Công viên quốc gia – kho báu của nước Mỹ
Công viên quốc gia – kho báu của nước Mỹ
Huy Lâm
Sở Công viên Quốc gia của Hoa Kỳ
vừa tròn 100 tuổi. Được thành lập sau khi Tổng thống Woodrow Wilson ký thành
Đạo luật Tổ chức (Organic Act) vào ngày 25 tháng 8 năm 1916, cơ quan này lúc đó
được giao cho trách nhiệm trông coi và bảo quản 14 công viên quốc gia, 21 tượng
đài và hai khu vực bảo tồn thiên nhiên của nước Mỹ.
Đến nay, con số những khu
vực được Sở Công viên Quốc gia bảo vệ đã lên tới 410 địa điểm – bao gồm công viên
quốc gia, tượng đài quốc gia, sông, hồ, bờ biển, bãi chiến trường, di tích lịch
sử và văn hoá – với tổng số diện tích hơn 84 triệu mẫu tây, trải dài trên khắp
50 tiểu bang, thủ đô Washington và các khu vực hành chánh dưới quyền bảo vệ của
Hoa Kỳ.
Nói đến các công viên quốc gia là
nói đến một mảng sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của người Mỹ trải qua biết bao thế
hệ mà khó ai có thể tưởng tượng rằng có thể tách rời nước Mỹ ra khỏi cái mảng
văn hoá đó.
Nhưng để đi đến quyết định thành
lập những công viên quốc gia đó là một hành trình không hề dễ dàng mà ai cũng
có thể nghĩ ra được, bởi vì trước đó không có bất cứ nơi nào trên thế giới đã
từng có những khu vực thiên nhiên biệt lập như thế. Do đó, ta cũng có thể nói,
ít ra là trong thời kỳ đầu, những công viên quốc gia là một trong những nét độc
đáo nhất của nước Mỹ.
Công viên quốc gia được hình thành
là nhờ vào giữa thế kỷ 19 có một nhóm tương đối nhỏ những người có viễn kiến –
mà sau này được cho là “sáng kiến tuyệt vời nhất” – để bảo đảm những kho báu
thiên nhiên giá trị nhất của nước Mỹ sẽ thuộc về tất cả mọi người dân và được
bảo quản đời đời.
Công viên quốc gia Yellowstone là
công viên đầu tiên được hình thành, nhưng ngay từ căn bản lúc ban đầu, không
một ai nghĩ rằng sẽ biến nó thành công viên quốc gia mà chỉ là một công viên ở
cấp tiểu bang. Nhưng khổ nỗi phần đất của Yellowstone lại trải dài trên ba khu
vực, mà chưa có khu vực nào là tiểu bang cả.
Lúc ấy xảy ra một cuộc tranh luận
khá gay gắt giữa các tờ báo của Montana và Wyoming rằng ai sẽ được quyền sở hữu
công viên này. Và đó là lý do vì sao quốc hội liên bang, tìm cách giải quyết
cho ổn thoả cuộc tranh chấp “lãnh thổ”, đã biến nó thành công viên quốc gia và
được chính quyền liên bang bảo quản.
Khi bỏ phiếu, gần như hầu hết các
thành viên trong quốc hội đều không phản đối đạo luật Yellowstone là vì các vị
này chưa ai từng đặt chân lên mảnh đất đó và không biết hình dạng nó ra sao.
Thời đó chưa có đường xe lửa và cũng không có con đường nào dẫn tới. Có thể nói
lúc đó Yellowstone là một nơi hẻo lánh, heo hút và để đi được tới đó là một
việc cực kỳ khó. Một số ít người chống thì cũng chỉ ậm ừ cho qua vì nghĩ rằng
mai này nếu không không thích thì cũng có thể phế bỏ đạo luật dễ dàng.
Khu vực Yellowstone chính thức trở
thành công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới vào ngày 1 thángh 3 năm 1872
bởi những lý do hoàn toàn tình cờ.
Công viên Yellowstone từng có dấu
chân người từ hơn 11,000 năm trước. Nhưng đoàn thám hiểm đầu tiên có tổ chức
hẳn hoi để đi tìm hiểu khu vực này là vào năm 1870. Yellowstone có những ngọn
núi thật đẹp và những hẻm núi sâu hun hút, có thung lũng, sông và hồ – là cả
một thế giới thu hẹp lại.
Trong khu vực này có hàng ngàn
giống thực vật khác nhau. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của công viên là những
gì nằm ở bên dưới lòng đất. Cả khu vực Yellowstone nằm trên đỉnh của một ngọn
núi lửa cổ đại khổng lồ, được gọi là Lòng chảo Yellowstone. Diện tích của lòng
chảo là 48 X 72 cây số. Và cho đến này vẫn còn là một núi lửa đang hoạt động.
Lần cuối cùng nó phun lửa là khoảng
một triệu rưỡi năm trước. Và trong ba triệu rưỡi năm qua nó đã từng phun lửa ba
lần. Các nhà nghiên cứu nói rằng rất có thể nó sẽ phun lửa lại một lần nữa
trong khoảng từ 1,000 tới 10,000 năm sắp tới. Tuy nhiên mỗi năm, hàng ngàn cơn
địa chấn xảy ra tại khu vực Yellowstone. Phần lớn là những cơn địa chấn nhỏ mà
chỉ những khách đang viếng thăm khu vực mới cảm thấy.
Nhờ ở phần địa chất đặc biệt đó,
công viên Yellowstone có rất nhiều những mạch phun nước nóng thiên nhiên tuyệt
đẹp. Tính tổng cộng tất cả những nguồn nước nóng nằm ngầm dưới lòng đất trên
thế giới, một nửa là ở Yellowstone.
Nổi tiếng nhất là mạch phun có tên
Old Faithful. Cứ mỗi một tiếng hay một tiếng rưỡi thì nước nóng từ dưới lòng
đất lại phun cao trong khoảng thời gian từ một phút rưỡi đến năm phút. Lượng
nước nóng được phun ra mỗi đợt là khoảng 31,000 lít hoặc hơn.
Tuy nhiên, công viên Yosemite (hiện
nay nằm trong tiểu bang California) mới chính là tâm điểm của phong trào vận
động thành lập những công viên quốc gia sau này. Cái vẻ rực rỡ huy hoàng của
vùng thung lũng này đã tác động mạnh đến một số khách Âu châu đầu tiên đến
viếng thăm và đã lên tiếng đòi hỏi khu vực thiên nhiên này phải được bảo vệ,
thậm chí ngay trong thời kỳ mà những di dân Âu châu ùn ùn đổ về miền tây không
ngưng nghỉ, “khai hóa” vùng đất này và đuổi những thổ dân da đỏ ra khỏi khu
vực.
Có một số nhân vật tranh đấu quan
trọng, như nhà thiên nhiên học John Muir, đã đem hình ảnh hùng vĩ của vùng đất
này đến với những người chưa được tận mắt nhìn thấy nó. Qua những trang sách
được phát hành rộng rãi của ông đã đánh động thẳng vào tâm hồn độc giả về sự
cần thiết của những vùng đất hoang dã đó cho đời sống tinh thần, và sự tranh
đấu không mệt mỏi của ông đã là động lực chính đằng sau việc thành lập nhiều
công viên quốc gia sau này.
Để đáp lại lời kêu gọi trên, quốc
hội và Tổng thống Abraham Lincoln đã đặt khu vực Yosemite dưới sự bảo vệ của
tiểu bang California trong thời kỳ nội chiến. Năm 1872, một cựu tướng của
Lincoln, Tổng thống Ulysses S. Grant, đã ban hành lệnh để biến Yellowstone
thành một công viên quốc gia thật sự đầu tiên không chỉ ở nước Mỹ mà còn là đầu
tiên trên thế giới. Tiếp theo đó đã có thêm những khu vực thiên nhiên khác cũng
trở thành công viên quốc gia.
Tổng thống Theodore Roosevelt từng
là một trong những khách thường xuyên của công viên Yosemite. Trong thời gian
ông nắm quyền (1901-09), năm công viên được thành lập, cũng như 18 tượng đài
quốc gia, bốn khu vực làm nơi ẩn trú cho muông thú, 51 khu bảo tồn chim, và hơn
100 triệu mẫu tây rừng quốc gia.
Theodore Roosevelt có lẽ là vị tổng thống quán
quân trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên. Ông đã từng tuyên bố về những đóng góp
của ông là “để giữ lại cho con cháu chúng ta, cho con cháu của con cháu chúng
ta, và tất cả những thế hệ sau đó.”
Lúc đầu khi công viên Yellowstone
được thành lập năm 1872, hầu như không có được mấy người đến thăm vì, như đã
nói ở trên, việc di chuyển rất khó khăn vì địa điểm của nó biệt lập với thế
giới bên ngoài.
Năm 1904, nhân viên bảo quản mới
bắt đầu lưu giữ hồ sơ về số khách viếng thăm và năm đó có khoảng 120,000 khách.
Đến năm 1916 khi Tổng thống Wilson cho thành lập Sở Công viên Quốc gia, số
khách viếng thăm lên được 326,000. Năm ngoái, số lượt khách đạt mức kỷ lục là
305 triệu người, tăng 5% so với năm 2014.
Mặc dù số lượt người viếng thăm
những khu bảo tồn nhiều như thế, một số người quan tâm vẫn lo ngại rằng rồi đây
thế giới mà chúng ta đang sống càng ngày càng bị kỹ thuật hoá, muốn xem phim
trên Netflix hay chơi trò chơi điện tử Pokemon Go thì chỉ cần một cái nhấn nút
là xong, thì sự liên đới giữa con người và thiên nhiên hoang dã có thể ngày
càng mai một đi.
Người ta càng ngày càng ít hoạt động, càng ngày số người sống
tại các đô thị càng đông, và ít ai để ý tới thế giới thiên nhiên bên ngoài. Đến
thăm một khu rừng hay leo lên một ngọn đồi người ta lại nhờ đến chiếc xe và
hiếm có ai chịu lội bộ một quãng đường. Người đến thăm các công viên quốc gi
thì tăng, nhưng một chuyến nghỉ hè gia đình đáng ghi nhớ thì không còn, vì lúc
đến và lúc đi cũng chỉ là trên một chiếc xe đó, ngắm quang cảnh, chụp vội vài
tấm hình rồi xong.
Thử thách lớn nhất của Sở Công viên
Quốc gia là làm thế nào để thu hút lớp người trẻ và số người sống ở đô thị
siêng năng đến thăm những khu bảo tồn thiên nhiên để biết yêu thiên nhiên, quý
trọng thiên nhiên hơn.
Có người đã làm thử một con tính để
xem trị giá tài sản của toàn thể hệ thống công viên và tượng đài quốc gia cũng
như những di tích lịch sử và văn hóa dưới quyền bảo quản của Sở Công viên Quốc
gia là bao nhiêu và đã lấy ra được con số tương đối bảo thủ là $92 tỉ – một con
số khá khiêm nhượng. Tuy nhiên, đấy chỉ là con số tượng trưng vì khi đã được
gọi là kho báu thì nó vô giá, hay nói cách khác, không có giá trị gì có thể so
sánh cho được.
Có người còn ví đây như một món quà
của thiên nhiên tặng cho nước Mỹ, không chỉ ở khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và
đẹp đẽ mà còn là khoảng không gian bao la và chuỗi thời gian chưa hề bị đứt
quãng ở những công viên quốc gia này. Sự nguyên thủy của nó đã có từ nhiều ngàn
năm trước vẫn được giữ nguyên trong suốt 100 năm qua và sẽ còn như thế trong
nhiều thế kỷ tới.
Với cuộc sống càng ngày càng bận
rộn, vội vã và căng thẳng thì người ta càng cần tới gần với thiên nhiên hơn,
tìm một nơi tĩnh lặng và hoang sơ để soi nhìn vào nội tâm mình, lấy lại chút an
bình và khuây khoả cho tâm hồn.
Tĩnh lặng và hoang sơ thì không nơi
đâu bằng những công viên quốc gia.
Huy Lâm
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks