Sáo trúc, quốc hồn của âm nhạc
dân tộc Việt Nam
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-06-25
2016-06-25
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Nghệ sĩ Ngọc Nôi
Hình do Nghệ sĩ Ngọc Nôi cung cấp
00:00/00:00
Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ
dân gian Việt Nam. Bắt đầu từ những thân tre mảnh mai trong vườn nhà tiếng sáo
trỗi lên như ru trẻ trong những giấc trưa oi ả, sáo theo trẻ ra đồng réo rắt
trên lưng trâu, cho tới khi tiếng chiều rơi chậm hồn quê. Tiếng sáo thanh bình,
ngọt ngào và đầy ắp tâm hồn Việt Nam ấy đã và đang sống cùng chúng ta từ mái
tranh nghèo cho tới những căn phòng máy lạnh nơi thành thị. Sáo trúc Việt Nam
sẵn lòng chia sẻ buồn vui mà chưa bao giờ cảm thấy thua thiệt vì thân phận đơn
giản của nó.
Vâng, thân sáo chỉ là một khúc trúc hay nứa có chiều dài từ 40 tới
55 cm. Ở đầu ống có một lỗ hình bầu dục là lỗ thổi. Thẳng hàng với lỗ thổi là 6
lỗ bấm, chỉ có vậy mà khi thổi lên nó làm mê mẩn bao người.
Người Việt thích ngâm thơ mà tiếng sáo có lẽ là nhạc cụ chính nâng
tiếng ngâm lên một cung bậc khác. Tiếng sáo trong dân ca làm cho không khí hội
hè đình đám nhôn nhịp hẳn lên do tiết tấu nhanh và réo rắt của nó. Thế nhưng
nói tới buồn thì không gì buồn bằng tiếng sáo, cứ quanh quẩn chung quanh nỗi
buồn của người nghe như vuốt ve cảm xúc, như tạo sự cảm thông hay dẫn dắt nỗi
nhớ nhà trên đường cô quạnh. Tiếng sáo hầu như có mặt trong mỗi lần giận dỗi
hay hờn ghen và biết đâu tiếng sáo lại chính là mối lương duyên khi cả hai
người yêu nhau đều thích cái âm sắc đậm đà hồn dân tộc ấy.
Sáo đơn giản như vậy nhưng thật ra muốn thổi cho tới trình độ thu
hút tâm hồn người khác thì không hề đơn giản chút nào. Học từ những ngày đầu
trên lưng trâu như những chú mục đồng thì chỉ vài hôm là xong nhưng để viên mãn
với sáo thì có thể suốt cả cuộc đời người nghệ sĩ. Sáo cũng như các bộ môn nghệ
thuật khác phải để hồn vào với nó như mẹ ấp ủ cho con để từ đó nghe rõ từng âm
sắc bỗng trầm, dài ngắn, khi thiết tha lúc hạnh phúc hay bất chợt đớn đau. Có
lẽ vì vậy mà kẻ chơi sáo thì nhiều nhưng nổi tiếng và tên tuổi dính liền với
cây sáo trúc lại không có mấy người.
Đăc biệt khi ra hải ngoại, người nổi tiếng về sáo trước năm 75 là Nguyễn
Đình Nghĩa từng được mệnh danh là “tiếng sáo thần” đã không còn với chúng ta.
Trong chương trình Thi văn Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn từ năm 1955 có
tiếng sáo Tô Kiều Ngân một thời lừng lẫy nâng những bài thơ nổi tiếng thành
những áng mây diễm tuyệt.
Tiếng sáo Ngọc Nôi
Qua dần với thời gian, một cây sáo khác tại hải ngoại vẫn còn sinh
hoạt trong các buổi phát thanh hay truyền hình của miền Nam California. Ông là
nghệ sĩ Ngọc Nôi, vẫn đam mê với tiếng sáo mà từ khi 15 tuổi ông đã cầm nó trên
tay. Qua bao nhiêu năm thăng trầm cuộc đời ngày nay tiếng sáo Ngọc Nôi vẫn trỗi
lên cho người xa xứ có dịp nhớ lại quê nhà…
Mỗi lần tôi trình diễn xong thì họ chỉ nói là “tuyệt vời” thôi! Ngay
cả khi tôi được mời sang Đài Loan trình diễn, đại diện cho Việt Nam thổi sáo,
Đài Loan là xứ sở thổi sáo cũng rất hay nhưng khi mình thổi thì khán giả Đài
cũng rất là ái mộ.
-Nghệ sĩ Ngọc Nôi
-Nghệ sĩ Ngọc Nôi
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Trước nhất xin được tự giới thiệu tôi là nghệ sĩ Ngọc Nôi tôi qua
Mỹ năm 1992 trước đây tôi là người lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi học
thổi sáo từ năm 15 tuổi mà năm nay tôi đã 70 tuổi cho nên trong thời gian dài
như vậy tôi nghiên cứu rất nhiều. Ở Việt Nam tôi thổi cho đài phát thanh Nha
Trang và sau khi vào quân đội tôi không thổi sáo nữa mãi sau này tôi mới tiếp
tục thổi lại. Hiện nay tôi đem tiếng sáo của Việt Nam mình để thổi ở xứ người
kể cả người bản xứ hay người thổ dân Mỹ họ đều ái mộ. Khi tôi trình diễn trong
những buổi nhạc hội của người Hoa Kỳ thì họ đều rất lạ lùng. Khi tôi trình diễn
xong họ đứng xếp hàng họ thấy một cây sáo bằng tre mà tại sao lại không thua gì
một nhạc cụ lớn bên này. Đó là điều hãnh diện của mình vì đã đem được tiếng sáo
của dân tộc mình để phổ biến cho người nước ngoài cho họ biết dân tộc mình có
nền âm nhạc không thua kém gì phương Tây.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết cơ may nào mà anh trình diễn
trước công chúng Mỹ cũng như các nước và phản ứng của khán giả là có làm anh
ngạc nhiên không?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Mỗi lần tôi trình diễn xong thì họ chỉ nói là “tuyệt vời” thôi!
Ngay cả khi tôi được mời sang Đài Loan trình diễn, đại diện cho Việt Nam thổi
sáo, Đài Loan là xứ sở thổi sáo cũng rất hay nhưng khi mình thổi thì khán giả
Đài cũng rất là ái mộ, không biết hay dở gì nhưng họ cũng cho là tuyệt diệu!
Tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa 1940-2005
Mặc Lâm: Anh vừa cho biết khán thính giả Đài Loan cũng
như người Indian… còn riêng về người Việt thì sao?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Người Việt ở vùng Cali này thì ai cũng biết tôi, nhất là những
người từng đi xem trình diễn văn nghệ hay trong những đêm thơ nhạc, những tổ
chức nhạc cổ truyền hay các buổi dân ca như hát chèo, chầu văn thì đều biết tôi
vì tôi trình diễn tất cả những bộ môn đó.
Mặc Lâm: Vâng có thể một chút nữa xin anh cho nghe vài
khúc ngắn của sáo cho dân ca như chèo hay chầu văn…anh có bao giờ phụ trách một
chương trình tương tự như chương trình thi văn Tao Đàn hay Mây Tần như ngày xưa
mà tiếng sáo là nhạc cụ chủ đạo dẫn dắt thính giả theo cung bậc của bài thơ hay
không?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Cách đây đã lâu, khoảng 10 năm tôi có cộng tác với đài STBN và là
người khởi xướng cho chương trình đó. Tôi làm chương trình Thi văn Tao Đàn thứ
nhất là để phổ biến những bài thơ hồi xưa cũng như các bài hiện tại bây giờ quý
vị cần nghe. Thơ hải ngoại thường thì thương nhớ quê hương và chương trình của
chúng tôi đã phổ biến tới khán thính giả.
Mặc Lâm: Thưa anh một câu hỏi có vẻ riêng tư một chút:
hiện tại anh có truyền nhân chưa và anh có sợ tiếng sáo của mình mai một hay không,
nếu những truyền nhân đó không nắm vững những kỹ thuật cơ bản và nhất là cái
hồn của tiếng sáo, nhất là cái hồn Việt Nam trong tiếng sáo…
Thật ra tôi cũng có nhiều sinh viên học trong trường nhạc ra họ
nghe tiếng của tôi họ lại học và tôi cũng truyền hết cho học trò mình. Nhưng họ
thấy khó quá và nói chung hình như học sáo cần cái thiên tư của mỗi người.
-Nghệ sĩ Ngọc Nôi
-Nghệ sĩ Ngọc Nôi
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Thật ra tôi cũng có nhiều sinh viên học trong trường nhạc ra họ
nghe tiếng của tôi họ lại học và tôi cũng truyền hết cho học trò mình. Nhưng họ
thấy khó quá và nói chung hình như học sáo cần cái thiên tư của mỗi người tuy
mình chỉ hết lòng nhưng họ không đạt được ý mình muốn do vậy người ta nản lòng.
Hơn nữa khi học sáo phải cố gắng, kiên trì nữa nhưng do bận rộn việc làm ăn cho
nên không đạt được ý mình muốn. Mình muốn truyền lại nghề cho các em sau này
nhưng rất giới hạn anh à.
Mặc Lâm: Vâng bây giờ thì xin anh cho một khúc chầu văn
hay một khúc cho chèo mà anh đệm sáo theo đàn có được không ạ…
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Như anh nói hỗi nãy rất là đúng tại vì thường thường các loại dân
ca đó mình phối hợp theo những nhạc cụ chứ còn thổi solo một mình thì nghe
không được vì nó đi với cung khác chứ không phải như cung của tao đàn. Chẳng
hạn anh ngâm sa mạc có nghệ sĩ ngâm thơ thì tôi sẽ chuyển theo. Âm hưởng của
chầu văn hay âm hưởng của chèo cổ thì nó khác. Thay vì mình đi theo Bemol thì
nó thấp, nó khác ví dụ như đoạn sau đây: (mời quý vị nghe tiếng sáo trong phần
âm thanh)
Mặc Lâm: Còn riêng về sa mạc thì nó khác nhau thế nào?
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Cũng vậy, khi người ta ngâm thơ thì bằng vào kinh nghiệm, trình độ
hay sự thẩm âm của mình bén nhạy khi người ta ngâm đến đâu thì mình trình diễn
theo đến đó.
Mặc Lâm: Tiếng sáo thuộc thang âm ngũ cung thì làm sao
mình áp dụng vào tân nhạc thường là thang thất cung thưa anh.
Nghệ sĩ Ngọc Nôi: Được, chẳng hạn một đoạn “Trống cơm” theo dạng thất cung. (tiếng
sáo).
Mặc Lâm: Kính thưa quý vị, chúng tôi hy vọng những điều
vừa chia sẻ với nghệ sĩ Ngọc Nôi sẽ mở thêm cho chúng ta một cánh cửa của tiếng
sáo Việt Nam, tiếng sáo đã quá lâu chúng ta không được nghe nơi xứ người. Xìn
cám ơn nghệ sĩ Ngọc Nôi về cuộc nói chuyện này.
__._,_.___