From: bac7758
Sent: Saturday, September 3, 2016 2:01 PM
To: bac7758
Subject: Nhung dieu quai la trong bau cu Tong Thong My
Sent: Saturday, September 3, 2016 2:01 PM
To: bac7758
Subject: Nhung dieu quai la trong bau cu Tong Thong My
Subject: Nhung dieu quai la trong bau cu Tong Thong My
Gui quy vi va cac ban mot bai viet thoi
su doc choi cuoi tuan (xem hinh trong file attached).
Tuan
Câu chuyện thời sự
2016: ĐƯỜNG VÀO TOÀ BẠCH ỐC
Lời giới thiệu:
Trái với những lời hô hào kiểu thông lệ nhưng rất rỗng tuếch, lá phiếu của cử tri gốc Việt thật ra không hề có chút ảnh hưởng nào lên kết quả sau cùng của cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ do bởi những ngẫu nhiên của lịch sử với luật lệ về bầu cử phức tạp theo quy chế bầu cử-tri-đoàn của từng tiểu bang, và cộng đồng người Việt lại cư ngụ phần lớn tại những tiểu bang không ngang ngửa (swing states). Tuy
vậy, cuộc chạy đua để trở thành tổng thống Mỹ vẫn là sự kiện thời sự được nhiều người chú ý nhất mỗi 4 năm 1 lần. Loạt bài này nhằm giúp người đọc hiểu rõ thêm về nhiều góc cạnh lý thú và đa dạng của nó trong sinh hoạt chính trị đặc thù của nước Mỹ.
NHỮNG ĐIỀU QUÁI LẠ NHẤT TRONG BẦU CỬ TT MỸ
Chỉ còn đúng 10 tuần lễ nữa thì người ta sẽ biết rõ kết quả của một cuộc bầu cử quái lạ nhất để bầu chọn vị nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ. Nhưng nếu chịu khó nhìn lại lịch sử, người ta sẽ thấy là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thật ra cũng có những giai đoạn kỳ lạ và quái gỡ nhất ít thấy xảy ra so với những cuộc bầu cử tổng thống tại các nước khác trên thế giới.
Một trong những thí dụ điển hình mà nhiều người chắc có lẽ còn nhớ tới, một phần vì nó chỉ mới xảy ra gần đây, đó là cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2000 với kết quả ngang ngửa và khít khao chưa từng thấy giữa hai ứng viên là Al Gore của phe Dân Chủ và George W. Bush (Bush
Con) của phe Cộng Hoà. Tuy Al Gore giành được số phiếu ủng hộ của dân chúng (popular vote)
cao hơn đối thủ Bush hơn 500,000 phiếu trong tổng số hơn 101 triệu phiếu trên toàn quốc, nhưng lại thua ông Bush Con về số phiếu cử-tri-đoàn (electoral votes)
một cách khít khao là 267/271 nên vì thế mà mất cơ hội để trở thành chủ nhân Toà Bạch Ốc.
Nhưng kết quả ly kỳ khít khao này được cả thế giới xôn xao chú ý đến vì kết quả đếm phiếu tại một tiểu bang ngang ngửa là Florida lại khít khao chưa từng thấy trong lịch sử nên đã khiến cho cả hai ứng cử viên đều không biết chắc là ai đã về đầu tại tiểu bang này (và nhờ đó mà cũng sẽ trở thành tân tổng thống). Kết quả quá khít khao này (hơn nhau chỉ vài trăm phiếu trên tổng số 10 triệu phiếu tại Florida) cũng làm cho nhiều cơ quan truyền thông lớn cũng bị vỡ mặt vì hố nặng khi tiên đoán sớm là ứng viên Bush thắng cử, nhưng rồi sau đó vài giờ đồng hồ lại rút lại lời kết luận này, để rồi sau cùng đành phải tuyên bố là kết quả chưa thực sự ngã ngũ.
Thông thường thì kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đều được biết rõ vào buổi tối chỉ ít giờ sau khi các thùng phiếu được khui ra để đếm phiếu, và sau đó loan báo rộng rãi và nhanh chóng khắp nơi bài diễn văn của người thắng cử nhờ vào kỹ thuật thông tin mau lẹ của ngành truyền thông.
Nhưng cả hai ông Bush và Gore và mọi người trên toàn quốc vào tối hôm đó khi lên giường đi ngủ đều không biết ai thắng cử, và đây là lần đầu tiên mà kết quả một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa được xác định vào sáng thứ Tư hôm sau của ngày đi bỏ phiếu. Lý do là vì kết quả tại Florida đã quá khít khao chưa từng thấy, và do đó theo quy định bắt buộc phải đếm lại lần nữa để xác định. Rắc rối hơn nữa là có thêm một số phiếu chưa thể xác định rõ rệt sự lựa chọn của cử tri vì cách thức bỏ phiếu kỳ đó tại Florida đòi hỏi cử tri phải bấm lỗ trên lá phiếu để xác định ứng viên mình lựa chọn. Từ đó nó dẫn đến một chi tiết rắc rối nhức đầu khác là thỉnh thoảng có những lá phiếu mà lỗ bấm chưa thực sự rớt khỏi lá phiếu mà còn dính lủng lẳng (hanging chad).
Do đó nó mới dẫn đến việc tranh cãi để biết xem đó là lá phiếu hợp lệ để xác định sự lựa chọn của cử tri, hoặc là một lá phiếu bất-hợp-lệ vì không xác định rõ ràng.
Những lá phiếu được bấm lỗ nhưng chưa rớt hẳn (hình ABC News)
Việc tranh cãi tại một số tỉnh hạt (counties) lại dẫn đến việc đòi đếm phiếu khác nữa, để rồi kéo lên đến tận Tối Cao Pháp Viện Florida để phán xử là có nên hay không đếm phiếu lại, và đếm lại như thế nào. Nhưng sau cùng, nội vụ được đưa lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với phán quyết cũng ngang ngửa (5/4) với 5 vị thẩm phán tối cao theo phe bảo thủ quyết định chấm dứt việc đếm phiếu, coi như đương nhiên trao phần thắng về cho ứng cử viên Bush Con sau hơn một tháng trời cả nước không ai biết rõ là ứng viên nào đã đắc cử. Những cuộc nghiên cứu sau này lại đưa ra những kết luận trái ngược về kết quả ai có thể là người thắng cuộc (phần lớn nghiêng về ông Gore) nếu như kỳ đó Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ không ngăn cản việc đếm phiếu lại.
Lần này, cuộc bầu cử năm nay từ lúc ban đầu đã cho thấy nó là một hiện tượng kỳ lạ và bất ngờ nhất trong lịch sử chính trường nước Mỹ, với một ứng viên cũng kỳ lạ và quái gỡ khác thường nhất nhưng cuối cùng lại đánh bại được tất cả các đối thủ khác trong đảng Cộng Hoà, đó là Donald Trump. Vì thế nên mới dẫn đến một chi tiết bất ngờ và kỳ lạ khác, đó là chưa bao giờ người dân Mỹ sẽ phải đối diện với một vị tân tổng thống có đa số cử tri bực mình hay oán ghét nhất: hoặc là bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ với khoảng 54-56% cử tri bất mãn hoặc không tin tưởng, nhưng có lẽ cũng còn đỡ hơn là Donald Trump của đảng Cộng Hoà có đến 61-64% cử tri chê bai hoặc chống đối hoặc.
(Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể ví von rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, người dân tại Hoa Kỳ chỉ có một trong hai lựa chọn: giữa một ứng viên xấu (bad) và một ứng viên khác còn xấu tệ hơn nữa (worse)!
Theo nhà báo David Lightman của hệ thống truyền thông McClatchy thì Hillary Clinton chỉ được có 34% cử tri có thiện cảm, tức là đa số cử tri không ưa thích bà ta. Tuy vậy, nó vẫn còn khá hơn so với Donald Trump chỉ được có 26% cử tri Mỹ nhìn với thiện cảm.
Hình hí hoạ của John Kettman vẽ châm biếm hai khuôn mặt Clinton và Trump (Reuters)
Chuyện phê bình xấu đẹp thật ra cũng chỉ là tuỳ theo cảm tính của mỗi người theo đúng như câu nói bình dân thường nghe trong chuyện “tìm bạn bốn phương” là “xấu đẹp tuỳ người đối diện”. Trong ngôn ngữ của giới truyền thông Hoa Kỳ, có người cũng phê bình rằng sự lựa chọn của cử tri Mỹ kỳ này là việc lựa chọn giữa một trong hai người ít tệ hại hơn (the lesser of two devils). Chữ “devil” hoặc “evil” thường được dùng để ám chỉ người hay việc ma quỉ hay có tâm địa xấu xa, quái ác v.v.
Nhưng kẻ viết bài này lại cảm thấy hơi bất nhẫn khi thấy một ngòi bút nổi danh đã phê phán rằng lần này cử tri Mỹ sẽ lựa chọn giữa “một con quỷ cái” và “một con quỷ điên” để làm tổng thống trong 4 năm tới. Ông nhà báo “kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa” nổi tiếng trong giới truyền thông tiếng Việt này, với văn phong sắc bén và những nhận định mới lạ khiến nhiều người say mê theo rõi, lại thường có thói quen chê bai giới truyền thông Âu Mỹ là sống trong tháp ngà, với lập trường thiên tả thích dạy đời và lèo lái dư luận v.v.; tiếc thay ông lại là một ngòi bút cao ngạo hơn ai hết dù rằng đã bị kẻ viết bài này nhiều lần vạch ra những nhận định sai lầm và đầy thiên kiến rất vội vã, hồ đồ.
Thật ra, không ai phủ nhận rằng đa số các nhà báo, cũng như những giáo sư và nhân viên trong ngành đại học đa số đều có khuynh hướng thiên tả (theo lập trường cấp tiến) hơn là thiên hữu (theo lập trường bảo thủ) do bởi lẽ tự nhiên là càng học cao và hiểu biết nhiều và rộng rãi, con người càng dễ có cái nhìn bao dung và rộng mở hơn so với những người ít học và ít hiểu biết, thường khư khư ôm giữ lấy những giá trị theo hiểu biết sơ đẳng hoặc nông cạn của mình. [Thí dụ điển hình là ở cấp đại học, người ta ít còn ngạc nhiên (để xem thường hoặc kỳ thị) trước những sinh viên ngoại quốc dù là đến từ những quốc gia nhược tiểu vì bất cứ sắc dân nào cũng có thể có những đầu óc thông minh siêu việt.
Tuy nhiên trong tầng lớp quần chúng bình dân ít học hơn, phần lớn đều nhìn những sắc dân thiểu số này như là thành phần ít học, ngu dốt v.v.] Điều này chỉ là một sự thật không thể phủ nhận chứ chẳng phải là một thái độ cao ngạo xem thường người khác như nhiều người dễ dàng lên tiếng buộc tội và chê trách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những cơ quan truyền thông lớn của Âu Mỹ, dù là theo khuynh hướng cấp tiến (như New York Times) hoặc bảo thủ (như Wall Street Journal)
hoặc độc lập, trung dung (như USA Today), đều luôn biến các diễn đàn truyền thông của họ thành một thứ công cụ tuyên truyền một chiều.
Có thể nói là tất cả các tờ báo lớn này đều đã có một truyền thống lâu đời đáng ngưỡng phục là thực hiện chức năng thông tin đầy đủ và trung thực rất đáng tin cậy. Thảng hoặc có những sai lầm sơ sót nào đó, họ không bao giờ ngần ngại thú nhận lỗi lầm và nhanh chóng tìm cách sửa sai. Và vì thế chúng ta cần phải tri ân những ngòi bút và những tờ báo này đã giúp chúng ta có được những thông tin đứng đắn và xác thực để hiểu biết rõ hơn về những vấn đề thời sự, và từ đó có thể rút ra những bài học hay kinh nghiệm cho từng người một.
Lần này, một ngòi bút khác cũng giúp chúng ta hiểu thêm được về một số những chi tiết ly kỳ và lý thú liên quan đến chuyện bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Đây là những điều có lẽ rất nhiều người đều không biết đến hoặc nghĩ rằng nó chưa hề xảy ra, nhưng nhờ vào công lao sưu tầm của các cơ quan truyền thông mà chúng ta có thể có được cái nhìn về lịch sử một cách trung thực và xác đáng hơn.
Trong số báo mới nhất của nhật báo USA Today đề ngày thứ Hai đầu tuần này (29/8), nhà báo Brett McGinness
trong mục For The Record (Ghi lại theo Hồ sơ) của diễn đàn truyền thông này, đã cho thấy là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thật ra cũng đã có những giai đoạn cũng ly kỳ và quái lạ chưa từng thấy, tuy rằng có lẽ nó chưa thể so sánh bằng cuộc bầu cử năm nay với một nhân vật như Donald Trump đã, đang và có thể sẽ dẫn đến những thay đổi rộng lớn trên chính trường nước Mỹ.
Đó là những chi tiết cho thấy là có một ứng viên (như Ross Perot vào năm 1992) đã tự động bỏ rơi việc vận động tranh cử trong gần 3 tháng trời trước khi nhập cuộc trở lại khá trễ tràng. Ngoài ra, cũng có trường hợp một nữ ứng cử viên tổng thống khác là Victoria Woodhull (trước bà Hillary Clinton cả hơn trăm năm) nhưng điều oái oăm là người đứng phó trong liên danh của bà ta lại tích cực đi vận động cho một ứng viên khác! Và sau cùng là một ứng cử viên tổng thống khác (ông Eugene V. Debs) tuy bị giam trong nhà tù nhưng cũng ra tranh cử vào năm 1920 và cũng thu hút được gần một triệu lá phiếu ủng hộ của cử tri vào lúc đó!
Do đó, chúng ta không nên giữ cái thói quen chê bai giới truyền thông Âu Mỹ là thiên tả v.v. (đặc biệt là trong giới truyền thông tiếng Việt tại hải ngoại) thường hay vơ đũa cả nắm tất cả những cơ quan truyền thông lớn mỗi khi đọc các bài báo không phù hợp với nhận định hoặc cảm tính cá nhân của mình. Thật ra chúng ta còn kém xa hơn họ về những kiến thức sâu rộng và xác đáng và có lẽ nên tiếp tục học hỏi nhiều hơn nữa trước khi đưa ra những phán đoán có phần hơi gay gắt và đầy thiên kiến.
MỘT ỨNG VIÊN ĐỘT NGỘT BỎ RƠI VIỆC VẬN ĐỘNG
Ross Perot quả là một ứng cử viên tổng thống khác thường, và việc nhập cuộc bất ngờ của ông vào năm 1992 được nhiều người nhắc đến như là một yếu tố to lớn khiến cho nhân vật nổi tiếng kỳ cựu như Tổng Thống George H.W. Bush (Bush Bố) phải thảm bại khá đau đớn trước một đối thủ ít kinh nghiệm hơn cũng như không có thành tích sáng giá nào khác là Bill Clinton. Vào lúc đó, TT Bush đã là một chính trị gia kỳ cựu, nổi tiếng khắp thế giới cũng như trên nước Mỹ sau thắng lợi to lớn, vẻ vang và không tốn kém trong cuộc chiến vùng Vịnh lần đầu (vào năm 1991) khi kết hợp quân đội của nhiều nước trên thế giới cùng hợp lực và tiền bạc để đẩy lui quân đội Iraq của Saddam Hussein lui
khỏi Kuwait.
Còn Bill Clinton chỉ là một chính trị gia còn non trẻ, với thành tích là đương kim thống đốc Arkansas, một tiểu bang nhỏ bé và tầm thường, chưa kể là Bill Clinton vào lúc ấy cũng đã bị mang tai tiếng về chuyện lem nhem tình ái với nhiều mỹ nhân khác. Ấy vậy mà rồi cuối cùng Bill Clinton đã chiến thắng vẻ vang, để rồi sau 8 năm cầm quyền đã trở thành một tên tuổi sáng giá và được nhiều người dân Mỹ cũng như lịch sử đánh giá như là một trong những vị tổng thống tài ba của Hoa Kỳ.
Điều đáng nói là ứng cử viên Ross Perot, tuy thuộc phe bảo thủ nhưng lại không đồng ý ủng hộ cho ứng cử viên Bush của đảng Cộng Hoà, và ỷ vào khả năng tài chính dồi dào của mình nên không ngại tự mình ra ứng cử vì ông ta cũng là một tỷ phú, tuy không huyênh hoang khoe của một cách hợm hĩnh như Donald Trump.
Nhưng điều bất ngờ là Ross Perot sau khi ồn ào nhập cuộc, bỗng nhiên ngưng hẳn việc vận động tranh cử trong một thời gian dài khoảng 11 tuần lễ. Lý do là vì ông Perot cáo buộc rằng phe của TT Bush đã âm mưu chụp một tấm hình giả của cô con gái ông là Caroline hòng tìm cách phá rối đám cưới của cô ta vào lúc đó, đồng thời cũng thuê mướn một cựu nhân viên CIA để theo giõi chương trình đầu tư chứng khoán của ông Perot nhằm tìm cách triệt hạ uy tín của ông. Tuy nhiên ông Perot không đưa ra được những chứng cớ cụ thể nào để hỗ trợ cho những cáo buộc nghiêm trọng này.
Sau khi đám cưới của cô con gái diễn ra một cách tốt đẹp, ông Perot đã thuật lại cho cô con gái về những điều ông đã làm nhằm bảo vệ cho uy tín của cô, và đã được cô ta khuyên giải là không nên nản chí và hãy nhập cuộc trở lại. Và do đó mà ông đã vận động trở lại vào đầu tháng 10. Dĩ nhiên đến lúc đó thì mọi sự đã quá trễ để ông có thể lật ngược được tình thế và cuối cùng thì ông cũng thất bại dù rằng cũng đạt được khoảng gần 20% số phiếu của cử tri trên toàn quốc. Và dĩ nhiên những điều cáo buộc của Ross Perot về những việc làm ma quỉ của chính quyền Bush vào lúc đó cũng hoàn toàn vô căn cứ, nếu không muốn nói là rất tào lao, không đáng tin cậy, dù rằng nó được đưa ra từ cửa miệng của một nhà tỷ phú thành công trên thương trường.
Hình bìa của tạp chí Time nói về sự nhập cuộc trở lại của Ross Perot sau 11
tuần vắng bóng vào năm 1992
NỮ ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ
Sau sự xuất hiện của hai nữ chính khách trong cuộc bầu cử tổng thống là bà Geraldine Ferraro (năm 1984) và bà Sarah Palin (năm 2008) nhưng cả hai đều trong cương vị phó tổng thống trong liên danh, sự nhập cuộc và thành công của bà Hillary Clinton trong năm nay để trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ được nhiều người đánh giá như là một kết quả thành công tạo nên một kỷ lục mới khi trở thành người phụ nữ đầu tiên ra ứng cử tổng thống Mỹ.
Nhưng có lẽ ít người biết rằng người phụ nữ đầu tiên có tham vọng để đả phá bức tường ngăn cản đó thật ra là một nữ chính khách khác, trẻ tuổi hơn nhiều: đó là Victoria Woodhull, ra
tranh cử tổng thống vào năm 1872, tức là đúng 136 năm trước khi bà Clinton có tham vọng nhập cuộc vào năm 2008. Có thể nói là việc làm của bà Woodhull này quả là một việc làm chấn động lúc bấy giờ, nhất là khi chúng ta nhớ lại rằng việc ra tranh cử của bà này lại diễn ra quá sớm, tức là cả 50 năm trước khi Hoa Kỳ thông qua Tu chính Án số 19 vào năm 1920 để cho phép phụ nữ tại Hoa Kỳ lần đầu tiên được quyền đi bỏ phiếu. Vì thế cho nên trong ngày bỏ phiếu kỳ đó là ngày 5 tháng 11 năm 1872, ngay cả nữ ứng viên này cũng không được quyền tham dự. Lịch sử không ghi lại để cho biết là bà ta đã nhận được bao nhiêu lá phiếu của người dân trên toàn quốc, nhưng đúng 12 năm sau, một nữ chính khách khác cũng ra tranh cử dưới cùng mầu cờ của đảng Equal Rights Party (đảng Bình Quyền) của bà Woodhull và đã giành được 4,149 phiếu tại 6 tiểu bang.
Hình một trang báo loan tin bà Victoria Wodhull được đảng đề cử ra tranh cử tổng thống vào năm 1872
Nhưng một chi tiết ngồ ngộ đáng nói đến là kỳ đó đảng này đã nhóm họp tại thành phố New York để đề cử bà trong cuộc chạy đua với đương kim tổng thống của đảng Cộng Hoà là Ulysses S. Grant và
ông Horace Greeley của đảng Dân Chủ, và sau đó đảng Equal Rights Party cũng lựa chọn ông Frederick Douglass đứng phó trong liên danh của bà. Nhưng điều oái oăm là ông Douglass này không đồng ý đứng chung trong liên danh, và trong thực tế còn đi vận động cho liên danh của ông Grant. Cho nên không phải đến ngày nay chúng ta mới thấy những trò có phần “nhố nhăng” của những màn đấu đá trong nội bộ của những người cùng đảng, như những gì đã xảy ra trong đảng Cộng Hoà trong mùa vận động tranh cử năm nay.
MỘT ỨNG VIÊN TRANH CỬ TỪ TRONG NHÀ TÙ
Và sau cùng, cũng không quên kể đến thành tích của một ứng cử viên tổng thống Mỹ khá ly kỳ và ngộ nghĩnh khác. Hơn một trăm năm trước khi ông nghị sĩ Bernie Sanders hãnh diện với thành tích là một chính khách theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và tranh đấu cho đại đa số dân nghèo trong nước, đã có một ứng cử viên khác đã nhập cuộc trong cuộc tranh đấu này.
Đó là ông Eugene V. Debs (1855-1926), khởi nghiệp tại thành phố Terre Haute ở tiểu bang Indiana, thoạt đầu tranh đấu trong khuôn khổ nghiệp đoàn các nhân viên cứu hoả tại địa phương. Sau đó ông Debs đắc cử dân biểu tiểu bang, trở thành một tên tuổi nổi tiếng đại diện cho phong trào tranh đấu của nhân công và là ứng viên chính thức của đảng Xã Hội trong 5 cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1900 đến 1920.
Trong cuộc bầu cử năm 1912, ông Debs ra tranh cử trong một cuộc bầu cử cùng với 3 đối thủ khác nổi tiếng hơn nhiều: đó là các ông Woodrow Wilson, Theodore Roosevelt và William Howard Taft. Cả 2 ông Taft và Roosevelt đều là người thuộc đảng Cộng Hoà và là đương kim và cựu tổng thống, nhưng họ lại hục hặc với nhau kịch liệt đến mức thay vì đoàn kết thì lại nhảy ra cùng tranh cử, dẫn đến kết quả thảm bại cho cả hai và đưa ông Woodrow Wilson của đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống. Chi tiết này cho thấy là không phải đợi đến năm 2016 thì chúng ta mới biết là trong đảng Cộng Hoà cũng có những lúc những ứng cử viên đấu đá kinh khủng khiến cho họ bị thảm bại.
Một tấm bích chương vận động tranh cử của Eugene Debs thuộc đảng Xã Hội vào năm 1908
Trong kỳ bầu cử lần chót vào năm 1920, ông Eugene Debs của đảng Xã Hội cũng đạt được khoảng 6% cử tri trên toàn quốc, được coi như là thành quả tốt đẹp nhất trong suốt 5 lần ra tranh cử của ông. Một chi tiết đáng nói hơn nữa là trong lần tranh cử này, ông Debs phải vận động trong lúc ngồi trong nhà tù. Lý do là vì trước đó ông bị buộc tội với bản án 10 năm tù vì đã chống đối việc Hoa Kỳ tham dự vào Đệ Nhất Thế Chiến nên không chịu gia nhập vào quân đội.
Sau khi cuộc cách mạng Bolshevik nổ ra tại Nga để dẫn đến việc nắm quyền của những lãnh tụ đầu tiên của phong trào cộng sản và những hậu quả tang thương sau đó, đảng Xã Hội tại Mỹ vào lúc đó cũng bị tan rã vì chia rẽ trong nội bộ và gần như mất dần tiếng nói cũng như sự ủng hộ của quần chúng.
Chuyện dài về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chắc chắn là sẽ còn nhiều kỳ sắp tới, hứa hẹn nhiều biến chuyển thay đổi bất ngờ khó tiên đoán. Xin hẹn sẽ trở lại đề tài này trong những bài báo kế tiếp, và chúng ta cũng đành phải tiếp “wait and see” là vì vậy.
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 29/08/2016
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks