Đại Học chăn Trâu




Monday 20 July 2015

Hội Nhà văn Việt Nam, cái nhìn từ bên trong


Hội Nhà văn Việt Nam, cái nhìn từ bên trong

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-07-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Hội Nhà văn Việt Nam, cái nhìn từ bên trong Phần âm thanhTải xuống âm thanh
dai-hoi-nv4-622.jpg
Đại hội của Hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 7 tại Hà Nội.
Courtesy photo
Đại hội của Hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX vừa kết thúc với nhiều băn khoăn trong dư luận có quan tâm với những người chọn nghề viết lách mà xã hội luôn khẳng định họ là giai cấp tinh hoa, dẫn đường và khơi mào ý thức thẩm mỹ cũng như lên tiếng các vấn đề xã hội khác cho đất nước. Mặc Lâm phỏng vấn anh Inra Sara, nhà phê bình văn học, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm cũng là người tham gia đại hội từ ngày đầu để biết thêm diễn biến bên trong nội tình của Hội trong đợt bầu bán lần này.

Dân chủ thiếu khoa học

Mặc Lâm: Đại hội nhà văn lần thứ IX được nhiều nhà văn cho là cũng như tám lần trước, tức là chỉ phân chia ghế ngồi còn thực chất thì không có một chút gì lo toan cho bản thân người cầm bút trong hội. Anh thấy sao về những bàn tán này?
Inra Sara: Công bằng mà nói thì không có sự chia chác ở đây mà ngược lại khá dân chủ nữa là khác. Dân chủ nhưng dân chủ ở Hội nhà văn Việt Nam là dân chủ rất thiếu khoa học. Ví dụ như bầu Ban chấp hành khóa IX này thì Ban chấp hành khóa trước muốn cơ cấu vùng miền và số tuổi của ban chấp hành có hình quả trám, rất là lý tưởng. Tuy nhiên qua sự dân chủ một cách thiếu khoa học này nên đã xảy ra các vấn đề như đại biểu của lớp trẻ không có. 

Đại biểu nữ không có. Đại biểu dân tộc thiểu số cũng không, và quan trọng hơn là tính vùng miền, ngay cả miền Trung và Tây nguyên rộng lớn như vậy không có một đại biểu nào. Miền Đông và miền Tây nam bộ cũng thế. Nói chi các vùng miền mà ngay cả thành phố Sài gòn, một thành phố mênh mông, một trung tâm lớn như vậy mà cũng không có một đại biểu nào để đại diện cho mình trong ban chấp hành khóa này! Đấy, chúng ta làm việc như thế!
Công bằng mà nói thì không có sự chia chác ở đây mà ngược lại khá dân chủ nữa là khác. Dân chủ nhưng dân chủ ở Hội nhà văn Việt Nam là dân chủ rất thiếu khoa học.
-Inra Sara
Nếu so sánh với khóa trước, khóa VIII chẳng hạn có 15 người thì khóa này còn có 6, đó là điều mà Ban chấp hành hoàn toàn không muốn, còn nói họ có lo không thì tôi thấy họ có lo chứ. Lo rất nhiều nữa là khác nhưng nhiều lúc lo sai bởi cái lo đó nặng tính hình thức là chính.

Mặc Lâm: Vâng, anh có thể nói thêm “nặng tính hình thức” nó cụ thể như thế nào thưa anh?

Inra Sara: Nó như thế này. Nói là quan tâm rất nhiều chẳng hạn như mình mở các hội thảo về văn học, hội thảo đủ loại. Mở các trại viết văn trẻ, trại sáng tác…tất cả những cái này đều mang tính hình thức. Tôi đơn cử như “trại sáng tác” chẳng hạn, những người dự trại sáng tác đa phần đi chơi là chính. Đi gặp gỡ giao lưu mang tính cá nhân là chính. Tại sao mình không tổ chức hội thảo bỏ túi ở đó, một hội thảo không tốn tiền nhưng rất lợi ích cho nền văn học, ví dụ như “Bàn tròn văn chương” mà tôi chủ trì ở các tỉnh miền Nam và thành phố HCM cũng như ở ngoài Bắc. Đây là một tổ chức ngoại vi của Hội nhà văn Việt Nam mà mỗi kỳ như vậy thì Hội Nhà văn chỉ chi 300 ngàn đồng, mỗi người một ly trà đá nhưng chúng tôi đã làm được rất nhiều.
Tám kỳ ở miền Nam và ba kỳ ở miền Bắc chúng tôi có 3 cái gọi là tự do. Thứ nhất, là người tham dự tự do, thứ hai là đề tài tự do và thứ ba là thảo luận rất tự do. Chúng tôi chi tiền của mình có 300 ngàn mỗi kỳ mà thôi.
Tôi đã gợi ý rất nhiều lần cho các trại sáng tác nhưng chúng ta vẫn mang tính hình thức. Hình thức như Festival Thơ Châu á Thái bình dương vừa rồi thì cũng vậy thôi, tức là hoàn toàn không có đại biểu của thế hệ đổi mới càng không có đại biểu của tuổi trẻ như vậy làm sao chúng ta có thể nói là đại biểu đủ thành phần, đại biểu của thế hệ có thể quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, quảng bá thơ Việt Nam ra nước ngoài để người ngoài biết được tiến trình của thơ Việt hoặc là văn học Việt đương đại. Tôi nói mang tính hình thức là như vậy.
0009-400.jpg
Đại hội của Hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng 7 tại Hà Nội. Courtesy photo.

Mặc Lâm: Nhà văn thì cần tác phẩm còn Hội nhà văn thì chức năng lớn nhất của của nó là vun quén, bồi đắp hay tìm kiếm những tác phẩm lớn nhưng trong suốt thời gian khoảng hai mươi năm trở lại thì tác phẩm lớn như “Nỗi buốn chiến tranh” hay “Chuyện kể năm 2000” không thấy xuất hiện nữa, trong khi các vấn đề xã hội nóng lên hàng ngày? Có điều gì bất ổn ở đây?

Inra Sara: Tôi không tin là văn học Việt Nam đương đại không có tác phẩm lớn. Có, nhưng mà họ lớn kiểu khác và lớn ở nơi khác chứ không phải lớn ở Hội nhà văn Việt Nam, ví dụ như tiểu thuyết của Nguyễn Viện xuất hiện trên trang Web Tiền Vệ đó là một tác phẩm lớn. Tiểu thuyết đó in photocopy ở miền Nam. Hay là “Xe lên xe xuống” của Nguyễn Bình Phương chẳng hạn được in ở Diễn đàn thế kỷ cách đây hai năm vì không in được ở Việt Nam. Hai năm sau Nhà xuất bản Trẻ mới in lại. Tôi cho đó là một tác phẩm lớn. Ngay cả lãnh vực thơ cũng vậy. Thơ Lê Vĩnh Tài trên Facebook cá nhân thôi nhưng anh ấy sáng tác liên tục, sáng tác dữ dội, sáng tác mạnh mẽ và đầy ấn tượng. Tôi cho đó là các tác phẩm lớn.

Như vậy chứng tỏ nhà văn Việt Nam vẫn viết, vẫn nỗ lực. Nhưng bên cạnh đó cái ngạc nhiên nhất của tôi là mảng phê bình lý luận ví dụ như thơ Việt Nam thời Thơ mới. Khi thời Thơ mới vừa kết thúc thì Hoài Thanh đã ra cuốn Thi nhân Việt Nam mà chúng ta đánh giá rất cao mà lúc đó chưa có Hội nhà văn Việt Nam, lúc đó Hội nhà văn Việt Nam chưa ra đời, chưa có Hội đồng lý luận phê bình của Hội nhà văn Việt Nam.

Trong khi Thơ đổi mới đã diễn ra, đã xong rồi 10 năm sau nhưng có ai cầm lên trên tay được một cuốn phê bình để có thể nhận diện được thơ đổi mới của Việt Nam không? Đó là điều tắc trách của Hội nhà văn Việt Nam vì đáng lẽ Hội phải tổ chức làm chuyện đó nhưng chúng ta chưa làm hay làm chưa được.

Cơ chế lỗi thời và lạc hậu

Mặc Lâm: Là người nghiên cứu văn hóa Chăm anh có được Hội khuyến khích một cách đặc biệt hay không?

Inra Sara: Không có gì đặc biệt cả! Cá nhân tôi Inra Sara cũng như mọi người khác, cũng như mọi nhà văn khác. Trước đây tôi giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dân tộc nhưng ở đó cũng không làm gì. Sau khi Hội đồng Văn học dân tộc tan rã thì tôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam nhưng trách nhiệm này thì tôi làm cũng giống như một nhà thơ Việt Nam và tôi không đòi hỏi gì thêm. Có đòi hỏi chăng là đòi hỏi ở Hội Văn học dân tộc Việt Nam nhưng ở đây có đến 54 dân tộc cho nên tôi cũng không đòi hỏi nữa!
Nhà văn Nguyễn Việt Chiến đã phát biểu rất mạnh bạo là Hội nhà văn có bảo vệ được nhà văn hội viên bị nạn của mình hay không? Anh dẫn ra trường hợp của anh bị nạn bị tù trong khi tác phẩm của anh thể hiện lòng yêu nước rất nồng nàn.
-Inra Sara

Hội nhà văn Việt Nam có phụ bản của báo Văn Nghệ là Dân tộc miền núi cũng đã đình bản 10 năm nay rồi nên gọi là quan tâm đặc biệt không có. Nghiên cứu văn học Chăm cũng vậy tôi tự thân vận động ngay cả đặc san “Bằng lăng” cũng do tôi tự thân vận động chứ Hội nhà văn không khuyến khích không quan tâm chứ nói gì tới việc “quan tâm đặc biệt”!
Mặc Lâm: Theo như những gì mà anh vừa trình bày thì cơ chế và tư duy của Hội nhà văn có vẻ hơi lỗi thời hay chính xác hơn là lạc hậu nữa! Như vậy cái nhìn của anh về tương lai của Hội nhà văn trong giai đoạn tới thì điều gì có thể làm cho nó khởi sắc lên một chút bên cạnh những khuyết điểm liệu có một ưu điểm nào khiến anh hy vọng hay không?
Inra Sara: Thực ra thì tương lai Hội nhà văn Việt Nam hoàn toàn thuộc vào cơ chế. Còn hội nhà văn bây giờ có quan tâm với nhà văn hay không tôi thấy không còn là vấn đề vì bây giờ là thế giới mở và qua không gian văn hóa Internet người ta đã nghĩ khác và làm khác. Người ta đã viết khác và in khác.

Hội nhà văn hầu như không còn sức mạnh như xưa. Ngay trong kỳ đại hội này nhà văn Nguyễn Việt Chiến đã phát biểu rất mạnh bạo là Hội nhà văn có bảo vệ được nhà văn hội viên bị nạn của mình hay không? Anh dẫn ra trường hợp của anh bị nạn bị tù trong khi tác phẩm của anh thể hiện lòng yêu nước rất nồng nàn. Hoặc là anh dẫn chứng trường hợp nhà văn Nguyễn Quang Lập là vụ mới nhất Hội nhà văn cũng không lên tiếng để bảo vệ hội viên của mình. Nguyễn Việt Chiến cũng tuyên bố rằng chúng ta, Hội nhà văn Việt Nam đừng đẩy họ về phía đối lập. Nếu chúng ta không bảo vệ được hội viên của mình thì rất dễ đẩy các nhà văn kia về phía đối lập.

Ngay cả giải thưởng cũng vậy. Mấy năm gần đây Hội nhà văn cũng có những ủng hộ phía cách tân nhưng khi các tác phẩm cách tân bị công kích thì hội cũng không đứng ra bảo vệ được mà phó mặt cho tác giả của tác phẩm đó bơi với dư luận quần chúng.

Còn thay đổi thì tôi nghĩ rất là khó thay đổi. Kể cả diễn đàn tranh luận thì quy chế nói rất rõ ràng phải tôn trọng diễn đàn tranh luận nhưng lại không có diễn đàn tranh luận. Tôi lấy ví dụ trong vụ Nhã Thuyên khi nhà phê bình Phan Trọng Thưởng viết một bài rất dài trên báo Văn Nghệ như là tổng kết vụ đó tôi mới viết một bài lại cũng dài không kém, tôi gửi cho báo Văn Nghệ thì báo Văn Nghệ không đăng! Gửi cho tạp chí Nhà Văn của Hội nhà văn Việt nam cũng không đăng luôn cho nên tôi mới gửi cho Tiền Vệ.

Chúng ta vẫn chưa có thay đổi và chúng ta cũng chưa chuẩn bị cho tư tưởng thay đổi. Đó là nhận xét của tôi vể đại hội kỳ này.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.



__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts