Thành dân tộc lớn từ những bài
học rất nhỏ
Xuân Bình | Báo Người Đô Thị
“
Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử.” – Trần Quang Đức.
LTS | Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc từng là những nước
đồng văn. Hàng nghìn năm qua, các quốc gia này có mối quan hệ phức tạp, có
tương tác, giao lưu, ảnh hưởng tích cực; có xâm lấn, cai trị, lệ thuộc, tác động
tiêu cực… Nhưng khác hẳn Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước đi
ngoạn mục, vượt thoát khỏi những ảnh hưởng, kiềm toả của Trung Hoa, trở thành
quốc gia phát triển hùng mạnh, có ảnh hưởng lớn trong khu vực, với cả Trung
Quốc và thế giới. Sau chuyến đi trải nghiệm văn hoá Hàn Quốc vừa qua, trong khi
tình hình biển Đông, quan hệ Việt – Trung có những diễn biến phức tạp, nhà
nghiên cứu văn hoá trẻ Trần Quang Đức dành cho Người Đô Thị vài trao đổi chung
quanh những gì ông trực cảm về thái độ, tinh thần “thoát Tàu” của người Hàn
Quốc.
Thưa ông, để vượt thoát những tác động tiêu cực trong mối quan hệ
với một nước lớn như Trung Hoa, người Hàn và người Nhật đã làm gì để tự cường?
Về đường lối chính trị, Nhật Bản luôn đi một
đường riêng, ngay trong quá khứ cũng không có mối quan hệ tông chủ – phiên
thuộc đối với Trung Quốc. Còn ở bán đảo Triều Tiên, nửa đầu thế kỷ 20, sau khi
thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc Nhật, miền Nam theo đường lối tư bản, thân Mỹ,
trở thành Đại Hàn Dân Quốc. Với một nền chính trị dân chủ, không chịu sự chi
phối từ phía Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những chính sách tự cường
thành công, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Trước đây, cả hai nước đều từng nhập siêu từ
Trung Quốc nhưng sau đó đã đẩy mạnh sản xuất trong nước, cổ vũ người dân sử
dụng hàng nội địa. Với tinh thần cầu thị, họ đã tạo nên những thương hiệu có
tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quang Đức
Thành Seoul xưa được xây theo nguyên mẫu thành
Tây An đời Đường của Trung Quốc, nhưng Hàn Quốc ngày nay mang nhiều dấu ấn Âu
hoá trên nhiều lĩnh vực. Phải chăng thân phương Tây là một định mệnh với Hàn
Quốc?
Nhà nghiên cứu văn hoá Trần Quang Đức
Điều chắc chắn mà tôi có thể trao đổi là trong
quá khứ, các triều đại phong kiến ở bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản đều
từng yêu chuộng văn hoá cung đình Trung Hoa, đặc biệt là các triều đại Đường –
Tống – Minh. Không chỉ có thành Seoul (Hán Thành), kinh đô Nara (Nại Lương) của
Nhật Bản cũng có nguyên mẫu là thành Tây An thời Đường.
Ở ta, thành Thăng Long
thời Lý cũng được xây dựng phỏng theo mô hình kinh đô Lạc Dương, Khai Phong
thời Tống; hoàng thành Huế được mô phỏng theo mô hình Tử Cấm Thành thời Minh.
Đối với những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Hán thì phong thuỷ, kinh Dịch
hiển nhiên là những lý niệm không thể thiếu khi xây dựng cung điện, nhất là khu
hoạch kinh đô. Người Hàn còn đưa Thái cực đồ vào quốc kỳ, thể hiện quan niệm cổ
của người phương Đông về trời đất, vạn vật.
Tuy nhiên, thời đại ngày nay, những giá trị mà
văn hoá phương Tây đem lại có sức hút rất lớn đối với các quốc gia châu Á, nhất
là những nước vốn có truyền thống bảo thủ. Chúng ta thấy một Nhật Bản đã thành
công trong việc học tập, xây dựng nhà nước theo mô hình phương Tây. Hàn Quốc
cũng đã và đang trở thành một trong những cường quốc châu Á. Vấn đề Âu hoá theo
tôi là định mệnh không chỉ đối với Hàn Quốc.
Ở Seoul, trước cửa toà nhà Quốc hội, người Hàn vẫn lưu giữ, bảo
tồn cổng Đại Hán. Ở các tỉnh, thành phố khác, trước đầu làng cổ vẫn có chữ Hán
khắc trên bia đá. Trong gia đình người dân, trong góc trang trọng nhất vẫn treo
những bài thơ chữ Hán, kể cả thơ của các thi sĩ nổi tiếng Trung Hoa. ông cảm
nhận gì về điều này?
Trước toà nhà quốc hội Hàn Quốc có cổng đề ba
chữ “Đại Hán môn” (cửa Đại Hán). Điều này gắn liền với một quan niệm thời phong
kiến, quan niệm Hoa Di.
Vua quan, sĩ phu Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản
đều từng tự nhận là Hoa Hạ, không muốn bị gọi là man di. Các khái niệm Hoa, Hạ
bấy giờ thường mang hàm ý văn hoá, chứ chưa đặc chỉ huyết thống hay chủng tộc.
Khi nhà Thanh diệt nhà Minh, triều đình Triều Tiên và nhà Nguyễn Việt Nam đều
cho rằng vương triều mình kế thừa và gìn giữ văn hoá Trung Hoa chính thống, đều
tự nhận là Hoa là Hán, với nghĩa là truyền nhân của văn hoá Trung Hoa.
Kinh đô của Triều Tiên được gọi là Hán Thành,
Hán Dương. Con sông chạy qua Hán Thành gọi là Hán Thuỷ, Hán giang (cái gọi là
“kỳ tích sông Hàn” đúng ra phải gọi là “kỳ tích sông Hán”). Phía Nam kinh thành
gọi là Nam Hán.
Hàn Quốc và Nhật Bản chuyển trực tiếp từ chế độ
phong kiến sang tư bản, không có đấu tố, cải cách ruộng đất, cách mạng văn hoá
hay các phong trào phản đế, phản phong. Nếp sống, thị hiếu, thẩm mỹ của người
dân không bị định hướng, lên án, chụp mũ để rồi bị đánh hội đồng… Do vậy, nhiều
truyền thống trước đây được lưu giữ và nâng tầm để trở thành những “nét đẹp”
văn hoá của Hàn – Nhật. Họ không bài xích cực đoan.
Những bài thơ chữ Hán nổi tiếng của người bản
địa hay người Trung Quốc vẫn được dẫn dụng, được thể hiện trên các bức thư
pháp, bình phong làm vật trang trí. Bởi tất cả những yếu tố văn hoá Trung Hoa
trong quá khứ đều góp phần tạo nên văn hoá Hàn, Nhật của ngày hôm nay. Nhật Bản
vẫn sử dụng chữ Hán chứ không mang định kiến đó là thứ văn tự vay mượn.
Rất
công phu, cẩn trọng trong việc tìm kiếm nguồn tri thức cổ, ông tìm thấy gì
trong những giá sách Seoul? Những tác phẩm nào gây cho ông ấn tượng mạnh mẽ về
thái độ tự tôn tinh thần dân tộc của người Hàn?
Tôi từng có một số bài viết nói về tinh thần dân
tộc Hàn thể hiện trong học thuật. Do quốc thổ gắn liền với Trung Quốc, có sự
giao lưu văn hoá với Trung Quốc từ rất sớm, về sau lại từng tự nhận là truyền
nhân của văn minh Hoa Hạ, đến khi chủ nghĩa dân tộc hình thành và được đẩy mạnh
vào đầu thế kỷ 20, người Hàn đã phản tư, nhìn nhận lại nguồn gốc dân tộc, về
nền văn hoá Hàn, nhiều học giả đã chứng minh ngược lại rằng: chữ Hán, Kinh
Dịch, tết Đoan Ngọ, Trung Thu, v.v. đều do người Hàn Quốc tạo nên.
Vừa rồi tới
hiệu sách Kyobo, tôi vẫn thấy nhiều cuốn sách khảo cứu dạng này. Tuy nhiên, gần
đây độ “hot” của nó đã giảm đi nhiều. Ở Việt Nam ta hiện nay cũng đã có những
khảo cứu kiểu như vậy, và có thể nói, ngay cả chủ nghĩa dân tộc trong học thuật
thì ở ta vẫn lạc hậu so với Hàn gần 50 năm.
Ông từng có những bài viết khảo cứu và bày tỏ thái độ trước những
phản ứng cực đoan về việc sử dụng đèn lồng Trung Quốc. Cảm giác của ông thế nào
khi vào thăm bảo tàng giấy Hanji?
Càng phản ứng cực đoan, càng thể hiện sự thiếu
hiểu biết và nỗi sợ hãi. Đơn cử như đèn lồng, loại đèn thắp sáng được sử dụng
lâu đời ở vùng Đông Á. Thay vì nhập khẩu loại đèn lồng đỏ rẻ tiền từ Trung
Quốc, người Hàn và Nhật vẫn làm ra đèn lồng theo kiểu cách của họ.
Người Hàn sử dụng loại giấy dó Hanji để tạo ra
những chiếc đèn có kiểu dáng khác nhau, đẹp điển nhã, trang trọng, vượt xa loại
đèn lồng đỏ do Trung Quốc sản xuất. Trong khi ở ta, chưa nói đến việc sử dụng
giấy dó để tạo ra các sản phẩm khác nhau, chỉ riêng việc người Việt xưa có dùng
đèn lồng hay không, nhiều nhà nghiên cứu, trí thức cũng không nắm rõ, thậm chí
nhiều người còn cao giọng nói đèn lồng chỉ là sản phẩm của văn hoá Tàu. Tôi đã
tìm hiểu về đèn lồng Việt. Tôi tán đồng quan điểm không nên nhập đèn lồng từ
Trung Quốc. Song thay vì phản ứng cực đoan, bài xích một cách vô tri, ta hãy
tìm hiểu kỹ càng trước đã. Cần khuyến khích sản xuất, tiêu thụ mặt hàng truyền thống
ở trong nước.
Khi tới thăm nhà máy mỹ phẩm lớn nhất, thành
công nhất Hàn Quốc của ông [Suh Kyung Bae -DCVOnline]
chủ Sulwhasoo ở Osan, ông có tìm thấy mối liên hệ nào giữa tình yêu của
người mẹ với quá trình phát triển thương hiệu mỹ phẩm gắn liền cùng biểu tượng
hoa trà này không?
Tôi có một cảm nhận rất rõ từ người dân Hàn
Quốc: mọi sự thành công của họ đều được tạo tựu trên nền tảng truyền thống, gia
đình. Một bông hoa trà người mẹ cài lên áo người con, sau này trở thành biểu
tượng của cả một thương hiệu lớn. Dù sở hữu cơ ngơi đồ sộ với những nhà máy,
xưởng sản xuất hiện đại, được thiết kế đẹp mắt, nhưng ông chủ tập đoàn đã dành
một nơi đẹp nhất, trang trọng nhất, là bảo tàng mỹ phẩm Sulwhasoo, để lưu giữ
hình ảnh khu bếp người mẹ [ Yun Dok Jeong là bà của Suh Kyung Bae –
DCVOnline] thường nấu năm xưa. Những thước phim cảm động ở đây cho người xem
được tận mắt chứng kiến quá trình trưởng thành của ông, cũng như sự tri ân vô
cùng của ông đối với mẹ, đối với quê hương mình.
Là
tác giả Ngàn năm áo mũ, một công trình nghiên cứu về lịch sử văn hoá, cụ thể là
trang phục dân tộc, ông đã tìm kiếm được điều gì mới mẻ khi đi thăm các bảo
tàng, trung tâm văn hoá, làng cổ, chợ… ở Hàn Quốc?
Tranh và ảnh : 1. Tiến sĩ Triều Tiên cài Ngự tứ hoa ; 2. Bức vẽ
“Ông Thám hoa cầm cành hoa” trong sách “Kỹ thuật của người An Nam” ; 3. Thám
hoa triều Nguyễn ; 4. Tiến sĩ triều Thanh ; 5. Tiến sĩ triều Minh. Nguồn: Trần
Quang Đức.
Tôi nhận thấy ở các bảo tàng, làng cổ, chợ
Dongdaemun hay Namdaemun, mặt hàng thủ công truyền thống Hàn Quốc được bán rất
chạy. Người Hàn Quốc cũng rất biết kinh doanh dựa trên các mặt hàng này. Hình
nộm vua – hoàng hậu, quạt giấy, kẹp sách mang hình ảnh đặc trưng của Hàn Quốc,
thiệp hay phong bì in tranh quốc hoạ, giấy bọc in mờ những trang sách cổ của
Hàn Quốc… đều hết sức trang nhã, mỹ quan. ẩn sau những hình ảnh này là sự trân
trọng, phát huy tích cực từ văn hoá cổ truyền của người Hàn Quốc.
Để có thể trở thành một dân tộc lớn, chúng ta
phải bắt đầu từ những bài học rất nhỏ. Mỗi người Việt hãy tự thay đổi mình từ
một cách nhìn, cách nghĩ, một thái độ ứng xử. Đó chắc chắn không phải thái độ
mặc cảm, tự ti, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, dễ bị kích động.
Đó phải là năng lực tri nhận, gạt bỏ những điều cổ hủ, lỗi thời. Đó là thái độ
trân trọng, biết đón nhận, tiếp thu tất cả những giá trị cao đẹp của mọi nền
văn hoá, trong đó có văn hoá Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là tinh thần,
khát vọng trở thành một dân tộc lớn, tự cường.
__._,_.___
Posted by: Dien bien hoa binh