Đại Học chăn Trâu




Thursday 30 April 2015

Việt Nam 40 Năm Dưới Chế Độ Cộng Sản (1975-2015)



Việt Nam 40 Năm Dưới Chế Độ Cộng Sản (1975-2015)

Lý Thái Hùng

 

Phần I
Năm 2015, đánh dấu đúng 40 năm ngày chấm dứt cuộc chiến Quốc-Cộng tương tàn, đẫm máu kéo dài 20 năm (1955-1975) để bước vào một trang sử mới đen tối hơn. Trang sử đầy đau thương, chết chóc, chia lìa và nước mắt, chưa từng có trong lịch sử cận đại của dân tộc, bắt đầu vào ngày 30/4/1975, với những hệ lụy còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Đã có nhiều bài vở, tập sách viết về cuộc chiến này với nhiều góc cạnh khác nhau, kể cả những truy cứu về nguyên nhân và hậu quả. Ngoài ra, cũng đã có nhiều bài viết phân tích về các chính sách của đảng CSVN đã áp dụng tại miền Nam sau năm 1975 và trên cả nước trong 4 thập niên qua, khiến cho một nửa miền Nam (vào năm 1960 kinh tế VNCH đã vượt qua Thái Lan, Miến Điện, Nam Hàn) có nhiều tiềm năng để vươn lên sau khi có được hòa bình, thì lại trở thành địa ngục vì những “kẻ thắng cuộc” thử nghiệm chủ thuyết “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa’ hoang tưởng.

PNG - 275 kb
Chiến xa của CS Bắc Việt chiếm Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 khởi đầu trang sử đen tối trong 40 năm qua (1975-2015)

Vào năm 1975, dân số cả hai miền Nam và Bắc có vào khoảng 47 triệu 638 ngàn người. 
(1) Trong khi đó dân số Thái Lan cũng vào khoảng 42 triệu 391 ngàn người.
 (2) Nhưng tổng sản lượng nội địa (GDP) của Thái Lan vào năm 1975 là 7,4 tỷ Mỹ Kim, lợi tức bình quân đầu người khoảng 175 USD/đầu người
 (3) Về phía Việt Nam vì do ảnh hưởng của chiến tranh nên GDP vào năm 1975 ước tính khoảng 4,2 tỷ Mỹ Kim và lợi tức bình quân gần bằng Miến Điện khoảng 88USD/đầu người. Tức lợi tức bình quân của người Thái vào năm 1975 chỉ gấp đôi người Việt Nam. 

Nói cách khác, 40 năm trước đây, Thái Lan và Việt Nam cùng xuất phát là những quốc gia nghèo, chậm tiến lạc hậu.

40 năm sau nhìn lại tình hình phát triển của Thái Lan và Việt Nam đã có sự chênh lệch đáng suy nghĩ. Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố năm 2014 thì Thái Lan hiện có dân số là 67 triệu 100 ngàn người, GDP năm 2013 là 387, 3 tỷ USD và lợi tức bình quân đầu người là 5,772 USD/người. Trong khi đó dân số của Việt Nam là 89 triệu 200 ngàn người, GDP năm 2013 là 135 tỷ USD và lợi tức bình quân 1,513 USD/người.

Như vậy 40 năm sau phát triển, lợi tức bình quân của người dân Thái Lan tuy chỉ hơn 3,8 lần lợi tức của người Việt Nam, nhưng người Thái đang làm chủ thật sự cuộc sống và bước vào ngưỡng cửa của quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, người Việt Nam vẫn cỏn loay hoay với bài toán xóa đỏi giảm nghèo từ năm 2002 cho đến nay chưa xong. 

Theo cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thì mặt trái của tình trạng phát triển hiện nay của Việt Nam có nguy cơ đe dọa sự bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng tăng.

Nói cách khác là chính sách phát triển của CSVN hiện nay chỉ làm giàu cho một thiểu số ở trong guồng máy lãnh đạo và thân nhân của họ vì có điều kiện sang đoạt tài sản quốc gia, đặc biệt là thị trường địa ốc dưới các hình thức chuyển nhượng, đấu thầu, cổ phần hóa, trong khi thu nhập của đa số người dân vẫn còn rất nghèo. 

Hiện có khoảng 14,3% người dân Việt Nam (non 13 triệu) sống dưới 2 USD/ngày.

Đây là thực trạng của Việt Nam sau 40 năm dưới chế độ Cộng sản Việt Nam. Thực trạng này thay đổi theo từng giai đoạn CSVN áp dụng những chính sách cải tổ qua 4 thời kỳ như sau:

Thời Kỳ I (1975 – 1984): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN vô cùng ngạo mạn sau chiến thắng miền Nam nên đã phung phí tài nguyên, nhân lực vào những tham vọng không tưởng, trong việc xây dựng “Liên Bang Đông Dương” để làm bàn đạp nhuộm đỏ Đông Nam Á. Việt Nam trong thời kỳ rơi vào tình huống phá sản toàn diện.
Thời Kỳ II (1985-1994): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN phải rút quân ra khỏi Campuchia và mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài để vận động đầu tư cứu nguy sự phá sản kinh tế, sau khi Gorbachev cho phép “đổi mới”. Đây cũng là lúc Hà Nội bỗng chốc rơi vào hoàn cảnh mồ côi sau khi khối Cộng sản Liên Xô tan rã nên phải quay lại khấu tấu Bắc Kinh.
Thời Kỳ III (1995-2004): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN mở rộng quan hệ với các quốc gia trên thế giới sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và nối lại quan hệ bình thường từ năm 1995. Nhờ bang giao với Hoa Kỳ, CSVN đã bình thường hóa quan hệ với nhiều quốc, gia nhập vào một số cơ chế thương mại quốc tế giúp cho tình hình kinh tế phát triển và ổn định trở lại.
Thời Kỳ IV (2005-2014): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN mơ ước theo chân Nam Hàn và Trung Cộng, gom hơn 3000 công ty quốc doanh để thành lập các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty như những pháo đài đẩy mạnh phát triển Việt Nam thảnh quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020. Giấc mơ hóa rồng đã hoàn toàn sụp đổ vì những tham lam và ngu dốt của lãnh đạo và đang đẩy xã hội rơi vào tình trạng đột biến khó lường.

 
THỜI KỲ I: 1975-1984:
Đất Nước Phá Sản Toàn Diện và
Phong Trào Chống Cộng Bộc Phát

Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc trước sự sụp đổ “quá nhanh” của miền Nam, theo một chuỗi những biến động khởi đầu từ sau tết Ất Mão. Sự kiện miền Nam, đặc biệt là Thủ đô Sài Gòn đã không có hiện tượng “tắm máu” khi quân cộng sản Bắc Việt tiến chiếm vào ngày 30/4 càng khiến cho những người lãnh đạo ở miền Bắc “say men” chiến thắng và ngạo mạn tự coi mình “đứng trên đỉnh cao trí tuệ của loài người”.

Bên cạnh việc áp dụng những chính sách đàn áp và trả thù đối với quân cán chính miền Nam, lãnh đạo Hà Nội, nhất là Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng Lao Động vào lúc đó, đã cuồng vọng nghĩ rằng họ sẽ dễ dàng cải tạo xã hội Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp xã hội chủ nghĩa trong vòng 20 năm, qua mặt cả Nhật Bản.

PNG - 79.1 kb
Lê Duẩn lãnh đạo CSVN miền Bắc chủ trương đánh chiềm miền Nam bằng mọi giá
Bất chấp tình trạng khác biệt về kinh tế, mô hình xã hội, tâm lý dân chúng của hai miền, lãnh đạo Hà Nội đã vội vã thống nhất Nam Bắc vào năm 1976 và đề ra chủ trương triệt để cải tạo miền Nam. Trong buổi lễ gọi là “mừng chiến thắng miền Nam” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/5/1975, Lê Duẩn đã đọc bài diễn văn khẳng định như sau:
“Chúng ta có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để khắc phục mọi khó khăn, vươn lên những đỉnh cao của thời đại, biến đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề và trên đó đế quốc Mỹ đã gieo biết bao tội ác, thành một nước văn minh, giàu mạnh, thành trì bất khả xâm phạm của độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương và Đông Nam Á.”

Với tham vọng đó, từ đại hội đảng kỳ IV (1976), Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã đưa ra chủ trương cải tạo cả nước để “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa” bằng cách:
Về chính trị, triệt để cải tạo xã hội nhằm xây dựng nhà nước vô sản chuyên chính dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN,

Về kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN) để quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa,
Về giáo dục – văn hóa, đẩy mạnh giáo dục tư tưởng XHCN, chống tư tưởng tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa của chủ nghĩa thực dân ở miền Nam, đào tạo những con người mới XHCN “hồng hơn chuyên”,
Về đối ngoại, tăng cường mối quan hệ mật thiết với các nước XHCN anh em, thực hiện nghĩa vụ vô sản quốc tế, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ.
JPEG - 26.5 kb
Quang cảnh người dân chờ mua hàng ở khu quốc doanh tại Sài Gòn sau năm 1975.

Với những đường lối nói trên, lãnh đạo CSVN đã không những không xoa dịu vết thương chiến tranh như họ rêu rao tuyên truyền trong thời kỳ chiến tranh là “hòa hợp, hòa giải” dân tộc, mà còn làm phân hóa thêm tiềm lực dân tộc, tạo ra những hận thù mới bao trùm lên cả nước qua những chính sách đối nội và đối ngoại vô cùng sai lầm, đại cương gồm: a/ bế quan tỏa cảng với thế giới trong những năm đầu sau 1975 để bưng bít những chính sách trả thù người của chế độ cũ; b/ bóc lột và bần cùng hóa nhân dân; c/ chính sách trả thù và dùng khủng bố để cai trị.

Cụ thể, CSVN đã thi hành những điều sau:
A. Về mặt đối nội: lãnh đạo CSVN Bắc Việt đã khống chế cả nước trong gọng kềm “xã hội chủ nghĩa” qua việc:
1/ ĐỔI TIỀN:

Vào thời điểm tháng 4/1975, lượng tiền mặt trong ngân khố Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có hơn 1000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD, và lượng tiền mặt được lưu hành trong dân chúng khoảng 615 tỷ đồng. Tại Sài Gòn, ngay chiều 30/4/1975 hầu hết các Ngân hàng đều bị niêm phong. Sáng ngày 1/5, Ủy ban quân quản ra lệnh “quốc hữu hóa” toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Ngày 6/6, chính phủ lâm thời miền Nam ra quyết định thành lập ngân hàng quốc gia cộng hòa miền Nam cử ông Trần Dương làm thống đốc, nhưng trong thực tế thì lúc này chính quyền miền Bắc đã kiểm soát toàn bộ hệ thống ngân hàng. Sau khi kiểm soát ngân hàng, CSVN tung chiến dịch đổi tiền nhằm vào 3 mục tiêu: 1/ thiết lập chế độ tiền tệ mới; 2/ ngăn chận giai cấp tư sản sử dụng tiền mặt thao túng thị trường, 3/ tước đoạt phương tiện hoạt động của gián điệp, tình báo. Vì lo sợ những người có nhiều tiền mặt lén nhờ vả người thân, bạn bè đi đổi tiền dùm nên CSVN đã giữ kế hoạch đổi tiền rất bí mật và chỉ cho đổi trong vòng non 12 tiếng đồng hồ vào ngày 22/9.

Mỗi gia đình được đổi tối đa 100 ngàn đồng VNCH ra 500 đồng tiền mới. Tiểu thương có thể đổi thêm 100 ngàn đồng nữa. Những xí nghiệp được đổi 500 ngàn đồng. Số tiền cũ còn lại thì đổi ra tiền mới và phải ký thác vào ngân hàng. Trương mục sau đó bị khóa cho đến đầu năm 1976 mới cho phép rút 30 đồng tiền mới mỗi tháng. Tuy nhiên đến tháng 12/1976 thì lại khóa trương mục và dân chúng không được rút tiền ra nữa. 

Thủ đoạn ăn cướp này được CSVN tổ chức rất công phu tại Sài Gòn, huy động gần 50 ngàn cán bộ và bộ đội tham gia. Tối ngày 21/9, CSVN đã điều động 10 ngàn cán bộ ngành ngân hàng, 11,921 bộ đội để giữ an ninh và 35,000 thanh niên xung phong được đưa đến các quận, các khu vực mà không cho biết trước sẽ giao nhiệm vụ gì.

Những người này phải kê khai tất cả tiền bạc, tư trang mang theo và từ đó bị giữ lại không cho về nhà. Trong đêm 21/9 họ được hướng dẫn chi tiết các nhiệm vụ phải làm và đúng 2 giờ sáng ngày 22/9 được đưa đến ngồi ở các bàn kê khai đổi tiền.

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 21/9, đài phát thanh Sài Gòn cho biết là kể từ ngày mai, 22/9, chính phủ lâm thời miền Nam ra lệnh cấm lưu hành tiền VNCH có mệnh giá trên 50 đồng và phải đổi sang tiền mới. Đài phát thanh cũng yêu cầu dân chúng phải về nhà trước 11 giờ đêm để đợi thông báo quan trọng. 

Lúc 2 giờ sáng ngày 22/9, đài phát thanh loan tin quy định đổi tiền sẽ bắt đầu từ 5 giờ sáng kéo dài đến 11 giờ trưa. Nhưng số người dân đến sắp hàng quá đông và cán bộ chỉ mới được hướng dẫn không quen việc kê khai, duyệt xét, nên CSVN đã phải triển hạn đến 21 giờ đêm 22/9.

Đến ngày 23/9 các quận bắt đầu thu tiền cũ, đổi tiền mới cho đồng bào nhưng do tình hình phức tạp, người dân vẫn kéo đến xin kê khai vì làm chưa kịp. Tuy nhiên CSVN quyết định ngưng không cho kê khai nữa. Hệ quả là cả nước cùng “bình đẳng” trong đói nghèo. Có người mất trắng cả tài sản, phẫn uát tự tử toàn gia đình. Chính sách cai trị hà khắc bằng bao tử bắt đầu từ đây. Chủ nghĩa xã hội đã được người dân báng nhạo là “Cả Nước Xuống Hố”.

2/ TÙ CẢI TẠO:
Ngay sau khi kiểm soát toàn thể miền Nam, ngày 5/5/1975 Ủy ban quân quản ra mệnh lệnh số 1 về việc trình diện, kê khai và nộp vũ khí của quân cán chính miền Nam. Tất cả sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo trong thành phố Sài Gòn và Gia Định phải ra trình diện từ ngày 8/5 đến 31/5. Tại Sài gòn có 443 ngàn người trình diện chiếm gần một nửa trên tổng số người ra trình diện vào lúc này trên toàn miền Nam.

Một tháng sau khi chiếm miền Nam, ngày 31/5/1975 CSVN ra thông cáo buộc các quân cán chính VNCH phải trình diện học tập: 1/Cấp hạ sĩ quan, nhân viên phường, xã học tập ba ngày; 2/Cấp ủy và nhân viên cấp quận học tập 10 ngày; 3/Cấp Tướng, Tá, Lãnh đạo các đảng phái chính trị học tập 1 tháng.

Hạ sĩ quan binh lính và nhân viên quận, xã, khóm, phường đi học tập 3 ngày từ 11/6 đến 13/6. Sau 3 ngày học tập, họ đã được cấp giấy chứng nhận và cho về nhà. Thủ đoạn này khiến cho nhiều người tin là việc tập trung cải tạo không có gì nguy hiểm nên rủ nhau đi học. 

Cấp Tướng, sĩ quan, lãnh đạo các đảng phái, trí thức phải tụ họp từ ngày 18 đến 20, chỉ mang theo 21 kí lô lương thực và một số bộ quần áo thay đổi trong vòng 1 tháng học tập. Đây là sự tráo trở đầu tiên của CSVN nhằm đánh lừa để có nhiều người tin tưởng ra trình diện, rồi chính họ và gia đình mòn mỏi trông chờ ngày về.



No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts