NGƯỜI DÂN MONG CHỜ GÌ Ở BẦU CỬ
TRONG ĐẢNG
Tô Văn Trường
Vấn
đề lớn nhất vẫn là Đảng bầu trong nội bộ với nhau nhưng kết quả lại là chọn ra
những vị trí để lãnh đạo nhân dân và xã hội, thiếu tính chính danh. Bao giờ
người dân mới được trực tiếp bầu lên những người lãnh đạo mình như các thể chế
dân chủ phổ quát trên thế giới?
Nếu
nói là cần 1 thời kỳ “toàn trị quá độ” rồi mới đến dân chủ thực sự thì
cũng cần cho dân biết kế hoạch của Đảng là thời kỳ đó kéo dài bao lâu? Đến khi
nào, với những điều kiện gì thì thực sự trả lại quyền làm chủ xã hội cho các
công dân của mình và khi nào Quốc hội mới thực sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất
của Nhà nước?
T.V.T.
Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo đàng hoàng,
tài giỏi. Ở Việt Nam thì mong muốn này càng nóng bỏng, vì nhiều năm nay chúng
ta thiếu vắng những vị lãnh đạo tầm cỡ, có nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh, là
yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của dân chủ là bầu cử. Có
nhiều kiểu bẩu cử để lựa chọn lãnh đạo, thủ lĩnh (Tổng thống, Thủ tướng hay
Tổng Bí thư Đảng như ở ta) của một quốc gia, như: bầu trực tiếp, bầu gián tiếp
thông qua đại cử tri, hoặc các đảng phái.
Cách làm nhân sự qua các kỳ đại hội Đảng cho ta thấy tư duy, não trạng
không thay đổi, tức là từ đường lối đến nhân sự, cả chức Tổng Bí thư đều đã có
“sắp đặt trước”. Cách bầu cử (thể thức) tự nó cho kết quả theo hướng nào. Chế
độ cha truyền con nối, cha bầu cho con thì ra Vua. Nhóm bầu cho thì ra nhóm
trưởng. Toàn dân bầu cho thì ra lãnh tụ. Tuy nhiên, cách bầu còn tùy vào thời
đại, vào trình độ phát triển của cộng đồng.
Dân tộc ta, ai cũng mong muốn đất nước phát triển bền vững, giữ
vững độc lập chủ quyền, có khả năng ứng phó với mọi thách thức của thời đại, hòa
nhập được với cộng đồng tiên tiến trên thế giới trên cơ sở một nền tảng kỹ trị
và thượng tôn pháp luật. Người dân cho rằng ta phải dân chủ hóa công tác bầu cử
trong Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương cùng với việc thay đổi thể chế. Dân
chủ hóa sẽ tạo ra con người mới và con người mới sẽ tạo nên thể chế mới phù hợp
với mục tiêu phát triển đất nước. Đây có lẽ là chiếc chìa khóa vàng mở ra cơ
hội lớn cho đất nước phát triển trong bối cảnh hiện tại bởi vì trong Đảng không có dân chủ thì Đảng
cũng không thể phổ biến và thực hiện dân chủ đối với toàn xã hội.
Dân chủ bầu cử trong Đảng là con đường ít tai biến nhất, ít “bạo
lực” và văn hóa nhất. (Có thể tham khảo thêm ở bài viết “Một số ý kiến về quy
chế bầu cử trong Đảng” – tác giả Tô Văn Trường đã phân tích một số điểm bất cập
trong Quy chế 244 QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một
số quy định hạn chế quyền ứng cử, đề cử, bầu cử trái với Điều
lệ Đảng hiện hành).
Muốn tìm được một Tổng Bí thư đủ tài đức cùng một ê kíp lãnh
đạo đủ năng lực thì ta phải làm gì?
Trước tiên, là phải thay đổi hình thức và nội dung bầu cử. Đảng
viên được tự ứng cử và đề cử theo những điều kiện nhất định (ví dụ tuổi đảng tùy
theo chức danh cần bầu, số đảng viên giới thiệu, có chương trình hành động được
công bố…). Đảng viên được đưa ra đường hướng, cách thức giải quyết vấn đề trong
đảng và xã hội theo suy nghĩ cách riêng của mình trên cơ sở nguyên tắc
đảng.
Các đại cử tri của Đảng chính là các đại biểu được bầu ra một cách
dân chủ ở cấp cơ sở các vùng miền (các khu vực bầu cử, theo quy chế phổ thông
đầu phiếu trên số lượng đảng viên). Các vị trí bầu đều phải có số dư – tức là
phải có cạnh tranh công khai thì mới có nhiều hơn 1 sự lựa chọn cho những người
bỏ phiếu.
Trước khi bầu tại đại hội nhiệm kỳ, các ứng viên vào các vị trí
chủ chốt trong Đảng cần được tổ chức tranh cử và vận động bầu cử trong Đảng, phát
biểu những suy nghĩ của mình về những vấn đề trọng đại nhất của đất nước, tranh
luận trực tiếp giữa các ứng viên hàng đầu. Nếu không có cạnh tranh lành mạnh
giữa những nhóm người với chủ trương, chính sách khác nhau, không có sự sòng
phẳng, công khai trong việc thuyết phục mọi người tin theo chủ trương, chính
sách của mình là hợp lý, hiệu quả hơn cả, không có sự kiểm nghiệm trên thực tế
về tính đúng đắn hay sai lầm không thể chối cãi của các chủ trương, chính sách
đó thì hầu như mọi sự lựa chọn nhân sự đều rất khó để dẫn tới kết quả mà
người dân chờ đợi.
Sau khi thảo luận, sẽ bầu. Cách làm này còn tạo ra chất lượng mới trong
nội dung văn kiện của đại hội. Dứt khoát không nên họp Đại hội chỉ để “quán
triệt” các thứ đã được bầy lên mâm sẵn rồi. Làm sao có thể bắt dân phải tâm
phục, khẩu phục khi nhìn thấy người lãnh đạo tư duy xơ cứng, không biết đặt
quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên tất cả, không đủ tầm vóc của “một
người lo bằng cả kho người làm”. Tôi được nghe kể có vị lãnh đạo ở tỉnh được
rút lên Trung ương trong diện quy hoạch vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Trước
khi từ biệt chia tay cán bộ địa phương, vị này phát biểu cảm tưởng chỉ xoay
quanh mấy câu cám ơn mà cũng phải nhìn vào tờ giấy để đọc do thư ký soạn sẵn,
thật đáng lo ngại cho công tác quy hoạch nhân sự của Đảng.
Nếu Đảng không đủ năng lực tiến hành Đại hội như nội dung nêu
trên, thì nên có một bước chuẩn bị. Thay vì những việc phải làm ở Đại hội, thì làm
trước tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương và làm cho kỹ, rồi sau đó đưa ra
Đại hội.
Thật ra vấn đề bầu chọn người tài không khó, nhưng vô cùng khó ở
chỗ việc tổ chức bầu không nhằm mục đích làm cái công việc tuyển chọn, mà chỉ
làm cái việc hợp thức hóa “các ghế” đã chia phần từ trước. Đây mới là cái gốc
của khó khăn và sự bất ổn trong xã hội. Cứ làm theo cách quen thuộc lâu nay thì
dễ cho kết quả của một “bộ lọc ngược” khá kỳ dị.
Sẽ không khó nói dân cần một người lãnh đạo như thế nào. Chính
những người lãnh đạo yếu kém cũng có thể nói như vậy qua việc vạch ra cái gọi là
“tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo”. Nhưng chỉ nêu ra để đấy, còn trong thực tế, họ ra
quyết định về cán bộ,với nguyên tắc thỏa hiệp theo lợi ích nhóm.
Người dân thường tự hỏi thời buổi này sao hiếm ông quan biết
thương dân, dù nhiều ông quan cũng từ dân mà ra? Hình ảnh ông Nguyễn Sự, Bí thư
thành ủy Hội An có cuộc sống thanh bạch, là người tâm huyết biết sống thương
yêu dân, có trí tuệ đưa được nhiều quyết sách đột phá và hiệu quả trong quản lý
và điều hành ở địa phương thật đáng trân trọng.
Nêu con người cụ thể như ông Nguyễn Sự ở Hội An để ta dễ hình dung
chứ không thể là hình mẫu được vì còn tùy thuộc địa bàn lớn, nhỏ và môi trường
làm việc. Lựa chọn lãnh đạo đất nước chỉ có thể hỏi dân là chính xác nhất,
không cơ quan tuyển chọn nhân sự nào làm thay được quốc dân.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks