Sự trỗi dậy mạnh mẽ
của hiện tượng « sùng bái cá nhân »
Ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin
tại Danilovgrad, Montenegro, 16 tháng 11, năm 2016.REUTERS/Stevo Vasiljevic
Đây là tựa bài phân tích trên báo Les Echos hôm nay 21/02/2017.
Hiện tượng « đam mê » các nhà lãnh đạo độc tài đang lan rộng trên thế giới, kể
cả ở những nước có truyền thống dân chủ như Hoa Kỳ, hay ở Hungary, Nga … và
đang ngấp nghé trỗi dậy tại Pháp.
Đầu tiên hết, ông Jacques Hubert-Rodier, cây bút xã luận về ngoại
giao của Les Echos cho rằng sau một tháng lên cầm quyền, ông Donald Trump đang gia
nhập vào đội ngũ lãnh đạo độc tài. Những người muốn khẳng định uy quyền, bao
gồm Vladimir Putin (Nga), Tập Cận Bình (Trung Quốc), cho đến Viktor Orban
(Hungary), Recep Tayyip Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) và một vài người khác rải rác trên
thế giới – những người đã mê hoặc một phần lớn bộ phận dân chúng về quyền lực
và một Nhà nước hùng mạnh.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là biến dạng của thể chế độc tài đó đều
dính dáng đến tất cả các kiểu chế độ, từ dân chủ (Hoa Kỳ, Hungary…), cho đến chuyên
chế (Trung Quốc), và cả những thể chế bán dân chủ (như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ). Điểm
chung của hiện tượng « cá nhân hóa quyền lực » là kêu gọi tính tự quyết của
người dân và một ý tưởng nào đó về một quốc gia vĩ đại.
Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thâu tóm trong tay gần như mọi
quyền lực đang khơi dậy một sự sùng bái cá nhân vốn cho đến giờ chỉ dành cho
Mao Trạch Đông. Rodrigo Duterte của Philippines khẳng định uy thế với chiến
dịch bài trừ ma túy đẫm máu. Nước Nga có Vladimir Putin tự tạo dựng huyền thoại
về mình bằng cách phô bày hình ảnh thân thể cường tráng khi đang cưỡi ngựa hay
trong bộ võ phục judo.
Tương tự, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, sau cú đảo chính
hụt hồi trung tuần tháng 7/2016, tung ra chiến dịch thanh trừng trong mọi
ngành, với việc bắt giữ vô số nhà báo và nhà đối lập, và đang chuẩn bị củng cố
thêm quyền hành tổng thống với cuộc trưng cầu dân ý sắp được tổ chức vào 16/4 tới
đây.
Và ở một mức độ nào đó, thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đang
tìm cách thâu tóm thêm quyền lực khi đưa đất nước theo hướng mà ông gọi là «
nền dân chủ phi tự do » - một thuật ngữ phản ánh nghi kỵ của nhà nước đối với
tư pháp và việc kiểm soát lập pháp.
40% người Pháp ủng hộ một chế độ độc tài
Hiện tượng tái khẳng định quyền uy tối thượng của các lãnh đạo
nhìn chung đi cùng với một trào lưu mà ông Larry Diamond, giám đốc trung tâm
nghiên cứu về dân chủ, trường đại học Stanford gọi là « suy thoái dân chủ ». Và
sự suy thoái này diễn ra sau một làn gió dân chủ bắt đầu vào cuối thế kỷ XX,
đầu tiên hết là tại châu Mỹ La-tinh và châu Á, rồi đến Trung – Đông Âu và cuối
cùng là châu Phi
Theo tác giả bài viết, tình trạng suy thoái trên thể hiện rõ nét
trong năm 2016 tại các nước dân chủ và bán dân chủ và đã làm nổi rõ một xu
hướng khác đó là sự nổi dậy chống lại tầng lớp lãnh đạo và các định chế của các
cử tri. Xu hướng này có liên quan đến một mối lo sợ : làn sóng nhập cư gia tăng
và tình trạng khủng bố lan rộng.
Điều đó giải thích phần nào 40% người dân Pháp mong muốn trở lại
với chế độ độc tài, theo một thăm dò của Ifof, được công bố trên trang mạng
Politico năm 2015. Một chỉ số khác cũng cho thấy xu hướng trên, đó là chỉ số
dân chủ trên thế giới, đã tụt giảm từ 5,55 trong năm 2015 xuống còn 5,52 năm
2016 trên bậc thang 10, trong khi chỉ số này là 5,62 trong năm 2006.
Dẫu sao thì vẫn còn một chút lạc quan. Tác giả ghi nhận sự biến
dạng của thể chế độc tài đó ít nhiều gì cũng gặp phải sự phản kháng của người
dân tại Hoa Kỳ, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ hay tại Nga, phản đối những sắc lệnh, chính
sách hay dự luật « phản dân chủ ».
Cho dù có mạnh đến mấy như tổng thống Nga Vladimir Putin lúc này,
cầm quyền lãnh đạo đất nước trong suốt 17 năm qua, lúc thì trong cương vị tổng
thống, lúc ở vị trí thủ tướng, và rất có khả năng sẽ tái đắc cử vào năm 2018,
do uy tín của ông vẫn còn cao, nhưng quyền lực của ông cũng đã trở nên mong
manh hơn nhiều.
Cuối cùng, tác giả cho rằng, về phần ông Donald Trump, lịch sử sẽ
cho biết là ông có thể giữ được nước Mỹ bằng bàn tay sắt hay không. Ngay lúc
này đây, dường như ông đã thất bại
Trump muốn tước bỏ tính chính đáng của tự do báo chí
Liên quan đến ông Donald Trump, việc tân chủ nhân Nhà Trắng không
ưa giới báo chí, truyền thông không phải là chuyện gì mới mẻ. Nhưng điều đáng
lo ngại, theo báo Le Monde, là « Trump muốn tước bỏ tính chính đáng của quyền
tự do báo chí ».
Ngày 17/02, ông Trump tuyên bố báo chí là « kẻ thù của nhân dân Mỹ
». Vị tổng thống Mỹ gần đây nhất đã có những phát biểu thô bạo chống lại báo
chí giống như Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate.
Theo nhận định của Le Monde, trong suốt cuộc đời doanh nhân của
mình, cho đến trước khi trở thành tổng thống, nhà tỉ phú Donald Trump ít khi
phải giải trình về những lựa chọn của mình. Giờ đây, trên cương vị tổng thống –
phục vụ đất nước, ông cũng không hề sẵn sàng chấp nhận sự soi xét đối trọng
quyền lực.
Thái độ kém khoan dung đối với những chỉ trích không phải là do sự
bực bội. Như các cố vấn thân cận của Donald Trump đã khẳng định, việc tước bỏ
tính chính đáng của báo chí là nhằm áp đặt những thông tin một chiều duy nhất
và những kiểu thông tin này lại được các mạng xã hội nhân bội lên, giam hãm cử
tri trong những tín điều của mình.
Chính vì thế, ông Trump và nhóm cộng sự đã coi các phương tiện
truyền thông như một đảng phái đối lập. Tờ báo cho rằng xu hướng này là nguy
hiểm. Báo chí không làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử, ông Trump biết rõ điều
này hơn ai hết. Nhiệm vụ của báo chí hoàn toàn khác : đó là thông tin một cách
tốt nhất có thể. Bác bỏ chức năng này của báo chí không phải là phục vụ cho
người dân Mỹ.
Mỹ - Trung : Những tuyên bố hão huyền của Trump
Về quan hệ giữa hai cường quốc nhất nhì thế giới, báo Le Figaro có
bài « Mỹ-Trung : Những lời nói hão huyền » của chuyên gia François Godement, giám
đốc chương trình châu Á thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu, một tổ chức nghiên
cứu, tư vấn có trụ sở tại Luân Đôn.
Tác giả nêu ra một số điểm cho thấy có sự khác biệt giữa những
phát biểu liên tiếp, thậm chí tùy hứng và những hành động trên thực tế của tân
chủ nhân Nhà Trắng.
Người ta đã nhanh chóng nhận thấy là trong suốt chiến dịch vận
động tranh cử và trong vòng có một tháng kể từ khi vào Nhà Trắng, ông Donald
Trump thường xuyên nói trước đổi sau, đưa ra các tuyên bố trái ngược. Và nguyên
thủ Mỹ thay đổi rất nhanh : Ông tuyên bố muốn đưa vấn đề « một nước Trung Quốc
» vào đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhưng chỉ cần một cú điện đàm với chủ
tịch Tập Cận Bình là ông Trump lại « tỉnh bơ », tái khẳng định tôn trọng chính
sách này. Sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa, tổng thống Mỹ hùng hồn tuyên
bố sẵn sàng bảo vệ các đồng minh châu Á, nhưng báo chí Trung Quốc gọi ông là «
con hổ giấy ».
Theo chuyên gia Godement, hiện nay có hai xu hướng nhận định về
chính quyền Trump : Một xu hướng tin rằng Hoa Kỳ dưới thời ông Trump sẽ cứng
rắn, ngăn chặn tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, chống chương trình
hạt nhân của Bắc Triều Tiên, rồi xem xét lại chiến lược thương mại, đặc biệt
trong quan hệ với Trung Quốc. Xu hướng thứ hai cho rằng Donald Trump tiếp tục
đi theo hướng không can thiệp và biệt lập. Nguyên thủ Mỹ chỉ tìm kiếm các mối
lợi trong quan hệ thương mại thế giới, kể cả với các đồng minh của Hoa Kỳ.
Đối với ông Godement, cho đến nay, xu hướng thứ hai sẽ thắng thế.
Khoảng cách quá lớn giữa lời nói và hành động của tân tổng thống Mỹ đã làm cho
mọi người không tin, coi nhẹ mọi chiến lược của Donald Trump, thậm chí ngay từ
khi chiến lược này mới chỉ là phôi thai.
Trăng mật Mỹ -Nga nhạt dần
Nhân hội nghị an ninh Munich lần thứ 53 được tổ chức từ 17 đến 19
tháng Hai vừa qua, báo Le Figaro có bài ghi nhận « Những khó khăn ngăn cản hòa
dịu Mỹ-Nga ».
Các phát biểu của phó tổng thống Mỹ Mike Pence và ngoại trưởng Nga
Serguei Lavrov cho thấy cả hai nước đều đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Cụ thể, Washington mong muốn tìm kiếm những biện pháp cải thiện
quan hệ với Matxcơva, nhưng trên cơ sở Realpolitik (chính trị thực tiễn) và
theo hướng này, tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm hai nhân vật được đánh giá
là có năng lực, yêu nước, có kinh nghiệm : ông Rex Tillerson làm Ngoại trưởng
và ông James Mattis làm bộ trưởng Quốc Phòng.
Thế còn Nga ? Tại hội nghị Munich, ngoại trưởng Lavrov nói thẳng
Matxcơva mong muốn chấm dứt « trật tự thế giới tự do » do giới tinh hoa các
nước phương Tây tạo ra nhằm mục đích thống trị. Thay vào đó là một « trật tự
thế giới dân chủ và công bằng ». Nga cũng muốn xóa bỏ Liên Minh Bắc Đại Tây
Dương, một « tàn tích từ thời chiến tranh lạnh ».
Về quan hệ Nga-Mỹ, ông Lavrov tuyên bố : « Tiềm năng hợp tác trong
các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo rất lớn ; nhưng cần được thực hiện ».
Matxcơva để ngỏ khả năng này và hy vọng Mỹ cũng có thái độ tương tự.
Phó tổng thống Mike Pence thận trọng đáp lại rằng, « Hoa Kỳ sẽ
tiếp tục đòi Nga phải làm rõ các vấn đề, ngay cả khi chúng tôi vẫn tìm kiếm
những lĩnh vực đồng thuận ». Tờ báo diễn giải phát biểu của phó tổng thống
Pence như sau : Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận Nga can thiệp vào Donbass,
phía đông Ukraina, nhưng Washington sẵn sàng hợp tác với Matxcơva để bình định
tình hình ở Syria và vùng phụ cận, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng, để chống lại tổ chức
Nhà Nước Hồi Giáo tại Trung Đông, thì cần phải liên minh với Nga.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks