Chính Trị Trong Thánh
Kinh
by Võ Đức Quang, M. Ed.
Chính trị
và tôn giáo là hai đề tài gây nhiều tranh luận dữ dội. Nhất là khi tranh luận về
mối tương quan giữa chính trị và tôn giáo. Tương quan này rất cần thiết cho
tình hình hiện tại và tương lai của Việt Nam. Đã đến lúc các chính trị gia Hà Nội
phải nghiên cứu lại sách lược tôn giáo của đảng cầm quyền.
Tất cả mọi
người đều công nhận một điều: Tôn giáo không phải là một đảng chính trị, nhưng
tôn giáo đào tạo những công dân tốt để phục vụ quốc gia dân tộc trong nhiều
lãnh vực khác nhau, và chính trị là một lãnh vực quan trọng. Bài viết này sẽ
ghi lại đôi giòng suy nghĩ riêng tư về tương quan giữa chính trị và tôn giáo, sau
đó sẽ trích dẫn một số chi tiết trong Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo như là kim
chỉ nam đối với lãnh vực chính trị.
Có ít nhất
2 quan điểm đối nghịch nhau về mối tương quan giữa chính trị và tôn giáo. Quan
điểm 1 chủ trương tách riêng chính trị và tôn giáo để tránh tình trạng bên này
dẫm chân bên kia. Quan điểm 2 chủ trương hai bên cần phải hỗ tương nhau để phục
vụ con người. Người Việt trong nước và hải ngoại, tùy theo hoàn cảnh, có thể ủng
hộ cả 2 quan điểm, hay chỉ ủng hộ một trong hai. Riêng thành phần cầm quyền tại
Việt Nam hiện nay không ủng hộ hai quan điểm này. Họ chủ trương dùng sức mạnh
chính trị để uy hiếp Tôn Giáo. Ai cũng thấy, cộng sản xử dụng mọi quyền lực của
một đảng cầm quyền độc tài, để chi phối các sinh hoạt Tôn Giáo theo sách lược
mà họ gọi là tư tưởng hồ chí minh, một người chủ trương vô thần. Có thể viết ngắn
gọn: chính sách của Hà Nội là xử dụng tất cả mọi phương tiện (bộ luật rừng,
công an, quân đội, quốc hội, cán bộ địa phương) để cản trở sự bành trướng các
sinh hoạt Tôn Giáo. Ngắn gọn hơn nữa, đảng cộng sản cầm quyền, dựa theo chủ
thuyết duy vật của Các Mác, không tôn trọng quyền tự do tôn giáo của nhân dân
hiện nay. Theo lý luận của chủ thuyết cộng sản: (1) tôn giáo phải sinh hoạt
theo kế hoạch của đảng cộng sản hay (2) tôn giáo sẽ bị đàn áp bởi đảng cộng sản,
dưới nhiều hình thức vô cùng phi nhân bản.
Tại hải
ngoại, ngoài hai quan điểm trên, mới đây vừa xuất hiện một quan điểm thứ 3 về
sinh hoạt chính trị và tôn giáo. Có thể nói chỉ có một nhóm rât nhỏ cổ xúy quan
điểm loại 3 này. Họ tuy ít người nhưng mồm rất to và khả năng quậy rất đáng ngại.
Đại khái, quan điểm này lý luận rằng ngày 30-04 là ngày quốc hận (chính trị),
cho nên không ai có quyền tổ chức bất cứ sinh hoạt gì ngoại trừ sinh hoạt chống
cộng, dù đó là sinh hoạt lễ hội Mừng Chúa Sống Lại và kèm thêm Lễ Hội Mừng Xuân
truyền thống của một giáo xứ đã được tổ chức suốt 15 năm qua (tôn giáo). Theo
tin tức trên diễn đàn, sinh hoạt tôn giáo kể trên sẽ được tổ chức tại Giáo Xứ
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Houston. Đây là một sinh hoạt tôn giáo truyền thống
của Giáo Xứ suốt hơn 15 năm qua, được tổ chức 2 tuần sau Lễ Phục Sinh. Sinh hoạt
này có bày bán ẩm thực cho hàng ngàn đồng hương tham dự và văn nghệ giúp vui. Thời
gian tổ chức năm nay 2017 lại trùng vào ngày 30-04.
Theo thông
báo trên truyền thông đại chúng, thì hai ngày thứ sáu 28 và thứ bảy 29 là hai
ngày Mừng Chúa Sống Lại, là một sinh hoạt mang tính chất Tôn Giáo cho nên không
ai có quyền cấm. Vì lý do nhạy cảm, nên sinh hoạt tôn giáo vào ngày chủ nhật
30-04-2017 sẽ được ban tổ chức biến cải thành sinh hoạt Quốc Kháng. Nghĩa là
trong thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần rơi vào ngày 30-04, Giáo Xứ sẽ có nghi thức
tưởng niệm biến cố 30-04 để cầu nguyện cho các anh hùng tử sĩ quân dân cán
chính VNCH, cho đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do, có nghi thức chào Quốc
Quân Kỳ VNCH, có những sinh hoạt mang tính chất Quốc Kháng, để lôi kéo giới trẻ
vào công cuộc đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền tại Việt Nam, tạo điều kiện
để giáo dân và đồng hương hiệp thông với đồng bào tại Giáo Phận Vinh bên quê
nhà, đòi hỏi bồi thường thích đáng.
Như vậy là một sinh hoạt đấu tranh chống cộng
rất thực tế và hữu hiệu, với một số lượng đông đảo giáo dân của nhiều tôn giáo khác
nhau cùng tham dự Quốc Kháng do Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Houston đứng
ra tổ chức, nhân ngày Lễ Hội truyền thống của Giáo Xứ. Các cơ quan truyền thông
sẽ thu hình khung cảnh đồng bào Houston tụ tập đông đảo, giương cao biểu ngữ phản
đối “sách lược hèn với GIẶC ác với Dân” của nhà cầm quyền tại Việt Nam hiện
nay. Hình ảnh Cờ vàng tung bay, đông đảo dân chúng trương biểu ngữ Quốc Kháng
và hô to những khẩu hiệu chống cộng, sẽ được truyền tải khắp mọi nơi trên thế
giới để bày tỏ lập trường chống cộng của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại
Houston.
Tóm lại, những biểu ngữ chống cộng, những video chống cộng, và hình
ảnh hàng ngàn đồng hương chống cộng, sẽ là một bằng chứng chống cộng (a real
proof of anti-communist by Vietnamese American at Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt
Nam tại Houston).
Thế nhưng
ban tổ chức đã bị một nhóm người thuộc nhóm quan điểm loại 3 kể trên lên tiếng
chống đối, thậm chí bị nhóm này chụp nón cối. Cuối cùng, để tránh tình trạng bị
sập bẫy của cộng sản nằm vùng, thường hay khai thác những bất đồng ý kiến trong
tập thể tị nạn, để tung nón cối và gây xáo trộn chính trị, cho nên GX đã phải
ra thông báo hủy bỏ sinh hoạt Quốc Kháng ngày 30-04 như đã dự trù, chỉ tổ chức
hai ngày 28 và 29 mà thôi. Đây là một quyết định rất sáng suốt và linh động của
Ban Tổ Chức.
Công tâm
mà nói, người tị nạn cộng sản nào cũng ý thức được chống cộng là chuyện đương
nhiên, NHƯNG kiểu chống cộng dưới hình thức Tưởng Niệm không còn hợp thời thế nữa.
Xin hỏi Tưởng Niệm cái gì vậy? Những mất mát tài sản vắng chủ vào tay cán bộ cộng
sản, những năm tù cải tạo vì thua trận, những con tàu vượt biên lánh nạn cộng sản
đi tìm tự do, những trường hợp sĩ quan được Mỹ cho định cư theo diện HO, trong khi
hạ sĩ quan, lính quèn, và thương phế binh phải ở lại, những tâm sự lưu vong nhớ
quê cha đất tổ, những mảnh đời sĩ quan tướng tá úy tị nạn phải làm lại từ đầu
vì biến cố 30-04, những con em HO thành công trên xứ người, những áo gấm về
làng, những chuyến du lịch quê hương của hàng trăm ngàn Việt kiều, những sự cố
gởi kiều hối hàng tỉ đô la. Hãy tự hỏi mình thật lòng đi! Tưởng niệm một quá khứ
đau buồn hay cơ hội bày tỏ thái độ thù hận đối với những cán bộ tư bản đỏ, vì
nó giàu có và quyền lực hơn ta.
Dù muốn
hay không muốn công khai tuyên bố, dù cố che dấu sự thật lịch sử như thế nào đi
nữa, người Việt hải ngoại không thể phủ nhận biến cố 30-04 dù đã đem đến 99%
đau buồn, nhưng cũng đã đem đến 1% may mắn, và từ may mắn đó, có được cuộc sống
thiên đàng, so với quốc nội là cuộc sống địa ngục. Do đó hải ngoại phải hiệp
thông với đồng bào trong nước biến đổi ngày 30-04 thành ngày Quốc Kháng. Phải
ra hiệu cho giới cầm quyền tại Hà Nội biết ngày giờ hạ màn của họ đã gần kề. Phải
linh động, khéo léo, và sáng suốt trong đấu tranh thì mới giải thể được chế độ
độc tài cộng sản. Nôm na là phải có kế hoạch, phải hành động tùy theo hoàn cảnh,
chứ không thể mãi mãi ủ rủ tưởng niệm tháng tư đen, mỗi lần 30-04 đến.
Nhiều bài
viết trên diễn đàn hiện nay mang tính chất chụp nón cối lên đầu ban tổ chức
Giáo Xứ Thánh Tử Đạo và dùng từ ngữ hạ cấp để xách mé vị lãnh đạo tinh thần
đáng kính là Linh Mục Vũ Thành. Ngữ vựng trong nước gọi hành vi chụp nón cối đó
là một sự cố thiếu văn hóa, được phát xuất từ sự bất đồng ý kiến trong nội bộ một
số người quốc gia. Người cộng sản có lẽ sẽ cười đắc chí vì sự cố chụp nón cối
được hiểu như là phe ta đánh phe mình giùm cho họ. Nằm vùng Hà Nội chả cần ra
tay, mà vẫn gây được gây xáo trộn bằng cách tung nón cối, mỗi khi thấy trường hợp
bất đồng ý kiến trong hàng ngũ chống cộng. Hà nội cười đắc chí vì một nhóm người
xưng là Quốc Gia nhưng đầu óc toàn bã đậu với lý do mặc cảm thua trận năm 1975.
Đấu tranh
phải có chiến lược và chiến thuật tùy theo tình hình, chứ không phải theo cảm
tính hay cảm xúc. Thử xét lại xem, nếu một nhóm người xưng là những chiến lược
gia chống cộng mà không thấy được sinh hoạt Quốc Kháng của Giáo Xứ Các
Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Houston sẽ được khéo léo tổ chức, thì thử hỏi các
chiến lược gia đầu bã đậu đó, làm sao có thể nhìn thấy được chiến lược hay
chiên thuật tranh đấu cho Tự Do-Dân Chủ-Nhân Quyền tại Việt Nam qua những sinh
hoạt tập thể. Giáo Xứ sẽ tạo điều kiện để Cờ vàng tung bay, để đồng bào tập
trung với biểu ngữ Quốc Kháng, để dâng thánh lễ Tri Ân và cầu nguyện quân dân
cán chính VNCH, để có nghi lễ rước Quốc Quân Kỳ VNCH, để biểu dương quân phục rằn
ri thủa nào, để có nghi thức súng chào, súng tiếc thương, .v.v..., để cử hành tất
cả nghi thức Quốc Kháng lẫn Quốc Hận, và cốt lõi là để truyền tải lập trường chống
cộng đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Tổ chức Quốc Kháng có cần thiết phải giới
hạn trong môi trường địa lý không. Luật nào ràng buộc lễ Quốc Hận chỉ được phép
tổ chức tại khuôn viên chợ Hồng Kông 4? Nếu ai tổ chức Quốc Kháng ở một nơi
khác, ví dụ trường hợp Giáo Xứ Thánh Tử Đạo tại Houston thì bị chụp nón cối, là
sao. Thật là đáng trách các chiến lược gia “ếch ngồi miệng giếng” chỉ nghĩ tới
sĩ diện của họ, chứ không hề nghĩ đến thực tế khó khăn của đồng bào trong nước
hiện nay, đang đấu tranh trong hoàn cảnh rất nghiệt ngã.
Khi nghe
tin Giáo Xứ Thánh Tử Đạo tại Houston ra thông báo hủy bỏ sinh hoạt quốc kháng của
giáo xứ ngày 30-04, tôi chợt nhớ lại câu chuyện một nhóm người Do Thái cách đây
2 ngàn năm, cấm ông Giêsu phục vụ con người trong ngày Sa-Bát. Lúc đó ông Giêsu
giảng đạo về Đức Chúa Trời xuống thế chuộc tội cho loài người, chữa bệnh người
đau yếu, làm cho người chết sống lại, người mù được thấy, điếc được nghe, què
được đi, đói được ăn … trong ngày Sa-Bát. Nhóm người Do Thái này lý luận rằng
ngày Sa-Bát là ngày rành riêng để thờ phượng Đức Chúa Trời cho nên họ ngăn cản
ông Giêsu làm bất cứ việc gì dù đó việc tốt lành kể trên. Những người Do Thái
đó là những tên đạo đức giả, bề ngoài có vẻ hiền lành, nhưng bên trong rất thâm
độc. Họ muốn ông Giêsu làm gì để cứu nhân độ thế thì cứ làm, nhưng KHÔNG được
phép làm trong ngày Sa-Bát, và yêu cầu ông Giêsu nếu làm thì làm trước hay sau
ngày Sa-Bát mà thôi. Thưa các ngài Do Thái đạo đức giả, thờ phượng Đức Chúa Trời
trong ngày Sabát là việc làm thiêng liêng bắt buộc phải giữ. Nhưng cấm ông
Giêsu không được làm những việc cứu nhân độ thế ngày Sa-Bát thì không thể chấp
nhận được. Nói theo ngôn ngữ của tập thể Việt lưu vong, Tưởng Niệm 30-04 là
chính nghĩa nhưng cần phải biến cải 30-04 thành ngày Quốc Kháng, ngày quật khởi,
và tổ chức bất cứ nơi nào có đông đảo người tị nạn tập trung.
Nói theo kiểu
chính khách Hoa Kỳ, let's have an active anti-communist plan, let's move on. Cá
nhân người viết, hoàn toàn ủng hộ chiến thuật Quốc Kháng của Giáo Xứ Các Thánh
Tử Đạo Việt Nam tại Houston, vì đó là cơ hội có đông đảo đồng hương tham dự, vừa
phát huy chính nghĩa Quốc Gia vừa thể hiện tinh thần chống cộng sản độc tài
đang dày xéo trên quê hương. Rất tiếc ban tổ chức phải hủy bỏ sinh hoạt Quốc
Kháng 30-04 trong khuôn viên Giáo Xứ, để giữ thế hòa bình với một nhóm đạo đức giả,
đang la ó phản đối với biểu ngữ “Quốc Gia trước, Tôn Giáo sau.” Xin hỏi
các ông bà đạo đức giả kia: hàng chữ Quốc Gia ghi trên biểu ngữ ám chỉ quốc gia
nào vậy? Quốc gia Mỹ hay quốc gia Việt Nam hiện nay; và nên nhớ rằng quốc gia
Việt Nam Cộng Hòa đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới kể từ ngày 30-04-1975. Sự
cố xóa tên VNCH rất đau lòng nhưng đó là sự thật lịch sử. Tất cả các sách giáo
khoa đều ghi lại chi tiết chính quyền Sàigòn của VNCH đã bỏ chạy hoặc đầu hàng
Hà Nội.
Thưa các
chiến lược gia “dốt mà tày khôn” khi trương biểu ngữ “Quốc Gia trước, Tôn
Giáo sau”, phần lớn dân chúng Mỹ ủng hộ quan điểm tách riêng chính trị và tôn
giáo hơn là hỗ tương nhau (Church and state separation). Tách riêng chính trị
và tôn giáo kiểu người Mỹ chỉ là một kiểu xảo ngôn lưỡi không xương nhiều đường
lắc léo. Thử nhìn vào những tờ giấy đô la xanh của Mỹ đi, tờ nào cũng có hàng
chữ “In God We Trust”, God được dùng ở đây là ai vậy? mà người ta phải Trust! Nếu
người Mỹ quan niệm phải tách riêng Chính trị và Tôn Giáo thì do đâu mà bên này
(We) lại Trust bên kia (God). Bên kia có cái gì “ấn tượng” đến nỗi bên này phải
Trust.
Xin chuyển
đến các chiến lược gia ếch ngồi miệng giếng về một điều lý thú khác, rằng mỗi
khi nhậm chức, hầu hết các chính trị gia Hoa Kỳ đều đặt tay lên quyển Thánh
Kinh lúc tuyên thệ. Quyển sách đó trông đơn sơ, nhưng đóng một vai trò rất quan
trọng. Tất cả các chính khách Hoa Kỳ đều có truyền thống chọn một quyển Thánh
Kinh, càng cũ càng giá trị, khi họ tuyên thệ. Họ cho rằng Thánh Kinh càng cũ
càng chứng minh họ là người đạo đức lâu năm. Ông Trump dùng quyển Thánh Kinh được
lưu truyền từ đời ông Cố, để chứng tỏ Trump là một tín đồ thế hệ cháu chắt rất
ngoan đạo. Các ngài chiến lược gia dốt ơi, có thấy được các ngài chính khách
Hoa Kỳ đã xử dụng một chiến thuật rất ngoạn mục không, khi họ đặt tay lên quyển
Thánh Kinh và đọc lời thề “Yes, I do”.
Có lẽ các chiến lược gia chống cộng kiểu
ếch ngồi miệng giếng cần nghiên cứu về ý nghĩa thâm sâu của sự cố đặt tay lên
quyển Thánh Kinh, khi các chính khách tuyên thệ nhậm chức. Người viết hy vọng rằng,
yếu tố quyển Thánh Kinh trong lễ tuyên thệ nhậm chức sẽ giúp cho đám đạo đức giả
rút lại tấm biểu ngữ “Quốc gia trước tôn giáo sau”, và thay thế với nội dung
“Tôn Giáo Trước, Quốc Gia Sau”.
Chắc quý
vị còn nhớ, ông Tổng Thống Trump đã mời nhiều vị lãnh đạo tinh thần đến cầu
nguyện “Thượng Đế” trong lễ nhậm chức, nghĩa là ông Trump lưu tâm đến Tôn Giáo
Trước, Quốc Gia Sau. Ông Trump đã xin Đức Hồng Y Dolan trích một đoạn Thánh
Kinh “ngắn, gọn, và đầy ý nghĩa” để cầu nguyện cho Tân Tổng Thống. Và Đức Hồng
Y Dolan đã trích lời cầu nguyện của vua Solomon trong Cựu Ước. Đó là những lời
cầu của vua Solomon xin Thượng Đế ban cho “Ơn Khôn Ngoan” để nhà vua lãnh đạo đất
nước. Lời cầu nguyện cho Ơn Khôn Ngoan được trích ra từ một Thánh Kinh Cựu Ước
mang tên Sách Khôn Ngoan Solomon (Wisdom of Solomon).
Thánh Kinh này được viết ở khoảng thời gian giữa 250 trước Tây Lịch và 50 sau
Tây Lịch, nghĩa là trên dưới 2 ngàn năm, nhưng vẫn còn vô cùng giá trị. Một đại
tỉ phú như ông Trump, và một chính khách nhiều kinh nghiệm như ông Pence, và một
giàn phụ tá chính trị mưu lược thần kỳ của đảng cộng hòa thắng cử, cũng cầu xin
Thượng Đế ban cho Ơn Khôn Ngoan, qua trung gian một Đức Hồng Y Công giáo, để
lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện nay. Điều đó cho thấy tầm mức
quan trọng của Tôn Giáo trong sự nghiệp chính trị. Ước gì giới cầm quyền tại Việt
Nam cũng bắt chước các lãnh đạo của đế quốc Mỹ, cầu xin Thượng Đế ban cho Ơn
Khôn Ngoan để lãnh đạo đất nước hiện nay.
Tôn giáo
là một yếu tố quan trọng đối với nhiều chính khách. Ông Trump cũng như tất cả
các Tổng Thống tiền nhiệm đều đến một thánh đường để cầu nguyện riêng với “Thượng
Đế” trước khi họ đến địa điểm tổ chức nghi lễ nhậm chức. Nôm na là Tôn Giáo Trước
đã rồi thứ đến là Quốc Gia. Riêng đối với ông Phó Tổng Thống Pence là một tín đồ
Thiên Chúa Giáo, sau khi thắng cử, đã công khai tuyên bố “We Need Jesus More
Than Ever Right Now”. Rất nhiều chính khách trên thế giới cũng công khai tuyên
bố giống như ông Pence, nghĩa là họ rất cần đến Tôn Giáo trước khi lãnh đạo đất
nước (tôi sẽ trích dẫn những chính khách này trong bài viết khác). Ước gì giới
cầm quyền tại Việt Nam cũng bắt chước ông tổng thống Trump và phó tổng thống
Pence của đế quốc Mỹ, xin ngài Giêsu giúp họ.
Lý do gì
đã lôi cuốn được nhiều chính trị gia chạy đến quỳ gối trước ông Giêsu? Xin
thưa, bởi vì qua ông GiêSu, các chính khách sẽ tìm được một kho tàng kim chỉ nam
về chính trị. Những kim chỉ nam quý giá đó, nằm trong một số Kinh Sách Cựu Ước
và Tân Ước. Người viết xin chuyển đến quý vị độc giả trên dưới 40 kim chỉ nam
chính trị cơ bản mà người viết đã sưu tầm trên mạng Google. Xin quý vị cùng
chia xẻ và bổ túc những khiếm khuyết của người viết bài này về Chính Trị Trong
Thánh Kinh.
Trước tiên
xin lướt qua một số Thánh Kinh trong Cựu Ước đã đề cập đến yếu tố chính trị như
thế nào.
1. Trong
sách Sáng Thế (Genesis), kim chỉ nam chính trị dành cho nhà cầm quyền là:
phải tôn trọng nhân phẩm con người, không áp bức người dân, và đối xử công bằng
với mọi tầng lớp trong xã hội, bởi vì mọi người đều được dựng nên giống hình ảnh
của Thiên Chúa. Qua hình ảnh Thánh Giuse, chúng ta thấy cách thức Chúa dùng bí
tích “Xức Dầu” để cai trị một vùng đất xa lạ và đem lại sự thịnh vượng cho dân
chúng cũng như một xã hội an cư lạc nghiệp.
2. Trong
sách Xuất Hành (Exodus) chúng ta thấy Môsê là một nhân vật chính trị sâu
sắc. Dân chúng kính trọng Môsê như là một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Bộ Luật
Môsê là một bộ luật rất nhân ái bởi vì bộ luật đó thể hiện trái tim của Thiên
Chúa đối với dân của Ngài. Rất nhiều chính khách ngành Lập Pháp đã dựa theo
tinh thần nhân ái của bộ Luật Môsê, để làm ra những Luật Lệ thích nghi.
3. Với trọng
tâm nhắm vào đạo đức cá nhân, lương tâm chức nghiệp, và chăm sóc cho người
nghèo, sách Lêvi (Leviticus) cho chúng ta thấy: luật pháp được ban hành
để đáp ứng 3 mối quan hệ rất quan trọng: (1) mối quan hệ giữa dân tộc Do Thái với
Thiên Chúa, (2) giữa dân Do Thái với Do Thái, và (3) giữa Do Thái với các dân tộc
khác trên thế giới. Nhiều nhà xã hội học đã cho rằng: Các Hiến Chương Liên Hiệp
Quốc, các chương trình cứu nguy Quốc Tế, đã được ban hành dựa trên yếu tố đạo đức
và lương tâm từ sách Lêvi này.
4. Sách
Dân Số đề nghị một quá trình dân chủ cho sự lựa chọn các thành phần lãnh đạo.
Nôm na là kim chỉ nam cho chính quyền, mỗi khi tổ chức những cuộc tranh cử bầu
cử các chức vụ dân cử trong xã hội Dân chủ. Nghĩa là, một chính phủ đúng nghĩa
phải là một chính phủ cho Dân-Vì Dân-và Bởi Dân. Hầu hết thành phần lãnh đạo
các quốc gia đều do lá phiếu của nhân dân quyết định, riêng tại Việt Nam và nhiều
nước độc tài, người dân bị cưỡng bức bỏ phiếu dưới hình thức đảng cử dân bầu,
nghĩa là đảng chỉ đạo dân bầu cho ai thì dân phải bầu cho người đó, không được trái
ý đảng.
5. Sách
Đệ Nhị Luật khẳng định một ý niệm bình đẳng đối với luật lệ dành cho các vị
vua và các đối tượng. Nghĩa là các vị Vua phải đối xử với nhau dựa trên nguyên
tắc bình đẳng, chứ không được ỷ mạnh hiếp yếu, như tình trạng vua Bắc Kinh ăn
hiếp vua Hà Nội hiện nay. Một tí tiếu lâm cho vui, Hà nội bị người ta ăn hiếp,
không chống đỡ được, nên trút sự sợ hãi lên đầu nhân dân. Hễ nhân dân tụ họp lại,
dù tụ họp vì nhu cầu tôn giáo, giáo dục, hay xã hội, đều làm cho đảng cộng sản
cầm quyền Hà nội nơm nớp lo sợ dân chúng tụ tập để lật đổ họ khỏi quyền lực.
6. Sách
Giôsuê Joshua cho thấy sự toàn vẹn của giai cấp lãnh đạo là một yếu tố cần
thiết. Nghĩa là giới cầm quyền phải có khả năng lãnh đạo, phải gìn giữ bản sắc
dân tộc trong mọi tình huống, trong đó yếu tố đạo đức được quan trọng hóa như
là một đặc trưng của dân Chúa. Nôm na, lãnh đạo phải có tài và đức, phải yêu nước
thương dân. Chứ không phải lãnh đạo theo kiểu “sai thì sửa” và “càng sửa càng
sai”; và nếu ai lên tiếng phê bình lãnh đạo dốt, thì sẽ bị ghép tội vi phạm luật
hình sự.
7. Sách
Thủ Lãnh cho thấy cách thức mà Chúa đã nâng người dân lên địa vị cao hơn và
trao quyền cho người dân để lãnh đạo đất nước ra khỏi tội lỗi, lầm lỡ, và xử phạt.
Một điểm rất cấp tiến từ sách này đó là sự đề cập đến vai trò quan trọng của phụ
nữ trong sứ mạng đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Ý niệm phụ nữ có quyền
lãnh đạo từ sách Thủ Lãnh đã giúp cho nhiều quốc gia Âu, Á, Mỹ Latinh trên thế
giới hiện nay chọn lựa phụ nữ vào chức vụ lãnh đạo đất nước.
8. Ruth
cho thấy trách nhiệm đối với xã hội của giới lãnh đạo không chỉ thu hẹp trọng
phạm vi một hợp đồng pháp lý, mà phải rộng lớn hơn. Nôm na, lãnh đạo phải có
trách nhiệm đối với xã hội dựa trên 3 yếu tố lý, tình, và hoàn cảnh, chứ không
phải thu hẹp trong phạm vi bộ luật hình sự hay dân sự. Chẳng hạn như trường hợp
đồng bào ở giáo phận Vinh hiện nay, trách nhiệm đối với xã hội của giới lãnh đạo
không phải chi thu hẹp trong phạm vi xử lí số tiền mấy triệu đồng bồi thường từ
công ty Fomorsa không thôi (lý), mà đảng cầm quyền phải bảo vệ giá trị nhân bản
(tình) và gìn giữ bản chất dân tộc Việt trước thảm họa môi trường mà công ty
Fomorsa đã gây ra (hoàn cảnh). Giới lãnh đạo hiện nay cần phải lưu ý đến trách
nhiệm đối với xã hội, nghĩa là phải ý thức rằng: quốc gia đang đối diện với thảm
họa “Biển Việt Nam bị nhiễm chất độc thải ra”, làm sao nhân dân có thể sống được,
và 5, 10, 20 năm nữa tình trạng biển sẽ ra sao vì nhiễm độc quá nặng.
9. Những
cuốn sách Các Vua (1 & 2 Kings) vẽ ra một bức tranh của đất nước bao
gồm cả ba tình huống tốt, xấu, và bẩn thỉu (good, bad, and ugly) tùy theo khả
năng lãnh đạo của vị vua. Những cuốn sách này nhắc nhở các nhà lãnh đạo phải chịu
trách nhiệm đối với các hành động của họ. Nôm na là một ông Vua nếu có công thì
được thưởng, và nếu có tội phải bị xử lý thích nghi. Hay nói khác hơn, nếu lãnh
đạo không có khả năng đưa đất nước lên mức độ Tốt, thì lãnh đạo nên cút khỏi
chính trường, bởi vì tiếp tục cầm quyền một cách ngoan cố, chỉ làm cho đất nước
càng ngày càng Bad hay Ugly mà thôi.
10.
Những cuốn sách Sử Ký 1 & 2 cho
thấy trái tim nhân từ của Chúa sẽ dành cho chính phủ nếu chính phủ chân thành
quỳ xuống cầu xin Chúa. Sách ghi lại vua Solomon đã cầu xin Chúa ban cho “Ơn
Khôn Ngoan” để chu toàn trọng trách lãnh đạo dân tộc Do Thái thời đó và đã được
Chúa nhận lời. Vua Solomon và các vua khác đã chu toàn trách nhiệm đổi mới đất
nước cùng dân Chúa, dựa trên tinh thần phúc âm lúc đó, là chạy đến cầu xin
Chúa. Đức Hồng Y Dolan đã trích lời cầu nguyện của vua Solomon trong sách này,
để cầu nguyện cho ông Trump trong lễ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Người viết xin gởi đến các nhà lãnh đạo Hà nội hiện nay một lời khuyên chân
thành: hãy mau thức tỉnh và cầu xin Thiên Chúa ban cho Ơn Khôn Ngoan như tổng thống
Trump đã làm. Có thể nói rằng nếu Hà Nội xin Bắc Kinh ban ơn che chở, thì sự
xin xỏ đó là một sự cố rất xấu hổ, nhưng Hà Nội xin Chúa Trời ban cho Ơn Khôn
Ngoan, thì đó là một sự cố rất khôn ngoan đối với tình huống Viet Nam hiện nay.
11.
Nehemiah dạy người dân phải sáng suốt để
tìm hiểu những phương án khả thi ngõ hầu khôi phục các quyền căn bản đã bị giới
lãnh đạo cướp mất. Người dân ở các quốc gia dân chủ có thể tìm ra phương án
thích nghi qua hệ thống luật pháp. Tại Việt Nam thì người dân phải bó tay, bởi
vì luật Việt Nam hiện nay là luật rừng, được biên soạn để phục vụ đảng cầm quyền
mà thôi, không hề bênh vực người dân thấp cổ bé miệng chút nào cả.
12.
Sách Châm ngôn được viết để hướng dẫn những
vị hoàng tử làm thế nào để quản lý, khi trở thành vua. Thiết nghĩ các con cháu
chủ tịch nước, tổng bí thư đảng, chủ tịch quốc hội, hay các vị quyền cao chức lớn
hiện nay, nên nghiên cứu sách Châm Ngôn này để chuẩn bị hành trang cho giai đoạn
quản lý đất nước sau này, khi thời thế tới.
13.
Sách Giảng Viên nói về sự khôn ngoan là một
yếu tố rất cần thiết để lãnh đạo đất nước. Thiết nghĩ những ai đang ở vị trí
lãnh đạo nên nghiên cứu sự khôn ngoan trong sách này để chu toàn trách vụ lãnh
đạo đất nước.
14.
Song of Solomon mô tả những thứ tự ưu
tiên trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và dân chúng. Nôm na là lãnh đạo phải đặt
quyền lợi quốc gia dân tộc trên hết. Người cộng sản hay tuyên truyền cán bộ là
đầy tớ nhân dân nhưng thực tế thì không phải vậy. Nhân dân bị lãng quên hầu như
tại nọi nơi và mọi lúc, trên toàn cõi đất nước.
15.
Sách Huấn Ca cho thấy Thiên Chúa có thể sử
dụng một quốc gia A để trừng phạt một quốc gia B. (Người viết xin hẹn phần phân
tích trong một bài viết khác).
16.
Daniel chứng minh rằng dân của Thiên Chúa
có thể được trưng dụng để lãnh đạo một quốc gia xa lạ, mà trong Kinh Thánh gọi
là dân tộc ngoại giáo. Với một sự công nhận ngầm kiểu luật bất thành văn rằng,
tham gia hoạt động chính trị có nghĩa là chấp nhận đương đầu với những thách đố
lớn, và sẵn sàng hy sinh thời giờ, để phục vụ người dân của Thiên Chúa. Với
Daniel, chúng ta thấy tính chất toàn vẹn của giới lãnh đạo được gắn liền với
giá trị đạo đức, và vai trò của các tiên tri rất quan trọng để duy trì quyền lực
của chính quyền. Nôm na, vai trò các vị lãnh đạo tinh thần là những vị cố vấn tối
cao của giới lãnh đạo, mỗi khi đương đầu với những vấn đề nan giải của quốc
gia. Người viết được biết tại Pháp và Đức, nhiều linh mục được chính quyền trân
trọng mời tham dự những phiên họp chiến lược liên quan đến sự phát triển của xã
hội. Quan trọng hơn, cuốn sách cho thấy rằng quyền thống trị của Thiên Chúa bao
gồm tất cả các quốc gia, tất cả các đế quốc và toàn bộ trái đất; và cuối cùng,
tất cả các vương quốc sẽ hướng đến vương quốc của Thiên Chúa của tình yêu và sự
công chính. Kho tàng ca dao tục ngữ Việt có câu “Chạy Trời không khỏi nắng” để
ám chỉ Thiên Chúa thống trị toàn bộ vũ trụ và cội rễ của quyền lực.
17.
Ô-sê lên án gắt gao chủ nghĩa khoái lạc
và lạm dụng sự giàu có. Các cán bộ cộng sản cao cấp cầm quyền hiện nay chắc chắn
100% sẽ bị dị ứng khi đọc sách này, bởi vì sách này lên án đúng người đúng việc.
Tuy nhiên, vẫn không muộn nếu nhận thức được lỗi lầm và quyết tâm quay lại đường
ngay nẻo chính.
18.
Joel thách đố công chúng phải đứng lên
tranh đấu cho quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.
19.
Amos cho thấy một số người cai trị kiểu đạo
đức giả. Người viết trích dẫn sách này cho vui thôi, chứ dân chúng trong nước
không xa lạ gì khi đề cập đến thành phần cai trị kiểu đạo đức giả hiện nay.
20.
Obadiah khẳng định rằng công lý không thể
bị quên lãng. Dĩ nhiên tại các quốc gia Dân chủ thôi, chứ công lý tại Việt Nam
luôn bị giới cầm quyền quên lãng, nếu không muốn nói là bị trù dập rất nặng nề.
21.
Micah nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố
đạo đức, tính chất toàn vẹn và ý niệm công bằng của một chính trị gia. Ba yếu tố
này cũng được đề cập trong nhiều sách khác.
22.
Nahum giải thích nguyên tố tự do có thể tạo
nên an vui hạnh phúc cho một quốc gia.
23.
Habacúc đề cập đến sự chăm sóc của Thiên
Chúa đối với người nghèo.
Không chỉ riêng Cựu Ước, một số Thánh
Kinh trong
Tân Ước cũng đề cập đến yếu tố chính trị là một yếu tố quan trọng trong
xã hội dân chủ.
24.
Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan trích
dẫn uy quyền quản trị của Chúa Kitô qua lời tuyên bố rằng “cả quyền phép ở trên
trời và dưới đất được ban cho tôi "(Matt 28: 18); và khi Chúa Giêsu nói với
Philatô rằng "Ông sẽ không có quyền lực đối với tôi trừ khi nó đã được đưa
cho ông từ trên cao" (Gioan 9:11).
25.
Tông Đồ Công Vụ thể hiện một cộng đồng thống
nhất và bình đẳng, được quản lý bởi Tập Thể hay nôm na là tập thể lãnh đạo cá
nhân thi hành, theo nguyên tắc đồng thuận và đa số; minh họa sự cần thiết phải
xử dụng quyền lực một cách công chính; và đề xướng các mô hình mới về quyền lợi
của dân chúng. Mô hình này không chỉ hướng về các lãnh vực xã hội, giáo dục, y
tế, khoa học kỹ thuật, .v.v... mà lưu ý đặc biệt đến sự cần thiết của quyền
tự do tôn giáo. Ai đã sống trong xã hội cấp tiến đều biết quyền Tụ Do Tôn
Giáo là một trong những quyền tối thượng. Xin nhắc khéo những ai chống đối sinh
hoạt Tôn Giáo của Giáo Xứ Thánh Tử Đạo rằng, Giáo Xứ không vi phạm luật lê của
giáo hội Công Giáo, không vi phạm điều gì theo tinh thần của sách Tông Đồ Công
Vụ, không vi phạm luật lệ của thành phố Houston, nhưng hoàn toàn là sinh hoạt
thuần túy Tự Do Tôn Giáo. Cho nên quý ông bà chỉ là những tên hề khi đến gặp Đức
Hồng Y để mách bu.
26.
Rôma cho thấy giá trị của chính phủ thế tục
chỉ có thể lẩn quẩn trong phạm vi thế tục; và lên án những phương án xử phạt của
nhà cầm quyền đã gây ra nhiều ấn tượng xấu trong ánh mắt của dân chúng. Điều
căn bản và quan trọng về định nghĩa của thẩm quyền chính trị: “chỉ là tôi tớ của
Thiên Chúa” đến phục vụ người dân theo tinh thần phúc âm (13: 1-4). Thánh
Phaolô khẳng định rằng quyền lực chính trị đến từ Thiên Chúa vì lợi ích của
chúng tôi. Nôm na, Thiên Chúa sai những người tốt lành đến phục vụ bạn; còn Sa
tăng sẽ gởi quỷ đến quấy nhiễu bạn. Bạn sẽ chọn ai để phục vụ bạn? Chọn người tốt
lành từ Thiên Chúa gởi đến, hay chọn ác quỷ từ Sa tăng dẫn đến.
27.
Côrintô 1 & 2 xác định trí khôn của
loài người có giới hạn, nghĩa là Đất không thể hiểu được hết chuyện trên Trời. Nôm
na, khoa học vẫn còn rất giới hạn trong vai trò giải đáp các thắc mắc của phạm
vi loài người. Muốn tìm hiểu về Trời, không phải là chuyện một sớm một chiều dựa
trên vài ba thí nghiệm khoa học.
28.
Galát giải thích rằng Đức Chúa Trời ban
cho con người quyền tự do chọn lựa, và nhu cầu học hỏi Thánh Kinh là một nhu cầu
thiết yếu để giúp con người phân biệt giữa Thiện và Ác, vì thế cho nên các nhà
cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tìm hiểu Thánh Kinh.
29.
Êphêsô mô tả đời sống tâm linh của con
người rất quan trọng và thiết yếu, cho nên giới cầm quyền phải yểm trợ các vị
lãnh đạo tinh thần trong sứ mạng giảng dạy Phúc Âm để giúp các tín hữu mở mang
trí tuệ về quyền năng của Thiên Chúa trong đời sống tâm linh.
30.
1 & 2 Thessalonians khẳng định giá trị
và nhân phẩm của lao động phải được bảo đảm tối đa bởi luật pháp. Nôm na, nhà cầm
quyền phải ban hành luật pháp trong sáng để bảo vệ nhân dân (những người lao động
trong xã hội chủ nghĩa). Chính quyền Việt Nam hiện nay không có luật pháp bảo vệ
những đồng bào xuất khẩu lao động tại nhiều quốc gia.
31.
1 & 2 Timôthê buộc các tín hữu cầu
nguyện đặc biệt cho chính phủ, các tổ chức liên quan đến người cao tuổi, và
khuyến khích những người trẻ tuổi dấn thân vào sứ mạng lãnh đạo; giải thích vai
trò quan trọng của tổ chức từ thiện theo tinh thần Mến Chúa Yêu Người; cảnh báo
mối nguy hại của tệ nạn tham nhũng và cuộc sống đồi trụy sẽ đưa đất nước trở thành
một xã hội vô nhân bản.
32.
Titô thảo luận về thẩm quyền giữa các
nhóm khác nhau trong một xã hội phải hỗ tương nhau để cùng phát triển quốc gia
dân tộc.
33.
Philêmôn đề nghị nhiều phương án đối xử tốt
liên quan đến chế độ nô lệ và lao động.
34.
Giacôbê giải thích rằng hành động và lời
nói của lãnh đạo phải song hành với nhau, nghĩa là không được nói một đường làm
một nẻo; không thiên vị bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo; nếu hứa hẹn thì phải
rõ ràng và trong sáng chứ đừng hứa lèo hứa cuội; và phải biết hành xử ơn khôn
ngoan đến từ Thiên Chúa để phân biệt đâu là điểm đâu là diện, đâu là phẩm và
đâu là lượng, thay vì xử dụng khôn lanh quỷ quyệt của trần thế để giải quyết
các vấn đề quốc gia dân tộc, với ích kỷ và ngạo mạn.
35.
1 Phêrô kêu gọi các tín hữu Hãy hành động
vì lợi ích của Chúa đối với mọi tổ chức của con người, cho dù ở phạm vi quốc
gia hoặc địa phương, giáo phận hay giáo xứ. Nôm na, phải phát triển tôn giáo ở
mọi nơi.
36.
2 Phêrô khẳng định lãnh đạo tốt là người
am hiểu giá trị của lương tâm trong sáng và luôn học hỏi những điều tốt lành;
và rất khôn ngoan khi đối phó với thiện và ác, với xấu và tốt.
37.
1, 2 & 3 Gioan mô tả căn nguyên của tội
lỗi xuất phát từ tư tưởng, lời nói, việc làm bất chính; và đề cập đến một yếu tố
rất cần thiết trong guồng máy chính trị của một quốc gia, đó là những nhân tố tốt
lành cho hàng ngũ lãnh đạo. Nôm na là quốc gia luôn cần đến những công dân tài,
đức, gương mẫu trong hàng ngũ lãnh đạo.
38.
Giuđa lên án nhưng phần tử gương mù gương
xấu trong giới lãnh đạo; và chỉ bảo những phương án khả thi, để loại bỏ những
lãnh đạo lạm dụng quyền lực để đàn áp tha nhân.
39.
Khải Huyền khẳng định sự thống trị của một
vương quốc bởi Thiên Chúa sẽ bao trùm trên toàn thế giới; kêu gọi Kitô hữu chu
toàn hai nhiệm vụ song hành là vừa hướng dẫn vừa phục vụ con người; lên án những
người chỉ biết chạy theo tiền bạc và quyền lực mà quên mất đời sống đạo đức; và
hứa hẹn một kết cuộc tốt lành khi lìa trần, dựa trên công lý, nôm na là đến Cõi
Vĩnh Hằng thay vì bị đọa đày nơi Âm phủ. Sách Khải Huyền cho thấy ơn cứu chuộc
trong Đức Giêsu Kitô không giới hạn bất kỳ một không gian nào trong chương
trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nghĩa là không chỉ riêng một nhóm người, nhưng tất
cả các quốc gia, các vương quốc, các sắc dân sẽ được cứu chuộc.
Tóm lại, có rất nhiều kim chỉ nam chính trị trong Thánh Kinh
Cựu Ước và Tân Ước để hướng dẫn các chính khách trong sứ mạng phục vụ quốc gia
dân tộc, nhưng khả năng của người viết rất giới hạn trong nỗ lực trích dẫn thêm
nữa. Những ai có khả năng Anh ngữ có thể hỏi ông Gù (Google) cung cấp thêm dữ
kiện “Politics in the Bible”.
Võ Đức Quang,
M. Ed.
Houston April
17, 2017
... When there's a will, there's a way ...
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks