Đại Học chăn Trâu




Monday 2 March 2015

Thư số 41 gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam


 


                        Thư số 41 gởi:
                        Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
                                                                 Phạm Bá Hoa


Tôi chào đời năm 1930, vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hằng trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên quá khứ đau thương tàn bạo mà họ gây ra cho Tổ Quốc và Dân Tộc! Vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Xin gọi chung Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là Các Anh để tiện xưng hô. Chữ “Các Anh” viết hoa, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Nội dung thư này, một lần nữa, tôi muốn Các Anh nhìn ra Biển Đông, đúng hơn là nhìn hai căn cứ quân sự Trung Cộng đã hoàn thành trên quần đảo Hoàng Sa, sắp hoàn thành trên quần đảo Trường Sa, và thử tìm giả thuyết về sự kiện nào xảy ra đối với an ninh của Việt Nam khi hai căn cứ quân sự đó hoạt động.
Thứ nhất. Trung Cộng với tham vọng Biển Đông.
(trìch trong Wikipedia) Biển Đông với diện tích 2.974.100 cây số vuông, lớn hàng thứ 5 trong số 10 đại dương, được xem là đường hàng hải chiến lược từ Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca đến một số quốc gia ven Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp Ước Hòa Bình với Nhật Bản, Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu, chánh thức tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Sau lời tuyên bố đó, hội nghị  không có lời kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự.
Trung Cộng gậm nhấm quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1956, Trung Cộng lợi dụng thời gian Việt Nam chưa kịp trấn đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương, đã âm thầm đưa quân chiếm giữ nhóm đảo An Vĩnh phía đông quần đảo này, trong số đó có đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn. 
Ngày 4/9/1958, Trung Cộng phổ biến bản Tuyên Bố mở rộng vùng lãnh hải lên 12 hải lý, trong đó có quần đảo Hoàng Sa (Trung Cộng gọi Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Cộng gọi Nam Sa) của Việt Nam.
Ngày 14/9/1958, Thủ Tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng ghi nhận và tán thành bản tuyên bố nói trên của chính phủ Trung Cộng..
Năm 1961, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, và đặt trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Trong thời gian 1964-1970, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Cộng thường chạm súng nhau trong hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong.
Tháng 2/1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon thăm Trung Cộng và họp với Mao Trạch Đông. Sau đó, hai bên mở văn phòng liên lạc, rồi tiến đến thiết lập bang giao.
Năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ rút quân ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa, và từ đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ.
Trung Cộng chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng ra tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và, Trường Sa là lãnh thổ của họ, và họ tố cáo Việt Nam Cộng Hòa chiếm đóng hai quần đảo của họ. Lập tức, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời bác bỏ những cáo buộc của Trung Cộng.
Ngày 16/1/1974, khi phái đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị xây dựng phi trường dành cho phi cơ vận tải C7 Catibou, thì phát giác Trung Cộng đã đổ quân lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hoà, và Duy Mộng, dưới sự yểm trợ của các chiến hạm ngoài khơi.
Ngày 18/1/1974, Mao Trạch Đông ra lệnh cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình, trực tiếp chỉ huy trận đánh quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó tại Hoàng Sa, chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa với Trung Cộng ghìm nhau.
Ngày 19/1/1974, trận chiến Hoàng Sa bùng nổ. Và ngày 20/1/1974, quân Trung Cộng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Trung Cộng chiếm một phần quần đảo Trường Sa.                                
Năm 1988, Hải Quân Trung Cộng lần lượt chiếm các đảo sau đây: (1) Ngày 31/1 chiếm bãi Đá Chữ Thập (Trung Cộng gọi là Vĩnh Thử). (2) Ngày 18/2 chiếm đảo Châu Viên. (3) Ngày 20/2 chiếm Ga Ven. (4) Ngày 28/2 chiếm đảo Huy Cơ. (5) Ngày 23/3 chiếm Xu Bi.
Năm 1995, theo bản tin của  Reuter thì Trung Cộng chiếm Đá Vành Khăn phía Đông Trường Sa. Họ tuyên bố sẽ dựng lên các lều cho ngư dân  tránh bão. Nhưng sự thật thì Trung Cộng xây dựng căn cứ yểm trợ cho Hải Quân của họ. (hình Đá Vành Khăn với căn cứ của Trung Cộng).
Trong hình, có 3 hay 4 cấu trúc kiên cố đã được xây dựng  từ trước trên Rạng Vành Khăn (Mischiefs). Một số cấu trúc được nhìn thấy lớn như một khách sạn đồ sộ.  Chuỗi các tiền đồn kiên cố sẽ hỗ trợ cho các cấu trúc trên rạng Đá Ngầm Vành Khăn để Trung Cộng kiểm soát đường lưu thông hàng hải, đặc biệt để theo dõi các chiến hạm của Hạm Đội 7  Hoa Kỳ.
Ngày 7/5/2009, Trung Cộng đệ trình Liên Hiệp Quốc một bản đồ có hình dáng chữ U và kèm theo lời dẫn. Theo đó, họ tự nhận chủ  quyền trên Biển Đông, bao gồm ba quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa, và bãi Macclesfield xấp xỉ 80%  hay là khoảng   2.379.928 cây số vuông, thuộc diện tích hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Bruney, và Malaysia. Liên Hiệp Quốc không công nhận vì Trung Cộng không trưng dẫn được bất cứ văn kiện nào khả dĩ chứng minh chủ quyến của họ. Nhưng từ đó Biển Đông dậy sóng, không phải từ thiên nhiên, mà là từ Trung Cộng, một quốc gia luôn luôn là kẻ thù của dân tộc Việt Nam từ trong lịch sử xa xưa đến thời cận đại và đương đại.
Description: Sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được hoàn tất.Ngày 3/9/2009, bản tin trên Bưu Điện Hoa Nam tại Hong Kong loan tin: “Hà Nội đã hai lần mời viên chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc đến Bộ Ngoại Giao để bày tỏ quan ngại về tài liệu -tuy không phải chính thức- nhưng khiến giới ngoại giao và quân sự Việt Nam cảnh giác. Theo đó, Trung Quốc dọa sẽ đánh chiếm Việt Nam trong vòng 31 ngày với 310.000 quân xuất phát từ Vân Nam, Quảng Tây, và Nam Hải”. Trong khi trên trang web <China.com> có bài nói về nguyên nhân mà Trung Cộng phải đánh chiếm Việt Nam, vì: “Việt Nam là mối đe dọa chính đối với an ninh lãnh thổ của Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trổi dậy của Trung Quốc. Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á, cần chinh phục Việt Nam. Nói cách khác, từ mọi khía cạnh, Việt Nam là cái xương khó nuốt”.
Căn cứ quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 8/10/2014, đài Á Châu Tự Do trích  bản tin của Tân Hoa Xã, theo đó thì Trung Cộng đã hoàn thành một sân bay trên đảo Phú Lâm trong Nhóm Đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa, với đường băng dài 2.000 thước.  Bài báo trên Tân Hoa Xã viết rằng: “Đường băng mới xây tại đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa, sẽ nâng cao khả năng quốc phòng của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. (hình đảo Phú Lâm)
Đảo Phú Lâm, nơi có căn cứ quân sự của Trung Cộng, cũng là nơi có cơ quan hành chánh thành phố Tam Sa. Tại căn cứ quân sự này, Trung Cộng có một hệ thống tuần duyên mà họ nói mục đích là bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia của họ.
Theo Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, từ căn cứ đảo Phú Lâm xuống đến Bãi Đá Ngầm Gạc Ma khoảng 800 cây số. Rất có thể vì khoảng cách đó không giúp cho điều mà Trung Cộng gọi là  bảo vệ hữu hiệu chủ quyền quốc gia trên biển mà thật ra là tham vọng của họ, nên họ âm thầm sử dụng tàu Tian Jiang Hao dài 127 thước, với khả năng hút 4.500 tấn cát trong mỗi tiếng đồng hồ, và 2 tàu nữa để hút cát bồi lấp Bãi Đá Ngầm Gạc Ma và 4 rạng đá ngầm lân cận từ tháng 9/2013 đến tháng 6/2014 thành đảo nổi.  
Ngày 5/5/2014, với bản tin trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo,  Trung Cộng đã bồi lấp Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, trên đó sẽ có một phi trường cho Không Quân và một hải cảng cho Hải Quân.  Sau đó, một cơ quan truyền thông khác tại Trung Cộng loan tin rằng: “Đảo Gạc Ma là trạm cung cấp đồ tiếp liệu cho các ngư phủ. Các văn phòng, doanh trại, và các nông trại, cùng một hải cảng đủ lớn để phục vụ cho các tàu có trọng tải đến 5000 tấn, cũng sẽ xây dựng”.
Ngày 7/6/2014, tờ South China Morning Post tường thuật rằng: “Trung Cộng đã biến đảo Gạc Ma thành một đảo nhân tạo vĩ đại. Trên đó, phi trường và hải cảng riêng biệt cho phi cơ, tàu quân sự, và tàu dân sự sẽ được xây dựng.  Các nhà ở cho thường dân, các cơ sở du lịch cũng được dự trù. Các tàu nạo vét tiếp tục hút cát từ đáy biển phục vụ cho mục đích đó”.
Ngày 13/5/2014, Bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân tố cáo: “Trung Cộng đang xây cất một đảo nhân tạo mang tên JSR (Gạc Ma), gồm cả một phi trường quân sự”.
 Ngày 15/5/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi trên vùng này, kể cả rạng san hô Gạc Ma. Vì thế, Trung Quốc có quyền xây dựng bất cứ công trình gì trên đó”.
Ngày 25/10/2014, không ảnh chụp được từ vệ tinh thương mại của Hoa Kỳ, cho thấy Trung Cộng đã gia tăng diện tích đảo Đá Ngầm Chữ Thập từ 0,08 cây số vuông lên đến 0,96 cây số vuông, tức lớn hơn 11 lần diện tích trước khi bồi lấp. Như vậy, diện tích đảo Đá Ngầm Chữ Thập lớn hàng thứ 5 trên Biển Đông, sau các đảo Phú Lâm, Đông Sa, Linh Côn, và đảo Tri Tôn. Đảo Đá Ngầm Chữ Thập, cách bộ chỉ huy Trường Sa của  Việt Nam khoảng 110 cây số, và cách đảo có bộ chỉ huy của Phi Luật Tân khoảng 225 cây số.
Ba hình này do vệ tinh của Airbus Defense chụp đảo Đá Ngầm (Gaven) ngày 30/3/2014, 7/8/2014, và 30/1/2015,  cho thấy việc xây đảo nhân tạo ở bãi đá này đã mở rộng nhanh chóng. Đến ngày 30/1/2015 một công trình tồn tại trước đó đã được nối vào đảo nhân tạo mới, và ít nhất một bãi đáp trực thăng đã được xây dựng.
Ngày 27/1/2015, trang <China.com> có bản tin cho biết, Trung Cộng đã hoàn thành việc mở rộng diện tích bãi đá Chữ Thập lên tới 2.2 cây số vuông.
Ngày 15/2/2015, bản tin của tập san quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly, đã công bố nhiều bức ảnh vệ tinh, cho thấy rõ là Trung Cộng đã bồi lấp và đang xây dựng trên Đá Tư Nghĩa, Đá Gaven, và Đá Gạc Ma.thành căn cứ quân sự. Các chuyên gia phân tách của Jane’s cho biết: ”Đá Tư Nghĩa (tên quốc tế là Hughes Reef) trên nền một bãi đá ngầm diện tích chỉ khoảng 380 thước vuông, thì nay Trung Cộng đã nạo vét hút cát bồi lấp thành  đảo nhân tạo rộng 75.000 thước vuông”. 
Theo chuyên gia James Hardy, những gì thấy trên Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), cũng được thấy trên Đá Gaven (Gaven Reef) Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) Đá Châu Viên( Cuarteron Reef), Đá Én Đất( Eldad Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và ông kết luận: “Chúng ta có thể thấy rằng, đây là cả một kế hoạch thận trọng trong mục đích hình thành một chuỗi pháo đài phòng thủ trên không và trên biển, xuyên qua phần trung tâm quần đảo Trường Sa”.
                    
Ngày 18/2/2015, theo The Diplomat online của Nhật Bản thì tuần trước, trong cuộc họp cấp chuyên viên để chuẩn bị cho hội nghị cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng dự trù vào tháng 11/2015, Trung Cộng đã bác bỏ đề nghị của ASEAN muốn đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự. Hội nghị ASEAn mở rộng gồm Bộ Trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN cộng với Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Cộng, Australia, và New Zealand. Hội nghị ASEAN mở rộng đã họp năm 2010 tại Hà Nội, và năm 2013 tại Bruney. Cuộc họp tới đây sẽ diễn ra tại Malaysia vào tháng 11/2015. The Diplomat online nhận định rằng: “Thái độ của Trung Cộng không chấp nhận thương thuyết đa phương, để dễ dàng bắt chẹt các nước quốc gia vừa nhỏ vừa yếu đang tranh chấp, dưới nhóm chữ thương thuyết song phương”.
Ngày 18/2/2015, truyền thông nhà nước Trung Cộng đồng loạt đưa tin như một lời đe dọa Việt Nam: “... Không Quân từ Trung Quốc tấn công Hà Nội chỉ trong một giờ, và từ đảo Vĩnh Thử (Việt Nam gọi Đá Chữ Thập) cũng chỉ một tiếng đồng hồ là tấn công thành phố Hồ Chí Minh”. Khoảng cách đảo Chữ Thập cách Sài Gòn 487 cây số (trích trong Google.vn).
Tóm tắt. Sau khi Trung Cộng bắt tay được với Hoa Kỳ từ năm 1972, tham vọng của Trung Cộng khống chế Biển Đông đã công khai với bản tuyên bố của họ vào ngày 11/1/1974 rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ mà không ai có quyền tranh cãi. Họ còn  ngược đến mức la hoãng với thế giới là Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm đóng hai quần đảo của họ. Rồi sau khi họ chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974 và các rạng san hô Đá Ngầm trong quần đảo Trường Sa 1988, họ âm thầm xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và xây dựng căn cứ trên các Đá Ngầm (Trường Sa) sau gần một năm bồi lấp trở thành đảo nổi. Cả hai căn cứ có phi trường, hải cảng, doanh trại cho quân phòng thủ, kho tồn trữ, và những cơ sở điều hành.
Trong khi trong hội nghị ASEAN mở rộng ngày 18/2/2015 tại Malaysia, theo báo Diplome online của Nhật Bản thì Trung Cộng gây sức ép ngăn chận cuộc thảo luận đưa hồ sơ Biển Đông vào chương trình nghi sự cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng vào tháng 11/2015 sắp tới. 
Vậy là, Trung Cộng vẫn giữ chính sách thảo luận song phương với từng quốc gia liên quan trực tiếp đến Biển Đông, để dễ dàng áp lực lên các quốc gia yếu thế hòng đạt đến tham vọng khống chế Biền Đông. Và nếu có họp song phương giữa Việt Cộng với Trung Cộng, kết quả sẽ là “giữ nguyên hiện tạng”, để rồi máy bay tuần duyên, máy bay chiến đấu, chiến hạm trên mặt biển, tàu ngầm dưới mặt biển, hỏa tiển, ..v..v  sẽ phải bất động, vì thể nào lãnh đạo Trung Cộng cũng nhắc cho lãnh đạo Việt Cộng phải giữ lấy “đại cục làm trọng” cùng với “phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng”. Với nhóm chữ lấy “đại cục làm trọng”, được hiểu rằng “gậm nhấm chỉ là tiểu cục, khi nào toàn cõi Việt Nam vào tay Trung Cộng mới là đại cục”, mà khi nhận ra “đại cục” thì Các Anh nhận thẻ căn cước bằng chữ Tàu đó nghe!
Tôi vào <Google.vn> thì tất cả báo online của Việt Cộng, không một chữ nào nói đến Biển Đông, kể cả việc Trung Cộng phản đối đưa hồ sơ Biển Đông vào chương trình hội nghị cấp Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng vào tháng 11/2015, trong khi Tướng Nguyễn Chí Vịnh khoe là Việt Nam đã cử sĩ quan tham dự phái bộ giữ hòa bình tại Sudan, và sắp cử sĩ quan tham gia phái bộ giữ hòa bình tại Trung Phi!.
Vậy, Các Anh suy nghĩ gì? Ước tính của tôi là: “Khi Hải Quân với Không Quân Trung Cộng từ hai căn cứ Hoàng Sa và Trường Sa tung hoành vùng trời và vùng nước Biển Đông, các tổ chức dân sự và người dân sẽ biểu tình chống Trung Cộng, dĩ nhiên là bị Việt Cộng đàn áp bắt giữ, trong khi lãnh đạo Việt Cộng cũng lên tiếng phản đối như thông lệ, là “kiên quyết đòi hỏi .., khẳng định lập trường ...  trước sau như một,.. v..v... Rồi thể nào lãnh đạo Việt Cộng với lãnh đạo Trung Cộng cũng tiếp xúc nhau, và kết quả sau cùng cũng là “giữ nguyên hiện trạng”.
Và liệu, khi nào thì Trung Cộng tuyên bố “Vùng Nhận Dạng Phòng Không” trên Biển Đông? Vì trên trang Học Giả Ngoại Giao của Nhật Bản ngày 10/01/2015, có bài viết lặp lại lời của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã tuyên bố: “Trung Quốc sẽ công bố vào thời gian thích hợp sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị liên quan”.

Trong khi đó, viên Đại Sứ Trung Cộng tại Philippines Mã Khắc Thanh, cũng ngang ngược nói rằng “Trung Quốc có quyền quyết định thời gian và địa điểm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới”. Nhưng theo đài RFA ngày 21/2/2015 thì Giáo Sư Carl Thayer, chuyên gia Quốc Phòng của Australia nhận định: “... Một trong những yêu tố làm cho Trung Cộng còn ngần ngại thiết lập vùng nhận dạng phòng không, là vì họ chưa thật sự đủ thực lực để buộc các nước khác tôn trọng khi họ chánh thức tuyên bố”.    
Định nghĩa. Vùng Nhận Dạng Phòng Không (Anh ngữ là Air Defense Identification Zone, viết tắt tiếng Anh là ADIZ) là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không, không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng” (trích trong Wikipedia).    
Các Anh có nhận điều lạ không? Điều lạ là trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, và Ấn Độ, lên tiếng phản đối với lo ngại đường hàng hải quốc tế trong Biển Đông, thì lãnh đạo Việt Cộng im lặng hoàn toàn. Nhưng nếu nhìn từ Trung Cộng, thì Việt Cộng “đúng hướng”.   
Thứ hai.  Một giả thuyết. 
Ngay trước mắt, Việt Cộng phải đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng bởi một chuỗi căn cứ quân sự của Trung Cộng, từ đảo Hải Nam phối hợp với Hoàng Sa xuống đến Trường Sa. Điều này cho phép nhận định là Trung Cộng thường xuyên tạo áp lực buộc lãnh đạo Việt Nam phải đúng hướng theo Biên Bản Hội Nghị Thành Đô ngày 4/9/1990.
Giả thuyết.
Tôi căn cứ vào Biên Bản Hội Nghị Thành Đô mà tổ chức Wikileaks phố biến vào giữa năm 2011, tài liệu trích trong Wikipedia, trích trong hồi ký của cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Trần Quang Cơ, và trích trong bản dịch hồi ký của cựu Thủ Tướng Trung Cộng Lý Bằng. Đồng thời, căn cứ vào những sự kiện dưới đây mà tôi tin là sự thực hiện nội dung các tài liệu nói trên: 
(1) Năm 1999, lãnh đạo Việt Cộng  giao cho Trung Cộng 789 cây số vuông dọc biên giới Việt-Trung. Với các đỉnh cao nơi đây, là vị trí chiến lược phòng thủ quốc gia  
(2) Năm 2000, lãnh đạo Việt Cộng giao cho Trung Cộng 11.362 cây số vuông trên Vịnh Bắc Bộ. 
(3) Năm 2006, thành lập khu kinh tế Vũng Áng, mà bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục Trưởng Cục Việc Làm/Bộ Lao Động & Thương Binh Xã Hội xác nhận có 10.000 công nhân Trung Cộng trong tổng số 30.4000 công nhân. Vũng Áng, là một vị trí chiến lược trong phòng thủ quốc gia. 
(4) Năm 2007, giao cho nhà thầu Trung Cộng khai thác Bauxite trên Cao Nguyên Miền Trung, là một vị trì chiến lược trong phòng thủ quốc gia. 
(5) Từ năm 2011, các tỉnh đã lần lượt cho Trung Cộng thuê mướn 300.000 mẫu đất rừng dọc biên giới phía bắc mà không biết họ sử dụng làm gì, vì họ cấm người Việt Nam lai vãng. Trong khi đó, theo Giáo sư Vũ Cao Đàm (trong trang bô xít) thì có khoảng 1.300.000 công nhân -hay lính Trung Cộng- tại tất cả các công trình lớn nhỏ từ Quảng Ninh rãi rác khắp miền của đất mước đến tận Cà Mau.
(6) Năm 2013, giao cho nhà thầu Trung Cộng xây dựng “khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Chân Mây-Lăng Cô”, ngay mõm phía bắc Vịnh Đà Nẳng, một vị trí chiến lược trong phòng thủ quốc gia. Và ..v..v..  
Từ những căn cứ nêu trên, giúp tôi hình thành giả thuyết: “Trước mắt, Trung Cộng áp lực để có được một Bộ Chính Trị Việt Nam trong đại hội vào năm 2016 khả dĩ không chệch hướng theo cách nhìn của họ. 

Nếu không thành công, Trung Cộng rút kinh nghiệm Nga bị khủng hoảng trên hồ sơ Ukraine, họ sẽ không dùng quân đội đánh chiếm Việt Nam mặc dù không ngừng lên tiếng đe dọa, nhưng Trung Cộng sẽ tạo áp lực đến mức Việt Cộng không thể có những phản ứng mạnh trước những hành động gậm nhấm chủ quyền của họ trên Biển Đông. Trường hợp Việt Cộng dựa vào các quốc gia thứ 3 -nhất là Hoa Kỳ- để chống lại Trung Cộng một cách gián tiếp, và khi chống đối này dẫn đến một tình hình bất lợi cho Trung Cộng, họ sẽ áp lực mạnh hơn để thay đổi nhân sự trong Bộ Chính Trị Việt Nam cho “đúng hướng” của hội nghị Thành Đô. 

Nếu vẫn chưa thành công, Trung Cộng sẽ sử dụng nhiều chục ngàn “công nhân” của họ trên khắp lãnh thổ Việt Nam với hành động có thể đến mức bạo loạn, cùng lúc với máy bay và tàu chiến của họ biểu dương lực lượng dọc biên giới và dọc duyên hải Việt Nam, để họ mạnh tay trực tiếp sắp xếp nhân sự cấp lãnh đạo trung ương của Việt Cộng như họ muốn. Có thể nói, đó là một cuộc đảo chánh mà các quốc gia thứ 3 khó có lý lẽ để can thiệp trực tiếp. Sau đó, để theo dõi sát lãnh đạo đảng với lãnh đạo nhà nước Việt Cộng “hành động đúng hướng”, một lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng sẽ thường trực có mặt tại Việt Nam như viên Thái Thú của ngàn năm trước. Và khi mà Trung Cộng nắm lãnh đạo Việt Cộng trong tay, họ sẽ khống chế mọi hoạt động của đảng với nhà nước, và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.   
Kết luận.
Các Anh nghĩ gỉ thì nghĩ, nhưng:
Các Anh hãy nhớ, cựu Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev đã từng nói: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.”
Các Anh đừng bao giờ quên lời của Đức Đạt Lại Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng: “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoàng tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nẫy nở trên rác rưởi của cuộc đời”.
Và cũng đừng bao giờ quên rằng: Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, tháng 3 năm 2015
Phạm Bá Hoa
~~~~~~~~~~~~~~~~~~

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ 
__._,_.___

Posted by: Nhat Lung 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts