Subject:
Các trường Đại học ở miền Nam trước 1975.
Các trường Đại học ở miền Nam trước
1975.
Nói về bậc
Đại học ở Sài Gòn thì ngày xưa có Viện Đại học Sài Gòn với 8 Phân khoa cho 8
trường Đại học khác nhau trong đó có Đại học Y khoa hay còn được gọi là Y khoa
Đại học đường.
Sau 1975
thì trường bị đổi tên thành Đại học Y Dược Tp Hồ. Một cái tên rất dễ nhầm lẫn
vì nếu có 1 người học Y Dược lại phải hỏi họ học bên Y hay bên Dược hay bên
Nha, xét về góc độ Khoa học thì đây là 3 mảng riêng.
Vời thời
điểm mới thành lập năm 1957, Viện Đại học Sài Gòn có 8 phân khoa là:
- Văn khoa
- Luật khoa
- Y khoa
- Dược khoa
- Nha khoa
- Khoa học
- Sư phạm
- Cao đẳng Kiến
trúc.
Và bậc Đại
học hồi đó còn có thêm Học viện Kỹ thuật Quốc gia, sau đó là Đại học Kỹ thuật,
sau 1975 đổi tên thành Đại học Bách Khoa Tp Hồ.
Trường Văn
khoa và trường Khoa học sau 1975 bị sáp nhập lại thành Đại học Tổng Hợp, sau đó
lại tách ra, Văn khoa đổi tên thành Đại Học Khoa học Xã hội Nhân văn, Khoa học
đổi tên thành Đại Học Khoa học Tự nhiên.
Nhân câu
chuyện lùm xùm về Bộ trưởng Y Tế CS muốn đổi tên Đại học Y Dược thành Đại
học Sức Khỏe, xin nói qua về các tên gọi của bậc Đại học, Cao đẳng ở miền Nam
khi xưa.
Miền Nam
Việt Nam có 3 Viện Đại Học công lập. Ngoài Viện Đại Học Sài Gòn như đã nơi ở
trên thì còn có Viện Đại Học Huế, và Viện Đại Học Cần Thơ. Đến năm 1973 có thêm
Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (tiền thân của 3 trường Đại học Bách Khoa, Đại học
Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Nông Lâm sau năm 75).
Ngoài các
Viện Đại học công, miền Nam còn có các Viện Đại học tư gồm: Viện Đại Học Đà Lạt,
Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện Đại Học Hòa Hảo, và Viện Đại Học Minh Đức. Ngoài
ra, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cũng là nơi đào tạo các Sĩ quan ưu tú với
trình độ học vấn tương đương với văn bằng Cử Nhân. Trong niên khóa cuối cùng
1974-1975 trước khi Miền Nam Việt Nam mất, toàn thể miền Nam có 150.000 Sinh
viên Đại học gồm: 120.000 Sinh viên Đại học công lập, và 30.000 Sinh viên Đại học
tư, trong số đó 10.000 Sinh viên Đại học ở Miền Trung, 140.000 Sinh viên theo học
ở trong Nam.
Điều kiện
để thi vào các trường công lập đều áp dụng cho mọi thí sinh. Hệ thống Trung học
cũng như Đại học công lập hoàn toàn miễn phí. Dưới đây là hệ thống Đại học công
lập miền Nam trước 1975.
Viện Đại Học Sài Gòn:
Sau Hiệp Định
Genève, Đại Học Đông Dương di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954. Từ 1955
các trường Cao Đẳng và Đại Học Sài Gòn được cải tổ sâu rộng với danh xưng mới
là Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam, đến niên khóa 1956-1957 đổi thành Viện Đại Học
Sài Gòn. Cho đến tháng 4, 1975, Viện Đại Học Sài Gòn có 8 Phân Khoa Đại Học như
sau:
1. Trường Đại Học Sư Phạm:
Trường Đại
Học Sư Phạm Sài Gòn nguyên là Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (École
Supérieure de Pédagogie) thành lập tại Hà Nội do nghị định ngày 15/10/1917 của
Toàn Quyền Albert Sarraut. Năm 1950 trường trở thành một Khoa thuộc Viện Đại Học
Hà Nội. Sau 1954 trường di chuyển vào Sài Gòn. Đến 1958, Tổng Thống Ngô Đình Diệm
ký nghị định đổi thành Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, trực thuộc Viện Đại Học
Sài Gòn. Lúc đầu trường có nhiệm vụ đào tạo Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp, sau
nhằm đào tạo Giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp. Học trình thời gian đầu là 3 năm, đến
1961 đổi thành 4 năm.
2. Trường Đại Học Y Khoa:
Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn là hậu thân của Trường Y Khoa Đông
Dương (École de Médecine de l’Indochine) được thành lập ngày 08/01/1902. Trường
này được đổi thành Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de Pharmacie
de l’Indochine) ngày 29/12/1913. Từ 1948 trường có 2 Trung Tâm: một tại Hà Nội
và một ở Sài Gòn. Sau 1954, Trung Tâm Hà Nội di chuyển vào Nam và sát nhập vào
Trung Tâm Sài Gòn trở thành Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa gồm 3 trường: Y Khoa Đại
Học Đường, Dược Khoa Đại Học Đường và Nha Khoa Đại Học Đường, thuộc Viện
Đại Học Sài Gòn. Từ 1948 đến1961 muốn nhập học phải có chứng chỉ PCB (Lý, Hóa,
Sinh Hóa) của trường Đại Học Khoa Học và qua kỳ thi tuyển. Sau 1961 chỉ cần có
bằng Tú Tài 2 ban A hoặc B và đậu kỳ thi tuyển vào năm Dự Bị Y Khoa cùng với 6
năm học nữa (học trình 7 năm). Trước 1966, Đại Học Y Khoa Sài Gòn giảng dạy bằng
tiếng Pháp, nhưng sau năm này các Giáo sư có thể giảng bằng một trong ba thứ tiếng:
Việt, Anh, Pháp. Cuối năm thứ 5, Sinh viên thi tốt nghiệp và sau đó phải soạn
và trình Luận án viết bằng Pháp, hoặc Anh Văn. Từ sau 1967 sinh viên mới được
chọn thêm tiếng Việt. Cứ cuối mỗi năm phải thi lên lớp, nếu vắng mặt 3 buổi học,
kể cả thực tập, sẽ bị cấm thi. Riêng năm thứ nhất vắng mặt 2 buổi là đã bị cấm
thi. Cuối năm thứ 6, Sinh viên được coi như Y sĩ, nhưng phải soạn và đệ trình
Luận án mới được chính thức công nhận là Tiến Sĩ Y Khoa (quen gọi là Bác Sĩ).
Sau khi tốt nghiệp, các Bác Sĩ phải làm tại các bệnh viện công 2 năm mới có quyền
hành nghề tư.
3. Đại Học Dược Khoa:
Trường Đại
Học Dược Khoa là một Ban của Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine et de
Pharmacie de l’Indochine) được thành lập bằng nghị định ngày 29/12/1913 (cải tổ
Trường Y Khoa Đông Dương thành Trường Y Dược Đông Dương). Năm 1954 sau khi dời
từ Hà Nội vào Sài Gòn và sát nhập vào Trung Tâm Sài Gòn, Ban Dược trở thành Trường
Đại Học Dược Khoa Sài Gòn từ 1962. Muốn nhập học phải có bằng Tú Tài 2 ban A hoặc
B, học trình 5 năm. Mỗi cuối năm nếu đủ giờ lý thuyết và thực tập sẽ được thi
lên lớp. Cuối năm thứ 5 thi tốt nghiệp, trúng tuyển được cấp bằng Dược Sĩ Quốc
Gia (Diplôme de Pharmacien d’État).
4. Trường Đại Học Nha Khoa:
Trường Đại
Học Nha Khoa nguyên là một ban của Trường Y Dược Đông Dương (École de Médecine
et de Pharmacie de l’Indochine), sau 1954 dời vào Nam. Đến 1963 ban này được
chính thức nâng lên thành một phân khoa và trở thành Trường Đại Học Nha Khoa
thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Muốn nhập học phải có chứng chỉ SPCN (Lý, Hóa, Vạn
Vật) hoặc PCB (Lý, Hóa, Sinh Hóa) của trường Đại Học Khoa Học, và học thêm 4
năm trường Nha. Sau 1966 thí sinh có Tú Tài 2 trực tiếp thi vào thì học trình
là 5 năm. Sinh viên vừa học lý thuyết vừa thực tập tại phòng thí nghiệm ở trường,
và tại các phòng giải phẫu của bệnh viện, tốt nghiệp qua kỳ thi cuối năm thứ 5
được cấp bằng Nha Sĩ Quốc Gia.
5. Trường Đại Học Kiến Trúc:
Trường Đại Học Kiến Trúc nguyên là một ngành
của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École des Beaux Arts de l’Indochine)
thành lập tại Hà Nội do Nghị định của Toàn Quyền Merlin ngày 27/10/1924. Đến
niên khóa 1926-1927 mới có ngành Kiến Trúc. Từ 1928 trường dời vào Đà Lạt. Niên
khóa 1948-1949 trường trở thành một phân khoa của Viện Đại Học Hà Nội. Sau 1954
trường dời về Sài Gòn trực thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Kể từ niên
khóa 1957-1958 trường thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường Đại Học Kiến Trúc đào
tạo Kiến Trúc Sư, Chuyên viên ngành Thiết kế đô thị và Cán Sự Kiến Trúc phục vụ
công tác xây dựng nhà cửa, cao ốc. Trước 1950 trường thuộc hệ Cao Đẳng, từ 1958
được nâng lên hệ Đại Học, học trình 6 năm, có 3 ban: Kiến Trúc, Thiết Kế Đô
Thị, và Cán Sự Kiến Trúc. Muốn nhập học phải có bằng Tú Tài 2 ban B (Toán) và
qua kỳ thi tuyển về Toán và vẽ. Mỗi năm phải thi lên lớp và hội đủ một số giờ
thực tập về thiết kế và họa đồ. Năm cuối cùng nếu đầy đủ giờ thực tập và đồ án
xây dựng sẽ được phép thi tốt nghiệp, trúng tuyển được cấp văn bằng Kiến Trúc
Sư.
6. Trường Đại Học Khoa Học:
Trường Đại Học Khoa Học nguyên là Trường Cao
Đẳng Khoa Học Đông Dương (École Supérieure des Sciences). Trường này được thành
lập ở Hà Nội năm 1941 và có một chi nhánh ở Sài Gòn. Năm 1949 Trường được cải
danh là Khoa Học Đại Học Đường thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Sau 1954,
Trung Tâm Hà Nội dọn vào Sài Gòn và sát nhập thành Trường Đại Học Khoa Học
thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường có nhiều ban, mỗi ban có nhiều chứng chỉ.
gồm Toán, Vật Lý (điện, điện tử), Hóa Học, Sinh Vật Học, Địa Chất. Muốn nhập
học chỉ cần có bằng Tú Tài 2 ban A hoặc B, không phải thi tuyển. Học ban nào
khi tốt nghiệp được cấp phát văn bằng Cử Nhân ban đó như: Cử Nhân Toán, Cử Nhân
Vật Lý, Cử Nhân Hóa Học. Năm đầu Sinh viên có thể chọn một trong 4 chứng chỉ dự
bị sau:
MGP (Mathématiques Générales et Physiques)
Toán Đại Cương và Vật Lý để học Cử Nhân Toán.
MPC (Mathématiques, Physique et Chimie) Toán,
Lý, Hóa để học Cử Nhân Vật Lý hoặc Cử Nhân Hóa Học.
SPCN (Sciences Physique, Chimie et Naturelles)
Lý, Hóa, Vạn Vật để học Cử Nhân Vạn Vật.
PCB (Physique, Chimie, Biologie) Lý, Hóa, Sinh
Hóa để học Cử Nhân Sinh Vật, hoặc Cử Nhân Địa Chất.
Nếu theo
đúng 6 chứng chỉ chuyên khoa bắt buộc sẽ được cấp phát văn bằng Cử Nhân Giáo
Khoa về ban đã học. Nếu chọn 6 chứng chỉ không bắt buộc thì được cấp phát văn bằng
Cử Nhân Tự Do. Có bằng Cử Nhân được ghi danh Cao Học, hoặc Chứng Chỉ Khoa Học Đệ
Tam Cấp. Nếu đỗ chứng chỉ Thâm Cứu, Sinh viên phải tìm một Giáo sư bảo trợ để
soạn Luận án Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp. Nếu Hội Đồng Giám Khảo thông qua Luận án, Sinh
viên được cấp văn bằng này. Với bằng Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp, Sinh viên có thể
nghiên cứu, soạn và trình Luận án Tiến Sĩ Quốc Gia. Học trình Tiến Sĩ Quốc Gia
dài từ 5 đến 7 năm. Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn tổ chức các kỳ thi Tiến Sĩ
Quốc Gia bằng cách trình Luận án ở Pháp.
7. Trường Đại Học Luật Khoa:
Trường Đại
Học Luật Khoa Sài Gòn là hậu thân của Trường Pháp Chính Đông Dương (École de
Droit et d’Administration). Trường này được thành lập tai Hà Nội ngày
15/10/1917. Do sắc lệnh của Tổng Thống Pháp ngày 11/09/1931 Trường đổi tên là
Trường Cao Đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de
l’Indochine), đến 1941 đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa (Faculté de Droit).
Năm 1954 Trường chuyển vào Sài Gòn và thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam, sau
1957 thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường cấp học vị từ Cử Nhân đến Tiến Sĩ, nhằm
đào tạo các Chuyên viên luật cho ngành Tư Pháp, Kinh Tế, Ngân Hàng. Muốn nhập học
chỉ cần có bằng Tú Tài 2 không kể ban, không phải qua kỳ thi tuyển. Học trình
có 3 cấp:
- Cử
Nhân: Học trình lúc đầu là 3 năm, đến giữa thập niên 60 đổi thành 4 năm. Từ khi
tăng lên 4 năm, 2 năm đầu giảng dạy các vấn đề tổng quát luật học, 2 năm sau đi
vào chuyên khoa của từng bộ môn gồm: Kinh tế, Công pháp, Tư pháp. Cuối mỗi năm
Sinh viên phải qua một kỳ thi lên lớp. Với học trình 3 năm, khi tốt nghiệp đươc
cấp văn bằng Cử Nhân Luật Khoa. Kể từ khi học trình tăng lên 4 năm, khi tốt
nghiệp được cấp bằng Cử Nhân theo các bộ môn Kinh Tế, Tư Pháp, Công Pháp.
- Cao Học:
Cao Học có 3 ban giống như Cử Nhân, học trình 2 năm. Nếu đỗ năm thứ nhất được cấp
chứng chỉ Cao Học Đệ Nhất Cấp, đỗ năm thứ 2 được cấp chứng chỉ Cao Học Đệ Nhị Cấp.
- Tiến
Sĩ: Nếu có 2 chứng chỉ Cao Học được theo học chương trình Tiến Sĩ, nhưng cần có
Giáo sư Thực thụ bảo trợ để soạn Luận án. Nếu Luận án được Hội Đồng Giám Khảo
thông qua được cấp học vị Tiến Sĩ Luật Khoa có ghi rõ từng ban.
8. Trường Đại Học Văn Khoa:
Trường Đại
Học Văn Khoa lúc đầu chỉ là lớp Dự Bị Văn Chương Pháp, thuộc Viện Đại Học Hà Nội
có từ trước 1945. Niên khóa 1948-1949 trường mở cửa lại, có 2 trung tâm Hà Nội
và Sài Gòn. Sau 1954 trung tâm Hà Nội sát nhập với trung tâm Sài Gòn và đươc
nâng lên thành một phân khoa Đại Học (Faculté). Muốn nhập học chỉ cần có bằng
Tú Tài 2 không kể ban. Trường có các ban cho các bằng Cử Nhân tương ứng: Việt
Văn, Việt Hán, Pháp Văn, Anh Văn, Sử Học, Địa Lý, Triết Học, Nhân Văn. Sinh
viên theo học ban nào thì phải học một môn chính bắt buộc, một môn phụ bắt buộc.
Thí dụ: ban Pháp Văn, môn chính bắt buộc là Pháp Văn, môn phụ bắt buộc là Việt
Văn, các môn khác là Anh Văn, Triết, và Sử, Địa.
Cuối năm thứ nhất, Sinh viên thi lấy chứng chỉ
Dự Bị Văn Khoa, nếu đỗ, được theo học các chứng chỉ thuộc ban đã chọn từ đầu.
Chứng chỉ Dự Bị là cửa ngõ duy nhất, nhưng khi tốt nghiệp Cử Nhân chứng chỉ này
không được ghi vào văn bằng. Nếu Sinh viên đỗ 4 chứng chỉ trong đó có một chứng
chỉ Văn Chương thuộc ngành đã chọn thì được cấp phát văn bằng Cử Nhân Tự Do
(Licence Libre). Muốn lấy văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa (Licence d’Enseignement)
sinh viên phải đỗ đủ 4 chứng chỉ bắt buộc.
- Thí dụ
1: Cử Nhân Giáo Khoa Việt Văn phải có các chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, Văn
Chuơng Việt Hán, Ngữ Học và một trong các chứng chỉ Văn Hóa Pháp, Pháp Văn Thực
Hành, Văn Hóa Anh Mỹ, Anh Văn Thực Hành.
- Thí dụ
2: Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn phải có các chứng chỉ Văn Chương Pháp, Ngữ Học
Pháp, Văn Hóa Pháp và một trong 2 chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, Văn Chương Việt
Hán.
Nếu đỗ Cử
Nhân Giáo Khoa trong đó có 2 chứng chỉ hạng Bình Thứ trở lên và được một Giáo sư
bảo trợ sẽ đủ điều kiện ghi danh Cao học (Diplôme d’Études Supérieure). Sinh
viên phải soạn Tiểu luận tối thiểu 100 trang đánh máy. Nếu Tiểu luận được Hội Đồng
Giám Khảo, gồm: 1 Chủ tịch, 2 Giám khảo (một vị là Giáo sư bảo trợ), sau khi Hội
Đồng đánh giá và thảo luận chấp thuận thì được cấp văn bằng Cao Học Văn Chương
của từng ban. Từ niên khóa 1971-1972 bắt đầu có chương trình Tiến Sĩ Chuyên
Khoa.
Ngoài ra, ở
thành đô Sài Gòn còn có các trường Cao đẳng, Học viện, Trung tâm khác như sau:
Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ:
Trung Tâm
Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ được thành lập do Sắc Lệnh năm 1957 của Tổng Thống
Ngô Đình Diệm, trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Trung Tâm gồm các Trường Cao Đẳng
Chuyên Nghiệp. Muốn nhập học phải có Tú Tài 2 ban A hoặc B, thời gian học cho Kỹ
Sư từ 4 đến 5 năm tùy theo ngành, ban Cán Sự 2 năm. Trung Tâm gồm 3 trường:
Trường Cao Đẳng Công Chánh: đào tạo Kỹ Sư Cầu Cống, Cán Sự Công
Chánh, Địa Chánh.
Trường Cao Đẳng Điện Học: đào tạo Kỹ Sư Điện, Cán Sự Điện, Điện
Tử.
Trường Cao Đẳng Hóa Học: đào tạo Kỹ Sư Hóa Học, Cán Sự Hóa Học.
Trường Kỹ Sư Công Nghệ: đào tạo Kỹ Sư Công Nghiệp.
Trường Việt Nam Hàng Hải: đào tạo Thuyền Trưởng Viễn Duyên, Sĩ
Quan Cơ Khí Hàng Hải.
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật:
Trường Cao
Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật thành lập do Nghị Định số 1082/GD ngày 05/10/1962 của Tổng
Thống Ngô Đình Diệm. Trụ sở ở Thủ Đức, Trường đào tạo các giáo chức dạy các môn
kỹ thuật cho các trường Sư Phạm Kỹ Thuật Trung Cấp. Trường có các ngành về Khoa
Học Ứng Dụng, Khoa Học Chuyên Nghiệp, Kỹ Nghệ Họa, Thương Mại, Tiểu Công Nghệ.
Đến niên khóa 1973-1974 trường được kết hợp với một số trường Cao Đẳng và Khoa
của Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ để trở thành Viện Đại Học Bách Khoa Thủ
Đức dưới sự điều khiển trực tiếp của Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp;
Trung Tâm
Quốc Gia Nông Nghiệp là hậu thân của Trường Chuyên Nghiệp Nông Lâm Đông Dương
(École Spécial d’Agriculture et de Sylviculture) tại Hà Nội do Nghị định ngày
15/08/1938 của Toàn Quyền Đông Dương. Sau 1954 trường dời vào Nam. Năm 1959 trường
được tái lập tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Bộ Canh Nông, nhằm đào tạo
kỹ sư Nông Lâm Súc. Sau vì mất an ninh trường dời về Sài Gòn. Năm 1963 trường đổi
tên thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp trực thuộc Bộ Văn Hóa Giáo Dục và trở
thành viên của Viện Đại Học Sài Gòn.
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh:
Tiền thân của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là
Trường Pháp Chính Đông Dương (École de Droit et d’Administration) thành lập ở
Hà Nội ngày 15/10/1917, sau đổi thành Trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội (Faculté
de Droit) vào năm 1941. Ngày 01/01/1953 một bộ phận của Trường Đại Học Luật
Khoa Hà Nội được thành lập ở Đà Lạt mang tên Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt,
trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, nhằm đào tạo các viên chức hành chánh cao cấp.
Đến 1954 trường được cải tổ sâu rộng và đặt trực thuộc Phủ Thủ Tướng. Năm 1955
Trường dời về Sài Gòn và đổi thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Hết.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks