Đại Học chăn Trâu




Saturday 29 August 2015

Sâu và Người

Sâu và Người 
Nguyệt Quỳnh 


Nếu có điều gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này thì tôi cho đó là tình thương giữa con người với con người. Đặc biệt trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay. Tình thương có thể chữa lành mọi nỗi đau, khơi dậy niềm tin và ngay cả xóa đi những lỗi lầm quá khứ. Tiếc thay, lãnh đạo CS đa số không nhìn ra điều này. Một đoạn băng hình (video clip) ghi lời cám ơn của một phụ nữ dân oan Dương Nội, chị Cấn Thị Thêu, đã được đánh giá là một bài diễn văn xúc động và hay nhất mà không có một lãnh đạo CSVN nào có khả năng vượt qua. Lý do thật đơn giản: lời nói của chị chân thành và tràn đầy tình thương.

Nghe chị, người ta nghe cả tiếng kẻng, tiếng trống, mùi khói, mùi rơm mà người dân đốt lên để giữ đất. Rồi người ta nghe luôn cả tiếng máy xúc, máy ủi trên những cánh đồng lúa xanh tốt của nông dân Dương Nội; người ta nhìn thấy những mảnh hài cốt của thân nhân họ nằm chơ vơ trên cánh đồng! Ai đó ví von người nông dân như con cò, con cò ốm o, hiền lành, cam chịu. Ngày nào cò bỏ ruộng, bỏ cày lên đường theo tiếng gọi của đảng; ngày nay hòa bình cò gánh trên lưng hàng trăm thứ phí, đất ruộng lại bị bọn cường hào mới tước đoạt trắng trợn. Cướp có lịnh lạc, có văn bản đàng hoàng. Thương thân cò như câu ca dao: cái cò đi đón cơn mưa / tối tăm mù mịt ai đưa cò về!

Là một nông dân bị cướp trắng, bị tù tội, nhưng trong lời cám ơn, có đến hai lần chị Cấn Thị Thêu nhắc đến tình thương. Ngược lại, không hiểu sao những phát biểu của các quan chức thượng tầng, giàu sụ, thường vô cảm, xa rời nhân dân, xa rời thực tế; đôi lúc nó lại na ná như những câu dân ta gọi là "tự điển tra ngược".

Người ta còn nhớ ông Bộ Trưởng chủ nhiệm Ủy Ban Dân Tộc Giàng Seo Phử đã nhận định về tầng lớp nghèo khó nhất nước như sau: "Bán vé số ở Việt Nam… có thu nhập cao". Hay phát biểu của ông Nguyễn Văn Chỉnh Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Long An khi kiểm tra về tình trạng cây cầu của tỉnh vừa mới khánh thành đã bị sập ngay một nửa, ông Chỉnh nói: "nửa cây cầu còn lại hoàn toàn đảm bảo chất lượng để tiếp tục ‘sứ mệnh’… đưa người dân qua kênh”. 

Có lẽ trong hàng lãnh đạo CS, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam là người có những chia sẻ "tình cảm" và lý tưởng nhất. Là một người trẻ, lại có thời gian du học tại Bỉ; ông Đam đúng ra phải là niềm hy vọng của đất nước. Ông đã từng được đánh giá là một người nhiệt huyết, giàu niềm tin, gần gũi và thân thiện với dân. Tuy nhiên, ông có thật lòng với dân, với nước, hay chỉ qua lời nói? Tôi thích câu định nghĩa về tình thương của nhà giáo dục lỗi lạc William Arthur Ward. William cho rằng: "Tình thương không chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, và hy sinh".




Cách đây không lâu, một phát biểu mang tính "cảm xúc" của ông Vũ Đức Đam đã làm cư dân mạng bàn ra tán vào không ít. Ông Đam cho rằng nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh được. Tại cuộc gặp gỡ với 40 doanh nhân vào chiều 12/8 vừa qua, ông Đam một lần nữa lại chia sẻ về nỗi ưu tư giàu nghèo của ông. Ông bảo: “Cần đặt câu hỏi, tại sao chúng ta Tốt mà vẫn cứ Nghèo. Bây giờ phải làm gì?" sau đó ông đã nhấn mạnh: "Nhất định phải đổi mới mạnh mẽ hơn". 

Lời nói phải đi đôi với việc làm, rõ ràng ông Đam thiếu sự chân thành. Nếu ông thật ưu tư về sự giàu nghèo của dân của nước, ông phải biết dân Sơn La không có đến cây cầu cho trẻ em đi học. Hàng ngày các cháu phải đu người bằng dây qua sông. Nhưng cũng chính ông lại là người ký nghị định cho phép cái tỉnh nghèo đói nhất Việt Nam này dùng 1400 tỉ để xây tượng ông Hồ.

Nếu chân thành, câu hỏi của ông phải là: làm cách nào chúng ta Tốt hơn để dân bớt khổ và đất nước thoát Nghèo?

Ai ai cũng biết chúng ta NGHÈO chính vì lãnh đạo không tốt; quan lớn ăn lớn, quan nhỏ ăn nhỏ. Người ta vừa phát hiện ra hai quan huyện, xã: Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, Mạc Như Siêng; hai ông đã ký quyết định tự ý cấp đất cho chính vợ mình làm khu du lịch, rồi gian dối để người khác đứng tên. Những kế hoạch lập ra để hỗ trợ dân nghèo, hỗ trợ nông thôn cũng bằng vô ích. Đến như con gà giống của dân nghèo Quế An còn đi lạc vào nhà quan xã; một chế độ tham ô từ Thủ Tướng đến anh xã trưởng thì hỏi sao đất nước không Nghèo ! 

Còn cái TỐT mà ông Đam nói ở trên là nói theo ý đồ của đảng - một nhóm người đặc quyền đặc lợi chủ trương đi ngược dòng lịch sử. Tư tưởng Mác Lê đã chết, XHCN đã tan mà lãnh đạo đảng cứ bắt dân học theo Mác Lê và kiên quyết tiến lên XHCN. Một chủ nghĩa đã bị nhân loại ném vào thùng rác hơn hai thập niên trước thì tốt ở chỗ nào? Đất nước 90 triệu dân mà chỉ có một thiểu số 16 người trong Bộ Chính trị thay phiên nhau quyết hết mọi thứ thì tốt cái gì? Ba mươi năm qua đã đổi mới, đất nước vẫn nghèo, dân vẫn khổ, nay ông tiếp tục đòi đổi mới nữa thì cũng chỉ là hô khẩu hiệu suông mà thôi.

Tuần qua, các trang mạng xã hội đã nóng lên vì hai sự kiện. Một là phát biểu của một cậu bé 14 tuổi về giáo dục, kế đến là hình ảnh của sinh viên Lê Nam phản đối việc xây dựng tượng đài nghìn tỉ. Tốc độ lan tỏa của nó nhanh đến chóng mặt, ông Đam có nghe được tiếng nói của họ không? Vũ Thạch Minh Tường và Lê Nam chỉ là hai công dân nhỏ nhoi, nhưng lời nói của các em chân thật và có giá trị tích cực; chính vì thế nó lan tỏa và tác động đến rất nhiều người. Điều lớn lao ở đây không nằm ở công việc các em thực hiện mà nó nằm ở chính ý thức của các em. Tôi tin là sau họ, sẽ có nhiều người khác nữa nối tiếp; bởi thực trạng xã hội ngày nay cần được báo động. Và cũng bởi vì khi lên tiếng cho lẽ phải; nó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và sự thanh thản cho tâm hồn của mỗi chúng ta.

Thông thường giá trị của một lời phát biểu thường dựa vào một số yếu tố. Đầu tiên nó dựa vào vị trí của người phát biểu, kế đến là sự chân thành, sau cùng chính là tính xây dựng và hành động thực tiễn của người nói câu nói ấy. Đa số lãnh đạo CS đều theo chân của Lenin, họ tin rằng một lời giả dối được nói mãi sẽ trở thành sự thật. Đất nước này cần thay đổi, người dân VN cần một chính quyền biết lắng nghe. Họ không cần thêm một lãnh đạo rập khuôn của sự ích kỷ, gian dối, giáo điều và vô cảm.

Nếu Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam chân thành khi cho rằng soạn bộ Bách Khoa Toàn Thư là "một công việc rất linh thiêng, trách nhiệm lớn với dân tộc" thì thay vì chỉ đạo "phải đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh" tôi nghĩ ông nên dùng đoạn nói chuyện của dân oan Cấn Thị Thêu làm lời dẫn. Bởi các thế hệ mai sau cần được biết những gì đang xảy ra, cần được nghe tiếng khóc lạc giọng của người nông dân sau 80 năm theo đảng giành lại chính quyền:

“Tôi thấy việc chúng nó bắt giam tôi và nhiều bà con Dương Nội nhằm mục đích cướp đất, đó thực sự là một tội ác. Chỉ vì những món lợi nhuận khổng lồ từ việc thu hồi đất mà chúng nó đã bất chấp luật pháp bất chấp tình yêu thương đồng loại để thực hiện những việc làm mà trời không dung, đất không tha. Biết bao cánh đồng lúa đang xanh tốt của nông dân Dương Nội đã bị chìm dưới bánh xích của máy xúc, máy ủi. Biết bao nhiêu ngôi mộ bị ủi phá, xương cốt trắng đồng. Biết bao nhiêu người dân Dương Nội đã bị công an đàn áp đánh đập dã man. Biết bao người nông dân không chuyển đổi được nghề nghiệp, bị đẩy vào cảnh cùng quân, thất nghiệp, đói nghèo, sống không có đất mà làm, chết không có đất mà chôn. Biết bao nhiêu người dân vô tội bị đẩy vào vòng lao lý. Đó là tội ác tày trời của bọn quan tham đã gây ra cho dân oan Dương Nội trong suốt gần 10 năm qua”.

Tình thương có thể chữa lành mọi nỗi đau, khơi dậy niềm tin và ngay cả xóa đi những lỗi lầm quá khứ. Nếu Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam chân thành ông phải hiểu và nói lên được điều dân muốn nói. Muốn hết nghèo nên trả lại cho dân quyền làm chủ đất nước. Nếu tất cả quyền hành cứ nằm trọn trong tay 16 ủy viên bộ chính trị như hiện nay, thì chúng ta sẽ tiếp tục Nghèo mãi vì có bao nhiêu đều trôi tuột vào túi cán bộ. Nhà cách mạng vĩ đại của dân nghèo, Mathama Gandhi đã từng nói: "luôn luôn có đủ cho người nghèo, nhưng không bao giờ có đủ cho người tham lam".

Và nếu thật chân thành, ông Đam sẽ phải khác các lãnh đạo CS khác. Khác những ông quan lớn đang ngồi trên chót vót đỉnh trời, xa rời nhân dân, xa rời thực tế. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: nếu không nghe được tiếng than oán của người dân, các ông có còn là Người hay đã thành Sâu?

Ôi những ông quan không Dân trên chót vót đỉnh trời
Có nhận ra tôi đang kêu gào dưới đáy
Cả một tỷ tôi sao ông không nhìn thấy?
Vì tôi vẫn là người mà ông đã là sâu?…


 Dân nhập cư từ Syria lây lất ở vùng biên giới Hungary - Serbia - REUTERS /Laszlo Balogh
Bằng đường biển, hàng trăm ngàn người tỵ nạn chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông đổ bộ lên nước Ý và Hy Lạp. Trên bộ, hằng chục ngàn người mượn con đường « balkan » vượt biên giới Serbia và Hungary ồ ạt vào nước Đức đang làm cho Liên Hiệp Châu Âu bối rối. Tình hình càng nghiêm trọng hơn vì hàng loạt dân balkan cũng lợi dụng cơ hội, bỏ làng, hội nhập vào đoàn người tỵ nạn.
Liên Hiệp Châu Âu, vùng đất phú cường đang đứng trước một bài toán nát óc. Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm, hơn 340.000 di dân đã tràn đến biên giới tăng gần gắp 3 lần so với cùng thời gian năm 2014. Trong khi đó, mỗi ngày, đều có hàng ngàn thuyền nhân vượt Địa Trung hải, đổ bộ lên Ý và Hy Lạp.
Phần lớn sau đó mượn đường bộ, đi ngang balkan tìm đến nước Đức. Từ 8.000 người trong suốt năm 2014, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã lên đến 102.000 đã vào được Liên Hiệp Châu Âu qua con đường Macedonia, Serbia, Bosnia Herzegovina, Albanie và Montenegro. Berlin dự kiến một mình sẽ phải đón 800.000 người trong năm 2015.
Vấn đề là bên cạnh làn sóng người tỵ nạn Trung Đông, đa số là Syria, Lybia, Afghanistan chạy trốn chiến tranh, giờ đây còn có thêm di dân kinh tế xuất phát từ các quốc gia vừa kể : Kosovo, Albanie và Serbia không dưới 80 ngàn trong sáu tháng đầu năm.
Những người dân vùng balkan nghèo khó, thất nghiệp, hy vọng tìm một cuộc sống mới tại nước Đức. Hình ảnh từng đoàn người bồng bế vợ con, kéo nhau đi bộ, tràn lên xe lửa gây xúc động cho công luận. Nhưng hiện tượng di dân kinh tế « tháp tùng » theo làn sóng tỵ nạn chiến tranh đang làm cho các thủ đô tây Âu đặt câu hỏi : làm cách nào đối phó với hai làn sóng di dân cùng một lúc ?
Làn sóng balkan, theo lời cảnh sát Albanie, xuất phát từ lòng tham của các tổ chức tội ác buôn người. Các nhóm xã hội đen đã thu được những món tiền khổng lồ và khuyến khích dân chúng ra đi.
Tìm cách đánh lừa các chính phủ Tây Âu với hy vọng được tỵ nạn chính trị, không ít di dân kinh tế Albanie không ngần ngại đặt bom dưới xe hơi, hoặc đánh sập cửa nhà để xin cảnh sát cấp giấy chứng nhận họ là mục tiêu của khủng bố, không thể sống tại quê nhà.
Đối phó với loại di dân này, Albanie tăng cường kiểm soát biên giới và sử dụng pháp luật, truy tố 5 công ty du lịch liên can, bắt giữ hàng chục người chủ mưu.
Hungary, cửa ải cuối cùng vào nước Đức dùng biện pháp xây hàng rào kẽm gai dọc biên giới với Serbia và sẽ hoàn tất trong tháng 8 này. Nhưng còn với di dân nạn nhân chiến cuộc ở Trung Đông thì sao ?
Về tiếp đón, chính phủ Đức đề nghị và được Pháp ủng hộ, chia đều gánh nặng cho các thành viên. Biện pháp này gặp hai trở ngại : một là phản ứng của xu hướng bài đạo Hồi trong nước làm nhiều thành viên ngần ngại. Hai là không chính phủ nào muốn cung cấp lá phiếu cho phe cực hữu bài ngoại. Slovakia nói thẳng chỉ nhận di dân theo Thiên Chúa giáo.
Còn biện pháp ngăn chận di dân từ nguồn cội, Trung Đông và Phi Châu, thì gần như bất khả thi.Tình trạng chiến tranh, bất ổn, khủng bố Hồi giáo, đặt châu Âu vào thế bế tắc : thương lượng với ai ở Syria và Libya ? Hoặc liệu có thể đàm phán với Taliban ở Afghanistan hay chăng ?
Trong tình trạng vô kế khả thi này, xu hướng biến châu Âu thành pháo đài mỗi ngày mỗi rõ nét. Ân xá Quốc tế chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu đã bỏ ra tiền tỷ đến xây dựng thành lũy như trường hợp Hungary hay Tây Ban Nha thay vì xây thêm cơ sở đón người tỵ nạn.
Những biện pháp triệt để trên liệu có thể cản được làn sóng nhập cư ? Những thảm cảnh hàng ngày xẩy ra trên biển Địa Trung hải đã và đang chứng minh là không. Không một quan sát viên nào, một nhật báo Tây phương nào tin vào hiệu năng của thành lũy.
Nhưng cũng chưa một quốc gia Châu Âu nào kể cả Đức và Pháp có đủ cơ sở để đón tiếp hàng triệu người tỵ nạn đã đến và sắp đến. Hệ quả là ở các thành phố lớn hàng ngàn di dân sống lây lất bên lề đường, trong công viên.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150826-lien-hiep-chau-au-doi-pho-voi-hai-lan-song-di-dan-chien-tranh-va-kinh-te

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts