Cách Mạng Dân
Chủ: thành công và thất bại (1)
Đoàn Hưng Quốc
Rất nhiều các cuộc cách mạng đã xảy ra kể từ sau Chiến Tranh Lạnh
với những kết quả rất trái ngược: nền dân chủ của Nam Hàn và Đài Loan trở nên
vững chắc; tại Miến Điện, Tunesia, Brazil, Argentina, Ukraine còn bấp bênh; Ai
Cập thất bại trong khi Syrie và Lybia thành hai tấm thảm kịch nhân loại. Mỗi
quốc gia đều có hoàn cảnh chính trị và lịch sử khác nhau nhưng thiết tưởng chúng
ta cũng cần rút tỉa các bài học chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi tại Việt Nam
trong tương lai.
Hai nhà nghiên cứu Juan J. Linz và Alfred Stepan [1] đưa ra nhận
xét rằng dân chủ là một mô hình nhà nước cho nên chỉ tồn tại trong một quốc
gia. Ý tưởng tuy đơn giản nhưng mang áp dụng vào trường hợp hiện thời của Syrie
khi hai cánh Hồi Giáo Sunni, Shiite và sắc dân Kurd đều muốn vẽ lại làn ranh
giới khu vực thì không thể nào xây dựng thành công một nhà nước dân chủ.
Một khi đã có sự thống nhất về quốc gia thì vấn đề kế tiếp là dùng
tiêu chuẩn nào để kết luận một cuộc cách mạng dân chủ thành công hay thất bại?
Hai tác giả đưa ra câu trả lời rằng tiến trình dân chủ được xem như thành công
một khi mọi thành phần trong xả hội đều đồng thuận với quan điểm dùng nghị
trường dân chủ làm phương thức duy nhất để giải quyết mâu thuẫn.
Trong môi trường đó nhà nước không còn sợ bị lật đổ bằng bạo lực.
Đại đa số quần chúng chấp nhận rằng mọi thay đổi dù nghiêm trọng thế nào đều
phải được giải quyết thông qua tranh luận và lá phiếu. Xã hội xây dựng được nề
nếp và cơ chế để giải quyết tranh chấp trên nền tảng hiến pháp và luật pháp.
Nói một cách khác, ý thức dân chủ trở nên bình thường như hơi thở của người dân
và trong giới cầm quyền.
Linz-Stepan đưa ra năm điều kiện cần thiết và hổ tương để nền dân
chủ được hình thành và củng cố:
1.
Môi trường thuận tiện
cho sự phát triển của xã hội dân sự
2.
Môi trường lành mạnh cho
các sinh hoạt chính trị
3.
Luật pháp được tôn trọng
4.
Nền hành chánh hiệu quả
5.
Kinh tế phát triển
Xã hội dân sự là tiếng nói quần chúng nhằm thay đổi chính sách và
nhà nước. Các hội đoàn dân sự thể hiện nguyện vọng, huy động và tổ chức đám
đông nên không thể thiếu vắng trong tiến trình dân chủ.
Những nhà cầm quyền độc
tài đều muốn kiểm soát, đàn áp hay giết chết xã hội dân sự (như phong trào sinh
viên ở Hồng Kông 2014 và Thiên An Môn 1998), nhưng cũng có lúc sẽ chùn tay (như
tại Ba Lan Công Đoàn Đoàn Kết 1988, hay Ai Cập năm 2011) một khi phong trào dân
sự được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo quần chúng kể cả đa số thầm lặng vốn
gồm những người không thuộc một hội đoàn nào.
Sinh hoạt chính trị trở nên lành mạnh khi có sự tham dự của nhiều
đảng phái; quyền ứng cử và vận động tranh cử được tôn trọng; liên minh giữa các
đảng phái được thành hình trong và ngoài nghị trường; quyền bày tỏ chính kiến,
quyền biểu tình được bảo đảm. Mục tiêu nhằm tạo ra điều kiện để dân chúng bầu
chọn và giám sát nhà nước.
Cần lưu ý rằng trong chế độ độc tài xã hội dân sự
nắm vai trò chống đối nhà cầm quyền, nhưng qua tiến trình dân chủ thì xã hội
dân sự phải góp phần xây dựng nhà nước bằng cách trao và tạo tính chính đáng
cho những đảng phái chính trị. Xã hội dân sự phải thoát ra khỏi quan niệm tuyệt
đối xem thỏa hiệp là xấu như trong thời kỳ đấu tranh để tập quen dần với tương nhượng
giữa các khối lợi ích và những khuynh hướng chính trị vì đây chính là nền tảng
của dân chủ.
Để củng cố nền dân chủ, phát huy xã hội dân sự và những sinh hoạt
chính trị lành mạnh thì luật pháp phải được tôn trọng. Nền Pháp Trị không dựa
vào đám đông mà đặt trên nền tảng Hiến Định, cho nên chỉ sửa đổi Hiến Pháp
trong các hoàn cảnh hết sức đặc biệt và thông qua đa số tuyệt đối. Pháp luật
còn phải được hổ trợ bởi ngành Tư pháp độc lập, các pháp lệ (legal norms) và ý
thức trong quần chúng.
Thể chế dân chủ một khi đã thành hình và muốn ổn định phải xây
đựng được bộ máy công quyền và an ninh hiệu quả. Vấn đề này đặt biệt nghiêm
trọng tại các nước cộng sản khi nền hành chánh, công an và quân đội đều trở
thành công cụ của đảng Cộng sản nên lúc xảy ra cuộc cách mạng thì bị chống đối,
giải tán hay tự rã. Mọi chính quyền dù độc tài hay dân chủ vẫn cần đến guồng
máy hành chánh để thu thuế và phân phối các lợi tức đến từ thuế khoá như y tế,
giáo dục, hưu trí cho dân chúng. Nhà nước dân chủ phải điều hành được giới công
chức và an ninh một cách hiệu quả thì mới thực thi được các lời hứa hẹn và
không mất dần hậu thuẫn trong quần chúng.
Điều kiện sau cùng cho nền dân chủ được củng cố là kinh tế phải
tăng trưởng. Dân chúng có thể chấp nhận tình trạng đời sống khó khăn sau cách
mạng nhưng họ phải tin rằng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay. Quyền sở hữu đất đai
và hợp đồng thương mại phải được tôn trọng; nhà nước phải ngăn chận được các
khối lợi ích độc quyền đầu cơ kinh tế và đầu cơ chính trị. Bởi vì kinh tế khủng
hoảng hay trì trệ kéo dài sẽ xoi mòn tính chính đáng của nhà nước, đánh mất
niềm tin trong dân chúng khiến tiến trình cải cách chính trị và kinh tế chậm
lại.
TLTK:
[1] Problems of Democratic Transition and
Consolidation: Southern Europe, South America, and Post-Communist Europe, Aug
8, 1996 by Juan J. Linz and Alfred Stepan
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks