Đại Học chăn Trâu




Friday 20 March 2015

KHI CÁC VỊ DÂN CỬ BẤT TÀI


Date: Tue, 17 Mar 2015 15:12:05 -0400
From: bac775
To: bac7758
Subject: Khi cac vi dan cu bat tai (xem hinh trong file attached)




Gui quy vi va cac ban mot bai viet thoi su.
Tuan

Câu chuyện thời sự
 
KHI CÁC VỊ DÂN CỬ BẤT TÀI
 
Chuyện một chính quyền bị chia rẽ (divided government) là điều vẫn thường xảy ra tại những quốc gia có chế độ tổng thống và quốc hội cùng có thực quyền độc lập và do dân chúng bầu lên khi họ ủng hộ hai đảng phái đối nghịch. Hậu quả hiển nhiên trước nhất là nó thường dẫn đến tình trạng cù cưa hục hặc hay ù lì giữa đôi bên vì lập trường chính trị khác nhau khiến cho chính quyền khó có cơ may thực hiện được những chính sách ích quốc lợi dân. 

Tuy vậy, nó vẫn được người dân chấp nhận và dường như không hối tiếc chút nào về quyết định bỏ phiếu của chính họ trước đó đã lựa chọn như vậy, cho dù là họ đồng tình ủng hộ hoặc là bị dụ dỗ bởi những chính sách tuyên truyền khéo léo của các đảng phái chính trị.

Tại một quốc gia có truyền thống tự do dân chủ lâu đời như nước Pháp trước đây, người dân cũng đã trải qua những thời kỳ chính quyền chia rẽ như vậy dưới thời hai vị tổng thống Francois Mitterand, thuộc đảng Xã Hội khuynh tả (khi quốc hội lại do đảng RPR khuynh hữu nắm quyền) và sau đó là Jacques Chirac thuộc đảng RPR (khi quốc hội lại do đảng Xã Hội giành được đa số). 

Nói chung, không ai chờ đợi một chính quyền trong thời gian này có thể đưa ra những chính sách đồng thuận để đẩy mạnh guồng máy công quyền do bởi hai bên luôn gầm gừ lẫn nhau và chỉ luôn lo sợ phía bên kia có thể lấn át quyền hành của mình. Tuy vậy, người dân dường như vẫn chấp nhận một hậu quả tương đối xem ra có phần tích cực hơn, đó là hai bên từ nay sẽ giữ vai trò kềm giữ lẫn nhau, nếu không đoàn kết để cùng chung lo việc nước thì ít ra cũng không để bên nào đi quá lố theo khuynh hướng cực hữu hay cực tả.

Tinh thần kềm giữ lẫn nhau này đã được thiết lập sẵn trong hiến pháp của Hoa Kỳ và sau đó cũng là nền tảng trong bộ máy điều hành của nhiều tổ chức hay cơ quan, tư cũng như công, hầu giữ vững cho việc duy trì và phát triển tổ chức trong xã hội một cách tốt đẹp và bên vững. Nó thường được gọi là “kiểm soát và cân bằng” (checks and balances), tức là cho người nắm nhiệm vụ giám sát có luôn quyền quản trị để có thể cân bằng với người đang nắm quyền điều hành. Bằng không thì cái gọi là “hội đồng giám sát”, dù được trao cho trọng trách hay nhiệm vụ rất quan trọng, cũng sẽ bị “hội đồng điều hành” phớt lờ hoặc xem thường, để rồi sau đó sẽ nhanh chóng trở thành một thứ hội đồng bù nhìn, hoặc có khá lắm thì cũng chỉ tạo được những tiếng vang khi lên tiếng chỉ trích hoặc đòi từ chức v.v. . . nhưng thực chất thì cũng không làm thay đổi tình thế.    

Vì thế cho nên trong suốt hơn 200 năm lập quốc, cho dù có nhiều lúc vị tổng thống và quốc hội đều cùng một đảng, dù là Cộng Hoà hay Dân Chủ, nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng quốc hội hành xử sự độc lập của mình khi bỏ phiếu chống đối những quyết định đưa ra từ phía Toà Bạch Ốc. Chính vai trò nắm giữ quyền hành độc lập này mà nhiều vị dân biểu và nghị sĩ ở Quốc Hội sẵn sàng lên tiếng hoặc bỏ phiếu chống đối vị tổng thống dù là người cùng đảng với mình mà không sợ bị những hậu quả “trả thù” trong nội bộ. Trong nhiều trường hợp, những vị dân cử này còn được nổi tiếng hơn vì được nhiều người chú ý đến và vẫn luôn được cử tri tại địa phương mình tiếp tục ủng hộ, trong đó có nhiều thành phần cử tri độc lập hoặc thuộc đảng đối lập vì họ nể trọng tinh thần độc lập không a dua theo bè phái này.

Tình trạng chính quyền chia rẽ tại Hoa Kỳ có phần căng thẳng nổi bật bắt đầu cách nay hơn 20 năm khi đảng Cộng Hoà giành được chiến thắng “lịch sử” trong cuộc bầu cử vào năm 1994 với chiêu bài “Contract With America”. Gọi là lịch sử vì đó là lần đầu tiên phe Cộng Hoà đánh bại được một cách rất to lớn và vẻ vang phe Dân Chủ, vốn đã luôn nắm quyền đa số tại Hạ Viện Hoa Kỳ trong một thời gian dài đến 4 thập niên trước đó, mà có lúc người ta tưởng chừng như nó sẽ tiếp tục kéo dài lâu hơn nữa.

Có hai lý do để giải thích sự kiện thay đổi bất ngờ này. Thứ nhất là vì nhiều cử tri đã bị thuyết phục bởi những lời lẽ rất hoa mỹ trong chiêu bài “Contract With America”, với những đề nghị cụ thể về chương trình nghị sự của họ trong những ngày đầu của pháp nhiệm nếu như họ được đắc cử. Kế đến là thái độ bất mãn của khối cử tri, nhất là giới bảo thủ, đối với vị tân tổng thống lúc bấy giờ là Bill Clinton. Trong mắt nhìn của họ, cũng như đối với nhiều cử tri độc lập không theo đảng phái nào, thì ông Clinton chỉ là một chính khách trẻ đầy tai tiếng lăng nhăng về chuyện tình dục, không được đa số người dân ủng hộ (chỉ có 43% số phiếu của cử tri), và đắc cử được nhờ may mắn trước một vị tổng thống là George W. H. Bush đang bị một chính khách khác là nhà tỷ phú Ross Perot bỗng dưng nhảy vào phá bĩnh.

Dĩ nhiên, ông Bush Bố cũng là người gây ra hậu quả này cho chính mình khi nhiều thành phần dân chúng bảo thủ cực hữu không còn hăng hái ủng hộ khi ông quyết định thoả hiệp với phe Dân Chủ để thông qua việc tăng thuế hầu giải quyết khó khăn về ngân sách của nước Mỹ (một quyết định rất đúng đắn và can đảm). Họ đã chỉ trích hoặc chế riễu ông về tội phản bội lại lời hứa rất nổi tiếng của trước đó vào năm 1988 khi ông nói: “Read My Lips: No New Taxes” (Hãy đọc kỹ lời tôi nói: Sẽ Không Có Việc Đóng Thuế Mới). Từ đó, họ không còn tích cực ủng hộ, và tẩy chay ông Bush Bố, hoặc thậm chí có thể quay sang bỏ phiếu cho ông Ross Perot như là một hình thức cảnh cáo cho bõ ghét.

Điều trớ trêu là trước đó chưa đầy một năm, TT Bush Bố được đa số dân chúng Mỹ ủng hộ và đề cao như một người anh hùng, một lãnh tụ tài ba, nhất là sau chiến thắng dễ dàng và không tốn kém trong cuộc chiến tấn công Iraq của lãnh tụ độc tài Saddam Hussein vào năm 1991. Điều này cho thấy là sự suy nghĩ và lá phiếu của dân chúng Mỹ nhiều khi thay đổi rất nhanh chóng, tự mâu thuẫn với chính mình, và khoảng thời gian 1 hay 2 năm là một thời gian rất dài trong chính trường, với những thay đổi bất ngờ nhiều khi khó tiên đoán được, một chi tiết mà dường như rất nhiều nhà báo tiếng Việt thường không để ý đến.

Do vậy, đa số cử tri lúc bấy giờ có thể không mấy ưa thích vợ chồng ông Clinton, nhất là với đề nghị đòi cải tổ mạnh bạo chính sách bảo hiểm y tế đại chúng đề ra vào năm 1993, nên họ sẵn sàng bỏ phiếu đối nghịch qua việc ủng hộ cho đảng Cộng Hoà nắm quyền đa số tại Hạ Viện. Tuy những lãnh tụ mới của phe Cộng Hoà lúc bấy giờ như ông Newt Gingrich cũng hung hăng chống đối, dẫn đến hậu quả chính phủ phải đóng cửa một thời gian vì tranh cãi về ngân sách, nhưng họ cũng vẫn chấp nhận ngồi lại với nhau để thương thuyết hoặc thoả hiệp. 

Nhất là sau khi phe Cộng Hoà học được bài học thực tế là ông Clinton vẫn còn có quyền hành rất vững mạnh là quyền phủ quyết (veto) để bác bỏ tất cả những dự luật của phe bảo thủ đưa ra, và quan trọng hơn nữa là đa số dân chúng lại đổ lỗi nhiều hơn về đảng Cộng Hoà trong vụ chính phủ phải đóng cửa.

Tuy đôi bên đã thoả hiệp và tương nhượng để thông qua nhiều đạo luật, trong đó có đạo luật cải tổ chính sách trợ giúp phúc lợi cho người nghèo (thường gọi là welfare reform) vào năm 1996, nhưng tinh thần kình chống hay đố kỵ lẫn nhau vẫn còn rất cao, điển hình là việc các dân biểu Cộng Hoà tìm cách khai thác chuyện lem nhem tình dục của ông Clinton để đưa ra xét xử đòi bãi nhiệm. Nhưng kết quả là họ vẫn thất bại khi Thượng Viện không đồng ý, và quan trọng hơn nữa, là dư luận của người dân trong nước đa số không đồng tình với chính sách tấn công cá nhân kiểu này.

Điều nghịch lý buồn cười là sau này người ta phát giác ra những dân biểu lên án ông Clinton về tội vô luân mạnh mẽ nhất lại là những nhân vật còn bê bối hơn nhiều trong chuyện tình ái lem nhem với những tội danh như ngoại tình, bỏ bê vợ con v.v. như các ông Newt Gingrich, Bob Livingston, Dan Burton, Henry Hyde, John Ensign (sau thành nghị sĩ tại Nevada), Mark Sanford (sau này làm thống đốc South Carolina). Những khuôn mặt này sau đó phải xin từ chức như các ông Ensign hoặc Sanford khi nội vụ đổ bể, hoặc phải từ chức khi sắp sửa được làm chủ tịch Hạ Viện (như ông Livingston).

Nhưng đến thời ông Obama lên làm tổng thống thì sự kình chống giữa đôi bên đã lên đến cực điểm, với lý do chính không gì khác hơn là tinh thần kỳ thị mầu da vẫn còn khá nặng trong lòng nhiều thành phần dân chúng Mỹ khiến cho nhiều chính trị gia và một số các nhà truyền thông cũng nhảy vào ăn có vì biết lợi dụng cơ hội. Chuyện ông Barack Obama cũng là một chính trị gia trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều cũng như chưa tạo được thành tích đáng kể trong chính trường, và được đắc cử một cách khá may mắn tương tự như Bill Clinton trước đó, ắt hẳn phải làm cho một số người không dẹp nổi sự bực tức trong lòng vì nghĩ rằng ông ta không xứng đáng để được ngồi vào chức vụ tổng thống.

Kể từ ngày phe Cộng Hoà giành được thắng lợi vào năm 2010 để nắm quyền tại Hạ Viện dưới trào lưu phản đối mạnh mẽ của phe Tea Party cực hữu, sự kình chống dữ dội đã dẫn đến tình trạng đình trệ kẹt cứng (gridlock) của bộ máy chính quyền. Thay vì thoả hiệp và tương nhượng lẫn nhau để đi đến những giải pháp thông qua các đạo luật cần thiết cho việc điều hành và phát triển đất nước, các vị dân cử chỉ lo tìm cách bôi bác hoặc bới móc các lỗi lầm hoặc khuyết điểm của hành pháp để tấn công theo kiểu “bới lông tìm vết” hoặc “bới bèo ra bọ”. Từ đó họ luôn tìm những đòn thử thách và đe doạ là sẽ cúp ngân sách để khiến cho chính phủ phải đóng cửa, hoặc là sẽ phải quịt nợ vì không đủ tiền để trang trải các món nợ đáo hạn mà chính phủ Hoa Kỳ phải có trách nhiệm v.v. . .

Nếu chỉ đọc và nghe luận điệu của nhiều bài báo hoặc tiếng nói của phe Cộng Hoà từ vài năm qua, và được khá nhiều nhà báo gốc Việt tin tưởng và phát tán, người ta dễ có lầm tưởng rằng chính quyền Mỹ dưới thời Obama đã phạm vào hết sai lầm này đến lầm lỗi khác, càng ngày càng khiến cho nền kinh tế nước Mỹ bị suy thoái, mất nhiều công ăn việc làm, tự tiện tiêu pha một cách hoang phí khiến cho ngân sách bị thất thu kỷ lục, và uy tín trên trường quốc tế cũng như sức mạnh quân sự bị tụt giảm khiến cho các nước khác trên thế giới không còn nể sợ v.v. . . Nói chung, mọi tội lỗi, mọi khiếm khuyết trong thời gian qua đều có thể tóm gọn một cách đơn giản là do xảy ra sau khi có một nhân vật da đen tên là Barack Obama lên làm tổng thống Mỹ!

Nhưng thực tế lại không đơn giản như người ta cố tình hiểu sai một cách khá bồng bột và có phần hơi ngu xuẩn như vậy. Lý do dễ hiểu là vì chính quyền nước Mỹ không chỉ nằm riêng trong tay của vị tổng thống đứng đầu ngành hành pháp, mà nó còn tuỳ thuộc phần lớn vào quyền quyết định của ngành lập pháp với quốc hội thông qua các đạo luật và chuẩn chi ngân sách. Hơn nữa, nó cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi ngành tư pháp với Tối Cao Pháp Viện có quyền phán xét các đạo luật của Quốc Hội hay sắc lệnh của tổng thống là vi hiến, và nhiều phán quyết của toà tối cao này có tính cách trọng đại như án lệ để trở thành đạo luật cho cả nước, thường gọi là “law of the land”. Thí dụ như án lệ Brown versus Board of Education vào năm 1954 trở thành luật cấm kỳ thị việc giáo dục của trẻ em theo sắc tộc (segregation) trên toàn nước Mỹ; án lệ Roe versus Wade vào năm 1973 trở thành luật cho phép việc phá thai tại Hoa Kỳ là quyền quyết định tối hậu của người phụ nữ mang bầu chứ không phải của một cá nhân, tổ chức, hay cơ quan công quyền nào khác cho dù được nhân danh dưới bất kỳ lý do cao đẹp nào.

Vì thế, nếu không có quốc hội ban hành những đạo luật chuẩn chi ngân sách thì chính quyền Obama cũng không đào đâu ra tiền để điều hành các phủ bộ khác nhau. Còn việc thất thu ngân sách trong những năm gần đây có lý do rất đơn giản là các chương trình chi tiêu cần thiết hàng năm của chính phủ đều cao hơn mức thu nhập vào từ tiền thuế (trong khi phe Cộng Hoà cứ khăng khăng một cách ngoan cố không chịu tăng thuế, dù là đối với dân nhà giầu!).

Chính vì cứ lo giằng co tranh cãi để chỉ trích TT Obama nên Hạ Viện trong thời gian qua đã chẳng làm nên được tích sự gì, vì cứ mãi tin rằng những lời chỉ trích này có thể sẽ thấm nhập vào đầu óc của nhiều cử tri Mỹ, vốn dễ rất bất mãn trước những điều mình không hài lòng mà không cần biết rõ lý do, nên có thể sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Obama và phe Dân Chủ, như kết quả cuộc bầu phiếu vào cuối năm 2014 đã cho thấy. Họ chẳng thông qua được bất cứ một đạo luật nào, bởi vì những dự luật theo chiều hướng bảo thủ cực hữu của họ đều đã bị ngăn cản ở Thượng Viện, vẫn do phe Dân Chủ giữ đa số cho đến cuối năm ngoái. Khi một quốc hội (phần lớn là Hạ Viện) không thông qua được bất cứ một đạo luật nào cho ra hồn trong suốt thời gian pháp nhiệm hai năm, thì rõ ràng là các vị dân biểu đã cho mọi người thấy sự bất tài và thiếu trách nhiệm của mình.

Lần này, sau khi nắm được đa số ở cả hai cơ quan Hạ Viện và Thượng Viện, nhiều người có thể mơ tưởng rằng phe Cộng Hoà sẽ cùng đoàn kết để thông qua nhiều đạo luật để buộc TT Obama phải ký ban hành nếu không muốn tránh bị buộc tội là kẻ phá đám, chỉ biết lo chỉ trích và đả kích. Nhiều người cho rằng các lãnh tụ còn sáng suốt bên đảng Cộng Hoà không muốn dân chúng sau này sẽ gọi đảng của họ là Party of No, một đảng chỉ biết nói chữ “Không”, tức là không làm việc gì hết, không làm tròn vai trò và hành xử đúng chức năng của mình.

Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là ước mơ mà thôi, do bởi chỉ cần một vài nhân vật thiểu số nhưng luôn cố ý phá hoại thì công cuộc xây dựng bao giờ cũng rất khó khăn. Điều này thì nhiều người sinh sống tại Việt Nam trước đây đều hiểu rõ. Việc phát quang nhiều vùng đất xác xơ để xây dựng và phát triển phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc của người dân và chính phủ, chưa kể đến thời gian phải kéo dài, trước khi có thể nhìn thấy những kết quả tương đối khả quan và tốt đẹp dần dần xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ cần một vài anh du kích Việt Cộng đêm đêm lén ra đào đường hay đấp mô thì cũng đủ gây xáo trộn lớn cho sinh hoạt của người dân trong ngày hôm sau khi việc giao thông có thể bị đình trệ. Xưa nay, mọi người đều đã rõ định luật của kẻ phá đám, dù không tốn nhiều công sức, bao giờ cũng tai hại một cách nhanh chóng trong khi việc xây dựng bao giờ cũng rất tốn kém và nhiêu khê hơn gấp bội lần.

Trong bài viết vào tuần trước với tựa đề “Khi Phe Bảo Thủ Tự Chửi Mình”, kẻ viết bài này đã thuật lại chuyện những vị dân biểu phe Cộng Hoà ở Hạ Viện đã tự mình chuốc lấy thảm bại một cách khá ngu xuẩn khi dùng con cờ là ngân sách của Bộ Nội An để đòi uy hiếp TT Obama phải dẹp bỏ sắc lệnh hành pháp của ông tạm hoãn việc trục xuất một số thành phần di dân lậu nhưng đang sinh sống lâu năm cùng với thân nhân hợp pháp của họ tại Hoa Kỳ. Nhưng phe Cộng Hoà ở Thượng Viện đã không nhắm mắt lao theo vì biết trước nó sẽ thất bại. Cuối cùng, Chủ tịch Hạ Viện là John Boehner đã phải chấp nhận thua cuộc, khi ông phải cầu cứu đến lá phiếu của phe Dân Chủ để biểu quyết thông qua đạo luật chuẩn chi ngân sách cho Bộ Nội An, sau khi đã rút lại yêu sách lúc ban đầu đòi hỏi phải dẹp bỏ sắc lệnh hành pháp của ông Obama.

  http://puu.sh/gEmxA/f94313e8f0.jpg
Chủ tịch John Boehner sau cuộc biểu quyết thảm bại về ngân sách cho Bộ Nội An (hình AP)
Vì thế nên dân biểu Peter King, một khuôn mặt bảo thủ cứng rắn cũng thường chỉ trích mạnh mẽ ông Obama, cũng phải lên tiếng chê trách những vị đồng viện bảo thủ khác. Ông King đã phải nhìn nhận một cách đau lòng sự vô lý của các vị đồng nhiệm (thuộc cánh Tea Party) khi lên tiếng phát biểu: “Sự ngoan cố điên rồ này cần phải chấm dứt sớm. . . Tôi không thể nào chịu đựng được nữa cái nhóm trong đảng (Cộng Hoà) chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình một cách ích kỷ và hoang tưởng.” Người viết bình dân hơn thì so sánh việc làm của một vài vị dân cử bảo thủ cực hữu, vì thích “chơi nổi” một cách quá đáng mà không cần biết đến hậu quả tai hại cho mình, là một việc làm “tham thì thâm”, hoặc đúng hơn nữa là “tham quá hoá ngu”.

Vì thế nên trong một cuộc thử nghiệm đầu tiên quan trọng về khả năng điều hành chính quyền, các lãnh tụ Cộng Hoà ở Hạ Viện đã chuốc lấy thảm bại khiến cho nhiều vị dân biểu bảo thủ như ông Peter King đã phải bực mình lên tiếng chỉ trích. Nhưng điều đáng lo hơn nữa là thất bại của phe Cộng Hoà lần này còn báo hiệu nhiều chông gai và thất bại kế tiếp trong những ngày tháng tới, khi họ bắt buộc phải hành động để thông qua nhiều dự luật cần thiết khác, chứ không thể nào tiếp tục trốn tránh trách nhiệm để chỉ biết lên tiếng chỉ trích như họ đã ma lanh hành xử trong hơn 4 năm qua.

Nhà báo Ashley Parker, trong một bài viết đăng trên tờ New York Times vào ngày 8 tháng 3 vừa qua, đã nhận định rằng phe Cộng Hoà sẽ tiếp tục bị khó khăn vì chia rẽ nội bộ trong khi phải lo đối phó với nhiều chông gai để biểu quyết các dự luật về ngân sách. Đây chính là chức năng và trọng trách lớn nhất của Quốc Hội, bởi vì không những các vị dân cử có quyền thông qua các đạo luật, mà họ còn có quyền nắm giữ hầu bao của các phủ bộ khi quyết định có chuẩn chi hay tháo khoán hay không các ngân sách đã được phê chuẩn. Nhà báo Parker cho rằng sự khó khăn vừa rồi cũng chưa đáng kể, vì họ (các vị dân biểu Cộng Hoà) sẽ còn gặp nhiều khó khăn lớn hơn khi phải tranh luận trong những ngày sắp tới, khi mà những lá phiếu biểu quyết của họ sẽ được đem ra bàn luận để phân tích rõ về lập trường.

Vì tất cả những đạo luật về ngân sách đều phải được Quốc Hội cứu xét và bỏ phiếu để cho chính phủ có tiền trang trải, nên dù có tranh cãi nhưng cuối cùng nó vẫn phải được biểu quyết thông qua. Trong thời gian gần đây, các dự luật ngân sách thường được thông qua với thời gian ngắn hạn, coi như là một hình thức thoả hiệp tạm để chờ đợi dịp chỉ trích hay tấn công kế tiếp. Nhưng trong bối cảnh chia rẽ sâu đậm hiện nay khi mà phe Cộng Hoà cứ luôn giành hết thì giờ để chỉ trích chính quyền Obama, việc hoà giải không còn đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là rất khó thành công, bởi vì họ sẽ khó lòng nhận được sự chịu đựng nhịn nhục của phe Dân Chủ.
Một bài viết của nhà báo Andrew Taylor của hãng thông tấn AP đã liệt kê khá rõ ràng thứ tự các đạo luật khó khăn sắp tới mà phe Cộng Hoà sẽ phải bước qua nếu như họ cứ khăng khăng không đoái hoài gì đến sự hiện hữu của phe Dân Chủ:

CHI PHÍ VỀ MEDICARE.
Do một sự sơ xuất trong quá khứ từ hồi năm 1997, các bác sĩ chữa trị bệnh nhân có Medicare (bảo hiểm của chính phủ cho người cao niên) có thể bị cắt giảm chi phí điều trị mỗi năm khoảng 21%. Do đó, mỗi năm các vị dân cử đều cùng thoả hiệp để bỏ phiếu thông qua việc hoãn thi hành điều lệ này. Năm nay, quyết định này sẽ được đưa ra cứu xét vào cuối tháng Ba này.

NGÂN SÁCH XÂY DỰNG XA LỘ.
Quỹ xây dựng hệ thống xa lộ trên nước Mỹ (Highway Trust Fund) sẽ hết tiền vào cuối tháng 5-2015. Nếu không được tái gia hạn, việc đình trệ các dự án xây dựng có thể gây ra ảnh hưởng xấu cho sinh hoạt và nền kinh tế của vài tiểu bang. Nhiều phần là các vị dân cử sẽ bỏ phiếu thông qua ngân sách ngắn hạn để tiếp tục câu giờ.
http://puu.sh/gEmCD/36d31d435f.jpg  
Một công trình xây dựng xa lộ tại Dayton, Ohio (hình AP)
NGÂN HÀNG XUẤT-NHẬP-CẢNG (Export-Import Bank)

Ngân hàng này coi như sẽ hết ngân sách để tiếp tục hoạt động sau ngày 30/6 năm nay. Nhiều người chỉ trích nó chỉ phục vụ cho các đại công ty như Boeing và GE nhưng lại lơ là việc tài trợ cho các tiểu thương. Tuy nhiên, nó được sự ủng hộ của nhiều vị dân cử phe Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, dù rằng những tiếng nói bảo thủ cực hữu chống đối. Cuộc biểu quyết này cũng rất khó khăn và sẽ gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ đảng Cộng Hoà.

MỨC NỢ TỐI ĐA CỦA CÔNG QUỸ (Debt Limit)
Thói quen “làm ít, tiêu nhiều” đã có từ cả trăm năm nay đối với người dân và chính phủ Mỹ. Do đó, họ thường không thấy ngần ngại trong việc vay nợ, vì phải giải quyết nhu cầu sinh tồn để tiếp tục trả “bills” đáo hạn mỗi tháng hay mỗi năm. Nhưng họ cũng thường hay tự dối lòng với ý tưởng rằng họ có thể làm ăn khấm khá hơn trong tương lai để trả nợ. 

Do đó, họ thường đặt ra những lời hứa nguyện (resolutions) vào đầu năm là sẽ cắt giảm các món nợ. Phía chính phủ thì cũng hứa nguyện như vậy, nên mới đặt ra điều luật là mỗi năm quốc hội phải biểu quyết có đồng ý cho phép nhà nước mượn nợ thêm hay không. Vì quốc hội cũng là nhà nước nên hàng năm, theo thông lệ đã có từ lâu, Quốc Hội thường xuyên bỏ phiếu chấp thuận cho Bộ Tài Chánh, tức là ngân quỹ nước Mỹ, được quyền vay nợ thêm để có thể trang trải thêm nhiều chương trình điều hành nhà nước. Do đó, cái gọi là “trần nợ” (debt ceiling) này, có thể gọi là cái “credit line”, cứ phải gia tăng mãi về sau này, do bởi lý do đơn giản của việc lãi mẹ lãi con tiếp tục dồn vào trong khi chính phủ Mỹ không chịu đồng ý cả hai giải pháp giảm chi (cắt bớt các chương trình chi tiêu) và tăng thu (gia tăng tiền thuế lên người dân và cơ sở thương mại). Thậm chí, giới bảo thủ và phe Cộng Hoà còn luôn bảo vệ một thứ giáo điều cực đoan của họ là nhất quyết không tăng thuế giới nhà giầu!

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để tìm cách chỉ trích chính quyền Obama, phe Cộng Hoà đã tìm cách tạo sức ép để buộc chính phủ phải cắt giảm nhiều chương trình chi tiêu (trong khi lại không chịu tăng thuế), bằng không thì họ sẽ không đồng ý bỏ phiếu, với kết quả là chính phủ Hoa Kỳ có thể phải tuyên bố quịt nợ. Điều này dẫn đến một tình trạng bất an trên thị trường tài chánh, chưa kể là có thể làm cho uy tín của Hoa Kỳ cũng bị sút giảm nặng nề.

Cuộc bỏ phiếu về vụ này, dự trù vào tháng 8 năm nay, có lẽ cũng sẽ gây khó khăn trong nội bộ đảng Cộng Hoà, giữa một bên là những tiếng nói bảo thủ cực hữu của phe Tea Party và bên kia là nghị sĩ Mitch McConnell, tân thủ lãnh khối đa số Cộng Hoà ở Thượng Viện, khi ông này hứa rằng sẽ không để tình trạng này sẽ xảy ra.
Ngoài ra cũng còn có những đạo luật cần phải biểu quyết trong năm nay, liên quan đến việc gia hạn đạo luật Patriot Act, và đạo luật CHIP (bảo hiểm y tế cho trẻ em nhà nghèo) vào mùa hè này.

Theo nhà báo Parker thì tuy phe Cộng Hoà giành được quyền hành trong kỳ bầu cử giữa mùa vừa qua, nhưng chiến thắng này cũng không che đậy nổi những sự chia rẽ sâu đậm trong nội bộ của họ. Vì thế nên những sự va chạm không tránh khỏi đó đã bắt đầu bùng lên, xuyên qua việc tranh chấp, và cuối cùng phải thất bại của họ, trong việc biểu quyết đạo luật ngân sách cho Bộ Nội An vào cuối tháng 2 vừa qua. 

Lần này, nhiều tiếng nói của một số các vị dân biểu còn sáng suốt như các ông Peter King (ở New York) hoặc Charlie Dent (ở Pennsylvania) đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích các vị đồng viện bảo thủ cực đoan nếu cứ tiếp tục con đường cứng rắn như vậy thì sẽ không đạt thành quả tốt đẹp nào mà rốt cuộc chỉ làm tổn hại cho quyền lợi của quốc gia. Một dân biểu khác là ông Tom Cole (ở Oklahoma) nói rằng ông hy vọng là các vị đồng viện bảo thủ sẽ học được kinh nghiệm là “anh sẽ phải đồng ý thoả hiệp, và điều đó có nghĩa là phía bên kia cũng phải được một phần nào đó.” Và ông kết luận rằng: “Đã đến lúc, anh phải biết rằng cứ ngồi đập bàn la hét thì anh cũng không thể chuyển con số 54 thành 60 được.” (Hiện nay, phe Cộng Hoà chiếm 54 ghế tại Thượng Viện, nhưng thông thường phải có đa số 60 phiếu mới dễ dàng thông qua các dự luật theo ý muốn).

Nói chung, trong thời gian sắp tới, người dân sẽ được dịp chứng kiến những hành động của các nhà dân cử, lần này do phe Cộng Hoà giữ đa số nên không còn có thể tránh né trách nhiệm. Và từ đó, người ta mới có dịp nhìn thấy rõ hơn là họ có tài năng hay không trong việc điều hành đất nước hay là chỉ biết lo tìm cách chỉ trích như họ đã làm bấy lâu nay, điển hình là việc phe Cộng Hoà tiếp tục lôi kéo chuyện tranh cãi về đạo luật cải tổ bảo hiểm y tế đại chúng Affordable Care Act như đang diễn ra tại Tối Cao Pháp Viện trong tuần qua. Và đây có lẽ là đề tài sẽ được bàn đến trong một bài viết sắp tới.
 
MAI LOAN
Houston, Texas ngày 15/03/2015

__._,_.___

Posted by: =?UTF-8?B?TkdVWeG7hE4gVsOCTiBUw5lORw

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts