VÀI SUY NGHĨ VỀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC NHÂN ĐỌC CUỐN TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM - Phần 1
Phạm Hoài Nam
Tác phẩm Tôi tự hào là người Việt Nam (TTHLNVN) được ra mắt tại Việt Nam vào tháng
8 năm 2014. Có lẽ tại Việt Nam từ sau tháng 4/1975 đến nay, hiếm có một cuốn
sách nào được tổ chức ra mắt rầm rộ như cuốn sách này.
Các cơ quan truyền thông lớn trong nước đều quảng bá quyển sách
này và tường thuật 2 buổi “tọa đàm” về tác phẩm tại Sài Gòn ngày 30/8 và Hà Nội
ngày 27/9/2014, với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng và các đại diện của
chính quyền.
Đọc tin trong nước và nghe qua YouTube bàn tán nhiều về cuốn sách
này quá, cho nên vì tò mò, tôi nhờ một người ở VN mua dùm gởi qua.
Theo chủ
biên Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tác phẩm này là điểm
khởi đầu cho dự án lâu dài, nhiều cuốn “tự hào” khác sẽ được ra đời: “Doanh nhân tự hào là người Việt
Nam” (2015), “Trí
thức tự hào là người Việt Nam” (2016), “Người Việt Nam ở nước ngoài tự hào là người Việt Nam”
(2017), “Văn
nghệ sĩ tự hào là người Việt Nam” (2018), “Thanh niên tự hào là người Việt
Nam” (2019), “Lãnh
đạo mọi cấp, mọi nơi tự hào là người Việt Nam” (2020) và còn nữa.
Tác phẩm bao gồm 35 bài viết của 33 tác giả. Mỗi tác giả đại diện
cho một lãnh vực: giáo dục, văn hóa, văn nghệ, trí thức, sử học, y tế, công
nghệ, báo chí, tâm lý học, tư duy chiến lược, quốc phòng… phản ảnh mọi khía
cạnh của xã hội ngày nay. Trong số 33 người này có 16 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 1
thượng tướng, còn lại đều có bằng cử nhân. Phần lớn các tác giả là những người
nổi tiếng tại Việt Nam như chủ biên cuốn sách là tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, đang
là Tổng Giám Đốc công ty sách Thái Hà; Đặng Lê Trung Vũ là chủ Cà Phê Trung
Nguyên; Dương Trung Quốc là sử gia, cũng từng là Đại Biểu Quốc Hội; Nguyễn Hữu
Thái Hòa là Giám Đốc Chiến Lược của Tập Đoàn FPT; Hùng Cửu Long và Phạm Phú
Ngọc Trai là hai đại gia nổi tiếng hiện nay v.v…
Theo tiểu sử đăng trong phần đầu của cuốn sách (tr. 3-18), phần
lớn các tác giả làm việc cho các cơ quan nhà nước và một số là doanh nhân. Nói
chung tất cả đều thuộc thành phần ưu tú nhất của đất nước VN hiện nay. Riêng
ông chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng đang là thần tượng của giới trẻ VN hiện nay, được
ngưỡng mộ đến mức có cả “Hội
những người là học trò của Thầy Nguyễn Mạnh Hùng” (1).
Trong số 35 bài viết, theo tôi, chỉ có 2 bài hay là “Niềm tin vào con người Việt”
của Alan Phan, và “Nước
Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” của Lương Hoài Nam.
Bài “Niềm tin
vào con người Việt” ông Alan Phan đã viết từ năm 2011, cho nên
không phải là bài ông viết riêng cho cuốn TTHLNVN. Tương tự bài “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không
nhỏ?” của ông Lương Hoài Nam đã viết từ năm 2013 cho diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ”,
cho nên những chi tiết trong bài viết này không nói về niềm tự hào dân tộc mà ở
một phía cạnh khác, trong đó ông trình bày rất thẳng thắn về hiện tình của đất
nước hôm nay, ngay cả đề nghị “cần
phải có cơ chế thật sự dân chủ và tự do” (tr.62). Tôi đã từng đọc
qua một số bài viết khác của ông và luôn dành cho ông một sự kính trọng.
Riêng ông Alan Phan (đại diện cho cộng đồng người Việt ở nước
ngoài), tôi thật ngạc nhiên về sự có mặt của ông trong cuốn sách này. Bài của
ông “Niềm tin vào con
người Việt”, viết về sự thành công của một người Việt ở Mỹ. Đây
không phải là bài hay trong số các bài viết của ông.
Ngoại trừ bài này, những bài viết khác của ông Alan Phan đều “móc”
chính quyền CS, đôi khi có những lời lẽ rất thâm, rất nặng. Càng về sau ông
càng nói mạnh hơn. Trong bài “Những
So Sánh Bất Tiện…” vào tháng 11/2014, ông kết luận bài viết bằng
câu: “Cả 90 triệu người
đang bị lưu đày trên quê hương của họ.”, điều đó cho thấy ông khó
có thể “tự hào là người Việt Nam” trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.
Những nhận xét tổng quát của tôi dưới đây không bao gồm bài của
ông Alan Phan và Lương Hoài Nam.
Nhận xét tổng quát về tác phẩm:
Về hình thức - nhìn chung, sách trình bày không được đẹp lắm, giấy xấu, không hợp
lý khi để tên tác giả cuối bài viết.
Về nội dung nói chung:
- Kiến thức kém so với bằng cấp của các tác giả
- Quá coi thường độc giả
- Nhiều “niềm tự hào dân tộc” nêu ra mơ hồ, viễn vông
- Đặt nặng tính chất chính trị
- Hoàn toàn né đụng chạm đến chính quyền
- Nhiều nghịch lý trong cách lý luận
- Nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau, có khi chỉ câu trước câu sau
- Nhiều dữ kiện trình bày không có bằng chứng
- Vẫn còn phân biệt giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”
- Không cho biết nguồn của các các chi tiết quan trọng để độc giả
có thể kiểm chứng
Điểm đáng nói đầu tiên là nhiều tác giả coi thường độc giả quá. Có
những kiến thức rất căn bản lại sai, chẳng hạn như: A.Pazzi là tác giả của “Người Việt cao quý” (tr.260),
ông Đỗ Đức Cương là người đã phát minh ra máy ATM (tr.44), Trần Hưng Đạo, Võ
Nguyên Giáp nằm trong danh sách 10 tướng lãnh xuất sắc nhất trong lịch sử nhân
loại (tr.40), “Mục sư King
đã bị bắn chết trong lúc diễn thuyết kiêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh
phi nghĩa ở Việt Nam” (tr.70). v.v…
Đây là những kiến thức mà một người bình thường đều biết, nếu
không thì chỉ cần bỏ ra vài phút là có ngay câu trả lời trên Google.
Cách chọn lựa bài của chủ biên làm cho cuốn sách mất giá trị,
nhiều bài phẩm chất quá kém, có những bài lý luận không hợp lý chút nào, có
những bài người đọc có cảm tưởng như tác giả đang trong cơn lên đồng, chẳng hạn
như bài “Đặt vấn đề cho
sống còn phát triển Việt Nam” của tác giả Hùng Hữu Long
(tr.387-393), có những bài viết cho người đọc có cảm tưởng như tác giả đang
sống ở một hành tinh nào khác chớ không phải ở Việt Nam, có những bài quá lỗi
thời trong thế giới văn minh ngày nay như bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, bài ca ngợi tinh thần hỗ trợ doanh nhân của Hồ Chí Minh. Bài “Thành Hoàng làng Hạ” của
tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, đại diện cho giáo dục nhưng nội dung lại phản tinh
thần giáo dục v.v...
Mặc dầu trong “Lời
nói đầu” (tr.29-35) của chủ biên nói rằng cuốn sách này là niềm tự
hào chung của tất cả người VN bao gồm mọi giới, cả người trong nước lẫn người
ngoài nước nhưng nội dung cuốn sách vẫn còn nặng chính trị như bài “Một bài phỏng vấn Đại Tướng Võ
Nguyên Giáp” (tr.127-133) về việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh,
và bàng bạc trong cuốn sách vẫn nhắc đến niềm tự hào “đánh Mỹ cứu nước”. Thậm
chí ông chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng dự định sẽ ra mắt cuốn “Doanh nhân tự hào là người Việt
Nam” vào “nhân
dịp ngày 30/4/2015 – 40 năm ngày thống nhất đất nước” (tr.33), như
nhắc lại vết thương của hằng triệu người Miền Nam và đại đa số người Việt ở hải
ngoại. Vậy làm sao có thể kêu gọi họ tự hào về đất nước mình.
Một đặc điểm khác của cuốn sách này là né tránh những “vấn đề nhạy
cảm”. Mặc dầu có những bài nêu ra những yếu kém của VN so với thế giới, những
xuống cấp của xã hội ngày nay, những cảnh người Việt bị kỳ thị ở Nga, bị coi
thường ở Nhật… nhưng tuyệt đối không ai nêu ra trách nhiệm của chính quyền.
Nói chung nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế của một cuốn sách xuất
bản rộng rãi cho quần chúng, thì cuốn sách này không đáp ứng được những đòi hỏi
căn bản.
Đòi hỏi tối thiểu của một sách là tất cả các nguồn (source, reference)
phải ghi xuống, và những chi tiết quan trọng phải cho người đọc biết trích dẫn
từ đâu để nếu cần họ có thể kiểm chứng. Cuốn sách này hoàn toàn thiếu điều đó.
Đây là trách nhiệm của chủ biên.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất sau khi đọc qua cuốn sách này là khả
năng và tư cách đạo đức nghề nghiệp của ông Tiến sĩ Chủ biên Nguyễn Mạnh Hùng
thể hiện qua cách chọn bài và 3 bài viết của ông. Ông coi thường người đọc quá.
Ông ca ngợi người Việt giống như ông đang sống tại nơi tại nào đó trên thế giới
này, chớ không phải trên mảnh đất Việt Nam, chẳng hạn như bài “Người Việt và lý thuyết cây tre”
(tr.343-349) nêu ra 20 đức tính tốt của người Việt Nam. Bài “Tôi tự hào là người Việt Nam”
(tr.37-45), nêu ra khoảng 40 điều mà người VN nên tự hào về đất nước mình. Trên
thế giới này khó có dân tộc nào có đến 20 đặc tính tốt như ông nêu ra và hiếm
có quốc gia nào có nhiều thứ để tự hào như ông nói. Thật sự, trong những tự hào
ông nêu ra đó có nhiều tự hào không đúng sự thật, có những tự hào chỉ gây thêm
chia rẽ giữa người Việt, có những tự hào đúng ra phải lấy làm xấu hổ.
Cả 3 bài viết của ông Nguyễn Mạnh Hùng không thể hiện tính chất
chuyên nghiệp, có những chi tiết sai rất căn bản, nhiều nghịch lý trong cách lý
luận, nhiều chi tiết không đáng tín và không ghi nguồn trích từ đâu để người
đọc có thể kiểm chứng. Điều mỉa mai nhất là nếu người VN tốt đến mức như ông
nói, thì cả thế giới đã biết rồi, họ đã kính nể và ngưỡng mộ người VN có thể
hơn cả người Nhật, thì cần gì phải phát động thành một phong trào như ông đang
làm và sẽ làm, để hy vọng “Tôi
muốn sẽ đến một ngày, Hai tiếng Việt Nam được thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ”
(tr.384).
Nếu quan niệm đây là cách tự hào riêng của người VN, cuốn sách này
được viết ra để người Việt “tự sướng” với nhau, thì không có gì để nói. Nhưng
nếu quan niệm như một số tác giả trong cuốn sách hay như ông Lê Doãn Hợp,
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, phát biểu trong buổi tọa đàm “Tôi tự hào là người Việt Nam” ngày
27.8.2014 tại Hà Nội: “Chủ
đề này cần trở thành một cú hích, tác động vào mỗi cá nhân, để thế giới ngưỡng
mộ chúng ta hơn”, (2) thì đối với một người Việt còn tự
trọng phải xét lại - đây là cuốn sách để tự hào hay để xấu hổ!
Ông tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đang là chủ tịch của Công Ty Cổ Phần
Sách Thái Hà, dĩ nhiên với địa vị này, ông bắt buộc phải có liên hệ với chính
quyền, không ai có thể đòi hỏi ông không làm theo những đòi hỏi của họ, nhưng
ít ra ông cũng phải thể hiện một chút sĩ khí của người trí thức trước hiện tình
đất nước.
I. Khái niệm về niềm tự hào dân tộc.
Cái khó nhất đối với một người phê bình cuốn sách này là có quá
nhiều bài viết và khó hơn nữa là hầu hết những bài viết đều có nhiều chi tiết
sai và nhiều điều dễ gây tranh cãi. Cho nên trong phạm vi bài viết này tôi chỉ
tập trung vào vài bài chánh.
Bất cứ dân tộc nào cũng có những cái để tự hào. Không nhất thiết
phải tự hào về những thành tựu vĩ đại mà tự hào vì đó là nơi mình đã sinh và
lớn lên với những nét đặc thù được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cũng giống mọi sắc dân khác, người Việt nào cũng muốn tự hào về
quê cha đất tổ. Ai cũng mong muốn đất nước mình giàu đẹp, văn minh có thể sánh
vai cùng thế giới và không cảm thấy tủi hổ nhắc đến hai chữ “Việt Nam”.
Tự hào về quê hương là tình cảm tự nhiên. Tự hào giúp cho chúng ta
có thêm niềm tin khi đất nước phải đương đầu với những thử thách, khi đứng
trước những khúc quanh của lịch sử và những giai đoạn chuyển mình của đất nước.
Tự hào cũng là chất keo nối kết dân tộc lại trước hiểm họa xâm lăng của ngoại
bang, và càng cần thiết hơn nữa khi đất nước phải xây dựng lại từ đống tro tàn.
Thế nhưng phải tự hào trong sự tự trọng. Tự hào đúng với những với
những gì mà mình xứng đáng. Những gì tự hào phải là những điều có thật, chớ
không là những điều hoang tưởng viễn vông. Phải tự hào trong ý thức và sự tỉnh
táo để không bị lợi dụng.
Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, tự hào về dân tộc mình để có
thêm tự tin hòa nhập vào cộng đồng thế giới chớ không phải để chứng tỏ dân tộc
mình hơn dân tộc khác, trong thế giới ngày nay sẽ không có chỗ cho tinh thần
dân tộc mù quáng, tự cao về dân tộc mình và đòi hỏi những dân tộc khác phải “nghiêng mình ngưỡng mộ”.
Trước khi tự hào về dân tộc mình phải hành xử như những con người văn minh, có
tư cách của công dân toàn cầu, góp phần giúp thế giới này được nhân bản và tử
tế hơn.
Đáng tiếc là trong 60 năm qua, người VN là nạn nhân nhiều lần của
chiêu bài “tự hào dân tộc” bởi những kẻ đầu cơ chính trị núp dưới danh nghĩa
“làm cách mạng”, khiến cho dân tộc VN ngày nay không còn là một dân tộc đáng tự
hào mà như một thân xác mang trên người đầy thương tích, lại thêm chứng bệnh
hoang tưởng trầm trọng.
Khi nói về niềm tự hào dân tộc, người viết xin nêu 2 quan điểm
dưới đây:
1/ Nhiều người cho rằng
đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ cai trị đất nước có 60 năm, là một giai đoạn rất
ngắn trong quá trình lịch sử kéo dài 4000 năm. Chính vì vậy niềm hào dân tộc
phải được nhìn với chiều dài của lịch sử chớ không nên nhìn ở một giai đoạn
nhất thời.
Chỉ có hiện tại mới quan trọng, mới là những gì chúng ta hãnh diện
hay xấu hổ. Quá khứ dù có vẻ vang đến đâu thì cũng vẫn là dấu tích của một
thời. Người ta sống với hiện tại chớ không ai sống với khá khứ. Quá khứ chỉ để
nhận dạng mình làm hành trang cho cuộc hành trình về tương lai.
Mấy ngàn năm văn hiến có ý nghĩa gì nếu như hiện tại không bằng
những quốc gia mới hình thành có mấy mươi năm. Người Singapore không tự hào về
khá khứ nhưng họ có hàng trăm lý do để tự hào về những thành tựu hôm nay. Một người
ngoại quốc đánh giá một quốc gia không phải bằng những trang sử vẻ vang, một
nền văn minh rực rỡ trong quá khứ của xứ sở đó mà bằng những gì họ nhìn được
thấy trong hiện tại.
Quá khứ là những bài học quý giá, nhưng có khi cũng những là
chướng ngại.
Nền văn minh lực rỡ của Ai Cập, Hy Lạp, Peru, Mông Cổ… chỉ giúp
cho những quốc gia này có thêm một số du khách đến xem những di tích còn sót
lại, nhưng cũng chính những di sản quá khứ rực rỡ đã tạo cho họ đặc tính tâm lý
tự mãn và làm cho đất nước của họ khó phát triển.
Nếu như chúng ta tự hào về 4000 năm văn hiến thì có lẽ chúng ta
cần phải suy nghĩ về câu hỏi dưới đây:
60 năm là một khoảng thời gian rất ngắn so với chiều dài lịch sử
4000 năm. Nếu thật sự chúng ta có 4000 văn hiến, thì đáng lý ra phải có một nền
văn hóa vững chắc, thế thì tại sao chỉ trong vòng có 60 năm văn hóa lại có thể
xuống cấp một cách thảm hại như hiện nay. Có thể nói trong lịch sử thế giới
chưa bao giờ chứng kiến có một dân tộc nào bị phá sản về đạo đức và văn hóa
nhanh như dân tộc VN hiện nay.
2/ Nhiều người vẫn cho
rằng chúng ta phải có niềm tự hào dân tộc cho dù chế độ CS đang cai trị đất
nước. Chế độ chỉ là nhất thời còn dân tộc thì trường tồn mãi mãi, hơn nữa chế
độ CSVN hiện nay không thể coi là những người đại diện cho đất nước.
Dù viện dẫn với bất cứ lý do gì thì chúng ta không thể phủ nhận
trước cộng đồng thế giới - chính quyền hiện tại là những người đại diện chính
thức của đất nước VN. Mặc dù biết rằng thành phần lãnh đạo hiện nay không phải
được đa số toàn dân chấp nhận qua các cuộc bầu cử chính thức, nhưng khi VN
không có những nhân vật đối lập được sự ủng hộ rộng rãi của toàn dân, được thế
giới biết đến giống như Nelson Mandala hay bà Aung San Suu Kyi trước đây thì họ
chỉ biết người đại diện của đất nước VN qua chính quyền hiện hữu.
Tội ác của CS đối với dân tộc trong 60 năm như thế nào, mọi người
đều biết không cần phải nêu ra đây. Trong những tội ác đó, chúng ta là nạn nhân
nhưng đồng thời cũng là thủ phạm. Đừng quên rằng tập đoàn đảng Cộng Sản hiện
nay không thể nắm được chính quyền ở miền Bắc và chiếm được Miền Nam nếu không
có sự tiếp tay, ủng hộ của người VN. Đừng đổ thừa ngoại bang càng thêm xấu hổ,
chính chúng ta định đoạt số phận của chúng ta chớ không ai khác. Và nếu chúng
ta không hèn thì đảng CS không thể duy trì được quyền lực cho đến ngày hôm nay.
Cho nên trước khi kết án đảng CSVN “hèn
với giặc ác với dân” thiết nghĩ cũng nên nhớ câu nói của nhà văn
người Pháp Joseph de Maistre “Dân
tộc nào thì chế độ đó” (Every
country has the government it deserves). Chúng ta là thủ phạm đã
góp phần làm hủy hoại đất nước và tự đưa chúng ta vào vòng nô lệ. Bây giờ phải
biết sám hối thì mai ra đất nước mới có cơ hội hồi sinh.
Trong những thủ phạm đó dĩ nhiên có cả người viết - một người tị
nạn CS. Bỏ nước ra đi từ căn bản đã là một sự đầu hàng. Ra đi để tìm một lối
thoát cho cá nhân vì không có đủ cam đảm ở lại tranh đấu đòi quyền sống cho
mình, chớ đừng nói tới dân tộc lớn lao.
Chính vì thế mà những gì người Cộng Sản làm nhục quốc thể trong 60
năm qua, cả trong nước lẫn ngoài nước, thì đó cũng là cái nhục chung dân tộc VN
vì mỗi cá nhân chúng ta, dù ít hay nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp, đã góp
phần dựng lên họ thì nay phải có cam đảm nhận trách nhiệm đó.
***
Đọc qua cuốn “Tôi
tự hào là người Việt Nam” người viết cố gắng tìm một từ ngữ chính
xác nhất để diễn tả cuốn sách này nhưng nghĩ hoài không ra, đành mượn câu thơ
của cụ Tản Đà để nói hộ:“Dân
25 triệu, ai người lớn, nước 4000 năm vẫn trẻ con”.
Câu thơ này được làm vào đầu thập niên 30 mà như viết cho thời đại
hôm nay.
Không biết tâm lý thích được khen và thích sử dụng những trò khôn
vặt của người Việt phát xuất từ lúc nào, có lẽ từ thời xa xưa.
Dưới thời phong kiến, vì mang mặc cảm nhược tiểu, bị Tàu áp bức,
mọi thứ đều bắt chước theo Tàu nhưng cũng không học và làm được đến nơi đến
chốn, cho nên ta mới tưởng tượng ra nhân vật “lỗi lạc” Trạng Quỳnh để thỏa mãn
lòng tự ái. Tài ứng khẩu và những tiểu xảo của Trạng ta đã làm cho quan sứ Tàu
bái phục. Người Việt Nam lấy đó làm thích thú và xem như một niềm tự hào dân
tộc.
Tâm lý vừa tự ti vừa tự tôn trở thành đặc thù văn hóa của người
VN.
Điều bất hạnh cho dân tộc chúng ta là có những người đã hiểu rõ
được tâm lý này và tận tình khai thác nó trong 60 năm qua. Bất hạnh hơn nữa là
thay vì người VN phải học hỏi từ những kinh nghiệm đau thương để thay đổi số
phận, họ vẫn tiếp tục tự nguyện làm nạn nhân cho những kẻ có mưu đồ chính trị.
Căn bệnh trầm kha của dân tộc VN hôm nay là căn bệnh tinh thần,
căn bệnh ảo tưởng, căn bệnh của đứa trẻ mãi mãi không chịu trưởng thành làm
người lớn.
Thân phận của người Việt Nam trong 60 năm qua là thân phận “Con ngựa già của Chúa Trịnh” của
Phùng Cung. Sau bao năm chạy theo ảo tưởng cuối cùng trở thành một con ngựa già
kiệt sức. Dù cả đời bị lường gạt, nhưng trước khi chết vẫn không thoát ra được
ảo tưởng: “Trước hơi thở
cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngốc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng
thẳng hai chân sau, chừng như để cố giữ lấy cái thế “cao đầu phong vĩ”.
(3).
***
Nếu như Lỗ Tấn được xem là người hiểu dân tộc Trung Hoa hơn ai
hết, thì có thể nói người hiểu tâm lý người VN rõ nhất là Hồ Chí Minh. Sự khác
biệt giữa Lỗ Tấn và Hồ Chí Minh là Lỗ Tấn mang hoài bão dùng kiến thức và ngòi
bút của mình để mong chữa được căn bệnh tinh thần của người Trung Hoa, còn Hồ
Chí Minh thì khai thác “căn bệnh tự hào” của người Việt để đạt mục đích chính
trị và đưa dân tộc VN vào vòng nô lệ.
Mặc dầu cuốn “Tôi
tự hào là người Việt Nam” là sản phẩm của một số trí thức, nhưng nó
phản ảnh khá chính xác tâm lý của người Việt hôm nay. Lòng tự hào của người
Việt Nam là căn bệnh thành tích quá phổ biến trong xã hội hiện nay, nó được
dùng như một vật trang sức để che giấu những sự thật phũ phàng, là liều thuốc
an thần đối với đại đa số giới nghèo khổ để quên những cơ cực, tủi nhục trong
đời sống và chờ đợi một phép lạ xảy ra để thay đổi số phận.
***
Trái với mục đích của cuốn “Tôi
tự hào là người Việt Nam”, cuốn phim “Chuyện Tử Tế”, nhà đạo diễn Trần Văn Thủy
đã làm cách đây đúng 30 năm, trong đó ông cảnh báo mọi người về cái nguy hiểm
của “căn bệnh tự hào”: “Trong
suốt nhiều năm các học sinh Miền Bắc được dạy rằng: “Các em là những đứa trẻ
hạnh phúc vì các em là con Hồng cháu Lạc, giang sơn gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi,
tài nguyên giàu có, tiền rừng bạc biển.” Cũng ở một lớp học như vậy ở nước Nhật
thì người ta dạy con em của người ta rằng “Các bạn là những đứa trẻ bất hạnh.
Bất hạnh vì bởi các sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không
hề được thiên nhiên ưu đãi. Một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh.
Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn”. Giá
như một lần chúng ta dạy con em rằng: “Các em ạ, cái nhục của sự nghèo khổ cũng
chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước”. Đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền
vì bi kịch và hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết
giáo là một khoảng cách quá xa.” (4)
Ông Trần Văn Thủy nói 30 năm trước mà cứ tưởng như đang nói cho
thời nay. Ông nói đúng quá, nhưng mấy ai lắng nghe. 30 năm trước VN nghèo. 30
sau năm VN vẫn nghèo. Vì không xem nghèo là nhục, cho nên mấy ai cố gắng để đổi
đời. Ông khuyên “Đừng nghe
những lời tâng bốc hão huyền” cũng chẳng thấy có tác dụng, bằng
chứng là sẽ nhiều cuốn sách “tâng bốc hão huyền” sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu
của quần chúng.
Cái đau đớn nhất của dân tộc chúng ta là dù có quyết tâm, yêu
thương đất nước đến đâu thì những con người như Phan Chu Trinh vẫn thất bại,
trong lúc đó những con người như Hồ Chí Minh lại thành công – tất cả chỉ vì một
lý do giản dị: đối với người Việt Nam những lời tâng bốc dù giả dối đến đâu vẫn
có sức hấp dẫn hơn những lời chân thật. Chính quyền CS duy trì được quyền lực
cho đến hôm nay là vì học được từ Hồ Chí Minh bí quyết giản dị này.
***
Nếu như lòng tự hào dân tộc được sử dụng một cách bừa bãi tại VN,
thì thế giới Tây Phương rất thận trọng khi nói về điều này.
Thế giới hiện nay đang phải đương đầu với 3 hiểm họa: Nga, Tàu và
các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Hai nước Nga Tàu đang có tham vọng phục hưng
thời oanh liệt trong quá khứ bằng cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân đưa đến cuộc Đệ Nhị Thế
Chiến, các nước văn minh Tây Phương rất dè dặt khi nói đến niềm tự hào dân tộc,
hơn ai hết họ hiểu rằng từ niềm tự hào dân tộc đến tinh thần quốc gia cực đoan
chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Chế độ Phát xít Đức, Ý, Nhật lên nắm quyền vào
đầu thập niên 30 của thế kỷ trước và sau đó người dân sẵn sàng xông pha vào lửa
đạn vì bị kích thích bởi lòng tự hào dân tộc. Phát xít Ý tự hào là con cháu của
những người đã dựng lên nền văn minh rực rỡ đã thống trị thế giới trong 500
năm, Hitler cho rằng người Đức thuộc chủng tộc thượng đẳng Aryan và người Nhật
tự hào là con cháu của Thần Dương Thái Nữ. Cả hai dân tộc Đức và Nhật đều tự
cho mình được sinh ra để mang sứ mạng khai hóa nhân loại. Chủ nghĩa Cộng Sản
lúc đầu chủ trương đạt đến thế giới đại đồng qua các phong trào Quốc Tế Cộng
Sản, nhưng sau những kết quả không mấy khả quan, Stalin đã nhận ra rằng đối với
các nước nhược tiểu lạc hậu, chủ nghĩa Cộng Sản phải được che đậy bằng chủ
nghĩa dân tộc. Kết quả chứng minh là quyết định của ông đúng.
Không phải tình cờ mà ba nước Nga, Trung Hoa và Việt Nam theo Cộng
Sản. Ba dân tộc này có nhiều đặc tính giống nhau: vừa tự ti vừa tự tôn và mang
não trạng của một dân tộc lạc hậu.
Sau khi đánh bại Đế Quốc Thụy Điển vào năm 1721, nước Nga đã trở
thành cường quốc lớn nhất Âu Châu, biên giới trải dài từ Âu sang Á và tiết tục
được mở rộng sau đó, thế nhưng trong suốt nhiều thế kỷ người Nga luôn luôn bị
các dân tộc khác ở Âu Châu xem là một dân tộc lạc hậu. Khi trở thành Đế Quốc
lớn nhất thế giới lại bị bại trận trước một nước Nhật nhỏ bé – lần đầu tiên một
nước Âu Châu bị đánh bại bởi một nước Á Châu. Đối với người Nga đây là cái nhục
không thể quên.
Thời huy hoàng được lập lại khi Liên Bang Sô Viết đạt đến tột đỉnh
về sức mạnh vào thập 60, 70 tưởng chừng như không lâu nữa sẽ thống trị cả thế
giới, thế nhưng đế quốc này một lần nữa bị tan rã trong một thời gian rất ngắn.
Ngày nay nước Nga tuy lớn về diện tích nhưng là một một nước nghèo
về kinh tế.
Chính những yếu tố thăng trầm của lịch sử đã góp phần tạo nên một
tâm lý người Nga vừa tự tôn vừa tự ti và luôn luôn mang một mối thù hận đối với
thế giới bên ngoài.
Nhà văn người Nga Natalja Kljutcharjova, có nhận xét khá chính xác
về tâm lý người Nga ngày nay trong bài viết “Bệnh
tự hào dân tộc của người Nga” (5), đọc qua sẽ thấy nó
khá giống với người VN. Trong đó có một đoạn bà viết:
“Họ giống các nhân vật của Dostoevsky, ông gọi họ là “những kẻ ở
xó hầm”. Đó là những con người sống rất lâu, thường là suốt đời, trong trạng
thái bị hạ nhục, khiến tâm lí họ hoàn toàn bị méo mó. Cả cuộc đời họ, toàn bộ
những ước mơ và nguyện vọng của họ chỉ rút gọn vào một mục tiêu: trả thù, rửa
nhục. Nỗi khao khát trả thù bệnh hoạn ấy phần lớn không nhằm cụ thể vào những
kẻ nào đó đã làm nhục họ, mà chĩa vào toàn thế giới. Dostoevsky đã miêu tả
nhiều giai đoạn phát triển của căn bệnh mà giới tâm lí học hiện đại chắc sẽ gọi
là một “chấn thương bỏ ngỏ” này. Nó đặc biệt ăn sâu ở những người không bao giờ
ra khỏi trạng thái bị hạ nhục.
Ở Nga ngày nay cũng hệt như ở thời Dostoevsky, cả cuộc đời người
ta thường là sự hạ nhục: từ khi sinh ra trong một bệnh viện bình dân (một chi
nhánh thực thụ của địa ngục) đến lúc say xỉn ở góc đường mà chết. Những con
người sống một cuộc đời như thế thường hình thành một lòng tự hào bệnh hoạn. Để
phục hồi sự cân bằng nội tâm vốn liên tục bị những hoàn cảnh ê chề bên ngoài
tàn phá, muốn sống còn thì họ buộc phải có một điều gì đó để tự hào.
Cơ sở để tự hào có thể hoàn toàn ngớ ngẩn và viễn vông, nhiều khi
đơn giản là bịa đặt và hầu như bao giờ cũng phi lí, khiến người có tư duy bình
thường, lành mạnh phải bật cười hoặc nhún vai cho qua. Nhưng những kẻ bị hạ
nhục kinh niên thì bám chặt lấy những ảo ảnh ấy, đầy đức tin, cuồng tín, nhiệt
thành và trong thâm tâm càng bất mãn thì càng hăng say phụng sự chúng”.
Tổng thống Putin là người hiểu rõ tâm lý người Nga, cho nên nếu
theo dõi thông tin chúng ta sẽ thấy ông không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để khai khác
yếu tố tự hào dân tộc những lúc cần thiết.
Trong bài diễn văn đọc tại Quốc Hội Nga ngày 18/3/2014, ông Putin
biện minh cho hành động xâm chiếm Crimea bằng cách đã khơi dậy lòng tự hào của
dân tộc Nga: “Tất cả những
gì tại Crimea đều là niềm tự hào và là lịch sử chung của chúng ta. Ở nơi này có
dấu tích của Khersones cổ đại, ở đây Quận Vương Vladimir đã được làm lễ rửa
tội. Tinh thần Chính Thống Giáo của Người đã xây dựng ra các nền tảng cho văn
hóa cũng như những giá trị nhân bản, văn minh để liên kết nhân dân Nga, Ukraine
và Belarus. Cũng tại Crimea này còn có bia mộ của những người lính Nga mà vào
năm 1783 lòng dũng cảm của họ đã đưa Crimea vào với Đế quốc Nga. Crimea cũng có
Sevastopol – một thành phố huyền thoại, thành phố của lịch sử chói lọi, cũng là
một pháo đài, và chính là quê hương để sinh ra Hạm đội Hắc Hải của nước Nga.
Crimea là Balaklava và Kerch, Malakhov Kurgan và Sapun Ridge. Mỗi cái tên đó
đều rất thiêng liêng trong lòng dân tộc, là biểu tượng của lòng dũng cảm và
vinh quang của quân đội Nga”. (6)
Chính vì biết khai thác yếu tố “tự hào dân tộc” cho nên mặc dầu
kinh tế nước Nga đang xuống dốc thê thảm, quyền tự do con người bị giới hạn,
thành phần đối lập bị bỏ tù hay bị thủ tiêu, nhưng tổng thống Putin vẫn được đa
số người dân ủng hộ.
Trong lúc đó ở phương Đông, con sư tử Châu Á đang gầm thét: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc
Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”. (7).
“Giấc mơ Trung Quốc” dù theo quan điểm của Đại Tá Lưu Minh Phúc hay của Chủ Tịch Tập
Cập Bình đều bắt đầu bằng cách khơi dậy niềm tự hào của dân tộc Trung Quốc qua
tinh thần Đại Hán, một đất nước từng có nền văn minh rực rỡ và nền kinh tế mạnh
nhất thế giới vào đầu thế kỷ 14.
“Giấc mơ Trung Quốc” theo quan điểm của Tập Cẩn Bình và Lưu Minh Phúc, không phải chỉ
giới hạn trong phạm vi kinh tế mà bao gồm cả sức mạnh quân sự.
Đại tá-giáo sư Đại học Quốc phòng Lưu Minh Phúc, tác giả cuốn sách
“Giấc mơ Trung Quốc” đã nói rõ: Trung Quốc có 3 chiến lược để thực hiện trong
thế kỷ 21, chiến lược đầu tiên là “Trung
Quốc phải thay Mỹ lãnh đạo thế giới” (8).
Tập Cập Bình thì khéo léo hơn trong cương vị của ông khi nói đến
“Giấc mơ Trung Quốc”:
“Cội nguồn lịch sử của chúng ta vô cùng sâu sắc, những cơ sở thực
tiễn vô cùng rộng lớn. Nhân dân Trung Quốc có được truyền thống thông minh sáng
tạo phi thường, chính vì vậy, nhân dân đã xây dựng lên một nền văn hóa Trung
Hoa vĩ đại. Chúng ta cần tự tin vào bản thân và tràn đầy lòng dũng cảm tiến về
phía trước theo con đường đã chọn. Giấc mơ Trung Hoa - giấc mơ của nhân dân.
Cần phát triển rộng rãi tinh thần Trung hoa, cơ sở căn bản của tinh thần Trung
Hoa là lòng yêu nước, một khi đã đoàn kết lại thành một khối vững chắc, chúng
ta sẽ thực hiện được giấc mơ Trung Hoa”. (9)
So với lịch sử của nước Nga thì lịch sử của Trung Quốc khắc nghiệt
hơn nhiều. Nếu như có lúc họ đạt đến tột đỉnh của vinh quang thì cũng có lúc họ
bị đạp xuống tận cùng của sự nhục nhã. Sau khi bị đánh bại trong cuộc Chiến
Tranh Nha Phiến, Nhà Thanh phải ký hiệp ước Nam Kinh (1842) với những điều kiện
cay đắng, và sau đó bị các liệt cường Tây Phương đua nhau xâu xé. Tiếp theo đó
là bị nước Nhật nhỏ bé hơn đánh bại dễ dàng, rồi phải chứng kiến cảnh cảnh thảm
sát kinh hoàng tại Nam Kinh vào năm 1937.
Tất cả những nhục nhã đó và những tấm bảng treo ở bãi biển Thượng
Hải sau cuộc chiến tranh Nha Phiến “Nơi
đây cấm chó và người Tàu”, đã làm cho tâm lý người Trung Quốc phức
tạp hơn nhiều dân tộc khác – họ vừa tự tôn về nền văn minh trong quá khứ, vừa
tự ti vì bị nước khác làm nhục. Họ vừa cần đến Tây Phương, Nhật Bản để làm giàu
nhưng đồng thời cũng mang một mối căm thù chờ ngày phục hận.
Muốn làm được làm đó, trước hết họ phải khơi dậy “niềm tự hào dân
tộc” giống như Hitler đã làm gần một thế kỷ trước. Và nếu như Trung Quốc thực
hiện được giấc mơ “thay Mỹ
lãnh đạo thế giới” thì thế giới này, đặc biệt là Việt Nam sẽ khốn
khổ vì con sư tử Phương Đông.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks