Đại Học chăn Trâu




Monday 2 March 2015

“85 năm đời ta có đảng”!?!


“85 năm đời ta có đảng”!?!














Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận - Thế là đã “85 năm đời ta có Đảng”! 85 năm“chứng minh cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta...” như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói hôm lễ kỷ niệm 03 tháng 02.

Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt ấy của Đảng thể hiện qua việc Đảng đã dạy dỗ ta những lối hành xử tuyệt vời, để thành đạt cho Đảng và cho ta câu chủ yếu trong Quốc tế ca mà ta vẫn hứng khởi hát lên khi các đồng chí ta cùng nhau hội họp:“Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”...

1- Về phương diện luân lý, ấy là phải có đạo đức cách mạng, luôn sống theo nguyên tắc: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, “Tất cả những gì có lợi cho cách mạng, cho đảng, cho lãnh tụ đều là thiện hảo: dù đó có thể là cái thiên hạ bảo là dối trá (nhưng đảng ta gọi là mưu trí), bảo là tàn ác (nhưng đảng ta gọi là chuyên chính). Đạo đức cách mạng này (chưa từng có trong lịch sử dân tộc) còn là phải xây dựng cho mình đảng tính bên cạnh nhân tính, đặt đảng tính bên trên nhân tính, và tình thân bên dưới tình đảng. Có như thế thì mới được hưởng ơn của đảng ban tặng!

Ngay từ nguyên thủy, đảng đã cho ta những gương sáng tuyệt vời. Bác Hồ cùng các lãnh đạo tiền bối của đảng ta như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, dù đã được bà Cát Hanh Long nuôi nấng che chở, nhưng khi thấy ích lợi của cách mạng -do Mao Chủ tịch chỉ rõ- là phải đem con mụ đó xử tử trước tiên, như phát súng mở màn cho cuộc Cải cách Ruộng đất, thì các vị đã không chút do dự. Trước hết, bác Hồ ta, dưới bút danh CB, đã sáng tác ra một bản cáo trạng hùng hồn, sấm sét mang tên “Địa chủ ác ghê”, khoác cho con mụ đó đủ thứ tội ác đáng nguyền rủa. Sau đó Bác và đồng chí Trường Chinh hóa trang đi dự phiên xử tử con mụ. Cũng qua cuộc cải cách này, đảng ta phá tan luân lý cổ truyền, đạo đức gia phong, cơ cấu làng xã (con tố cha, vợ tố chồng, tớ tố chủ, thôn dân tố lý trưởng) ngõ hầu chỉ còn có uy lực của đảng và nền đạo đức kiểu đảng.

Tấm gương đặt đảng tính lên trên nhân tính thì bác có nêu qua vụ cô Xuân. Dù đã có con với cô (mà từ trên chiến khu bác đã nhận làm nghĩa nữ), nhưng vì uy tín của một lãnh tụ chỉ biết phục vụ đất nước, không màng bản thân gia đình, nên bác đã thuận cho đồng chí bộ trưởng công an đập vỡ đầu cô, rồi tạo một tai nạn giao thông giả, tiếp đó đẩy đứa con cho thư ký nuôi nấng. Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Nghệ-Tĩnh, cũng là một gương sáng về chuyện này. Đồng chí ấy đã nói với thân mẫu: “Tao với mi không mẹ không con mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì nhất định sẽ chống lại...” Bà mẹ nhảy xuống giếng tự tử... và Chu Văn Biên được đảng cho làm thứ trưởng nông nghiệp!

Đời ta có đảng và nhờ đảng mà có lợi, nên nguyên tắc luân lý nói trên đã khiến ta đầu quân vào lực lượng công an, để trở thành thanh gươm bảo vệ đảng, lá chắn che chở đảng, luôn tâm niệm “còn đảng còn mình”, sẵn sàng đánh cướp bọn “rận chủ” tơi bời dù chúng chỉ có đi thăm nhau, sẵn sàng trấn áp bọn nông dân để đoạt đất cho đảng và đảng ủy, sẵn sàng hành hung bọn xuống đường phản đối đảng thầy vĩ đại. Đời ta có đảng, nên dẫu đánh chết bọn dân đen trên đường hay trong đồn, ta cũng vẫn an lành, hay có ngồi tù thì chỉ vài năm thôi, đang khi đó thì hưởng biết bao quyền và lợi. Cũng vì mong ơn đảng, ta đầu quân vào lực lượng dư luận viên, sẵn sàng dối trá bịa đặt, ngụy biện quàng xiên, chửi bới thô tục, bất chấp liêm sỉ, bất cần sự thật, để bênh vực cho đảng trước sự tấn công của bọn “báo lề trái”. Đôi lúc ta cũng cố leo lên hàng dư luận viên cao cấp, viết sách để tới tấp khen đảng, cái gì đảng ta nói, đảng ta làm đều đồng nghĩa với cái đẹp. Ví dụ Cải cách Ruộng đất là đẹp, đánh Nhân Văn Giai Phẩm là đẹp, căm thù giai cấp địa chủ tư sản là đẹp… Có như thế mới được đảng coi như thần tượng trí thức và biểu tượng văn hóa chế độ, anh hùng lao động thời mới, được đảng tặng câu đối: "Triết gia trong cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng", “Sơn hà linh khí tại - Kim cổ nhất hiền nhân”!

2- Về phương diện chính trị, lời dạy tuyệt vời của đảng là phải có tinh thần cách mạng tiến công, luôn nhập tâm nguyên tắc: “Đảng phải nắm quyền cai trị độc tôn, tuyệt đối, vĩnh viễn”, luôn xác tín chân lý: “Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài đảng Cộng sản, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang” (lời của Tổng Trọng hôm 03-02).

Chính vì thế, ngay từ đầu, đảng ta đã cướp chính quyền từ tay một chính phủ hợp pháp, rồi thay vì cùng với các chính đảng khác dùng ngoại giao để như các nước nhược tiểu chung quanh, giành lại độc lập từ tay Thực dân vốn đang có chủ trương bỏ dần chế độ thuộc địa, thì lại tìm cách tạo ra một cuộc chiến đẫm máu, tàn sát các đảng phái quốc gia, để nắm độc quyền lãnh đạo. Chiếm được nửa nước rồi, thì thay vì đua tranh phát triển để làm lợi chung cho cả dân tộc, đảng ta lại đẩy cả giang sơn vào một cuộc chiến tương tàn, để thực hiện giấc mộng bá chủ đất Việt. Và giấc mộng ấy đã thành cách đây 40 năm, với xương máu của 4-5 triệu đồng bào, với hoang tàn của cả đất nước. 

Nhưng nhờ vậy đảng ta trở thành hoàng đế nắm quyền sinh sát gần cả trăm triệu thần dân, có dưới tay 3 lực lượng chính trị: lập pháp, tư pháp, hành pháp, 2 lực lượng vũ trang: công an, quân đội, 2 lực lượng tinh thần: trí thức gia nô và tôn giáo quốc doanh, 1 lực lượng công luận: báo chí nhà nước. Nay nhờ ơn đảng, nhờ có đảng, đa số đảng viên ta từ to đến nhỏ, từ cao xuống thấp, trở thành những ông trời con tung hoành địa phương, những vị lãnh chúa hùng cứ một cõi. Cảnh sát của ta, công tố của ta, tòa án cũng của ta; mọi cuộc trấn áp bọn thảo dân ta đều hơn, mọi phiên tòa xử bọn thảo dân ta đều thắng. 

Do vậy ta tha hồ tuyên bố vung vít, từ trên: “Hiến pháp chẳng qua chỉ để thể chế hóa đường lối chính sách của đảng!”, “Quốc hội của ta là quốc hội do đảng lãnh đạo”, “Đảng ta là đảng cầm quyền”, “Chủ nghĩa Mác-Lênin mãi mãi là con đường đúng đắn”, “Chủ nghĩa xã hội mãi mãi là khát vọng loài người”, “Quốc hội là của dân, do dân bầu ra, quốc hội làm sai thì dân ráng chịu, kiện ai, phạt ai?”; xuống dưới: “Chạy chức, chạy quyền là chuyện bình thường! Obama cũng còn chạy vào Nhà Trắng, Poutine cũng chạy vào ‘nhà đỏ’ nữa là…”, “Đầu tư 10 tỉ, thất thoát 1 tỷ thế là tốt lắm rồi!?” hoặc “Nghèo mà sao không chịu chỉ dùng… một bóng đèn, dùng cả tủ lạnh, tivi nhưng thấy tiền điện tăng là kêu ca ầm ỹ!” hoặc “Nghèo cũng cần xem pháo hoa cho quên đi nỗi nghèo đói!” v.v và v.v… Đếch sợ bọn thảo dân kêu ra trị tội!

Nay bên cạnh đảng ta, có đảng thầy vĩ đại đang nuôi mộng bành trướng, lấn lướt đảng ta ngày càng hung dữ. Nắm chặt mục tiêu: “Đảng ta phải trường trị trên đất Việt”, nên nhớ lại ân tình đảng thầy đã giúp đảng ta chiếm trọn miền Nam, rồi nhớ lại thực tế đảng thầy là chỗ dựa duy nhất còn lại, đảng ta sẵn sàng đưa nước ta gia nhập Cộng hòa Liên bang Trung Hoa, chấp nhận trở thành tỉnh Âu Lạc trong tương lai gần, thực hiện từng bước chương trình sáp nhập toàn diện mà lãnh đạo đảng ta đã cam kết với đảng thầy tại Thành Đô năm 1990. Trước mắt, để đảng ta được củng cố về quyền lực đang chao đảo trước ngọn triều nhân dân, về kinh tế đang suy sụp do ngu dốt tham nhũng, ta cho đảng thầy tha hồ vào đất nước, chiếm các chỗ trọng yếu về quốc phòng, ngon lành về thương mại, lũng đoạn nền chính trị, xâm nhập nền văn hóa, miễn là đảng ta an lành dưới bàn tay che chở của thiên triều, giữ vững chiếc ngai thái thú, không bị nhân dân lật đổ.

3- Về phương diện kinh tế, lời dạy tuyệt vời của đảng là phải chiếm cho được toàn bộ tài nguyên quốc gia. Thành thử ngay từ đầu, bác Hồ và các lãnh đạo tiền bối ta đưa ra chủ trương Cải cách ruộng đất, nói là để thể hiện lời hứa “Người cày có ruộng” vốn từng lôi kéo hàng triệu nông dân theo đảng kháng chiến thắng lợi. Bác và đảng phóng tay phát động quần chúng, cho cốt cán xâm nhập thôn làng, “thăm nghèo hỏi khổ”, tạo ra những cuộc đấu tố long trời lở đất, giết cả nửa triệu người, để cuối cùng biến tất cả ruộng đất thành sở hữu của đảng trên thực tế (trước khi trên pháp luật kể từ Hiến pháp năm 1980 và mãi đến Hiến pháp hiện hành).

Chưa hết, tới thời mở cửa kinh tế, chấp nhận thị trường tự do (để khỏi phải chết chùm dưới hố bại sản), đảng ta lại có sáng kiến chứng tỏ “đỉnh cao trí tuệ” là thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, lại có chủ trương bộc lộ “thiên tài thao lược” là khẳng quyết “kinh tế nhà nước nắm phần chủ đạo”. 

Từ đó, đảng ta ồ ạt tước ruộng vườn nông dân, đất đai thị dân để gọi là quy hoạch đô thị, xây khu chế xuất, góp vốn cho ngoại quốc đầu tư; đảng ta ồ ạt thành lập các đại công ty nhà nước, đại tập đoàn quốc doanh để gọi là tạo ra những nắm đấm kinh tế. Nhưng nhờ thế mà đảng viên ta mau chóng thành địa chủ mới, tư bản đỏ một cách dễ dàng. Không dễ sao được khi có luật đất đai chỉ cho bọn thảo dân cái quyền sử dụng mà ta có thể tước đi bất cứ lúc nào; khi có luật kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty của đảng ta, người nhà đảng ta tha hồ xài phí, bỏ túi tiền thuế nhân dân, ngân khố quốc gia, viện trợ ngoại quốc; khi cả đám tay chân (công an, dân phòng, côn đồ) sẵn sàng hỗ trợ đảng ủy ta chặt cây, ủi lúa, phá nhà, đánh đập, bỏ tù bọn nông dân và thị dân không chịu ra đầu đường mà ở; khi cả đám bồi bút (phóng viên, dư luận viên) sẵn sàng bênh vực, nói tốt cho đảng ta, bảo đó là vì ích quốc lợi dân, phát triển xã hội. 

Hãy cứ nhìn xem cơ ngơi huy hoàng của các đại gia đảng ta mà “Chân Dung Quyền Lực” (đã bị bịt miệng) và “Người Cao Tuổi” (đang bị xử lý) đã “giới thiệu” cho ta học tập và cho bọn thảo dân lác mắt: từ phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, từ Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh tới Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, từ nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tới nguyên tổng thanh tra nhà nước Trần Văn Truyền… Đấy là chưa kể những tấm gương làm giàu nhanh không phải bằng cách bán sản phẩm trí tuệ mà bằng cách bán giấy phép và lạm dụng quyền lực của các vị trung ương đảng ta, thậm chí các vị huyện ủy, xã ủy.

Đúng là đảng ta “đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của công cuộc Đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” (lời Tổng Trọng). Hạnh phúc thay 85 năm đời ta có đảng! Ôi! Con xin cảm ơn Người, Đảng quang vinh !!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 214 (01-03-2015)

Ban Biên Tập



Bài thi viết Cộng sản và tôi: Chị Mai
















Quý denver (Danlambao) - Chị Mai và tôi đã may mắn có dịp tránh xa cộng sản - những con thú nói tiếng người - chỉ biết dối trá, và sự dối trá đã trở thành một chính sách cai trị người dân trong một đất nước khốn khổ là Việt Nam.

*

Cùng với cuộc tản cư rầm rộ xảy ra vào năm 1946, tôi theo gia đình đáp chuyến xe lửa cuối cùng rời Hà Nội lên sống tại một thôn ấp thuộc tỉnh Vĩnh Yên, cách Hà Nội khoảng 70 cây số về hướng Bắc. Khi đó Vĩnh Yên là một tỉnh thuộc Chiến Khu X, có 6 huyện là Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo và Vĩnh Tường.

Dãy núi Tam Đảo chạy dài sát biên với tỉnh Thái Nguyên có phong cảnh rất hùng vĩ, hữu tình và đã từng là nơi anh hùng Hoàng Hoa Thám lập chiến khu chống thực dân Pháp. Huyện lỵ Tam Đảo là nơi nghỉ mát nổi tiếng. Bố tôi thỉnh thoảng đưa tôi lên đây du ngoạn và đấu cờ tướng với một vài người bạn tại địa phương. Huyện Vĩnh Tường có đền thờ vua Hùng Vương thứ 18 và cũng là nơi sinh trưởng của anh hùng Nguyễn Thái Học và Trịnh Văn Cấn, tức Đội Cấn.

Lúc bấy giờ tại tỉnh Vĩnh Yên có 2 bài hát rất thịnh hành, đi đâu cũng nghe hát là “Chiều Yên Thế” và “Đoàn quân văn hóa”. Tôi không biết tên tác giả của những bài hát này và cũng chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu đầu của bài hát: 

Chiều Yên Thế
Đây chiều Yên Thế
Khói sương mờ hơi
Gió than trên đồi
Gieo buồn khắp nơi...

Đoàn quân văn hóa
Hướng về thủ đô nơi vang tiếng súng
Bao xác phơi sa trường cho nền độc lập nước nhà
Anh em ta là đoàn quân văn hóa
Đi đi không còn mộng mơ...

Giữa năm 1949, tôi thi Trung học phổ thông. Địa điểm thi là một ngôi đình thuộc Huyện Vĩnh Tường. Ngoài đề thi về các môn khác, đề thi về luận văn như sau: 

Anh chị đã nghe bài hát “Đoàn quân văn hóa” đang thịnh hành với 4 câu đầu là: 

“Hướng về thủ đô nơi vang tiếng súng
Bao xác phơi sa trường cho nền độc lập nước nhà
Anh em ta là đoàn quân văn hóa
Đi đi không còn mộng mơ...”

Anh chị nghĩ gì khi nghe bài hát đó? 

Sau khi làm xong bài luận văn, tôi nổi hứng, viết thêm vào cuối bài luận văn một bài thơ tôi thích. Bài thơ khá dài nhưng nay tôi chỉ còn nhớ 8 câu trong 2 đoạn đầu: 

Lạc Mẹ
Mẹ lạc bước bao ngày con đợi Mẹ
Mắt thơ ngây theo dõi lối xa xăm
Bụng oán cừu uất hận giống xâm lăng
Khóc thổn thức trong lòng, ngoài khóe mắt 

Con lạc Mẹ mặt trời như muốn tắt
Tháng ngày trôi nặng trĩu nỗi căm hờn
Sống âm thầm trong sông núi cô đơn
Nói nghẹn tiếng và cười ra nửa miệng...

Tôi cắm cúi viết một mạch cho đến cuối giờ thi mà không biết khi viết những câu thơ như vậy là vì trong lòng đã thực sự nhen nhúm, tuy còn mơ hồ, một tình yêu nước thương nòi, một mối căm thù giặc Pháp xâm lăng hay chỉ là một a dua theo thời thế.

Thi xong, tôi về nhà hí hửng kể cho bố tôi nghe để bị bố tôi mắng cho một trận:“Bài luận văn của mày lạc đề rồi, trượt vỏ chuối thôi!”. Tôi ân hận và buồn nản, thẫn thờ ra cuối sân sau nhà, trèo lên cây khế, ngắt một quả, đưa vào mồm nhai ngấu nghiến, nước mắt nước mũi trào ra. Khế chua hay là tôi đã khóc? Bốn tuần sau, tôi lên địa điểm thi để xem kết quả thì ngạc nhiên và vô cùng vui sướng vì tôi đỗ hạng Ưu! 

Một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa và không thể ngờ được là khoảng 3 tháng sau, bài “luận văn” của tôi lan truyền khắp trong huyện và tôi được Ủy ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh ban giấy khen đồng thời mời tham dự một khóa học chính trị 2 tuần lễ. Quả thật, lúc đó tôi cảm thấy rất hãnh diện. Hôm khăn gói lên đường, tôi được chị Thắm, đoàn trưởng phụ nữ cứu quốc xã, tiễn chân tới cuối thôn và nói sau khóa học chính trị tôi sẽ trở thành một cán bộ trẻ tuổi được nhiều người trọng vọng. Chị có nụ cười thật tươi, hồn nhiên và nhí nhảnh như gái Bắc Ninh, quê Mẹ tôi.

* * *

Khóa học có 4 học viên là tôi, một người nữ khá lớn tuổi và 2 người nam trông mặt non choẹt cỡ cùng tuổi tôi. Trong bài viết này, tôi tạm gọi 2 người nam một anh là “Ngọng” vì tuy không lẫn lộn giữa 2 chữ “L” và “N” nhưng khi nói đến những chữ này thì hơi ngượng ngập; một anh là “Hiếng” vì khi nhìn người khác thì nhìn nghiêng; còn người nữ tôi gọi bằng tên thật: Chị Mai.

Huấn luyện viên - đã được thông báo trước cho học viên - là một cán bộ tỉnh tên Chót, đồng chí cán bộ Chót. 8 giờ sáng hôm đó, 4 học viên chúng tôi được đưa đến gặp Chót trong sân trước một ngôi nhà cũ, tường gạch mái ngói, ven rìa làng. Chót mặc quần áo nâu, gấu quần thắt lại bằng một sợi giây gai nhỏ. Trên miệng túi áo ngực gài chiếc bút máy nắp màu đỏ nhạt. Chân di dép cao su quai tréo màu trắng đục, lưng đeo ba-lô vải dầy màu nâu thẫm và đầu đội mũ cán bộ màu đen (một loại mũ lưỡi trai).

Chót mở lời trước với 4 học viên chúng tôi: 

- Chào 4 đồng chí. Hân hạnh được tiếp đón các đồng chí. Mời các đồng chí dành dăm phút làm quen nhau.

Chót nhếch một bên mép, cười nhe bộ răng cải mả, rồi quay gót bước vào nhà, nét mặt thoáng lạnh lùng, không như lúc mới đầu gặp gỡ.

Ngọng nhẩy bổ đến đưa 2 tay nắm tay tôi:

- Năm nay tôi 20 tuổi, đồng chí bao nhiêu tuổi? Chắc lớn hơn tôi.

Tôi hơi giật mình. Tôi thua hắn 4 tuổi thế mà hắn cho là tôi lớn hơn hắn. Tôi già thế rồi ư? Tôi ngần ngừ, trả lời bâng quơ, trống không:

- Tôi mới 16 tuổi.

Nghe vậy, Hiếng nghiêng mắt nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên nói không trọn câu:

- Thế mà tôi cứ tưởng…

Từ đầu đến giờ, chị Mai đứng yên, không nói gì. Tôi nhìn chị..., chị nhìn tôi rồi bước đến đặt nhẹ tay lên vai tôi, nói nhỏ:

- Em giỏi quá! Chị nghe trên huyện nói. 

Buổi học đầu tiên đến 10:00 giờ mới khai giảng. Như vậy là chúng tôi còn hơn 1 tiếng rảnh rỗi. Tôi kéo nhẹ chị Mai ngồi xuống bên gốc một cây có lá to nhưng không biết là cây gì. Chừng như thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn hàm răng trắng ngà đang đổi sang màu nâu nhạt của chị, chị hiểu ý, nói: 

- Chị là người Hà Nội, theo anh tản cư lên đây. 

Tôi định la lên nhưng chị kịp đưa tay bịt mồm tôi, tôi nói nhỏ: 

- Em cũng là người Hà Nội… Đúng ra, quê em ờ Gia Lâm, ngay bên kia cầu Long Biên. Em được bố mẹ gửi ra Hà Nội học.

Chị Mai không nói gì thêm, mắt xa xăm hướng về phía cuối cánh đồng phía Nam như đang nhớ về một dĩ vãng hay một kỷ niệm nào đó. Chị mới 22 tuổi - chị nói với tôi trước đó. Trong giây phút, tôi muốn hỏi chị về tiếng “anh” - “theo anh tản cư lên đây” - nhưng Chót đã ra mời chúng tôi vào lớp học. 

* * *

Lớp học là căn phòng chính giữa ngôi nhà. Trên bức tường trát vôi vữa với vài chỗ đã loang lở đối diện cửa ra vào, có treo bức hình “Hồ chủ tịch” đóng khung bằng 4 thanh tre màu nâu sẫm. Trong phòng kê 6 chiếc ghế gỗ mộc cũ kỹ chung quanh một chiếc bàn cũng bằng gỗ mộc trơn nhẵn vì đã được dùng đi dùng lại nhiều lần. Chót ngồi ở ghế đầu bàn, chỉ cho 4 học viên chúng tôi ngồi vào 4 chiếc ghế ở 2 bên, ghế cuối bàn bỏ trống. Tôi ngồi đối diện với chị Mai phía cuối bàn, Ngọng ngồi bên trái tôi, đối diện với Hiếng phía đầu bàn. 

- Các đồng chí thân mến,... 

Chót đứng lên, 2 tay chống trên mặt bàn, ngước mắt nhìn bức hình “Hồ chủ tịch”: 

- Nhờ ơn bác, tôi được tiếp đón các bạn hôm nay… 

Chót đưa 2 tay vắt tréo sau lưng, bước đi vài bước rồi quay ngoắt lại, nói tiếp:

- Hôm nay là buổi học đầu. Trước khi đi sâu vào khóa học, tôi muốn kể các đồng chí nghe một câu chuyện…

Chót ngừng, rồi với một cử chỉ bất ngờ, thật nhanh, vồ lấy cái bút chì trên mặt bàn trước mặt, giơ lên cao: 

- Các đồng chí có biết đây là cái gì không?... Đây là cái bút chì, vâng, đây là cái bút chì, nhưng tại sao người ta lại gọi là cái bút chì mà không gọi bằng cái tên gì khác? 

Chót nhấn mạnh từng tiếng một. Tôi ngẩn người không hiểu, đưa mắt nhìn chị Mai. Chị khẽ nháy mắt như ngầm bảo tôi là hãy kiên nhẫn.

Chót nói tiếp một thôi dài, lần này giọng hạ thấp, nhẹ nhàng hơn: 

- Vâng, đây là cái bút chì. Người ta gọi như thế vì thấy lõi viết là một chất quặng gọi là chì. Nếu tôi gọi đây là cái bút than thì cũng được bởi vì lõi viết cũng là một chất quặng gọi là than. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh với các đồng chí trong câu chuyện hôm nay là người ta đã đồng ý với nhau gọi như thế, một sự đồng ý có tính cách đương nhiên, không ai thắc mắc vì gọi lâu đã quen rồi. Bây giờ, nếu tôi đi xa hơn một tí, gọi cái bút chì này là… là…

Chót nhìn quanh như tìm kiếm một cái gì:

- Là cái… đinh chẳng hạn thì chắc các đồng chí sẽ cười rộ lên, cho tôi là một thằng khùng! Thái độ của các đồng chí như vậy không có gì sai. Làm sao có thể gọi cái bút chì này là cái đinh được! Nhưng, nếu tôi cứ tiếp tục gọi cái bút chì là cái đinh hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác rồi cũng sẽ có một ngày các đồng chí chẳng để tâm thắc mắc nữa, chẳng còn cho tôi là thằng khùng nữa và, khi đó nếu có ai gọi cái bút chì là cái đinh như tôi thì cũng là chuyện bình thường thôi! 

Chót đổi giọng, mạnh hơn: 

- Tuyên truyền là bàn đạp tối quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân cứu nước. Người chiến sĩ tuyên truyền phải nói, phải viết làm sao để có thể chuyển hóa được lòng người, đạt được mục tiêu tối hậu cách mạng đã đề ra mà nhiều khi không cần phải bận tâm đến cái sự thật ở đằng sau!...

Tôi hơi sửng sốt nghe câu nói sau cùng của Chót: “nhiều khi không cần phải bận tâm đến cái sự thật ở đằng sau!...”, nhưng phải thú thực rằng cách nói nhát gừng với những khoảng im lặng rồi bất ngờ nói tiếp cũng như cử chỉ diễn đạt và vẻ mặt biến đổi theo câu nói của Chót đã khiến tôi chú tâm và nóng lòng chờ nghe tiếp. Hình như trong tôi, một thiếu niên tràn đầy nhiệt huyết, trong trắng, dễ tin, đang bắt đầu nhen nhúm một niềm cảm phục.

Tôi đưa mắt nhìn các học viên khác. Ngọng há hốc mồm ngồi nghe như muốn nuốt từng lời nói của Chót. Hiếng cặm cụi ghi chép không ngừng. Chị Mai vân vê mép tờ giấy trước mặt. Còn tôi…, không biết tôi đang là một thiếu niên tràn đầy nhiệt huyết, tác giả bài “luận văn” nổi tiếng hay đang biến thành một chiến sĩ cán bộ tuyên truyền được nhiều người trọng vọng, như chị đoàn trưởng đoàn phụ nữ cứu quốc xã nói? Chị đang hy vọng gì ở tôi? 

- Con người là một con vật yếu đuối, luôn luôn bị cái bản năng sinh tồn và tham vọng ngự trị…

Chót tiếp tục nói nhưng tôi không còn nghe và nhớ được điều gì nữa. Tôi cảm thấy khoan khoái khi buổi học tạm kết thúc để rồi tiếp tục vào ngày hôm sau. Ngày hôm sau, Chót sẽ nói gì, tôi sẽ nghe và nhớ được gì?

4 học viên chúng tôi cùng đi chung trên một khoảng đường ngắn trước khi tỏa ra ai về nhà nấy. Qua vài lời trao đổi, tôi được biết cả 4 học viên chúng tôi đều được các chị phụ nữ cứu quốc địa phương niềm nở tiếp đón và lo nơi ăn chốn ở do lời yêu cầu từ trên huyện. Ngọng hí hửng kể hắn được gửi theo khóa học chính trị này do một thành tích tố cáo ông phó lý trong làng là một địa chủ bóc lột nông dân. Trong khi kể, Ngọng vô tình không giấu được cái đuôi là hắn quyết định tố ông phó lý vì cô con gái của ông không chịu lấy hắn làm chồng. Hiếng thì kể là do đã thuyết phục được dân làng cùng với hắn tháo gỡ gần 500 thước đường rầy xe lửa trong kế hoạch tiêu thổ kháng chiến. Chị Mai chỉ cho biết đang ở với gia đình ông bá hộ Bòng. Ông Bòng đã hiến cho cách mạng cả một kho thóc nên được cách mạng tuyên dương. 

* * *

Sáng hôm sau, lớp học khởi sự lúc 10 giờ. Chót vừa định nói thì có tiếng tù và vang lên, lúc mạnh lúc nhẹ, báo động máy bay thực dân Pháp đang bay đến bắn phá. Không ai bảo ai, mọi người tìm nơi ẩn núp. Tôi nắm tay chị Mai, kéo ra cánh đồng trước mặt: 

- Ra bờ ruộng ẩn núp tốt hơn. Mình nhìn thấy máy bay nên dễ né tránh.

Chị Mai và tôi ngồi núp vào một góc bờ ruộng cao, nhìn 2 chiếc máy bay màu xanh thậm bay vòng vòng rồi nhào xuống bắn phá vào một khu ở cuối làng. Có một lúc máy bay hướng về phía chúng tôi, chị Mai đẩy tôi vào phía trong góc bờ ruộng rồi ôm chặt lấy tôi như để cfhe chở. Tôi buột miệng nói với chị Mai: 

- Em muốn bỏ về, không học nữa!

Chị Mai không nói gì, lúc thì kéo tôi nằm xuống ẩn núp, lúc thì kéo tôi đứng lên chạy về hướng làng bên cạnh.

Tiếng tù và lại nổi lên nhưng lần này thì nghe đều đều một hồi dài, không có lúc mạnh lúc nhẹ như khi nãy. Khi chị Mai và tôi đến quán nước nơi vệ đường gần cổng làng thì bà chủ quán cũng mới đi ẩn núp về:

- Chả biết có người nào chết không? - Bà chủ quán nói bâng quơ thế thôi chứ không phải nói với chúng tôi. 

Chị Mai mua 2 gói xôi đậu đen rồi đưa tay chỉ cây sung nơi bờ ao cách đó chừng 100 thước: 

- Chúng ta ra kia ngồi ăn.

Hai chị em chúng tôi (bây giờ thì tôi đã coi chị Mai như là một người chị) ngồi bệt xuống cỏ, cùng dựa lưng vào gốc cây sung, mỗi người hướng về mỗi ngả. Một con ễnh ương màu vàng có đường chỉ xanh trên lưng trố mắt nhìn tôi rồi xoải chân phóng xuống nước.

- Chị chưa nói cho em biết anh là ai, giờ anh đang ở đâu? - Tôi bất ngờ hỏi.

- Ăn đi, ăn xong rồi chị nói, chị chưa ăn sáng nên đang đói đây. - Giọng chị nhẹ nhàng thật dễ thương.

Tôi quay lại nhìn chị. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ thấy trên má chị có một nốt ruồi nhỏ. Đôi mắt chị sâu và sáng, môi dưới dầy và hơi trễ xuống một tí.

- Ăn đi, nhìn gì mà như nhìn con quái vật thế! - Chị mắng tôi.

- Em đang nhìn một bà tiên! - Tôi nói và cảm thấy lòng như ấm lại.

Tôi chợt nhận ra là từ khá lâu nay tôi thiếu vắng cái cử chỉ trìu mến của một người mẹ hay một người chị vì bận học hành và mải mê với những công tác lăng nhăng này nọ.

Tôi vo tròn miếng lá chuối gói nắm xôi vừa ăn xong, ném nghiêng xuống mặt nước ao, chưa kịp hỏi lại thì chị Mai đã nói: 

- Gia đình chỉ có anh và chị tản cư lên vùng này. Anh chị đến cư ngụ tại một làng thuộc huyện Bình Xuyên. Trong làng có một bà chủ lò bún mời chị mở chung một quán bán bún riêu. Nói là chung nhưng thực ra chị chỉ là người quán xuyến lo lắng cho quán bún riêu của bà ta thôi. Tuy vậy cuộc sống cũng dễ chịu. Sau khi giúp nhân dân tự vệ trong làng tổ chức thành công một cuộc phòng thủ thụ động và tiêu thổ kháng chiến, anh được tiến cử làm Huyện đội phó Huyện Đội Bộ Dân Quân Du Kích tại một huyện trong tỉnh. Tháng hai đầu năm vừa qua, người ta khuyến dụ anh gia nhập đảng cộng sản, anh không chịu và định tìm đường hồi cư về Hà Nội thì bất ngờ anh bị bệnh rồi mất…

- Anh mất rồi hả chị? - Tôi choáng váng.

- Anh mất vì bị bệnh thương hàn mà không biết để giữ gìn, kiêng khem, tiếp tục ăn thức ăn nặng nên ruột bi nứt vỡ ra không cứu chữa được. Để thưởng công, người ta gửi chị theo khóa học này. - Chị Mai nói tiếp, giọng nhẹ như hơi thở. 

- Chị nói anh chị tính hồi cư về Hà Nội, sao chị lại còn theo học khóa này? - Tôi thắc mắc. 

- Thì cũng là để che mắt thế gian rồi từ từ tính mà thôi. Chị cũng muốn bỏ khóa học này, vì thực chất của khóa học chỉ là để dạy mình… nói dối! - Chị nhìn tôi như dọ hỏi. 

Tôi khẽ cúi đầu, nhớ đến câu nói của Chót trong buổi học hôm qua: “nhiều khi không cần phải bận tâm đến cái sự thật ở đằng sau!...” Thế là 2 chị em chúng tôi quyết định bỏ khóa học. Chị Mai bàn với tôi là chị sẽ thu xếp với bà chủ lò bún để 2 chị em chúng tôi tạm cư ngụ ở nhà cô Dậu, một người cháu của bà ấy. Cô Dậu ở làng bên cạnh, cách xa chừng 2 cây số, là một người rất tốt sẽ kín đáo không để lộ tung tích 2 chị em chúng tôi.

Hai chị em chúng tôi đi gần suốt đêm, về gặp bà chủ lò bún. Bà tỏ vẻ hơi ngỡ ngàng nhưng rồi cũng đưa 2 chị em chúng tôi sang nhà cô Dậu. Cô Dậu năm đó khoảng 50 tuổi, chồng mất sớm, ở một mình. Cô có đứa con trai đi công tác đây đó lâu lâu mới về thăm nhà một vài hôm. Cô Dậu thu xếp cho chị Mai một cái chõng tre để ngủ đêm ngay trong buồng với cô, còn tôi thì giải chiếu ngủ trong căn buồng nhỏ có chứa mấy thứ lặt vặt. Chị Mai khuyên tôi nên tìm cách cho gia đình biết ngay.

Hôm sau, tôi lén về làng tìm cách báo cho gia đình biết. Tôi đến nhà chị Thắm mà không dám về nhà bố mẹ vì sợ bị lộ. Chị Thắm ngạc nhiên khi gặp tôi:

- Sao... cậu lại về, không học nữa à?

Tôi giơ tay ngang miệng ra hiệu cho chị Thắm nhẹ tiếng, kể vắn tắt chị nghe rồi nhờ chị cho gia đình tôi biết là tôi đã bỏ học và đang ở nhà cô Dậu. Tôi cám ơn chị Thắm rồi quay gót sau khi cho chị biết địa chỉ nhà cô Dậu. Nghĩ lại, tôi không biết tại sao tôi lại tin tưởng ở chị Thắm, nói tất cả cho chị biết những gì đã xảy ra. Trước đó tôi chỉ quen biết chị một cách rất sơ sài. Có lẽ đây là vấn đề thuộc về linh tính khó mà giải thích được. Tôi cầu mong chị Thắm sẽ giữ kín việc tôi nhờ, bằng không thì đã chót lỡ rồi, cũng đành thôi.

Cuối tháng đó Pháp mở cuộc hành quân tại vùng gia đình tôi cư ngụ, chị Thắm đến nhà cô Dậu báo cho tôi biết là thầy tôi và một người cháu đã bị bắn chết trong cuộc hành quân này, và anh tôi nhắn tôi phải về gấp để thu xếp một việc quan trọng. Lúc đó anh tôi, hơn tôi 3 tuổi, là Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh. Anh là một người có khiếu về hội họa, đã nhiều lần chiếm giải nhất về thi làm bích báo nên được tiến cử đảm nhiệm chức vụ này khi anh mới 18 tuổi.

Chị Mai nhất định đòi theo tôi. Có lẽ chị nghĩ rằng để tôi đi một mình thì rất có thể chẳng bao giờ chị sẽ gặp lại tôi nữa. Về đến nhà, tôi được biết bố tôi cùng với em tôi và đứa cháu gọi tôi bằng cậu, vào ẩn núp sau một bụi rậm và bị quân Pháp đứng ngoài thấy động, bắn vào. Bố tôi và đứa cháu bị trúng đạn chết. Em tôi may mắn thoát chết và sau 1975 bị đưa ra Bắc tù đày. Khi ra tù nó và đứa con trai vượt biên thoát sang Mỹ rồi bảo lãnh cho vợ và 2 đứa con gái sang sau.

Anh tôi cho biết người ta mới khuyến dụ anh gia nhập đảng cộng sản nhưng anh không chịu và có thể bị rắc rối. Anh bảo tôi phải thu xếp hồi cư về Hà Nội ngay.

Cuộc hành trình về đất Mẹ gồm có: Mẹ tôi, vợ chồng người anh với đứa con gái 11 tháng, tôi, em tôi và một vài người bạn gia đình trong đó có chị Mai. Giữa đường anh tôi chết, vì bị thương hàn, không có thuốc men chữa trị, đúng 10 ngày sau khi thầy tôi bị quân Pháp bắn chết. Tôi đã một mình đưa tay móc đất vùi nông thân xác anh ở một nơi góc ruộng mà bây giờ tôi không thể hình dung được là thuộc làng xã nào.

Thế rồi, thời cuộc đưa đẩy, tôi gia nhập trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, tôi chuyển sang Không Quân, tôi di cư vào Nam, tôi di tản sang Mỹ, tôi bỏ những Ngọng những Hiếng chắc đã bị người ta nhân danh cách mạng biến thành những con vẹt chính trị; những chị Thắm chắc đã bị người ta nhân danh yêu nước tước đi cái vui tươi, hồn nhiên và nhí nhảnh của người con gái Bắc Ninh; và những chị Mai âm thầm, không biết trôi dạt nơi đâu…

Chị Mai ơi, chị đang ở đâu, chị còn sống hay đã theo anh về lòng đất? Dù chị còn sống hay đã theo anh về lòng đất thì mỗi khi nghĩ đến chị, và ngay cả trong lúc viết những dòng này, em vẫn luôn luôn là đứa em bé nhỏ của chị bởi chị là một con người. Không gặp chị, em - một thiếu niên tràn đầy nhiệt huyết, trong trắng, dễ tin - có thể đã không còn là em nữa!

* * *

Chị Mai và tôi đã may mắn có dịp tránh xa cộng sản - những con thú nói tiếng người - chỉ biết dối trá, và sự dối trá đã trở thành một chính sách cai trị người dân trong một đất nước khốn khổ là Việt Nam.

(Tưởng nhớ chị Mai - một ngày đầu Xuân)




No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts