Đại Học chăn Trâu




Monday 6 April 2015

Nữ sinh đánh nhau ở Việt Nam


Nữ sinh đánh nhau ở Việt Nam

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-04-05
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
04052015-schol-girl-fight-in-vn.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh
Trong clip video quay cảnh một nữ sinh tóc ngắn đã đánh tới tấp, túm tóc một nữ sinh khác ngay trong lớp học.
Trong clip video quay cảnh một nữ sinh tóc ngắn đã đánh tới tấp, túm tóc một nữ sinh khác ngay trong lớp học.
Ảnh từ clip video post trên youtube
Gần đây, báo chí trong nước đưa tin hàng loạt về các vụ nữ sinh đánh bạn gây xôn xao dư luận. Với sự phát triển của công nghệ, các vụ ẩu đả, xô xát, hỗn chiến này được ghi lại bằng điện thoại thông minh, sau đó lan truyền trên mạng xã hội. Trong tạp chí phụ nữ hôm nay, Hải Ninh tìm hiểu tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là trong số các em học sinh nữ.
Đó là âm thanh trong một đoạn video dài gần hai phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng tại thành phố Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 9 năm ngoái. Một nhóm gồm 3-4 nữ sinh mặc đồng phục bao vây, lột quần áo, đánh đấm và giật tóc một nữ sinh khác. Đám đông vây quanh tò mò, có người quay lại cuộc ẩu đả, và chỉ một hai người lên tiếng can ngăn.
Chị Thuỳ, làm việc ở thành phố này, cũng có mặt chứng kiến vụ xô xát này. Chị thậm chí còn biết những nhân vật trong vụ ẩu đả kể trên. Chị kể:
Chị Thuỳ: Cô này yêu cái cậu con trai đó, hình như học lớp 8 hay lớp 9 gì đó. Nhưng mà cậu ấy lại không thích lại, mà đi yêu một cô khác cùng khoá. Bé kia vì thế mà đã bỏ học một tuần. Sau đó, một hôm ở cổng trường, cô này chặn đường, đuổi đánh cô bạn gái kia.
Đây không phải là lần đầu tiên chị Thuỳ chứng kiến cảnh nữ sinh đánh nhau. Một năm trước đó thôi, chị còn thấy các cô nữ sinh này cầm kiếm đuổi đánh bạn học ngoài cổng trường. Chị kể:
Chị Thuỳ: Vụ ở quê, có một cô xinh xắn thì cũng kiêu. Trong khi đó có một nhóm con gái xấu xấu nhưng lại thích chơi bời. Mấy cô này nhìn thấy cô xinh gái kia thì ngứa mắt, hỏi thì lại trả lời vớ vẩn. Thế là một hôm đi học về, các cô này cũng đứng ở cổng trường, vác kiếm đuổi nhau, đánh nhau. Đánh thì chạy.
Bạo lực giữa các em nữ thì vẫn ít hơn giữa các em nam chẳng qua là thường là bạo lực giữa phụ nữ thì nó là điều ít gặp cho nên là khi các em nữ xảy ra bạo lực nên nó cũng được nhiều người để ý hơn
Khuất Thu Hồng
Chị Thuỳ cho biết vì Quảng Ninh ở gần biên giới với Trung Quốc nên những thứ như kiếm hay súng không thiếu. Chuyện trẻ em bỏ ra vài chục nghìn hay vài trăm nghìn mua các vũ khí lậu như thế là không hề khó khăn gì. Chị Thuỳ nói, chứng kiến những cảnh đánh nhau chị cũng thấy khiếp sợ, và rằng chị không dám can ngăn vì lo lắng mấy cô nữ sinh kia sẽ vác kiếm đuổi đánh chị.
Nữ hay đánh bạn hơn nam?
Trên mạng chia sẻ video Youtube hay mạng xã hội Facebook không thiếu những video cảnh nữ sinh đánh nhau. Nào là nữ sinh đánh hội đồng ở Trà Vinh, lột áo bạn ở Quảng Ninh, hỗn chiến trong lớp học ở Đồng Nai hay đánh đập kéo lê bạn trên đường ở Đồng Tháp. Tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là giữa các em nữ dường như ngày càng tăng, với mức độ dày đặc.
Tuy nhiên, các chuyên gia về giáo dục và tâm lý lứa tuổi thì cho rằng điều đó không có nghĩa là các em nữ sinh hay đánh bạn hơn các em nam. Hơn thế nữa, hiện chưa có một số liệu chính thức nào từ xưa đến nay cho thấy tình trạng bạo lực giữa các em nữ tăng hay giảm hoặc nếu tăng thì tỷ lệ là bao nhiêu. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng giải thích:
Khuất Thu Hồng: Bạo lực giữa các em nữ thì vẫn ít hơn giữa các em nam chẳng qua là thường là bạo lực giữa phụ nữ thì nó là điều ít gặp cho nên là khi các em nữ xảy ra bạo lực nên nó cũng được nhiều người để ý hơn. Thế nên nếu mà xét tỷ lệ bạo lực của các em nữ thì không nhiều. Nhưng mà dù sao thì nó là điều rất đáng lo ngại vì rõ ràng (chúng ta ) thấy là mức độ bạo lực khá là nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho rằng phần lớn các đoạn video này đều do người trong cuộc đưa lên. Bà nói:
Nguyễn Vân Anh: (Các em) đưa những video này với hai mục đích. Một là hạ nhục đối phương mình vừa đánh, hai là muốn giễu võ giương oai rằng ta đây dám làm những việc như thế, coi nó như là việc tiêu khiển.
Trung tâm SCAGA vừa hoàn thành một dự án về xây dựng trường học thân thiện tại năm trường trung học ở Hà Nội. Dự án này nhằm để giáo dục cho các em học sinh cũng như giáo viên và phụ huynh về nạn bạo lực học đường.
Bà Vân Anh cho hay khảo sát trong dự án cho thấy tỷ lệ phần trăm các em gái thú nhận từng bắt nạt các học sinh khác cũng tương đương với các em nam chứ không nhiều hơn. Bà cho biết:
Nguyễn Vân Anh: Một em nữ cho biết em từng làm lớp trưởng. Có lẽ em ấy cũng không được giảng dạy các kỹ năng và giá trị cho đúng. Nên em ấy nghĩ rằng quyền lực của em là đi phạt các bạn và đi ghi sổ đầu bài, cho nên em dùng rất nhiều các hình thức phạt để doạ dẫm các bạn trong lớp. Hầu hết các bạn trong lớp đều sợ em và đều bị em ấy dùng quyền lực đấy để đe doạ cả. Rồi các bạn nữ khác cho biết trước đây các bạn nghĩ rằng đó là trò tiêu khiển, việc có thể bắt nạn một người yếu hơn là thú vị, và cảm thấy lý thú như một trò vui.
Bạo lực học đường
Bạo lực học đường không phải là một vấn đề mới và không chỉ Việt Nam mới có. Tuy nhiên, việc hàng loạt các video mới đây xuất hiện lan tràn trên mạng khiến người ta bắt đầu quan tâm hơn tới tình trạng này.
Trong một cái xã hội có rất nhiều bất an thì cũng khiến con người hung hăng hơn. Tron môi trường mà các giá trị đẹp đẽ thì bị coi rẻ, các giá trị về sức mạnh được hiểu là cách người ta đè bẹp và thống trị người khác thì nó cũng gây ảnh hưởng đến trẻ con
Nguyễn Vân Anh
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2012, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài lớp học. Tức là trung bình mỗi ngày có 5 vụ học sinh ẩu đả, gấp 13 lần so với một thập kỷ trước đó. Cũng theo thống kê này, cứ có khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh bạn.
Phần lớn những vụ ẩu đả này xảy ra giữa các em học sinh đang ở độ tuổi dậy thì, hay còn gọi là tuổi ẩm ương và có thể kéo dài tới năm 18 tuổi. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội tâm lý học Xã hội Việt Nam, cho biết tình trạng đánh nhau có thể xuất phát từ hàng loạt những mẫu thuẫn, biến đổi về mặt tâm lý, sinh lý mà các em không kiểm soát và thích nghi được. Tiến sĩ nói:
Huỳnh Văn Sơn: Các em không thể quản lý bản thân mình đặc biệt là quản lý về mặt cảm xúc. Hơn thế nữa với sự phát triển của công nghệ và đặc biệt là hàng loạt những sự thay đổi của cuộc sống xã hội xung quanh, khi các em tiếp nhận mà các em khó kiểm soát cũng như các em không có những bộ lọc tốt thì các em dễ dàng có những sự biến đổi về hành vi và từ đó các em có thể mẫu thuẫn, có thể xung đột, có thể bạo lực với nhau và nó trở thành những sự lựa chọn mà đôi lúc các em không muốn mà nó vẫn có thể xảy ra.
Hội tâm lý học xã hội Việt Nam cũng tổ chức một nghiên cứu về vấn đề bạo lực học đường ở tỉnh Cần Thơ và cho thấy sự khác biệt giữa quan điểm của học sinh và nhà trường về tình trạng này. Hơn 25% học sinh được hỏi cho biết rằng tình trạng bạo lực học đường diễn ra nhiều hoặc rất nhiều trong khi con số này ở giáo viên và phụ huynh chỉ ở 10%. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nói:
Huỳnh Văn Sơn: Rõ ràng hình như bạo lực học đường vẫn đang tồn tại và tồn tại một cách vừa âm thầm vừa công khai. Cái công khai ở đây đó là xảy ra các em biết nhưng mà các em có thể chưa nói hoặc là chưa phản ảnh, còn âm thầm dường như nó đang tồn tại nhưng mà là người lớn cụ thể là nhà giáo dục, và người quản lý thậm chí là các bậc cha mẹ chưa nhận ra để mà có các tác động giáo dục một cách phù hợp.
Giải thích về sự khác biệt này, ông cho rằng các bậc phụ huynh không coi vấn đề này là nghiêm trọng, còn nhà trường thì không quan tâm đầy đủ tới tâm lý, đời sống của học sinh.
Trả lời câu hỏi tại sao học sinh, đặc biệt là nữ sinh, ẩu đả nhiều như vậy, các nhà tâm lý đều cho rằng một phần là do ảnh hưởng của xã hội và sự mất lòng tin vào lẽ phải. Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc VSAGA, nói:
Nguyễn Vân Anh: Trong một cái xã hội có rất nhiều bất an thì cũng khiến con người hung hăng hơn. Tron môi trường mà các giá trị đẹp đẽ thì bị coi rẻ, các giá trị về sức mạnh được hiểu là cách người ta đè bẹp và thống trị người khác thì nó cũng gây ảnh hưởng đến trẻ con vì trẻ con chỉ là hình ảnh phản chiếu đến người lớn mà thôi.
Gia đình cũng là yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng bạo lực học đường. Bà Vân Anh cho biết trong dự án về xây dựng trường học thân thiện, trung tâm SCAGA tiếp xúc với rất nhiều em học sinh đánh hoặc uy hiếp bạn và các em học điều đó từ bố mẹ. Bà nói:
Em ấy trút giận bằng việc bắt nạn các bạn bé hơn, những bạn yếu hơn trong trường học. Bạn ấy nói bạn ấy cũng khó thay đổi khi mà vẫn bị bố mẹ đánh khi bị điểm kém hay khi mắc lỗi và cả chuyện bố mẹ sử dụng bạo lực với nhau nữa cũng là việc khiến con cái học theo
Nguyễn Vân Anh
Nguyễn Vân Anh: Em ấy trút giận bằng việc bắt nạn các bạn bé hơn, những bạn yếu hơn trong trường học. Bạn ấy nói bạn ấy cũng khó thay đổi khi mà vẫn bị bố mẹ đánh khi bị điểm kém hay khi mắc lỗi và cả chuyện bố mẹ sử dụng bạo lực với nhau nữa cũng là việc khiến con cái học theo.
Giải pháp
Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, sau hai năm của dự án, các em học sinh và các bậc phụ huynh, nhà trường đã hiểu rõ hơn về tình trạng bạo lực học đường, và đã có nhiều thay đổi qua các lớp học và các buổi tư vấn của CSAGA.
Bà Vân Anh cho rằng để giải quyết được vấn đề này, giới lãnh đạo Việt Nam cần nhìn nhận đây là một tình trạng thực tiễn, chứ không phải chỉ là những vụ việc ẩu đả đơn lẻ. Bà nói:
Nguyễn Vân Anh: Thực ra là rất cần một người lãnh đạo có tầm cỡ quốc gia về vấn đề này. Với hai mục đích, cái tiếng nói có trọng lượng của lãnh đạo cao thì nó sẽ thúc đẩy mọi người phải thực hiện những cái quy định hay trật tự về lĩnh vực đó. Thứ hai nữa là lãnh đạo cấp cao mà nói thì sẽ truyền cảm hứng để cho mọi người thấy việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con em, đến sự phát triển của gia đình và của nhà trường nữa.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cũng nhận định tương tự, rằng đã đến lúc dư luận xem xét nghiêm túc vấn nạn về bạo lực học đường. Các nhà giáo dục và phụ huynh cũng cần quan tâm tới phát triển tâm lý của các em ở độ tuổi đang phát triển và hỗ trợ cho các em kỹ năng sống tốt.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hải Ninh xin cảm ơn quý vị. Mọi đóng góp cho trang tạp chí, xin gửi về email phamn@rfa.org hoặc trang mạng xã hội tại www.Facebook.com/haininhrfa.
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts