Đại Học chăn Trâu




Wednesday, 24 May 2017

Động Đất Tại Tòa Bạch Ốc?


 
Động Đất Tại Tòa Bạch Ốc?     

Vũ Linh


Chiến dịch đánh TT Trump của truyền thông dòng chính (TTDC) và đảng DC tiếp tục leo thang, ngày càng mạnh, thể hiện quyết tâm hạ gục ông tổng thống mới bằng mọi giá. Và điều quái lạ là ông này, chẳng những không sợ hãi, tháo chạy, xin lỗi hay trốn vào nhà bếp, mà trái lại, công khai trả đòn, có khi còn tặng thêm vài thùng dầu để hun cho ngọn lửa cháy lớn hơn nữa

Trong tuần qua, TTDC tung ra hai tin gây chấn động cả chính trường Mỹ. Cả hai tin đều không có một ly bằng chứng nào, mà chỉ là tin do nhân viên Tòa Bạch Ốc xì ra, cũng không có kiểm chứng nào.

Trước khi đi vào câu chuyện, phải nói cho rõ về chuyện xì tin bí mật.

Mỗi lần thay đổi chính quyền, bất kể cấp nào, là một lần thay đổi hàng loạt công chức, càng cao cấp càng nhiều thay đổi. Vì số lượng cũng như vì tính phức tạp như cần người cùng quan điểm, có khả năng, phải được Thượng Viện phê chuẩn, nên những thay đổi tại Tòa Bạch Ốc khó khăn và mất thời giờ nhất, có khi kéo dài hàng tháng, hàng năm. Trong khi chờ đợi, thì ai làm việc gì cứ nhiệm chức tạm. Có nghiã là trong Toà Bạch Ốc và các bộ sở, vẫn còn cả trăm ngàn viên chức của chính quyền cũ còn làm việc. Chuyện bình thường.

Cái không bình thường là hiện nay, có phong trào đánh tân tổng thống tối đa, được cổ võ bởi những người lãnh đạo cao nhất của DC là cựu TT Obama và bà ứng viên thất cử Hillary Clinton, được sự hợp tác triệt để của TTDC. Khối công chức cũ còn lại, trên căn bản phải trung lập, chu toàn trách nhiệm nghiêm chỉnh bất kể khuynh hướng chính trị, đã biến thành một khối gián điệp nằm vùng, sẵn sàng xì tin bí mật họ biết được để hại TT Trump, bất kể quyền lợi quốc gia. Cả trăm, cả ngàn viên chức chính quyền Obama còn sót lại có thú vui mới là xì tin bí mật hậu trường bất lợi cho chính quyền Trump ra cho TTDC và TTDC hồ hởi chộp lấy rồi tung ra, không cần kiểm chứng. Cái nhóm “gián điệp” này được báo Mỹ gọi chung là hệ thống “deep state”, tức là “chính quyền ngầm”.

Trong ngành làm báo, chuyện nhà báo đi tìm tin bí mật, giựt gân, sốt dẻo, tung lên báo là chuyện bình thường. Nhưng trước khi bung tin ra, họ cũng đủ tinh thần trách nhiệm để đi kiểm chứng xem tin đúng hay phịa. Nhưng một lần nữa, cái không bình thường hiện nay là trong chiến dịch chống Trump, TTDC không còn cảm thấy có trách nhiệm kiểm chứng gì hết, chỉ việc tung tin ra thôi, còn chứng minh sự thật, đúng hay sai, là trách nhiệm của chính quyền Trump Nền tảng tư pháp của TTDC: “cảnh sát tư tưởng” có quyền muốn tố ai tội gì tùy hỷ, người bị tố mới là người có trách nhiệm chứng minh mình vô tội. Muốn chứng minh? Cứ lập ủy ban điều tra. Bây giờ TTDC có thể tố TT Trump làm một trăm chuyện sai trá, bậy bạ mà không cần bằng chứng. TT Trump cải chính hay biện giải gì cũng vô ích, chỉ có một cách: lập cả trăm ủy ban điều tra.

Kết quả cụ thể: cột tay cột chân chính quyền vào vô số điều tra, vừa tê liệt hoá chính quyền, vừa nuôi dưỡng chống đối và reo rắc nghi ngờ lên tất cả mọi chuyện, khiến mất hậu thuẫn. Đây là sách lược chống đối mới. Cho đến nay, với sự thông đồng giữa DC và TTDC, rõ ràng là sách lược này đang gây khó khăn lớn cho TT Trump.

Ngay cả dân biểu thiên tả Dennis Kucinich cũng phải nhìn nhận nhóm “chính quyền ngầm” này đang phá tan hệ thống chính quyền của nước Mỹ. Quốc gia đã biến mất để chỉ còn đảng phái. Ngoại thù không có, chỉ còn nội thù.

Bây giờ ta trở lại câu chuyện hai tin bí mật mới bị xì ra.

Trước nhất là tin ít quan trọng hơn của Washington Post. Báo này cho biết trong buổi họp mặt với ngoại trưởng và đại sứ Nga mới đây, TT Trump đã tiết lộ tin có tính “tối mật” cho hai ông này. Sau đó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cải chính, cho biết thứ nhất là chẳng có tin bí mật sinh tử nào bị tiết lộ hết, đại khái cái tin bị lộ là ISIS hiện có khả năng cài bom trong máy điện toán xách tay – laptops-, do đó Mỹ đang nghiên cứu cấm mang laptops theo hành lý xách tay trên các chuyến bay từ Âu Châu, có thể kể cả các chuyến bay từ Nga qua Mỹ. Thứ nhì, việc chia sẻ tin tức tình báo giữa các vị lãnh đạo là chuyện bình thường, không có gì là sai trái hay bất thường, nhất là khi tin đó liên quan đến ISIS, sẽ giúp Nga đánh ISIS hữu hiệu hơn, là chuyện TT Trump mong muốn và đã công khai nói rõ cho tất cả bàng dân thiên hạ từ lâu rồi.

Câu hỏi là xì tin này cho Nga thì có hại như thế nào đến an ninh quốc gia Mỹ mà WaPo la hoảng giống như TT Trump phản quốc, chia sẻ tin bí mật quốc sự cho kẻ thù không đội trời chung, cần truất nhiệm. Trong quan điểm của TTDC và phe DC hiện nay, TT Trump có nhẩy mũi mà không che miệng cũng đáng bị truất nhiệm vì có thể đã tung ra cả triệu vi khuẩn hại đến sức khoẻ cả triệu người!

Tổng thống là viên chức cao nhất chính quyền có quyền quyết định tin nào thuộc loại bí mật cỡ nào, cũng như có quyền giải mật bất cứ tin mật nào. Từ đó, ông có toàn quyền chia sẻ bất cứ tin gì với bất cứ ai, bất kể mật cỡ nào, chẳng có gì phạm pháp.

Từ đó TTDC đổi giọng, tố TT Trump tiết lộ nguồn gốc tin bí mật, đe dọa tính mạng nhân viên tình báo của một nước đồng minh, cũng như lộ cách lấy tin của ngành an ninh xứ này. Quý độc giả không biết xứ này là xứ nào, phải không? Không ai biết hết. Nhưng không sao, vì WaPo đã mau mắn xì tiếp ra cho cả thế giới biết đó là Do Thái. Như vậy ai đã xì tin đe dọa tính mạng nhân viên tình báo Do Thái?

Trong buổi họp, không kể phiá Nga và TT Trump, chỉ có 3 viên chức cao cấp nhất là ngoại trưởng, cố vấn và phụ tá An Ninh Quốc Gia. Cả ba vị đều xác nhận TT Trump không hề tiết lộ tin có tính bí mật nào hết. Dù vậy WaPo vẫn khẳng định nguồn tin họ nhận được là chính xác, cho dù người đưa tin cho họ (dấu tên) chắc chắn đã không có mặt trong buổi họp, không đích thân nghe hay nhìn thấy gì. Vậy chứ WaPo vẫn coi như chân lý, sự thật tuyệt đối.

Chuyện quái lạ nhất là cả TTDC ra vẻ bị sốc mạnh, tố TT Trump xì tin bí mật an ninh, có hại cho quốc gia, cần truất phế. Thế nhưng trong lịch sử cận đại, cũng đám truyền thông này là đám chuyên xì tin bí mật an ninh quốc gia với hậu quả tai hại nhất như vụ xì nguyên hồ sơ Pentagon Papers (Hồ Sơ Bộ Quốc Phòng) về chiến tranh VN, hay gần đây hơn, xì toàn bộ kế hoạch truy cứu đường giây gây quỹ ISIS của TT Bush, toàn bộ tổ chức truy lùng khủng bố toàn cầu của cơ quan NSA của TT Obama, các hồ sơ Wikileaks liên quan đến chiến tranh Iraq,… Tất cả những tin xì ra trên chắc chắn đã có hậu quả nguy hại gấp triệu lần việc “đe dọa tính mạng” vài gián điệp Do Thái. TTDC cũng đã xì tên vị bác sĩ Pakistan đã giúp Mỹ tìm ra Bin Laden, khiến cho ông này bị chính quyền Pakistan ra án 33 năm tù vì một tội phiạ, cốt ý vỗ về những đệ tử của Bin Laden, trong khi TT Obama ngó lơ, có báo nào đứng ra nhận trách nhiệm chưa?

Câu chuyện chưa ngã ngũ, nhưng có triển vọng bị chìm xuồng sau khi một tin mà TTDC coi như là động trời hơn được New York Times bung ra. Theo NYT, giám đốc FBI ông Comey, một ngày sau khi tướng Flynn từ chức Cố Vấn An Ninh, đã được mời ăn tại Tòa Bạch Ốc với TT Trump. Sau bữa ăn, vài quan khách khác được mời ra khỏi phòng, chỉ còn hai người nói chuyện riêng là tổng thống và giám đốc FBI. NYT xì tin cho biết là ngay sau bữa ăn, ông Comey có ghi lại tóm lược cuộc nói chuyện riêng trong một ký chú riêng –personal memo-, trong đó ông ghi có lúc TT Trump đã nói “tôi hy vọng ông sẽ nhìn thấu vấn đề để cho qua vụ này, tướng Flynn là người tốt, tôi hy vọng ông sẽ cho câu chuyện này qua đi”. (nguyên văn: “I hope you can see your way clear to letting this go, to letting Flynn go. He is a good guy. I hope you can let this go”). Theo NYT, đây rõ ràng là can thiệp vào một cuộc điều tra, tìm cách áp lực FBI ngưng điều tra, và sau khi thất bại, thì TT Trump đã cách chức ông Comey. Và theo NYT, đây là lý do cụ thể có thể đàn hặc TT Trump vì tội cản trở công lý –obstructing justice.

Câu chuyện không giản dị như vậy.

- Nếu những câu viết của ông Comey đúng là áp lực của TT Trump thì ông Comey đã có bổn phận phải báo cáo cho bộ trưởng Tư Pháp ngay lúc đó, chứ không thể giữ kín để rồi bung ra cho TTDC mấy tháng sau, sau khi ông đã bị cất chức, như là đòn thù cá nhân. Trên phương diện pháp lý, ông có trách nhiệm báo cáo ngay, nếu không thì coi như là đồng loã tìm cách cản trở công lý. Luật Mỹ rất rõ rệt: khi một viên chức đang điều tra mà bị áp lực (đòi ngưng hay điều tra mạnh hơn) thì viên chức đó bắt buộc phải báo cáo lên cấp trên ngay. Ông Comey không báo cáo gì với bộ trưởng Tư Pháp, rồi sau đó đã ra điều trần trước quốc hội ngày 3/5 mà vẫn khẳng định không hề bị TT Trump áp lực gì. Cả ông McCabe, phó giám đốc FBI cũng xác nhận như vậy trước quốc hội. Người bây giờ xì tin này chỉ có thể là ông Comey, không ai khác vì đó là ký chú cá nhân của riêng ông, một mình ông giữ, chứng tỏ ông có thể có ý định trả thù TT Trump.

- TT Trump đã chính thức khẳng định tuyệt đối không có chuyện ông xiá vào bất cứ cuộc điều tra nào của FBI, không có chuyện ông yêu cầu hay ra lệnh “tha” cho tướng Flynn. Nhân đó, ông cũng cho biết ông Comey đã ba lần xác nhận với TT Trump là tổng thống không bị điều tra về chuyện gì hết [chứ không phải là TT Trump ba lần “cám ơn” ông Comey đã không điều tra ông như vài tin đã bóp méo].

Qua hai vụ lùm xùm trên, phong trào đòi lột chức TT Trump bẳng cách này hay cách khác được TTDC thổi mạnh lên nữa. Cho đến nay, phong trào này có vẻ hơi viễn vông, chỉ phản ánh một sự chống đối tuyệt đối của các phe nhóm đối lập.

Trên căn bản, có hai cách lột chức một tổng thống:

1) Đàn hặc -impeach.

Cách này áp dụng khi tổng thống phạm tội phản quốc hay đại tội nào khác, hoàn toàn do quốc hội định tội. Trong lịch sử cận đại, có hai tổng thống bị dính vào. TT Nixon tuy chưa bị chính thức đàn hặc, nhưng bị các lãnh tụ quốc hội khuyến cáo nên từ chức trước vì họ có đủ túc số để đàn hặc và truất phế ông. TT Clinton bị Hạ Viện kết tội và đàn hặc, nhưng được Thượng Viện biểu quyết không truất phế. Muốn truất phế, phải cần hai phần ba (2/3) Thượng Viện quyết định. Thượng Viện khi đó do DC nắm đa số.

Trên căn bản, đàn hặc là biện pháp hoàn toàn mang tính chính trị, không phải luật pháp. Tất cả những tranh cãi TT Trump phạm luật có thể bị đàn hặc hay không đều là lớp vải thưa che mắt thiên hạ. Đến cái bằng chứng cụ thể nhất như cái áo đầm dính tinh khí mà cũng vẫn chưa lột chức TT Clinton được mà.

CH hiện nay kiểm soát cả hai viện quốc hội, không ai nhìn thấy có cách nào đa số dân biểu nghị sĩ CH cất chức TT Trump. Nhất là cho đến nay, chưa ai thấy TT Trump đã phạm tội phản quốc hay đại tội nào hết. Những chuyện WaPo cho là kinh hồn, như tiết lộ bí mật quốc sự cho Nga, chỉ là chuyện vặt chẳng có gì bất hợp pháp. Chuyện TT Trump cản trợ luật pháp qua áp lực ông Comey như NYT loan tin vẫn còn là câu hỏi lớn mà không ai biết có hay không.

TT Trump có thể sẽ bị đàn hặc và truất phế chỉ khi nào hậu thuẫn chính trị của ông đã mất, đe dọa ghế của mấy chính khách CH, khi đó, họ sẽ không ngần ngại trở cờ để giữ ghế của mình, như TT Nixon đã nếm mùi. TT Trump cho đến nay vẫn giữ nguyên hậu thuẫn mạnh của ông.

2) Cất chức vì không thể chu toàn trách nhiệm (theo tu chính 25 của Hiến Pháp)

Trường hợp này áp dụng cho tình trạng tổng thống bị bạo bệnh, hay bị khùng điên, không làm việc được. Thủ tục đầu tiên là 2/3 nội các biểu quyết xin giải nhiệm, rồi 2/3 Hạ Viện và 2/3 Thượng Viện biểu quyết đồng ý.

Đó là chưa kể phản ứng của quần chúng. Ta không nên quên khối hơn 60 triệu cử tri và 30 tiểu bang đã bỏ phiếu cho TT Trump mà cho đến giờ này, vẫn quyết tâm ủng hộ ông và coi ông như là nạn nhân của cánh tả, của đảng DC và của TTDC. Chuyện họ an phận, ngồi yên chấp nhận TT Trump, thần tượng của họ, bị DC và TTDC lột chức là chuyện hoang tưởng.

Theo GS Stephen Cohen của đại học cấp tiến Princeton, những tấn công quá đáng của TTDC đối với TT Trump là một đe dọa thực sự vào nền tảng thể chế dân chủ của Mỹ. Có thể là nếu tiếp tục sẽ tạo phản ứng ngược, củng cố hậu thuẫn của TT Trump trong giới lao động và trung lưu vì dân Mỹ có khái niệm về công bằng –fairness- rất cao.

Có một yếu tố mới cần nói cho rõ, thứ trưởng Tư Pháp bị áp lực chính trị quá nặng, đã bổ nhiệm một công tố đặc biệt để điều tra vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Đây là loại quyết định chính trị... “huề vốn”, chẳng thoả mãn ai hoàn toàn hết.

Phe DC chưa thoả mãn vì họ đòi công tố viên độc lập, trong khi công tố viên mới lại do bộ Tư Pháp bổ nhiệm và trả lương. Đã vậy, ông này, Robert Muller, lại còn là cựu giám đốc FBI trong 12 năm do TT Bush con bổ nhiệm, bị TT Obama thay thế bằng ông Comey.

Phe CH cũng bực mình không kém vì cuộc điều tra sẽ cản trở việc thi hành các chính sách mới như cải tổ y tế, thuế má, guồng máy hành chánh, chính sách đối ngoại,... Đã vậy, ông công tố Muller này lại từng là bạn thân với ông Comey, là người đã sát cánh với ông Comey khi ông này công khai chống TT Bush.

Cả hai bên đều chuẩn bị tư thế tấn công ông Muller nếu như báo cáo cuối cùng của ông bất lợi cho mình.

Việc bổ nhiệm công tố đặc biệt có thể hạ hỏa phần nào cuộc tấn công của phe DC và TTDC, nhưng dù vậy, vẫn không khỏa lấp được tính chính trị lộ liễu của quyết định này. Ông Muller kết tội TT Trump sẽ bị khối bảo thủ bác bỏ, ông bạch hoá TT Trump sẽ bị phe cấp tiến sỉ vả. Cả hai trường hợp, sẽ chẳng ai để ý đến bằng chứng gì ông đưa ra. Chỉ những người ngây thơ nhất mới tin việc bổ nhiệm công tố đặc biệt này sẽ có kết quả công bằng, sẽ mang sự thật ra ánh sáng trong câu chuyện TT Trump bị tố thông đồng với Nga.

Theo tin mới nhất, điều lạ lùng mà cho đến nay, chưa ai hiểu hệ quả như thế nào, là việc hãng luật ông Muller đang làm có hai khách hàng đặc biệt: con rể của TT Trump, Jared Kushner, và cựu giám đốc Vận Động Bầu Cử của ứng viên Trump, Paul Manafort. Cả hai dường như đều đang bị điều tra về quan hệ với Nga. Làm sao ông Muller dù không trực tiếp là luật sư của hai vị này, có thể điều tra sự can dự của Nga khi mà hãng luật của ông đang bênh vực cho hai ông Kushner và Manafort? Có xung khắc quyền lợi không?

TT Trump dĩ nhiên “hy vọng” (lại áp lực?!) cuộc điều tra sẽ chứng minh rõ ràng chẳng có sự thông đồng nào giữa Nga và ông, mặc dù theo ông, đây là cuộc lùng bắt phù thủy –witch hunt- lớn nhất lịch sử chính trị Mỹ, và than phiền không có một tổng thống nào bị truyền thông đánh phá mạnh hơn. Một nghiên cứu mới nhất của đại học Harvard cho biết xấp xỉ 90% tin tức do CNN, CBS, NBC, NYT và WaPo đưa ra đều có tính tiêu cực –negative- chống TT Trump, một tính phe đảng chưa từng thấy trong lịch sử cận đại Mỹ.

Quan trọng hơn tất cả những tiểu tiết trên là việc giám đốc FBI dưới quyền bộ trưởng Tư Pháp, và theo Hiến Pháp, cả hai đều do tổng thống bổ nhiệm và có thể bị cất chức bất cứ lúc nào, bất kể có lý do hay không có lý do. Tổng thống cũng có quyền yêu cầu FBI điều tra hay ngưng điều tra bất cứ chuyện gì. Có nghiã là lập luận của vài chính khách DC đòi đàn hặc TT Trump vì đã cất chức ông Comey, cản trở công lý, hoàn toàn là chuyện vớ vẩn, TT Trump không vi phạm luật lệ nào mà chỉ có hành động sai lầm về chính trị. Nôm na ra, không có căn bản pháp lý nào để đàn hặc TT Trump. [Xin thưa ngay, đây không phải là lập luận của kẻ viết này đâu, mà là giải thích của ông Alan Dershowitz, GS Hiến Pháp thiên tả của đại học Harvard, đồng minh lâu năm của TT Obama và TT Clinton] Biết vậy nhưng phe DC và TTDC vẫn muốn thổi nồi lửa “đàn hặc” để phá uy tín của TT Trump, cũng như cản trở không cho ông thi hành được bất cứ chính sách nào, như không thu hồi Obamacare hay thay đổi hệ thống thuế được.

Trong toàn bộ câu chuyện “khủng hoảng” này, ta nhìn thấy hai sự kiện nổi bật:

1) Ý định của TT Trump rút hết nước thải trong cái đầm lầy Hoa Thịnh Đốn dĩ nhiên nói dễ làm khó, sẽ bị tất cả cá mập, rắn độc, bọ cạp trong đầm đó tấn công.

2) Ngư ông rung đùi hưởng lợi không ai khác hơn là... Putin, cho dù chẳng ai biết ông ta có can thiệp vào bầu cử để phá rối gì không. Bảo đảm lâu lâu ông ta cũng tưới thêm ít dầu cho lửa tiếp tục cháy. (21-05-17)

Vũ Linh
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts