừa đọc vừa tán chuyện, bạ chỗ nào cũng đọc ngay cả trong nhà cầu, đang đọc mà có ai ới lên một tiếng là ném ngay cái xạch sau khi đã tàn nhẫn xếp lại một góc để làm dấu, rồi bỏ đi mà không cần biêt tới quyển sách có thể bị ướt, bị bẩn, hay bị cháy. Ông cũng không chịu được cái cách lật sách thô bạo bằng cả bàn tay úp lên trang giấy hay thấm nước bọt trên đầu ngón tay. Đó là cách cư xử của kẻ phàm phu tục tử, của phường giá áo túi cơm. Lật sách mà như thế có khác gì sàm sỡ nếu không muốn nói là cưỡng bức. Phải lật như những Nhà sư nâng nhẹ một trang kinh, hay là như khẽ lay một người đẹp đang ngủ.
          Đối với ông, đọc sách là để được tiếp cận với những tâm hồn ngoại hạng, cho nên trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, phải “dọn mình”như con chiên quỳ trước Chúa, như Nhà sư đảnh lễ trước bàn thờ Phật. Chẳng những sạch ở phần xác mà còn sạch cả phần hồn nữa. Nghĩa là không để những giận hờn phiền muộn hay những ý nghĩ ô trọc dính bám cho dù chỉ một tí trong đầu. Chỉ đọc trong lúc thanh tịnh giữa khuya,  hay khi gần sáng tinh mơ. Đọc với hương trầm cọng với mùi hương ngai ngái của giấy mực, hương của sương đêm loáng thoáng, hay hương của nước mưa mát dịu. Đọc là mở hồn ra để hơi thở của sách ùa vào căng buồm lên cho con thuyền bé nhỏ của mình được dọc ngang trên biển học mông mênh.
          Đương nhiên là ông tôi khó tính nhất nhà. Cái viện sách bé nhỏ của ông là một nơi khả kính, thâm nghiêm như một ngôi đền không một ai ngay cả bà tôi dám động tới. Bảy mươi năm sống trên đời của ông, thì hết một nửa là ở trong cái gian phòng đựng đầy sách với mùi hương và sắc màu của những tâm hồn kỳ vĩ. Dạo ấy, mặc dù được cưng chiều và rất có triển vọng được ông tin tưởng, tôi cũng chưa được một lần đọc một quyển sách nào trong tủ sách ấy. Ông bảo tôi chưa đủ tuổi và chưa học được cách nâng niu gìn giữ theo cách gần như tôn thờ, thì đọc chẳng ích lợi gì mà còn “giết” sách. Theo ông, đọc vì tò mò, đọc như “lua cơm”, đọc như ngốn ngấu thì cả đầu óc mình chỉ là một bãi hoang chứa đầy những xác chết của sách bị vất ngổn ngang mà thôi.. Đọc là phải ngấm từng chữ từng câu, phải để nó bén rễ trong đầu mới có thể thành cây cho trái ngọt.
          Năm tháng qua đi, ông tôi âm thầm làm một cuộc chuyển giao lặng lẽ. Tiền bạc trong nhà cứ cạn dần,  nhưng sách của ông lại đầy lên, phải đóng thêm tủ kê thêm kệ. Cô chú tôi biết ý ông, nên mừng tuổi không bằng trà ngon rượu bổ, mà bằng những phong bì ít nhất cũng đủ cho ông mua được một hai quyển sách. Những lúc ấy ông vui như một đứa trẻ lên 5 được nhận tiền lì xì. Rồi ông đi ra tiệm sách, khệ nệ ôm về những chồng sách mà ông ao ước nhưng chưa đủ tiền mua. Ông ve vuốt từng cái bìa, ngắm nghía từng con chữ, đê mê những sách của Lá Bối, An Tiêm, mơ màng với những Tác giả Saint Exsupéry, Bùi Giáng…Giá như ông sống đến một trăm tuổi, và giá như ông còn có đủ tiền thì cái viện sách của ông sẽ kín đặc những sách. Ông sẽ ngồi giữa những bức tường dày cộm thơm tho đó như một anh lính già đang tử thủ trong một cái lô cốt văn hóa. 
          Sau tháng tư năm ấy, cái tháng tư mà dù nằm dưới mộ sâu ông vẫn còn đau đớn, những cuốn sách của ông tưởng sẽ sống đến ngàn năm đã bị bức tử một cách oan nghiệt.



          Khi người ta đội lên đầu những quyển sách của ông, có những quyển già như một ông tiên đầu bạc, có những quyển xinh tươi như những thiếu nữ trẻ trung, những chiếc mũ có tên là “nọc độc”, là “đồi trụy”, là “phản động”, thì hơn ai hết ông hiểu đó là một lời tuyên án tử hình. Ông suy nghĩ lung lắm, không phải để tìm cách chôn dấu hay tẩu tán. Mà suy nghĩ làm sao để chọn cho sách một cái chết xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của ông.
          Một đêm thức trắng.
          Rồi hai đêm thức trắng.
          Ngày thường ông bình tĩnh là thế, nhưng lúc này, ông bối rối run rẩy. Có lúc mặt ông đỏ bừng và mắt ông lóe lên những tia lửa căm hờn. Cả nhà chẳng ai dám hỏi nói gì với ông. Giống như một con sư tử già bị săn đuổi cùng đường, lâu lâu ông lại gầm lên một cách tuyệt vọng.
          Cuối cùng ông đã chọn cho mấy trăm cuốn sách một cái chết dũng cảm. Đó là chính ông tự mình đốt sách.
          Một quyết định cháy lòng.
          Tôi cũng được dự phần trong cuộc hỏa thiêu đau đớn ấy, bằng cách giúp ông bê hết sách ra sân. Dù đem đi đốt nhưng ông không cho phép tôi làm rơi rớt xuống đất, không được nặng tay, mà phải sẽ lén nhẹ êm như đang bồng một em bé say ngủ. Phải rồi, những cuốn sách của ông đang say ngủ. Đánh thức chúng dậy, ông sẽ không chịu nổi những tiếng khóc mà chỉ riêng ông mới nghe được mà thôi.
          Sách được xây thành một cái tháp quanh những thanh củi chẻ nhỏ. Ông không muốn đốt chúng bằng xăng hay dầu. Ông lại càng không muốn xé sách ra từng mảnh nhỏ để đốt. Xé ra là làm chúng đau. Và làm cho chúng đau trước khi chết là tội ác. Một người coi sách là sinh vật sống, để cả đời nâng niu bồng ẳm, vậy mà phải giết do chính bàn tay của mình, bạn phải biết là ông tôi đã đau khổ đến nhường nào.
          Đó là một đêm tháng năm lặng gió. Cây cối im ngủ. Những ngôi sao như tan đi trong khói trời mờ đục. Ông tôi cử hành lễ đốt sách cũng bi tráng và lẫm liệt như Huấn Cao cho chữ trong ngục. Ông mặc toàn đồ trắng, cắm một cây đuốc giữa trời, khấn khứa rì rầm rồi lạy bốn hướng mỗi nơi một lạy. Xong ông lấy cây đuốc đang cháy đặt vào giữa tháp. Dứt khoát và quyết liệt như cái cách các Võ sĩ đạo đâm kiếm vào bụng.
          Lửa bắt rất nhanh, chỉ trong phút chốc đã bắn vọt lên đầu ngọn tháp.
          Đã nghe mùi mực và mùi giấy.
          Đã nghe tiếng vặn mình của các bìa sách.
          Đã nghe những âm thanh líu ríu như run như rẩy của những trang sách méo mó cong vênh.
          Lửa trào ra như từ miệng hỏa diệm sơn.
          Lửa ôm choàng lấy sách, hôn dữ dội bằng đôi môi bỏng cháy.
          Sau cùng, cái tháp bằng sách đỏ rực như một trái tim để lộn ngược.
          Ông tôi ngồi xếp bằng, cố giữ nét mặt trầm tĩnh một cách cao cả. Không một giọt nước mắt cho dù là vì khói cay xè. Ông như thượng tọa Thích Quảng Đức đang ngồi kiết già với ngọn lửa bao quanh. Có thể nói, chính ông cũng đang tự thiêu. Bất giác tôi cảm thấy muốn khóc vì lo sợ. Đến một lúc nào đó, biết đâu ông đứng bật dậy bước thẳng vào ngọn lửa.
          Ông chết theo sách.
          Đó là một cái chết đẹp, xứng đáng với một người yêu sách như ông.
          Nhưng ông chưa muốn chết, vì ông còn phải để tang cho sách như một đứa con chí hiếu. Ngay lúc lửa tàn, ông quỳ xuống lạy ba lạy. Rồi ông kiên nhẫn ngồi đợi cho tất cả biến thành tro nguội. Ông bảo tôi hốt tro vào bao, cất vào tủ rồi mới chịu đi vào nhà. Gần như suốt đêm ông không ngủ. Bà tôi than thở là nghe tiếng dép của ông kéo lê lệt sệt mãi tới tận sáng.
          Hôm sau, ông bảo tôi thuê thợ đóng nhiều chiếc hộp để đựng tro. Mỗi chiếc để một ngăn tủ. Ông khóa lại và dặn không được dùng vào việc gì khác ngoài việc gìn giữ những chiếc quách ấy. Hơn 30 năm sau, cái tủ đựng đầy những hộp tro vẫn đứng im đó như một nhà mồ. Ngày giỗ ông, chúng tôi cũng đem một bát nhang đến thắp trên đầu tủ. Có cảm giác như hồn ông và hồn sách cùng lảng đảng bay về.
          Vẫn chưa hết chuyện về ông tôi đâu. Một tháng trước ngày mất ông muốn tôi làm cho ông những tấm mộ bia bằng giấy. Ông đưa tôi một danh sách dài những quyển sách bị đốt, cứ mỗi tấm bia đề tên một quyển sách. Hơn mấy trăm cái bia như thế, phải mất cả tuần mới làm xong. Những mộ bia không có ngày sinh, nhưng có chung một ngày tử. Chúng được xếp lên kệ thay cho hàng trăm cuốn sách đã chết tập thể.
          Cả viện sách của ông giờ đây biến thành một nghĩa trang.
          Ông trịnh trọng chít khăn trắng, lên nhang đèn rồi cung kính khấn vái như trước bàn thờ tổ tiên. Trong những lời rì rầm, nhiều lúc bỗng vang lên như tiếng khóc, ta là người có tội, có tội. Theo như tôi hiểu đó là cái tội không bảo vệ được sách, tội với các Tác giả, tội với những thợ sắp chữ ở nhà in, và xa hơn nữa là có tội với giấy và mực.
          Ông biết ơn họ bao nhiêu thì bây giờ ông ray rứt vì mình có tội bấy nhiêu.
          Từ đó ông ăn ít ngủ ít. Ông đem từng tấm bia đặt lên bàn, lặng lẽ ngồi ngắm hằng giờ như đang đọc sách. Mỗi tấm bia gợi nhớ đến màu bìa, co chữ, tranh vẽ và cả nội dung mà chỉ có ông mới thấy được, hiểu được. Ông như sống lại những năm dài trước đó với những niềm vui kín đáo khi tìm được sách quý, hay mua được những sách hay. Những lần như thế, ông tự thưởng cho mình khi thì một bình trà, lúc một chung rượu hay tách cà phê và những điếu thuốc thơm thay cho hương trầm.
          Rồi đến một lúc ông không ăn mà cũng chẳng ngủ. Người ông khô kiệt tái xám. Ba tôi và các chú đi cải tạo chưa về đương nhiên là khoét sâu vào hồn ông những nỗi buồn lo khôn nguôi. Nhưng dù vậy, tận cùng của đêm thì cũng phải sáng. Ông có thể đợi đến mười năm hay hai mươi năm. Chỉ có những quyển sách bị đốt là không đợi được. Ông nói với bà, biết trước như vầy tôi đã để hết tiền cho bà chứ mua sách làm chi. Bà tôi cay đắng, ai mà có con mắt sau lưng.
          Buổi chiều cuối cùng ngồi bóp chân cho ông, tôi nghe ông hỏi, cháu thấy ông thế nào? Tôi nói, dạ, ông nên ăn chút cháo, trông ông gầy lắm. Không phải, ông nói, da ông thế nào, đã ngã thành màu đất chưa? Không biết da màu đất là màu gì, tôi nói đại, chưa ông à. Ngã màu đất là sắp chết đấy cháu, ông nói. Ông đã có ý để lại sách cho cháu, nhưng ta tính làm sao được bằng trời tính. Cháu nhớ giữ giùm ông cái tủ và mấy cái kệ.
          Nghe ông nói, tôi thấy da ông quả thật rất giống với màu đất bạc phếch, lạnh lẽo ở nghĩa địa. Da ông là da của một người đã chết từ lâu nhưng chưa chôn. Hay là ông đã chết từ cái đêm hôm ấy. Hồn ông đã cùng với hồn sách nương theo khói bay lên tận trời cao. Cái miền đất ồn ào đầy ô trọc và thù hận này biết đến bao giờ mới lại có được những con người, những quyển sách biết yêu quý tương kính lẫn nhau như thế. Chính lúc này tôi mới thấy thấm thía nỗi đau mất sách của ông.
          Tôi vừa buông tay ra thì ông ngừng thở. Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách.

          Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày.

Bốn mươi bốn năm sau: Cửu Long cạn nguồn, biển Đông cạn kiệt.

Bởi
 -
23/04/2019

Nguyễn Duy Vinh.

Photo Courtesy
(iv) Biển Đông cạn kiệt: Hoạt động xây lấn biển và khai thác hải sản không ngừng nghỉ trên biển Đông của TC là nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự bóp nghẹt các rạn san hô và hệ sinh thái biển Đông. Dựa vào sức mạnh quân sự, TC dùng cảnh sát biển hỗ trợ ngư dân TC đánh cá ào ạt không theo bất cứ luật quốc tế nào [17].
          Tình trạng hải sản dọc bờ biển VN cũng không khá hơn. Thảm hoạ môi trường lớn nhất từ trước đến nay gây ra bởi nhà máy thép Formosa đã làm chết nguyên một vùng biền VN trên một dãi sơn hà dài hơn 400 km. Theo sự đánh giá của nhiều Quan sát viên ngoại quốc thì khu vực biển miền Trung Việt Nam có thể phải mất cả nhiều thập kỷ mới có thể hoàn toàn hồi phục. Vào ngày 30/6/2016, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CS VN đã tổ chức họp báo, và ông Trần Hồng Hà đã công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải được xả trực tiếp ra biển, từ nhà máy Formosa, chứa độc tố bao gồm: Cyanide, phenols, và hydroxide sắt [18] là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này, tiêu diệt rất nhiều loài hải sản và san hô ở tầng đáy biển.
          Theo tin tức thống kê trong nước gần đây, có gần 20 ngàn lao động tại 4 tỉnh Bắc miền Trung chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa phải bỏ quê hương ra nước ngoài làm công theo diện xuất cảng lao động. Ngoài ra còn phải kể thêm những chất thải đổ xuống biển và đất liền bởi những nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Đa số những nhà máy nhiệt điện than này nằm dọc ven biển VN từ Vũng Áng, Vĩnh Tân xuống đến một số nhà máy khác về phía Nam như các nhà máy Sông Hậu, Kiên Lương, Long Phú, Duyên Hải, Quảng Ninh, và Cần Giuộc đã đổ chất thải xuống biển từ nhiều năm nay theo bài viết của Giáo sư Mai Thanh Truyết [19].
          Nhưng chúng ta không chỉ biết oán hận hay trách người, trách Trời. Mỗi người trong chúng ta, dù sống ở đâu, cần ý thức được mối hiểm hoạ mất nước vào tay Tàu Cộng, cần nỗ lực góp sức bảo vệ tổ quốc, hỗ trợ phong trào dân chủ và đồng bào trong nước, dẹp bỏ bè lũ CS tay sai ngoại bang, giành lại quyền làm chủ và xây dựng đất nước, theo kịp đà tiến hoá chung của nhân loại.
          Rồi đây, 30 tháng 4 sẽ là ngày Lễ Phục Quốc!
                   Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé một chiều mưa cuối tháng 4).
_______
Danh sách tham khảo:
[1] Xin Đời Một Nụ Cười – Nam Lộc
[2] Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”
[7] Bên Thắng Cuộc, tác phẩm của Huy Đức
[12] Trương Nhân Tuấn (Ngô Quốc Dũng): “Biên Giới Việt Trung 1885-2000: lịch sử thành hình và những tranh chấp”, nhà xuất bản Dũng Châu, 2005 (có bán trên Amazon.com)
[15] Ngô Thế Vinh, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, dữ kiện tiểu thuyết, 2006





Cách xâm lăng mới của Trung Cộng?

       Thôn tính Châu Âu.

Biên dịch: Việt Xuân.

       Lời người dịch: Một nhóm Tác giả Phần Lan vừa công bố loạt bài điều tra gồm 4 phần về quá trình "thôn tính" châu Âu của TC trên trang mạng của YLE (Cơ quan Phát thanh Truyền hình quốc gia Phần Lan). Cụ thể, loạt phóng sự chỉ ra những phương thức mà TC đã và đang tiến hành ở châu Âu nhằm thâu tóm kinh tế châu lục này. Chuỗi bài gồm các phần:TC thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ, Đồng tiền TC đã đánh hơi sự thành công, TC trên những mảnh đất hoang tàn của Hy Lạp,  Quan cảnh quốc gia hay phông nền của người TC? Chúng tôi xin lần lượt giới thiệu chuỗi phóng sự này tới độc giả Nghiên cứu Quốc tế.
              Bài 1: TC thâu tóm châu Âu với từng mảnh nhỏ [1]:
       Khách du lịch yêu thích rượu đi lại nhộn nhịp trên đường phố cổ kính của thị trấn nhỏ Saint-Émilion. Cô gái trẻ TC gần như đánh rơi que kem xuống đất, khi có người hỏi cô nghe tên Diễn viên Triệu Vi không?
