Đại Học chăn Trâu




Monday, 29 May 2017

Nguồn Gốc của Tục Ngữ Ca Dao

Nguồn Gốc của Tục Ngữ Ca Dao

Phạm Hy Sơn


Nhu cầu truyền đạt, diễn tả tâm tình của các sinh vật, kể cả con người, là nhu cầu không thể thiếu  . Các sinh vật dù nhỏ như con kiến cũng biết ra dấu chỉ cho nhau chỗ kiến thức ăn .   Giống chim –theo các nhà nghiên cứu về chim – có những loài hót được năm bảy bài.  Không phải tự nhiên chúng hót được mà phải đi học và tìm thầy để học .
Về nhân chủng học, thời tìền sử trải qua mấy triệu năm, con người cũng giống các sinh vật khác, chưa biết nói, “Nhưng rồi vào khoảng 80 – 100 ngàn năm trước đây, tiếng nói xuất hiện trong loài người và dần dần vưọt lên trên những tiếng hét vì hốt hoảng và những tiếng gào thét thất thanh báo nguy hay kêu gọi, để có thể thành được những lời truyền dạy cho người lớn, bảo ban trẻ con mà giữ lấy những kinh nghiệm và kỹ thuật sống còn trong thiên nhiên ác nghiệt .’’ (Trần ngọc Ninh, Ước Vọng Duy Tân, trg 58).  Giáo sư cổ sinh vật học và sự tiến hoá của con người  Paul Mellards tại Đại Học Cambridge căn cứ vào những đồ vật đào được ở Do Thái và giáo sư ngôn ngữ học Philip Lieberman của ĐH Brown nghiên cứu về sự tiến hoá của miệng, lưỡi, thanh quản con người đều cho rằng con người biết nói khoảng trên 100 ngàn năm nay .
Nhờ biết nói, con người truyền lại cho nhau những kinh nghiệm sống từ đời này đến đời khác :
-Ăn quả nhả hột .
-Cơm và cháo húp .
-Đói ăn rau má, đừng ăn bậy bạ mà chết .
-Bé chẳng vin, cả gãy cành .
-Nước mưa là cưa của trời .
Chỉ dạy cho nhau cách thức làm ăn, cách sống :
-Ở chọn nơi, chơi chọn bạn .
-Ăn đi trước, lội nước đi sau .
-Cần tái, cải nhừ ( cách nấu rau cần, rau cải) .
-Cày sâu tốt luá .
-Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống . (Cách trồng luá)
-Mua cá thì phải xem mang,
Mua bầu xem cuống mới toan không nhầm .
Giáo dục, khuyên bảo :
-Có chí làm quan, có gan làm giàu .
-Có công mài sắt, có ngày nên kim .
-Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng .
-Làm người phải đắn, phải đo,
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu .
-Phong lưu là cạm ở đời,
Hồng nhan là bả những người tài hoa .
-Con ơi, mẹ bảo con này,
Học buôn, học bán cho tầy người ta .
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười .
Dù no, dù đói cho tươi,
Khoan ăn, bớt ngủ liệu bài lo toan .
Phòng khi đóng góp việc làng,
Đồng tiền, bát gạo lo toan cho chồng .
Trước là đắc nghĩa cùng chồng,
Sau là họ mạc cũng không chê cười .
Con ơi, nhớ bấy nhiêu lời !

Hầu hết tục ngữ ca dao do người bình dân ít học sống nơi thôn quê sáng tác nên gọi là văn chương bình dân .  Nhưng không phải tất cả do người bình dân sáng tác mà trong đó có thể do những người học chữ Nho nhưng không đậu đạt để được làm quan .  Họ trở thành thầy đồ, thầy thuốc, thầy bói … sống hoà vào cuộc sống của giới bình dân làm ra nên thỉnh thoảng – khoảng một, vài phần ngàn – có những bài ca dao mang tư tưởng đạo Nho hay dùng chữ Nho :
-Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi,
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn, Nghiêu .
-Công anh đắp nấm, trồng chanh,
Chẳng được ăn quả, vin cành cho cam .
Xin đừng ra dạ bắc, nam,
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề .
Huống tam thu như bất kiến hề,
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu .
-Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Làm tôi, vì chúa sửa sang cõi bờ . (Câu đố : cái liềm có hình cong)
Ngoài ra, cũng có nhiều câu thành ngữ, ca dao lấy ra từ những câu thơ hay hoặc từ những nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng trong các tác phẩm văn chương bác học của nhà văn, nhà thơ :
-Thương người như thể thương thân ( Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi) .
-Đồ sở khanh (nhân vật trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du) .
-Máu Hoạn Thư (truyện Kiều) .
-Cô kia tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ? (Từ bài thơ Tiếng Hát Trong Trăng trong tập thơ “Tiếng thông reo” của thi sĩ Bàng bá Lân xuất bản năm 1935)
Hoặc do hứng từ nhân vật trong các truyện nổi tiếng, người ta tạo ra những câu ca dao :
-Đêm khuya trời lạnh, sương im,
Tai nghe tiếng nhạc chàng Kim tới gần .
-Đi ngang trước cửa nàng Kiều,
Dừng chân đứng lại dặt dìu đôi câu . (Ca dao Nghệ An, Hà Tĩnh)
-Sen xa hồ, sen khô sen cạn,
Liễu xa đào, liễu ngả liễu nghiêng .
Anh xa em như bến xa thuyền,
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi
-Vân Tiên cõng mẹ trở ra,
Đụng phải cột nhà, cõng mẹ trở vô .
Vân Tiên cõng mẹ trở vô,
Đụng phải cái bồ, cõng mẹ trở ra .
Nhưng có lẽ văn chương bình dân ít mượn hay lấy ý từ văn chương bác học, ngược lại có những nhà thơ mượn ý hay lấy cả câu trong tục ngữ ca dao đem vào tác phẩm của mình .   Ngay từ những cuốn truyện thơ đầu tiên như Trê Cóc, Trinh Thử vào thời nhà Trần, khoảng thế kỷ thứ  13, 14, đã dùng nhiều tục ngữ ca dao :
Trong Trê Cóc :
Một tội mất, mười tội ngờ,
Biết đâu mà khéo tri hô hỏi dồn . (Câu 41, 42)
Nghiến răng chuyển chín phương trời,
Ai ai mà chẳng rụng rời sợ kinh . (Câu 51, 52)
(Dương quảng Hàm,VN Thi Văn Hợp Tuyển, Bộ QGGD tb 1957, trang 13)
Trong Trinh Thử :
-Chớ toan những sự tranh phôi,
Bới bèo ra bọ tanh hôi cửa nhà . (Câu 775, 776)
Tránh voi xấu mặt hay sao ?
Hãy xem sứa vượt được nào qua đăng . (791, 792)
(Dương quảng Hàm, VNTVHT,Bộ QGGD tb 1957, trang 47&48)
Cụ Nguyễn Trãi dùng nhiều tục ngữ trong Gia Huấn Ca :
Sang vì vợ nhưng giàu vì bạn.
Gần mực đen, gần đèn thì sáng.
Ở bầu tròn, ở ống thì dài . (Câu 80, 233, 234)
Cụ Nguyễn Du cũng đưa ca dao vào truyện Kiều :
-Vầng trăng ai sẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng . (Ca dao)
Vầng trăng ai sẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường . (Kiều)
Bà Hồ xuân Hương có tài đặc biệt biến thành ngữ thành những câu thơ đầy mỉa mai, chua chát :
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi . (Khóc Tổng Cóc)
Năm thì mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không .
Cố đấm ăm xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công ! (Làm Lẽ)
Về vấn đề này chúng ta nên có những dè dặt    Với văn chương bác học, hầu hết các tác phẩm được ghi trên sách vở, có tác giả, có thời gian còn văn chương bình dân truyền miệng từ đời này qua đời khác, không biết rõ được ra đời vào lúc nào nên có nhiều câu chúng ta không biết văn chương bác học mượn của văn chương bình dân hay văn chương bình dân mượn của văn chương bác học.
Hai câu thơ của thi sĩ Bàng bá Lân đã ghi trên , ngoài miền Bắc sau năm 1954 được đem giảng dạy trong trường học là ca dao và một hai nhà nghiên cứu lịch sử văn học ở miền Bắc ghi là ca dao .  Trong Văn Hoá Nguyệt San của Bộ Quốc Gia Giáo Dục (phía Quốc Gia) cũng ghi là câu ca dao như sau :
-Cô kia tát nước bên đàng,
Sao cô mang ánh trăng vàng đổ đi ?
Hay lưu truyền trong dân chúng :
-Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
Nếu thi sĩ Bàng bá Lân không lên tiếng xác nhận trong Giai Phẩm Hoàng Hoa (nhà xuất bản Nhân Loại ấn hành tháng 9/1952) thì không ai biết đó là thơ đã biến thành ca dao :
“Gần đây tôi vừa được đọc Văn Hoá Nguyệt San do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Xuất Bản.  Trong số I, bài Lời Nói Đầu có nói đến một câu ca dao :
-Cô kia tát nước bên đàng,
  Sao cô mang ánh trăng vàng đổ đi ? (*)
Đọc câu đó tôi vừa sung sướng vừa ngại ngùng .  Sung sướng vì thấy những câu thơ của mình làm từ hồi mình còn trong trắng đã dần dần rời bỏ tập thơ để nhập vào hàng ngũ những vần thơ của dân tộc, của đất nước … .    Ngại ngùng vì những vần thơ được truyền tụng kia cứ sai dần mãi “ .
Tập thơ Tiếng Thông Reo xuất bản năm 1935, chưa đầy 20 năm sau, những câu thơ trong đó đã thành ca dao và biến dạng đến nỗi các cơ quan văn hóa của cả chính quyền cộng sản lẫn quốc gia đều ghi là ca dao và ghi khác nhau, nói gì đến những tác phẩm ra đời từ năm, bảy trăm năm trước làm sao phân biệt được (đâu là tục ngữ ca dao, đâu là thơ) .


——————–
(*) Nguyên văn bài thơ Trăng Quê trong tập thơ Tiếng Thông Reo xuất bản tháng 12 năm 1934   như sau :
Trăng Quê
Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non .
Diều ai gọi gió véo von,
Cành soan đùa ánh trăng suông dịu dàng .
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?
Bàng bá Lân
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts