Tìm hiểu cội nguồn văn minh và văn
hóa dân tộc hiện đang là một đề tài thời sự nóng trên thế giới, bởi
vì trong xã hội hiện đại và thế kỉ 21, văn hóa sẽ là một yếu tố
nhận dạng của một dân tộc. ở nước ta, sách vở và các công trình
nghiên cứu khoa học về văn hóa dù đã và đang phát triển,nhưng nói
chung vẫn còn khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, bạn đọc đang cầm trên
tay một cuốn sách rất quan trọng về lịch sử văn minh và văn hóa
Đông Nam Á. Cuốn sách thực chất là một công trình nghiên cứu văn
minh và văn hóa thời tiền sử, và có liên quan mật thiết đến Việt
Nam. Cuốn sách này đã làm cho Tây phương, và sẽ làm cho bạn đọc,
thay đổi cái nhìn cố hữu về văn minh và văn hóa Đông Nam Á. Để làm
sáng tỏ hơn câu phát biểu trên, tôi muốn có vài hàng thưa chuyện
cùng bạn đọc về những diễn biến dẫn đến sự ra đời và ý nghĩa của
tác phẩm này.
Trước thập niên 1960, thế giới nói chung vẫn xem Đông Nam Á là một
vùng nước đọng của lịch sử nhân loại, nơi mà các cơn lốc văn minh
và văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, hay thậm chí Đông Âu, đi qua và
thỉnh thoảng để lại dấu tích. Một quan điểm gần như “chính thống”
của đại đa số giới học giả Tây phương là văn hóa Đông Nam Á chỉ là
một sự pha trộn văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, và văn minh Đông Nam Á
chẳng có phát kiến gì đáng kể.
Cuốn
sách này sẽ làm cho bạn phải suy nghĩ lại, và sẽ thay đổi những
định kiến trên. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy người Đông Nam Á
có lẽ là một tộc người cổ nhất thế giới, và là tổ tiên của người
miền Nam Trung Quốc ngày nay. Qua những dữ kiện dồi dào được thu
thập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau được
trình bày trong sách, bạn đọc sẽ nhận thức rằng Đông Nam Á là nơi
phát triển nền nông nghiệp sớm nhất, và có thể là quê hương của kĩ
nghệ kim loại đầu tiên trên thế giới. Những kĩ thuật này đã được
truyền đi khắp thế giới qua làn sóng di cư vĩ đại xuất phát từ Đông
Nam Á. Những khám phá mà nói theo nhà khảo cổ học danh tiếng người
Mỹ, Wilhelm G. Solheim II, làm cho người ta phải suy nghĩ lại vai
trò và vị trí của người phương Tây trong quá trình tiến hóa của văn
hóa thế giới, bởi vì có nhiều bằng chứng cho thấy một cách hùng hồn
rằng Đông Nam Á (chứ không phải Trung Quốc hay Ấn Độ) có thể là nơi
đã đặt một số nền tảng đầu tiên cho văn minh của nhân loại.
Trước
đây, Đông Nam Á là một lục địa nhỏ chạy dài từ miền Nam Trung Quốc
và một phần đất của Ấn Độ ngày nay đến gần châu Úc. Vào thời đó,
biển Đông, vịnh Thái Lan và biển Java là một vùng đất khô nối liền
các khu vực của lục địa. Nói cách khác, phần đất phía Nam sông
Dương Tử thuộc Trung Quốc ngày nay cũng được xem là một phần đất
của Đông Nam Á cổ. Sau khi kỉ Băng hà chấm dứt khoảng 10.000 năm về
trước, Đông Nam Á bị ngập bởi nước biển. Những vùng đất thấp của
lục địa trở thành đáy biển Đông ngày nay, và những vùng cao phía
Nam lục địa nay là các quần đảo thuộc Indonesia. Những vùng đất
liền hiện nay thuộc Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar (Miến Điện),
Thái Lan và Malaysia. Do đó, Địa đàng ở phương Đông bắt đầu
bằng một giả thuyết rằng nền văn minh Đông Nam Á cổ hiện nay đang
nằm dưới lòng biển. (Khoảng 5 năm trước đây, người ta phát hiện một
công trình xây cất, tòa nhà được kiến trúc rất độc đáo dưới lòng
biển thuộc Đài Loan).
Giả thuyết này có nhiều cơ sở khoa học mà
chúng ta sẽ thấy trong sách.Người Tây phương, dẫn đầu là người Bồ
Đào Nha, bắt đầu biết đến Đông Nam Á từ thế kỉ 16, khi họ đến đây
và thành lập những trạm tìm kiếm hương liệu hiếm để buôn bán. Người
Bồ Đào Nha trở thành độc quyền trong việc mua bán hương liệu (như
hạt nhục đậu khấu, cây đinh hương, câychùy... ) cả trăm năm liền.
Đến đầu thế kỉ 17, Anh và Hà Lan dùng lực lượng hải quân của họ đẩy
lui người Bồ Đào Nha, và lập các trang trại để bành trướng khai
thác hương liệu sang khai thác cao su, trà (chè) và thiếc. Các đế
quốc lần lượt xâm chiếm Đông Nam Á: Anh chiếm Ấn Độ và Miến Điện,
Hà Lan chiếm đóng Java và Sumatra ở Indonesia, Pháp thì chiếm đóng
Việt Nam, Campuchia và Lào, một vùng đất mà họ đặt tên là
"Indochina". (Qua cách đặt tên của thực dân Pháp, chúng
ta cũng có thể thấy định kiến của người Pháp lúc đó xem ba nước
Việt, Miên, Lào chỉ là phần phụ của văn minh Ấn Độ và Trung Hoa ! )
Chỉ có một phần đất duy nhất không bị thuộc địa hóa là Siam hay
Thái Lan ngày nay.
Năm
1858, trong khi người Pháp đã thiết lập ảnh hưởng của họ tại Đông
Nam Á, một học giả tên là Henri Moubot tiến hành một cuộc thám hiểm
khoa học vào các vùng đất liền Đông Nam Á. Những ghi chép trong
cuộc hành trình này được ông sắp xếp cho xuất bản vào năm 1864 (sau
khi ông qua đời) làm cho thế giới bắt đầu chú ý đến những di tích
lịch sử quan trọng như đền Angkor phía Bắc Biển Hồ (Tonle Sap), lúc
đó đang bị bỏ hoang và bị cây rừng bao phủ, nhưng qua kiến trúc
hoành tráng và nghệ thuật điêu khắc độc đáo nó nói lên sự thịnh
vượng của một nền văn minh tiên tiến. Song, Moubot chỉ ghi lại chi
tiết và đề nghị nghiên cứu thêm, chứ không diễn dịch, những gì ông
thấy. Bốn thập niên sau chuyến thám hiểm của Moubot, năm 1898, Nhà
cầm quyền thuộc địa Pháp cho thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ
(École Française d’Êxtrême Orient, hay EFEO) và nhiều cuộc nghiên
cứu về văn minh và văn hóa Đông Nam Á được tiến hành. Qua nhiều
nghiên cứu khảo cổ, các học giả thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ mới
phát hiện ra một số thành phố Khmer bị chôn vùi trong rừng, và
Angkor từng là thủ đô của đế quốc hùng mạnh Khmer vào đầu thiên
niên kỉ (khoảng 2000 năm về trước). Họ còn phát hiện thêm rằng một
nền văn minh rực rỡ khác, Văn minh Chăm, cũng hiện hữu cùng thời
với nền Văn minh Khmer.
Một
trong những học giả danh tiếng thời đó là Georges Coedès, giám đốc
trường Viễn Đông Bác Cổ từ thập niên 1920 đến 1950, bỏ ra nhiều năm
để phiên dịch những văn bia tiếng Phạn mà ông tìm thấy ở các tháp
Chăm tại Việt Nam. Coedès và nhiều đồng nghiệp của ông thời đó tin
rằng văn minh nhân loại khởi nguồn từ vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia)
đến Ai Cập, rồi lan sang Hy Lạp và La Mã. Niên đại của các tượng
đài tại Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy đây là hai nền văn minh phát
triển sau nền văn minh Lưỡng Hà. Coedès từ đó suy luận rằng Đông
Nam Á chỉ là hậu thân của hai nền văn minh lớn Ấn Độ và Trung Quốc
mà thôi. Năm 1966, Coedès còn viết: người Đông Nam Á "có vẻ
thiếu thiên tư sáng tạo và năng khiếu tiến bộ”. Mãi đến năm 1971,
nhà sử học người Anh Grahame Clark vẫn đánh giá thấp văn minh Đông
Nam Á. Ông cho rằng người tiền sử Đông Nam Á chưa bao giờ thoát
khỏi Thời đại Đồ đá (Stone Age) để tiến lên Thời đại Đồ đồng như
các nền văn minh khác. Clark viết rằng không như văn minh Lưỡng Hà
hay Trung Hoa, "người Đông Nam Á vẫn tiếp tục sử dụng công cụ
bằng đá cho đến thời đại Kitô giáo”. Từ năm 1879, trước một số di
vật được sản xuất bằng đồng và một số đồ gốm thuộc thời tiền sử
được tìm thấy ở Đông Nam Á, Clark vẫn bác bỏ sự hiện hữu của một
nền văn minh Đông Nam Á: ông cho rằng đó chỉ là những phát hiện
"khác thường" và tin rằng đó là những công cụ do các nền
văn minh khác đem lại cho Việt Nam mà thôi.
Vào
thập niên 1920, Nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani bắt đầu
khảo cứu các vùng duyên hải Việt Nam và qua các di vật thu thập
được, bà chứng minh rằng tại đây đã có cư dân sống qua từ Thời đại
Đồ đá. Tiếp theo phát hiện đó, bà Colani tiến hành khai quật quanh
vùng Hòa Bình và phát hiện một nền văn hóa săn bắt cá biệt mà bà
gọi là "Văn hóa Hòa Bình". Sau này, qua bằng chứng về các
công cụ săn bắt làm bằng đá từ Văn hóa Hòa Bình được phát hiện tại
nhiều nơi dọc theo bờ biển Nam Hải chạy dài đến Mã Lai Á, các nhà
khảo cổ học kết luận rằng những di chỉ từ Văn hóa Hòa Bình không
phải xuất phát từ một nhóm người mà từ một công nghệ đồ đá. Thoạt
đầu, những phát hiện của Colani có vẻ xác định những giả thuyết của
Grahame Clark và Georges Coedès rằng văn minh Đông Nam Á lạc hậu so
với hai nền văn minh lớn Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng mặt khác Colani
còn phát hiện đồ gốm từ Văn hóa Hòa Bình có niên đại 8000 năm về
trước - tức còn cổ hơn thời kỳ mà các nhà khảo cổ tin rằng cư dân
Đông Nam Á vẫn còn học cách làm đồ gốm! Thế rồi, đến khi những
trống đồng lớn có hoa văn tinh vi được phát hiện tại Đông Sơn cho
thấy một công nghệ luyện kim khá hoàn chỉnh từ thời tiền sử đã được
hình thành. Phải diễn dịch sao cho hợp lí trước những phát hiện này
?
Năm
1932, Nhà nhân chủng học người Áo Robert Heine-Geldern đề ra một
giả thuyết để giải thích những sự thật trên như sau: Đông Nam Á là
vùng đã kinh qua nhiều "làn sóng văn hóa”, và một làn sóng di
cư liên tục đem đến cho Đông Nam Á những kĩ thuật hiện đại. Ông tin
rằng những cái rìu mang hình lưỡi vòm hay những người thợ làm ra
chúng chắc chắn phải xuất phát từ miền Bắc Trung Quốc. Thế còn
trống đồng Đông Sơn? Heine-Geldern đề ra giả thuyết rằng đó là
thành quả của một làn sóng văn hóa khác, lần này thì xuất phát từ
người Đông Âu, những người - theo ông - di cư về phía Nam vào
khoảng 1000 năm trước CN và đến Đông Nam Á vào khoảng 500 năm sau
đó. Mặc dù giả thuyết của Heine-Geldern, ngày nay mới đọc qua ai
cũng phải lắc đầu về sự thiếu cơ sở khảo cổ và phi lí của nó, cực
kỳ sơ sài, nhưng được chấp nhận như là một cách giải thích khoa học
nhất thời đó ! Nhưng nhiều bằng chứng thu thập sau đó cho thấy giả
thuyết “làn sóng văn hóa" của Heine-Geldern không thể đứng
vững được.
Năm 1930, học giả người Hà Lan F. D. K. Bosch tái thẩm
định những văn bia được khắc trên các đền đài ở Nam Dương, và ông
khám phá rằng các văn bia này không hề đề cập đến sự xâm nhập hay
chinh phục của Ấn Độ. Những ảnh hưởng của Ấn Độ trong ngôn ngữ và
biểu tượng thường thấy trong các vương quốc trong lục địa hơn là
trong các vùng duyên hải. Nếu ảnh hưởng của Ấn Độ đến Đông Nam Á có
thật thì nó phải biểu hiện ở các vùng duyên hải hơn là các vùng
trong đất liền. Do đó, phát hiện này cho thấy cách diễn giải của
Heine-Geldern và vài học giả trước đó như Coedès hay Clark là không
đúng. Ngoài ngành khảo cổ học và nhân chủng học, giới thực vật học
cũng thu thập nhiều bằng chứng cho thấy giả thuyết của
Heine-Geldern thiếu cơ sở khoa học. Các nhà thực vật học nghiên cứu
nguồn gốc của cây cỏ và cây ăn trái từng suy luận rằng Đông Nam Á
là quê hương của một số loài thực vật như cây lúa, khoai mỡ, khoai
nước, mía và chuối.
Năm
1952, nhà địa lí học người Mỹ Carl Sauer, qua quan sát khí hậu và
nhiều giống cây trồng, đưa ra ý kiến rằng Đông Nam Á có thể là nơi
phát sinh nền nông nghiệp trên thế giới. Nhưng lúc đó, chưa có bằng
chứng khoa học nào để làm cơ sở cho đề xuất này.
Năm
1965, Chester Gorman, một học trò của Wilhelm Solheim II, quyết chí
đến Thái Lan truy tìm những di chỉ về nông nghiệp Thời đại Đồ đá để
làm bằng chứng cho giả thuyết của Sauer. Để làm việc này, Gorman
phải học tiếng Thái và bỏ ra nhiều năm tháng sống với người Thái
trong các làng xã xa xôi. Ông lang thang từng thôn làng và hỏi thăm
có ai biết bất cứ di chỉ nào từ các hang động cổ hay không. Tháng
4/1966, một người thợ săn làng Mai Sang Nam dẫn ông đến một hang
động đá vôi gồm có ba ngăn. Ông bèn đi ngay đến hang động và đặt
tên là Động Linh hồn (Spirit Cave). Qua những phương pháp khảo cổ
hiện đại, Gorman và các cộng sự nghiên cứu viên ước đoán rằng Động
Linh hồn đã được con người sử dụng khoảng 10.000 năm trước CN. Tại
đây, Gorman phát hiện một cây rìu và dao có niên đại 7.000 năm
trước CN (niên đại này còn cổ hơn các cây rìu tìm thấy ở Trung Quốc
đến 2.000 năm. Trước đó, người ta vẫn cho rằng các công cụ như thế
do Trung Quốc "xuất cảng" sang Đông Nam Á khoảng 3.000
năm trước CN). Cũng tại Động Linh hồn, Gorman còn phát hiện con
người tại đây đã biết nấu ăn và đã bắt đầu dùng (hay sản xuất) đồ
gốm có trang trí hoa văn.
Sau
ba năm phân tích và viết về khám phá từ Động Linh hồn, Gorman quay
lại Thái Lan vào năm 1972 để khai quật các hang động chung quanh.
Ông tìm thấy hai động khác, và có thể kết luận rằng có một quá
trình định cư tại đây khoảng 10.000 năm trước CN đến 1.000 năm sau
CN. Ông đặt tên nền kinh tế thịnh vượng này là nền kinh tế Hòa Bình
(vì các công cụ dùng có cùng hình dạng với công cụ tìm thấy tại Hòa
Bình trước đó). Năm 1966, một học trò khác của Solheim là Donn
Bayard tiến hành khai quật một nghĩa trang thời tiền sử có tên là
Non Nok Tha (Thái Lan). Tại đây, dù chỉ đào xuống 1,5 mét, ông đã
phát hiện 800 bình, lọ làm bằng gốm được chôn cất cùng với những
chủ nhân của chúng. Qua phân tích cẩn thận, Bayard ước tính niên
đại của các di chỉ này từ 3.500 trước CN đến 2.000 năm trước CN
(thời gian này cũng là lúc các thành phố vùng Lưỡng Hà bắt đầu xuất
hiện). Ngoài ra, Mayard còn khám phá một số công cụ như rìu, vòng
đeo tay làm bằng đồng và thiếc. Những công cụ tìm thấy ở đây hoàn
toàn không có dấu hiệu thô sơ chút nào; ngược lại, chúng cho thấy
người sản xuất đã nấu chảy kim loại và đổ khuôn. Những phát hiện
tại Động Linh hồn và nghĩa trang Non Nok Tha là một thách thức
nghiêm trọng đến những giả thuyết từng được lưu hành và chấp nhận
trước đây. Wilhelm Solheim II không ngần ngại tuyên bố rằng Đông
Nam Á là cái nôi đầu tiên của văn minh nhân loại.
Nhưng
quan điểm của Solheim và những phát hiện quan trọng vừa trình bày
trên có ít người trên thế giới biết đến, vì những tài liệu khảo cổ
thường chỉ lưu hành trong giới chuyên môn, chưa được truyền bá đến
mức độ đại chúng. Cuốn Địa
đàng ở Phương Đông là một tác phẩm được viết ra
cho quần chúng. Kế tiếp sự nghiệp của Solheim và những người trước
đó, qua cuốn sách bạn đang cầm trên tay, Stephen Oppenheimer, một
bác sĩ nhi khoa, đã bỏ ra 15 năm trời để thu thập, phân tích và
tổng hợp dữ kiện từ các ngành nghiên cứu như di truyền học, nhân
chủng học, thần thoại học, văn học dân gian, ngôn ngữ học, hải
dương học và khảo cổ học để cho ra đời một tác phẩm làm cho nhiều
nhà nghiên cứu Đông Nam Á học và khảo cổ học phải ngẩn ngơ!
Giả
thuyết mà Oppenheimer trình bày trong cuốn sách này lần đầu tiên
đặt Đông Nam Á vào trung tâm của các nguồn gốc văn hóa và văn minh
thế giới. Oppenheimer chứng minh rằng khoảng 9.000 đến 10.000 năm
về trước, một số dân vùng Đông Nam Á đã là những nhà canh nông
chuyên nghiệp, không chỉ là những người sống bằng nghề săn bắn ban
sơ như giới khảo cổ học Tây phương mô tả. Vào khoảng 8.000 năm
trước đây, mực nước biển tăng một cách đột ngột và gây ra một trận
đại hồng thủy, và trận lụt vĩ đại này đã làm cho những nhà nông đầu
tiên trên thế giới này phải di tản đi các vùng đất khác để mưu
sinh. Trong quá trình di cư đến các vùng đất mới, họ đem theo ngôn
ngữ, truyền thuyết, quan niệm tôn giáo, kinh nghiệm thiên văn, yêu
thuật và đẳng cấp xã hội đến vùng đất mới. Thực vậy, ngày nay, dấu
vết của cuộc di dân trên vẫn còn ghi đậm trong các quần đảo
Melanesia, Polynesia và Micronesia; dân chúng những nơi này nói
tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian) có nguồn gốc từ Đông
Nam Á. Theo Oppenheimer, những "người tị nạn" này có thể
là những hạt giống cho những nền văn minh lớn khác mà sau này được
phát triển ở Ấn Độ, Lưỡng Hà, Ai Cập và Địa Trung Hải.
Những kết
luận và phát biểu của Oppenheimer cũng phù hợp với hàng loạt nghiên
cứu di truyền học mới được công bố gần đây. Chẳng hạn như qua phân
tích DNA, các nhà khoa học Mĩ đã có thể tái xây dựng quá trình di
cư thời tiền sử. Con người hiện đại di dân khỏi châu Phi đến châu Á
vào khoảng 100.000 năm trước đây. Có thể trong đợt di dân đầu tiên
họ đến vùng Trung Đông, nhưng không thể định cư được vì thời tiết
khắc nghiệt, sau đó có thể họ phải làm thêm một hành trình thứ hai
từ Trung Đông đến tận vùng Đông Nam Á. Cũng có thể họ đi thẳng từ
Đông Phi, dọc theo đường biển ả rập ngày nay băng ngang qua Ấn Độ,
và đến định cư ở Đông Nam Á. Từ Đông Nam Á, họ lại di cư một lần
nữa: nhóm một đi về hướng nam ra châu Úc và Tân Guinea; nhóm hai đi
về hướng bắc đến Trung Quốc và Nhật Bản, và cuộc di dân này xảy ra
vào khoảng 55.000 năm trước đây. Điều này cũng phù hợp với các dữ
kiện di truyền gần đây cho thấy người Trung Hoa ngày nay, nhất là
người Trung Hoa ở phía Nam Trung Quốc rất gần và có tổ tiên ở vùng
Đông Nam Á.
Nhưng
những phát hiện mới nhất về văn minh Đông Nam Á có ý nghĩa gì đến
đời sống tinh thần của người Việt chúng ta? Để trả lời câu hỏi này,
có lẽ chúng ta cần phải nói rõ rằng tọa độ văn hóa Việt Nam nằm
trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á. Là người Việt, chúng ta cần phải
hiểu và biết về nguồn gốc văn minh và văn hóa nước nhà, bởi vì văn
hóa là tài sản quí báu nhất mà tổ tiên ta đã truyền lại qua bao thế
hệ.
Nếu
thế kỉ 20 là thế kỉ của ý thức hệ, thì thế kỉ 21 là thế kỉ của văn
hóa. Suốt 100 năm tranh chấp dai dẳng trong thế kỉ 20, người ta
phân biệt các quốc gia qua chủ nghĩa, và cao điểm của sự phân biệt
đó là cuộc " Chiến tranh lạnh". Trong tương lai, các quốc
gia trên thế giới có thể sẽ quy tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa
trên văn hóa và tôn giáo. Trong thế kỉ 21, người ta sẽ hỏi
"Anh là ai" thay vì "Anh thuộc phe nào" như
trong thời Chiến tranh lạnh. Tức là một sự chuyển biến về nhận dạng
từ phe phái sang diện mạo. Câu trả lời trước tiên là dựa vào diện
mạo văn hóa, bởi vì văn hóa gắn liền với con người trong thế giới
hiện đại.
Cuốn
sách bạn đang cầm trên tay góp phần trả lời cho câu hỏi đó. Người
viết lời giới thiệu này có may mắn đã đọc Eden in the East và đã có
dịp giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc Việt Nam qua Tạp chí Tia Sáng vài
năm trước đây. Nay, có cơ hội viết lời giới thiệu cho bản tiếng
Việt của một cuốn sách viết bằng tiếng Anh là một vinh hạnh cho
người viết, bởi vì tôi thấy những câu trả lời khoa học của cuốn
sách đã vượt biên giới quốc gia, âu cũng là một ước muốn của tác
giả và những người tổ chức dịch và xuất bản cuốn sách này sang
tiếng Việt. Trước khi viết những dòng giới thiệu này, người viết đã
đọc hết bản dịch, và người viết rất phấn khởi thấy bản dịch có chất
lượng cao, vì người dịch tỏ ra trân trọng với tiếng Việt và cẩn
thận với các thuật ngữ chuyên môn. Cuốn sách quả xứng đáng có trong
tủ sách văn minh và văn hóa của bạn đọc. Cuốn sách tuy cung cấp cho
chúng ta câu trả lời đầy đủ cho toàn vùng, những vẫn chưa cụ thể
cho người Việt chúng ta. Tổ tiên gần nhất của chúng ta xuất phát từ
đâu, hay họ đến Việt Nam bằng cách nào vẫn còn là những vấn đề khoa
học “nóng”, đòi hỏi nhiều nghiên cứu về di truyền học, khảo cổ học,
và ngôn ngữ học. Tuy nhiên, với sự tiến bộ phi thường về khoa học
di truyền và công nghệ sinh học trong khoảng mười năm trở lại đây,
chúng ta có thể tin rằng việc nghiên cứu quá trình lịch sử di
truyền của người Việt sẽ đem lại nhiều kết quả thích thú và làm
sáng tỏ hơn về nguồn gốc tổ tiên của chúng ta. Nhưng muốn làm sáng
tỏ vấn đề, xã hội cần đến sự đóng góp của nhiều người, kể cả bạn
đọc. Vì thế bạn đọc không nên chỉ đọc sách, mà cần phải bỏ thì giờ
để suy nghiệm về những dữ kiện trong sách, để đặt vấn đề và giả
thuyết, để tự mình tiến hành nghiên cứu thêm.
Tôi
thực sự hân hạnh mời đón bạn đọc cùng tác giả và dịch giả đi ngược
thời gian để tìm về cội nguồn của một nền văn hóa và văn minh huy
hoàng ở Đông Nam Á và Việt Nam, để tìm thấy hình dáng tổ tiên mình
trong những trang sách kế tiếp.
No comments:
Post a Comment
Thanks