Đại Học chăn Trâu




Monday, 8 May 2017

KHI CỬ TRI PHÁP CÒN BIẾT KHÔN NGOAN



logo-thoi-su.jpg


KHI CỬ TRI PHÁP CÒN BIẾT KHÔN NGOAN

Image result for Discours du Président élu Emmanuel Macron

Giữa lúc chính trường nước Mỹ cũng vẫn còn loay hoay không biết theo rõi đề tài nào một cách thực sự nghiêm chỉnh trước một ông Tổng thống vẫn còn chưa tỉnh ngộ và tiếp tục sống trong ảo mộng của thời kỳ vận động tranh cử với những lời hứa hẹn bốc đồng và thay đổi xoèn xoẹt, thì tình hình chính trường tại nước Pháp bỗng đem lại một luồng sinh khí mới đầy vững tin cho mọi người với kết quả vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống.

Thật vậy, kết quả bầu cử tại Pháp cũng gần giống với những dự đoán của hầu hết các bảng thăm dò dân ý trước đó chứ không hề khác biệt so với hai kỳ bầu cử tại Anh (về vụ Brexit khi đa số dân Anh muốn rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu), cũng như tại Hoa Kỳ (với ứng cử viên Donald Trump bất ngờ thắng cử lớn về số phiếu cử-tri-đoàn để trở thành tổng thống).

Image result for Hai UCV sáng giá Emmanuel Macron và Marine Le Pen
Hai UCV sáng giá Emmanuel Macron và Marine Le Pen

Theo kết quả ghi nhận được, ứng cử viên trung dung và sáng giá nhất là Emmanuel Macron, đại diện cho phong trào “En Marche!” (Đi Tới) đã về đầu với gần 24% số phiếu, vượt qua người về nhì là bà Marine Le Pen, thủ lãnh của đảng cực hữu “Front National” (Mặt Trận Quốc Gia) chiếm được khoảng 21.3%.

SƠ LƯỢC VỀ CÁC ỨNG VIÊN

Tổng cộng có 11 ứng viên được ghi tên chính thức tham dự trong cuộc bầu cử này nhưng chỉ có 5 người đầu được coi là những ứng viên đại diện cho đảng phái có thực lực. Đó là 2 nhân vật kể trên, cộng với 3 người nữa là ông Francois Fillon, ứng viên của đảng trung hữu “Les Republicains” (Cộng Hoà), ông Jean-Luc Melenchon của đảng “La France Insoumise” (Nước Pháp Bất Khuất), là thối thân một phần từ đảng Cộng Sản với khuynh hướng cực tả, và người cuối cùng là ông Benoit Hamon, đại diện của đảng trung tả “Parti Socialiste” (Xã Hội), với đương kim tổng thống Francois Hollande được coi là thủ lãnh của đảng này nhưng đã quyết định không ra tái tranh cử khi biết trước rằng mình sẽ không có triển vọng lần này.

Trong số 5 ứng viên được xem là nghiêm túc này, những cuộc thăm dò dân ý trước đó đều không thể xác quyết rõ ràng hai ứng viên nào sẽ về đầu (và đó mới là điều quan trọng trong lịch sử bầu cử tại Pháp). Càng về sau thì người ta càng thấy rõ hơn là ông Benoit Hamon có thể có số phiếu thấp nhất trong số 5 người này, đánh dấu một sự xuống dốc thê thảm của đảng Xã Hội tại Pháp kẻ từ thời hoàng kim của nó dưới thời của TT Francois Mitterand hồi thập niên 1980.

Image result for 5 UCV: François Fillon, Benoît Hamon, Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Jean-Luc Mélenchon
5 UCV: François Fillon, Benoît Hamon, Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Jean-Luc Mélenchon

Một trong những lý do giải thích sự xuống dốc của đảng Xã Hội ở Pháp là vì chính quyền của TT Hollande đã bị đánh giá là quá bết bát, không thực hiện được những lời hứa lúc ban đầu, cũng như không vực dậy được nền kinh tế của Pháp khả quan hơn.

[Khách quan mà nói ông Hollande cũng thắng cử hồi năm 2012 là vì may mắn nhiều hơn là vì có tài năng xuất sắc. Ông đắc cử được là vì dân chúng Pháp đã bất mãn với TT Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy bởi vì ông này cũng cao ngạo, phách lối, nhưng cũng không đẩy mạnh nước Pháp gì hơn.
Sự kiện ông Sarkozy vừa mới đắc cử tổng thống đã bị bà vợ Cecilia bỏ rơi để đi theo một người tình ở New York cũng cho thấy là ông ta cũng không khá gì lắm trong đời sống cá nhân. Sau đó, ông tổng thống lại chạy theo một cô ca sĩ kiêm người mẫu khoả thân là Carli Bruni (đã từng qua tay nhiều ca sĩ khác như Mick Jagger và Eric Clapton) để rước vào dinh tổng thống Elysée làm đệ nhất phu nhân khiến cho đa số dân Pháp chẳng lấy gì làm vui mừng và hãnh diện.]

Cuộc đời tình ái của đương kim tổng thống Hollande cũng rất ly kỳ nhưng chẳng lấy gì làm tốt đẹp, và do đó cũng khó lòng khiến cho ông ta nâng cao được uy tín cá nhân của mình trong thời gian qua. Ông Hollande trước đó sống chung với một người bạn tình và bạn đời trong suốt một thời gian dài và có đến 4 mặt con tuy rằng hai người không ký tờ hôn thú. Đó là bà Ségolène Royal, một nữ chính trị gia rất đẹp và duyên dáng, lại thông minh và tài ba, vượt xa ông Hollande ngay cả trong nội bộ của đảng Xã Hội và đã được đảng này đề cử làm ứng viên chính thức trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2007. Nhưng có lẽ bà Royal này (dù có cái tên họ tiền định là “Hoàng Gia”) không có số làm vua, giống như bà Hillary Clinton, nên cuối cùng đã thất bại trước đối thủ Sarkozy trong kỳ bầu cử năm đó.

Vận mệnh trớ trêu đưa đẩy khiến 5 năm sau, ông Sarkozy lại thất bại đối với đảng Xã Hội, nhưng những người sáng giá và xứng đáng hơn trong đảng đáng lý ra không phải là ông Hollande. Nếu không phải là bà Ségolène Royal thì có thể là ông Dominique Strauss-Kahn (DSK), một chuyên gia kinh tế nổi tiếng vào lúc đó đang nắm giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Nhưng ông DSK bất ngờ bị rớt đài một cách đau đớn vào năm 2011 vì không kềm chế được con “lợn lòng” của mình nổi lên trước một cô hầu phòng ở khách sạn tại New York, nên bị cảnh sát Mỹ leo lên máy bay kéo xuống và tống giam vào bót, khiến ông một sớm một chiều thấy hình ảnh và tương lai tụt xuống bùn nhơ để không thể vực dậy nổi.
Nhiều người cho rằng có thể ông Sarkozy hoặc những thế lực ngầm nào đó đã giăng bẫy để hạ gục ông DSK vì xem ông ta là đối thủ đáng ngại nhất cho kỳ bầu cử năm 2012, nhất là khi người ta khó tin nổi chuyện một người như ông DSK lại có thể bị cám dỗ bởi 1 cô hầu phòng Mỹ đen xấu xí như vậy.

Nhưng chính nhờ yếu tố này mà Francois Hollande bỗng trở thành ứng viên sáng giá còn lại của đảng Xã Hội để ra đối đầu với Nicolas Sarkozy. Vào thời điểm này, cặp Hollande và Royal cũng bắt đầu có chuyện sứt mẻ hay lạnh nhạt, và một hình bóng khác bắt đầu xen vào đời sống của họ: đó là bà Valérie Trierweiler, một nhà báo trên đài truyền hình cũng như là phóng viên của tạp chí Paris-Match.

Bà Trierweiler cũng chẳng phải là gái tơ và “sexy” gì như cô Carla Bruni, vì đã qua 2 đời chồng và có 3 mặt con. Tuy vậy, có lẽ ông Hollande vẫn thích “ham của lạ” nên chấp nhận cho bà “gái xề” này về sống chung ở Điện Elysée, coi như trở thành một đệ nhất phu nhân “bán chính thức” của nước Pháp. Nhưng nhiều người dân Pháp lại không ưa bà này, và từ đó cũng chê trách luôn ông Hollande, vì bà này tuy là người đến sau nhưng lại tỏ ra ghen ngược với bà Ségolène Royal, thậm chí còn tìm cách chơi xấu khi ra mặt ủng hộ đối thủ của bà Royal trong một cuộc bầu cử tại hội đồng tỉnh ở La Rochelle.

Nhưng rồi có lẽ quen thói tự do không thích bị ràng buộc, nên ông tổng thống Hollande cũng thích kiếm bồ mới và cuối cùng tìm được một bóng hình khác tương đối trẻ trung và sáng giá hơn nhiều: đó là cô minh tinh màn ảnh Julie Gayet. Bà Trierweiler biết được nên buồn rầu, chẳng biết có uống thuốc quyên sinh hay để quên sầu hay không nhưng được đưa vào bệnh viện để được điều trị. Sau khi bị thất tình, bà cũng bị thất sủng luôn để rời khỏi dinh tổng thống, nhưng sau đó ngồi xuống viết hồi ký tự truyện có tên là “Merci pour ce moment” (tạm dịch là Cám ơn Tình Anh đã ban cho Em), cũng kiếm được bạc triệu vì nhiều người tò mò tìm mua đọc cuốn sách “best-seller” này.  

Có lẽ chính vì nhiều yếu tố đó mà uy tín của TT Hollande đã xuống thậm tệ trong thời gian gần đây, trở thành vị tổng thống duy nhất dưới thời Đệ Ngũ Cộng Hoà là người không dám ra tái ứng cử cho một nhiệm kỳ thứ hai. Kể từ năm 1958, các vị đương kim tổng thống Pháp đều ra tái ứng cử, với 3 người được tái đắc cử dễ dàng (với tỉ lệ cao hơn lần đầu) là Charles de Gaulle, Francois Mitterrand và Jacques Chirac. Hai người khác bị thất bại khá khít khao trong lần tái ứng cử là Valérie Giscard d’Estaing (vào năm 1981) và Nicolas Sarkozy (vào năm 2012). Nhưng chỉ riêng có Francois Hollande là tệ hơn cả vì uy tín xuống quá thấp, biết chắc là sẽ thua (ngay cả trong nội bộ của đảng Xã Hội) nên tốt nhất là rút lui êm thắm, từ đó cũng dẫn đến sự xuống dốc và chia rẽ trong nội bộ của đảng Xã Hội hiện nay.

Trong bối cảnh đó, đáng lẽ người đại diện cho phía đối lập là đảng Cộng Hoà theo khuynh hướng bảo thủ trung hữu phải được hưởng lợi nhiều nhất. Và người đại diện cho đảng này là ông Francois Fillon, trước đây đã từng làm thủ tướng trong suốt thời kỳ của TT Sarkozy, trở thành ứng viên đại diện sau khi đã đánh bại nhiều đối thủ khác bên cánh hữu, trong đó có cả những tên tuổi nổi tiếng như Alain Juppé và Nicolas Sarkozy. Vì thế nên nhiều người tiên đoán rằng có lẽ ông Fillon sẽ trở thành ứng viên có nhiều triển vọng nhất để trở thành tân tổng thống Pháp. Bởi vì cho dù ông ta có về nhì sau bà Marine Le Pen ở vòng đầu, thì mọi cuộc thăm dò đều cho thấy là ông Fillon cũng sẽ giành đa số phiếu của những người dân Pháp ở vòng nhì khi đối đầu với bà Marine Le Pen.

Vào thời điểm này, ông Emmanuel Macron cũng chỉ mới chính thức lên tiếng là sẽ nhập cuộc trong cương vị một ứng viên độc lập, vì phong trào “En Marche!” của ông chưa phải là một đảng phái thực sự, với cơ cấu nền tảng vững mạnh, đầy đủ nhân sự và thế lực để yểm trợ.
Sự kiện bà Marine Le Pen cầm đầu đảng Front National (với lập trường cực hữu lộ liễu và kỳ thị quá khích đối với khối di dân thiểu số, tương tự như Donald Trump) có thể đạt được số phiếu cao nhất trong vòng đầu có hơi gây ngạc nhiên cho nhiều người không am tường thời cuộc ở Pháp. Nhưng thật ra, nó cũng không có gì gây ngạc nhiên lắm, do bởi hiện tượng có quá nhiều ứng viên khác còn lại đã chia nhau số phiếu cử tri ủng hộ tại Pháp.

Trong một chừng mực nào đó, nó cũng gần giống như tình cảnh của khoảng 17 ứng viên trong nội bộ đảng Cộng Hoà ở vòng bầu cử sơ bộ hồi cuối năm 2015 vừa qua. Vào lúc đó, nhiều người cũng ngạc nhiên vì sao một ứng viên được coi là “rất bựa” như Donald Trump lại có thể dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dân ý. Nhưng trong thực tế là vào lúc đó, ông Trump tuy đứng đầu nhưng chỉ chiếm có khoảng từ 15% đến 19% cử tri phe bảo thủ, trong khi 16 đối thủ còn lại chia nhau số còn lại, với mỗi người chỉ giành được từ 1% đến 10% hay 13% v.v...

Vì thế nên bà Marine Le Pen đã được một số các thăm dò tiên đoán là có thể về đầu vì đảng Front National trong thời gian sau này bắt đầu thu hút số đông cử tri là dân Pháp bảo thủ cực đoan, kỳ thị sắc tộc không muốn Pháp mở rộng ra Âu Châu hay cho di dân từ nhiều nơi vào, theo kiểu “nước Pháp của người Pháp mà thôi”, tương tự như chiêu bài “America First” do Donald Trump hô hào. Nhưng con số đông đó cũng chưa phải là đa số ở Pháp, nên khi tiến vào vòng nhì của cuộc bầu cử với 2 ứng viên về đầu, nhiều phần là đa số cử tri còn lại của Pháp đều chấp nhận dồn phiếu cho ứng viên còn lại, hoặc là ngồi nhà, chứ không thể nào chấp nhận chuyển sự ủng hộ sang cho bà Marine Le Pen và đảng Front National.

Và điều này cũng đã xảy ra trước đó không lâu. Trong kỳ bầu cử vào năm 2002, đương kim tổng thống Jacques Chirac về đầu với tỉ lệ khoảng 20%. Lãnh tụ phe đối lập là thủ tướng Lionel Jospin của đảng Xã Hội chỉ đạt được có 16%, bất ngờ thua trước ứng viên Jean Marie Le Pen (cha của cô Marine) của đảng Front National được khoảng 17%.
Biến cố này, ngoài việc nêu bật sự tụt giảm uy tín của đảng Xã Hội lúc bấy giờ, đã tạo nên một cú chấn động tâm lý đối với người dân Pháp khi thấy một ứng viên của một đảng cực hữu lại có thể lọt được vào vòng nhì để tranh cử tổng thống. (Nên nhớ là ở vòng đầu, gần như ai cũng có thể nộp đơn ra ứng cử miễn là có đóng tiền lệ phí, và người dân Pháp cũng không đặt nặng vào tỉ lệ ở vòng này). Vì thế nên người Pháp vào lúc đó bỗng nhiên thức tỉnh, và thi nhau dồn phiếu cho ứng viên Jacques Chirac ở vòng nhì, khiến tỉ lệ ủng hộ của ông từ 20% bỗng vọt lên thành 82% ở vòng nhì, trong khi tỉ lệ của ông Jean Marie Le Pen từ 17% ở vòng đầu chỉ tăng lên thành 18% ở vòng nhì mà thôi!

Vì thế nên sau kết quả thắng cử của ông Fillon ở vòng sơ bộ của đảng Cộng Hoà bên cánh hữu hồi cuối tháng 11 năm 2016, nhiều chuyên gia đã tiên đoán rằng ông ta là người có nhiều triển vọng nhất để trở thành tổng thống tương lai của nước Pháp, đặc biệt là nếu như đối thủ chính là bà Marine Le Pen.

VỤ TAI TIẾNG PENELOPEGATE

Nhưng mấy ai ngờ là chỉ vài tháng sau đó, một vụ tai tiếng nhỏ đã làm thay đổi tương lai đầy hứa hẹn của ông Fillon, và có thể cũng là thay đổi cho vận mệnh của nước Pháp. Giống như các chuyên gia trong giới truyền thông tại Hoa Kỳ thường bình luận, thời gian vài tháng trời trên chính trường, nhất là trong thời kỳ vận động tranh cử, nhiều khi lại là một thời gian rất dài với những biến cố bất ngờ có thể nổ ra ngoài dự liệu của mọi người, và từ đó có thể làm thay đổi cục diện một cách ngoạn mục.
Vì thế nên những cuộc thăm dò dân ý hiện nay nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì thực sự đáng kể cho kết quả của những cuộc bầu cử vào năm sau. (Điều này có nghĩa là những người bên cánh tả, luôn miệng chê bai ông Trump với tỉ lệ ủng hộ của dân chúng hiện nay chỉ xấp xỉ 40%, là đừng có quá chủ quan để tin rằng TT Trump và đảng Cộng Hoà có thể sẽ thảm bại trong cuộc bầu cử giữa mùa vào cuối năm 2018)!

Từ cuối tháng 11/2016 đến đầu tháng 3/2017 quả thật chỉ là một thời gian ngắn của 3 tháng qua đi rất mau chóng, và tình hình thế giới cũng chẳng có những biến động kinh hồn để có thể thay đổi tình hình chính trường nước Pháp một cách đáng kể. Ngay cả những vụ khủng bố của những phần tử Hồi-giáo cực đoan ở Pháp nhằm gây kinh sợ cho nhiều người cũng không đủ mạnh để khiến cho đa số cử tri dồn phiếu ủng hộ mạnh mẽ cho bà Marine Le Pen và đảng Front National với chủ trương kỳ thị rõ rệt, ngăn cản không cho dân Ả Rập và Hồi-giáo được nhập cảnh vào Pháp, thậm chí còn đòi hỏi rút lại quốc tịch Pháp của những người này nếu như có lập trường chao đảo!

Thế nhưng chỉ có một vụ tai tiếng nhỏ đã khiến cho thanh danh và uy tín của ông Francois Fillon bỗng chốc bị tụt dốc, và viễn tượng bước vào Điện Elysée của ông bỗng sớm mờ nhạt. Bởi vì vào đầu tháng Giêng vừa qua, tờ Le Canard Enchainé, một tạp chí trào phúng nổi tiếng lâu đời ở Pháp, bỗng tung ra một loạt bài tố cáo chuyện ông Fillon đã lợi dụng chức vụ dân biểu của mình để đưa đẩy bà vợ Penelope và các cậu con trai vào một số các công việc ở Quốc Hội để lãnh lương của chính phủ. Nhưng điều đáng nói hơn hết, và cũng là điều đáng trách, là những công việc này chỉ có trên giấy tờ mà thôi, chứ vợ con ông Fillon không hề phải tốn công sức để đi đến sở làm nhưng vẫn lãnh tiền lương hàng tháng ngon lành.

Khách quan mà nói, không riêng gì ông Fillon, mà có thể rất nhiều các chính trị gia ở Pháp, cũng như ở nhiều nước khác, cũng dễ dàng rơi vào cửa nạn ỷ quyền và lợi dụng chức vụ của mình để đưa đẩy bà con thân thuộc vào một số các công việc hay chức vụ trong chính quyền mặc dù những người này không thực sự có khả năng, và trong nhiều trường hợp, còn là những công chức kiểu “ngồi chơi xơi nước” vì xài tiền của công quỹ nhà nước nên việc kiểm soát hay thanh tra tương đối có phần lỏng lẻo hơn là trong lãnh vực tư nhân.

Vì thế nên vụ tai tiếng của ông Fillon đã trở thành một xì-căng-đan được báo giới ở Pháp khai thác lớn, với cái tên gọi là Penelopegate, bắt chước từ vụ Watergate làm sụp đổ ngôi vị tổng thống của ông Nixon năm xưa. Thay vì lên tiếng nhận lỗi và rút lui để đảng bảo thủ tìm người khác thay thế cho kịp thời, ông Fillon tiếp tục ở lì với hy vọng “cố đấm ăn xôi”. Nhưng ông càng chống chế và càng nguỵ biện chừng nào thì uy tín của ông càng tụt dốc, nhất là sau khi ông bị toà án Pháp chính thức cáo buộc về tội danh thâm lạm công quỹ.


Từ đó, rất nhiều những đồng minh của ông đã rút lại sự ủng hộ và quay sang ủng hộ cho ông Emmanuel Macron. Một số những chi tiết linh tinh khác sau đó cũng được tiết lộ, càng khiến cho hình ảnh và uy tín của ông Fillon bị ô uế thêm nữa, chẳng hạn như việc tiết lộ ông đã nhận quà từ một thương gia là những bộ đồ veste đắt giá cả chục ngàn Euros nhưng cho rằng chẳng có gì là quá đáng. Để rồi chỉ vài ngày sau khi bị dư luận tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ thì lại chịu thú nhận là sẽ đồng ý trả lại những món quà này!
Sự xuống dốc của ông Fillon cũng đồng nghĩa với sự đi lên của ông Macron vì xem chừng như ông là ứng viên sáng giá duy nhất còn lại với lập trường tương đối khả quan so với lập trường bảo thủ cực hữu của bà Marine Le Pen. Vì thế nên nhiều chuyên gia đã tiên đoán rằng chỉ cần ông Macron lọt qua khỏi vòng đầu thì chắc chắn là ông ta sẽ trở thành tân tổng thống của Pháp sau vòng bầu cử kỳ nhì vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 5 sắp tới.

Nhưng càng đến gần ngày bầu cử ở vòng đầu vào ngày 23/4 vừa qua, một ứng viên cực tả là Jean Luc Melenchon bỗng nhiên thu hút số đông cử tri đến tham dự các cuộc mít-tinh do ông chủ trì. Ông này cũng có tài ăn nói thu hút đám đông theo kiểu mị dân, nhưng với lập trường cực tả (cũng gần tương tự như kiểu của Bernie Sanders tại Mỹ) với những lời hứa hẹn bao cấp rộng rãi cho dân nghèo ở Pháp. Nhưng Jean Luc Melenchon, với đảng mới thành lập có tên là “La France Insoumise”, tạm dịch là Nước Pháp Bất Khuất, cũng có lập trường đòi tách rời nước Pháp khỏi Liên Hiệp Âu Châu.

Thoạt đầu, ứng viên Benoit Hamon của đảng Xã Hội cũng có tham vọng kết hợp với ông Melenchon này để thành lập một liên minh cánh tả. Nhưng uy tín của ông Hamon không đủ mạnh để thuyết phục, và từ đó ông Melenchon bắt đầu thu hút một số lớn cử tri cấp tiến cực tả nghe theo.
Cho nên đến những ngày chót trước vòng bầu cử đầu tiên, nhiều cuộc thăm dò dân ý cho thấy là có đến 4 ứng viên có số phiếu cao nhất là bà Marine Le Pen và các ông Emmanuel Macron, Francois Fillon và Jean Luc Melenchon. Ngoài bà Marine Le Pen được coi là có xác suất cao nhất trong số 2 người về đầu, một trong 3 người còn lại cũng đều có hy vọng trở thành người lọt vào vòng hai.
Trong tình cảnh này, trường hợp mà nhiều người lo sợ nhất là giả sử như cả bà Marine Le Pen lẫn ông Jean Luc Melenchon đều lọt vào vòng hai thì không biết đa số người dân Pháp còn lại sẽ giải quyết ra sao vì cả hai nhân vật này đều đòi tách rời nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, để quay trở về trong nội địa nước Pháp mà thôi. Nếu điều này trở thành hiện thực, coi như dân Pháp sẽ bắt chước theo dân Anh với cuộc bầu cử Brexit vừa qua, cũng như dân Mỹ với kết quả bỏ phiếu ủng hộ cho Donald Trump vào cuối năm ngoái.

QUYẾT ĐỊNH DỒN PHIẾU Ở VÒNG HAI

Nếu chỉ đọc các bản tin trên các diễn đàn truyền thông ở Mỹ, nhiều người có thể lầm tưởng rằng chính trường nước Pháp được chia thành 2 phe cấp tiến (đảng Xã Hội) và bảo thủ (đảng Cộng Hoà) đã thay phiên nhau nắm quyền điều hành chính phủ tại Pháp kể từ ngày thành lập nền Đệ Ngũ Cộng Hoà vào năm 1958. Trong thực tế, tình hình có phần rắc rối và chi tiết nhiều hơn, tuy rằng nó cũng có thể được tóm gọn là hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ đã thay nhau lên nắm quyền.

Xã hội và chính trường nước Pháp, cũng giống như nhiều nước ở Âu Châu, không chỉ bao gồm hai chính đảng lớn như tại Hoa Kỳ với 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Đúng ra nó có rất nhiều đảng lớn nhỏ khác nhau, nhưng thường là không có một đảng duy nhất nào đủ lớn mạnh để chiếm đa số áp đảo. Thông thường có thể là 3 hay 4 đảng được xem là có thực lực nhất, có thể chiếm tỉ lệ từ 15% đến 30% trong các kỳ bầu cử. Ngoài ra còn có thêm một lô những đảng nhỏ khác, theo đuổi những khuynh hướng quá khích như cực tả và cực hữu, hoặc là chỉ tranh đấu cho một mục đích cụ thể nào mà thôi. Chẳng hạn như đảng Xanh, chuyên tranh đấu cho các chủ đề bảo vệ môi sinh, trong những năm gần đây bắt đầu tạo được sự chú ý nhiều do bởi những hiểm hoạ về môi trường do “hiện tượng lồng kính” làm hâm nóng địa cầu.

Trong suốt nhiều thập niên qua, chính trường nước Pháp được chia ra theo hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ. Về phía cấp tiến có đảng Xã Hội tương đối lớn mạnh và vững bền, rồi sau đó là đảng Cộng Sản, rất có thế lực thời thập niên 1980 dưới thời lãnh tụ George Marchais, và sau này là nhiều đảng nhỏ khác như Force Ouvrière, thường là có uy thế mạnh trong các nghiệp đoàn lao động tại Pháp.

Còn về phía bảo thủ thì đảng lớn nhất là do TT Charles de Gaulle thành lập lúc ban đầu, với cái tên khá dài là “Tập Hợp Người Dân Chủ cho nền Cộng Hoà, nên thường được gọi là đảng Gaullist, sau đó đổi thành nhiều tên khác nhau để rồi giờ đây lại lấy tên là đảng Les Republicains (Cộng Hoà). Điều trớ trêu là trước đó cũng có một đảng lấy tên là Republican Independent (Cộng Hoà Độc Lập), nhưng lại không phải trung thành với De Gaulle mà được coi là bảo thủ ôn hoà, hay trung hữu theo cách gọi của giới truyền thông.

Vào các thập niên 1970 và 1980, sau khi TT Pompidou bất ngờ qua đời, nội bộ trong đảng Gaullist chia rẽ, phe cánh già như Jacques Chaban-Delmas không đạt được sự ủng hộ đông đảo của cử tri. Trong lúc đó, giới lãnh đạo trẻ như Jacques Chirac lại quay sang liên hiệp và ủng hộ Valerie Giscard d’Estaing của đảng Republican Independent để giúp ông này đắc cử tổng thống vào năm 1974. Nhưng điều éo le là sau đó ông Giscard lại có tham vọng biến đảng Republican Inpendent của mình lớn mình thành đảng UDF, nên tìm cách chia rẽ đảng Gaullist, khiến cho Chirac tức giận và rút lại sự ủng hộ của mình. Điều này đã dẫn đến sự thất cử của ông Giscard ở vòng hai của kỳ bầu cử năm 1981 và đưa ông Mitterrand trở thành tổng thống vì nhiều cử tri Gaullist không nhất tề dồn phiếu cho ông Giscard.

Sau này, ông Chirac củng cố đảng Gaullist, đổi tên thành RPR, và sau này đến thời của Sarkozy và Fillon gần đây để lấy tên thành Les Republicains. Điều đáng nói là bên cánh hữu tuy có những sự trục trặc và va chạm như vậy, nhưng khi bước vào vòng thứ nhì thì tất cả các ứng viên cũng đều bỏ qua những tranh chấp này để kêu gọi cử tri ủng hộ họ hãy dồn phiếu cho đối thủ còn hơn là cho bà Marine Le Pen (hoặc ông Jean Marie Le Pen như trước đây). Điều này đã xảy ra trong cuộc bầu cử các hội đồng tỉnh hồi năm 2014 vừa qua.

Vì thế nên kết quả về đầu lần này của ông Emmanuel Macron đã được nhiều người tiên đoán là nó báo trước ông ta sẽ dễ dàng thắng cử ở vòng hai, cho dù nhiều người vẫn lo ngại rằng các cuộc thăm dò dân ý vẫn có thể sai lầm, như đã xảy ra trong hai vụ Brexit và kết quả bầu cử cho Donald Trump mới đây.

Và đó là một điều may mắn cho người dân nước Pháp, khi họ vẫn còn sáng suốt để nhận chân rõ vấn đề, để bỏ phiếu một cách sáng suốt, thay vì bỏ theo cảm tính của mình vì nông nổi và dễ bị ảnh hưởng bởi những chiêu bài mị dân kích thích tinh thần tự ái dân tộc không đúng chỗ như đa số người dân tại Anh và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua.

MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 01/05/2017

Tái bút:
Kết quả mới nhất ở kỳ bầu cử vòng nhì vào tối Chủ Nhật 7 tháng 5 cho thấy là Emanuel Macron đã thắng lớn đúng với dự đoán của các chuyên gia cũng như các bảng thăm dò dân ý, bởi vì khi các phòng phiếu mới đóng cửa bà Marine Le Pen đã nhanh chóng gọi điện thoại chúc mừng sự thắng cử to lớn của đối thủ Emanuel Macron, tân tổng thống nước Pháp, đem lại niềm hy vọng cho người dân Pháp nói riêng, và cả Âu Châu nói chung, sau hai kết quả ngựa về ngược đầy tai hại như Brexit tại Anh và Donald Trump tại Hoa Kỳ.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Virus-free. www.avastcom
__._,_.___

Posted by: "Nhat Lung" 

No comments:

Post a Comment

Thanks

Featured post

Lisa Pham Vấn Đáp official 8/6/2023

Popular Posts

Popular Posts