Chuyện gì sẽ xảy ra ở
Việt Nam năm 2015?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành
lập đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 2/2/2015.
·
·
·
Tin liên hệ
04.02.2015
Không cần có tài tiên tri, chỉ cần theo dõi sinh hoạt chính trị
Việt Nam một chút, ai cũng dễ dàng nhận thấy năm 2015 này sẽ có nhiều chuyển biến
phức tạp, có khi, ngoạn mục trên sân khấu chính trị Việt Nam.
Trước hết, về phương diện đối nội, trong năm nay, giới lãnh đạo
Việt Nam sẽ đấu đá với nhau để giành những chức vụ cao cấp nhất trong guồng máy
đảng và nhà nước vào kỳ đại hội đảng dự định sẽ được tổ chức vào đầu năm 2016.
Bình thường, vào những dịp như thế này, sự đấu đá lúc nào cũng gay
gắt nhưng năm nay mức độ gay gắt có lẽ sẽ tăng mạnh với hai đặc điểm chính. Một
là một phương tiện mới: internet; và hai là một khía cạnh mới: tham nhũng. Tiêu
biểu nhất cho hai đặc điểm này là tờ báo mạng Chân Dung Quyền Lực đang gây sôi
nổi trong dư luận. Chúng ta không thể biết rõ ai đứng đằng sau trang mạng Chân
Dung Quyền Lực nhưng có điều hầu như chắc chắn: Đó là một mặt trận giữa các cán
bộ trong giới lãnh đạo trong cuộc chạy đua vào những chiếc ghế cao nhất trong
hệ thống đảng và chính quyền. Càng gần ngày đại hội đảng, nội dung của việc tố
cáo trên trang Chân Dung Quyền Lực có lẽ sẽ tập trung và cũng mạnh mẽ hơn. Đó
là chưa kể một số trang mạng mới có chức năng tương tự sẽ được ra đời. Cho đến
nay, trên
Chân Dung Quyền Lực, Nguyễn Tấn Dũng vẫn được khen ngợi nồng nhiệt, nhưng trong
tương lai, nếu Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu vận động để tranh giành chiếc ghế Tổng
bí thư, chắc chắn sẽ có những trang mạng khác phanh phui tài sản của ông cũng
như của con cái và họ hàng của ông.
Nói đến các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng Cộng sản, có một
điểm cần được ghi nhận: Trước, chúng được che giấu rất kỹ; sau, qua mạng
lưới internet, tin tức bị xì ra ngoài càng lúc càng nhiều. Trước, có vụ xì tin
về “đồng chí X” bị Bộ Chính trị cảnh cáo; sau, gần đây hơn, kết quả bỏ phiếu
tín nhiệm trong Trung ương đảng được tiết lộ, ở đó, “đồng chí X” lại được nhiều
phiếu tín nhiệm cao nhất. Khi các cuộc tranh chấp nội bộ càng quyết liệt, có
lẽ các tin tức từ bên trong sẽ được tiết lộ càng nhiều.
Về phương diện đối ngoại, năm 2015 này sẽ có mấy vấn đề chính.
Thứ nhất, trong quan hệ với Trung Quốc, một trong những mục tiêu
lớn nhất mà Trung Quốc nhắm tới chắc chắn là gây áp lực để Việt Nam phải bầu
những người thân Trung Quốc lên những vị trí cao nhất trong guồng máy lãnh đạo.
Đây là điều Trung Quốc vẫn thường làm trong các kỳ đại hội đảng trước kia.
Chỉ có điều là không ai có thể biết chắc Trung Quốc sẽ chọn biện
pháp nào để gây áp lực lên chính quyền Việt Nam. Tôi nghĩ chỉ có một trong hai
khả năng. Một là đe doạ bằng cách tăng cường các hoạt động quấy phá trên Biển
Đông; hai là, nhẹ nhàng hơn, tránh các xung đột có thể làm nảy sinh tư tưởng
bài Trung Quốc trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi nghĩ khả năng thứ hai sẽ được chọn lựa vì nó hợp với các mục
tiêu chiến lược “một vành đai và một con đường” (one belt, one road) mà Trung
Quốc đang nhắm tới với nội dung chính là phát triển một vành đai tơ lụa về kinh
tế (silk road economic belt) để nối liền Trung Quốc với châu Âu qua ngả Trung
và Tây Á và một con đường tơ lụa hàng hải (maritime silk road) để nối liền
Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á và châu Phi. Để mở rộng con đường và
vành đai này, trong năm qua, Trung Quốc đã chọn lựa các giải pháp mạnh bạo như
đơn phương thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên Hoa Đông (ADIZ) cũng như
mang giàn khoan HD-981 đến thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa Việt Nam.
Những hành động phô trương sức mạnh ấy chỉ gây ra các phản ứng
ngược khiến một số quốc gia trong vùng, một mặt, đoàn kết với nhau hơn (như
giữa Việt Nam, Philippines và Nhật Bản); mặt khác, khiến họ ủng hộ chính sách
quay về với châu Á của Mỹ hơn.
Hơn nữa, riêng trong quan hệ với Việt Nam, bất cứ hành động đe doạ
công khai nào cũng chỉ làm cho giới lãnh đạo Việt Nam đoàn kết với nhau sau
lưng những người có chủ trương cứng rắn trong việc bảo vệ Biển Đông và đẩy họ
vào cái thế không còn chọn lựa nào khác ngoài việc bắt tay với Mỹ. Bởi vậy, tôi
tiên đoán trong năm 2015, áp lực chính của Trung Quốc lên Việt Nam chủ yếu ở
hai lãnh vực kinh tế và ngoại giao. Trung Quốc sẽ chỉ mạnh tay với Việt Nam sau
khi đại hội đảng kết thúc vào đầu năm 2016.
Thứ hai, trong quan hệ với các nước khác, Việt Nam có hai mục tiêu
chính: Một, về phương diện kinh tế, cố gắng để Hiệp định đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership) được ký kết; và hai, về phương diện
chính trị, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt là
Philippines, Nhật Bản và Mỹ. Cả hai mục tiêu này đều nhắm đến một mục tiêu
khác, quan trọng hơn: dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong các mục tiêu vừa nói, Việt Nam có hai trở ngại chính: Một là
vấn đề nhân quyền và hai là áp lực của Trung Quốc. Trong quan hệ ngoại giao
giữa Việt Nam và Mỹ, Mỹ lúc nào cũng xem việc cải thiện nhân quyền là một trong
những điều kiện chính yếu để tăng cường sự hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên,
yêu sách này vẫn không gây nhiều trở ngại cho bằng những sự phản đối từ Trung
Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không ngồi yên để Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hợp
tác về quân sự với Nhật Bản, Philippines và Mỹ. Có thể tiên đoán Việt Nam sẽ
chọn các giải pháp liên kết một cách dè dặt và chậm rãi hơn. Điều này, một mặt,
không làm Trung Quốc nổi giận, nhưng mặt khác, lại làm Việt Nam lỡ cơ hội phát
triển cả về ngoại giao, chính trị lẫn quân sự để có thể đủ sức đương đầu với
Trung Quốc khi Trung Quốc chọn giải pháp mạnh tay nhằm hiện thực hoá con đường
lưỡi bò trên Biển Đông.
Nói cách khác Trung Quốc có rất nhiều thời gian để làm bá chủ trên
Biển Đông nhưng Việt Nam chỉ có một số cơ hội để xây dựng các liên minh chiến
lược nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của mình. Năm 2015 này là một
trong những cơ hội hiếm hoi ấy.
No comments:
Post a Comment
Thanks