       "Dĩ nhiên rồi, ở TC ai mà chẳng biết đến cô ấy! Trang trại nho của cô ấy có thật ở gần đây không?" Một người phụ nữ họ Vương hỏi.
       Triệu Vi là một Ngôi sao Điện ảnh, Người Mẫu và Ca sĩ nhạc Pop 42 tuổi – người được trả thù lao cao nhất ở TC.
       Ngoài Điện ảnh và Âm nhạc, Triệu Vi còn có niềm đam mê thứ ba là rượu Pháp. Năm 2011 cô thực hiện được niềm mơ ước của mình, và mua một trang trại rộng 7 hecta ở vùng rượu nổi tiếng Saint-Émilion miền Tây nam nước Pháp.
       "Khi nhìn thấy trang trại này cô Triệu nhận ra ngay đây chính là trang trại trồng nho mà cô ao ước. Trước đó chúng tôi đã đi xem hàng trăm trang trại nho", Sue Zhang – người Đại diện ở Pháp của Triệu Vi cho biết.
       Cô Zhang đón khách đến thăm lâu đài cổ hơn 400 năm tuổi. Trên cổng lâu đài có treo cờ Pháp, TC và EU. Chủ nhân tòa lâu đài không có mặt vì đang bận việc ở châu Á, nhưng hàng ngày vẫn theo dõi tình hình diễn ra ở lâu đài. Sếp của tôi luôn bảo: "Rượu là một nghệ thuật. Cô ấy đã nếm đủ các loại rượu trên khắp thế giới, nhưng cô thích nhất là rượu ở Saint-Émilion. Đích mà cô hướng tới là sản xuất được một loại rượu tốt nhất không đếm xỉa đến kinh phí", cô Zhang kể. Vì vậy, lâu đài Château Monlot nằm trong vùng đất được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới đã được sửa chữa lại từ hầm rượu cho đến mái. Một trong những Chuyên gia giỏi nhất về loại nho Merlot đã được thuê tới làm việc ở đây.
alt
Trang trại nho của Triệu Vi.
       Những mùa rượu đầu tiên vừa được đem ra thị trường và các tiệm ăn nổi tiếng của Pháp đã đặt hàng. Rượu này cũng nhận được nhiều lời ngợi khen cả từ người Pháp. Đây là điều đặc biệt đối với trang trại có chủ sở hữu là người TC, bởi vì thông thường rượu của người TC sản xuất tại Pháp được chuyển về TC cho những bàn tiệc của những người trung lưu đang ngày một nhiều thêm ở nước này. Hiện nay1/10 dân số TC, tức là khoảng hơn 100 triệu người, uống rượu hàng ngày.
       Cho đến nay người TC đã mua tất cả 140 trang trại nho ở vùng Bordeaux này. Chúng ta chưa có thể nói con số này là lớn,  vì nó chỉ chiếm 3% diện tích đất trồng nho ở đây. Những nơi khác trên đất Pháp việc mua đất của người TC không hiếm. Thế nhưng người TC không chỉ muốn sở hữu những chùm nho ngon ngọt trên đất Pháp, mà hiện tượng mới hơn và gây tranh cãi nhiều hơn là mục đích mua đất của người TC trong những năm gần đây.
       Tại Pháp, các nhà đầu tư TC đã mua hàng ngàn hecta đất canh tác. Gần đây nhất là cuối năm ngoái, một Thương gia TC đã mua gần 900 hecta đất trồng trọt ở vùng Allien, miền Trung nước Pháp. Ông ta trả 10 triệu euro cho thương vụ đó. Vị Thương gia này là đại diện cho Công ty đa ngành Reward Group. Nguồn  tin này đã khiến người dân địa phương bực tức. Không ai hiểu được vì sao người TC lại muốn mua đất ở vùng quê yên bình của họ, ngay cả vị Thị trưởng.
       "Không biết họ định làm gì ở đây? Những người chủ mới này có định trồng trọt hay không, và nếu có thì đến mức độ nào? Hay họ định thay đổi gen?", Thị trưởng Daniel Marchand đã bày tỏ sự bực tức khi trả lời phỏng vấn kênh Truyền hình France 2.
       Công ty khổng lồ TC này trước đây cũng đã mua nhiều đất ở miền Trung nước Pháp. Cho tới nay, họ đã là chủ nhân của tất cả khoảng 3.000 hecta đất canh tác ở Pháp, tức khoảng 1/5 diện tích của Helsinki. Vấn đề không phải là việc sở hữu đất quá lớn. Nhưng Reward Group không phải là Công ty duy nhất muốn sở hữu đất canh tác ở Pháp. Tờ báo Kinh tế Challenges cho biết: Một Công ty lớn khác của TC hình như cũng đang xúc tiến những thương vụ mua đất tương tự ở Pháp.
       Theo tin từ báo này, một Công ty đang được giấu tên có lẽ đã thuê một Văn phòng Luật tại Paris đứng ra thương thảo về việc mua những cánh đồng trồng yến mạch ở vùng Beauce, phía Nam Paris.
       Người dân ở những nơi khác cũng thấy khó hiểu: Tại sao người TC lại mua đất canh tác đắt đỏ cách xứ sở họ hàng ngàn cây số? Chẳng lẽ ngoài vang Bordeaux, họ còn muốn đem cả bánh mỳ Pháp về TC?
       Tỷ phú Hu Keqin đang có những dự định rất lớn. Ông ta muốn dân tộc vốn chỉ quen với gạo và mì làm bạn với bánh mì Pháp vỏ giòn. Tỷ phú này chính là người lãnh đạo và giữ cổ phần của Tập đoàn Reward Group đã mua hàng ngàn hecta đất nói đến ở trên. Trong vòng 5 năm tới ông ta sẽ khai trương đến 1.500 xưởng bánh mỳ trên khắp TC, nơi người ta sẽ bán bánh mỳ được làm từ ngũ cốc Pháp.
       "Chúng tôi muốn bánh mỳ Pháp chiếm lĩnh TC. Sức mua sẽ khổng lồ. Tôi tin rằng thế hệ sinh ra từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới sẽ thích bánh mỳ của chúng tôi". Ông Hu Keqin chia sẻ khi trả lời phỏng vấn hãng AFP.
       Ở TC, Pháp là thương hiệu được tin cậy. Reward Group đã quảng cáo ở TC rằng: Họ bán các sản phẩm được làm ra từ ngũ cốc của Pháp. Họ hy vọng quảng cáo này có sức hấp dẫn người TC vốn rất sợ hãi lương thực, thực phẩm giả nội địa. Tập đoàn này tin tưởng việc xuất cảng ngũ cốc từ Pháp về TC là rất triển vọng về kinh tế, vì ngoài thương hiệu ra nó còn đảm bảo khâu an toàn. Reward Group đã hợp tác với một Công ty ở Pháp nhằm tiếp thu quá trình sản xuất và Công nghệ của Pháp về an toàn thực phẩm.
       Đối với Hu Keqin, những thương vụ mua đất này là việc kinh doanh, nhưng với TC nó là chiến lược. Thông qua các thương vụ này, TC muốn bảo đảm lương thực cho công dân của họ trong tương lai.
       Hiện nay TC có 1,4 tỉ dân, tức 20% dân số thế giới. Nhưng quốc gia này chỉ sở hữu 10% đất canh tác của thế giới. Tương lai tỉ lệ này sẽ giảm đi, vì dân số tăng lên, trong khi đất canh tác sẽ bị đô-thị-hóa.
       TC đang tính rằng: Nên mua đất canh tác ngay từ bây giờ, vì theo họ trong tương lai việc mua đất sẽ khó khăn hơn. Dân số trên trái đất tăng lên không ngừng, cùng với hiện tượng sa-mạc-hóa do trái đất nóng dần lên, và môi trường bị hủy hoại.
       Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà TC mua đất. Họ còn mua ở nhiều nơi khác như: Ukraine, Bulgaria. Ngoài châu Âu, người TC còn mua hoặc thuê đất canh tác, nhất là ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, và Đông Nam Á. Ở Australia, những thương vụ TC mua đất đã gây nên nhiều lo ngại, vì vậy năm 2015 nước này đã thắt chặt quy định mua đất đối với người  ngoại quốc.
       Ngoài đất canh tác, TC còn quan tâm đến những vị trí mang tính chiến lược của châu Âu. Nhiều mạng lưới điện, phi tường, hải cảng đã được mua, hay cố mua bằng tiền của TC. Vụ mua bán nổi tiếng nhất có lẽ là việc mua hải cảng Pireus của Hy Lạp, quốc gia chìm trong khủng khoảng kinh tế. Ngoài ra Tập đoàn Vận tải biển Costco của nhà nước TC còn sở hữu hải cảng Zeebrugge của Bỉ, có đa số cổ phần trong các cảng Valencia và Bilbao của Tây Ban Nha.
       Tiền TC được đầu tư vào các mạng lưới điện ở Bồ Đào Nha và Italia. Người TC cũng có đa số cổ phần ở phi trường Hahn (Frankfurt).
Đầu tư của TC vào cơ sở hạ tầng châu Âu.
       Ở Pháp, TC đầu tư vào các chuỗi khách sạn và thời trang, các Câu lạc bộ bóng tròn, và vào các hải cảng và phi trường. Công ty China Merchants Holdings đã sở hữu 49,9% phi trường Toulouse và 49% ở cảng hàng hóa Terminal Link (Marseille). Người TC cũng mua đất ở gần phi trường Châteauroux, miền Trung nước Pháp.
       Phần của người TC trong vốn đầu tư của ngoại quốc vào Pháp hiện chỉ chiếm 2%, song giờ đây nó đang tăng từng ngày. Reward Group đã từng mua đất ở miền Trung nước Pháp là một Công ty tư nhân. Nhưng khi mua đất canh tác nó đã thực hiện chiến lược mang tính quốc gia của TC.
       Giới truyền thông Pháp đã cố gắng săn lùng nguồn tin về Công ty này,  và mục đích của họ khi thực hiện việc mua đất. Kênh truyền hình France 2 đã phỏng vấn Doanh nhân Christophe Dequidt, người đã từng gặp Tỷ phú Hu Keqin ở TC trước đây. Dequidt cho biết: Khi đó Hu có nói mình đang làm việc vì lợi ích quốc gia.
       "Hu Keqin kể rằng: Ông được lệnh rời vị trí là một vị Tướng trong quân đội sang Lãnh đạo một Công ty Công nghiệp, và nhiệm vụ của ông là chiếm lĩnh thế giới." Dequit nói trong cuộc phỏng vấn.
       Không chỉ người TC, mà người các nước như khác Anh Quốc và Hà Lan cũng mua khá nhiều đất canh tác của Pháp. Nhưng theo suy nghĩ của người Pháp, người TC đáng sợ hơn người nước khác. Các tổ chức Công đoàn của những người trồng trọt coi việc làm của Doanh nhân Hu Keqin là việc cướp đất dưới vỏ bọc mua đất. Trên nguyên tắc, chính phủ Pháp có khả năng ngăn chặn việc bán đất canh tác cho người ngoại quốc. Công ty Safe – một Công ty phi lợi nhuận do các nhà trồng trọt và nhà nước cùng sở hữu, phụ trách việc cân đối việc mua đất trồng trọt có quyền mua trước tất cả các khu đất canh tác. Người ta sử dụng quyền này vào việc mua từng phần đất mà không mua toàn thể.
       Nhưng lỗ hổng này đã bị các nhà Đầu tư TC lợi dụng: ví dụ Tập đoàn Reward của ông Hu Keqin đã mua 900 hecta đất ở vùng Allier bằng cách mua các phần nhỏ ở những vị trí khác nhau, và chỉ mua 98%.
       Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận thấy cần phải lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề mua bán đất này. Ông đã đưa ra chính sách nghiêm ngặt hơn đối với những người tiền nhiệm trong việc mua đất của người TC.
       "Chúng ta không thể cho quốc gia khác mua hàng trăm, hàng ngàn hecta đất, nhất là khi chúng ta không biết rõ mục đích sử dụng đất này của họ." Ông Macron đã nói như vậy với những người làm nông trẻ của Pháp vào tháng 2/2018 vừa qua.
       Emmanuel Macron hứa sẽ thắt chặt quy định liên quan đến việc mua bán đất. Theo Tổng thống điều đó là cần thiết, bởi vì sự đầu tư này có tính chiến lược, liên quan đến chủ quyền của nước Pháp. Bức tranh đe dọa thực phẩm trong nước đã gây ra những phản ứng mạnh ở nước Pháp. Ngoài ra, gần đây nước Pháp cũng đã thức tỉnh để bảo vệ những vị trí mang tính chiến lược của mình.
       Tháng 2/2018 vừa qua, chính phủ Macron đã ngăn ngừa một Công ty TC mua đa số cổ phần của phi trường Toulouse, bởi vì phi trường này có tầm quan trọng chiến lược đối với nước Pháp, nhất là đối với ngành Công nghiệp sản xuất máy bay Airbus.
       Là một nước lớn trong EU, Pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ nền kinh tế của nước mình. Trong chuyến thăm TC vào tháng 1/2018, ông Macron lên tiếng về sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà TC đang chuẩn bị và thúc đẩy. Mục tiêu của dự án này là tạo ra những con đường thương mại mới và kết nối TC với các nước láng giềng, Trung cận Đông, châu Phi, và châu Âu. Nhưng phương Tây nghi ngờ rằng ý tưởng này là nhằm tăng cường ảnh hưởng của TC.
       "Chúng ta xây dựng đường sá để kết nối, chứ không thể chỉ nhằm một hướng," ông Marcon nói. Phát biểu này được hiểu nó ám chỉ rằng:  Thương mại giữa EU và TC quá chênh lệch. Theo ông Marcon: Những kế hoạch này của TC đòi hỏi các nước châu Âu có sự đồng thuận mạnh hơn.
       "Trong quan hệ với TC, châu Âu đã bị chia rẽ quá lớn. TC sẽ không coi trọng những phần đất mà ai đó để hở", ông Marcon nói.
       Pháp và Đức có cách nhìn khác với các nước nhỏ khác của EU trong việc phản ứng như thế nào với đầu tư từ TC. Không chỉ các nước Đông, Trung Âu, mà các nước Bắc Âu, trong đó có Phần Lan cho rằng: Không nên cân nhắc việc đầu tư này trên phạm vi toàn EU.
       Dư âm về người TC ở Pháp, ngay cả vùng rượu nho Bordeaux, mấy năm trước đây đã rất xấu. Khi đó người ta nghĩ rằng: Người TC gom các trang trại nho ở Pháp vì tiền, và vị thế của chúng, chứ không để ý đến truyền thống cũng như chất lượng của nho và rượu nơi đây. Những suy nghĩ này có cơ sở vì người TC đã bỏ mặc nhiều trang trại mà họ mua khi thiếu hiểu biết, hoặc không quan tâm lâu dài tới việc sản xuất.
       Theo cách nhìn của người Pháp, điều này không chỉ gây bực tức mà còn rất nguy hiểm. Những trang trại nho ở Bordeaux là một phần di sản văn hóa của Pháp,  và thật đáng xấu hổ khi những trang trại này lọt vào tay những trọc phú không tên tuổi.
       Ngay từ khi đó người Pháp đã cân nhắc tới việc có nên thắt chặt quy định về việc mua bán đất hay không, để hạn chế sự hiện diện của người ngoại quốc trên các mảnh đất canh tác của họ.
       Tuy nhiên, bây giờ cách nhìn này đã thay đổi. Địa vị của những người mua đất TC đã được cải thiện. Đó là ý kiến của Nhà văn Laurence Lemaire, một Chuyên gia về rượu, và là người rất am hiểu về TC.
       Theo Lemaire: Ngày nay những người mua trang trại nho ở Pháp là những người giàu có, yêu thích rượu kiểu như Tài tử Triệu Vi, còn nếu không là những trọc phú mua rồi để lại cho người Pháp quản lý. "Tiếng tăm của những người sản xuất rượu TC đã được cải thiện. Những người chủ mới đã coi trọng việc sản xuất và tiền của họ là sự giải cứu với nhiều trang trại", Leimaire nói.
       Những năm gần đây, các trang trại nho ở Pháp không phải là những đầu tư đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
       Rượu Bordeaux được sản xuất theo phương pháp truyền thống và nho của vùng này rất nhạy cảm đối với thay đổi của thời tiết. Những đêm sương giá của mùa Xuân năm trước, cũng như những trận mưa đá của mùa Xuân năm nay đã hủy hoại hết những cánh đồng nho. Sản lượng nho thu được ở Bordeaux thấp kỷ lục.
       Vậy nên các trang trại nho được rao bán rất nhiều, và không phải trang trại nào cũng có người mua từ Pháp hay châu Âu. Đối với những người Pháp đang vật lộn với khó khăn trong chính sách thuế thừa kế và chi phí cao khác, thì đồng tiền của TC được chào đón.
       Cách đây vài tháng, rất nhiều Doanh nhân và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã được mời đến dự khai trương trang trại rượu vừa được khôi phục lại của Triệu Vi ở Château Monlot, trong đó có cả Ca sĩ Sting cũng đến biểu diễn. Dân địa phương cũng được tham dự. Những người chủ sở hữu mới của các trang trại kể rằng: Có mấy người Pháp đến nắm tay họ, và cảm ơn họ đã giải cứu trang trại.
       Cho tới lúc này Triệu Vi được biết đến nhiều nhất trên thế giới là vai diễn trong bộ phim đắt nhất của châu Á do Ngô Vũ Sâm đạo diễn, có tên Đại chiến Xích Bích.
Nhưng hiện giờ Triệu Vi lại nổi tiếng ở Pháp trong giới say mê rượu vang.
—————-
[1] Nguyên bản tiếng Phần Lan: "Kiina ostaa Eurooppaa pala kerrallaan" của Annastiina Heikkilä, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsawer.

  •                                                   Hết.


__._,_.___

Posted by: van tran 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts