Đại Học chăn Trâu




Friday, 31 July 2015

"Nông-cổ mín-đàm", tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam


TẠP CHÍ VĂN HÓA

"Nông-cổ mín-đàm", tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam

  •  
  •  
  •  
  • Share

Tại Nam Kỳ, trước năm 1881, các thể loại báo chí đều phải được chính quyền cho phép trước khi phát hành. Điều kiện tiếp theo là chủ tờ báo phải là người mang quốc tịch Pháp. 

Từ khi luật tự do báo chí 29/07/1881 được ban hành và áp dụng tại Nam Kỳ thuộc địa của Pháp, mọi công dân Pháp từ 18 tuổi có quyền tự do in ấn và phát hành báo chí bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, người Việt Nam, chiếm đa số tại Nam Kỳ không được hưởng quy chế này.

Thế nhưng, đạo luật tự do báo chí trên nhanh chóng bị hạn chế bởi sắc lệnh 30/12/1898. Theo đó, các tờ báo được in bằng bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Pháp phải được chính phủ cho phép trước. Giấy phép hoàn toàn có thể bị thu hồi trong trường hợp vi phạm những điều khoản quy định.

Chính vì vậy, báo chí tiếng Việt gần như vắng bóng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Ngoài những quy định hạn chế tự do báo chí, việc người Pháp nắm độc quyền trong lĩnh vực này cũng là một lý do quan trọng giải thích hiện tượng trên. In ấn, xuất bản và báo chí là các ngành được du nhập từ Pháp nên, ngoài kỹ thuật in mộc bản thủ công, người Việt không có một chút kinh nghiệm nào. 

Hơn nữa, chi phí thực hiện những công việc trên vô cùng tốn kém. Đây cũng là lý do giải thích tại sao chỉ có những nhà in và những tờ báo của Chính phủ mới tồn tại được sau khi công cuộc bình định Nam Kỳ kết thúc, trước khi một số tờ báo và nhà in tư nhân Pháp ra đời trong những năm tiếp theo.

Trong suốt hơn 35 năm, làng báo chữ quốc ngữ chỉ biết đến tờ Gia-định báo (15/04/1865-31/12/1909), và sự tồn tại ngắn ngủi của hai tờ Phan Yên báoNhựt-trình Nam-Kỳ (có rất nhiều ý kiến khác nhau về ngày phát hành số đầu tiên của hai tờ báo này). Phải tới năm 1901, Sài Gòn mới có thêm một tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ khác, tờ Nông-cổ mín-đàm (Causeries sur l’agriculture et le commerce, 08/1901-11/1924).

Nông-cổ mín-đàm : tờ báo kinh tế đầu tiên
Tên của tờ Nông-cổ mín-đàm được in lớn trên trang nhất bằng ba loại chữ, Quốc ngữ, Hán và Pháp, với ý nghĩa : “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”. Đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam.

Mục đích của việc xuất bản tờ báo được nêu rõ ở lời tựa, trong số 1: « Hai mươi năm chẳng ở miền Nam thổ, nay đã tiêm thành cơ chỉ qui mô. Đường thiên lý lục tỉnh dẫu khác đạo cang thường lễ nghĩa như nhau, nơi nơi cũng "Tạo doan hồ phu phu". Việc hiếu-sự nay đà rang rảnh tình thê nhi thêm lại rịch ràng. Vậy nên công sự từ hưu, vui theo thú thê trì nông-cổ. Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông-cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông tình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự.

Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há Lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi.
Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông-cổ mín-đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp »
.
Báo có tám trang, phát hành thứ Năm hàng tuần tại Sài Gòn, sau này được tăng lên mỗi tuần ba kỳ. Ban đầu, trụ sở của toà soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Sau đó, trụ sở liên tục thay đổi trước khi tọa lạc tại số 12 đường Cap Saint-Jacques, Sài Gòn.

Số đầu tiên được phát hành ngày 01/08/1901. Thế nhưng, theo sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, ký ngày 14/02/1901, đơn yêu cầu xin « lập một tờ báo nông nghiệp bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán » được Paul Canavaggio viết cách đó 10 năm, vào ngày 24/01/1891 (?). 

Tờ báo tồn tại tới tháng 11/1924, khoảng hơn 20 năm, với nhiều lần thay đổi tên gọi, như : Tân đời thời báo - Journal des jeunes générations và đăng lại một số bài viết của tờ Công luận báo. Nông-cổ mín-đàm được in tại Nhà in-Hiệu sách Claude & Cie (Imprimerie-Librairie Claude & Cie), lần lượt theo khổ in-folio (dưới 40 cm), sau đó in-4° (dưới 30 cm), in-8° (dưới 25 cm) và cuối cùng là Grand in-folio (hơn 40 cm).

Chủ tờ báo, ông Paul Canavaggio, là một người Pháp, gốc đảo Corse, vừa là một chủ đồn điền, một nhà buôn muối và hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ. Ông chủ tờ báo tận dụng mục « Cáo thị » để quảng cáo hoạt động kinh doanh của mình như sau :
« Ông Canavaggio, là chủ bán muối lục tỉnh rao cho những người hay dùng muối, hoặc người hạ bạc, hoặc người làm mắm đặng rõ trong hầm muối của ông Canavaggio tại Bắc-Liệu và tại Chợ-Lớn bán rẻ cứ mỗi một trăm kilo bán một đồng tám giác. Nếu người coi tiệm bán mắc hơn giá ấy, thì phải tỏ cùng ông phân cho. Hay người nào có muốn mua nhiều, thì phải gởi thơ cho ông bán cho.

Và ông tỏ cho chư vị rõ giá của nhà quan thê ngoại ngạch, bán đến hai đồng ba cắc tư tại Chợ-Lớn, còn tại Bắc-Liệu 2 đồng bảy chiêm. Xem lại coi của ông Canavaggio, bán rẻ hơn nhiều lắm, tại Chợ-Lớn rẻ hơn năm cắc tư, tại Bắc-Liệu hai cắc bảy chiêm, mỗi trăm kilo.

Như khách nào mà ngăn trở điều chi, hãy tỏ cho ông Canavaggio, tại đường La Grandière số 84, Sài Gòn. »
(Số 41, ngày 05/06/1942).

Nông-cổ mín-đàm là một tuần báo kinh tế tư nhân nên không nhận được bất kỳ khoản tiền trợ cấp nào của chính phủ và buộc tự tìm cách phân phối và thu hút độc giả. Trong khi đó, các tờ công báo, như Gia-định báo, được in theo yêu cầu của chính phủ, được phát không tới các sở hành chính và trường học của Nhà nước, hay các địa phương được lệnh trích ngân sách đặt mua. Thế nhưng, dù phát hành rộng rãi khắp Lục tỉnh, số người đặt mua báo Nông-cổ mín-đàm vẫn không nhiều. Sau một năm phát hành, năm 1902, tờ báo mới có 325 người đặt mua. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được vì người đặt mua báo phải là những người biết chữ và có điều kiện tài chính, nên danh sách độc giả của tờ báo chủ yếu là các quan chức và điền chủ địa phương, hay các công chức nhà nước.

Một khó khăn khác mà Nông-cổ mín-đàm phải đối mặt là số người đặt mua chịu rất nhiều, tới mức tờ báo phải tha thiết năn nỉ những người còn nợ tiền thanh toán tiền báo trong mục « Bổn quán cẩn tín » :
« Bổn quán kính ít lời với chư quí hữu, sau xin trân tình cho rõ lẽ đục trong: Nhựt trình Nông-cổ mín-đàm lập từ 1er aout 1901 đến nay, cũng gần giáp một năm, nhờ ơn của các quí-hữu mua mà xem đặng ba trăm hai mươi lăm vị. Xin chư quí hữu xét coi anh em chúng tôi, chẳng những lỗ công mà thôi, mà lại lỗ tiền nữa. Tuy vậy mà đều làm hữu ích cho người, thì anh em chúng tôi dầu lỗ công dầu lỗ tiền, cũng chẳng mỏi chí, nguyện làm sao cho đến thành sự cho người mới thôi. Thương ôi! Chẳng những là ít người muốn xem mà thôi, mà lại trong số ba trăm hai mươi lăm người mua, thì có hai trăm lẻ đã trả tiền. Xin coi như vậy thì hẹp cho chúng tôi lắm.
Nay chúng tôi xin đăng trọn những chư vị chưa trả vô nhựt trình này, đặng nhắc cho nhớ rõ, ráng gởi bạc đến cho bổn quán, đặng mà xài kẻo lỗ nhiều lắm. Xin chớ phiền sao mà hỏi tiền, vì thiếu và lỗ nên phải hỏi. »
 

(Số 41, ngày 05/06/1902).

Báo ra tám trang, song vào những lúc đỉnh điểm, ban biên tập phải giành tới hai trang để đăng danh sách những độc giả còn nợ tiền. Ngoài một số mục quảng cáo, tờ báo còn đăng hướng dẫn cách thức vệ sinh phòng bệnh hoặc trồng trọt chăn nuôi. Còn phần giá lúa gạo hay thông tin kinh tế không phong phú như tờ Gia-định báo.
Một số ý kiến đánh giá « Thương cổ luận » là một mục quan trọng của tờ báo. Xuất hiện ngay trên trang nhất từ số đầu tiên, « tác giả Lương Khắc Ninh thẳng thắn tuyên chiến với tư tưởng tứ dân “sĩ, nông, công, thương” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt bằng lời khẳng định: « Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường ». Đồng thời, những bài viết nhằm mục đích hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi học đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Vì lẽ đó, đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ». Tới năm 1906, « Thương cổ luận » chính thức giã từ Nông-cổ mín-đàm, sau hơn 100 số.

Phổ biến chữ quốc ngữ bằng… “truyện Tầu”
Ngoài ý nghĩa là tờ báo kinh tế đầu tiên tại Việt Nam, Nông-cổ mín-đàm còn là một ấn bản giúp người đọc giải khuây lúc rảnh rỗi. Thực vậy, hơn một nửa số trang báo giành đăng các truyện dịch của Trung Quốc hay truyện ngắn của Anh, Pháp. Trước đó khi thể loại truyện này được đăng thường xuyên trên Nông-cổ mín-đàm, Huỳnh Tịnh Của đã dịch một số tác phẩm Trung Quốc như Cao Sĩ truyện, Trang Tử, Chiến quốc sách, Liêu Trai chí dị. Tuy nhiên, bản dịch hoàn chỉnh một bộ “truyện Tầu” sang tiếng Việt phải kể tới Tam Quốc chí tục dịch, được đăng ngay từ số đầu tiên, sau đó là các tác phẩm nổi tiếng khác như Liêu Trai chí dị, Kim cổ kỳ quan, Bao Công kỳ án...
Là một trong những ấn phẩm hiếm hoi trong giai đoạn này, Nông-cổ mín-đàm trở thành nơi thử nghiệm của một đội ngũ dịch “truyện Tầu”, vừa tinh thông Hán học và biết chữ quốc ngữ như, Nguyễn Chánh Sắc, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Đinh Văn Đẩu, Trần Hữu Quang, Huỳnh Trí Phú…
Nhờ giữ các chức vụ chủ bút hay phụ bút cho tờ báo, họ khởi xướng phong trào dịch tiểu thuyết thần kỳ, anh hùng nghĩa hiệp của Trung Quốc trong những năm 1905-1910. Nguyễn An Khương, Nguyễn Chánh Sắc, Trần Phong Sắc đã được báo Phụ nữ tân văn đánh giá là « những tay dịch thuật trứ danh của Nam Kỳ », riêng « Trần Phong Sắc là nhà dịch thuật trứ danh nhứt », với 29 bộ truyện Tàu được dịch sang tiếng Việt.
Ngoài mục truyện dịch, Nông-cổ mín-đàm còn có mục « Thi phổ » để đăng các sáng tác thi ca mới của độc giả hay văn học dân gian sưu tầm… Tờ báo cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại.
Dù ra sau các tờ Thông loại khóa trình, Phan Yên báo, Nhựt-báo Nam-kỳ, nhưng Nông-cổ mín-đàm hội tụ đầy đủ yếu tố của một tờ báo và tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài. Cách trình bày của tờ báo rất đơn giản, do hạn chế của kỹ thuật in ấn thời kỳ này. Ngoài tên báo trên trang nhất được in to và trình bày một cách cầu kỳ hơn, các bài viết bên trong được chia thành hai cột, không hình minh họa. Ngoài ra, các mục cách nhau bằng một dòng kẻ và tên tiêu đề được in to đậm hơn.
Cách hành văn của tờ báo dài và lủng củng, thể hiện rõ đặc điểm của tiếng Việt thời kỳ này. Chính vì vậy, các tác phẩm dịch thuật được đăng trên báo đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện văn phong chữ quốc ngữ, cùng với việc bổ sung từ vựng chuyên môn và du nhập vốn từ mới. Cuối cùng, không chỉ phổ biến tư tưởng Đông phương, Nông-cổ mín-đàm còn phổ biến cả học thuật phương Tây, theo con đường mà Trương Vĩnh Kỹ đã làm từ trước.
Theo nhận xét của một nhà nghiên cứu, « Nông-cổ mín-đàm ra đời trong thời buổi sơ khai của nền báo chí nước ta, lúc chữ quốc ngữ cũng còn ít người biết đọc. Cho nên, mặc dù nó đã đình bản chưa đầy một thế kỷ, mà có ít người biết đến tờ báo này ». Ngoài ra, cũng cần đề cập tới vấn đề nộp lưu chiểu. Do chính quyền thuộc địa còn phải đối mặt với những biến động chính trị-xã hội trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX nên không chú ý đến công việc lưu trữ. Cuối cùng, vì đây là tờ báo tư nhân nên chỉ được lưu giữ tại các gia đình và các cá nhân, do vậy không tránh khỏi bị tản mát và thất lạc.

Cùng chủ đề

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Nam Kỳ, cái nôi của nền báo chí Việt Nam (giai đoạn cuối thế kỷ XIX)

TẠP CHÍ VĂN HÓA

Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh

Cứu chuộc phẩm giá ...Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn


Cứu chuộc phẩm giá

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
2015-07-30
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
24675-1-622.jpg
Hình ảnh minh họa
Courtesy photo

Ngôn ngữ tiếp thị chính yếu

Cứ mỗi buổi chiều, người bán bánh mì lại dạo xe quanh nhà tôi. Tiếng rao được thu sẳn vào máy, lặp đi lặp lại một điệp khúc đơn điệu “bánh mì đặc ruột đây”. Thoạt đầu tiếng rao cũng bình thường, nhưng càng nghe càng thấy lạ. Vì sao lại bánh mì đặc ruột? Chuyện một ổ bánh mì hiển nhiên không được rỗng ruột nay bỗng lại trở thành ngôn ngữ tiếp thị chính yếu, cứ nhấn vào tai người nghe.

Nói chuyện với người bán, mới biết rằng nhiều năm nay, bánh mì bị làm hỏng đi rất nhiều. Bột đã kém, ruột cũng bị rút đi, mới có tên gọi là “bánh mì giấy” - loại bánh mì vừa chạm vào là vỏ bánh rơi lả tả, da mỏng và không có chút ruột nào. Bánh mì Sài Gòn từng nổi tiếng với nhiều kiểu, nhiều lò và quen thuộc với mọi con người từ bình dân đến sang trọng đã trãi qua một giai đoạn, mà khốn khó đã bào mòn sự tao nhã và độc đáo của nó. 

Từ khoảng 2 năm nay, “bánh mì đặc ruột” - như lời rao của những người bán - đã quay trở lại, như một cách âm thầm dựng lại truyền thống đẹp nhất của mình, sự kiêu hãnh của người làm ra miếng bánh. Và quan trọng hơn, như một cách để cứu chuộc lại phẩm giá của đô thị đã bị nát nhàu bởi thời cuộc.

Cầm miếng bánh mì nóng và đẹp trên tay, tôi cứ nghĩ về những người làm nghề chân chính. Họ đã sống suốt một thời gian dài, chấp nhận làm ra những miếng bánh tệ hơn ước muốn của mình, chấp nhận sinh tồn cùng với gian dối trong một bối cảnh mà họ có cưỡng lại cũng không được. Và giờ đây, khi có điều kiện, những miếng bánh đúng và lương thiện đã tìm cách quay lại, tìm về phẩm giá đúng của người. Sự lương thiện được rao lên trong kiêu hãnh.

Con người Việt Nam cũng như những miếng bánh mì lương thiện đó, họ cũng phải chịu đựng nhiều sự thách thức để tồn tại với phẩm giá của mình – như người thợ làm bánh mì Sài Gòn, đau đáu luôn tìm một cơ hội để sống đúng với mình, tìm cách cứu chuộc lại phẩm giá của mình giữa cuộc sống xã hội chủ nghĩa hôm nay đang tràn ngập những điều buộc phải không thật.

Phẩm giá như một lựa chọn mang tính định mệnh. Nó nằm sâu thẳm trong con người, có thể im lặng cam chịu các vết thương chí mạng, nhưng lại sẳn sàng bùng lên và trỗi dậy sáng lòa từ một điều tổn thương nhỏ nhoi cuối cùng nào đó. Tương tự người nông dân mòn mỏi và chịu đựng với cuộc đời bị bóc lột khốn khó của mình, nhưng rồi bất ngờ đứng lên như một người khổng lồ chân đất. 

Giống như câu chuyện về người đàn bà gầy yếu ở tỉnh Hải Dương quyết đòi đối thoại công bằng về thửa ruộng con của mình bị những tên nhà giàu tư bản đỏ cưỡng đoạt. Bà đã sẳn sàng đứng trước máy xe xúc của chủ thầu đến đổ máu. Phẩm giá của một người nông dân ít chữ đôi khi có thể rực rỡ hơn cả phẩm giá của một kẻ đầy túi tiền và quyền lực lúc này. Mọi thứ có thể được chứng minh trong tích tắc nhìn thấy của định mệnh. Lịch sử Việt Nam hôm qua và hôm nay đã ghi lại không ít những câu chuyện như vậy.

Phẩm giá bị vùi vập

24675-2-400.jpg
Hình ảnh minh họa. Courtesy photo.

Trên các trang mạng, có rất nhiều những bức ảnh về những cụ già vô danh, những người đàn bà vô danh, những đứa trẻ vô danh... đang đứng với tấm bảng đòi sự minh bạch, đòi giá trị của công lý, đòi sự thật. Những gia đình đang kêu cứu cho con em mình đang bị xét xử oan, về quê nhà bị cưỡng chiếm, những lời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng mạng để mọi thứ được hành xử đúng với luật pháp... 

Nhìn họ thật yếu đuối và bất lực. Thế nhưng phẩm giá Việt Nam không cho phép họ chấp nhận số phận, không có phép họ thua cuộc trong một đời sống mà họ còn tin vào lẽ phải. Phẩm giá bị vùi vập và cô đơn im lặng đó vĩ đại đó sẽ cứu chuộc nguyên khí của dân tộc này, vượt qua những bài diễn màu mè và dối trá của những nhà lãnh đạo mà ta bị buộc phải nhìn thấy mỗi ngày.

Cũng như những ngư dân Việt trên biển, đối diện bên ngoài khơi đầy những những ngư hạm vũ trang của Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá, những con người miền Trung chỉ có lưới và buồm vẫn ngày ngày dong thuyền ra biển. Ngay cả giai đoạn Trung Quốc ra lệnh vô lý cấm đánh cá trên biển Đông, họ vẫn yên lặng giã từ gia đình và ra khơi, không nghĩ ngợi đến bất kỳ một kết cục buồn nào. 

Bị bắt, bị cướp, bị giết... những ngư dân Việt vô danh đó rồi vẫn lại vay mượn, dành dụm đóng tàu và khởi hành. Dù không tuyên bố, những gương mặt chai sạm đó mang nặng trên vai phẩm giá của tổ quốc, cao quý hơn bất kỳ lời tuyên bố dũng mãnh nào về tình hữu nghị cộng sản trong phòng lạnh và trước ống kính mị dân. Những ổ bánh mì rỗng ruột, rụng rơi, vô giá trị.

Khác với ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH – Thượng Tướng, vẫn hùng hồn kêu gọi người Việt hãy nhẫn nhịn và giao “trách nhiệm đòi Hoàng Sa và Trường Sa cho thế hệ con cháu mai sau”, những ngư dân ít chữ và không chức phận ấy vẫn im lặng ra khơi, như một lời thề xác định phẩm giá của tổ quốc ngay tại làn nước xanh dưới con tàu của mình, bất chấp mọi đe dọa. 

Thật khác với ông Thượng Tướng đầy nhiệt huyết trong việc chối bỏ trách nhiệm trong cuộc tiếp xúc với đại biểu Đà Nẳng ngày 29/6/2015, những người đi biển quyết không giao phần xương máu và khó khăn đó cho con cháu mình, mà tự gánh lấy. Họ lại ra đi giữa mịt mù những đe dọa và hiểm nghèo. Chỉ có đủ phẩm giá, người ta mới có thể sống cho hiện tại và tương lai như vậy. Những ngư dân ấy, thậm chí đã cứu chuộc linh hồn cho cả những quan chức luôn hô to nhưng không bao giờ dám đặt bàn chân vào mép biển.

Khi bạn đọc những dòng này, vẫn có những ngư dân đang ra khơi, bất chấp mới đây, ngày 16/7, tàu Trung Quốc lại hung dữ tấn công tàu cá Việt Nam ở Quảng Ngãi. May mắn làm sao, người Việt vẫn còn có những con người vô danh giữ gìn phẩm giá của tổ quốc, không cần gọi tên hay chia phần lợi lộc. Những ngư dân ấy không quan tâm chuyện bộ trưởng quốc phòng sống hay chết, tổng bí thư đang chọn con đường nào. Họ không chọn đứng trong một cuộc cờ. Họ chọn ra khơi.

Tôi ăn miếng bánh mì đặc ruột Sài Gòn, và ca ngợi phẩm giá của những con người vô danh ấy.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết từ Sài Gòn
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Trùng tu hay hủy hoại?

Trùng tu hay hủy hoại?

Nhà hát Lớn Hà Nội (hình chụp năm 2011).
Nhà hát Lớn Hà Nội (hình chụp năm 2011).

28.07.2015
Nhìn thấy những bức ảnh mới nhất chụp Nhà Hát Lớn Hà Nội đã được trùng tu, sơn mới để chào mừng 70 năm cuộc Cách mạng tháng 8 - 1945 mà tôi xót xa, buồn thảm tận đáy lòng.

Tôi tự hỏi sao lại có người nhẫn tâm hay vô tình hủy hoại đến vậy một công trình văn hóa có giá trị lịch sử - kiến trúc - văn hóa - tinh thần hàng đầu của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội của dân tộc ta.

Một sự tối tăm, u mê mù quáng kéo dài nhân danh tu bổ, nâng cấp, hiện đại, cải tiến… bộ mặt thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng CS, tự nhận có vai trò tiền phong dẫn dân tộc ta trên con đường văn minh, hiện đại. Sao mà trái ngược đến vậy. Nền văn hóa vô sản là tệ hại đến mức này ư ?

Nhà Hát lớn Hà Nội là một trong số 1.600 công trình kiến trúc lớn nhỏ do thời thực dân Pháp để lại, trong đó phần lớn là những công trình của nhà nước, của công, của chung xã hội, chỉ có 600 nhà của tư nhân, của các nhà tư sản, kinh doanh, viên chức cấp cao. Các công trình ấy tạo nên bộ mặt riêng của Hà Nội rất đặc sắc, độc đáo, có giá trị lâu bền, không giống ở đâu, là tài sản vô giá của xã hội ta, nhân dân ta, dân tộc ta, phải giữ gìn, bảo tồn, để lại cho các thế hệ mai sau.

Có thể kể ra những công trình tiêu biểu nhất ở thủ đô là: Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền xưa), trụ sở Bộ Ngoại giao (Sở Tài chính cũ), Nhà Thờ lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà Bưu điện Bờ Hồ, Nhà Khách Chính phủ (Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cũ), Khách sạn Sofitel – Métropole, Thư viện Quốc gia, Cầu Thăng Long (Paul Doumer cũ), Ngân hàng Trung ương, Tòa Án Thượng thẩm, các Trường Đại học và Trung học, các Bệnh viện, các khu Chợ, Nhà Hàng lớn …

Nhà Hát lớn Hà Nội (NHL) là một trong những công trình quý giá, đặc sắc nhất về mọi mặt, viên ngọc quý, được xếp hạng vào loại Di tích Quốc gia Đặc biệt. NHL xây dựng từ ngày 7/6/1901, hoàn thành năm 1911, đánh dấu đầu thế kỷ XX.
Nét riêng của NHL là xây dựng theo kiểu mẫu của Nhà Hát lớn Paris – Opéra National de Paris, xây dựng xong năm 1861, do 2 kiến trúc sư tài năng Ernest Guichard và Eugène Ferrier vẽ kiểu, được coi như một công trình kiến trúc - nghệ thuật độc đáo theo kiểu «Gô-tích Chói Sáng» - Gothique Flamboyant –vừa cổ xưa vừa lộng lẫy, đặc trưng của nền nghệ thuất đặc sắc của Đệ Tam Cộng hòa Pháp.

Nước Pháp luôn bảo tồn nguyên vẹn Opéra National của mình, không suy suyển từ hình dáng, màu sắc, vật liệu, chỉ thay thế như nguyên mẫu. Đến khi cần một nhà hát mới hiện đại của thế kỷ XXI, nước Pháp quyết định xây dựng hẳn một nhà hát mới ở một khu vực ở phía Đông thủ đô (trong khi Nhà Hát Opéra cũ ở phía Tây), trên mảnh đất La Bastille - trại giam cũ của thời phong kiến.

Nhà hát mới là kiến trúc hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn hiện đại, phủ toàn bằng kính là vật liệu mới, với hình dáng, góc cạnh, tường mái ngay thẳng, ngang chéo theo nghệ thuật tạo hình mới mẻ. Hai công trình cổ và kim khác hẳn nhau, ở vào 2 thời đại xa nhau, nhưng đều có giá trị thẩm mỹ bền lâu, không thể trộn lẫn vào nhau được, ngắm nhìn mỗi công trình khác hẳn nhau, với vẻ đẹp riêng, không chán mắt.

Ở Hà Nội, chính phủ ra quyết định trùng tu Nhà Hát lớn vào tháng 11 năm 1997, với sự giúp đỡ, viện trợ của chính phủ Pháp, lên đến hàng chục triệu Euros. Hồi ấy trên một số mạng tự do đã có những ý kiến bàn tán không hài lòng về công cuộc trùng tu lớn này, do Bộ Văn hóa tự đứng ra đảm nhận. Nào là sao không nhờ một số nhà kiến trúc Pháp sang góp ý cho cuộc trùng tu được hoàn hảo. Sao không trưng cầu ý kiến của các chuyên gia kiến trúc - bảo tồn nước ta. 

Sao lại tùy tiện thay đổi vật liệu trên mái của Nhà Hát lớn, thay vật liệu lát nền, thay hình một số cột trụ, cửa lớn. Đã có ý kiến yêu cầu mở cuộc điều tra về tổng chi phí số tiền công quỹ và viện trợ của nước Pháp, do có nghi vấn mờ ám khi Bộ Văn hóa tự lập ra 3 công ty để tự nhận thầu các hạng mục như xây dựng, lát nền, thay mái, trang trí nội thất, thay 900 ghế ngồi mới trong cả 3 tầng. 

Nhiều cán bộ Bộ Văn hóa hồi ấy đã tố cáo đích danh Bộ trưởng Văn hóa Phạm Quang Nghị đã lợi dụng kiếm lợi riêng trong những việc sai lầm trên đây và yêu cầu giải quyết trước khi ông Nghị về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Nhưng mọi chuyện đã rơi vào im lặng.

Cho đến mới đây, chuẩn bị kỷ niệm chẵn 70 năm Cách mạng tháng Tám, khi Nhà Hát lớn được sơn phết màu vàng chóe rất phản nghệ thuật thì nhiều mạng tự do như Dân Làm Báo, Tễu, Đối Thoại…đăng nhiều bài la lớn, «giật mình» khi Nhà Hát lớn của thủ đô đã biến dạng sau cuộc trùng tu. 

Giáo sư Hoàng Đạo Kính phải la toáng lên trên mạng Dân Làm Báo rằng sao lại khoác áo lòe loẹt khó coi cho một công trình kiến trúc lịch sử như vậy. Ông còn nói thẳng ra rằng màu vàng chóe phản nghệ thuật ấy xưa chỉ để dành cho việc cảnh báo về bệnh dịch tả.
Thế rồi nhiều mạng đi tìm lại những bức ảnh Nhà Hát lớn hồi xưa đặt bên cạnh Nhà Hát lớn hiện nay. Ngắm nhìn 2 bức ảnh mà đau xót, phẫn uất. Sai lầm này không thể sửa!

Trùng tu, nâng cấp hay là hạ cấp, hủy hoại từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài, một công trình kiến trúc - nghệ thuật, có giá trị lịch sử - tâm linh gắn bó với mọi người dân thủ đô?

Một kiểu kỷ niệm phản tác dụng, láo xược, thách thức lòng yêu quý thủ đô, lòng yêu quý Nhà Hát lớn của mỗi công dân Hà Nội hiện sống tản mác ở khắp 4 phương trời.

 

Wednesday, 29 July 2015

Ba cống hiến quan trọng của Công giáo

 
 Ba cống hiến quan trọng của Công giáo

http://baomai.blogspot.com/

Tôi là người ngoài Công giáo, nhưng rất tôn trọng các tín ngưỡng..
Những xung đột giữa cộng đồng Công giáo với nhà cầm quyền trong thời gian qua là điều không đáng có. Hơn thế, sau những xung đột đó, một số cán bộ có chức sắc đã có những đánh giá thiếu khách quan về vai trò của giáo dân với đất nước. Điều này không có ích cho khối đại đoàn kết dân tộc.

Để tạo được sự đồng thuận, không có cách nào khác là phải có cái nhìn khách quan về vai trò của các tôn giáo. Xin được điểm qua một vài cống hiến của bà con giáo dân với sự nghiệp chấn hưng nước nhà mà tôi có dịp chứng kiến suy ngẫm.

1-  Chữ quốc ngữ và nền văn minh của nhân loại

image
Trước khi các nhà truyền giáo vào Việt Nam, hàng ngàn năm qua, người Việt vẫn dùng chữ Hán hoặc bằng chữ Nôm trong các giao dịch. Nhưng đa số người Việt Nam mù chữ và không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì hệ thống chữ viết này quá phức tạp.

Từ thế kỷ XVI, cùng với các phát kiến hàng hải, các nhà truyền giáo theo các tàu buôn đến Việt Nam, họ là người tiên phong trong việc dùng mẫu tự La-tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Đầu năm 1625, Linh Mục Alexandre de Rhodes đến Việt Nam , đã có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La-tinh rồi.


image
Trên cơ sở đó, Alexandre de Rhodes (1591- 1660) tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách diễn đạt này, để rồi năm 1651, lần đầu tiên ông cho xuất bản cuốn tự điển VIỆT-BỒ-LA tại Roma. Đây được coi là năm sinh chính thức của chữ Quốc Ngữ. Cuộc khai sinh diễn ra tại nhà in Vatican . Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình. Như vậy, chữ quốc ngữ từ chỗ là công cụ truyền giáo trong các nhà thờ, đã từng bước trở thành ngôn ngữ cho toàn dân Việt Nam .

Ngày nay, không ai có phủ nhận sự thuận tiện và văn minh của chữ Quốc ngữ, chính nó đã góp phần lớn đưa đất nước VN hội nhập với thế giới dễ dàng, đơn giản hơn nhiều ngôn ngữ khác. Những ngôn ngữ chính dùng trên thế giới như Tiếng Anh, Tiếng Pháp… sẽ trở nên ít phức tạp hơn cho người học biết chữ quốc ngữ, so với người dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Nhưng nguồn gốc và công lao của người sinh ra ít được người ta nhắc đến, đó là sự thiếu công bằng.


image 
Cùng với sự xuất hiện chữ quốc ngữ, những nét văn minh phương Tây cũng dần dần được du nhập vào VN đi kèm với Công giáo. Những hủ tục mê tín, dị đoan như cúng tế, bói toán… khi có bệnh được thay vào đó là bệnh viện, nhà thương bố thí, trường học cho người nghèo… Trước đây, nơi nào có Nhà thờ, thì ở đó có thêm trường học, nhà thương cho những người không có khả năng chữa bệnh hoặc học hành.

Ngoài ra, nếp sống quan niệm về cuộc sống cũng dần dần được đưa vào một cách khoa học, thiết thực hơn bởi các sản phẩm văn minh phương Tây mà những người truyền giáo mang đến cho đất nước An Nam theo bước chân truyền đạo của họ.

Nền văn hóa làng xã, cục bộ địa phương “sau lũy tre làng” cũng dần dần được thay đổi với cách nhìn toàn diện và tổng thể hơn. Với người Công giáo, bất cứ chỗ nào có giáo dân cũng là anh em, với mọi người đều là con Thiên Chúa dù khác đạo. Điều này dễ chứng minh nếu nhìn thấy bà con công giáo khắp nơi đã đổ về Thái Hà, về Xã Đoài… khi có những biến cố mà về mặt xã hội thì không liên quan đến những người ở xa xôi.


image
Những hoạt động của các Dòng tu trong Công giáo như Dòng Chúa Cứu Thế với linh hướng phục vụ người nghèo, Dòng Phanxicô theo linh hướng “Sống với tinh thần nghèo khó”… đã có những tác dụng thiết thực xoa dịu nỗi đau của những người nghèo khổ trong xã hội. Nhìn những cộng đồng tu hành phục vụ tại các trung tâm điều dưỡng, điều trị cho bệnh nhân AIDS, phục vụ những người đang vướng vào tệ nạn xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi… đã thể hiện rõ điều này và được xã hội công nhận.

2-  Duy trì nền kinh tế nhiều thành phần


image
Thời bao cấp, do quan niệm thời kỳ quá độ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế chỉ có hai thành phần chính là Kinh tế tập thể và Kinh tế quốc doanh. Mọi thành phần khác đều không được khuyến khích và chính thức thừa nhận.


Ruộng đất, các tư liệu sản xuất quan trọng khác và cả các loại hình dịch vụ đều phải tập trung vào hợp tác xã. Nhưng phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp đã dần dần thể hiện rõ những bất cập của nó và sớm chết yểu bởi nó đi ngược với quy luật kinh tế và cách nghĩ truyền thống của nông dân Việt Nam.  Chính vì thế có thể nói đó là một mô hình công xã ảo tưởng, nó đã tiêu diệt nền kinh tế nông nghiệp VN từ chỗ thừa gạo xuất khẩu đến một giai đoạn từ Trung ương đến địa phương, từ quan chức đến mỗi người dân đều chỉ lo… cái đói.


image
Giám mục Đinh Đức Trụ
Tuy nhiên, nhiều nơi, đặc biệt là các vùng Công giáo vẫn có những gia đình, thậm chí là có những cơ sở không gia nhập Hợp tác xã nông nghiệp dù bị nhiều áp lực xã hội. Chẳng hạn theo tôi được biết, ở Thái Bình, Giám mục Đinh Đức Trụ là người đã công khai khuyến khích giáo dân không nên vào Hợp tác xã vì nó chỉ là ảo tưởng. Vì vậy bà con giáo dân vẫn kiên trì mô hình kinh tế hộ, và sau này vào thời kỳ đổi mới, đường lối đó được thực tế chứng minh là đúng đắn. Cả đất nước sau mấy chục năm Hợp tác hóa đã chấp nhận trở lại kinh tế cá thể.

Những hộ kinh tế cá thể không tham gia Hợp tác xã nông nghiệp, tự họ có thể nuôi sống mình mà không cần trợ giúp của nhà nước. Hơn thế, họ còn có nông sản dư thừa cung cấp cho thị trường đã là minh chứng sống cho việc khẳng định đường lối Hợp tác xã nông nghiệp là sai lầm. Điều này giúp cho các nhà hoạch định chính sách mạnh dạn khẳng định chủ trương chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần.

image
Thời kinh tế tập trung, mọi thứ hàng hóa đều do nhà nước quản lý và đều chịu sự phân phối từ trung ương xuống địa phương. Trong khi nhu cầu là sự đa dạng mà nhà nước thì không thể quán xuyến hết nên trong một thời gian thực thi chính sách này, nền kinh tế dần dần đi vào ngõ cụt, đời sống đói kém, hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng. Thế nên dân gian mới có câu: “Cái cứt gì cũng phân mà phân thì… như cứt”.

Khi sự đói kém bao phủ toàn xã hội thì ở những làng công giáo, đời sống đỡ tệ hơn nhiều. Làng Vĩnh Hòa thuộc xã Hợp Thành, quê tôi là một làng như vậy. Vào thời điểm đó, trong cộng đồng bà con công giáo, nền kinh tế gia đình vẫn âm thầm phát triển, đặc biệt là các nghề truyền thống. Do bị phân biệt đối xử nên cộng đồng bà con công giáo vẫn ngầm “móc ngoặc” nhau sản xuất hàng hóa và tiêu thụ trong cộng đồng rồi tuồn ra bên ngoài. Sau này tìm hiểu được biết thêm, không chỉ ở làng Vĩnh Hòa quê tôi mà cả các khu vực khác đông đồng bào Công giáo như Phát Diệm, Bùi chu… các ngành nghề phụ vẫn âm ỉ hoạt động và cung ứng hàng hóa cho xã hội.

image
Nhờ sự linh hoạt đó, nên khu vực kinh tế tư nhân mà nhà cầm quyền quyết tâm tiêu diệt đã không chết. Đặc biệt là trong cộng đồng Công giáo. Để rồi, khi dỡ bỏ chính sách cấm đoán đó, thành phần kinh tế này được dịp trỗi dậy, làm sinh động của nền kinh tế.

Hiện tượng này vẫn được đảng ta gọi là: “Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo”

3-  Tiên phong hội nhập

So với các tôn giáo khác, Công giáo là cộng đồng dân cư đa sắc tộc, đa quốc nhất. Trải dài từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, hơn 175 nước và vùng lãnh thổ có bà con Công giáo sinh sống, nhưng tập trung một tỷ lệ lớn nhất ở các nước phương Tây. Chính vì sợi dây liên lạc này, nên ngay cả khi cấm đoán đang ở vào thời điểm cao trào thì cộng đồng Công giáo vẫn duy trì liên lạc với các tín hữu của mình ở ngoài biên giới quốc gia.


http://baomai.blogspot.com/
Những công trình Công giáo nguy nga, rộng lớn dành cho việc thờ tự đã là một nét văn hóa không thể tách rời từ lâu của nền văn hóa Việt Nam. Việc xây dựng các công trình đó đã đem đến cho Việt Nam những quan niệm ban đầu về một lĩnh vực mới về kiến trúc và xây dựng hiện đại… thoát ra khỏi những quan niệm xây dựng tranh tre lá nứa hoặc vôi cát từ lâu đã in sâu đậm trong quan niệm người Việt.

Cùng với đó, những nhà truyền giáo ngoại quốc vào Việt Nam khiến nhu cầu học tập ngôn ngữ nước ngoài cũng đã dần dần xuất hiện và cổ vũ cho sự tìm hiểu thể giới bên ngoài bắt đầu từ những cá nhân trong chính Công giáo như Nguyễn Trường Tộ…


image
Nguyễn Trường Tộ – một người Công giáo hết lòng vì đất nước – sinh năm 1830 tại làng Bùi Chu
Việc sinh hoạt cộng đồng đã từng bước thay đổi cách sinh hoạt truyền thống của người Việt. Cùng kiến trúc là âm nhạc, hội họa là những môn nghệ thuật mới tạo ra sự khác biệt trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Thông qua những sinh hoạt như vậy, người Việt Nam vượt qua được chính những định kiến, những tư tưởng cục bộ địa phương… đó được coi là những mầm mống đầu tiên cho sự hội nhập của đất nước sau này.

image
Cũng cần nói thêm, cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954 hầu hết là bà con Công giáo. Sau năm 75, là cuộc di tản vĩ đại sang các nước không cộng sản, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là bà con Công giáo. Một tỷ lệ lớn người Việt ở Mỹ là bà con Công giáo. Họ là người có điều kiện tiếp cận với thể chế văn minh, dân chủ phát triển ở trình độ cao.

Khi nhà nước Việt Nam mở cửa, họ là những người đầu tiên về nước hoặc là gửi ngoại tệ về giúp thân nhân ở trong nước. Cùng với đó là hàng hóa, dịch vụ... Điều này giúp cho Việt Nam giảm căng thẳng về sự khan hiếm kéo dài trong những năm bao cấp. Hơn thế là cách thức tổ chức làm ăn, cách thức tổ chức đời sống và ý thức chấp hành pháp luật của một xã hội pháp quyền.


image
Có thể nói, cộng đồng công giáo là những người tiên phong hội nhập.

Trên đây là những cảm nhận được của riêng tôi, có thể các bạn có những phát hiện khác, xin mời có ý kiến tham gia!  

Phan Thế Hải


image
       
__._,_.___


Posted by: <vneagle_1

Cái mặt Việt Nam!

Muốn lấy lại danh dự của dân tộc thì chỉ có con đường duy nhất là giải thể chế độ cộng sản.

Nên nhớ là người dân VN không đòi nợ máu, mà chỉ muốn bỏ cái chế độ CS tồi tệ nhất trong lịch sữ nhân loại vì tất cả các hệ lụy,nhục nhã của dân tộc đều do cái chủ nghĩa cộng sản mà ra .Chỉ dưới một chế độ dân chủ tự do mới,thế giới mới nhìn người Việt với con mắt khác và người phụ nữ VN mới được coi trọng.

Thật là xấu hổ để làm công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa mà ai cũng biết là xạo hết chỗ nói với thói xấu chụp giựt,ăn cắp vì cái tiêu chuẫn trong cuộc sống  chỉ là vì tiền,bất chấp luân thường đạo lý?Những người cộng sản còn chút lương tâm thì nên kiên quyết từ bỏ cái đảng ăn hại,làm ô uế danh dự của đất nước có trên bốn ngàn năm văn hiến mà tổ tiên đã tốn biết bao nhiêu xương máu và công sức mới  gầy dựng nên được.

Cái nôi của chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ Liên Xô đã bị vứt vào sọt rác gần một phầ̀n tư thế kỷ rồi, vì nó không tưởng và chỉ phục vụ cho một thiểu số lãnh đạo tham quyền ,cố vị.Không nên để cho bọn... cơ hội chủ nghĩa tiếp tục lợi dụng, nhân danh một chế độ thực sự không đem lại lợi ích cho toàn thể người dân và đất nước, ngoài việc làm tay sai cho ngoại bang.

Đây cũng là bài học cho những ai gọi là không muốn dính dáng đến chính trị vì một chế độ xã hội không ít thì nhiều đều có ảnh hưởng đến danh dự,trách nhiệm củ̉a người còn mang bộ mặt của đất nước của nó.Người Việt ở hải ngoại chắc cũng sẽ e ngại ,xấu hổ khi đi du lịch Singapour,Nhật..hay những nơi nỗi tiếng về hành vi xấu của người Việt, nếu mang trong người giòng máu VN?

Cho nên,tất cả mọi người phải cũng nhau góp sức giải thể cái chế độ CS làm ô nhục đất nước và dân tộc nầy.

On Tuesday, July 28, 2015 6:33 AM, kim vo 

Tuesday, 28 July 2015

TỔNG TUYỆT THỰC.....


TỔNG TUYỆT THỰC

PHẠM ĐÌNH TRỌNG

1.   HÀI HƯỚC HAY VÔ LIÊM SỈ
Tổng tuyệt thực chỉ là cách người dân nặng lòng yêu nước thương nòi ôn hòa bộc lộ chính kiến, bộc lộ mong muốn chính đáng bằng cách bảo nhau cùng nhịn ăn để được dư luận và những người có trách nhiệm quan tâm đến mong muốn chính đáng của họ.

Tổng tuyệt thực cũng là quyền tự do ngôn luận của người dân, một thứ ngôn luận vô thanh, một hành vi mang triết lý khổ hạnh của nhà Phật, mang đức hy sinh âm thầm khổ nạn của đấng cứu thế.

Âm thầm bộc lộ mong muốn chính đáng và khẩn thiết bằng nhịn ăn khổ nạn trong lặng lẽ hiền hòa, trong không gian riêng tư khép kín, chẳng động chạm đến ai, chẳng gây hại gì cho chính quyền, thể chế. 

Theo dự định, thứ bảy ngày 25 tháng bảy, 2015, tổng tuyệt thực mới diễn ra. Vậy mà ở Sài Gòn, từ ngày 23. 7. 2015 công an đã huy động tổng lực lượng đến tận nhà nhiều người đã đăng kí tham gia tổng tuyệt thực bủa vây, ngăn chặn không cho họ ra khỏi nhà. Ngôi chùa khuất nẻo cô quạnh rìa thành phố được chọn là nơi những người tham gia tổng tuyệt thực đến đó cùng nhịn ăn cũng bị phong tỏa tầng tầng, lớp lớp.

Vậy mà mới mấy ngày trước có người Việt Nam đến nước Mỹ, mảnh đất của tự do dân chủ, hùng hồn trên diễn đàn: Chưa bao giờ người dân Việt Nam được sống trong không khí dân chủ như hiện nay. Nhơn nhơn nói như vậy là người có tính hài hước hay là người vô liêm sỉ?

2.  NHÌN LẠI TỒNG TUYỆT THỰC 25.7.2015
Cuộc tổng tuyệt thực 24 giờ của người Việt Nam trên toàn cầu đã kết thúc. Nếu nhìn nhận theo tư duy và ngôn từ của tuyên truyền nhà nước cộng sản thì có thể viết: Cuộc tổng tuyệt thực ngày 25.7.2015 của người Việt trên toàn thế giới đòi nhà nước Cộng sản Việt Nam trả tự do cho những người tù chính trị đã kết thúc thắng lợi, thành công rực rỡ. Người trung thực và lương thiện không cần thứ thắng lợi AQ như vậy nhưng cũng có thể nói rằng cuộc tổng tuyệt thực đã kết thúc đẹp, trọn vẹn và đạt yêu cầu.

Tuy tiêu chí đưa ra là đòi nhà nước Cộng sản Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho  những người tù chính trị, những người sử dụng quyền tư do ngôn luận được Hiến pháp bảo đảm, đấu tranh ôn hòa cho đời sống đất nước có tự do, dân chủ đã bị những bản án phi pháp cầm tù, nhưng những người khởi xướng cuộc tổng tuyệt thực không ngây thơ đến mức tin rằng cuộc tổng tuyệt thực sẽ lay động được lòng trắc ẩn của nhà nước ra đời từ bạo lực, tồn tại bằng bạo lực, quen xài bạo lực đến thành nghiền như con bệnh nghiền ma túy.

Một nhà nước đã chà đạp lên Hiến pháp do chính họ soạn thảo để bỏ tù những tiếng nói tự do dân chủ thì cuộc tổng tuyệt thực của đám dân thường dù có đến vài triệu người Việt trên khắp thế giới cũng chẳng có ý nghĩa gì với nhà nước đó. Trong thời đại văn minh, con người được giải phóng, quyền con người được nhìn nhận, những con sóng dân chủ đang dồn dập và mạnh mẽ xô tới, buộc nhà nước Cộng sản Việt Nam phải xác nhận quyền tự do ngôn luận của người dân trong Hiến pháp. 

Cực chẳng đã phải run rảy xác nhận vài quyền cơ bản, thông thường của người dân trong Hiến pháp rồi nhà nước đó liền đưa ngay vào bộ luật Tố tụng hình sự điều 79; 88; 258 buộc tội người dân sử dụng quyền tư do ngôn luận mà Hiến pháp đã ghi nhận. Chà đạp lên Hiến pháp bằng những điều luật vi Hiến. Chà đạp lên Hiến pháp bằng cả bộ máy công cụ bạo lực khổng lồ không biết đến Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước đó nào có coi ra gì tiếng nói của người dân!

Nhưng không thể không ghi nhận tác động xã hội tích cực của tổng tuyệt thực.

. Cuộc tổng tuyệt thực đã đánh thức, lay động, nhắc nhở cả xã hội về hiện thực ngục tù ngột ngạt, tăm tối của đất nước, của nhân dân trong chế độ độc tài Cộng sản.

Từ ngàn xưa dân gian đã có câu “Được ăn, được nói, được gói, được mở” Được ăn là quyền được sống. Được nói là quyền được bộc lộ chính kiến, được biểu đạt tư tưởng, tình cảm. Được gói là quyền được giữ bí mật riêng tư. Được mở là quyền được giao lưu, tiếp nhận thông tin, quyền được xê dịch, di chuyển, đi lại ở trong nước và ra thế giới. 

Tất cả những quyền cơ bản, đương nhiên này của con người đã được Hiến pháp của nhà nước Cộng sản Việt Nam, từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 ghi nhận, bảo hộ. Tự do ngôn luận, tự do bộc lộ chính kiến là quyền cơ bản, đương nhiên của con người. Nhưng với những điều luật vi Hiến 79; 88; 258, mọi người dân Việt Nam đều có thể bị bắt, bị kết án tù bất cứ lúc nào vì bộc lộ tư tưởng chính kiến khác biệt với nhà nước độc tài.

Thực tế trong suốt lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản, hàng triệu người dân Việt Nam, phần lớn là trí thức ưu tú, tinh hoa của dân tộc Việt Nam vì biểu đạt chính kiến, tư tưởng đúng đắn, khác biệt với lí tưởng xã hội chủ nghĩa sai lầm tệ hại của Đảng Cộng sản cầm quyền mà bị bắt bớ, tù đày, đàn áp, thủ tiêu. 

Với ý chí của nhà nước Cộng sản Việt Nam quyết dùng sức mạnh bạo lực đàn áp những tiếng nói đòi tự do dân chủ, đòi đa nguyên đa đảng, giữ độc quyền thống trị xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người tù vì tự do ngôn luận, vì ôn hòa đòi tự do dân chủ là một con số khá lớn. Đó là nỗi đau của dân tộc Việt Nam, nỗi nhục của lịch sử Việt Nam.

Tạo ra cuộc sống ngột ngạt, khốn cùng, không có tự do, dân chủ, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã tạo ra dòng người bỏ nước ra đi, liều chết vượt hàng ngàn cây số biển thẳm trên những con thuyền mỏng manh, giao mạng sống cho sóng dữ và cướp biển. 

Dòng người Việt Nam khốn khổ tị nạn nối dài trong thời gian cuối thế kỉ 20 đã tạo cho ngôn ngữ loài người một từ ngữ mới: boat people, “thuyền nhân”. Và dòng người tù vì những điều luật vi Hiến nối dài trong các nhà tù trên khắp đất nước Việt Nam lại bổ sung, làm phong phú thêm khái niệm về một từ ngữ mới của loài người: Prisoner of conscience, “tù nhân lương tâm”

Tù nhân lương tâm là những người bị nhà nước độc tài kết án tù vì ôn hòa bộc lộ niềm tin theo khát vọng, lương tâm của họ. Thành ngữ “tù nhân lương tâm” xuất hiện từ giữa thế kỉ 20, thời độc tại hiện đại, trên đất nước độc tài, nhà tù mọc lên như nấm. 

Tôi không muốn dùng từ “tù nhân lương tâm” vì nó vừa loảng xoảng âm Hán Việt, vừa chung chung, trừu tượng, không cụ thể, rõ ràng. Ở Việt Nam, những người tù bởi những điều luật 79; 88; 258 phải được gọi đúng tên là người tù chính trị.

Số người tù chính trị trong nhà nước Cộng sản Việt Nam, từ những người đầu tiên như ông Tôn Thất Tần đến những người bị bắt gần đây nhất như ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy là một con số không nhỏ với những số phận vô cùng oan khiên, bi tráng nhưng nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách bưng bít, xóa dấu vết cuộc đời của họ, coi như họ không có mặt trên cõi đời, coi như không có tù chính trị và xã hội cứ vô tư, thờ ơ, vô cảm chấp nhận. 

Tổng tuyệt thực đòi tự do cho những người tù chính trị đã đánh thức dư luận xã hội về những trái tim yêu nước, về những khí phách hiên ngang đang bị lãng quên trong ngục tối của nhà nước Cộng sản Việt Nam, đưa những số phận oan khiên bi tráng đó trở về với đời sống chính trị đất nước, trở về có mặt trong xã hội, có mặt trong đội ngũ những người đấu tranh cho tự do dân chủ.

. Tổng tuyệt thực thực sự là cuộc tập dượt tập hợp nhân dân. Người dân Việt Nam đang bị áp bức nặng nề. Quyền con người, quyền công dân bị tước đoạt. Quyền công dân quan trọng nhất là quyền tự do ứng cử, bầu cử, người dân không có. Quyền tư hữu quan trọng nhất, cơ bản nhất là quyền tư hữu đất đai, người dân cũng không có. Không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, người dân thực chất chỉ là nô lệ, là công cụ của lực lượng thống trị xã hội. 

Không có quyền tư hữu đất đai, người dân như sống tạm, sống nhờ trong chính căn nhà của mình và có thể bị cưỡng chế đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Khắp đất nước Việt Nam hôm nay nơi nào cũng có những đám đông người dân mất đất, mất nhà đi khiếu kiện vật vờ trước cửa quan như những hồn ma. Người dân Việt Nam đang bị áp bức cả đời sống vật chất, cả đời sống tinh thần.

Có áp bức, có đấu tranh. Đấu tranh dù ôn hòa, bất bạo động cũng là một hoạt động chính trị. Tổ chức, tập hợp nhân dân thành đội ngũ, thành sức mạnh là một quá trình từ nhỏ đến lớn cần được thực tế cuộc sống thử thách, rèn luyện để phát triển. Không có thực tế thử thách, tập dượt, không thể có sự lớn mạnh.

Cuộc tổng tuyệt thực ngày 25.7.2015 đã diễn ra rộng khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam và người trẻ tham gia có tỷ lệ khá cao.

 Đây là nét rất tích cực của tổng tuyệt thực 25.7.2015. Tổng tuyệt thực là bài học vỡ lòng về đấu tranh chính trị của những người trẻ, giúp họ vượt qua tuyên truyền lừa dối của hệ thống giáo dục và truyền thông nhà nước cộng sản để nhận ra hiện trạng đau buồn của đất nước, thân phận ai oán của dân tộc và giúp họ nhận ra trách nhiệm của thế hệ trẻ.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN


__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts