Đại Học chăn Trâu




Saturday, 21 November 2015

Khi nghĩa thầy trò chỉ là sự đổi chác


Khi nghĩa thầy trò chỉ là sự đổi chác

Nguyên Khôi Gửi cho BBC từ TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • 20 tháng 11 2015
Thần tượng của học sinh hiện nay không phải là thầy cô mà là những ngôi sao giải trí
Có phải tại Việt Nam, tình nghĩa thầy trò bây giờ chỉ còn là sự đổi chác trong trường học, nên khi bước ra ngoài xã hội, chẳng còn mấy học trò nặng tình mang theo hình ảnh người đã dạy mình?

Thống kê của trang tin therichest.com cho rằng giáo viên là một trong những nghề hạnh phúc nhất, cùng với các nghề khác như làm tóc, làm vườn, tiếp thị... nhưng ở Việt Nam hiện nay, thực tế lại khác.

Từ lâu, giáo viên ở Việt Nam bị coi là nghề không làm ra nhiều tiền, thậm chí đó là ngành nghề cần được xã hội hỗ trợ. Trong mắt các phụ huynh, quà cáp thế nào cho thầy cô giáo của con trong những dịp lễ tết là điều họ quan tâm, nhằm giúp cho con họ hưởng được điều kiện học hành tốt nhất.

Còn trong mắt học trò – lứa tuổi học cấp 2, cấp 3 – cứ thầy cô giáo nào khó khăn, hay gọi mình lên bảng thì… ghi danh học thêm với họ là lựa chọn tốt nhất! Và tất nhiên, thần tượng của giới trẻ hiện nay không phải là thầy cô của họ, mà chính là hình ảnh lung linh huyền ảo của giới showbiz nhiều tiền lắm của – trong cũng như ngoài nước - bao gồm cả những hotgirl hay hotboy trạc tuổi.

Vào những năm tôi bước vào đại học (thập niên 80 của thế kỷ trước), học sư phạm là lựa chọn cuối cùng của bạn bè tôi, khi không còn cách khác. Lớp có 52 bạn thì đến hơn phân nửa thi vào đại học y khoa, đại học kinh tế, còn lại chọn trường tài chính kế toán, trường tổng hợp.

Không có ai trong số bạn bè tôi chọn sư phạm, thế mà oái ăm thay, vì không đủ điểm vào đại học, đa số bạn bè tôi phải học cao đẳng sư phạm hay trung học sư phạm – một quyết định của ban tuyển sinh lúc bấy giờ, cứ ai thi đại học thiếu điểm thì chuyển vào hai trường đó, do số thí sinh chọn thi vào sư phạm quá ít.

Để được tiếp tục đi học – vừa có học bổng vừa có gạo, tiêu chuẩn của sinh viên thời đó – nhiều người bạn của tôi bỗng nhiên trở thành thầy cô giáo dạy cấp 1 và cấp 2, và đáng buồn là có rất ít người yêu cái nghề giáo viên của mình.

'Bỏ tiền vào phong bì là tốt nhất'

Tôi còn nhớ một cô bạn của mình sau này trở thành giáo viên cấp 1 ở một huyện ngoại thành có lần than phiền với tôi: “Ngày 20/11 đầu tiên của mình, bọn học trò chỉ toàn mang đến cho mình bún, bánh cuốn, bánh, trái cây, trứng gà…- những thứ nhà chúng bán hoặc tự làm, mà mình có thích những thứ đó đâu. Thế nên vào năm sau, trước ngày 20/11 mình phải nói thẳng với học trò đừng mang những thứ đó cho mình nữa!”.

Tôi hỏi: “Thế bạn thích học trò tặng mình cái gì? – Bỏ tiền vào phong bì là tốt nhất, mình có thể mua thứ mình thích! – Bạn tôi hồn nhiên trả lời.

Kể từ ngày đó cũng gần 40 năm, điều đáng buồn là ý thích của thầy cô giáo ngày nay... dường như cũng chả khác mấy.
Mới đây nhất, một bạn đồng nghiệp than thở với tôi: “Em gửi con trai 2 tuổi vào nhà trẻ. Tháng đầu tiên em mua quà tặng cô, cô nhận và không nói gì cả. Em nghĩ vậy là xong.
Sau đó thấy bé ngày nào về nhà cũng khóc lóc tỏ vẻ không thích đi học, em dọ hỏi các phụ huynh khác, họ bảo em mua quà cho cô làm gì, đưa tiền ấy. Sau đó tháng nào em cũng gửi phong bì cho cô thì mọi chuyện khác hẳn, con em được săn sóc tốt hơn, không khóc khi đi học nữa.
Học sinh bây giờ có ý niệm về người thầy khác nhiều so với những thế hệ trước
Một lần họp phụ huynh ở trường, một cô giáo đã nói thẳng với em: "Lương giáo viên rất thấp, chúng tôi chỉ sống bằng tiền phụ huynh cho”. Bạn ấy tỏ vẻ thất vọng vì hồi học ở quê nhà (một tỉnh miền Trung) cha mẹ bạn ấy không phải tốn tiền cho thầy cô mà bạn ấy vẫn thích đến lớp đến trường.
Thời tôi đi học, cha mẹ tôi cũng chưa bao giờ phải mua quà tặng thầy cô, chứ đừng nói tặng thầy cô phong bì tiền, thế mà tôi vẫn lên lớp đều đều, năm nào cũng nhận phần thưởng.

Đó là điều may mắn của thế hệ tôi so với các thế hệ bây giờ, vì cho đến khi đầu đã bạc, tôi vẫn còn giữ được ký ức đẹp về những thầy cô của mình và việc rủ bạn bè cùng đến thăm thầy cô vào ngày 20/11 là một trong những niềm vui.
Nhưng con tôi thì không: chả có ai trong số những thầy cô đã từng dạy nó để lại cho nó ấn tượng về sự đam mê, về thiên chức đầy ý nghĩa của nghề giáo.

Trong 12 năm học, dù chưa bao giờ thúc đẩy cha mẹ chuyện mua gì tặng thầy cô giáo vào ngày 20/11 (tôi luôn tự nguyện thu xếp việc đó như một bổn phận nhưng không bao giờ cho con tham gia) nhưng mỗi khi nhắc đến các thầy cô cũ từng học, nó toàn nói với giọng châm chọc: “Ông (hay bà ấy)… không thích đứa nào hỏi nhiều về bài học, cũng không thích đứa nào có ý kiến khác, cứ như bọn con là con vẹt ấy!”.

Mất dần ánh hào quang

Mỗi khi nhớ đến thầy cô của mình, tôi thường buồn cho con. Suốt thời tiểu học và trung học, thầy cô luôn là thần tượng của tôi. Tôi nhớ năm đầu tiên bước vào trường trung học Lý Thường Kiệt – năm 1973 - ở quê nhà, tôi đã choáng ngợp trước hình ảnh các giáo sư (trước 1975 ở miền Nam: giáo viên dạy trung học được gọi là giáo sư) đi xe hơi đến trường, thầy giáo mặc comple (đồ veston bây giờ), còn cô giáo mặc áo dài thướt tha.
Chọn môn ngoại ngữ là tiếng Anh, bọn học trò lớp 6 chúng tôi mê mẩn cô giáo dạy tiếng Anh mỗi ngày đến trường là mặc một bộ áo dài khác nhau. Bọn tôi thường xì xào với nhau: Chắc cô có cả một tủ đầy áo dài, vì chưa bao giờ thấy cô mặc lại áo cũ.

Liệu có bao nhiêu học trò sau khi ra trường còn nhớ đến người thầy cũ?
Các giáo sư trung học trong mắt chúng tôi thời ấy là những con người thành đạt, có vị trí ngoài xã hội nên rất đáng kính trọng. Cô giáo chủ nhiệm lớp 6 của tôi không chỉ có những giờ lên lớp rất hay về môn văn mà còn dạy bọn học trò cách ứng xử với nhau, cách ứng xử với mọi người khi ở ngoài đường.

Chúng tôi rất yêu cô nhưng đến buổi tất niên chia tay vào cuối năm, chúng tôi chả có gì tặng cô ngoài những tấm thiệp tự vẽ bằng tay và mấy cành hoa giấy cùng chia nhau làm. Sau năm 1975, cũng học lại ngôi trường ấy, tôi sửng sốt trước hình ảnh một thầy giáo dạy tiếng Anh của lớp mình tranh thủ ít phút cuối giờ lên tiếng mời chào học trò mua… khoai lang nhà thầy trồng!

Hơn 40 năm sau, hình ảnh thầy cô giáo không chỉ trở nên khốn khổ - một nghề nghiệp cần được xã hội tương trợ - mà còn ngày càng mất dần ánh hào quang với biết bao scandal thầy cô đánh chửi học trò. Bơi giữa luồng cảm xúc coi thường của xã hội và học trò, họ thật sự cô đơn khi tận tâm với học trò mà không cần báo đáp, trong lúc những đồng nghiệp chung quanh họ đang tận thu học trò bằng mọi cách.

Năm nay, nếu tôi không kịp đến thăm thầy chủ nhiệm lớp 12, tôi chắc thầy sẽ gọi điện thoại hỏi thăm tôi. Nhưng con tôi thì không có kế hoạch gì cho ngày này - không có thầy cô giáo nào con tôi muốn đi thăm hay muốn xin ý kiến mỗi khi cần, cũng như chưa bao giờ tôi nghe nói một thầy cô giáo nào gọi điện thoại hỏi thăm nó.

Tình nghĩa thầy trò chỉ còn là sự đổi chác trong trường học, nên khi bước ra ngoài xã hội, chẳng còn mấy học trò nặng tình mang theo hình ảnh người đã dạy mình…
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh <

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts